Trích từ Dân Chúa

Hôn Nhân, Đức Tin Và Tình Yêu

Vũ Văn An

Jack Dominian là một nhà phân tâm học chuyên cố vấn cho các cặp hôn nhân tan vỡ. Ông viết nhiều tác phẩm về hôn nhân Kitô giáo dưới cái nhìn chuyên môn của một nhà trị liệu tâm lý. Nhiều người không đồng ý với cái nhìn của ông. Có người còn tố cáo ông là một trong những người bất đồng với Giáo Hội Công Giáo về một số giáo huấn liên quan đến lãnh vực tính dục. Tuy nhiên, các tác phẩm đầu của ông chưa cho thấy vết tích những bất đồng này, ngoại trừ theo ông, phương thức cổ truyền trong mục vụ hôn nhân tỏ ra không thoả đáng ở điểm đã chưa thực sự áp dụng cái nhìn của Công Đồng Vatican II coi hôn nhân như một liên hệ trải dài suốt cuộc sống của hai vợ chồng.

Cuộc sống ấy hết sức năng động vẫn luôn luôn trên hành trình khai mở và thay đổi, với tầng tầng lớp lớp những ẩn sâu tâm lý không ngừng ngoi lên để được nhìn nhận. Chính những biến động ấy mang lại thành công hay thất bại cho các cuộc hôn nhân. Ta vẫn chưa chuẩn bị cho các cặp hôn nhân một cách thoả đáng về phương diện ấy và nhất là đã không tiếp tục hỗ trợ họ trong phương diện ấy khi họ rời bỏ thánh lễ hôn phối để giáp mặt với 40 hay 50 năm hôn nhân sau này. Cái nhìn của một nhà chuyên môn thường hay có tính “méo mó” nghề nghiệp, nhưng thiết nghĩ hướng nhìn của họ không hẳn không hữu ích cho chúng ta.

Trong tác phẩm Hôn Nhân, Đức Tin Và Tình Yêu (Marriage, Faith and Love), xuất bản lần đầu năm 1981 do nhà Darton, Longman & Todd Ltd, Jack Dominian khai thác cả hai tiềm năng nhân bản và thiên bản trong hôn nhân Kitô giáo như tựa đề một cuốn sách của thần học gia Edward Schillebeeckx về hôn nhân “Human Reality and Saving Mystery” đã gợi hứng. Chúng tôi chuyển dịch tài liệu này để cống hiến bạn đọc trong tinh thần học hỏi.

DẪN NHẬP

Trong cuốn Hôn Nhân Kitô Giáo, (1), viết ở đầu thập niên 60, chúng tôi có thảo luận về một vấn đề lúc đó đang thách thức quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, tức vấn đề bản chất của hôn nhân. Vì cho đến lúc đó, trong các giới Công giáo, quan điểm luật pháp vẫn rất thịnh hành. Hôn nhân được quan niệm như một khế ước và các văn kiện kế tiếp vẫn tiếp tục sử dụng ngôn ngữ luật pháp vốn nhấn mạnh khía cạnh khế ước của hôn nhân.

Một cách ngắn gọn, ta có thể dựa vào phán quyết Tháng Giêng năm 1944 của Tòa Thượng thẩm Roma để tóm tắt quan điểm trên. “Hôn nhân có nhiều mục đích, có những mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng. Như điều 1013 Giáo luật đã quy định, mục đích đệ nhất đẳng là sinh sản và dạy dỗ con cái; mục đích đệ nhị đẳng là giúp đỡ lẫn nhau và chữa trị tư dục”.

Cũng trong cuốn sách trên, chúng tôi cho rằng diễn tả hôn nhân theo những ngôn từ đệ nhất và đệ nhị đẳng và sử dụng hạn từ mục đích không phải là phương cách thỏa đáng nhất để miêu tả bản chất của hôn nhân.

Kết luận cuốn sách, chúng tôi đã đưa ra câu định nghĩa sau đây: “Nhìn theo cách này, hôn nhân Kitô giáo là một cộng đồng do Chúa ban và kéo dài suốt đời, được tạo nên để đảm bảo những điều kiện thích đáng nhất cho việc thăng tiến đời sống, đời sống con cái và đời sống vợ chồng. Nó được đặt căn bản trên một loạt những liên hệ yêu thương mà, theo thứ tự thời gian, bao gồm liên hệ giữa vợ chồng với nhau, liên hệ giữa vợ chồng và con cái, và liên hệ giữa con cái với nhau. Yếu tính của hôn nhân, trong khi tham dự vào sự sống nhiệm tích của thánh sủng, sau cùng, dựa trên toàn vẹn tính của các liên hệ này xét dưói các khía cạnh thể lý, tâm lý và xã hội” (2).

Với cuốn sách này, chúng tôi có ý định quảng diễn thêm câu định nghĩa trên. Một trong những quảng diễn ấy là việc nới rộng câu định nghĩa trên để bao gồm các liên hệ của cha mẹ và con cái bên ngoài khung cảnh gia đình, tức các liên hệ giữa họ và thân nhân, bạn hữu và những người khác; nhờ thế, gia đình được mở rộng hướng tới toàn thể cộng đồng nơi họ sinh sống.

Câu định nghĩa trên đã được viết trước khi Công Ðồng Vatican II đưa ra quan điểm chính thức về hôn nhân và gia đình. Quan điểm này hết sức rõ rệt dứt khoát, chấm dứt việc sử dụng thuật ngữ mục đích với nghĩa đệ nhất và đệ nhị đẳng của nó. Thay vào đó, Công Ðồng đặt hôn nhân và gia đình vào tâm điểm của CỘNG ÐỒNG TÌNH YÊU (3). Tương ước (partnership) thân mật của cuộc sống vợ chồng và tình yêu ấy “bắt rễ trong giao ước phu phụ dựa trên sự hiệp tình bất khả phản hồi. Từ đó, qua hành vi nhân bản vợ chồng tự hiến cho nhau và tự chấp nhận nhau ấy, xuất hiện một liên hệ có tính vĩnh viễn trong ý muốn của Chúa cũng như dưới con mắt xã hội” (4).

Như thế, Công Ðồng đã một lúc liên kết ba ý niệm cộng đồng, giao ước và liên hệ lại với nhau, và do đó đặt hôn nhân vào viễn ảnh Thánh Kinh, theo đó, ý niệm chủ chốt là các liên hệ yêu thương giữa các phần tử khác nhau của gia đình. “Tình yêu đích thực của vợ chồng được tháp nhập vào tình yêu Thiên Chúa” (5). Như thế, những thực tại xã hội, thể lý và tâm lý hằng ngày của bậc sống đôi bạn đã trở thành những yếu tố cấu thành sự hiện diện của Chúa.

Giáo hội Anh giáo cũng đương đầu với nhu cầu phải làm sáng tỏ các học thuyết của mình về hôn nhân và đã cho công bố hai phúc trình về vấn đề này năm 1971 và 1978 lần lượt tựa đề là HÔN NHÂN, LY DỊ VÀ GIÁO HỘI (6) và HÔN NHÂN VÀ TRÁCH VỤ CỦA GIÁO HỘỊ(7). Trong cả hai phúc trình này, hôn nhân như một liên hệ đã được nhấn mạnh. Trong một tương hợp đáng chú ý về quan điểm, phúc trình thứ hai đã tóm lược căn bản của hôn nhân bằng những lời sau đây: “Căn bản của hôn nhân nằm trong chính mối liên hệ giữa vợ chồng với nhau” (8).

Khi đặt trọng tâm của hôn nhân vào mối liên hệ giữa vợ chồng, giữa các thành viên khác của gia đình, và giữa gia đình và thế giới, ta thấy có những chiều kích về xã hội và bản thân cần được khai triển. Giống như xã hội hiện đang gặp những thay đổi đáng kể, hôn nhân trong lòng xã hội ấy cũng không thể tránh khỏi các yếu tố đổi thay. Các yếu tố này tác động mạnh đến đời sống lao động của hai vợ chồng, đến vị thế kinh tế, vấn đề gia cư, các tài nguyên, việc sinh con, khuôn khổ gia đình, các liên hệ thể lý, xúc cảm và tính dục của họ, và liên hệ giữa họ và cộng đồng rộng lớn. Người ta thấy có sự tương hành tinh tế giữa hôn nhân, gia đình và xã hội, và trong các xã hội đa nguyên tính, kết cấu của tác phong chịu ảnh hưởng mạnh của nhiều lực lượng khác nhau.

Bất kể các lực lượng ảnh hưỏng đến cơ cấu hôn nhân và gia đình có cấu trúc như thế nào, sự kiện vẫn là: mầu nhiệm cứu độ của hôn nhân phản ảnh thực tại nhân bản của nó. Và vì thực tại nhân bản ấy luôn luôn thay đổi, nên cần phải hiểu các nét thay đổi của nó trong chi tiết. Trong các khía cạnh xã hội và tâm lý của hôn nhân, không có chi là vĩnh cửu và bất biến cả, như phụ đề cuốn sách của Edward Schillebeeckx về hôn nhân THỰC TẠI NHÂN BẢN VÀ MẦU NHIỆM CỨU ÐỘ (9) đã cho thấy, ơn cứu độ được hoàn cảnh hoá một cách mặc nhiên trong thực tại con người. Hai khía cạnh đó kết hợp với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được và, muốn hiểu được phương cách hôn nhân Kitô giáo diễn tiến ra sao, chủ yếu cần phải hiểu các đặc tính xã hội và tâm lý của nó.

Ðời sống hôn nhân diễn tiến theo những mức độ và cách thế khác nhau tùy theo từng xã hội. Trong các xã hội Tây phương và nơi các trung tâm đô thị tại các nước đang phát triển, người ta có thể chắc chắn khẳng định rằng hôn nhân đang di chuyển ra khỏi hình thái chức phận để tiến qua hình thái đồng hành (10). Trong hình thái chức phận, trách nhiệm của người chồng là kiếm kế sinh nhai và là chủ gia đình, trong khi vai trò của người vợ là chăm sóc nhà cửa và con cái. Ngày nay, mẫu mực đó đang từ từ biến thành một liên hệ trong đó, vợ chồng tìm cách ngang nhau về giá trị, mềm dẻo hơn trong các trách nhiệm bổ túc, nhấn mạnh đến thông đạt, đến biểu lộ tình cảm, thỏa mãn tính dục và thể hiện các tiềm năng bản thân của nhau. Mục tiêu cuối cùng có thể dẫn đến ngộ nhận rằng nếu như thế, vợ chồng có vẻ quá chú trọng đến con người của họ. Thực ra, nếu làm cho đến nơi đến chốn, nó đưa lại kết quả khác hẳn. Vì càng thể hiện được con người của mình, vợ chồng càng có tài nguyên cung hiến cho nhau.

Trong cuốn sách này, tình yêu sẽ được diễn tả như là khả năng sẵn sàng cung hiến (availability). Khả năng cung hiến đối với chính mình theo nghĩa cá nhân phải cảm nhận và ý thức được rằng tâm trí, thân xác, cảm quan cũng như ý chí họ thực sự được chính họ chiếm hữu, và xét chung, khả năng cảm thấy mình tốt phải lớn hơn cảm quan thấy mình xấu. Trong hoàn cảnh ấy, ta cảm thấy mình đáng yêu, có thể ghi nhận tình yêu của người khác và đồng thời đáp trả tình yêu ấy một cách phong phú, bao lâu các nguồn tài nguyên tích cực của ta cho phép.

Việc tự thể hiện bản thân trong khuôn khổ hôn nhân là một diễn trình hỗ tương giữa vợ chồng. Nó đòi hỏi nhẫn nại, cố gắng và hy sinh. Nhịp độ và mức độ tăng trưởng có khác nhau giữa vợ chồng và vì vậy, một biểu hiệu của tình yêu là khả năng chờ người kia tiến kịp mức với mình. Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ vì hiện tượng chỉ có một bên tăng trưởng, còn người kia lùi lại phía sau và do đó, giữa họ, có một phân cách xa lạ. Cam kết yêu thương đòi ta phải lượng giá mức độ tăng trưởng của người bạn đời và thành thực cố gắng theo kịp mức tăng trưởng ấy. Nhờ thế, những lời ta thán được nghe nhiều lần trong các đổ vỡ hôn nhân đại loại như anh ấy (cô ấy) không hiểu cũng như không quan tâm tới tôi sẽ từ từ bớt đi.

Bản văn Thánh Kinh diễn tả rõ ràng nhất ý niệm cung hiến là thư Thánh Phaolo gửi tín hữu Philippê: “Trong tâm tư, anh chị em hãy như Chúa Kitô: Ngài là Thiên Chúa, song Ngài đã không bám lấy sự bình đẳng với Thiên Chúa, nhưng đã tự cho đi đến rỗng cả mình để nhận lấy thân phận tôi đòi, và đã trở nên như người ta “ (Pl. 2:5-7).

Mọi người chúng ta phải tự cho đi đến trống rỗng như Chúa Kitô, vì lòng mến Chúa và yêu anh em. Nhưng làm sao ta tự cho đi đến trống rỗng được nếu ta chỉ có rất ít hoặc không có chi để dâng hiến. Thành thử các tài nguyên yêu thương của ta càng lớn, thì ta càng có thể cho đi nhiều hơn. Thực vậy, cuối cùng, ta sẽ cho trọn cả thân ta cho người lân cận của ta như Chúa Kitô đã làm vì tình yêu.

Người lân cận qúy báu nhất tong hôn nhân đương nhiên là người phối ngẫu của ta, sau đó là con cái, và qua họ, ta vươn tới xã hội bên kia khung cảnh gia đình.

Ta biết rằng giữa việc ta muốn tự hiến bản thân và việc thực sự thực hiện được việc đó, có cả một khoảng cách liên tục. Cái sự thực tâm lý học ấy lại một lần nữa được Thánh Phaolô nhìn rõ: “Tôi không hiểu được chính tác phong của tôi. Ðiều tôi muốn tôi lại không làm, còn điều tôi ghét, tôi lại đi làm” (Rm. 7:15-16)

Qua cuốn sách này, như tựa đề cho thấy, với mục đích tìm hiểu mối tương quan giữa tình yêu vợ chồng và Ðức tin, chúng ta sẽ có dịp đi sâu hơn vào nghịch cảnh tính của Thánh Phaolô. Tình yêu phu phụ, cũng như mọi tình yêu khác, có những khả năng thực hiện hầu như vô tận, những khả năng mà chúng ta chỉ có thể ước lượng như Thánh Phaolô đã làm hai ngàn năm trước đây. Và vì chúng ta đã được kêu gọi trở nên hoàn thiện, nên ta luôn đối đầu với lời mời gọi khám phá ra các khả năng yêu thương trong hôn nhân.

Dọc dài hai ngàn năm kể từ thời Thánh Phaolô, Kitô giáo đã khai triển quan điểm của mình về tình yêu và hôn nhân căn cứ trên các chân lý đã được Thánh Kinh phát biểu và được triển khai trong thời đại Kitô Giáo. Chương nhất vì thế sẽ được dùng để phác thảo sự triển khai lịch sử ấy.

Đọc tiếp phần (2), (3 ), (4 ), (5 ), (6 ), (7 ), (8 ), (9 ), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23) & (24)

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Dominian, J. Christian Marriage, Darton, Longman and Todd, 1967
2. Ibid., p. 244
3. Pastoral Constitution on the Church in the Modern Wolrd, part II, Chap. 1. Chapman, 1967
4. Ibid. p.250
5. Ibid. p. 251
6. Marriage, Divorce and the Church. SPCK, 1971
7. Marriage and the Church's Task. Church Information Office, 1978
8. Ibid. p.33
9. Schillebeeckx, E. Marriage: Human Reality and Saving Mystery. Sheed and Ward, 1965.
10. Hicks, M.V. and Platt, M., “Marital Stability and Happiness” trong A Decade of Family Research and Action, p. 59. National Council on Family Relations, 1970.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-tu-duc/hon-nhan-duc-tin-va-tinh-yeu/