Trích từ Dân Chúa

Linh Mục Tốt Hay Không Đều Do Các Tương Quan (phần 4)

Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

Phần Bốn
NHỮNG TRÔNG ĐỢI

1. LINH MỤC TƯƠNG LAI TRÔNG ĐỢI…

a) Nơi Giám Mục và Linh mục đoàn

· Cần có sự cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ từ Đức Giám mục. Nhưng không nên kỳ vọng quá nhiều vào Ngài, đòi hỏi sự nâng đỡ đặt biệt hơn anh em linh mục khác.

· Cần có tình hiệp thông liên đới trong linh mục đoàn. Cùng cộng tác trọng mục vụ, chia sẻ và nâng đỡ giữa anh em linh mục. Mong sự cộng tác và nâng đỡ, hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau hướng tới vinh danh Thiên Chúa.

b) Nơi bản thân mỗi linh mục

· Mong chính bản thân linh mục luôn biết hướng tới Chúa là trung tâm và cùng đích của đời sống linh mục của mình. Cần ơn Chúa giúp phát triển đời sống thiêng liêng, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa tình yêu, sống hiền hoà với mọi người theo gương Chúa Kitô là Mục Tử nhân lành.

· Không nên thần thánh hoá đời sống Linh mục, để đòi hỏi sự phục vụ, trọng vọng nơi giáo dân và tìm vinh danh cho mình. Không quan cách trong giao tiếp, coi khinh người khác, độc tài trong khi làm việc. Không được coi mình là người biết mọi thứ mà không chịu học hỏi. Không kiêu căng, tự phụ.

· Mong dành nhiều thời giờ hơn cho việc giảng dạy giáo lý và soạn bài giảng lễ. Luôn cập nhật và tự trau dồi thêm kiến thức đạo đời để tiến kịp với thời đại, nếu không sẽ trở nên lạc hậu đối với giáo dân.

c) Nơi cha xứ

· Mong cha xứ luôn hết lòng vì giáo dân, chu toàn bổn phận của mình, nhất là việc cử hành các bí tích. Mong cha xứ sống chan hoà, chịu khó tiếp khách, ghi nhận những tâm tình, tiếp thu ý kiến của giáo dân…

· Mong cha xứ không co cụm chỉ biết mỗi xứ mình: Một mình một kiểu, không giống ai, không chơi với ai; phân bì, so sánh, khích bác, nói xấu cha xứ cũng như giáo dân các xứ lân cận.

· Mong cha xứ không tự ti về những yếu kém của mình, dù Chúa ban cho một nén cũng hãy cố gắng làm lợi cho Chúa một nén.

· Mong cha xứ không bỏ xứ đi quá nhiều, khổ cho dân, tạo vất vả cho các cha khác. Hoặc nghĩ mình chuẩn bị chuyển xứ rồi không làm gì cả hay làm qua loa cho xong …

· Mong anh em linh mục cùng là cha sở cộng tác làm việc chung với nhau, thường xuyên giúp đỡ, ủi an, thăm viếng, tạo uy tín và giữ uy tín cho nhau.

d) Nơi Cha phó

· Mong cha phó ý thức rõ quyền hạn và nghĩa vụ của mình, làm mọi việc mà cha xứ nhờ hay uỷ quyền và làm tốt nhất những gì có thể.

· Mong cha phó năng động, cộng tác, chia sẻ gánh nặng mục vụ với cha xứ trong mọi lãnh vực; cảm thông, tha thứ những khiếm khuyết, yếu kém của cha xứ và giúp đỡ cha xứ chu toàn sứ vụ…

· Mong cha phó coi cha xứ như người anh, tế nhị, tôn trọng, để cùng nhau phục vụ trong yêu thương.

· Mong cha phó không vượt mặt, coi thường, hay chống đối cha xứ; gây áp lực, bất cộng tác, kết bè kết cánh, gây chia rẽ, phá rối cộng đoàn, chiến tranh lạnh với cha xứ, gây gương mù gương xấu.

· Mong cha phó không ù lỳ, lười biếng, chỉ làm lễ lấy tiền, còn mọi việc mặc kệ; coi cha xứ là ông chủ còn mình là nô lệ. Trái lại, hãy mặc lấy tâm tình phục vụ như Chúa Kitô.

e) Nơi Thầy Xứ

· Mong Thầy xứ ý thức mình chỉ là người cộng tác, cố gắng giúp cha xứ cách tốt nhất trong các lãnh vực ca đoàn, giáo lý, phụng vụ.

· Mong thầy xứ làm mọi việc có sự đồng thuận của cha xứ; không làm gì theo ý mình, ngược với ý cha xứ.

· Mong thấy xứ sống cởi mở, hoà nhã, lịch sự với hết mọi người; nhiệt tình và trách nhiệm với công việc, chứ không lười biếng công việc, mà chỉ lo tìm kiếm các mối quan hệ tiền bạc.

· Mong thầy xứ không ngông cuồng coi mình là giỏi, là hiểu biết rồi không coi ai ra gì. Ai mời đi ăn cũng đi, rồi rượu chè say sưa 100%, tiếng tốt thì ít, tiếng xấu thì nhiều.

· Mong các tu sĩ cũng tương tự như thầy xứ vậy.

f) Nơi Giáo dân

· Trông đợi sự cộng tác đặc biệt từ phía ban thường trực hội đồng giáo sứ, cùng bàn hỏi và tìm ra phương hướng chung, hiệu quả trong việc phát triển giáo xứ để các hội đoàn cùng hiệp nhất phát triển đức tin.

· Mong giáo dân cầu nguyện cho cha xứ và nâng đỡ cha xứ về vật chất cũng như tinh thần.

· Mong giáo dân yêu thương, tôn trọng cha xứ như người cha tinh thần mà Chúa gửi đến cho giáo xứ và giúp cha để cha thi hành tác vụ cách tốt nhất.

· Mong giáo dân tha thứ cho cha xứ về những yếu kém, thiếu sót, lỗi lầm… và góp ý cho cha xứ về những gì cha xứ không chuyên môn, những mặt trái mà cha xứ không biết …

· Mong giáo dân cộng tác với cha xứ trong những công việc chung, trong việc lãnh đạo cộng đoàn, xây dựng đoàn hội, cơ sở vật chất của giáo xứ … Đoàn kết, một lòng, luôn là những cánh tay cùng với cha xứ xây dựng giáo xứ, thăng tiến giáo xứ về mọi mặt.

· Mong giáo dân không lỗi đức bác ái: chửi bới, nói xấu, nói hành, vu cáo, kiện tụng, bôi nhọ cha xứ. Coi cha như người xa lạ, rồi ác cảm, tránh mặt, không gặp, không đối thoại, không cộng tác.

· Mong giáo dân không tìm cách ảnh hưởng lên cha xứ, cố gắng làm được một chức gì đó trong xứ rồi ỷ thế làm càn, mang tiếng cho cha xứ, gây gương mù.

· Mong giáo dân không vay mượn tiền bạc cũng như vật dụng của cha xứ, vì vay mượn thì dễ mà trả thí khó, sinh ra nhiều phiền phức; cũng đừng lừa dối cha xứ về tình, tiền, quyền.

· Mong giáo dân không bè phái, cực đoan dòng họ, làm việc thì ít, mà bàn mưu tính kế hại nhau, làm mất mặt, mất thể diện của nhau thì nhiều…

g) Nơi Chính quyền

· Mong Chính quyền tôn trọng, và tạo điều kiện để giáo dân thi hành bổn phận tôn giáo của mình. Đồng thời tạo sự đoàn kết, thông thoáng hơn trong các vấn đề xã hội, để giáo dân có thể tham gia nhiều hơn trong việc đóng góp xây dựng đất nước.

· Mong Chính quyền để giáo dân được tham gia nhiều hơn trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, bác ái xã hội. Thay đổi những chính sách, hay thái độ cư xử kỳ thị, thù nghịch, không công bằng; không làm gì cách áp chế, khiến người dân có ác cảm với chính quyền.

2. GIÁO DÂN TRÔNG ĐỢI LINH MỤC

a) Trong tương quan với giáo dân

· Giáo dân Việt Nam rất quí trọng linh mục. Lòng quí trọng này vừa là một lợi điểm lại vừa là một nguy cơ. Là lợi điểm vì giúp cho linh mục cảm thấy mình cần thiết và có ích, ít cảm thấy bị cô đơn. Là nguy cơ, vì lòng quí trọng ấy có thể làm cớ cho linh mục ỷ y mà tôn mình lên, coi thường thiên hạ, cho mình có quyền ăn trên ngồi trước, hách dịch, quan liêu.

· Phải coi lòng quí trọng này là một ơn riêng Chúa dành cho hàng ngũ linh mục Việt Nam, để nhờ đó các vị được an vui và phấn khởi trong chức vụ chứ không phải ngược lại.

b) Trong căn tính linh mục

· Giáo dân được nghe nói linh mục là một Đức Kitô khác. Chức linh mục được đề cao và do sự đề cao quá đáng quyền chức này mà linh mục dễ bị cám dỗ tôn mình lên, nhất là trong ngày chịu chức, khi người ta đến xin phép lành đầu tay hay ngỏ lời chúc mừng. Đây là một cử chỉ đầy lòng tin và sự khiêm nhường. Chớ gì tân linh mục xúc động mà tăng thêm lòng tạ ơn Chúa.

· Giáo dân muốn linh mục nên giống Chúa Giêsu về lòng nhân ái và tinh thần phục vụ. Chúa Giêsu luôn gần gũi tiếp xúc với người ta và tìm cách làm ơn cho họ. Giáo dân cũng đợi chờ nơi linh mục đức tính này là dễ gặp, dễ nhờ. Vì đức tính này mà linh mục được định nghĩa rất sâu sắc và thâm thuý là con người “bị ăn” (Le prêtre est un homme mangé).

· Nhiều linh mục ngày nay dành nhiều thời giờ cho mình mà ít cho giáo dân. Có linh mục làm lễ sáng xong là rút lui lên lầu, suốt ngày sống với máy vi tính và các thứ máy móc khác, hoặc đi vắng không mấy khi có mặt ở nhà, mọi việc giao cho thầy xứ, dì xứ hay Ban hành giáo, khiến cho giáo dân nhiều người cần gặp mà không gặp được. Có những cha sở tuy gặp được, nhưng giáo dân rất sợ tính lạnh lùng và hay bẳn gắt của cha. Vì thế, giáo dân mong linh mục hoạ lại hình ảnh Chúa Giêsu trong cách hành xử, nói năng và tiếp xúc.

· Đức Giáo hoàng Grêgoriô Cả than phiền là có nhiều linh mục, nhưng rất ít linh mục chịu làm việc theo chức năng của mình hay có làm thì lại làm những việc ở bên ngoài chứ không phải việc bên trong. Việc chính yếu của linh mục là rao giảng lời Chúa, cử hành bí tích, giáo dục đức tin và lo phần rỗi cho các tín hữu. Những việc này phải làm trước rồi mới đến những việc khác như xây cất, mở mang cơ sở, hoạt động xã hội, phát triển dân sinh v.v…

· Ở Việt Nam, cha sở có một vị trí xã hội tốt, nói thì dân dễ nghe và người ta cũng hay nhờ thế cha sở để làm công kia việc nọ. Vì thế, cha sở cũng dễ bị cám dỗ trở thành một nhân vật ngoài đời để có thế ăn nói với người ta. Điều này có thể đưa linh mục đi ra khỏi phạm vi chức vụ chính thức của mình. Linh mục phải coi chừng với tính thích làm quan tự nhiên của mình mà luôn nhớ rằng linh mục chính yếu là người phục vụ Chúa và Tin Mừng của Người.

· Linh mục không chỉ biết có phòng thánh, nhà thờ và nhà xứ, mà cũng không ham mê lo những công việc bên ngoài. Phải theo bậc thang giá trị mà dành ưu tiên cho những việc thuộc bổn phận linh mục: làm lễ, giải tội, giảng thuyết, đi kẻ liệt, thăm viếng người nghèo khổ, ốm đau bệnh tật. Một linh mục làm đầy đủ bổn phận của mình thì chẳng còn thời giờ rảnh rỗi bao nhiêu; mà nếu có rảnh rỗi thì cũng nên dành thời giờ để học hành đọc sách vở thêm.

c) Trong đời sống tri thức

· Làm linh mục rồi nhưng vẫn còn phải học, phải viết bài giảng và giảng thế nào cho người ta nghe được. Thường sau khi làm linh mục rồi, ít vị còn thích hay tiếp tục làm việc tinh thần. Vì vậy, giáo dân mong linh mục dành giờ làm việc tinh thần mỗi ngày: soạn bài giảng không dài quá, không chạy theo thời sự nhưng chú trọng vào sứ điệp lời Chúa, không khuyên lơn hời hợt nhưng mở lối cho những áp dụng thiết thực, không chiều theo thị hiếu người nghe mà chú tâm vào việc giáo dục đức tin và đem lại cho người ta một cái gì có chất lượng.

· Dân chúng hôm nay thích sự hào nhoáng và hình thức bên ngoài; thích vui, thích dễ, thích ồn ào. Linh mục phải giữ chừng mực; nếu chiều theo khuynh hướng này thì linh mục cũng dễ trở thành hời hợt nông cạn.

d) Trong tác phong linh mục

· Giáo dân muốn linh mục có tác phong thích đáng trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử. Ăn mặc như người ta có cái lợi là dễ hoà đồng, thoải mái, nhưng có cái bất lợi là có thể làm cho linh mục quên căn tính của mình mà không còn giữ gìn hay ít giữ gìn trong lời ăn tiếng nói, trong cách ăn mặc và cư xử với người ta nữa. Vì vậy, tuy ăn mặc như người đời, nhưng linh mục vẫn phải giữ cho mình cái cốt cách là linh mục: đơn sơ xứng đáng với con người được học hành, có chữ nghĩa và có văn hoá, không chải chuốt quá đáng mà cũng không lôi thôi, bừa bãi trong cách ăn mặc, lối nói năng, chứ không áo quần luộm thuộm, đầu tóc bù xù, nói năng bừa bãi. Có dư luận nhiều linh mục trẻ sau 1975 thiếu nhân bản trong cách hành xử, đáng cho các linh mục lưu ý vì có liên quan đến ảnh hưởng và uy tín của các vị trong vấn đề làm chứng cho Chúa và cho đạo.

· Thận trọng trong vấn đề vật chất: tiền bạc, của cải, đất đai nhà ở, đồ dùng cá nhân. Giáo dân rất để ý. Họ thích những linh mục không lo làm giầu hay tìm kiếm của cải vật chất cho mình hoặc bà con họ hàng. Họ nể trọng những linh mục sống đơn sơ giản dị, không xa hoa trong cách ăn mặc và biết sử dụng tiền bạc cách đích đáng.

e) Trong các tương quan

· Một trong những lý do khiến ít người theo đạo, dù đạo có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, nhà thờ đẹp đẽ, nhiều cơ sở to lớn và các lễ nghi rất tưng bừng lôi cuốn, đó là tại giới linh mục xa cách dân chúng. Do đó, linh mục phải để ý hơn đến những nghèo và ít học, chứ không chỉ chơi với người giầu và có học.

· Giáo dân mong muốn thấy cha sở và cha phó sống gắn bó thân tình, đồng tâm nhất trí với nhau trong công tác mục vụ và hướng dẫn cộng đoàn. Gương sống thân mật, kính trọng, yêu thương và nhường nhịn nhau giữa các vị mục tử là yếu tố có sức thuyết phục nhất đối với cộng đoàn dân Chúa.

· Họ mong linh mục bén nhạy với mọi diễn biến đổi thay của tình hình xã hội để có những kế sách và phương án uyển chuyển, thích nghi năng động và cảm thông sâu sắc những khó khăn trong việc sống đạo của người tín hữu. Mong các ngài nhiệt thành việc tông đồ và vui vẻ hoà nhã, tậm tâm phục vụ như người cha, người anh và là trụ cột vững vàng trong đại gia đình giáo xứ giữa những biến động phức tạp của xã hội hôm nay.

3. Kết luận

Chớ gì mỗi người theo đuổi cho đến cùng những ước mơ và dự phóng tương lai của mình. Xin Chúa tiếp tục cho đến hoàn thành tốt đẹp những gì Ngài đã khởi sự với chúng ta và cho chúng ta.

(hết)


Lớp Thần Học Bổ Túc 2006-2007
Tòa Giám Mục Bùi Chu, Tháng Hoa 2007

Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS


Mục Lục: Linh Mục Tốt Hay Không Đều Do Các Tương Quan:
Lời Nói Đầu | Phần Một | Phần Hai | Phần Ba | Phần Bốn

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-tu-duc/linh-muc-tot-hay-khong-deu-do-cac-tuong-quan-phan-4/