Trích từ Dân Chúa

Đức Ki-Tô: Ngôn Sứ Và Tông Đồ

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xứ dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa.(Lc 4, 18-19)

Cuộc đời "chứng nhân và tông đồ" của Thánh Phêrô đã kết thúc cách trọn vẹn và hào hùng phần nào đã gói gém trong giai thoại "Quo Vadis" mà các Ki-tô hữu ban đầu đã truyền tụng cho nhau : Phêrô tìm đường lẫn trốn khỏi Rôma vì sợ bị giết chết. Trên đường Apia, lúc đến gần cửa Capena, Đức Kitô chợt hiện đến. Phêrô ôm chầm lấy chân Thầy và thưa : "Domine, quo vadis ?". Đức Kitô đáp lại : "Vì ngươi đã bỏ đàn chiên ra đi, nên Ta phải trở lại để một lần nữa chịu đóng đinh chứ đi đâu !"…Sau biến cố nầy, Phêrô đã quyết định trở lại Rôma, đi lại con đường khổ nạn của Thầy, tiến lên hý trường Caligula trên đồi Vatican và bị đóng đinh ngược đầu xuống đất…

Nói đến "Ngôn sứ và Tông đồ", hình như luôn gợi lên trong chúng ta một chút gì đó đượm chất bi hùng và kịch tính. Nhưng đó lại cũng là một "ơn gọi", một "sứ mệnh", một chọn lựa và là lối sống căn bản của mỗi người Ki-tô hữu, cách riêng của những người được thánh hiến.

Để hiểu và sống ơn gọi nầy, chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng Đức Ki-tô, vị "Ngôn sứ và Tông đồ của Chúa Cha" để từ đó rút ra những áp dụng cụ thể cho riêng mình.

A/. ĐỨC KITÔ, VỊ NGÔN SỨ

1. Mạc khải Thánh Kinh xác nhận Đức Kitô là Ngôn sứ :

- Đức Kitô Vị Ngôn sứ đã được loan báo tự ngàn xưa :

Thật vậy ông Mô-sê đã nói : Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Tiên Chúa của anh em sẽ cho chỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân. (Cv 3, 22-23)

- Đức Kitô tự nhận mình là ngôn sứ :

"…Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi" (Mt 13, 53-58)

" Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xứ dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…"

Người bắt đầu nói với họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe". (Lc 4, 18-21)

-Dân chúng tung hô Đức Kitô là Ngôn sứ :

- Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau : "Ông nầy là ai vậy ?" Đám đông trả lời : "Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy" (Mt 21, 10-1)

- (Sau khi phục sinh con trai bà goá thành Naim) : Mọi người đều kính sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng : "Một vị Ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta" (Cf. Ga 6, 14-15)

- Người phụ nữ Sa-ma-ri nhìn nhận Ngài là Ngôn sứ (Ga 4, 19).

- Người mù từ lúc mới sinh tin Ngài là Ngôn sứ (Ga 9, 17).

2. Đức Ki-tô thực hiện sứ mệnh ngôn sứ :

- Nói Lời Thiên Chúa, làm chứng cho chân lý :

"Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều nầy : đó là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía của sự thật thì nghe tiếng tôi" Ga 18, 37)

"Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết : mệnh lệnh của Ngài là sự sống đời đời. Vậy những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi" (Ga 12, 49-50).

Khai mở Triều đại mới của Thiên Chúa, thời kỳ giải thoát :

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xứ dầu tấn phong tôi,

để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai tôi đi công bố

cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,

cho người mù biết họ được sáng mắt,

trả lại tự do cho người bị áp bức,

công bố một năm hồng ân của Chúa. (Lc 4, 18-19)

- Loan báo sự thanh tẩy của Thiên Chúa :

- Than trách Giê-ru-sa-lem (Lc 13, 34-35).

- Báo trước Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (Lc 19, 41-44/21, 5-7; 20-13)

3. Cái giá cho sứ mệnh ngôn sứ : Tử đạo

"Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì nầy, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. (lc 6, 22-23)

"Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi ! (Lc 13,34)

"Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được" (Lc 13, 33).

4. Hội Thánh tiếp nối sứ mênh ngôn sứ :

Khi trình bày mầu nhiệm Giáo Hội trong chiều kích "lữ hành", Công đồng Va-ti-can II đã có những lời đầy xác tín như sau :

"Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa, Giáo Hội rao truyền cái chết và thánh giá Chúa, cho đến khi Người trở lại (1Cr 11, 26). Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh, để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn ẩn dấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết" (GH 8)

Và cũng như Đấng Ngôn sứ tiền phong, Vị Mục Tử nhân lành hy sinh cho đàn chiên, Hội Thánh suốt 2000 năm nay luôn đón nhận cái giá "bách hại". Và nói theo ngôn ngữ của sách Khải Huyền thì có cả "một đoàn lũ đông đảo không thể đếm được đã giặt áo mình trong máu Con Chiên" (Kh 7, 9-14). Chính trong cảm nhận nầy cùng với kinh nghiệm "ngục tù cay đắng" của mình, ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận đã viết :

Chúng ta đã không biết có bao nhiêu vị tử đạo hướng nhìn lên Chúa trong nổi cô đơn của tù ngục, trong những giờ phút sau khi lãnh án tử hình, trong những đêm dài chờ đợi bàn tay sát nhân gần kề, trong cái lạnh của trại tập trung, trong nổi đớn đau và trong sự mệt nhọc của những cuộc đi bộ vô nghĩa. Chúng ta không biết có bao nhiêu người đã hướng mắt nhìn lên Chúa và đã làm cho đời họ phù hợp với cuộc đời và cuộc tử đạo của Chúa Giê-su. Nhiều lắm, nhiều hơn chúng ta tưởng nghĩ. Và đã xảy ra như viết trong thư gởi giáo đoàn Do Thái : "Anh chị em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh chị em khỏi sờn lòng nản chí… (CNHV, trang 172-173)

Và có một điều làm chúng ta hãnh diện và xác tín, Hội Thánh Việt Nam cũng đã có một "đoàn lũ đông đảo" những con người sống trọn vẹn sứ mệnh ngôn sứ, đã biết nhìn lên Đấng chịu đóng đinh và đã trở thành những hạt lúa mục nát cho Giáo Hội hôm nay có mùa kết trái đơm hoa. Trong số đó có rất nhiều những chị em dòng Mến Thánh Giá.

5. Đời thánh hiến và sứ mệnh ngôn sứ :

Trong chương "Một chứng tá mang tính ngôn sứ trước những thách đố lớn" với các số 84-86, Tông huấn "Đời Thánh Hiến" đã chỉ ra những nét chủ yếu :

- Bản chất "ngôn sứ" của đời thánh hiến :

Các Nghị Phụ tại Thượng Hội Đồng đã nhấn mạnh nhiều đến đặc tính ngôn sứ của đời thánh hiến. Đặc tính nầy là một cách tham gia đặc biệt vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Ki-tô, đã được Thánh Thần thông ban cho toàn thể Dân Chúa. Tính Ngôn sứ đó gắn liền với đời thánh hiến, bởi lẽ nó đòi buộc phải triệt để bước theo Chúa Ki-tô và như vậy nó kêu mời dấn thân vào sứ mệnh có đặc tính ngôn sứ. Công đồng Vatican II công nhận đời tu có phận sự làm dấu chỉ, một dấu chỉ có tính ngôn sứ về vị thé trỗi vượt của Thiên Chúa và của những giá trị Tin Mừng trong đời sống Ki-tô hữu… (ĐTH 84)

- Việc thể hiện tính ngôn sứ trong đời thánh hiến :

Trong lịch sử Giáo Hội, bên cạnh những ki-tô hữu khác vẫn luôn có những người nam và nữ tận hiến cho Thiên Chúa, nhờ đặc ân riêng của Thánh Thần, thi hành tác vụ Ngôn sú chân chính, lên tiếng nhân danh Thiên Chúa để nói cho mọi người và cho cả những mục tử trong Giáo Hội nữa, lời ngôn sứ chân chính đến từ Thiên chúa, từ việc sống trong tình thân với Thiên Chúa, từ sự chăm chú lắng nghe Lời Chúa trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Ngôn sứ cảm thấy trong lòng mình sôi sục nổi đam mê sự thánh thiện của Thiên Chúa, và sau khi đã đón nhận Lời Chúa trong đối thoại và cầu nguyện, Ngôn sứ công bố lời đó qua cuộc sống, trên môi miệng, và bằng hành động của mình, trỏ thành người phát ngôn của Thiên Chúa chống lại sự dữ và tội lỗi. Chứng tá ngôn sứ buộc phải liên lỉ và say sưa tìm ý Chúa, nhất thiết và quảng đại hiệp thông với Giáo Hội, thực hành sự phân định thiêng liêng và yêu mến sự thật. Vị ngôn sứ trở thành chứng tá vì biết tố giác những điều trái ngược với ý Chúa, và biết khai mở những con đường mới đem Tin Mừng vào lịch sử, cho Nước Chúa sớm đến" (ĐTH 84)

- Thế giới đang cần chứng tá ngôn sứ của đời thánh hiến :

Trong thế giới của chúng ta, những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa, nên người ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chúng tá ngôn sứ thật mãnh liệt từ phía những người được thánh hiến. Chứng tá đó trước tiên khẳng định vị thế ưu việt của Thiên Chúa và của những điều thiện hảo sẽ đến, khẳng định đó được biểu lộ trong việc bước theo Chúa Kitô, trong việc noi gương Chúa Kitô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục, tận hiến hoàn toàn để tôn vinh danh Cha Người và để yêu thương anh chị em của Người…

Sự liên kết chặt chẽ giữa việc loan báo và cách sống mang lại một sức thuyết phục đặc biệt cho lời ngôn sứ. Những người được thánh hiến sẽ trung thành với sứ mạng của họ trong Giáo Hội và trong thế giới, nếu họ có khả năng thường xuyên xét mình dưới ánh sáng Lời Chúa… (ĐTH 85)

-Tử đạo, vẫn là "cái giá cuối cùng" cho sự trung thành :

Trong thế kỷ nầy, cũng như ỏ nhiều thời đại khác trong lịch sử, nhiều người nam và người nữ được thánh hiến đã làm chứng cho Chúa Ki-tô đến hy sinh mạng sống. Hàng ngàn người khi bó buộc phải trốn tránh trong các hang toại đạo vì bị các chính quyền độc tài hoặc những nhóm bạo động bách hại, bị cản trở trong các hoạt động truyền giáo, trong công việc phục vụ người nghèo, trong việc săn sóc bệnh nhân và những người sống ngoài xã hội, đã và đang sống sự vâng phục của họ với giá phải trả là những đau khổ lâu dài và anh dũng, và thường phải đổ máu, như vậy họ được nên hoàn toàn đồng dạng với Chúa Kitô… (ĐTH 86).

6. Vài áp dụng thực hành :

- Duy nhất hoá đời sống : Thấm nhập và làm cho Lời Đức Kitô thật sự biến đổi chính con người mình mỗi ngày. Suy nghĩ, cầu nguyện, nói và hành động phải phù hợp với "thước đo" của Lời Chúa, của đức tin, của đức ái…

- Can đảm sống sự thật, làm chứng cho sự thật từ việc nhỏ đến việc lớn. Đời sống cộng đoàn thường hay biến các thành viên sống theo "bầy, đàn", tránh né, sợ đụng chạm, sợ mất lòng bề trên, sợ mất ơn gọi, sợ liên luỵ…Từ đó dễ dẫn tới lối sống giả dối, thiếu trung thực với chính mình và với mọi người. Cuộc sống đó có thể làm mờ đi đặc tính " ngôn sứ " của đời thánh hiến, hay nói theo ngôn ngử "tâm lý chiều sâu" của Nữ tu M. Dolores S.n J.m thì cuộc sống đó là một "ngăn chặn sáng tạo tính" trong đời tu :

"Tất cả điều gì là mới mẻ : con người, tư tưởng, chương trình, giờ giấc, tập tục, đều gặp phải nghi ngờ, chống đối dưới hình thức đạo đức. Trong bầu khí nầy, sự sáng tạo sẽ phai tàn và mai một, nếu không bùng nổ qua một tác phong nổi loạn, thiếu thích nghi. Đầu óc tầm thường thích những dấu xe cũ kỹ hơn những con đường mới vốn đưa đến một mục đích. Và bởi vì sự tầm thường được số đông ưa chuộng, nó có thể thống trị mạnh mẽ trên một cộng đoàn tu sĩ cũng như trong một tập thể khác"

(Bản dịch Việt Ngữ : Dâng hiến sáng tạo của Ngô văn Vững S.J. trang 185).

- Tinh thần sáng tạo và ý thức tự do :

Sống và thể hiện sứ mệnh ngôn sứ cũng là cuộc sống đầy sáng tạo và ý thức đúng đắn về sự tự do đích thực. Đó cũng chính là sự trưởng thành nhân cách về mặt thiêng liêng cũng như nhân bản, là sự thực hiện đức ái cộng đoàn và thăng tiến huynh đệ. Chúng ta đừng quên lời Đức Ki-tô : "Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông" (Ga 8, 32). (Cf. Dâng hiến sáng tạo, trang 190-191 : Sáng tạo tính và tự do).

B/. ĐỨC KITÔ, VỊ TÔNG ĐỒ

1. Đức Ki-tô, Vị Tông Đồ của Chúa Cha :

Tin Mừng đã xác nhận chân lý nầy :

"Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em" (Ga 20, 21)

"Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi : "Ông nói phạm thượng" vì tôi đã nói : "Tôi là con Thiên Chúa" (Ga 10, 36)

"Như Chúa Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian" (Ga 17, 18).

2. Đức Ki-tô sai các Tông đồ :

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3, 13-19)

Vâng, Tông Đồ (Apostolos) có nghĩa "Kẻ được sai đi". Và kể từ "Kẻ được Chúa Cha sai đầu tiên" là "Con Một", đến những "thuyền chài xứ Ga-li-lê" được Người Con ấy chọn để "ở với Ngài và được sai đi", nối tiếp nhau suốt 2000 năm nay đã có bao nhiêu thế hệ Tông đồ, kế tiếp nhau, chuyền tay nhau ngọn đuốc của Tin Mừng Cứu độ để thắp sáng trần gian và đưa về cho Thiên Chúa một "Đoàn Dân duy nhất".

3. Sứ mệnh Tông đồ trong đời thánh hiến :

Thật ra, mọi người Kitô hữu đều được trao sứ mệnh tông đồ qua bí tích Rửa tội. Cho nên mọi người đều có thể nói như Thánh Phaolô : "Thật vậy, đối với tôi, trao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cr 9, 16). Chính vì thế, sứ vụ tông đồ phải chiếm vị trí quan trọng trong đời sống thánh hiến. Tông huấn ĐTH đã xác quyết điều đó như sau :

Quả vậy, ngoài những ơn sũng riêng biệt của những hội dòng đặc trách sứ mệnh đến với muôn dân hay dấn thân vào những hoạt động đích thực tông đồ, ta có thể nói rằng ý thức truyền giáo chiếm vị trí trung tâm của mọi hình thức đời thánh hiến. Người được thánh hiến càng sống một đời sống hoàn toàn dâng hiến cho Chúa Cha, được chiếm hữu bởi Chúa Con, được tác động bởi Chúa Thánh Thần, thì càng cộng tác hữu hiệu vào sứ mệnh của Chúa Giê-su bằng cách đặc biệt góp phần vào việc canh tân thế giới. (ĐTH số 25).

Để làm bật nổi ý nghĩa trên và để xác định nhân tố nền tảng quyết định cho mọi công cuộc truyền giảng Tin Mừng, ĐGH G.P II đã có những lời mạnh mẽ và tha thiết trong Tông huấn "Giáo Hội tại Á Châu " :

Việc loan truyền nầy là là một sứ vụ cần những con người nam nữ thánh thiện, họ sẽ làm cho Đấng Cứu Thế được biêt và được yêu suốt đời của họ. Một ngọn lửa chỉ được cháy lên bằng cái gì đã bén lửa. Cũng vậy, việc loan truyền Tin Mừng cứu độ tại Á Châu chỉ có thể đạt hiệu quả, nếu các Giám Mục, các hàng Giáo sĩ, những kẻ sống đời thánh hiến và giáo dân, cháy bỏng tình yêu Chúa Kitô và nung đốt nhiệt tâm làm cho Người được biết đến cách rộng rãi hơn, được yêu mến cách sâu xa hơn, và được theo sát ngay bên hơn. Người Kitô hữu muốn nói về Chúa Kitô thì phải làm cho đời sống mình thấm nhuần sứ điệp mà họ rao giảng. (GHTAC số 23)

Tông huấn cũng đã chỉ ra những nguyên tắc nền tảng hướng dẫn việc thực thi sứ vụ tông đồ :

Sự tìm kiếm Chúa, một đời sống hiệp thông huynh đệ, và sự phục vụ kẻ khác, là ba đặc tính chủ yếu của đời sống thánh hiến, có thể nêu lên một chứng tá Kitô có sức lôi cuốn cho các dân tộc Á Châu ngày nay (GHTAC 44; Cf. SVĐCĐ số 70).

Ngoài các nguyên tắc căn bản đó, ĐGH tập chú vào hai đối tượng mục vụ quan trọng mà cả Hội Thánh cùng nỗ lực thực hiện trong viễn tượng của Ngàn Năm mới nầy đó là "Hội Nhập Văn Hoá" và "Ưu tiên cho người nghèo" :

Nếu đời thánh hiến duy trì năng lực ngôn sứ là đặc tính của mình, thì sẽ trở nên, ngay bên trong một nền văn hoá, một thứ men phúc âm có thể tinh luyện nền văn hoá ấy và làm cho nó phát triển (…) Đến lượt mình, một sự hội nhập văn hoá đích thực sẽ giúp những người được thánh hiến sống tính triệt để của phúc âm, theo đặc sủng của hội dòng mình và đặc điểm của dân tộc mà họ giao tiếp. (ĐTH 80).

Sự lựa chọn người nghèo nằm trong chính cái lý của tình yêu được sống như Chúa Kitô đã sống. Tất cả các môn đẹ Chúa Kitô phải có sự lựa chọn nầy, nhưng những ai muốn theo sát Chúa Kitô bằng cách bắt chước lối sống của Người không thể không cảm thấy sự lựa chọn ấy liên quan đặc biệt tới họ. Thành thật đáp lại tình yêu Chúa Kitô sẽ dần dần đưa họ đến chỗ sống như người nghèo và bênh vực người nghèo (…) Đối với đời thánh hiến, phục vụ người nghèo là một hành vi phúc âm hoá và đồng thời đóng ấn trung tín với Tin Mừng và mời gọi hoán cải thường xuyên, bởi vì, như Thánh Grêgôriô cả nói : "Lòng mến vươn tới đỉnh cao cách lạ lùng khi nó sẵn sàng mở lòng nhân hậu để cho nổi khốn cùng của người lân cận kéo xuống, và càng yêu thương xuống với những người yếu hèn, nó lại càng thêm sức để bay bổng lên cao" (ĐTH 82)

Kết :

Đọc lại những trang sử hào hùng của Giáo Hội, chúng ta luôn thấy ngời sáng lên những "bước chân tuyệt vời của những người loan Tin Mừng", những chứng tá hùng hồn của biết bao nhiêu người nam nữ sống đời thánh hiến làm mẫu gương, điểm qui chiếu và gợi hứng cho chúng ta hôm nay và mãi mãi. Những lời kinh tuyệt vời của Thánh Phan-xi-cô thành Assisi, tâm hồn "thơ bé nhưng vĩ đại của Thánh Nữ Tiến sĩ Tê-rê-xa Hài Đồng, những bước chân không mệt mõi của Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, tình yêu trong sáng, rạng ngời của Á Thánh An-rê Phú-Yên, bàn tay ốm yếu, gương mặt nhăn nheo luôn chạm tới người nghèo của Mẹ Tê-rê-xa thành Cal-cut-ta…tất cả đã trở thành những hành trang quí giá và cần thiết cho chúng ta hôm nay.

Cuộc dấn thân cho ơn gọi ngôn sứ - tông đồ luôn đòi hỏi nhiều hy sinh, gian khổ, nhiều khi phải thí cả mạng sống. Tuy nhiên "Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian, và Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Ga 16, 33; Mt 28, 20).

URL: http://danchuausa.net/than-hoc/duc-ki-to-ngon-su-va-tong-do/