Trích từ Dân Chúa

Linh Mục Tốt Hay Không Đều Do Các Tương Quan (phần 2)

Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

Phần Hai
CHA PHÓ DỄ THƯƠNG

1. TƯƠNG QUAN VỚI GIÁM MỤC BẢN QUYỀN

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Thái độ của linh mục đối với Giám mục Bản quyền là hợp tác, vâng lời, tình bạn; nhìn thấy nơi Ngài một người cha thực sự và vâng phục Ngài với tất cả lòng kính trọng, thương yêu. Sự vâng lời càng đến từ con tim thì mối tương quan giữa Giám Mục và linh mục càng trở nên gần gũi và tốt đẹp.

· Thánh Giêrônimô dạy “hãy vâng phục và đón nhận Giám mục như Đấng sinh thành linh hồn ta”. Thánh Ignaxiô thì nói “hãy theo Giám Mục như Chúa Giêsu theo Chúa Cha, và thật là kinh khủng khi ta đi trái ngược với Ngài”. Còn thánh Augustinô căn dặn “Người dưới cần vâng phục người trên như chính mình muốn những người dưới mình vâng phục mình. Hãy giữ tôn ti trật tự, hãy tìm sự an bình.”

· Nhờ vâng lời, linh mục học biết ý Thiên Chúa biểu lộ ra nơi Bề trên, sẵn sàng đón nhận mọi chỉ bảo đúng đắn, và trung thành chu toàn nhiệm vụ Đấng Bản quyền trao phó (Gl 274,2).

· Linh mục quảng đại cam kết trung thành tuân giữ tất cả và từng quy luật, tránh mọi hình thức tuân giữ từng phần theo tiêu chuẩn chủ quan, gây chia rẽ ảnh hưởng đến giáo dân và dư luận công cộng, thiệt hại nặng nề về mục vụ (Chỉ nam thừa tác vụ và đời sống Linh mục số 62).

· Không có linh mục ở “ngoài sự hiệp thông” với phẩm trật trong Giáo Hội. Lòng tôn kính như con thảo và sự vâng phục đã hứa khi chịu chức phải được trả lại cho Ngài (PDV số 28).

· Để duy trì mối liên hệ đức ái, lòng hiếu thảo khiêm tốn và vâng phục quyền bính với Giám Mục mình, linh mục tránh mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa khi thi hành thừa tác vụ và các chương trình mục vụ.

· Vâng lời, kính trọng, hợp tác với Giám mục trong tất cả công việc của giáo phận. Sống tình bạn, gần gũi, yêu mến, nâng đỡ Giám mục bằng lời cầu nguyện hằng ngày để giúp ngài chu toàn trách nhiệm nặng nề mà ngài phải gánh vác.

· Thông cảm với Giám mục, vì ngài cũng có thể có yếu đuối, thiếu sót và bất toàn của con người như chúng ta.

· Cần có sự đối thoại thẳng thắn và chân thành để hiểu nhau hơn, thông cảm hơn và tin tưởng nhau hơn. Cởi mở trình bày và trao đổi với Ngài những khó khăn, thành công, thất bại trong việc mục vụ.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Trong những chuyện gay cấn và xung đột, không được giấu diếm hay dối trá với Giám Mục. Phải thành thực trình bày rõ ràng đúng thực tế, không che đậy hay phóng đại. Nêu rõ các phải trái, lỗi lầm của mình và của đối phương, để giúp Giám mục sáng suốt phân định cách xử trí đúng đắn.

· Không tìm gây ảnh hưởng trên Giám mục và lừa dối Ngài để kéo Ngài về phe mình và công nhận việc mình làm, trái với sự thật và công bằng. Hãy để Giám mục quyết định và chịu trách nhiệm.

· Không nên coi sự vâng phục như một áp lực “lý kẻ mạnh”, “đá đằn trên cỏ”. Không nên chỉ nhìn Giám mục như một con người thuần túy nhân loại, song là Giám mục của Chúa, có ơn đoàn sủng và quyền bính của Chúa.

· Không nên vội vàng và nông nổi phê bình, chỉ trích, chống đối, xa lánh Giám mục khi ngài có những quan điểm và cách làm không giống ta, dẫn đến tình trạng bất hợp tác, “kính nhi viễn chi”.

· Không kéo bè kéo cánh chống đối hay nói xấu Giám mục; coi thường Ngài về trình độ, cá tính và tỏ thái độ bất hợp tác.

2. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC LINH MỤC ĐÀN ANH

a. Những gì nên cư xử, nên nói và làm

· Kính trọng các ngài chẳng những về tuổi linh mục mà còn về tuổi đời. Đây là điều đầu tiên ta luôn luôn phải có đối với các ngài.

· Cầu nguyện cho các ngài để các ngài bền vững trong ơn gọi linh mục của mình, vì dẫu là linh mục của Chúa đã nhiều năm nhưng vẫn còn đó sự yếu đuối của con người và sự mỏi mệt của trách nhiệm, tuổi tác và bệnh tật.

· Nhiệt thành làm những gì cha xứ phân chia, để làm việc tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn, theo đúng lý tưởng, ơn gọi và thiên chức linh mục.

· Bàn hỏi, xin ý kiến và sự hướng dẫn của các ngài, cũng như chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và thiêng liêng để đời sống và công việc đạt được kết quả tốt.

· Luôn đặt cha xứ ở vị trí ưu tiên, nghĩa là nhìn nhận ngài là người có trách nhiệm trong mọi hoạt động và đời sống của giáo xứ.

· Luôn sống vui vẻ, hoà nhã, cởi mở và sẵn sàng cộng tác đắc lực với ngài trong mọi công việc liên quan đến giáo xứ và phần rỗi các linh hồn.

· Nếu có điều gì chưa hài lòng hoặc chưa hiểu nhau thì hãy lấy tình cha con để trình bày, góp ý, hầu xây dựng mối tương quan ngày càng trở nên tốt hơn, hữu ích hơn cho sứ vụ mục vụ.

· Phải chân thành và tế nhị cảm thông, chia sẻ, động viên, khích lệ, khi ngài gặp khó khăn về cuộc sống, tình cảm, sứ vụ mục vụ…

· Khi các ngài vào thời điểm tuổi cao sức yếu, đau bệnh, cần tận tình săn sóc giúp đỡ, thăm viếng, tìm thầy chạy thuốc cho các ngài.

· Khi các ngài vì lý do nào đó mà phát sinh trái tính, trái nết, cần bình tĩnh để ứng xử cho hợp tình hợp lý, không tránh né, chê trách, cằn nhằn, khó chịu, chống đối.

· Đừng bao giờ quên cầu nguyện cho các ngài vì các ngài cũng là những con người yếu đuối như mọi người.

· Kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các linh mục đàn anh, kể cả các linh mục “đàn anh ít tuổi hơn” (tuổi đời).

· Hãy coi các linh mục đàn anh như người anh, người bạn của mình. Nên bàn hỏi và sẵn lòng cộng tác với các ngài trong việc chăm sóc các linh hồn. Vì trong lãnh vực này, các linh mục đàn anh có kinh nghiệm hơn. Khiêm tốn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của lớp đàn anh đi trước.

· Phải chia sẻ của cải, nhất là phải chú tâm đến các vị đau yếu, phiền muộn, cô đơn, bị tù đày và cả những vị bị hiểu lầm, bách hại.

· Tôn trọng, học tập kinh nghiệm mục vụ của các ngài. Thông cảm với tuổi già, quan tâm, nâng đỡ đời sống tinh thần và vật chất. Tôn trọng những gì các ngài đã làm. Bàn hỏi và nhiệt thành cộng tác với cha sở trong việc mục vụ.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không nên coi thường, khinh rẻ, chê trách, lên án, khi các ngài ứng xử hay làm một việc nào đó không phù hợp với mình và đa số những người khác.

· Không để mình rơi vào tư thế căng thẳng, bất hoà, rồi dẫn đến những hành động thô thiển và cọc cằn.

· Không tìm cách tự đề cao mình hay thuyết phục người khác để đề cao và tôn vinh mình; không kiêu căng, tự phụ, huyênh hoang, tự cao tự đại.

· Không làm ngơ lãnh đạm, thiếu nhiệt thành cộng tác với các ngài trong việc thi hành sứ vụ.

· Không chê trách, chỉ trích, nói xấu hoặc a dua cùng những người chống đối để hạ giá uy tín của các ngài.

· Không làm việc vượt quá giới hạn cho phép của mình, hay qua mặt các ngài, phớt lờ các ngài, khi liên quan đến việc chung của giáo xứ.

· Không làm việc gì liên quan đến giáo xứ mà không bàn hỏi, xin ý kiến, và sự giúp đỡ của các ngài.

· Không bỏ rơi các ngài, khi các ngài gặp khó khăn thử thách về tuổi cao sức yếu, tình cảm, tính nết, nỗi cô đơn, hay sự chê trách chống đối của giáo dân.

· Không ghen tương (là tật xấu hèn hạ đê tiện), dò xét xem người ta quý mến ai hơn. Không tranh giành ảnh hưởng với cha xứ, làm cho thiên hạ chê cười và lấy làm gương xấu. Nếu thấy cha xứ không đồng ý việc ta giao thiệp với người này, gia đình kia thì nên chấm dứt.

· Cần đề phòng, đừng nghe người ta phàn nàn về cha xứ, ủng hộ họ hoặc chính mình lại đi phàn nàn ngài. Hãy sợ những hình thức chia rẽ mà người ta xô đẩy vào. Không nói xấu các ngài trước mặt giáo dân. Không đứng về phía giáo dân chống đối cha sở.

· Không giữ thái độ cô lập lẻ loi, nhưng hãy tương quan với cha xứ trong tình huynh đệ gia đình: nhờ bí tích truyền chức, “mỗi linh mục được liên kết với các thành viên khác của linh mục đoàn bằng những mối dây riêng biệt của đức ái tông đồ, của thừa tác và của tình huynh đệ” (Pastores dabo vobis số 61).

· Việc ứng xử tốt với các ngài trong đời sống hằng ngày sẽ giúp cho đời sống cha phó của mình được hạnh phúc.

· Sự hoà hợp giữa các linh mục chẳng những là một điều kiện gây sức mạnh, mà còn ảnh hưởng tốt đến sự tồn tại của linh mục nữa: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1).

· Không nên phê bình, chỉ trích những thiếu sót, những lỗi lầm của các linh mục đàn anh, đặc biệt đối với cha xứ, vì đó có thể là những lỗi lầm của mình trong tương lai, nếu Chúa không giữ gìn.

· Không nên coi các ngài như những lớp người lạc hậu, bảo thủ, khó nết, không còn hợp với thời đại này. Không coi thường sự yếu kém về trình độ văn hoá, xã hội của các ngài.

· Không nên tự tiện làm bất cứ việc gì trong giáo xứ, trong nhà xứ mà không bàn hỏi và có sự cho phép của ngài. Cha phó cũng không nên vắng nhà mà không báo cho cha xứ biết.

· Không nên tỏ thái độ bất hợp tác với cha xứ trong một số công việc mà mình cảm thấy không hợp lý hay không vừa ý.

3. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC LINH MỤC ĐÀN EM

a. Những gì nên cư xử, nên nói và làm

· Phải tôn trọng các linh mục đàn em, vì họ cũng là linh mục như mình, được Chúa yêu thương tuyển chọn, đặt lên và trao ban những trọng trách phải chu toàn. Chính họ cũng rất cần sự tôn trọng của các linh mục đàn anh.

· Cần phải sống thành thật, chan hoà yêu thương, chia sẻ, vui vẻ, sống quảng đại, cởi mở, nâng đỡ, động viên và khích lệ các ngài trong mọi hoàn cảnh của đời sống mục vụ: Hội đồng giáo xứ, các ban ngành, đoàn thể của giáo xứ.

· Phải có tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ, ủng hộ khi các ngài gặp những khó khăn trắc trở trong lúc thi hành sứ vụ, do chủ quan hay khách quan. Sống hy sinh và bác ái với các ngài trong suy nghĩ, lời nói và hành động.

· Phải tôn trọng những ý kiến và sáng kiến của các ngài trong đời sống thiêng liêng và mục vụ. Đồng thời phải biết lắng nghe các ngài sửa lỗi, góp ý và xây dựng cho đời sống linh mục của mình.

· Cầu nguyện cho các ngài và xin các ngài cầu nguyện cho ta khi gặp khó khăn và thử thách xảy đến.

· Khi các ngài bị ốm đau bệnh tật, ta cần phải quan tâm, thăm viếng, giúp đỡ, động viên, cầu nguyện cho các ngài.

· Khi các ngài gặp những khó khăn thử thách về tình cảm yếu đuối hay bị người khác hiểu lầm, hoặc bị giáo dân kêu trách, chỉ trích, nói hành, nói xấu, do cách sống của các ngài chưa thích nghi được với môi trường sống của giáo dân, hoặc giáo dân chưa thích nghi được với cách sống của các ngài khiến các ngài bị khủng hoảng, bị xung đột… Đó là lúc ta cần phải nâng đỡ các ngài.

· Muốn hòa hợp giữa những thế hệ khác nhau, phải nhân nhượng, hy sinh ý riêng. Nhiều lúc khó lắm, nhưng đó là bước đầu để gần gũi, để dung hòa…

· Cầu nguyện cho các linh mục đàn em còn trẻ trong sứ mạng mới, đón nhận họ như những người em thực sự và giúp đỡ họ trong những công tác và gánh nặng đầu tiên của sứ vụ linh mục.

· Cố gắng hiểu tâm trạng của họ, dù khác với tâm trạng mình, và theo dõi các dự tính của họ với lòng nhân hậu.

· Chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ cho họ, vì chắc chắn họ còn rất bỡ ngỡ, nhất là những kinh nghiệm mình đã trải qua, những bài học mình đã học được.

· Nêu gương sáng về đời sống thiêng liêng và nhân bản, và sống xứng đáng như những người anh thực sự.

· Có trách nhiệm đối với các anh em đang gặp hoàn cảnh khó khăn về vật chất cũng như tinh thần, kịp thời giúp đỡ và khuyên bảo cách tế nhị.

· Hiểu và tôn trọng ý kiến của họ với thiện chí. Học hỏi những điều tốt nơi linh mục đàn em.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không nên coi thường, khinh rẻ, chê trách, lên án họ vì cách ứng xử hay làm việc không phù hợp với mình và những đàn anh khác.

· Không để mình bị căng thẳng, bất hoà với họ để rồi dẫn đến những phản ứng thô thiển và cọc cằn. Không chỉ trích, nói xấu hoặc a dua cùng những kẻ chống đối để hạ giá uy tín của họ.

· Không tự đề cao, kiêu căng, tự phụ, huyênh hoang, tự cao tự đại; làm ngơ lãnh đạm hay thiếu nhiệt thành cộng tác với họ.

· Không ghen tương, dò xét xem người ta quý mến ai hơn, không tranh giành ảnh hưởng với đàn em khiến thiên hạ chê cười và lấy làm gương xấu.

· Không nên thử sức nhau về kiến thức, trắc nghiệm nhau về những vấn đề ngoài phạm vi sứ vụ để đánh giá nhau.

· Không nên phân ranh giới và để mặc các ngài phải tự xoay sở một mình. Không sống ích kỷ, cục bộ, chia bè cánh, đố kỵ, kiêu căng, tự cao tự đại, hống hách.

· Không bảo thủ, độc đoán, thành kiến, dửng dưng hay thiếu tinh thần cộng tác, cũng như không “khoán trắng” để rồi nhắm mắt làm ngơ trước những công việc họ được giao phó.

· Không tranh chấp, dành giật với các linh mục đàn em, nhưng phải có sự quan tâm nâng đỡ, góp ý chân thành trong tinh thần tương trợ lẫn nhau. Anh em Linh mục nâng đỡ nhau đó là một thành trì vững chắc.

· Không nên coi thường những sáng kiến mới và cách làm việc mới cũng như suy nghĩ mới của họ. Không cậy mình là đàn anh để coi thường họ.

· Không chê bai những bỡ ngỡ, thiếu sót của họ mà cố gắng động viên để họ làm tốt hơn. Không trách mắng, phê phán hay coi thường lớp linh mục trẻ. Không dùng quyền lấn át.

4. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC CHỦNG SINH DỰ BỊ VÀ CÁC MẦM NON ƠN GỌI GIÁO SĨ

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Giáo hội không thể tồn tại nếu không có các thừa tác viên nối tiếp sứ vụ Chúa Giêsu. Để có được những mầm non ấy, ta phải quan tâm đầu tư sức lực và cả tiền bạc nữa.

· Các linh mục tương lai và mầm non ơn gọi giáo sĩ là những người tiếp nối ta trong việc loan báo Tin Mừng. Vì thế trước hết ta phải cầu nguyện xin Chúa tác động mạnh mẽ nơi những người anh em đó: “hãy xin chủ ruộng sai thêm nhiều thợ gặt…”.

· Luôn mang trong mình thao thức tìm những ơn gọi tương lai cho Chúa và Giáo Hội. Vì tìm ơn gọi và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục tương lai là bổn phận và trách nhiệm của các linh mục.

· Hãy nuôi dưỡng, động viên, khích lệ, giúp đỡ vật lực cho các mầm non ơn gọi đó. Tạo môi trường thuận lợi cho các mầm non ơn gọi sinh hoạt định kỳ, tạo sự gần gũi với các em.

· Hướng dẫn việc học tập cho các em, giáo huấn, rèn luyện các em về những kiến thức nhân bản và tu đức.

· Kêu gọi các em tham gia các hoạt động trong các hội đoàn của giáo xứ như: giúp lễ, giáo lý viên, giới trẻ, ca đoàn... Nhờ việc tham gia vào các hội đoàn này, các em gần gũi với Chúa, hăng say việc tông đồ, hun đúc tinh thần tu trì và tinh thần sống cộng đoàn, gần gũi với nhiều người, dễ cảm thông với con người, chia sẻ những khó khăn mà họ gặp.

· Giúp cho các em yêu mến Chúa, yêu mến đời sống cầu nguyện, giúp các em năng lãnh nhận bí tích Hoà Giải, bí tích Thánh Thể, viếng Thánh Thể, lần chuỗi Mân côi...

· Cung cấp sách thiêng liêng, hạnh các thánh, sách đào tạo linh mục và những sách liên quan đến ơn gọi tu trì hầu giúp cho các em có được ý thức tích cực về đời sống thánh hiến.

· Giúp các em hiểu biết dần về ơn gọi linh mục-tu sĩ, mở ra cho các em cái nhìn về ơn gọi linh mục và tu trì, giúp các em tập sống đời tu ngay trong môi trường các em sinh sống như gia đình, trường học cũng như các nơi sinh hoạt khác.

· Giúp các em yêu mến các Mẹ Maria và các thánh, đọc sách hạnh các thánh, noi gương các thánh, tập sống đời sống các nhân đức của các ngài, đặc biệt Mẹ Maria.

· Tạo điều kiện thuận lợi cho các em gặp gỡ nhau, sinh hoạt với nhau định kỳ. Qua đó, giúp các em yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hy sinh cho nhau, chia sẻ đời sống cho nhau.

· Giúp cho các em nhiệt tâm trong ơn gọi đang vươn tới, giúp các em có trách nhiệm về ơn gọi của mình và của người khác. Giúp các em có đời sống vui tươi, cởi mở, sẵng sàng tiếp đón và nâng đỡ những người cần đến các em.

· Nhất là giúp các em tiếp xúc và làm quen với Lời Chúa qua việc đọc, suy ngẫm, tâm niệm Lời Chúa hằng ngày và lấy Lời Chúa làm châm ngôn để sống trong ngày.

· Giúp các em tham gia làm một số những công việc chân tay nào đó để qua đó các em dễ hoà đồng và cảm thông với những người khác đang vất vả làm lụng để có của nuôi thân, nhưng đồng thời cũng là lúc để các em thư giãn tâm trí.

· Để tâm giải thích cho các em sự cao quý và cần thiết của chức linh mục, qua lời giảng dạy và chính đời sống phục vụ vô vị lợi của mình.

· Cổ vũ ơn kêu gọi cho giáo phận trong các giáo xứ mà mình có trách nhiệm, qua các bài giảng, các giờ giáo lý và nhu cầu của Giáo Hội địa phương.

· Nên mở các lớp tìm hiểu ơn gọi trong giáo xứ, tất nhiên phải được phép của cha xứ, để tìm hiểu và nhận định ơn gọi qua những dấu hiệu mà hằng ngày Chúa muốn dùng để tỏ ý Người.

· Làm gương cho họ về các nhân đức, đời sống cầu nguyện và bí tích. Khuyến khích, hướng dẫn, và giúp đỡ họ học tập, rèn luyện đời sống nhân bản và thiêng liêng.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không dửng dưng, vô trách nhiệm, hoặc xa lánh việc kêu gọi những người có thiện chí dấn thân phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và các linh hồn trong đời sống tu trì.

· Không làm vơi đi lòng nhiệt tâm của các em đang có thiện chí dấn thân phục vụ Chúa, Giáo Hội và các linh hồn trong ơn gọi này. Không kể khổ, hay đưa ra những khó khăn như muốn thử thách mức chịu đựng của các mầm non ơn gọi.

· Không nên có thái độ nhăn nhó khó chịu hay gây khó khăn cho một ơn gọi nào đó muốn tìm đến với đời sống này. Trái lại phải hết sức nâng đỡ về của cải vật chất, chỉ dạy về đời sống tâm linh và động viên về đời sống tinh thần để mầm non này có thể triển nở.

· Không nên coi việc đào tạo chủng sinh là trách nhiệm riêng của Chủng viện và Giám mục giáo phận, vì nó là trách nhiệm của toàn thể Hội thánh, nhất là hàng giáo sĩ.

· Không được nói cũng như làm những gì gây ấn tượng xấu trước các chủng sinh đàn em trong cách sống, cách cư xử hay trong cung cách làm mục vụ của mình.

· Không nên nói nhiều đến mặt trái cuộc đời của con người linh mục. Không gây gương mù để có thể làm cho những mầm non ơn gọi này “vỡ mộng”.

· Không lợi dụng, khai thác họ như người giúp việc cho mình.

5. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC TU SĨ NAM NỮ

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Họ là những người có cùng một lý tưởng như ta: hiến dâng cuộc đời để phục vụ Chúa và các linh hồn. Họ khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm để bước theo sát Chúa hơn, theo hiến pháp, đặc sủng và kim chỉ nam của Đấng sáng lập, nhằm gia tăng sự thánh thiện trong Hội thánh. Vì thế ta phải kính trọng họ và tôn trọng những tài sản thiêng liêng đó của họ.

· Sống chân thành yêu thương, cảm thông, chia sẻ, hy sinh cho nhau để cùng đạt lý tưởng. Phải tích cực cộng tác với các tu sĩ để công việc tông đồ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

· Sống gần gũi để giúp đỡ, bổ túc, hỗ trợ nhau trong đời sống thiêng liêng, tri thức cũng như mục vụ; cảm thông, hy sinh và chia sẻ cho nhau kinh nghiệm thiêng liêng, kinh nghiệm mục vụ.

· Cần loại bỏ những ranh giới ngăn cách linh mục triều với tu sĩ dòng. Cần phải vui tươi cởi mở và sống chân thành với nhau, hầu loại trừ được nơi mình những tự ti mặc cảm, hoặc những tự tôn kiêu ngạo.

· Hãy cầu nguyện cho nhau để cùng bước trên đường trọn lành, vì cầu nguyện là hơi thở, là nguồn sống cho đời sống tu trì của mỗi chúng ta.

· Cần phải biết lắng nghe nhau, sửa lỗi cho nhau, giúp đỡ nhau, tha thứ và góp ý cho nhau, để xây dựng cho nhau có một đời sống dâng hiến cho Chúa và các linh hồn mỗi ngày mỗi tốt hơn.

· Phải coi các tu sĩ như là những cộng tác viên chứ không phải là những người cấp dưới hay người giúp việc, nhất là đối với các nữ tu.

· Luôn tạo điều kiện để giúp họ sống ơn gọi của họ cách tốt nhất: Cầu nguyện và nâng đỡ tinh thần và vật chất, theo đường lối riêng của mỗi hội dòng.

· Khi mời họ cộng tác trong việc tông đồ hay mục vụ, trong giáo xứ, phải thông qua cha xứ và bề trên của họ. Phải có tinh thần cởi mở và tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc, và đối xử với họ theo đức công bằng.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không nên kỳ thị, phân biệt Dòng nọ Dòng kia. Không nên đặt nặng vấn đề và phân ranh giới giữa tu triều và tu dòng.

· Không nên cư xử và đánh giá nhau mang tính xã giao hời hợt như mọi người thường làm; hoặc đánh giá nhau về trình độ học vấn, bằng cấp chuyên môn, để rồi xử sự với nhau dưới cái nhìn của bằng cấp và học vấn.

· Không tự ti mặc cảm hay dè chừng nhau, chê bai nhau, hoặc tìm cơ hội để đánh giá thấp về nhau hay để tôn vinh nhau.

· Không sống kiêu căng, hống hách, cậy tài, cậy đức để tự đề cao mình và để hạ uy tín, coi thường người khác và cộng đoàn của họ.

· Không làm cho họ cảm thấy giữa linh mục và họ có một khoảng cách lớn về chức vụ hay cấp bậc, dẫn đến hai bên khó đối thoại và làm việc với nhau.

· Không coi họ như những người giúp việc, mà phải nhìn nhận họ là những cộng tác viên rất đắc lực cho hàng giáo sĩ trong các hoạt động mục vụ như giáo lý, ca hát, đàn nhạc…

· Không nên coi thường họ, “lên lớp” họ. Không can thiệp vào việc nội bộ của hội dòng.

6. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC NỮ TU LỚN TUỔI VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM

a. Những gì nên cư xử, nên nói và làm

· Kính trọng họ vì họ vừa là những người lớn tuổi, vừa là người lão luyện trong đời sống tu trì. Trong đời sống thiêng liêng, cần cầu nguyện cho họ và xin họ cầu nguyện cho ta.

· Trong đời sống mục vụ, mời gọi họ cộng tác, biết lắng nghe và đón nhận những lời góp ý.

· Phân công và trao trách nhiệm cho họ việc giáo dục đức tin cho các hội đoàn, dạy giáo lý dành cho thiếu nhi, giới trẻ, hội các bà mẹ công giáo, hiền mẫu...

· Nên gặp gỡ, chia sẻ, giúp đỡ, động viên và khích lệ họ, về đời sống tinh thần cũng như vật chất.

· Sống thành thật, khiêm nhường, cởi mở, tin tưởng, cảm thông và ân cần giúp đỡ họ trong lúc thi hành sứ vụ cũng như trong đời sống tu trì.

· Nếu họ ốm đau bệnh tật và khó khăn vật chất, tinh thần giảm sút, ý chí bị suy nhược, ta cần thăm viếng động viên và cầu nguyện cho họ.

· Hãy kính trọng các nữ tu lớn tuổi khi gặp họ và hãy bênh vực khi có người nói xấu họ. Hãy nâng đỡ họ vì dù sao họ cũng là những phụ nữ yếu đuối.

· Quan tâm, nâng đỡ thích đáng và vừa đủ bằng vật chất và tinh thần, cùng những lời động viên cần thiết khi có thể.

· Nếu có 2, 3 nữ tu cùng cộng tác trong công việc mục vụ, cần phân công rõ ràng cho mỗi người. Thái độ, cử chỉ, lời nói phải rõ ràng, không nói lời hồ đồ, hai ý.

· Phải khôn ngoan và tỉnh thức trong khi giao tiếp với họ. Kính trọng họ vì kinh nghiệm, sự khôn ngoan và trọng trách của họ.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không bao giờ được coi thường, miệt thị và hắt hủi họ, hoặc nói những lời thô tục khiếm nhã, hay có thái độ gì làm họ bị tổn thương, xúc phạm.

· Không lãng quên ơn gọi tu trì và vai trò, địa vị của họ, vốn là nữ tu lớn tuổi đã khấn trọn đời và đang sống triệt để ba lời khuyên Phúc Âm. Nhưng không nên để họ sai khiến, điều khiển mình.

· Không chen vào nội bộ Nhà Dòng. Không kiếm cách ảnh hưởng lên cuộc bỏ phiếu của họ, hoặc theo phe bề dưới chống bề trên. Hãy đổ dầu sốt sắng vào các bánh xe, nhưng đừng đả động đến bộ máy.

· Tránh những lời nói dễ bị hiểu lầm khiến họ có cảm giác bị xúc phạm, bị hắt hủi, bị bỏ rơi. Vì người lớn tuổi thường hay tự ti vì tuổi tác và sự đào thải của tuổi già.

· Không nên trao cho họ những công việc vượt sức và vượt khả năng, lại không hợp với tuổi tác và trình độ của họ, điều ấy dễ làm cho họ bị thất bại.

· Không nên có thái độ ruồng bỏ hay coi thường họ. Không nên đi sâu vào đời sống cộng đoàn của họ, vì mỗi người có một lãnh vực khác nhau. Không nên coi họ là người già thừa thãi chẳng làm được việc gì.

· Không chỉ trao đổi làm việc thẳng với cấp dưới mà không thông qua Bề trên của họ.

7. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC NỮ TU BẰNG TUỔI VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Tôn trọng họ và đời sống tu trì của họ. Phải khôn ngoan và tỉnh thức trong tiếp xúc, gặp gỡ và làm việc chung với họ. Phải nhớ mình là linh mục và họ là nữ tu đều thuộc về Chúa và là của Chúa. Luôn giữ khoảng cách cần thiết và dè dặt trong mọi lãnh vực của đời sống khiết tịnh.

· Đừng quên lời khuyên “tỉnh thức và cầu nguyện” của Chúa Giêsu trong Tin mừng (Mt 26,41 và Mc 14,38): là những con người thánh hiến, nhưng vẫn không thôi là những con người với những yếu đuối nhân loại.

· Biết lắng nghe những lời góp ý, sửa lỗi của họ, để giúp mình trở nên hoàn thiện hơn trong đời sống tu trì, cũng như trong đời sống hoạt động tông đồ. Và cũng hãy chân thành làm như vậy cho họ.

· Kêu gọi họ cộng tác trong công việc mục vụ. Phân công bố trí việc giáo dục nhân bản và đức tin cho các đối tượng liên hệ trong giáo xứ. Cần có thái độ cởi mở, yêu thương, hiểu biết nhau, chia sẻ sứ vụ, hy sinh và đồng cảm với họ, tin tưởng năng lực của họ khi trao công việc cho họ.

· Nên gặp gỡ, giáo huấn, chia sẻ giúp đỡ họ về đời sống thiêng liêng và đời sống nhân bản của đời tu. Nên sống thành thật, bác ái, yêu thương, quảng đại hào phóng.

· Khi gặp những khó khăn: ốm đau bệnh tật, hiểu lầm, yếu đuối, cần phải thăm viếng, giúp đỡ động viên cảm thông, chia sẻ và nhất là cầu nguyện cho họ.

· Cần sống công bằng qua việc động viên khích lệ và trả thù lao cho họ khi họ đã cộng tác với mình trong công việc.

· Cần phải nghiêm túc trong mọi cuộc gặp gỡ, vì dẫu là linh mục, là nữ tu, nhưng nơi con người vẫn còn đó sự yếu đuối. Những tình cảm yếu đuối có thể đến bất chợt, do đó phải hết sức cẩn thận và cảnh giác đề phòng trong những cuộc gặp gỡ trao đổi.

· Quan tâm, nâng đỡ thích đáng và vừa đủ bằng vật chất và tinh thần, cùng những lời động viên cần thiết khi có thể.

· Nếu có 2 hoặc 3 nữ tu cùng cộng tác trong công việc mục vụ, cần phân công công việc cho mỗi người rõ ràng. Khi trao việc cũng cần quan tâm nhưng nên tin tưởng họ.

· Thái độ, cử chỉ, lời nói phải rõ ràng, không nói lời hồ đồ, hai ý. Phải khôn ngoan và tỉnh thức trong khi giao tiếp với họ.

· Cần trân trọng họ, vì họ là một Kitô hữu và là một tu sỹ. Họ là những cộng tác viên trong công việc mục vụ và trong tình liên đới của đời thánh hiến.

· Nên tôn trọng họ là người cộng tác công việc với mình. Nên chỉ dẫn thêm, khích lệ, hỗ trợ để họ hoàn thành công việc được giao.

· Cần tôn trọng tuổi tác và trọng trách của họ. Khi có công việc phải trao đổi với họ, hãy tiếp chuyện ở chỗ trống trải hay phòng khách.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không nên coi thường họ, miệt thị họ, hắt hủi họ dù họ đang sống trong hoàn cảnh nào.

· Không nên có những lời nói, cử chỉ hay thái độ thiếu lành mạnh, trong sáng để bảo toàn đức thanh sạch cho họ và cho mình. Luôn nhớ họ là một nữ tu đang sống trong đời thánh hiến cho Chúa và Giáo Hội cũng như cho các linh hồn.

· Không để tình cảm của mình lấn lướt và để những yếu đuối, đam mê của mình sai khiến và cám dỗ mình.

· Không để họ sai khiến mình, điều khiển mình, lèo lái mình trong bất cứ công việc gì. Vì thực tế cho thấy đàn ông thường yếu mềm trước những cử chỉ khôn khéo của phụ nữ, và hay thể hiện tính cao thượng trước những khó khăn họ mắc phải.

· Tránh những cuộc gặp gỡ riêng tư lâu giờ vì dễ dẫn đến nguy hiểm cho đời độc thân linh mục. Không nên thân thiện quá mức, thiếu tế nhị, hoặc nói những câu bông đùa quá trớn, dễ dẫn đến hiểu lầm.

· Không nên cho họ biết tất cả những gì mình muốn làm khi công việc đó không liên quan tới họ. Không nên đi sâu vào đời tư của họ, hoặc tâm sự đời tư của mình cho họ.

· Không nên có thái độ khinh bỉ hay coi thường họ. Tránh thiên vị coi người này hơn người kia. Không được coi họ như người giúp việc để rồi sai bảo.

8. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC NỮ TU TRẺ

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Trong bất cứ tiếp xúc nam nữ nào cũng tiềm ẩn tính cách phái tính. Do đó, cần thận trọng trong các mối quan hệ với nữ tu trẻ; dè dặt trong các lần tiếp xúc, bởi vì cùng cảnh ngộ dễ đồng cảm…

· Phải ý thức rằng sự thân mật là nhu cầu của con người, nhưng sự thân mật trong đời sống độc thân không cần và không được biểu lộ bằng thể lý và đồng hóa với hoạt động truyền sinh.

· Sự thân mật độc thân có mức độ thích hợp của nó và sẽ cung ứng đủ tự do để yêu thương mọi người và không vượt qua các giới hạn.

· Có thể khuôn đúc mối tương quan nam nữ theo gương mẫu đời sống của Chúa Ba Ngôi và kêu xin Chúa ban can đảm để thăng tiến, vượt thắng và thánh hoá “tiếng gọi nhân loại” này, ngõ hầu giúp nhau sống và chu toàn những gì đã cam kết trong ơn gọi và sứ vụ của mỗi người.

· Linh mục phải giao tiếp với mọi người, nên phải thiết lập một mối tương quan trưởng thành, lành mạnh, hài hòa và quân bình giữa hai phái.

· Phải biết tôn trọng nơi chốn, thời gian, khoảng cách và giới hạn cần thiết, về thể lý cũng như tâm lý, của các cuộc gặp gỡ; luôn giữ sự kính trọng chứ không lạm dụng và suồng sã.

· Phải rõ ràng và thành thật với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa, bởi vì sự “hẹn hò” yêu thương thường được che giấu dưới những lý do hợp pháp và xứng đáng qua các công tác và hoạt động mục vụ, nhưng “thực tế đó là những nghiêng chiều nguy hiểm của con tim.”

· Các nữ tu cũng là người dâng hiến nên cần phải được tôn trọng, giúp đỡ trong tinh thần cộng tác, chia sẻ và bổ khuyết những gì còn thiếu sót.

· Phải học thái độ Chúa Giêsu đối với các phụ nữ trong Phúc Âm, và xác định rằng tình yêu của Thiên Chúa là trên hết, chỉ Thiên Chúa mới làm thỏa mãn được con tim chúng ta, Ngài đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta và đang theo ta, đang đứng bên cạnh ta để nâng đỡ và bảo vệ ta.

· Chúa Giêsu để các phụ nữ cộng tác trong kế hoạch cứu độ bằng cách cho họ tháp tùng trong hành trình truyền giáo và dùng họ loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các Tông đồ.

· Quan tâm, nâng đỡ thích đáng và vừa đủ bằng vật chất và tinh thần, cùng những lời động viên cần thiết khi có thể.

· Cần phân công công việc cho mỗi người rõ ràng. Khi trao việc cũng cần quan tâm tin tưởng họ. Phải tế nhị trả tiền chi phí cho các công việc mà ta nhờ họ làm như mua hoa, nến, giấy hát, bài vở…

· Cần định hướng cho họ để họ vững vàng trong đời tận hiến. Thái độ, cử chỉ, lời nói phải rõ ràng khi giao tiếp với họ. Thận trọng trong mọi vấn đề; những gì họ nói, cần phải suy xét, chớ vội tin.

· Nên nhắc nhở khi thấy họ đi quá trớn hoặc làm những việc không hợp với đời tu hay ảnh hưởng tới ơn gọi của họ: Những cử chỉ bất nhã, thiếu lịch sự, kiểu “quen quá hoá nhờn”.

· Cần nêu gương sáng về đời sống cầu nguyện và đời sống thánh thiện cho họ.

· Phải có tâm hồn bao dung, quảng đại sẵn sàng chỉ dẫn cho họ cách thức phục vụ nơi giáo xứ.

· Quan tâm tới đời sống tinh thần và vật chất của họ nữa, theo lẽ công bằng.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không nên coi đời sống độc thân khiết tịnh là một khu vườn “đóng kín”, để rồi chỉ tiếp xúc cách lạnh lùng và vô cảm; tránh né, sợ sệt hay dè dặt thái qúa.

· Không được quên họ là trợ lực, nhưng lắm khi cũng là vấn đề, bởi vì mọi thân xác đều mang giới tính “chúng ta gìn giữ kho tàng ấy trong nhưng bình sành” (2 Cor 4,7).

· Không được quên sự lệ thuộc của họ và sự lệ thuộc của chính mình đối với Chúa, và hãy “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Các nữ tu là của Chúa, nên không ai được phép chiếm hữu làm của mình.

· Không được coi thường các nữ tu vì họ là những cộng tác viên - chứ không phải những thuộc hạ hay người giúp việc - luôn sống trong sự bổ túc, hài hoà và liên đới.

· Không nên quá coi trọng các nữ tu đến độ để họ sai khiến mình mà không biết. Không để các nữ tu tham dự sâu vào công việc điều hành Giáo xứ. Tránh thiên vị coi người này hơn người kia, quí các nữ tu trẻ mà coi thường các nữ tu già.

· Không liên hệ quá thân mật với các nữ tu và tiếp họ quá lâu trong nơi kín đáo hoặc phòng riêng, nhất là các nữ tu trẻ, khiến người ta hiểu lầm, và cũng dễ dẫn đến nguy hiểm cho đời độc thân linh mục. Không nên bỏ qua dư luận.

· Không nên nói những câu bông đùa quá trớn, dễ dẫn đến hiểu lầm. Không nên đi sâu vào đời tư của họ, hoặc tâm sự đời tư của mình cho họ, vì họ dễ bị chao đảo.

· Không nên có cái nhìn lệch lạc, coi các nữ tu là thiếu hiểu biết, vì ngày nay nhiều nữ tu cũng học rộng tài cao không kém hàng linh mục.

9. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC MẦM NON ƠN GỌI TU SĨ

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Giáo hội đang dần dần thiếu ơn gọi. Cần kêu gọi, khích lệ các bậc cha mẹ quảng đại dâng con cho Chúa.

· Quan tâm hướng dẫn các em theo đuổi ơn gọi. Bàn hỏi và thống nhất với cha xứ một chương trình cổ võ và nuôi dưỡng ơn gọi.

· Phải quyết tâm để lại người kế tục sứ mệnh cho Giáo Hội. Khám phá và làm phát triển các mầm non ơn gọi nơi những em bé có hạnh kiểm tốt, óc phán đoán đúng, trí nhớ tốt và ưa thích những việc đạo đức.

· Để tâm chăm sóc các ơn gọi, xây dựng, thúc đẩy, giúp các em tránh bạn xấu. Trao cho các em vài công việc vừa sức để các em thực tập và học hỏi. Dạy các em đời sống nhân bản và thiêng liêng, thận trọng trong các mối tương quan.

· Huấn luyện các em giúp lễ, ca đoàn, cổ võ sáng kiến, phát hiện tài năng, nhận biết thánh ý Chúa và can đảm chọn theo Đức Kitô.

· Lưu tâm giúp đỡ các em nghèo có thể theo đuổi việc học và duy trì việc theo đuổi ơn gọi. Hàng tháng nên có buổi gặp gỡ để hướng dẫn và học hỏi. Định hướng cho các em về con đường tương lai.

· Nêu gương sáng và động viên các em sống các đức tính nhân bản, tinh thần cầu nguyện và tinh thần hy sinh phục vụ, bác ái.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không được quên việc tìm kiếm và vun trồng ơn gọi là một bổn phận: phải có trách nhiệm cùng Giáo Hội ươm mầm non ơn gọi, sẵn sàng dấn thân trong đời dâng hiến phục vụ.

· Không nên nói hành, nói xấu giữa hàng ngũ tu trì với nhau, gây gương mù, vì họ mới chập chững bước vào đời tu.

· Không coi thường, thờ ơ trước những mầm non ơn gọi này và đối xử với họ theo kiểu “đàn anh, đàn chị”.

10. TƯƠNG QUAN VỚI GIÁO DÂN NÓI CHUNG

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Được chọn từ giữa cộng đoàn và cho cộng đoàn Dân Chúa, linh mục phải sẵn sàng trao hiến mọi sự, tình yêu, sức lực, thời gian để lo cho đoàn chiên.

· Để tâm lo cho toàn thể cộng đoàn và từng người, lấy chân lý mạc khải soi sáng lương tâm họ, dùng quyền bính bảo vệ đời sống kitô hữu theo đúng Phúc âm, sửa dạy và tha thứ các lỗi lầm, an ủi những ai sầu khổ và thăng tiến tình huynh đệ.

· Phải biết cảm thương những nỗi yếu hèn và bất hạnh của tha nhân như Chúa Giêsu đã làm, và sống thế nào để mọi người đều cảm thấy họ được đón tiếp và coi trọng, yêu thương.

· Lòng hiếu khách phải được thể hiện trong cung cách ân cần tiếp đón niềm nở, rộng rãi cả tinh thần lẫn vật chất của Linh mục, để người ta khỏi phải ngại ngùng, sợ sệt.

· Cử chỉ, cách đối xử, lời nói của linh mục đều được bổn đạo xem xét, cho là gương tốt hay gương mù, rồi đến gần hay xa tránh. Nên nghiêm trang để người ta kính, cởi mở vui vẻ và thân thiện để bổn đạo tín nhiệm.

· Được chọn giữa loài người để phục vụ con người, linh mục phải thực thi sự tốt bụng, lòng kiên nhẫn, tính khả ái, nghị lực tâm hồn, lòng yêu chuộng công bình, óc quân bình, trung thành với lời đã nói, nhất quán với cam kết đã đưa ra (Sắc Lệnh Linh Mục số 3).

· Phải làm chứng và biểu lộ lòng nhân hậu của Chúa: dĩ ân báo oán, cầu nguyện cho kẻ nói xấu mình, hy sinh, viếng thăm, khuyên bảo với lòng bác ái, tha thứ, tránh những câu nói mất lòng...

· Nhẫn nại, cảm thông và chia sẻ những nỗi khổ đau của tội nhận, giúp họ trở về, noi gương vị Mục Tử Tốt Lành không quở trách con chiên lạc nhưng đặt nó trên vai và ăn mừng ngày nó trở lại với đàn chiên (Lc 15,4-7).

· Coi người đến với mình như là Chúa Kitô. Lịch sự trong giao tiếp, cử chỉ, điệu bộ, lời ăn tiếng nói… phải chân thành. Luôn vui vẻ từ tốn với mọi người.

· Quan hệ cả với người giầu và người nghèo. Phải sống sao cho mọi người thấy linh mục là của mọi người. Phục vụ hết mình, nhiệt tình trong công việc mục vụ. Khôn khéo và thận trọng trong vấn đề tiền bạc.

· Khi cần xây dựng góp ý, nói những lời mang lại sự đoàn kết, có ích cho cộng đoàn. Tôn trọng tất cả mọi người. Gần gũi và chia sẻ với họ về những khó khăn của cuộc sống. Nhiệt thành giúp đỡ về đời sống thiêng liêng.

· Cổ võ và hướng dẫn họ thực hành bác ái, hăng say truyền giáo. Đối xử công bằng với mọi người và đặc biệt quan tâm đến những người nghèo khó.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không giới hạn và phân biệt, nhưng phải quan tâm đến tất cả mọi người, giàu sang lẫn nghèo khó, học thức lẫn chân chất quê mùa…

· Không tỏ dáng điệu và thái độ khó chịu, khó khăn nhăn nhó. Không tự cao, cau có và khinh thường, thiếu nhân bản khi gặp gỡ, tiếp khách hay làm mục vụ, vì giáo dân không phải ai cũng dễ mến và tốt lành như nhau.

· Không quá đề cập đến chuyện tiền bạc mỗi khi gặp gỡ giáo dân, dù cần đến tài chính để lo cho những công việc giáo xứ.

· Không nên trút mọi bực dọc, tức tối vào giáo dân của mình khi mình đang gặp điều trái ý. Không dùng những lời nói chua chát, kêu trách quá cứng cỏi hay châm chọc, nhất là đối với kẻ bé mọn, thấp kém sẽ gây một ấn tượng sâu sắc trong tâm lý họ mà hầu như không bao giờ tẩy xoá được.

· Không được dùng những kiểu nói, những cách thức “hạ cấp” đồng hóa với dân thường làm mất phẩm giá mình. Lưỡi linh mục là lưỡi Chúa Kitô, phải ăn nói thế nào để giáo dân nhận ra Chúa đang dạy dỗ họ qua linh mục.

· Không nên liên lạc mật thiết và thường xuyên với những kẻ công khai nghịch đạo, có tiếng vô luân hay không giữ đạo, gây gương xấu và làm nhục cho những người đạo đức trong giáo xứ.

· Không bao giờ đánh giáo dân, dù họ có sai phạm đến thế nào đi nữa; phải lấy tình yêu thương và sự bao dung của Chúa Kitô mà dạy bảo họ.

· Không bao giờ cho giáo dân vay tiền: hoặc mất tiền hoặc mất con chiên. Tiền bạc không phân minh rất dễ dẫn đến những đụng chạm xô sát bất hoà.

· Không được quên lời Thánh Phaolô căn dặn các vị chủ chiên miền Tiểu Á như sau: “Các ngài hãy cẩn thận giữ mình và săn sóc cả đoàn chiên mà Chúa Thánh Thần đã đặt các ngài coi giữ, để các ngài điều khiển giáo đoàn của Chúa, giáo đoàn đó Chúa đã đổ máu ra mà chuộc lấy” (CV 20,28)

· Tránh những cử chỉ bất nhã, thô tục… Thiếu chân thành trong lời ăn tiếng nói, cách sống hằng ngày. Tránh những lời nói xỏ xiên, chửi bới, gây chia rẽ mất đoàn kết. Tránh gây bè phái hoặc kéo những người cùng cánh về với mình.

· Không cho giáo dân vay hoặc mượn tiền. Đừng để cho người nghèo cảm thấy bị “cha” lãng quên. Không thiên vị coi người này hơn người kia. Phục vụ mà không đòi hỏi, cầu lợi hay vòi vĩnh tiền bạc.

· Không đi la cà, nhậu nhẹt ở nhà giáo dân, điều ấy sẽ gây gương mù trầm trọng và dễ dẫn đến nguy hiểm tai hại cho bậc sống của mình.

· Không coi thường giáo dân. Không nên phân biệt đối xử giữa người giầu và người nghèo.

11. TƯƠNG QUAN VỚI BAN HÀNH GIÁO

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Phải nhình nhận và thăng tiến phẩm giá và sứ vụ của giáo dân, sẵn lòng lắng nghe họ, coi trọng những ước mong của họ, nhìn nhận kinh nghiệm và chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân loại, tin tưởng vào phận vụ của họ trong việc phục vụ Giáo hội, để họ có đủ tự do và cơ hội hoạt động và gánh vác công việc theo sáng kiến của họ.

· Đón nhận sự cộng tác tích cực của ban hành giáo: nhìn nhận các đặc sủng và sứ vụ của giáo dân, chia sẻ ý kiến vì lợi ích của Giáo hội, lắng nghe họ và đáp lại những mong đợi của họ liên quan đến đời sống và sứ vụ Linh mục.

· Tôn trọng ban hành giáo vì họ là những cộng tác viên đắc lực, là cánh tay nối dài của ta. Phải phân biệt đâu là bổn phận của ban hành giáo, đâu là quyền bính của mình.

· Nên bàn hỏi ban hành giáo trong các công tác cải tạo và xây dựng giáo xứ để mọi công việc được thông thoáng và hợp lòng dân.

· Tìm những người có khả năng, hạnh kiểm tốt và lòng nhiệt thành để cộng tác lo công việc giáo xứ. Nên để họ tự lập trong công việc, không nên bắt Ban Hành Giáo phải theo ý riêng mình.

· Các đoàn thể tạo nên sức mạnh của giáo xứ và là nguồn lực truyền giáo đắc lực: Nên đồng hành cùng các đoàn thể, khích lệ làm tốt hơn phận vụ của mình, ngõ hầu giáo xứ được phong phú, năng động.

· Các hội lành giúp người ta năng chịu các phép bí tích, truyền bá các việc đạo đức, sửa chữa các sự lạm dụng.

· Phân chia công việc rõ ràng cho từng người theo chức năng và quyền hạn. Cần thường xuyên huấn luyện họ qua các kỳ họp hay tĩnh tâm. Năng gặp gỡ, khích lệ và giúp đỡ họ trong công việc chung.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Tránh tính bao biện, độc tài và điều khiển theo kiểu dân chủ, vì những điều này dẫn tới tục hoá linh mục và giáo sĩ hoá giáo dân. Quyền bính trong Giáo hội từ trên xuống, do đó không quá “dân chủ mị dân”.

· Phải dùng người có trước có sau, đừng theo lối “vắt chanh bỏ võ”, hễ xong việc là thôi, chẳng quan tâm đến nữa.

· Đừng khó quá và cũng đừng dễ quá, mà phải giữ thái độ trung dung.

· Không nên can thiệp vào việc bầu chọn và sắp xếp các chức vụ theo cảm tình riêng của mình; cục bộ, bè phái, đứng về phe này phe kia, giáo xứ sẽ bị chia rẽ, phân hóa và đối kháng nhau.

· Không để họ lèo lái khi có sự mâu thuẫn, rồi đứng về phe nọ phe kia. Phải đứng trên để phân xử. Không nên đưa ra ý kiến trái ngược với quyết định của Cha xứ. Không được lôi kéo ban hành giáo về phe mình để chống lại cha sở.

· Không để cho ban hành giáo tự ý thu chi về kinh tế, mọi thu chi phải có ký nhận của ít là ba người trong ban hành giáo, và phải được cha xứ đồng ý.

12. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC ĐOÀN THỂ

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Nuôi dưỡng và phát huy các đoàn thể, vận dụng khả năng từng đoàn thể, mời gọi họ cùng cộng tác trong những công việc chung, để giáo xứ được phong phú, năng động.

· Phải tôn trọng và tham khảo ý kiến cha xứ, khi đưa ra một chương trình sinh hoạt nào.

· Phải trân trọng sự đóng góp của các đoàn thể. Nâng đỡ các đoàn thể bằng tinh thần và vật chất trong khuôn khổ cho phép.

· Đồng hành với các đoàn thể, giúp đỡ họ về tinh thần cầu nguyện, tinh thần đạo đức, tinh thần hiệp thông và đoàn kết.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không nên phân bổ các khoản tiền cho các đoàn thể phải đóng góp.

· Không đối xử thiên lệch về một hội đoàn nào: coi trọng đoàn thể này mà xem nhẹ đoàn thể kia, ghét bỏ đoàn thể này yêu đoàn thể kia, quan tâm đến giới trẻ mà lại lạnh nhạt với huynh đoàn ...

· Không áp đặt ý riêng, mà phải biết lắng nghe những đóng góp của mọi người.

· Không can thiệp vào chuyên môn riêng của người phụ trách (ví dụ ca đoàn). Không la mắng sửa sai họ ngay trước cộng đoàn.

· Không nên kéo đoàn thể nào đó về phe mình, dùng các hội đoàn làm áp lực ảnh hưởng lên cha xứ, để gây uy thế cho mình.

13. TƯƠNG QUAN VỚI NHỮNG NGƯỜI GIÀ CẢ, BỆNH TẬT VÀ HẤP HỐI

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Chúa Giêsu yêu dấu trẻ em, thương xót người tội lỗi, nhân hậu cùng kẻ liệt lào đau ốm và chữa lành họ: Ngài đã gánh lấy bệnh hoạn tật nguyền của ta (x. Mt 8:17). Linh mục cần mặc lấy những tâm tình ấy của Chúa Giêsu để nâng đỡ an ủi đoàn chiên mình.

· Phải có tấm lòng trắc ẩn, yêu thương và tha thứ như Chúa dạy và làm gương.

· Phải noi gương Chúa, sẵn sàng viếng thăm, cứu chữa, chăm sóc kẻ đau yếu, những người già cả trong đàn chiên của mình.

· Phải sẵn lòng và mau mắn đi ngay để ban bí tích sau cùng cho giáo hữu dù nguy hiểm, mệt nhọc, bận việc.

· Thăm viếng tận nhà là cách tỏ lòng yêu mến giáo dân và được giáo dân yêu mến. Nhưng phải bác ái, khôn ngoan, nết na, bỏ mình để không gây phiền toái và tai tiếng.

· Đây là giới dễ bị bỏ quên trong xã hội, phải năng thăm viếng họ, giúp họ thánh hoá bệnh hoạn đau đớn bằng cách liên kết với đau khổ của Chúa Giêsu để thánh hoá chính họ và thế giới.

· Nhìn nhận giá trị hi sinh của họ và động viên họ tham gia hội cầu nguyện.

· Phải luôn để ý nâng đỡ những người già cả, bệnh tật, hấp hối về tinh thần lẫn vật chất: thăm viếng, lắng nghe, khuyên bảo và giúp họ lãnh nhận các Bí tích.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không bằng lòng việc giúp đỡ vật chất là đủ; trong những lúc tinh thần suy sụp vì tuổi già và bệnh tật, người ta cần đến tấm lòng nhân ái và sự động viên của linh mục hơn.

· Không nên chỉ uỷ thác cho một tổ chức nào hay người nào, mà chính linh mục cần đến thăm hỏi và an ủi bệnh nhân.

· Không gắt gỏng, mất nhẫn nại với những người già, đau ốm, bệnh tật, vì đau đớn mà trở nên khó tính, khó nết. Không nên chần chừ trong việc Xức dầu bệnh nhân.

14. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC GÓA PHỤ, NHẤT LÀ GÓA PHỤ TRẺ

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Phải cư xử khôn ngoan khi giao tiếp với các goá phụ, nhất là goá phụ trẻ: thân mật quá có nguy cơ dẫn đến sa ngã và gây gương xấu.

· Thánh Cypriano dạy: “đối với phụ nữ ta phải luôn nghiêm khắc, thi hành quyền bính nghiêm trang đứng đắn. Khi tiếp đón phụ nữ, cần phải ý tứ, đề phòng lối ăn ở cẩu thả tai hại cho nhiều linh mục. Vì thế linh mục cần bác ái khôn ngoan, nết na, bỏ mình”.

· Các thánh dạy rằng tên lửa tình yêu qua mắt để đâm vào con tim, và con mắt là kẻ dụ dỗ đưa đến tội lỗi. Vậy phải rất ý tứ khi họ đến nhà ta hay khi ta đến nhà họ: lòng trắc ẩn của ta dễ bị hiểu lầm, nguy hiểm.

· Nói chuyện với họ phải ít, ngắn gọn và nghiêm chỉnh. Trốn chạy những gì mang lại sự thân tình: những tặng phẩm nho nhỏ, khăn lau mặt, thức ăn ngon, cử chỉ thân ái, kính cẩn thân thương, lời dịu ngọt… là những mồi nhử đưa vào bẫy đấy!

· Nên bàn với cha sở có một chương trình giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn về vật chất, hoặc tinh thần. Nên khôn ngoan, tế nhị khi giao tiếp với các goá phụ trẻ.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Đừng quên lời thánh Eusebio dạy: “như đức trinh khiết làm cho con người bằng thiên thần, tà dục cũng làm cho con người nên như loài vật và tệ hơn cả loài vật”.

· Cũng không quên lời khuyến cáo của Chúa Giêsu: “hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì nhẹ nhành chóng vánh, nhưng xác thịt nặng nề yếu đuối" (Mc 14,38), vì linh mục vẫn không thôi là con người với những yếu đuối nhân loại.

· Không bộc lộ những cảm nhận tự nhiên của con người; hãy khuôn đúc theo gương Chúa Giêsu trong mối tương quan và kêu xin ơn mạnh mẽ để vượt thắng, thăng tiến và thánh hoá “tiếng gọi nhân loại”.

· Không tránh né những dịp hay cơ hội phải tiếp xúc, nhưng cũng không tìm cớ để gặp gỡ riêng tư. Phải nhớ mình là người của mọi người và luôn được mọi người quan tâm để ý. Goá phụ là những người chịu thiệt thòi về tình cảm, nên dễ tìm sự bù đắp, không nên quá gần gũi trong giao tiếp dẫn đến mủi lòng, trắc ẩn mà sa ngã.

· Đừng vì giúp đỡ vật chất mà hiểu lầm nảy sinh tình cảm không hay, nhất là nơi goá phụ trẻ. Không nên nói chuyện riêng tư lâu giờ với họ. Cẩn trọng về nơi chốn, thời gian, khoảng cách và giới hạn cần thiết trong các cuộc gặp gỡ. Nhưng không nên vì sợ dị nghị mà xa lánh họ.

15. TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI TRẺ

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Giới trẻ là mối bận tâm hàng đầu của Giáo hội. Phải sẵn sàng lãnh trách nhiệm phụ trách giới này vì còn trẻ, khoẻ, sung sức, năng động, phù hợp với giới trẻ.

· Giới trẻ bao gồm học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân v.v… nên trình độ rất khác nhau. Linh mục phải khôn khéo trong việc hướng dẫn họ; đừng nghiêng về nhóm nào, song phải biết giữ thế trung dung.

· Phải quan tâm tới đời sống đức tin và nhân bản của họ (Giáo lý, giáo dục giới tính, ý thức găn bó với gia đình, với giáo xứ…). Thỉnh thoảng nên tổ chức dã ngoại hay tham quan, giao lưu với nơi khác. Nhắc nhở đề phòng những hiểm nguy, cám dỗ đang rình rập đầu độc lứa tuổi thanh xuân như cờ bạc, xì ke ma tuý, sách vở, phim ảnh đồi trụy v.v…

· Phải nên gương mẫu bằng lời nói, cách sống và hành động cho giới trẻ, vốn là tương lai của Giáo hội và xã hội. Phải tìm cách nâng trình độ tri thức của giới trẻ Công giáo lên ngang tầm với thời đại.

· Vận dụng các buổi gặp gỡ, các lớp giáo lý mà giúp giới trẻ biết nhìn và đánh giá các sự việc theo cái nhìn đức tin.

· Nên tổ chức những buổi sinh hoạt giới trẻ, xen kẽ với việc học hỏi giáo lý, tạo cơ hội để các bạn trẻ trình bày những khó khăn, những thao thức của mình trong cuộc sống đạo, giúp họ tìm ra lý tưởng sống, định hướng nghề nghiệp và các kỹ năng sống khác…

· Phải gần gũi với các bạn trẻ để tìm hiểu tâm tính và hoàn cảnh của họ, hầu giúp họ trưởng thành lên trong đời sống nhân bản, đức tin, luân lý, đạo đức và tông đồ.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không nên khó khăn, quan cách khiến giới trẻ không dám tiếp xúc cởi mở khi họ cần bàn hỏi, tư vấn việc thiêng liêng và cả những vấn đề tế nhị trong đời sống luân lý.

· Phải thận trọng trong giao tiếp với thanh thiếu nữ, chỉ gặp gỡ và tiếp chung, hay ít ra phải có hai người, phòng khách mở thoáng.

· Không để cửa nửa mở nửa khép hay đóng kín mít khi tiếp khách (nữ giới), viện cớ phòng gắn máy điều hoà hoặc trời lạnh quá: người khác nhìn vào sẽ nghi ngờ tư cách linh mục, lại nguy hiểm nữa.

· Lời nói quá suồng sã làm giới trẻ vui lúc đó nhưng về sau họ không kính trọng đâu. Đừng làm họ mất niềm tin vì cư sử thiếu tế nhị của mình. Không nên lấy việc ăn nhậu làm cớ giao tiếp với giới trẻ.

· Cần tránh những cử chỉ và lời nói thiếu tôn trọng các bạn trẻ. Hòa đồng nhưng không được đồng hóa với họ, để rồi có những cách cư xử, phong thái không phù hợp với linh mục.

16. TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI THIẾU NHI

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Thiếu nhi là tương lai của Giáo hội và đất nước, cần được uốn nắn từ nhỏ, nên phải dạy giáo lý và đào tạo các em nên người, nên người kitô hữu và nên người tông đồ mai sau.

· Tổ chức việc dạy và học giáo lý sao cho hiệu quả, tăng tiến đức tin và đời sống thiêng liêng. Nên vận dụng sự hấp dẫn của những sinh hoạt vui chơi, ca múa và phương pháp nghe nhìn.

· Nên để các em tự do lui tới và vui chơi trong khu vực nhà thờ, nhà xứ. Các em sẽ có ấn tượng là ngoài mái ấm gia đình thì nhà thờ, nhà xứ được coi như gia đình thứ hai ghi khắc nhiều kỷ niệm sống đạo đẹp đẽ của tuổi thơ các em.

· Cần tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ, vui chơi tập thể như hội chợ, các trò chơi thi đua, các trò chơi vận động để các em phát triển tính sáng tạo và sống hoà đồng với nhau.

· Cố gắng sống tinh thần trẻ trung, dí dỏm, quảng đại và vui vẻ, để các em có thể đến gần và coi linh mục là người Thầy đáng mến và gần gũi, yêu thương.

· Hãy vẽ vào tâm hồn trong trắng các em những dường nét đầu tiên của Phúc âm Chúa; chúng sẽ ảnh hưởng mạnh nơi các em suốt đời.

· Phải có sự thống nhất đời sống và lời giảng dạy: các em sẽ nhìn vào cách ta sống mà bắt chước hơn là nghe lời ta nói, cho dù hay ho đến mấy đi nữa, hầu giúp các em hướng thiện.

· Hãy tiết kiệm lời hứa, nhưng phải giữ lời hứa với mọi người, nhất là với thiếu nhi. Luôn tỏ thái độ dịu dàng và vui tươi với các em.

· Hàng tuần nên có thánh lễ dành riêng cho các em, để giúp các em tham dự với ý thức, tích cực và sống động, hầu thăng tiến trong đời sống đức tin và đạo đức của các em. Cũng nên tổ chức những buổi dành riêng cho các em cầu nguyện và chầu Thánh Thể.

· Quan tâm tới việc giáo dục nhân bản và giáo dục đức tin cho các em, qua việc mở các lớp học Giáo lý phù hợp theo từng lứa tuổi của các em.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không la hét, quát tháo hay doạ nạt, nhất là đừng bao giờ đánh các em vì bất cứ lý do gì. Phải chấp nhận và nhẫn nại chịu đựng tính hiếu động, thích chơi nghịch cách thoả mái, tự do, tự nhiên của các em,

· Không dùng hình phạt có tính nhục mạ, xúc phạm đến nhân phẩm, nhất là giữa thời buổi tôn trọng và đề cao cá nhân như hiện nay.

· Không bao giờ được lợi dụng sự thân thiện, đơn sơ của trẻ để có những hành vi đồi bại và làm gương xấu cho các em.

· Không coi thường các em mà hứa suông bao giờ. Nếu đã hứa gì thì đừng rút lại và phải giữ lời hứa.

17. TƯƠNG QUAN VỚI NHỮNG NGƯỜI PHỤC VỤ TRONG NHÀ XỨ, NHẤT LÀ CÔ BẾP

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Nhu cầu có người giúp việc là điều chính đáng. Tuy nhiên, người nữ giúp việc phải đủ tuổi luật buộc, đừng trẻ quá, đừng phong cách quá, đừng nhí nhảnh quá, đừng lắm miệng quá, đừng tò mò quá, đừng có tiếng xấu... nghĩa là có thể nên cạm bẫy cho ta hay làm dịp cho người khác ngờ vực. Người nữ giúp việc càng kém phẩm chất bao nhiêu, càng đưa ta đến sự suy sụp.

· Đừng bao giờ hỏi ý kiến hay tâm sự với họ về nỗi đau buồn, chán trường, hoặc nỗi thất vọng của mình. Cây leo trước tiên bắt đầu bò từ gốc rễ, không ngờ nó lớn lên, cao lên rồi nó vấn vít đè ngột cả những cành cao nhất. Cây leo của ta bò tới đâu rồi?

· Thánh Cypriano dạy cách khôn ngoan rằng ta phải luôn nghiêm khắc đối với phụ nữ; thi hành quyền bính nghiêm trang đứng đắn. Tại nhà xứ, quyền bính phải được thi hành dưới hình thức quân chủ chứ không phải lối dân chủ (bàn hỏi và theo ý kiến người giúp việc).

· Hãy liệu để người nữ giúp việc biết niềm nở tiếp đón các linh mục, tu sĩ, khách khứa, người nghèo và bổn đạo.

· Phải thông cảm với họ phải cáng đáng bao nhiêu là những công việc lặt vặt trong ngày. Nên có những lời động viên khích lệ, nhất là trong những lúc bận nhiều công việc.

· Có những lời khen hoặc chê đúng lúc, đúng hoàn cảnh với ý hướng xây dựng. Nên thông cảm và tha thứ những thiếu sót hay lỗi lầm của họ.

· Nên tặng cho họ những món quà vật chất nhân dịp lễ tết và thăm hỏi gia đình nhân dịp này. Trả thù lao cân xứng với lòng tôn trọng và biết ơn họ giúp đỡ mình. Cũng nên khôn khéo và tế nhị quan tâm đến nhu cầu và ước vọng của họ, đối xử công bằng với họ.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không để người giúp việc đem chuyện thiên hạ vào nhà xứ hoặc chuyện nhà xứ ra cho thiên hạ. Ngày nào bà trở thành tờ báo sống, nó sẽ làm ta khó chịu và có trăm ngàn phản ứng sai lạc. Nếu vì cô bếp mà phải ngờ vực tai tiếng thì hãy để cho về ngay.

· Không làm cho cô bếp phải khóc lóc: nước mắt đàn bà là vũ khí lợi hại của họ, nhưng là thuốc độc và cạm bẩy khó lường cho đàn ông.

· Tự làm lấy những công việc vệ sinh, dọn dẹp trong phòng riêng, không nên để cô bếp suốt ngày lục sục trong phòng ta, dễ khiến người ngoài nghi ngờ.

· Không kêu cô bếp vào phòng ban đêm để giúp đỡ việc này việc nọ hay vào phòng riêng của họ. Những khi đau yếu bệnh tật, nên nhờ thêm người giúp đỡ chứ không phải chỉ mình cô bếp lo lắng cơm cháo, xức dầu, xức thuốc...

· Không quan tâm quá mức đến họ và việc nội trợ của họ. Không quá thân mật, đùa cợt, dễ gây hiểu lầm và tổn thương uy tín và danh dự.

· Không tâm sự với họ về bất cứ điều gì, nhất là những nỗi đau buồn hay chuyện riêng của mình.

· Không xuống bếp sưởi lửa, cũng không cho cô bếp vào phòng riêng trao đổi công việc.

18. TƯƠNG QUAN VỚI CHÍNH QUYỀN

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Nên giữ liên lạc đầy thiện chí với chính quyền. Thỉnh thoảng nên viếng thăm xã giao để tỏ lòng kính trọng họ. Nên gửi thiệp chúc tết trước cho chính quyền địa phương.

· Hãy sống thanh liêm và ân cần tiếp đón mọi người, sẵn sàng nghe những ai cần nói với mình, và đừng bao giờ để ai đến gặp mình phải bất mãn ra về.

· Tính nhã nhặn là hoa thơm của phép lịch sự, nó bắt nguồn từ đức khiêm nhượng và bác ái. Linh mục nhã nhặn hấp dẫn và xây dựng kẻ khác, đồng thời được thêm uy tín và tín nhiệm.

· Bình tĩnh cùng nhau trao đổi, đối thoại và nghiên cứu giải quyết các vấn đề liên quan giữa hai bên. Nên chấp hành những nghĩa vụ chính đáng của một người dân.

· Phải tôn trọng các cấp chính quyền, bằng thái độ cởi mở và thân thiện, thăm hỏi động viên. Cộng tác để lo cho những vấn đề như an sinh xã hội, phục vụ người nghèo, thăng tiến con người, đẩy lui những tệ nạn xã hội…

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không kiêu căng theo tính nóng nảy, cãi cọ khi vừa bị phản đối. Phải tìm thông cảm với chính quyền để bỏ những điều nghi kỵ; khi cần nên hy sinh và chịu đựng đôi tí để giữ bình an và hòa khí. Có dịp nêu tư cách và tha thứ các lỗi lầm của họ.

· Đừng tránh gặp chính quyền hay có gặp là chỉ để tấn công với những lời chê trách chua chát. Trong các buổi họp, cũng như trên toà giảng, không nói gần nói xa, nói ám chỉ để đả kích, bêu xấu… nhà chức trách.

· Không gia nhập đảng phái hoặc tổ chức chính trị không hợp ý muốn của Hội thánh. Không gieo mình vào chính trị, nếu không muốn người ta động đến tôn giáo của mình, đánh mất tín nhiệm và lòng kính trọng.

· Không nhượng bộ những quyền lợi chính đáng của Giáo Hội, của cộng đoàn. Không nôn nóng được việc mà hối lộ tiêu cực hay manh động phản đối theo kiểu đảng phái.

· Phải tránh thái độ đối kháng hay khép kín, nhưng hãy mở lòng ra để đối thoại. Và khi giao tiếp, phải tránh những cử chỉ và lời nói thiếu tôn trọng.

· Dịp lễ hoặc tết, cần gặp gỡ và trao đổi, hãy liệu có nơi thuận tiện, chứ không đưa vào nhà thờ để chính quyền gặp gỡ bà con giáo dân.

19. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC TÔN GIÁO BẠN, NHẤT LÀ CÁC VỊ LÃNH ĐẠO

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Phải tìm hiểu và đẩy mạnh việc gặp gỡ, đối thoại liên tôn, để các tôn giáo ngày càng hiểu nhau hơn, cộng tác với nhau hơn vì hạnh phúc của con người.

· Hãy tôn trọng các giá trị văn hoá và tâm linh của các tôn giáo bạn, không bác bỏ những gì là chân thực, thánh thiện nơi các tôn giáo, dù có khác biệt với Đức Tin Công Giáo.

· Sẵn sàng hợp tác với các vị lãnh đạo tôn giáo bạn, nhất là các vị họat động trong cùng địa hạt, trong các hoạt động từ thiện, văn hóa, xã hội để loại trừ bất công, áp bức, nghèo khổ và các tệ nạn xã hội đang làm thoái hóa, biến chất con ngươi, đồng thời cổ vũ sự công bằng, yêu thương, và thăng tiến phẩm giá con người trong mọi tầng lớp xã hội.

· Qua đối thoại, ta có dịp học hỏi và hiểu biết giá trị của các tôn giáo khác, đồng thời cũng nhận ra và chia sẻ, làm cho họ nhận biết Tin Mừng và những giá trị thiêng liêng của Kitô giáo.

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không thù ghét, hoặc kỳ thị tôn giáo vì bất cứ lý do gì có thể dẫn đến mất đoàn kết. Không nên cho rằng chỉ có đạo Công Giáo mới là đạo thật, còn các đạo khác đều là tà đạo.

· Không quan niệm chỉ có những người trong giáo xứ mới là con chiên của mình, mà phải có trách nhiệm với mọi người chung quanh để quan tâm, giúp đỡ họ trong khả năng của mình.

· Tránh đề cao Kitô giáo thái quá và hạ thấp hay khinh khi các tôn giáo khác. Tránh thái độ cào bằng, coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào.

20. TƯƠNG QUAN VỚI LƯƠNG DÂN

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Kính trọng và thương yêu đồng bào lương dân, phát huy nơi giáo dân tinh thần đối thoại, khuyến khích họ tương thân tương ái và hợp tác với bà con trong mọi lãnh vực đời sống.

· Phải ý thức cánh đồng truyền giáo là cả thế giới và phải rao giảng Phúc âm bằng một thứ tiếng nói mọi người đều có thể thông hiểu được, đó là chính cuộc sống và hành động đượm nhuần Tin Mừng.

· Phải tích cực đưa người chưa có đức tin hay lầm lạc trở về đoàn chiên Chúa. Nên sống bác ái hơn với lương dân, nhất là những người đau yếu bệnh tật, già cả neo đơn; thăm hỏi họ trong những dịp lễ tết dân tộc, lễ lớn của Hội Thánh để chia sẻ niềm vui với họ và cho họ; sống đoàn kết yêu thương như với anh em đồng đạo.

· Phải quan tâm hội nhập văn hoá trong cốt lõi tinh thần chứ không chỉ hình thức bên ngoài, để đồng bào dễ dàng đón nhận Tin Mừng và điều chỉnh các giá trị văn hoá cao quí và phong phú của họ theo Tin Mừng.

· Cần có những cuộc gặp gỡ trao đổi với đồng bào; học hỏi và tôn trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của họ và mời họ cộng tác trong các việc bác ái xã hội…

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không sống tách biệt như ốc đảo hay khép kín như pháo đài, mà mở ra với mọi người, không sợ mở cửa cho Chúa Kitô và tha nhân. Phải ý thức về bổn phận truyền giáo của mình để từ đó tìm đến với những tâm hồn đang sống ngoài giáo hội.

· Không được dửng dưng hay từ chối những người thiện chí tìm biết về Chúa và Giáo hội, họ có quyền được nghe về Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô.

· Không được nhạo báng, xúc phạm nghi lễ và tâm tình tôn giáo, cũng như các tập tục dân gian và việc thờ cúng tổ tiên, ông bà của họ.

· Không được ngăn cản đồng bào tham dự các ngày lễ lớn của giáo xứ, tham gia các sinh hoạt vui chơi giải trí của giáo xứ, và tham gia sinh hoạt các đoàn thể nếu họ có khả năng.

21. TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI GIÀU CÓ

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Không nên chạy đua với những tiện nghi hiện đại của người giàu: nhà xứ sang trọng với máy điều hoà, giàn nhạc, thiết bị cao cấp...

· Cần cẩn thận với những giúp đỡ của người giàu (không ai cho không cái gì cả): họ có thể dùng của cải để sai khiến, hoặc mượn uy thế của ta để lũng đoạn, gây ảnh hưởng và lên mặt với người khác.

· Cần tìm hiểu cách thức làm ăn của họ có gì không ổn về đạo lý và luật pháp không, rồi hãy nhận sự tài trợ của họ.

· Nên gặp gỡ trao đổi và khơi gợi lòng quảng đại của người giàu, kêu mời họ tham gia cộng tác trong việc giúp đỡ những người nghèo khó, mồ côi, goá bụa… bằng việc giúp đỡ vật chất và tạo công ăn việc làm… đỡ đầu cho các đoàn hội trong giáo xứ, tham gia hội khuyến học…

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không nên vì tiện nghi sung sướng mà phải làm nô lệ chúng. Không nên quan liêu hạch sách dân chúng, cũng đừng quỵ lụy, lệ thuộc người giàu.

· Không nên lui tới, quan tâm và quỵ luỵ thái quá người giàu có, kẻo bị người đời hiểu lầm và người nghèo buồn tủi, bị xúc phạm.

· Không nên chung vốn làm ăn kinh tế với người giầu, rồi vì tiền và vị nễ mà nhẹ tay trong việc áp dụng luật Chúa và luật Hội Thánh đối với họ.

· Không nên đề cao người giầu quá đáng và công khai, dành cho họ qúa nhiều ưu tiên, sự thiên vị trong các dịp lễ lạy, khiến người nghèo phải tủi thân.

22. TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI NGHÈO

a. Những gì nên cư xử, nói và làm

· Cố gắng sống giản dị và xa lánh những gì là phù phiếm; tự nguyện sống khó nghèo để theo sát Đức Kitô trong mọi lãnh vực (nhà ở, phương tiện đi lại, nghỉ ngơi…), hầu dễ gần gũi với đoàn chiên.

· Noi gương Đức Kitô, Đấng vốn giàu có đã tự trở nên nghèo khó vì chúng ta. Cố gắng dành cho người nghèo những chăm sóc tế nhị của đức ái mục tử; khiêm tốn đứng về phía người nghèo, người bên lề xã hội, người bị áp bức.

· Thương yêu người nghèo khó, túng bần, thấp cổ bé miệng, sa cơ lỡ vận… nhưng đừng khinh rẻ vất của bố thí, mà hãy cung kính đặt vào tay họ.

· Đừng rẻ rúng người nghèo, người lao động: vồn vã chào đón người giàu có mà chẳng thèm chào hỏi họ. Trái lại, phải thực sự hướng về người nghèo và người thiếu thốn, động viên giáo xứ dấn thân nâng đỡ người nghèo; nhận ra hình ảnh Chúa Kitô nơi người nghèo và lắng nghe tiếng kêu của ngài qua tiếng kêu của họ.

· Đặc biệt quan tâm thăm hỏi người nghèo trong những dịp lễ tết, giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần để họ được an ủi nâng đỡ và hoà mình với cộng đồng.

· Thông cảm chia sẻ và nâng đỡ hoàn cảnh sống của những người nghèo, nhất là điều kiện kinh tế nuôi dạy con cái. Kêu gọi cộng đoàn giáo xứ và những người giầu có chia sẻ gánh nặng cuộc sống với họ. Nhưng tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của người nghèo trong sinh hoạt giáo xứ.

· Luôn sẵn lòng lắng nghe người nghèo, tỏ ra là dấu chỉ chữa lành của tình yêu Thiên Chúa đối với họ: sống vì người nghèo, cho người nghèo và với người nghèo “cả trong lời nói và việc làm”.

· Hô hào mọi người dấn thân nâng đỡ người nghèo, các trẻ mồ côi, những người goá bụa…, nhằm giúp cho họ biết tự giúp mình, để họ có thể làm việc nhằm thăng tiến tình trạng của họ: “Cho một người một con cá, người đó chỉ ăn được một bữa; cho một cần câu, người đó ăn được cả đời.”

b. Những gì không nên cư xử, nói và làm

· Không được quên bổn phận và trách nhiệm Chúa giao chăm sóc từng con chiên, nhất là những chiên nghèo, chiên lạc.

· Không phân biệt đối xử: người giàu được kính trọng và năng lui tới, có việc họ mời rất dễ; còn người nghèo bị coi khinh, chẳng mấy khi lui tới, có việc mời rất khó, thì làm sao biết được hoàn cảnh thiếu thốn của họ!

· Đừng quên rằng người nghèo chỉ thiếu thốn vật chất (cơm không đủ ăn, áo mặc không đủ ấm, thiếu tiền cho con đi học, thiếu thuốc men khi bệnh tật…), mà còn nghèo tinh thần và thiêng liêng.

· Không bao giờ làm cho người nghèo sợ không dám đến gặp gỡ linh mục xứ để trình bày, đối thoại khi họ có nhu cầu. Không dùng những đồ quá sang trọng, làm cho người nghèo hèn không dám lui tới.

(còn tiếp)

Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS


Mục Lục: Linh Mục Tốt Hay Không Đều Do Các Tương Quan:
Lời Nói Đầu | Phần Một | Phần Hai | Phần Ba | Phần Bốn

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-tu-duc/linh-muc-tot-hay-khong-deu-do-cac-tuong-quan-phan-2/