Trích từ Dân Chúa

5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 9/06

Một Đan Sĩ

Thứ Sáu đầu tháng 01/09/06

VÀI GIỌT DẦU MỖI NGÀY
“Trong mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể, có năm cô dại và năm cô khôn.” (Mt 25,1-13)

Suy niệm: Giá dầu đang tăng với tốc độ chóng mặt: hơn 70 đô la Mỹ/1 thùng. Thế nhưng, người ta vẫn phải bấm bụng mua để sử dụng, bởi vì không có dầu, thuyền bè, xe cộ, máy bay, nhà máy… trở thành đống sắt vụn. Dầu quan trọng trong nền kinh tế thế giới, dầu cũng quan trọng không kém trong đời sống đạo, như Chúa so sánh trong dụ ngôn hôm nay. Năm cô trinh nữ khôn và năm cô dại có rất nhiều điểm giống nhau: cùng đi đón chàng rể; cũng ngủ gà ngủ gật như nhau vì chú rể đến chậm. Tuy nhiên, khôn và dại khác nhau ở chỗ này: có mang chai dầu dự trữ hay không. Như vậy, khôn và dại chỉ cách nhau trong gang tấc, ở tầm nhìn hướng về tương lai, nhớ đến mục đích cuối cùng của mình. Chúng mình mãi mãi là những trinh nữ dại khờ nếu chỉ biết có cuộc sống hiện tại, không khôn ngoan chuẩn bị “chai dầu dự trữ” cho mục tiêu cuối cùng của cuộc đời.

Mời Bạn: Thánh Gio-an Thánh Giá nhắc nhở: Ngày cuối đời, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu. Vì thế, chai dầu bạn phải dự trữ có “thương hiệu” là Dầu Tình Yêu. Mỗi ngày hãy rót vào chai dầu Tình Yêu ấy vài giọt lời nói dịu dàng, vài giọt hành vi tha thứ, vài giọt nghĩa cử bác ái, vài giọt hy sinh quên mình, và đừng quên vài giọt nụ cười thật tươi nữa, bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Xem lại chai dầu Tình Yêu của mình đang thiếu thứ dầu nào, để chăm chút rót vài giọt mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con mải mê chạy theo cuộc sống trần thế mà quên rằng mình chỉ là lữ khách. Xin cho con biết chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu bằng cách sống yêu thương ngay ở đời này.

Thứ Bảy đầu tháng 02/09/06

KHÔNG PHẢI CHO RIÊNG MÌNH
“Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.” (Mt 25,14-30)

Suy niệm: Cách đây vài tháng, khi sang Việt Nam, tỉ phú Mỹ Bill Gates được đón tiếp nồng hậu. Đối với nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ, ông là mẫu gương về sự thành đạt từ hai bàn tay trắng, về tính bình dân gần gũi dễ mến, và lòng hào phóng quảng đại khi dành nhiều tỉ đô la Mỹ cho việc phát triển y khoa và các nước đang phát triển… Có thể nói Bill Gates là một thí dụ điển hình về việc sử dụng tiền của và kiến thức để phục vụ con người. Thế nhưng, trước mặt Chúa, một người bình thường ở một xó xỉnh nào đó của thế giới cũng có công trạng không kém, khi biết sử dụng “nén bạc” Chúa trao một cách khôn ngoan và toàn vẹn, để sinh lợi cho Chúa. Bí quyết làm giàu nén bạc Chúa trao là dùng nó để giúp người khác phát triển.

Mời Bạn: Đầy tớ chôn nén bạc là hình ảnh người chỉ biết sử dụng những gì mình có (tài sản, thời giờ, tài năng…) cách ích kỷ, cho riêng bản thân và gia đình mình. Ngoài ra, anh còn nghĩ xấu về chủ của mình. Khi sống ích kỷ, bạn thường trách móc Chúa, càu nhàu người thân, chửi rủa người lân cận. Nhớ rằng mình chỉ là người quản lý, và đời bạn chỉ hạnh phúc khi bạn là người quản lý “tài giỏi và trung thành” của Chúa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tập thực hiện một việc làm vô vị lợi với người lân cận, nghĩa là không cầu lợi, không cầu danh, chỉ với mục đích duy nhất là sống đức ái Ki-tô giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao phó cho chúng con những nén bạc quý giá. Xin cho chúng con biết sử dụng những khả năng Chúa giao cách tài giỏi và trung thành như ý Chúa muốn.

Chúa Nhật XXII TN 03/09/06

LỜI CẢNH CÁO
“Các ông là những kẻ đạo đức giả.” (Mc 7,1-8.14-15.21-23)

Suy niệm: Vụ xì căng đan ở trường Cao Đẳng Phát Thanh - Truyền Hình T.Ư. I mà báo chí phanh phui hồi tháng 7 đã làm nhiều người sởn gai ốc. Nền giáo dục nước nhà vốn có nhiều tai tiếng, nhưng băng hoại đến mức “thầy gạ trò đổi ‘tình’ lấy điểm” thì quả là… đại loạn rồi! Các vị hữu trách ở Bộ Giáo Dục đang nỗ lực rất cao để chấn chỉnh. Chúng ta cầu mong tình hình sẽ tốt đẹp hơn. Còn trong Giáo Hội thì sao? Phải chăng Chúa không đang nói với chúng ta “Các ông là những kẻ đạo đức giả,” như Người nói với ‘giới đạo đức’ trong thời của Người? Sẽ càng bi đát hơn nữa, nếu chúng ta đạo đức giả mà cứ nghĩ, cứ tin rằng mình đang đạo đức thật! Đâu là tiêu chuẩn phân định thật giả? Giả là chỉ lo duy trì truyền thống của người phàm trong khi gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa. Giả là mải lo cho ‘hoành tráng’ cái bên ngoài (cơ sở, đoàn thể, kiệu rước, hành hương…), còn trong lòng thì nhăn nheo, mốc meo với những thứ mà chính Đức Giê-su liệt kê: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”… và nhiều thứ khác nữa. Chắc chắn ta cần một cuộc thanh luyện, để trở về với chất Tin Mừng tinh ròng hơn.

Mời Bạn: Lưu ý rằng các giám mục của chúng ta (Á Châu, Việt Nam) đang nói về sự cần thiết của một cách thức mới để thể hiện Giáo Hội. Giáo Hội như chúng ta đang có không thể cứ vậy mà tiếp tục.

Chia sẻ: Theo bạn, đâu là cách thức mới để thể hiện Giáo Hội ngay trong gia đình, giáo xứ của bạn?

Sống Lời Chúa: Xét mình nghiêm túc để phát hiện mình đạo đức giả ở điểm nào.

Cầu nguyện: Hát “Thánh Thần, khấng xin ngự đến…” để xin ơn đổi mới.

Thứ Hai 04/09/06

LINH TẠI NGÃ
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,16-30)

Suy niệm: Đức Giê-su xác nhận lời Kinh Thánh trong sách ngôn sứ I-sa-i-a Ngài vừa công bố là ứng nghiệm vào chính Ngài. Những phép lạ Ngài đã làm, những “lời hay ý đẹp” Ngài nói ra được dân thành Na-da-rét trầm trồ ca ngợi dường như chứng thực cho điều đó. Thế nhưng cũng chính dân thành Na-da-rét lại vấp phạm vì Đức Giê-su, người đồng hương quá quen thuộc đối với họ. Bởi “bụt nhà không thiêng” mà! Cổ nhân có nói: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã” (linh thiêng bởi tôi mà mất linh cũng bởi tôi). Ngày hôm nay Ngài không làm phép lạ nào tại quê hương bởi thân nhân Ngài thiếu lòng tin.

Mời Bạn: Thiên Chúa có “mất linh” nơi tôi, nơi bạn, không phải vì quyền năng của Ngài bị suy giảm, mà chính vì lòng tin Chúa nơi chúng ta bị phai nhạt đi. Thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con không cần hỏi ý con, nhưng muốn cứu con lại cần có ý con.” Ngài cần chúng ta bày tỏ “ý kiến”: sẵn sàng tin nhận Ngài là Thiên Chúa cứu độ và cũng sẵn sàng mở lòng mình ra để đón nhận ơn cứu độ. Lúc đó, quyền năng linh thiêng của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện nơi bạn.

Chia sẻ kinh nghiệm nhờ lòng tin mà bạn đã vượt qua khó khăn, khủng hoảng.

Sống Lời Chúa: Sống thân mật với Đức Ki-tô qua Lời Ngài và các bí tích là phương thế củng cố lòng tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con luôn cần những phép lạ trong đời sống, nhưng chúng con quên rằng để phép lạ xảy ra đòi chúng con phải có lòng tin. Chúng con biết mình yếu đuối, xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con.

Thứ Ba 05/09/06

LỜI QUYỀN NĂNG TÁC ĐỘNG
Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta…(Lc 4,31-37)

Suy niệm: Chúa Giê-su là Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta (Ga 1,14). Ngài là Lời: Lời hằng sống, Lời yêu thương, Lời chân lý nên khiến cho người Do Thái sửng sốt vì Lời giảng dạy của Ngài. Lời có uy quyền, tác động mạnh mẽ trên sức sống dân chúng, thu hút đông đảo dân chúng và Lời đã hoán cải người tội lỗi trở về với cuộc sống lương thiện. Lời trừ quỷ diệt tà, Lời chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, Lời đem lại niềm tin vui hy vọng và an bình cho tất cả mọi người đến với Ngài, không phân biệt giàu nghèo… Chính vì thế mà Lời đã làm cho mọi người chứng kiến phép lạ hôm nay phải kinh ngạc!

Mời Bạn: Lời Ngài hôm nay đang nói với chúng mình một cách sống động đấy bạn ạ. Lời Ngài trong Kinh Thánh giúp bạn biết Chúa; Lời Ngài trong Thánh Lễ là ánh sáng soi dẫn bạn hằng ngày để bạn không lạc lối. Nhờ đó bạn có thể nghe được Lời Ngài trong những người biết nói lên sự thật, nói lên sự thiện, nói lên sự hòa bình, hòa giải và tha thứ. Lời lên án sự tham nhũng, bóc lột để đấu tranh cho công bằng xã hội. Lời xây dựng sự hiệp nhất yêu thương. Lời nối kết con người trong tình người và tình Chúa… Bạn hãy làm phép tính, cộng từ ngày bạn được rước lễ lần đầu đến nay là bao nhiêu ngày. Mỗi ngày bạn đều được nghe một đoạn Lời Chúa. Vậy trong ngần ấy thời gian, bạn đã để cho Lời Chúa tác động và biến đổi bạn chưa?

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện:. Xin cho Lời quyền năng của Chúa biến đổi đời sống con. Amen.

Thứ Tư đầu tháng 06/09/06

NGƯỜI LOAN TIN MỪNG
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (Lc 4,38-44)

Mời bạn chiêm ngắm Chúa Giê-su để cảm nghiệm tâm tình của Ngài, và học cách Ngài loan báo Tin Mừng. Không chỉ bằng lời giảng dạy mà còn bằng cách sống lòng nhân từ, thương xót. Ngài chữa lành cho mẹ vợ Phê-rô, người môn đệ của mình. Cử chỉ thật tình nghĩa biết bao! Mọi người bệnh hoạn, bị quỷ ám… đưa tới Người, đều được chữa lành. Thế nhưng cách sống đượm tình người ấy và những thành công ấy không cản trở sứ mạng loan báo Tin Mừng. Dân chúng nườm nượp đến với Ngài, hâm mộ, níu kéo Ngài; nhưng Ngài không dừng ở hiệu năng công việc, hay ở thành công, danh vọng… Điểm dừng của Ngài là một nơi hoang vắng để kết hợp với Chúa Cha, điểm đến là tiếp tục nhận lệnh lên đường “loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa”.

Bạn có ý thức sứ mạng cao cả của mình khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là được tham dự vào chức vụ Ngôn sứ của Chúa Ki-tô? Bạn có mải mê dừng lại ở những mối bận tâm trần thế này mà quên điểm đến của mình là cuộc sống thân mật với Thiên Chúa và tiếp tục lên đường với sứ mạng loan báo Lời Chúa cho người khác. Để sống như Đức Ki-tô, bạn hãy chiêm ngắm Đức Ki-tô trong Tin Mừng hôm nay và chia sẻ những gì bạn cảm nghiệm về Ngài trong tư cách Ngôn Sứ.

Sống Lời Chúa: Nói Lời Chúa cho người khác bằng cầu nguyện, hy sinh và sống Lời Chúa cách cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con lòng thao thức và nhiệt thành truyền giáo, để như Thánh Phao-lô, con có thể nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”

Thứ Năm đầu tháng 07/09/06

HOÁN CẢI ĐỂ TIẾN BƯỚC
Thấy vậy, ông Si-mon Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” (Lc 5,1-11)

Suy niệm: Sau khi chứng kiến mẻ lưới lạ lùng, Phê-rô nhanh chóng nhận ra Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, đồng thời bén nhạy nhận ra mình là “kẻ tội lỗi”. Phê-rô tự nhận mình như thế không phải vì ông đã phạm những tội ác tày trời, mà vì ông cảm nhận được mình bất toàn và bất xứng trước Đức Giê-su, Đấng Thánh của Thiên Chúa. Nhờ cảm nhận tội lỗi của mình như thế, Phê-rô cũng có một lòng hoán cải thật sâu xa. Thiết tưởng, khó mà tìm gặp được lời hoán cải trên môi miệng của ai như lời của Phê-rô thốt lên với Chúa hôm nay. Thấy mình không xứng đáng Phê-rô muốn Chúa tránh xa ông. Nhưng Ngài muốn ông bỏ lại cuộc sống hèn kém ấy để đứng dậy đi theo sát bước chân của Ngài. Người hoán cải không được ngồi lì trong bóng đêm tội lỗi nữa, nhưng phải bước ra khỏi đó, để từ nay theo sát gót Chúa Giê-su, miệt mài trên từng cây số với một tinh thần mới: hăng say làm chứng cho Chúa.

Mời Bạn: Tội lỗi dễ dàng làm cho bạn nguội lạnh với việc phụng thờ Chúa và nặng nề khi làm việc tông đồ, từ đó bạn muốn yên thân, xa lánh. Bạn hãy nhớ kỹ Lời Chúa hôm nay để tin tưởng vào lòng Chúa thương và quyết tâm làm môn đệ Ngài.

Chia sẻ: Nhắc nhở nhau cộng tác với ơn Chúa để làm việc tông đồ.

Sống Lời Chúa: Sau mỗi lần xét mình và thú nhận tội lỗi, bạn thưa với Chúa quyết tâm theo Chúa của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cứu chuộc con để con lại được làm con Chúa và được nên tông đồ của Chúa. Xin cho con biết vươn lên khỏi những ý tưởng thấp hèn, những thói quen bỉ ổi. Xin cho con mặc lấy tinh thần truyền giáo của Chúa.

Thứ Sáu 08/09/06 Sinh nhật Đức Maria

SINH TRƯỞNG TRONG ÂN PHÚC
“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-mu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Mt 1,16.18-23)

Suy niệm: Đông và Tây có khác nhau về ý hướng mừng ngày sinh nhật. Với Tây phương, mừng sinh nhật một người là mừng con người ấy hiện diện trên đời này; với Đông phương, mừng sinh nhật còn là ngày nhớ ơn cha mẹ, tổ tiên; có các ngài sinh thành, dưỡng dục bấy giờ mới có ta. Mừng sinh nhật Đức Ma-ri-a, Hội Thánh vừa ngợi khen Thiên Chúa đã cho Mẹ hiện diện trong lịch sử nhân loại, và cho Mẹ cộng tác vào công trình của Ngài, vừa nhìn vào Mẹ như tấm gương của một người biết sử dụng mọi ơn Chúa ban, không để một ơn nào trở thành vô hiệu. Hội Thánh tuyên tín Mẹ không hề vướng mắc tội cũng là tin rằng ơn Chúa luôn được Mẹ đón nhận, Đấng “đầy ơn phúc”, được “Thiên Chúa ở cùng”, và noi gương Mẹ lắng nghe Lời Chúa mà “suy đi nghĩ lại trong lòng”, và đem ra thực hành để Lời Chúa mà mình nghe được sinh ích cho mình và cho người khác.

Mời Bạn: Mỗi người có một ngày sinh nhật riêng. Mọi con người sinh ra đời đều nằm trong chương trình và trong ân sủng của Chúa. Tuy nhiên, có người đem niềm vui, an bình, hy vọng; có người chỉ gieo tai họa, chết chóc, buồn thảm. Bạn thuộc hạng người nào? Ngày sinh nhật của Mẹ Ma-ri-a có giúp gì cho hướng đi của bạn không ?

Chia sẻ: Khi mừng sinh nhật, bạn làm gì để nhớ tới ơn Chúa ban và sứ mạng Chúa trao khi cho bạn chào đời?

Sống Lời Chúa: Dâng lời tạ ơn Chúa đã cho bạn sinh ra đời. Xin cho đời bạn thực hiện điều Chúa muốn nơi bạn.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết dùng đời con để làm đẹp lòng Chúa như Mẹ đã sống.

Thứ Bảy 09/09/06 Th. Phêrô Clave

CHẺ SỢI TÓC LÀM TƯ?
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sa-bát “? Đức Giê-su trả lời: “…Con Người làm chủ ngày Sa-bát.” (Lc 6,1-5)

Suy niệm: Người Do-thái giữ rất nghiêm luật nghỉ ngày Sa-bát; đó là ngày nghỉ, không ai được phép lao động, vì Thiên Chúa đã nghỉ ngơi và thánh hoá ngày đó (x. St 2,2-3). Việc các môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa rồi vò trong tay mà ăn bị người Pha-ri-sêu xem như là đã “gặt lúa” và “xay lúa”, một việc bị cấm trong ngày Sa-bát, thì quả thật là quá đáng. Quả là các ông Pha-ri-sêu này đã “chẻ sợi tóc làm tư” khiến luật nghỉ việc ngày Sa-bát đã trở nên gánh nặng và là cái cớ để bắt bẻ, kết án người khác. Thay vì luật phục vụ con người thì nay con người thành nô lệ cho lề luật. Chúa Giê-su đã phản đối lại thái độ đó và Ngài kết luận: “Con Người làm chủ ngày Sa-bát”.

Mời Bạn: Thái độ “chẻ sợi tóc làm tư”, xoi mói những tiểu tiết vụn vặt để bắt bẻ người khác là một bằng chứng của người sống thiếu tình người. Nếu phải sống với một người như thế thì thật là một ác mộng, phải không bạn? Thế nhưng không chừng bạn đang là ác mộng cho những người sống quanh bạn đấy! “Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người”, đó là nguyên tắc sống để diệt trừ thói xấu “chẻ sợi tóc làm tư”.

Chia sẻ: Kiểm điểm xem bạn có thói xấu chuyên làm ầm ĩ những sự cố lẻ tẻ để phủ nhận thành quả của người khác không?

Sống Lời Chúa: Loại trừ thói xấu bình phẩm vội vàng và chỉ nhìn khía cạnh tiêu cực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con vẫn thường đòi hỏi nơi người khác rất nhiều điều, nhưng lại nuông chiều bản thân. Xin giúp con biết sống bao dung và yêu mến nhiều hơn để cuộc sống của con trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn.

Chúa Nhật XXIII TN 10/09/06

CON CÃI CHA MẸ TRĂM ĐƯỜNG CON HƯ
“Người đặt ngón tay vào lỗ tai anh.” (Mc 7,31-37)

Suy niệm: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Con cái phải nghe lời cha mẹ thì mới nên người, giống như bệnh nhân thì phải nghe lời bác sĩ dặn dò và làm theo thì mới lành bệnh được. Thế nhưng, thời nay lại có những bậc cha mẹ phải nghe lời con cái chứ không phải con cái nghe lời cha mẹ, đó là một thực tế ngày càng xuất hiện ở những thành phố phát triển Đó cũng là một điều nhức nhối cho các bậc làm cha mẹ cũng như của những nhà giáo dục, bởi vì một khi cha mẹ nghe lời con cái hơn là con cái nghe lời cha mẹ thì gia đình sẽ không còn là nhà trường đầu tiên của con cái nữa.

Mời Bạn: Đời sống gia đình và cộng đoàn sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu mọi người biết lắng tai nghe. Bạn có phải là người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe người khác? Bạn có ý thức rằng người ki-tô hữu nếu bỏ ngoài tai lời dạy của cha mẹ thì họ sẽ không thể nghe lời dạy của Chúa, bởi vì cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ con cái nên người tốt có ích cho mọi người? Đồng thời cha mẹ cũng cần đôi tai biết lắng nghe tiếng Chúa nói thông qua những biểu hiện của con cái để biết thánh ý Chúa muốn thực hiện điều gì nơi con cái mình.

Sống Lời Chúa: Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở tai con, để con lắng nghe tiếng Chúa, để con nghe được những nhu cầu của tha nhân. Xin cho con biết thương xót, biết lo lắng cho những ai ở gần con. Xin cho con biết sống yêu thương.

Thứ Hai 11/09/06

GIỚI LUẬT CĂN BẢN
“Tôi xin hỏi các ông: ngày Sa-bat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” (Lc 6,6-11)

Suy niệm: Xã hội Do Thái thời Chúa Giê-su không thiếu những luật lệ cứng nhắc, những ‘lệ làng’ to hơn cả ‘phép vua’ đã khiến lương tâm người ta chai cứng không thể trả lời câu hỏi của Chúa: “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ?” Chuyện tưởng chừng như đã trôi vào dĩ vãng vẫn xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của người Ki-tô hữu thời nay. Có quá nhiều lý do để biện minh cho những việc làm thiếu bác ái. Cũng có không ít lý do để lên án và soi mói anh chị em, rồi nhìn các công việc người khác làm với cái nhìn méo mó. Thực tế đáng buồn đó đã làm không ít người cảm thấy nhụt chí, khoanh tay, ‘trùm mền’ trước những việc nghĩa, việc thiện mà đáng lẽ họ phải ra tay thực hiện. Cả hai lối hành xử ấy cần phải được ‘trục xuất’ ra khỏi tâm hồn của người Ki-tô hữu. Đồng thời biết sử dụng thời giờ Chúa ban để làm việc bác ái, thực hiện công bình, chung tay góp sức xây dựng một nền văn minh tình thương.

Mời Bạn sống tinh thần của Chúa Giê-su: - lấy giới răn yêu thương làm gốc: chuẩn mực cho mọi phán đoán, động cơ cho mọi hành động; - sẵn sàng dấn thân vì lẽ phải. vì bác ái: thấy việc tốt phải làm thì mạnh dạn thực hiện cho dù có bị hiểu lầm chống đối.

Chia sẻ: Tại sao bạn cảm thấy khó chịu khi một ai đó đang ‘nổi’ ?

Sống Lời Chúa: Tập nhìn thấy những điều hay, điều tốt cũng như những ý hướng tốt lành nơi anh chị em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn mọi sự với cái nhìn yêu thương, cảm thông và tha thứ thay cho cái nhìn ganh ghét, soi mói và lên án.

Thứ Ba 12/09/06 Thánh Danh Đức Maria

DÀNH THỜI GIỜ CHO TÌNH YÊU
“Trong những ngày ấy Đức Giê-su ra núi cầu nguyện và Người đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12-19)

Suy niệm: Nếu bạn cùng với Đức Giê-su đi “ra núi” đêm hôm ấy, ắt hẳn bạn hiểu động lực nào thúc đẩy Ngài tìm ra một nơi và một thời gian để làm công việc cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha của Ngài. Bạn sẽ thấy và sẽ hiểu Ngài đến trần gian là vì yêu và để thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Đành rằng công việc trong cánh đồng truyền giáo bề bộn thật đấy, và thời gian của Ngài ở trần gian ngắn ngủi thật đấy, nhưng Đức Giê-su không đo lường tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha bằng hiệu năng, bằng số phép lạ Ngài làm, bằng số bài giảng Ngài nói, hay bằng số những người tin theo Ngài trong ba năm rao giảng. Tất cả những điều đó đều vô nghĩa nếu không được bắt đầu từ tình yêu và qui hướng về tình yêu qua việc cầu nguyện kết hiệp sâu xa với Chúa Cha.

Mời Bạn: Đặc điểm của thời đại chúng ta là vội vã, xô bồ vì “tôi bận quá nhiều việc” giữa thế giới ồn ào náo nhiệt này. Thế nhưng tình yêu thì có chọn lựa. Nếu bạn yêu thích ai, bạn có thể kiếm ra giờ tìm ra chỗ để gặp gỡ người ấy. Cầu nguyện không phải là vấn đề “thời giờ”, “nơi chỗ”, mà là vấn đề “tình yêu”. Bạn chưa cầu nguyện được ư? Phải chăng vì bạn chưa dành ra được một chỗ, một thời gian cho tình yêu? Và như thế, bạn đã yêu Chúa chưa nhỉ?

Chia sẻ: Bạn sắp xếp công việc của ngày sống thế nào để có thể dành thời giờ cho việc cầu nguyện?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ít là 5 phút để cầu nguyện thân tình với Chúa.

Cầu nguyện: Giê-su ơi, xin tình yêu Chúa bén rễ sâu trong trái tim con để con luôn ở lại trong tình yêu Chúa mọi ngày trong đời con.

Thứ Tư 13/09/06 Th. Gioan Kim Khẩu

PHÚC CHO NGƯỜI NGHÈO
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20-26)

Suy niệm: Cái chết của công nương Diana làm hàng triệu người xúc động, không chỉ vì thương cho “kiếp hồng nhan bạc mệnh”, mà còn vì cảm mến một tấm lòng nhân hậu, biết quan tâm đến những người nghèo khó, bị bỏ rơi. Chả thế mà có một tờ báo vẽ hình mẹ Têrêxa, người mẹ của những người nghèo khó, mới qua đời trước đó ít lâu, dắt tay công nương bay lên trời. Lời Chúa hôm nay cho biết Thiên Chúa đứng về phía người nghèo: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em”. Chúa không có ý bảo “người nghèo có phúc” để họ cứ ở yên trong cảnh nghèo đói. Họ có phúc vì được Chúa ưu tiên bênh vực, cứu chuộc và vì hạnh phúc Nước Trời là của những người nghèo như họ.

Mời Bạn: Chúng ta sẵn sàng chia cơm sẻ áo với những cảnh đời cùng khổ, ra đi đến với những lớp học tình thương. Nhưng hãy nhớ rằng cùng với Chúa đứng về phía người nghèo còn đòi hỏi chúng ta nhiều hơn nữa. Phải tìm cho ra nguyên nhân gây ra nghèo đói, nguyên nhân làm cho người nghèo lại càng nghèo thêm. Và dĩ nhiên phải dấn thân để xoá bỏ nghèo đói ngay tận gốc đó. Và cả những người có của ăn của để, hãy tự nguyện trở nên nghèo bằng cách chia sẻ để làm giàu cho anh chị em mình.

Chia sẻ: Kiểm điểm xem mình có đang sống bất công với anh chị em mình qua cách làm ăn sinh sống của mình không.

Sống Lời Chúa: Bớt lại một khoản chi tiêu thường ngày để dành vào công việc bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để dễ nhận lãnh. Can đảm nhận mình giàu để hiến trao. A-men.

Thứ Năm 14/09/06

SUY TÔN THÁNH GIÁ
“Con Người phải được giương cao để cứu độ thế gian.” (Ga 3,13-17)

Suy niệm: Con rắn tượng trưng cho tên cám dỗ ông bà nguyên tổ phạm tội chết giờ đây, chính nó bị giương cao để ai bị rắn cắn, nhờ nhìn vào nó mà được sống. Chúa Giê-su dùng hình ảnh này để nói rằng chính Ngài sẽ bị chết trên thập giá, để ai tin vào Ngài sẽ được cứu độ. Một sự song đối lạ thường: một người chết thay cho muôn người; Đấng vô tội nay mang thân phận tội nhân; chết như kẻ có tội để cứu sống con người; chết bằng một hình khổ dữ dằn để đem lại sự sống bình an cho nhân loại đã bị mang án tử. Suy tôn Thánh Giá là suy tôn tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại; là suy tôn Đấng chịu chết để trả lại sự sống cho con người; là lời mời gọi con người đón nhận và yêu mến thánh giá. Thánh Giá giờ đây là biểu tượng của ơn cứu độ.

Mời Bạn: Như hạt lúa gieo vào lòng đất, muốn sống lại thì phải chết đi; muốn cứu ai phải hy sinh chính mình. Đó là bài học Chúa dạy và mời gọi chúng ta: “đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa”.

Chia sẻ: Nhiều vị thánh đã nhận Thánh Giá làm tên riêng của mình (Thánh Gioan Thánh Giá, thánh nữ Bênêđicte Thánh Giá). Các linh mục, tu sĩ đeo thánh giá trên ngực, để nói lên lòng các vị tôn vinh, yêu mến, gắn bó với Thánh Giá suốt đời mình. Bạn có sợ thánh giá không ?

Sống Lời Chúa: Hôn kính Thánh giá và xin ơn yêu mến Thánh giá Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng Thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con. (lời tung hô sau truyền phép số 3)

Thứ Sáu 15/09/06 Đức Mẹ Sầu Bi

TÌNH YÊU THẮNG VƯỢT NỖI SỢ
Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người…Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,25-27)

Suy niệm: Những nhọc nhằn của Mẹ Ma-ri-a trên quãng đường dẫn đến núi Sọ chẳng thấm vào đâu so với những đau khổ hằn lên thân thể Chúa Giê-su, Con của Mẹ; nhưng việc đó cũng không sao bì được nỗi đau xé lòng khi nhận ra rằng sức tàn phá của tội lỗi còn ghê gớm hơn những vết thương thể xác. Mẹ Ma-ri-a đồng hành với Đức Giê-su và đón nhận mọi nỗi đau của Con mình làm nỗi đau của mình. Điều đó cho thấy tình yêu Mẹ dành cho Chúa cũng như cho những con người mà vì đó Chúa phải chịu đau khổ, thắng vượt cả nỗi sợ hãi, mà một người phụ nữ thường đối diện trong cuộc sống.

Mời Bạn: Ngày lễ hôm nay là cơ hội để bạn kiểm lại thái độ sống đức tin của mình hơn là gợi lại một kỷ niệm đau thương để rồi xót thương cho một người Mẹ đau khổ. Bạn có bao giờ bị nỗi sợ hãi - cả thể lý lẫn tinh thần - nhận chìm tình yêu, lý tưởng sống của bạn không? Chẳng hạn như sợ bị liên luỵ vì theo đạo mà không dám chứng minh là mình có đạo! Tình yêu Chúa và Giáo hội có giúp bạn vượt qua những phiền toái của cuộc mưu sinh thường ngày không? Theo gương Mẹ Ma-ri-a: hãy để tình yêu thắng vượt những sợ hãi, nếu có sợ thì hãy sợ tình yêu bị đem bán rẻ mà thôi.

Sống Lời Chúa: Noi gương Gio-an “đón Mẹ về nhà mình” bằng cách suy gẫm và bắt chước thái độ sống của Mẹ trước những đau khổ trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con bài học can đảm, để kiên định tình yêu của mình đối với Chúa mỗi ngày, vì Chúa đã yêu con bằng tất cả con người của Ngài, không dành lại chút gì cho riêng mình!

Thứ Bảy 16/09/06 Th. Conêliô và Siprianô

XẠ VÀ HƯƠNG
“Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,43-49)

Suy niệm: Hữu xạ tự nhiên hương. Những gì chất chứa trong lòng một người, một cách nào đó được ‘nói’ ra bên ngoài bằng những lời nói, cử chỉ, hành động, thái độ, nhất là khi chúng được ‘nói’ ra một cách bộc phát. Hôm nay Chúa nhắc chúng ta nhớ lại qui luật mang tính nhân quả này. Từ cõi lòng gai góc làm sao hái được những trái vả tốt lành? Trồng cây phải vun đắp cho cái gốc. Xây nhà phải củng cố từ nền móng. Cái gốc, cái nền của đời sống đạo hệ tại việc suy gẫm Lời Chúa để Lời Ngài thấm nhập, trở thành máu thịt của chúng ta rồi từ đó mới phát tiết ra hành động; bởi vì phải có “xạ” rồi mới có “hương”.

Mời Bạn xem lại lòng mình đang là gai góc, bụi rậm hay là cây vả lành, cành nho tốt? Ngôi nhà cuộc đời bạn được xây trên đất hay trên nền đá? Một khi trong lòng bạn đã chứa đầy Đức Ki-tô, thì mọi biểu hiện của bạn, dù là lời nói ra hay sự im lặng, tất cả đều diễn tả Đức Ki-tô. Lúc đó, “hương” của đời ta thật sự là do “xạ” phát ra. Nếu không, đó chỉ là một thứ hương thơm giả hiệu.

Chia sẻ: Đắn đo suy nghĩ luôn là một việc làm khôn ngoan, nhưng coi chừng đó lại là một sự khéo léo che giấu một tâm địa xấu xa. Bạn làm gì để khi đắn đo suy nghĩ, lời nói của bạn vẫn luôn toả hương thơm của lòng trung thực?

Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa và suy niệm hằng ngày, để cho Lời ấy thật sự thấm nhập thành một thứ xạ của lòng mình.

Cầu nguyện: Xin cho con biết hướng lòng trí của con về kho tàng thật sự là Chúa, để mỗi lời con nói, mỗi việc con làm là một dịp tỏa hương thánh thiện của Chúa đến mọi người.

Chúa Nhật XXIV TN 17/09/06

CẦN ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” (Mc 8,27-35)

Suy niệm: Tác giả Nguyễn Thị Oanh, một chuyên viên tâm lý, trong bài viết tựa đề “Bị Ức Chế”, khi phân tích tình trạng ù lì nơi đa số sinh viên hiện nay, đã tự hỏi: giáo dục để làm gì khi sản xuất ra những sản phẩm “ba không N” (không nói - không nghe - không nghĩ)?! Thầy Giê-su không muốn loại môn đệ “ba không N” này. Ngọn đèn không thể đặt dưới đáy thùng, nhưng phải đặt trên giá để mọi người được sáng; cũng vậy, niềm tin phải được tuyên xưng và chia sẻ cho mọi người cách cụ thể bằng lời nói và hành động: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Khi tuyên xưng niềm tin của mình, Phê-rô và các tông đồ nhận ra rằng, đức tin trong lòng họ có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Chính Ngài đã tặng ban ân sủng thẳm sâu trong lòng con người rồi mời gọi con người trả lời bằng lời nói và bằng cả cuộc đời. Không nín thinh, nhưng càng đáp trả lại Lời Chúa, người Ki-tô hữu càng trưởng thành.

Mời Bạn: Bạn có bao giờ đặt câu hỏi tương tự : Hội Thánh sẽ là gì nếu các Kitô hữu đều ù lì? Công cuộc truyền giáo sẽ như thế nào nếu Kitô hữu “không nghe - không nói - không sống” lệnh truyền của Chúa ? Mời bạn nghiêm túc trả lời.

Chia sẻ: Tìm phương cách thúc đẩy nhau tích cực họat động tông đồ.

Sống Lời Chúa: Đem ra thực hành ngay lời Chúa bạn nghe được hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng, con là người môn đệ của Chúa, bởi Chúa đã cứu chuộc và mời gọi con ra đi gieo rắc Tin Mừng. Xin cho con biết cùng với Hội Thánh con đang sống, ra sức đưa nhiều người trở về với Chúa và cho con được niềm vui của người theo Chúa.

Thứ Hai 18/09/06

HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG CẢM
Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quí người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. (Lc 7,1-10)

Suy niệm: Thời đế quốc Rô-ma, người nô lệ bị coi chẳng khác gì một món hàng; người chủ có toàn quyền sinh sát: muốn nuôi, muốn bán, hay thậm chí muốn giết đi hoàn toàn mặc ý. Thế mà viên đội trưởng người Rô-ma này lại có tấm lòng thương cảm đặc biệt đối với người nô lệ đau nặng gần chết của mình.
Chúng ta nhớ người Rô-ma đang cai trị nước Do thái và họ coi rẻ dân tộc bị trị như thế nào. Còn viên đội trưởng này lại đích thân hạ mình đến gặp các kỳ mục Do Thái, nhờ vả họ đến xin Chúa Giê-su cứu người nô lệ của mình. Lòng thương đánh động lòng thương: Chúa Giê-su xúc động trước tấm lòng nhân ái của viên đội trưởng và Ngài đã thực hiện phép lạ chữa lành người nô lệ.

Mời Bạn: Trước những hoàn cảnh thương tâm, bạn thấy trái tim mình rung lên và cảm thấy mình phải làm việc gì đó cụ thể cho họ; và bạn nghĩ có lòng thương cảm như thế đã là đủ. Thế nhưng đối với người thân trong gia đình, bạn đã gây ra biết bao nhiêu sự khinh rẻ, ngược đãi và cả bạo hành… Hãy có lòng thương cảm, nhưng hãy bắt đầu ngay từ trong gia đình bạn. Bạn đồng ý chứ?

Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm Lời Chúa nhiều lần: “Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi con. Xin cho trái tim con nên giống trái tim Chúa để nhờ đó con có một tấm lòng thương cảm đối với những ai đau khổ và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Amen.

Thứ Ba 19/08/06 Th. Gianuariô

CHỈ NƠI CHÚA MỚI CÓ BÌNH AN
Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa.” (Lc 7,1-17)

Suy niệm: Goá bụa, lại chỉ có một đứa con trai độc nhất, người đàn bà thành Na-in này dường như mất đi tất cả, mất đi chỗ dựa tinh thần, mất đi niềm an ủi lớn lao khi cậu con trai này chết đi. Thấu hiểu được nỗi đau khổ của bà, Chúa Giê-su chạnh lòng xót thương, Ngài đã đến an ủi “Đừng khóc nữa” và với quyền năng Ngài đã phục sinh sự sống trong tâm hồn bà bằng cách làm cho người thanh niên được sống lại.

Mời Bạn: Đau khổ, buồn phiền, thất vọng… luôn luôn hiện diện trong cuộc sống phận người. Chúng ta phải đối diện với những thử thách, khó khăn trong công việc làm ăn, những hiểu lầm chống đối trong tương giao xã hội, những chứng bệnh nan y nơi bản thân mình, hoặc phải chứng kiến sự ra đi của một người thân mà ta rất mực yêu thương… Trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giê-su đã đến và ngỏ lời trước đối với bà goá Na-in. Chúng ta có tin rằng những đau khổ mà chúng ta đang gặp phải, chính Chúa đã thấy và Ngài đang nâng đỡ chúng ta cách này cách khác không? Chúng ta có tin tưởng rằng chỉ duy một mình Ngài mới có thể đem lại sự ủi an thật sư không? Hay chúng ta chỉ vùi mình trong những khổ đau để than thân trách phận và loay hoay tìm kiếm sự nâng đỡ của những thế lực trần gian?

Chia sẻ: Những khi gặp đau khổ, thử thách trong cuộc sống, bạn thường làm gì? Hãy chia sẻ những kinh nghiệm đó với nhóm.

Sống Lời Chúa: Tập luôn hướng lòng về Chúa qua mỗi hoàn cảnh sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Con tin rằng chỉ duy một mình Chúa mới khoả lấp những khổ đau và ban niềm bình an đích thực. Xin ban thêm ĐỨC TIN cho con.

Thứ Tư 20/09/06 Th. Anrê Têgon, Phaolô Chung

TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT
“Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.” (Lc 7,31-35)

Suy niệm: Quan tâm làm cho đời sống chung trong nhà ngoài ngõ được hài hòa tốt đẹp là điều chính đáng. Tuy nhiên không vì thế mà san bằng mọi sự khác biệt và không tôn trọng những điểm độc đáo của mỗi người. Những người Do Thái được nói đến ở đây lấy mình làm chuẩn mực. Từ đó, họ phê phán và không chấp nhận những lời rao giảng và cách sống của Gio-an Tẩy giả cũng như Chúa Giê-su. Chúa ví họ như lũ trẻ chơi trò đám cưới đám ma phiền trách các bạn không nhảy múa hay khóc lóc theo ý chúng.

Mời Bạn: Trên đường tìm kiếm sự thật cho dù ta khám phá ra một điều gì, ta không coi cái tôi của mình là tiêu chuẩn của sự thật. Bởi vì chỉ có Chúa mới là Chân Lý toàn vẹn, còn mỗi người chúng ta chỉ biết được một phương diện của Sự Thật. Để không nhốt mình trong tư duy hẹp hòi của mình, tôi phải học hỏi và nghiên cứu, nếu không, những cách tiếp cận vấn đề của tôi sẽ sớm trở thành đồ vật trưng bày ở tiệm bán đồ cũ.

Chia sẻ: Nhóm chúng ta có lối suy nghĩ độc đoán, cực đoan, quá khích không? Có sẵn sàng lắng nghe các ý kiến phê bình khách quan không? Có dễ dàng thích nghi trong những trường hợp cần thay đổi không? Với những người nêu ra những điểm sai trái của ta, ta có thái độ nào?

Sống Lời Chúa: Nhận ra Chúa hiện diện, hoạt động nơi tha nhân, nơi những người không cùng quan điểm với mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Chân Lý toàn vẹn, xin cho con một tâm hồn cởi mở chấp nhận và sống cho sự thật mà Chúa giúp con nhận ra trong đời sống mỗi ngày.

Thứ Năm 21/09/06 Th. Mátthêu

BỎ SỰ NGHIỆP, CHỌN HẠNH PHÚC
(Chúa Giê-su gọi Mát-thêu): “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9,9-13)

Suy niệm: “Đứng dậy” để “đi theo” như Mát-thêu là một chọn lựa chẳng dễ dàng và có tính tức thời chút nào! Nhiều lúc nó khiến ta mất ăn mất ngủ, nhất là trong những lựa chọn có tính sống còn cho cuộc đời mỗi người. Chẳng hạn như chọn nghề nghiệp, bạn đời, tôn giáo… Như thế chúng ta thấy rằng việc thánh Mát-thêu đứng lên đi theo Chúa một cách ‘nhẹ tênh’ như thế không phải là chuyện ngẫu hứng, mà thể hiện một sự dứt khoát chọn Chúa làm lẽ sống của mình! Tin Mừng không đề cập đến những trăn trở của Mát-thêu, nhưng chắc một điều là ngài đã phải suy tư, khắc khoải lâu ngày, để ngày hôm nay, thoắt nghe tiếng Chúa gọi như thể là bất ngờ, ngài đã sẵn sàng với một quyết định nhanh chóng như vậy.

Mời Bạn: “Dục tốc bất đạt!” nhưng “trâu chậm uống nước đục!” Điều đó cho thấy những chọn lựa và quyết định của ta nhiều lúc chẳng dễ dàng và sáng sủa chút nào, nhất là những chọn lựa mà ta không thu lượm được những kết quả hữu hình như của cải, tiện nghi… Trong những tình huống đó bạn làm gì?

Sống Lời Chúa: Thái độ khôn ngoan trước mọi quyết định là suy nghĩ, cầu nguyện, bàn hỏi với người có kinh nghiệm, thay vì im ỉm một mình quyết định vì cho rằng ‘tôi có tự do của riêng mình!’ Ngoài ra, việc lựa chọn làm môn đệ Chúa dưới bất cứ hình thức nào - giảng viên giáo lý, hội viên Legio, làm chứng nhân trong moi trường sống của mình… là những chọn lựa giống như Thánh Mát-thêu sẽ không là sai lầm cho bạn và tôi. Hãy can đảm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được can đảm và sáng suốt để chọn Chúa làm gia nghiệp đời con.

Thứ Sáu 22/09/06

TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ PHỤ NỮ
“Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Ngài có Nhóm Muời Hai và mấy người phụ nữ đã được Ngài trừ quỉ và chữa bệnh.” (Lc 8,1-3)

Suy niệm: Bất chấp những luật lệ của hàng tư tế về sự thanh sạch, Chúa Giê-su tiếp xúc với những chị em bị xã hội coi là ô uế. Trong Tin Mừng hôm nay Ngài chấp nhận cho một số chị em - từng bị quỉ ám và bệnh tật - cùng đồng hành trên đường truyền giáo cùng với Nhóm Mười Hai. Như vậy chứng tỏ Chúa Giê-su tôn trọng phẩm giá người phụ nữ và đánh giá cao sự phần đóng góp của họ trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.

Mời Bạn: Tôn trọng quyền lợi và phẩm giá người phụ nữ, Giáo Hội mong muốn càng ngày càng có nhiều phụ nữ có điều kiện về thời giờ và khả năng tham gia vào các sinh hoạt trong đạo cũng như ngoài đời. Đặc biệt, nơi gia đình là “Hội Thánh tại gia,” chị em là người đóng vai trò chủ chốt trong việc chuyển giao đức tin cho con cái mình.

Chia sẻ: Trong giáo xứ của tôi có tình trạng khinh miệt, đánh đập phụ nữ (vợ, người nữ giúp việc…) không? Các trẻ em nữ có cơ hội đồng đều để đi học, và chăm sóc sức khỏe như các trẻ nam không?

Sống Lời Chúa: Trong phạm vi của mình, tôi để tâm phát hiện và chận đứng những hình thức kỳ thị nam nữ. Tôi giúp các chị em nhận thức và bảo vệ phẩm giá của mình, không cho phép biến người nữ thành “vật dụng kinh tế” hay “đồ giải trí tầm thường.”

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a đầy ơn phúc, xin Mẹ cho các chị em tỏa lan ra xung quanh hương thơm đời sống thánh thiện nhân đức. Xin cho chị em dẫn đưa tha nhân về với Chúa bằng cánh tay và trái tim mẹ hiền.

Thứ Bảy 23/09/06 Th. Piô Piếtrensina

CAN ĐẢM NÓI KHÔNG
“Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng khoái lạc làm chết nghẹt.” (Lc 8,4-15)

Suy niệm: Ngày 18 tháng 7 năm ngoái, Hội Đồng Giám Mục Anh đã công bố bản điều tra dài 90 trang, tổng kết phỏng vấn 15.000 gia đình về lý do tại sao không đi lễ ngày Chúa nhật. Ba lý do chính được nêu lên là chủ nghĩa vật chất, tình trạng tài chánh khó khăn, và lề lối làm việc hiện đại. Bên cạnh đó còn có những thách đố trong đời sống gia đình như “áp lực chưng diện, chủ nghĩa tiêu thụ, tính ích kỷ, những quan hệ không bền vững, không thủy chung, cạnh tranh và tình trạng vô thần. Có thể nói bản báo cáo này minh hoạ cách sống động tình trạng hạt giống rơi vào bụi gai: có đâm chồi, có thành cây con đấy, nhưng bị chết nghẹt do não trạng đua đòi sắm sửa, tìm mọi cách hưởng thụ những tiện nghi vật chất. Rơi vào tình trạng này, bỏ lễ ngày Chúa nhật là bước đầu, gia đình tan vỡ cũng chỉ là bước kế tiếp cho một tình trạng tồi tệ hơn cả là đánh mất niềm tin vào Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: “Một cuộc sống sung sướng khi bắt đầu bằng tình yêu và chấm dứt bằng tham vọng” (Pascal). Tham vọng đua đòi sắm sửa, hưởng thụ, thoả mãn khoái lạc bằng mọi giá đang làm băng hoại bản thân, gia đình và xã hội. Là Ki-tô hữu, bạn hãy can đảm nói không, để hạt giống Lời Chúa được lớn lên.

Sống Lời Chúa: Ngẫm nghĩ xem mỗi ngày tôi phải nói không với khuynh hướng nào trong những khuynh hướng trên đây đang trói buộc đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời. (Rabbouni)

Chúa Nhật XXV TN 24/09/06

AI LỚN HƠN?
Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,30-37)

Suy niệm: “Ai là người lớn hơn?”: câu hỏi không của riêng ai, mà là của mọi người, với bản tính rất ‘người’ là ưa thống trị, hiếu thắng, thích được phục vụ… Bao lâu còn là người giữa thế gian này, bấy lâu chúng ta mang trong mình “cái dằm” nhức nhối đó. Và nếu muốn chiến thắng được nó, vũ khí duy nhất là Lời Hằng Sống và Bánh Trường Sinh của Đấng đã chiến thắng tội lỗi, thế gian và ma quỷ: Đức Giê-su Kitô phục sinh.

Mời Bạn: Trên dòng đời ngược xuôi, sống là chiến đấu. Nếu “biết mình biết người”, sẽ “trăm trận trăm thắng”. Chúng ta cần biết rõ mình là ai, là gì. Đức Ki-tô đã chiến thắng bằng một tinh thần trái nghịch với thế gian: muốn làm lớn, phải làm người phục vụ; bằng cách “tự hủy mình ra không” (Pl 2,7) như hạt lúa mì rơi xuống đất phải chết đi, bằng việc vác thập giá mỗi ngày… Chúng ta chỉ có thể sống giữa đời như “sen” giữa bùn mà “không hôi tanh mùi bùn” khi nào và trong mức độ nào mà chúng ta sống Lời Chúa và kín múc sức mạnh, sức chiến đấu và chiến thắng trong Mình Máu thánh Ngài, như trong sa mạc ngày xưa, Chúa Ki-tô cũng đã chiến thắng ma quỷ bằng Lời Thiên Chúa.

Chia sẻ: Đề xuất một việc phục vụ cộng đoàn để cả nhóm cùng thực hiện.

Sống Lời Chúa: Tìm một cơ hội thuận tiện để phục vụ cộng đoàn trong âm thầm hay một người bé nhỏ nhất chung quanh mình, với ý thức rằng: chính trong lúc phục vụ đó, là lúc cai trị như Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát Kinh Hoà bình của Thánh Phan-xi-cô.

Thứ Hai 25/09/06

TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI LỜI CHÚA
“Hãy để ý đến cách thức anh em nghe. Vì ai đã có thì được cho thêm, còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.” (Lc 8,16-18)

Suy niệm: Theo tạp chí Times, trong mười năm trở lại đây, có nhiều vụ tự tử trong giới doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Saysi, 40 tuổi, quản lý công ty bảo hiểm Taiho, đang sống hạnh phúc khang an. Nhưng vào tháng 11 năm 1997, ông đã nhảy lầu tự tử vì công ty mẹ là Yematri bị phá sản. Cũng trong thời gian này, một quan chức bộ tài chính và hai viên chức khác thuộc công ty xã hội Nhật cũng kết liễu đời mình khi bị kết án có dính líu đến tham nhũng. Họ đã tự tử vì áp lực trách nhiệm đè nặng lên lương tâm do họ đã vấp phải quá nhiều lỗi lầm gây hậu quả nghiêm trọng. Cuộc đời huy hoàng tưởng là có thể đảm bảo cho cuộc sống rồi cũng tắt ngúm trong tích tắc.

Mời Bạn: Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta ý thức trách nhiệm đối với Lời của Ngài. Giống như ngọn đèn đã được thắp lên thì phải toả sáng, người ki-tô hữu đã được lãnh nhận Lời Cứu độ thì cũng có trách nhiệm làm cho Lời Chúa được tiếp tục loan báo, và nhờ đó, cuộc sống của chính bạn sẽ được phong phú lên. Ngược lại nếu thiếu trách nhiệm với Lời Chúa, những gì bạn đang có và tưởng chừng như không bao giờ mất, rồi sẽ bị lấy đi.

Chia sẻ về một cảm nghiệm của bạn thấy đời mình phong phú thêm nhờ sống Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi suy niệm Lời Chúa, bạn đặt ra một điều quyết tâm cụ thể để thực hành điều Chúa dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám thẳng thắn trả lời câu hỏi Chúa đặt ra cho con hôm nay: “Trách nhiệm loan báo Tin Mừng nếu không phải là của con thì là của ai, nếu không phải lúc này thì là lúc nào?”

Thứ Ba 26/09/06 Th. Cótma và Đamianô

LÀ NGƯỜI NHÀ CỦA ĐỨC KI-TÔ
Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,19-21)

Suy niệm: Theo thánh Lu-ca, những ai nghe và thực hành lời Chúa được ví như thửa đâùt mầu mỡ phong nhiêu, nảy sinh nhiều hoa trái, ví như ngọn đèn tỏa sáng và hơn nữa như dấu chỉ họ là “người nhà của Chúa”, người thuộc về gia đình của Người. Đức Giê-su không có ý chối từ những liên hệ thân quyến của Người. Trái lại, Người muốn rằng “người nhà của Người” không chỉ giới hạn trong mối liên hệỉ gia đình huyết nhục mà còn mở rộng đến bất cứ ai muốn được thuộc về gia đình thiêng liêng của Chúa, với chỉ một điều kiện: nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

Mời Bạn: thử nghĩ một câu trả lời khác Chúa nói với bạn để diễn tả mối tình thân thương đối với gia đình của Người.

Chia sẻ: Bạn có nghĩ rằng khi bạn muốn nghe và sống theo lời Chúa dạy thì lúc đó bạn được trở nên giống Chúa, dần dần bạn cũng sẽ suy nghĩ và ứng xử như Chúa… sống trong tình thân ái gia đình với Chúa, như những người anh em ruột thịt cùng gia đình với Người ?

Sống Lời Chúa: Ngay lúc này, bạn hãy chọn Nghe (= đọc) một câu lời Chúa, nghe với tất cả những âm điệu Chúa muốn diễn tả với bạn rồi bạn hằng ngày làm theo ý Chúa dạy bạn… Đến cuối tuần hay cuối tháng bạn thử so sánh xem bạn đã nên khác thế nào? Bạn đã nên giống AI ?

Cầu nguyện: Chúa ơi, nếu thật như vậy nghĩa là chỉ cần con nghe và sống MỘT điều Chúa dạy thôi thì dần dần con cũng sẽ có thể đoán ra tiếng Chúa, âm điệu và giọng nói thân thương của Chúa với con! Và… sau cùng, con sẽ nói bằng âm điệu của Chúa với anh em con! Dễ thương quá xá!!!

Thứ Tư 27/09/06 Th. Vinhsơn Phaolô

THANH THOÁT TRÊN ĐƯỜNG SỨ MẠNG
“Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” ( Lc 9,1-6)

Suy niệm: Nhóm Mười Hai được Đức Giê-su sai đi trong một sứ vụ ngắn ngày cũng giống như chiến dịch Mùa Hè Xanh của các sinh viên tình nguyện. Song có một điều rất khác, đó là nhóm của Đức Giê-su ngày ấy không được phép trang bị gì cả. Thật ra, hành trang của các vị không phải là số không! Mà là “năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật”, và qua đó các ngài “rao giảng Nước Thiên Chúa”. Phải chăng khi ban hành mệnh lệnh ‘siêu - thoát - đối - với - những - bảo - đảm - vật - chất’ này cho các môn đệ, Đức Giê-su đã nhìn xuyên qua các thế kỷ và đã thấy sự ‘cồng kềnh’ nơi nhiều môn đệ Người hôm nay? Phải chăng Đức Giê-su thấy rõ rằng quá chú trọng đến những phương tiện vật chất dễ làm cho người môn đệ trở thành nô lệ cho chúng, và dễ đánh mất những gì là cốt yếu nhất của sứ điệp Nước Trời?

Mời Bạn: Các giám mục Việt Nam đã nhìn lại và hình dung rằng Giáo Hội tại đây phải là “một Giáo Hội nghèo, khiêm nhường và nhỏ bé để dễ chan hòa trong những đám đông nghèo.” Chúa Giê-su muốn các môn đệ Người phải có một tâm hồn thanh thoát trên đường sứ mạng.

Chia sẻ: Làm sao để sống tinh thần siêu thoát của Tin Mừng trong thế giới tiêu thụ, hưởng thụ và thực dụng hôm nay?

Sống Lời Chúa: Bình tâm suy xét khi sử dụng các phương tiện vật chất và vui vẻ từ bỏ chúng vì lợi ích của Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giàu sang, tiện nghi, lạc thú luôn là mãnh lực lôi kéo chúng con. Xin cho chúng con biết sống thanh thoát để nêu chứng tá về lòng tin tưởng vào Chúa.

Thứ Năm 28/09/06 Th. Venxétlao

GẶP ĐỨC KI-TÔ ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
Vua Hê-rô-đê tìm cách thấy mặt Đức Giê-su. (Lc 9,7-9)

Suy niệm: Những tưởng rằng Hê-rô-đê tìm cách thấy mặt Đức Giê-su vì mối giao cảm “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” này; những tưởng rằng sau này, khi ông được gặp Chúa ngay trong cuộc thương khó của Ngài, ông sẽ được đánh động sâu xa, sẽ hoán cải, và biết đâu lại trở thành một môn đệ đặc biệt của Chúa! Thế nhưng, đó chỉ là chuyện giả tưởng; thực tế chứng minh điều ngược lại: ông đã chế giễu Chúa là một người kẻ điên khùng (x. Lc 23,8-11). Tại sao biết bao người gặp được Đức Giê-su và được biến đổi, còn Hê-rô-đê lại không? Tại sao các ông Phê-rô và Gia-cô-bê gặp Chúa Giê-su và trở thành môn đệ Ngài (Ga 1,35-39)? Tại sao Gia-kêu tìm cách nhìn thấy mặt Chúa Giê-su, đã được Chúa đến thăm nhà và đã hối cải (Lc 19,1-10)? Tại sao Lê-vi, người thu thuế đã trở thành Mát-thêu, vị tông đồ viết sách Tin Mừng Chúa Giê-su (Mc 2,13-17)?

Mời Bạn tiếp tục đặt câu hỏi “tại sao” với chính mình: Tại sao tôi đã được tiếp xúc với Đức Ki-tô biết bao lần, qua Kinh Thánh, qua các bí tích, qua biết bao lời giảng dạy, thế mà tôi chưa hoán cải? Mời bạn đọc lại các đoạn Phúc Âm được trích dẫn ở trên và so sánh thái độ của những người đã gặp Chúa và hoán cải. Và mời bạn tự rút ra kết luận cho chính mình.

Chia sẻ: Cuộc gặp gỡ của ai trong các đoạn Lời Chúa trên đây đánh động bạn nhất? Tại sao? Mời bạn chia sẻ trong giờ chia sẻ Lời Chúa của nhóm bạn.

Sống Lời Chúa: Tự nhủ mình: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng” (Tv 94,7-8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đổ tràn đầy ơn Thánh Thần Chúa xuống tâm hồn con, để con mềm lòng hoán cải khi con lắng nghe Lời Chúa.

Thứ Sáu 29/09/06 Các Tổng lãnh thiên thần Micaen, Gabrien và Raphaen

SỐNG TRONG THẾ GIỚI HỮU THẦN
“Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Ga 1,47-51)

Suy niệm: Theo Thánh Kinh, các thiên thần có nhiều nhiệm vụ: thờ phượng Chúa, sứ giả của Chúa, bảo vệ con người... Lời Chúa Giê-su mạc khải xác nhận sự hiện diện đầy huyền nhiệm của các ngài trong thế giới này để chuyển lời cầu nguyện của ta lên Thiên Chúa, và chuyển ơn phúc của Chúa xuống cho ta. Vai trò của các thiên thần thật là quan trọng trong việc nối kết thế giới thần linh và trần thế. Thật ra, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại là Đức Giê-su Ki-tô (Con Người). Và các thiên thần “lên lên xuống xuống trên Con Người” để thực hiện vai trò trung gian này nhờ, qua và với Đức Giê-su Ki-tô.

Mời Bạn: Trong thế giới này không chỉ có bạn với những vật chất “vô hồn”, “vô thần”, trái lại tràn ngập sự hiện diện của thần linh. Ý thức được điều đó, mỗi khi bạn cầu nguyện hay làm một việc gì, bạn xin các thiên thần giúp đỡ bạn dâng những việc ấy lên Thiên Chúa. Với ý thức đó, chắc chắn bạn sẽ cầu nguyện sốt sắng hơn, và làm mọi việc cách tốt đẹp hơn.

Chia sẻ: Sự hiệp thông, liên kết giữa người với người đã là điều quý báu ; sự hiệp thông trong đời sống thiêng liêng càng quý báu hơn, nhờ các thiên thần. Chúng ta hãy cảm tạ các ngài.

Sống Lời Chúa: “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, con xin đàn ca kính Chúa”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa sai Sứ thần dâng lễ vật này lên bàn thờ cao sang trước tôn nhan uy linh Chúa, để hết thảy... chúng con được tràn đầy ân phúc bởi trời. Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen. (cf. KNTT I)

Thứ Bảy 30/09/06 Th. Giêrônimô

NỘP MÌNH
“Con Người sắp bị nộp mình vào tay người đời.” (Lc 9,43-45)

Suy niệm: Khi Con Thiên Chúa sinh xuống thế làm người, Ngài đã có một Ma-ri-a đồng trinh, hiền lành, nhu mì làm Mẹ, một Giu-se nghèo khó làm cha nuôi, một ngôi làng bé nhỏ Na-da-rét làm chốn ẩn thân, một nghề thợ mộc khiêm tốn nuôi thân. Rồi Ngài lại kết thúc cuộc đời dương thế bằng một cái chết thê thảm nhất: chịu xử án, chịu đánh đòn, chịu sỉ nhục và cuối cùng, chịu đóng đinh và chết trên cây thập ác. Đâu phải đợi đến phút cuối, mà ngay từ giây phút đầu tiên đầu thai trong lòng Đức Nữ Trinh, Ngài đã “nộp mình vào tay người đời” để vẫn trung thành “nộp mình” theo thánh ý Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng: “Lạy Cha, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Chọn lựa cơ bản của Chúa Giê-su là không chọn lựa theo ý riêng mình mà phó nộp mình theo thánh ý Chúa Cha.

Mời Bạn: Chúng ta đâu có chọn cho mình một người Mẹ, một người Cha, hay một nơi nào làm nơi chôn nhau cắt rốn. Và chúng ta càng không biết mình sẽ chết ở đâu, lúc nào và như thế nào. Vậy tại sao cứ mãi loay hoay chống chọi trong cái thân phận bọt bèo của mình mà không biết chọn lựa “nộp mình” cho Thiên Chúa định liệu? Thật đáng tiếc!

Chia sẻ: “Nộp mình” như Đức Giê-su có phải là phủ nhận sự tự do của con người hay không?

Sống Lời Chúa: Nhìn sự vật dưới con mắt đức tin để phó thác mọi sự cho Chúa định liệu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa có quyền chọn lựa tất cả nhưng Chúa vẫn “nộp mình” cho Thiên Chúa Cha định liệu. Xin cho con biết noi gương Ngài cố gắng tín thác cuộc đời con cho Chúa qua từng biến cố đời con. Amen.

Một Đan Sĩ

● Đọc tiếp: 5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 8/06 | 7/06

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-tu-duc/5-phut-moi-ngay-suy-niem-loi-chua-trong-thang-9-06/