Trích từ Dân Chúa

5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 3/07

Một Đan Sĩ

Thứ Năm đầu tháng 01/03/07

CÁCH CHÚA NHẬN LỜI

“Phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người.” (Mt 7,7-12)

Suy niệm: Đầu năm Đinh Hợi, tại đường hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn, nhiều người đã đến hồ Chúc Phúc, để ném vào đó những đồng tiền và cầu phúc trong năm mới. Tuy nhiên, không ai dám bảo đảm rằng nhờ làm vậy, họ chắc chắn sẽ có được nhiều phúc lộc trong năm mới này. Ngẫm nghĩ cho cùng thì không ai sướng cho bằng người Ki-tô hữu (Ki-tô hữu đã rửa tội và Ki-tô hữu vô danh, theo cách gọi của nhà thần học K. Rahner), bởi vì bất cứ điều gì họ xin với Chúa, đều được nhận lời, nhận lời ngay tức khắc, nhận lời cách vui vẻ, và nhận lời cách khôn ngoan. Nhận lời cách khôn ngoan vì Thiên Chúa, tuy yêu thương, nhưng không cưng chiều ta. Trong nhiều trường hợp, Ngài không ban cho ta ơn lành ta xin, nhưng ban những ơn lành khác Ngài xét thấy ích lợi hơn cho sự trưởng thành thiêng liêng của ta.

Mời Bạn: Nhớ rằng cầu nguyện không phải là nài nỉ van xin Chúa phải theo ý mình, nhưng xin cho lòng mình mềm mại theo ý Chúa, bởi vì ý Chúa lúc nào cũng khôn ngoan và tốt đẹp hơn ý bạn. Hình như có lần bạn đã bất mãn với Chúa và mất kiên nhẫn khi cầu nguyện vì nài nỉ van xin, nhưng không thành.

Sống Lời Chúa: Khi cầu nguyện, tôi sẽ thêm câu: Nếu điều này đẹp lòng Chúa, xin Chúa thương nhận lời…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi con, xin biến đổi từ từ qua cầu nguyện. Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe Lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin cho khuôn mặt con ngời sáng hơn, sau mỗi lần gặp Chúa. Amen. (Rabbouni)

Thứ Sáu đầu tháng 02/03/07

LÀM CHO NGƯỜI, LÀM CHO CHÚA

“Hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,20-26)

Suy niệm: Người ta kể chuyện bà nọ mất con gà, nghi ngờ mấy cậu thanh niên hàng xóm bắt trộm, nên chửi ra rả từ sáng đến chiều. Nghe chuông nhà thờ, bà mặc áo dài đi lễ. Hết chửi tập một! Xong lễ, bà vội vàng về nhà, thay áo dài, để tiếp tục chửi tập hai! Câu chuyện đùa nhưng không vui này có thể đang diễn ra trong cuộc sống, mỗi khi ta tạm gác việc “ăn thua đủ” với người anh em, để lo việc thờ phượng Chúa, và sau đó, tiếp tục chuyện hận thù trả đũa. Đối với Đức Giê-su, không phải khi gây đổ máu mới là giết người, nhưng lúc giận, ghét, mắng, chửi, là một cách nào đó ta đã “giết” người anh em, vì đã khai trừ họ ra khỏi trái tim, cuộc đời, và thế giới. Loại bỏ người khác là loại bỏ chính Chúa, vì “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là làm cho chính Ta”.

Mời Bạn: “Cát nặng, đá nặng, nhưng cơn giận của người ngu còn nặng hơn nhiều” (ngạn ngữ Nga). Thật ra, khi nóng giận, người khôn cũng hoá ra ngu. Đức Giê-su mời gọi bạn giải thoát mình khỏi cơn nóng giận, để lòng bạn thanh thản, nhẹ nhõm và có được sự khôn ngoan của người công dân Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Xét mình xem lòng bạn đang giận ghét ai, để tối nay cầu nguyện cho họ, và tìm cơ hội để hoà giải trong Mùa Chay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con hay lỗi phạm trong điều răn yêu thương, bởi vì không nhận ra Chúa nơi khuôn mặt người anh em. Xin cho chúng con sống những ngày Mùa Chay thánh với tâm tình hoà bình, cụ thể qua việc tránh những thái độ giận, ghét, mắng, chửi người khác. Amen.

Thứ Bảy đầu tháng 03/03/07

YÊU KẺ THÙ

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,43-48)

Suy niệm: Ki-tô giáo là đạo yêu thương. Còn hơn thế nữa, đặc trưng của Kitô giáo là “yêu kẻ thù.” Thế nhưng, dù đã là Ki-tô hữu hai, ba, bốn, hay năm, bảy chục năm, chúng ta vẫn còn giật mình vì ngạc nhiên khi nghe Chúa bảo ta: “Hãy yêu kẻ thù”! Vâng, yêu anh em hay yêu bạn hữu thật quá dễ; tha thứ cho kẻ thù, dù 70 lần 7, cũng còn khá dễ nếu so với mệnh lệnh ‘yêu kẻ thù’. Đây là thách đố quyết liệt nhất của Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô! Thử hình dung: trong chính giây phút này, bao nhiêu rối ren, căng thẳng, xung đột, hận thù, bất an… đang đè nặng trong lòng bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình, bao nhiêu quốc gia trên thế giới này. Và thử hình dung: trong giây phút này, tất cả những người và những nhóm kình chống nhau đều bỗng nghĩ lại và nhất loạt buông ‘khí giới’ của mình xuống, bên này đơn phương quyết định dứt khoát tha thứ, yêu thương, và muốn mọi sự tốt lành cho bên kia; người ta tìm nhau, tặng nhau những đóa hoa hồng thật thắm và những nụ cười thật tròn… Thế là, thế giới này bỗng đầy ắp bình an, đầy ắp tin yêu; thế giới bỗng vui, đẹp và dễ thương như chưa bao giờ!

Mời Bạn: Bắt đầu thực hiện giấc mơ trên nơi chính mình. Là Ki-tô hữu, ta không được phép thù ai, nhưng nếu có ai thù hận mình thì Chúa dạy ta phải yêu thương họ. Bằng cách này, và chỉ bằng cách này, ta mới có thể thực sự là “con cái của Cha trên trời.”

Sống Lời Chúa: Nghĩ đến một người mà bạn thấy khó yêu nhất; chân thành cầu nguyện cho người ấy và xin ơn yêu mến người ấy.

Cầu nguyện: Hát “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời….”

Chúa Nhật II MC 04/03/07

ĐỂ THẮNG TRẬN CUỐI CÙNG

“Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.” (Lc 9,28b-36)

Suy niệm: Cuộc đời giống một cuộc chơi, hay cụ thể hơn, giống một trận đấu bóng đá ở chỗ nó có khởi đầu và có kết thúc, có luật chơi, có thắng có thua; nó đòi hỏi người chơi phải dấn thân tập luyện để rèn kỹ năng và thể lực, và phải được hướng dẫn bởi một huấn luyện viên nào đó. Trong đời sứ vụ của Người, Đức Giê-su nhận sự huấn luyện của Chúa Cha, qua Chúa Thánh Thần. Nhất mực vâng phục ý Cha, Đức Giêsu đã đi đến ‘trận chung kết,’ và đã chiến thắng – dĩ nhiên là qua con đường đau khổ và cả cái chết, dù Người vốn là Thiên Chúa với tuyệt đỉnh vinh quang. “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” – nghĩa là đến lượt Người, Đức Giê-su được đặt làm ‘huấn luyện viên’ cho các môn đệ; và chiến thuật được sử dụng cũng vẫn là: từ thập giá tới vinh quang!

Mời Bạn: Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta không được phép khiếp sợ trước những gian nan khốn khó, đồng thời cũng không ngủ say trong chiến thắng bằng cách dựng lều nấn ná lại với những vinh quang tạm thời. Theo chân Thầy, chúng ta xuống núi, tiếp tục bước tới ‘trên đường lên Giê-ru-sa-lem,’ con đường gian khổ với Núi Sọ đẫm máu đợi chờ ở chặng cuối cùng!

Chia sẻ: Trong sứ mạng của chúng ta hôm nay, bạn nghĩ chúng ta cần có thái độ nào khi thành công, khi thất bại?

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Đàng Thánh Giá của Đức Giê-su để nhận ra bí quyết nhờ đó Người đạt được chiến thắng cuối cùng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nếu còn con đường nào tốt hơn thì Chúa đã không chọn con đường Thập Giá. Xin cho con biết đón nhận và yêu mến những thập giá hằng ngày của đời con. Amen.

Thứ Hai 05/03/07

CHO VÀ NHẬN

“Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại, Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. ” (Lc 6,36-38)

Suy niệm: Hạt gạo nhỏ bé người hành khất bên đường trao cho vua của đã trở thành hạt vàng trong bị của ông. Ý tưởng này của nhà thơ Tagore là một phản ảnh của sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Trao đổi là cho và nhận. Và nếu hai đối tác ở đây là con người và Thiên Chúa thì cuộc trao đổi ấy không bao giờ sòng phẳng: ta cho Ngài thật ít ỏi nhỏ nhoi, nhưng ta nhận được của Ngài bằng trời bằng biển. Đấu Chúa cho không những đủ lượng, mà còn dằn, còn lắc đến tràn đầy. Thế rồi người hành khất cứ tiếc ngẩn ngơ, và tự nhủ “giá mà mình đã dâng hết cho Ngài!”

Mời Bạn: Xác tín cái nghịch lý ‘liều mất sẽ được’, ‘quên mình sẽ gặp lại bản thân’ – để sẵn sàng dâng cho Chúa hết những gì mình có. Không phải vì óc cầu lợi “thả con tép bắt con tôm,” mà vì muốn uốn lòng mình nên giống tấm lòng của Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” Không có cách nào để tập quảng đại ngoài việc thực hành cho đi. Và càng biết cho đi nhiều hơn, ta sẽ càng nhận ra rõ hơn rằng Thiên Chúa không bao giờ thua ta trong lòng quảng đại!

Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn về tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa khi bạn sẵn sàng hiến dâng chút gì đó cho Ngài.

Sống Lời Chúa: Tập thói quen cho đi cách dễ dàng, mau mắn mỗi ngày – và không quên tự vấn lúc cuối ngày: Hôm nay tôi đã cho đi những gì?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thẩy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. (Th. I-nhã)

Thứ Ba 06/03/07

HÃY TRÚT BỎ MẶT NẠ

“Các kinh sư và các người Pharisêu…làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy…” (Mt 23,1-12)

Suy niệm: Khẳng định bản thân là điều cần thiết và chính đáng trong quá trình phát triển của mỗi người. Nhưng sẽ là lạc hướng và không trưởng thành nhân cách được nếu chúng ta đóng kịch, đeo mặt nạ, sống giả hình, nghĩa là cố trình bày một khuôn mặt không phải là sự thật của mình. Người đạo đức giả xưa nay vẫn bị lên án là “mồm miệng đỡ tay chân,” hay “miệng nam mô nhưng bụng một bồ dao găm.” Lối sống ‘đeo mặt nạ’ làm mất đi sự tin tưởng lẫn nhau, nó giết chết khả năng yêu thương chân thành và giam người ta trong tình trạng ấu trĩ. Khi cố gắng ‘gồng’ lên để sống không phải là mình, người ta quên rằng cái làm mình có giá trị là nhân cách chứ không phải là những nhãn hiệu bên ngoài do mình tự tô vẽ.

Mời Bạn: Nhớ lại lời Đức Giêsu quở trách thói giả hình của những người Pharisêu và các kinh sư, để chúng ta không đi vào vết xe của họ. Sống thật con người mình, ta sẽ góp phần làm cho cuộc sống này chân thật hơn, có nhiều bình an và tin tưởng lẫn nhau hơn.

Chia sẻ: Theo bạn, đâu là những động lực thường đẩy người ta tới chỗ ‘đeo mặt nạ’? Và đâu là những tác hại của lối sống giả hình trên đời sống cá nhân và trên các mối tương quan xã hội?

Sống Lời Chúa: Chúng ta tập sống trung thực với chính mình, vui lòng chấp nhận những gì Chúa ban, và hết lòng cộng tác với ơn Chúa để hoàn thiện bản thân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con xa tránh men Pha-ri-sêu giả hình và sống tinh thần đơn sơ chân thành của trẻ thơ. Xin giúp con biết trút bỏ các mặt nạ để có thể sống thật, sống hết mình và sống dồi dào như Chúa mong muốn. Amen.

Thứ Tư 07/03/07

QUYỀN HÀNH ĐỂ PHỤC VỤ

“Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các ngươi không biết các ngươi xin gì! Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20, 17-28)

Suy niệm: Cám dỗ tranh giành quyền lực không chừa những người đi theo Chúa. Một trường hợp công khai là việc mẹ con hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin “ghế” bên tả bên hữu… Mác-cô cũng thuật lại câu chuyện dọc đường các môn đệ đã tranh luận với nhau về người nào lớn hơn giữa họ. Lịch sử Giáo hội cũng từng trải qua những trang đầy ‘tục lụy’ với sự giằng co hơn thua giữa quyền của hoàng đế Rô-ma và quyền của giáo hoàng. Ngay giữa lòng Giáo Hội, thời nào và ở đâu dường như cũng có dấu vết ‘cơn cám dỗ làm lớn’. Nó biến nhiều người, thay vì theo Chúa, trở thành những người làm khổ Hội Thánh của Chúa. Đã trở thành khá quen thuộc hiện tượng “bàn tán xôn xao” trong cộng đoàn xung quanh một sự thay đổi nhân sự lãnh đạo nào đó. Và chuyện phe nhóm, đòn phép, vận động hành lang… là không thiếu! Tất cả nói lên cái tham vọng làm lớn để thống trị, để được cung phụng, hay để phô trương tài năng... Đức Giê-su không lên án ghế cao ghế thấp, không phê phán chức vụ. Người chỉ xác nhận bản chất và ý nghĩa của quyền bính trong cộng đoàn các môn đệ Người, đó là: quyền bính để phục vụ. “Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”

Mời Bạn: Nhìn lại cộng đoàn của mình và chính bản thân mình. Bạn là tác nhân của hiệp nhất hay là nguyên nhân của bất hòa?

Sống Lời Chúa: Dù giữ chức vụ gì, ta cũng không ngừng tập mặc lấy tinh thần của người bé mọn nhất giữa cộng đoàn mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hạ mình xuống để yêu thương và phục vụ những anh chị em hèn mọn nhất xung quanh đời con. Amen.

Thứ Năm 08/03/07

ƯU TIÊN CHỌN NGƯỜI NGHÈO

“Có một nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình… Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu.” (Lc 16,19-31)

Suy niệm: Ông nhà giàu yến tiệc linh đình hằng ngày; người nghèo khó La-da-rô nằm trước cổng nhà ông. Đòi hỏi của đức ái thường trực bên cạnh ông nhà giàu, rất cụ thể nơi những con người đang túng thiếu ngay trước mũi ông. Ông đang bận tiếp các yếu nhân, bận bàn thảo những công chuyện quan trọng, không thể lỡ mất những cơ hội như thế. Có thể ông nghĩ rằng người nghèo thì lúc nào cũng có sẵn đó, nên mối ưu tiên số một không phải là người nghèo, mà là những mối quan hệ khác, những con người khác. Đưa ra dụ ngôn này, Đức Giê-su muốn ta điều chỉnh lại sự chọn lựa ưu tiên - để nên giống như cách mà Người chọn lựa: Người đến để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó (cf. Lc 4,18tt.) Giáo Hội ngày nay, cách riêng tại Nam Mỹ và tại Á Châu, không ngừng lặp lại xác quyết rằng Giáo Hội “ưu tiên chọn lựa người nghèo” và là “Giáo Hội của người nghèo.”

Mời Bạn: Màu tím của Mùa Chay, theo một tác giả, phải trở nên màu tím của tâm hồn, màu của lòng sám hối, của nỗi khát khao đổi mới tâm hồn mình. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, bạn nhìn lại mối tương quan với người nghèo (cả nghèo vật chất lẫn nghèo tinh thần).

Sống Lời Chúa: Tập nhận ra những người nghèo ở chung quanh và dành mối quan tâm ưu tiên cho họ (vui vẻ dành thời giờ gặp gỡ chuyện trò với họ, mau mắn chia sẻ cho họ những gì họ cần mà mình có thể đáp ứng được).

Chia sẻ: Đối với bạn, người nghèo là ai?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra anh chị em nghèo khổ bên cạnh con, trong nhà con, và cho con biết chân thành quan tâm đến họ.

Thứ Sáu 09/03/07

COI CHỪNG BỊ SA THẢI!

“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,33-43.45-46)

Suy niệm: Vào thời đại kinh tế thị trường, có nhiều người có tiền mở công ty, thuê người làm, thuê người quản lý và thuê cả giám đốc. Nếu vị giám đốc nào kinh doanh không tốt, quản lý nào làm việc không xuôi thì cũng bị cách chức, sa thải như đối với công nhân vậy. Tệ hơn, những ai có ý chiếm dụng của cải của chủ thì không những bị sa thải mà còn bị truy tố trước pháp luật nữa. Tin Mừng hôm nay cho thấy công cuộc xây dựng Nước Thiên Chúa cũng có điều tương tự. Đức Giê-su tuyên bố với các thượng tế và kỳ mục Do Thái rằng Thiên Chúa sẽ không cho họ tiếp tục coi sóc công việc của Ngài nữa, mà sẽ trao cho một dân khác biết sinh hoa lợi.

Mời Bạn: Chúng ta đang được Thiên Chúa tín nhiệm, trao phó cho công trình xây dựng Nước Trời. Nhưng nếu chúng ta không biết dùng mọi khả năng hiện có để làm việc thì chắc chắn sẽ bị ‘cách chức’, bị sa thải và biết đâu, còn bị ‘truy tố’ nữa.

Chia sẻ: Trong hoàn cảnh sống hiện tại của mình, bạn được mời gọi làm gì để xây dựng Nước Thiên Chúa? Đâu là kế hoạch của bạn để đóng góp cho công cuộc này?

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng thức dậy, ta ý thức mình là một người lao động ở trong ‘công trường Nước Thiên Chúa’. Công trường này thật to lớn, và phần đóng góp của chúng ta thật bé nhỏ, nhưng cũng thật quan trọng. Ta không làm thì có nghĩa là để lại một lỗ hổng không ai khác làm thay được.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, là Ki-tô hữu, con được vinh dự làm việc trong công cuộc Nước Trời. Xin giúp con biết nhiệt tâm đóng góp phần mình, và không bao giờ lợi dụng người khác, lợi dụng Giáo Hội, lợi dụng Chúa để tìm lợi ích riêng. Amen.

Thứ Tư 10/3/07

NGƯỜI ANH GANH TỊ

“Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà” (Lc 15,1-3.11-32)

Suy niệm: Cái đi ngược lại với bản sắc anh hùng là ganh tỵ, cái làm cho con người ta thiếu bác ái là ganh tỵ, cái làm cho con người ta dễ dàng nóng giận, soi mói chì chiết người khác cũng là ganh tỵ. Người anh trong dụ ngôn hôm nay phản kháng không chịu vào nhà vì ganh tị. Không chịu vào nhà là tự rứt mình ra khỏi mối liên hệ gia đình (cha-con; anh-em…) Đây là một thái độ sỉ nhục nặng nề. Chính sự ganh tỵ đã gây ra bao vết thương và cả những chia rẽ, đổ vỡ trong gia đình, trong Giáo Hội. Để vãn hồi, củng cố và thăng tiến sự hiệp nhất của gia đình, để những người vốn là anh chị em của nhau nhận thấy rằng mình thực sự là anh chị em của nhau, thì nhất thiết tất cả họ phải quay về với Cha Mẹ mình. ‘Anh em như thể tay chân’, ‘máu chảy ruột mềm’, ‘chị ngã em nâng’… Sống trong tinh thần đó thì không thể còn có chỗ cho lòng ganh tỵ.

Mời Bạn: Góp phần vun trồng tình yêu thương và sự hiệp nhất trong gia đình, trong Giáo Hội – bằng cách dứt bỏ lòng tự mãn, tự tôn, biết chân thành chia sẻ niềm vui với người vui và chia sẻ nỗi buồn với người buồn.

Chia sẻ: Ganh tỵ là tuyệt chiêu của ma quỷ đánh vào con người không trừ một ai, nhất là những người thông thái, giỏi giang, trí óc sắc bén nhưng không có tâm hồn khiêm tốn, để gây ra những bè phái chống đối Giáo Hội, chia rẽ cộng đoàn và gieo rắc tư tưởng chống đối nơi người khác. Ta phải làm gì để tận diệt tính ganh tỵ?

Sống Lời Chúa: Ta đón nhận tất cả anh chị em, không trừ một ai, trong tình huynh đệ chân thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống trọn vẹn lời Chúa dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau.”

Chúa Nhật III MC 11/03/07

CHUYỆN NGƯỜI HAY CHUYỆN MÌNH?

“Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông sẽ chết y như vậy” (Lc 13,1-9)

Suy niệm: Trong truyền thống tôn giáo và văn hóa Á Đông có nổi bật quan niệm quả báo – tức kẻ xấu, kẻ tội lỗi bị phạt nhãn tiền! Người Do Thái và nhiều dân tộc khác cũng có một tâm thức tương tự. Nhưng thực ra sự dữ và đau khổ mãi mãi là mầu nhiệm ta không bao giờ hiểu thấu được. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải dè dặt với quan niệm quả báo trên kia. Hằng ngày vô số người chung quanh bạn bị xe đụng, đấy không phải VÌ họ là những kẻ tội lỗi hơn bạn đâu! Nếu sự kiện tai họa ập đến với người khác có ý nghĩa gì cho tôi, thì đó là lời cảnh báo rằng tôi phải sám hối để sẵn sàng đón nhận bất cứ gì có thể xảy đến cho mình. Lời Chúa hôm nay thúc giục ta không được chần chừ mà phải ăn năn sám hối ngay từ bây giờ. Thiên Chúa rất nhân từ nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng thưởng phạt công minh.

Mời Bạn: Mỗi khi nghe ai đó gặp chuyện chẳng lành, chúng ta đừng vội suy diễn và kết luận gì về người ấy, nhưng hãy mau mắn suy diễn và kết luận về chính mình: Tôi được mời gọi gì qua biến cố này?

Chia sẻ: Theo bạn, sám hối hệ tại ở điều gì? Sám hối trước hết là ơn Chúa hay đó hoàn toàn là nỗ lực của con người?

Sống Lời Chúa: Ta dùng thời gian, sức khỏe, tiền của và những khả năng Chúa ban để sinh ích cho phần rỗi của mình và để phục vụ anh chị em. Đừng để như cây vả bị chặt đi vì không sinh hoa trái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm ơn Chúa cho con, để con sửa đổi những thói hư tật xấu của con và trở về với Chúa cách chân thành.

Thứ Hai 12/03/07

SỰ THẬT

“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24-30)

Suy niệm: Người Việt Nam ta có câu: “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng.” Thường thì thuốc càng đắng công hiệu chữa bệnh càng cao nhưng người bệnh ngại uống. Cũng vậy, sự thật thường gai góc nên dễ gây mất lòng nhau. Đức Giê-su đã bị người ta từ chối một cách phũ phàng ngay tại chính quê hương của Người. Thậm chí họ đã bạo hành cách ‘cạn tàu ráo máng’: họ đứng dậy, đẩy Người ra bên ngoài hội đường để xô Ngài xuống vực cho chết đi. Nhưng Sự Thật không thể nào bị vùi dập được, Đức Giê-su tiếp tục đi con đường của Người – và ngay cả khi tưởng chừng Người bị tiêu diệt nơi cái chết thập giá, thì Người cũng đã sống lại, để chứng minh năng lực giải phóng của Sự Thật.

Mời Bạn: Can đảm đối diện với Lời Chúa mỗi ngày. Nhìn vào Lời Chúa như chiếc gương soi tâm hồn mình để thấy được sự thật của mình. Và cho phép Lời Chúa thanh luyện tâm hồn bạn, để cuối cùng bạn sẽ cảm nghiệm được niềm vui sâu xa và sự bình an đích thực.

Chia sẻ: Có bao giờ bạn bứt rứt khó chịu, không thoải mái khi đối diện và bị thách đố bởi Lời Chúa là Sự Thật? Hãy chia sẻ về sự đáp trả của bạn và cảm nghiệm mà bạn nhận được.

Sống Lời Chúa: Tập đón nhận chính Đức Giêsu qua việc cởi mở nhìn ra và đón nhận những gương sáng chung quanh mình trong cuộc sống hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, người tốt việc tốt xung quanh con thường quấy rầy con, vì con không cảm thấy dễ chịu khi bị thách đố, và cũng vì định kiến nơi con nữa. Xin giúp con biết khiêm tốn, cởi mở và dũng cảm nữa, để không bắt hụt tiếng Chúa mời gọi con tinh luyện tâm hồn mình mỗi ngày trong Sự Thật. A-men.

Thứ Ba 13/03/07

THA THỨ

“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế. Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,21-35)

Suy niệm: Liền sau khi chấm dứt Thế Chiến Thứ II, Bà Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, hậu quả của những khổ hình bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Châu Âu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình. Bà không ngừng kêu gọi mọi người hãy sống tinh thần tha thứ. Thế rồi bất ngờ bà gặp lại chính người đã từng hành hạ bà. Người đàn ông đó tiến lại, khiêm tốn đưa tay muốn bắt tay bà và nói: “Tôi rất cám ơn những lời tốt đẹp của bà kêu gọi sự tha thứ, xin bà tha thứ cho tôi.” Bà Coritanbun như chết điếng người. Trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng bây giờ đối diện với sự thật, bà không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ. Về sau, bà kể lại: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người hành khổ con. Xin hãy ban cho con trái tim của Chúa, để con có thể tha thứ như Chúa.’” Và chính trong lúc đó bà hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Tập sẵn sàng tha thứ bằng cách luôn nhớ rằng mình vẫn thường xuyên cần được thứ tha.

Chia sẻ: Rất nhiều trường hợp thực tế ta thấy dường như tha thứ là điều không thể. Làm sao để điều tưởng chừng không thể ấy trở thành có thể?

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha – đọc chậm rãi, với tất cả ý thức câu: “… và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con…” Nhớ rằng đây là điều duy nhất ta xin Chúa có kèm theo điều kiện ta tự ra cho mình.

Thứ Tư 14/03/07

KIỆN TOÀN LUẬT TÌNH THƯƠNG

“Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn luật.” (Mt 5,17-19)

Suy niệm: Thường tình, nói đến lề luật, người ta ngại ngùng tránh né, chán ngán, như thể luật chuyên hạn chế quyền lợi, và rình rập để trừng phạt. Đó là cách nhìn tiêu cực. Nhìn cách tích cực, luật bảo vệ quyền lợi, giúp con người phát triển và sống đúng đắn. Với cái nhìn như thế, luật trở nên dễ mến, nhất là đối với luật của Chúa:

“Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn…

Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỉ cõi lòng.

Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 18b,8-9).

Đức Giê-su tuyên bố Người không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn luật. Luật được kiện toàn nơi luật mới, luật YÊU THƯƠNG: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau.” Thánh Phao-lô cũng nói: “Yêu thương là chu toàn mọi lề luật.” Chúa Giêsu đặt luật trên nền tình yêu, khiến “ách” của luật trở nên êm ái nhẹ nhàng.

Mời Bạn: Rà soát lại quan điểm và thái độ của bạn đối với việc giữ luật Chúa và luật Giáo Hội. Chẳng hạn đối với việc dự lễ Chúa Nhật, phải chăng bạn đã làm vì lòng kính mến Chúa hơn là vì sợ tội, sợ người khác đánh giá bạn là kẻ khô khan nguội lạnh?

Chia sẻ: Bạn nghĩ luật nâng đỡ hay chống lại sự tự do của chúng ta?

Sống Lời Chúa: Thư Chung 2006 của HĐGMVN mời gọi ta sống đạo hôm nay bằng cách sống công bình chính trực theo luật Chúa, chống lại văn hóa sự chết, tôn trọng phẩm giá bình đẳng của tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con mến yêu luật Chúa, không sợ hay miễn cưỡng, vì “đại bình an cho những ai hâm mộ luật pháp của Chúa.” Amen.

Thứ Năm 15/03/07

BẠN THUỘC VỀ AI?

“Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” (Lc 11,14-23)

Suy niệm: Đối diện với Lời Chúa hôm nay, dường như chúng ta thấy mình ở cửa giữa, không hoàn toàn chống mà cũng chẳng hoàn toàn thuận theo Chúa. Chúng ta đang đi theo Chúa vì chúng ta đã lãnh Phép Rửa, mang danh hiệu Ki-tô hữu, và ở trong cộng đoàn Giáo Hội. Nhưng lắm khi chúng ta đối nghịch với Chúa qua cung cách nghĩ suy, nói năng, hành động không công bình chính trực, không phản ảnh tinh thần yêu thương, tha thứ của Chúa. Chúng ta nói “xin vâng” với Chúa trong nhà thờ, còn trong cuộc sống hằng ngày thì rất nhiều khi ta nói “khoan đã”! Ta quên rằng với Chúa chỉ có cửa hẹp chứ không có cửa giữa.

Mời Bạn: Dẫu biết rằng lực bất tòng tâm, nói dễ làm khó, nhưng không vì thế mà chúng ta cứ tiếp tục vừa ‘theo’ vừa ‘chống’, kiểu bỏ sạn vào chén cơm của người khác rồi lại ngồi nhặt ra! Ai trong chúng ta cũng muốn ra khỏi cái ấu trĩ để trở thành người trưởng thành; nhưng người trưởng thành đích thực là người thống nhất đời sống của mình: thống nhất giữa đức tin và cuộc sống, giữa lời nói và việc làm.

Chia sẻ: Dù bạn là ai (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân…), hãy tự vấn xem những gì nơi bạn chứng tỏ rằng bạn đang theo Đức Ki-tô? Và những gì nơi bạn tố cáo rằng bạn không đang theo Đức Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Để theo Đức Ki-tô một cách dứt khoát, chúng ta tập qui hướng tất cả ý nghĩ, lời nói, cung cách cư xử và hành động của chúng ta về Đức Kitô – lấy Người làm chuẩn mực cho trọn vẹn cuộc sống 24/24 giờ của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần khiêm tốn và trung thực để tháo gỡ nơi mình những gì đi ngược lại với tinh thần của Chúa. Chỉ khi ấy con mới thực sự thuộc về Chúa. Amen.

Thứ Sáu 16/03/07

NƯỚC THIÊN CHÚA

“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu.” (Mt 12,28-34)

Suy niệm: Ta vẫn thường nghĩ về một Nước Thiên Chúa rất xa lạ với những gì chúng ta đang sống. Đúng là Nước Trời siêu vượt quá những gì chúng ta biết. Đúng rằng Nước Trời chỉ dành cho những đấng thánh và những người công chính như là một phần thưởng lớn lao. Đúng rằng Nước Trời là hồng ân hết sức cao cả, không thể nại vào một công trạng nào để đòi hỏi được. Càng đúng rằng mầu nhiệm Nước Trời vượt qua mọi trí hiểu. Nhưng bảo rằng Nước Trời không dính líu gì đến đời này, thì e rằng rất sai. Một cách nôm na, chúng ta có thể nói về các Thánh như sau: các ngài sống Nước Trời ngay ở đời này, trước khi vào Nước Trời chung cục trong sự sống vĩnh cửu. Và nếu chúng ta không chỉ nghĩ đúng và nói đúng, mà còn sống đúng điều răn trọng nhất ngay từ hôm nay, thì chúng ta đã ở trong Nước Thiên Chúa rồi đó. “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” - câu trả lời của ông kinh sư làm Đức Giê-su hài lòng và Người bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu.” Nghĩa là, ông chỉ cần sống điều ông xác tín, thì ông đã đặt một chân vào trong Nước Thiên Chúa rồi.

Mời Bạn: “Yêu hết mình,” “sống hết mình” là những cụm từ mà chúng ta thường nghe, thường dùng trong quan hệ giữa chúng ta với nhau. Bạn có dám nói câu ấy với Thiên Chúa và với mọi người không?

Chia sẻ: Trong thực tế hình như ta ít khi mến Chúa yêu người hết mình. Theo bạn, vì ta không xác tín hay vì lý do nào khác?

Sống Lời Chúa: Một cử chỉ cụ thể với những người bạn gặp trong ngày hôm nay để tự nói với bạn rằng bạn đang yêu mến người khác như chính mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn yêu Chúa hết linh hồn con.

Thứ Bảy 17/03/07

TÔI LÀ TỘI NHÂN

“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,9-14)

Suy niệm: Một hôm, Giáo Hoàng Gio-an XXIII đến thăm một nhà tù. Các tù nhân đều một mực cho rằng họ vô tội và bị oan. Duy có một người nói với ngài rằng anh ta có tội, bị giam tù như vậy là xứng đáng. Đức Gio-an XXIII liền nói với người coi trại giam: “Nên đưa người này ra khỏi đây. Sao lại để người có tội sống chung với những người vô tội?” Một minh họa sống động cho dụ ngôn “hai người cầu nguyện” mà Chúa kể trong bài Tin Mừng hôm nay! Ơn tha thứ chỉ làm việc trên ta khi và chỉ khi ta nhìn nhận mình là tội nhân. Và nếu bạn không biết cầu nguyện là gì, thì đây là một chỉ dẫn hữu ích: Cầu nguyện là nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và thưa với Chúa điều đó.

Mời Bạn: Ngày nay chúng ta có xu hướng không nhận ra tình trạng tội lỗi của mình hoặc trầm trọng hơn, mất hẳn ý thức về tội. Tôi không thấy cần xin lỗi người khác vì đã cư xử nóng nảy với họ bởi vì “tính tôi như thế”! Người ta huỷ diệt phôi thai để nghiên cứu tế bào gốc viện lý do vì sự tiến bộ của khoa học, y học để phục vụ con người! Người ta phá thai với danh nghĩa bảo vệ sức khoẻ hoặc vì sự phồn vinh của xã hội và hạnh phúc gia đình…! Không phải khi vi phạm luật và bị bắt gặp tôi mới phạm tội. Tôi đã phạm tội khi không yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa đúng như Ngài đáng được yêu mến tôn thờ. Khi tôi xúc phạm đến sự sống và phẩm giá của người khác, bất kể người đó là ai, giàu hay nghèo, cùng hay khác tôn giáo, chính kiến, hay cho dù đó chỉ là một phôi thai, tôi đã phạm tội rồi.

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm kỹ đời sống để khám phá mình đã xúc phạm đến Chúa và anh chị em như thế nào.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội với ý thức sâu xa mình là tội nhân.

Chúa Nhật 18/03/07

LÒNG CHÚA NHÂN TỪ

“Chúng ta phải ăn mừng vui vẻ vì em con nay đã chết nay lại sống, đã mất nay lại tìm thấy.” (Lc 15,1-3.11-32)

Suy niệm: Một bà mẹ xách giỏ đi thăm nuôi đứa con (quậy phá) đang bị giam trong tù. Đôi lúc trong cuộc sống hằng ngày, ta vẫn gặp thấy hình ảnh ấy. Tấm lòng người mẹ thật lớn lao. Cho dù đứa con có hư hỏng thế nào đi nữa, tình mẫu tử nơi bà vẫn vượt lên trên tất cả. Hình ảnh những bà mẹ ấy có thể giúp chúng ta phần nào hình dung tấm lòng nhân từ của chính Thiên Chúa đối với con người. Câu chuyện dụ ngôn Đức Giê-su kể hôm nay qua ngòi bút Lu-ca về tình phụ tử là một trong những câu chuyện đẹp nhất, cảm động nhất và an ủi nhất của Tin Mừng. Thiên Chúa là người Cha thật bao dung và đầy lòng thương xót đối với những đứa con tội lỗi – là chính chúng ta đây. Ý thức được thân phận tội lỗi của mình trước tình yêu tuyệt vời của Cha, chúng ta mạnh dạn đứng lên, trở về - chứ không chán nản, thất vọng và buông xuôi chôn vùi đời mình. Và hơn nữa, chúng ta cũng không huênh hoang tự mãn, nghĩ rằng mình có được một vài “công đức” để lên mặt khinh khi, xem thường anh chị em của mình.

Mời Bạn: Chiêm ngắm những cử chỉ của người Cha khi ông gặp lại đứa con đi hoang trở về (câu 20-24) – để luôn biết tin tưởng vào tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Chia sẻ: Theo bạn, người con đi hoang thực sự trở về với Cha khi nào (lúc cảm thấy đói bụng, hay lúc được Cha ôm hôn)?

Sống Lời Chúa: Đến với bí tích Giao Hòa và thốt lên với Chúa: “Thưa Cha, con đã đắc tội với trời và với Cha!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết can đảm đứng lên mỗi khi vấp ngã. Và xin cho con biết bao dung độ lượng để cảm thông và nâng đỡ những anh chị em yếu đuối ở xung quanh đời mình. Amen.

Thứ Hai 19/3/07 Thánh Giuse

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

“Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” (Mt 1,16.18-21.24a)

Suy niệm: Từ khi được chọn làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, cuộc đời Thánh Giuse là một hành trình mịt mù của đức tin. Một hài nhi nhỏ bé mỏng manh chạy trốn vua Hê-rô-đê lại là một vị Thiên Chúa tối cao. Một phụ nữ đơn sơ nghèo hèn lại là Mẹ của Đấng Cứu Thế. Chúa làm người trọn vẹn quá đến nỗi Giu-se không thể hiểu điều gì đang diễn ra. Nhưng thay vì thắc mắc, nghi ngờ, hoang mang, Giu-se chọn thái độ hoàn toàn thinh lặng chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên Chúa. Giu-se tiếp tục “xin vâng,” mặc dù thánh ý Chúa không luôn luôn rõ ràng mà nhiều khi chỉ là những tiếng vọng mơ hồ giữa giấc chiêm bao.

Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, hành trình bước theo Chúa Ki-tô của chúng ta nhiều khi cũng tăm tối mịt mù như những gì Thánh Giu-se đã trải nghiệm. Trong gia đình và ngoài xã hội, nhiều khi chúng ta cố gắng sống tốt và làm điều tốt nhưng lại phải đối diện với những ganh tỵ, hiểu lầm, gièm pha, vu khống và chống đối. Nhiều khi chúng ta bước đi trong bóng đêm của đức tin với nhiều suy nghĩ hoang mang: Đâu là sự thật, đâu là chân lý và công bằng, Thiên Chúa ở đâu?

Chia sẻ kinh nghiệm của bạn khi gặp thử thách trong đời: Bạn đã làm gì? Bạn ứng xử ra sao? Bạn có lấy đức tin làm ánh sáng dẫn đường không?

Sống Lời Chúa: Tập tránh suy diễn và quyết định theo ý mình, nhưng luôn kiếm tìm và bám chặt vào thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thánh Giu-se, xin giúp con học lấy đời sống thinh lặng và đức tin kiên vững như ngài, để giữa những bóng đêm thử thách trong đời, chúng con luôn bình tĩnh đón nhận với niềm xác tín rằng có Chúa luôn đồng hành với con. Amen.

Thứ Ba 20/03/07

VÁC CHÕNG MÀ ĐI

Đức Giê-su bảo: “Anh hãy chỗi dậy, vác chõng mà đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. (Ga 5,1-3a.5-16)

Suy niệm: Quá khứ đã qua nhưng không dễ đoạn tuyệt với nó. Nếu có những người say men chiến thắng, chắt chiu triều thiên vinh quang của một thời oanh liệt thì không ít người dằn vặt khôn nguôi vì những cú ngã đau thất bại, hay những vết thương nội tâm chưa được hàn gắn. Thế nên mới hiểu tại sao có chuyện “ăn cơm mới, nói chuyện cũ.” Khi gặp người bất toại đã ba mươi tám năm liệt gường, Đức Giêsu chữa bệnh cho anh và bảo anh: “Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi.” Theo các nhà chú giải, chiếc giường tượng trưng cho quá khứ bệnh tật làm tê liệt sức sống. Khi bảo “vác chõng mà đi,” Đức Giêsu có ý bảo người bệnh đừng tiếp tục ở lì trong tình trạng bệnh tật để cầu lòng thương hại, hay sống ươn lười nọa nhược, nhưng biết đứng dậy hăng hái bước đi bằng đôi chân của mình.

Mời Bạn: Trong Mùa Chay, chúng ta có dịp nhìn lại quá khứ của mình và khám phá những tội lỗi, khuyết điểm. “Vác giường mà đi,” chúng ta chấp nhận mình yếu đuối và đã phạm tội, nhưng một khi được tha tội, theo ý Chúa muốn, chúng ta phải bắt đầu sống sự tự do của con cái Thiên Chúa. Ta không được thất vọng về mình, hay cứ để sự dằụn vặt đeo bám. Như thế có nghĩa là can đảm dứt khoát với tội lỗi và những nguy cơ dẫn đến chỗ sa ngã.

Chia sẻ: Có những dấu hiệu của tình trạng “ở lì trong sự tội” trong nhóm chúng ta không? Nhóm chúng ta đang sinh hoạt năng động, tích cực hay ‘kéo rê’ qua ngày?

Sống Lời Chúa: Mỗi người để ý tìm nết xấu làm đầu của mình hay một thứ tội mình quen phạm. Đề ra những quyết tâm cụ thể để dứt bỏ.

Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa xin ban cho con trái tim tinh tuyền.”

Thứ Tư 21/03/07

LÀM THEO Ý CHA

“Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 5,17-30)

Suy niệm: Đức Giê-su là nhà thừa sai, được Chúa Cha sai đến. Cả cuộc đời Người, Người chuyên chăm thực hiện thánh ý Cha, cho đến chấp nhận cái chết thập giá. Thánh ý Cha là lương thực hằng ngày của Đức Giê-su, là lý do của sự hiện hữu và của sứ mạng Đức Giê-su. Điều này không hề có nghĩa rằng Đức Giê-su không có ý riêng mình. Người vẫn có ý riêng, như bất cứ ai – nhưng Người hoàn toàn khép ý riêng mình vào trong ý Chúa Cha: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Tất cả mối quan tâm của Đức Giêsu là làm cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Vì thế, Chúa Cha gọi Người là “Con Yêu Dấu.”

Mời Bạn: Nêu chứng tá vâng phục thánh ý Chúa Cha mỗi ngày trong những chọn lựa và hành động cụ thể, chứ không chỉ bằng sự đồng ý suông của lý trí. Ta không quên rằng “trăm nghe không bằng một thấy,” và “lời nói bay đi gương bày lôi kéo” - hay như nhận định của Đức Phaolô VI: “Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy thì cũng bởi vì các thầy dạy ấy là những chứng nhân!”

Chia sẻ: Chúng ta không bài bác ý riêng, nhất là khi nó giúp ích trong việc xây dựng cộng đoàn. Tuy nhiên phải chăng chúng ta rất thường quá coi trọng ý kiến của mình mà quên đi ý Chúa muốn mình phải làm gì?

Sống Lời Chúa: Tập không bao giờ quyết định, chọn lựa bất cứ gì chỉ vì đó là ý của mình. Chỉ theo ý mình khi xác tín rằng đó cũng là điều Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe thuộc cấp và biết vâng phục thượng cấp theo như thánh ý Chúa muốn.

Thứ Năm 22/03/07

THƯỢNG TÔN SỰ THẬT

“Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao có thể tin được.” (Ga 5,31-47)

Suy niệm: Trong bài viết Lỗ Hổng Giáo Dục trong Dạy Người (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 04-07 ra ngày 28-1-2007), tác giả Nguyễn Thị Oanh nói đến bệnh thành tích (trưng ra những kết quả không đạt được để lấy điểm), bệnh hình thức (khoe cái không có về thực chất), nạn gian lận thi cử, bằng cấp giả, và sự kiện “sự dối trá được bình thường hóa đến nỗi người dân cũng im bặt cho đến những năm gần đây” (tr. 22). Phải chăng đây là hội chứng “tôn vinh lẫn nhau” mà Chúa Giê-su đã vạch ra nơi người Do Thái? Nếu thế, phương thuốc chữa trị phải là đi tìm “vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa,” tức là phải tôn trọng sự thật, tránh xa sự dối trá dưới mọi hình thức.

Mời Bạn: Nếu dối trá gây ung nhọt thối tha cho gia đình và xã hội, thì sự thật chữa trị và làm cho người ta lớn lên cách lành mạnh. Điều cần thiết là không được bình thường hóa những hình thức dối trá, không coi đó là một “giá trị” trong đời sống. Là người ki-tô hữu, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa là nguồn Chân-Thiện-Mỹ. Chúng ta tin tưởng rằng: dưới ánh sáng Lời Chúa và với ơn Chúa, chúng ta có thể vạch ra và nhổ sạch những gốc rễ gian dối đang bám sâu trong con người và xã hội chúng ta.

Chia sẻ: Các báo cáo tổng kết, các kiểm điểm, xét mình của chúng ta chỉ là đánh giá hời hợt, sao chép sáo mòn, hay đó là việc chúng ta đặt mình trước nhan Thiên Chúa và nhận định dưới cái nhìn của Ngài?

Sống Lời Chúa: Tôi sống trung thực với Chúa, với anh em cũng như với chính mình. Tôi lắng nghe tiếng Chúa nói trong lương tâm tôi.

Cầu nguyện: Hát: “ Ngài là Đường là Sự thật….

Thứ Sáu 23/3/07

ĐẤNG ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA

“Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ Người mà đến và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,1-2.10.25-30)

Suy niệm: Trong biến cố dâng Hài Nhi Giê-su vào Đền Thờ, cụ già Si-mê-on đã nói tiên tri rằng Hài Nhi sẽ là cớ cho nhiều người vấp ngã hay đứng lên. Đứng lên hay vấp ngã tùy ở chỗ người ta có nhìn ra và đón nhận Người hay không. Vô số người Do Thái thời Đức Giê-su đã không nhận ra thực sự Người từ đâu đến và thực sự Người là ai. Họ không thể nhận ra vì họ không chấp nhận những thách đố mà Tin Mừng của Người đặt ra cho họ. Tin Mừng ấy không cho phép mọi sự ‘vẫn như cũ’, nó gây xáo trộn, nó bắt họ phải thay đổi. Và đó là điều mà họ không muốn. Giáo Hội Chúa suốt 2000 năm qua cũng chia sẻ cùng một sự căng thẳng ấy khi thi hành sứ mạng của mình. Chúng ta, những môn đệ Chúa hôm nay, cũng không ngừng bị thách đố bởi chính Tin Mừng duy nhất ấy.

Mời Bạn: Can đảm sống niềm tin vào Đức Kitô, nhất là khi bạn và gia đình gặp thử thách trong cuộc sống.

Chia sẻ: Theo bạn, làm sao để không ngừng tăng cường nơi chính mình niềm tin vào Đức Ki-tô? Và làm sao để có thể vẫn trung thành với Chúa ngay cả khi gặp thử thách?

Sống Lời Chúa: Siêng năng gặp gỡ và khám phá Chúa Giê-su trong Lời của Người và trong Thánh Thể, để được Người biến đổi mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là con đường duy nhứt để con đến với Chúa Cha, xin cho con biết chân thành và khiêm tốn đón nhận Chúa. Xin cho con biết nhìn bằng con mắt đức tin để nhận ra Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống thường ngày. Amen.

Thứ Bảy 24/03/07

VÌ NGƯỜI MÀ DÂN CHÚNG CHIA RẼ

“Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dõng dõi Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? Vậy vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.” (Ga 7,40-53)

Suy niệm: Trước sự xuất hiện của Đức Giê-su với những tuyên bố “kỳ quặc,” “chói tai,” nhất là khi Người loan báo lời hứa ban Nước Hằng Sống, cuộc tranh luận trong dân chúng về nguồn gốc của Người càng trở nên gay gắt hơn, giữa những người tin và những kẻ chống đối: “Ông này thật là vị ngôn sứ”; “Ông này là Đấng Ki-tô”; “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Galilê sao?”… Cuộc sống luôn là một sự chọn lựa, và đức tin đòi hỏi phải chọn lựa quyết liệt hơn: “Ai không thuận với Ta, là nghịch với Ta.” Chúa ban cho ta đức tin, không phải để ru ngủ, trái lại để đòi hỏi ta “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày” mà theo Người.

Mời Bạn: Thái độ hiện nay của bạn đối với Đức Ki-tô và giáo lý của Người là gì? Bạn đã dứt khoát chưa? Nếu rồi, bạn làm gì để trung kiên đến cùng? Nếu chưa, bạn còn đợi đến bao giờ?

Chia sẻ: Sống giữa đời có bao cám dỗ ngọt ngào, bao nhiêu thử thách cam go; vì thể con đường theo Chúa của ta thường mang tính bắt cá hai tay, nửa vời lấp lửng, vừa muốn được Chúa, vừa muốn được thế gian; vừa theo Chúa, vừa sợ hy sinh gian khổ. Kết cục ta chỉ chuốc lấy đau khổ, vì “nóng không ra nóng, lạnh không ra lạnh.”

Sống Lời Chúa: Bạn quyết tâm tham dự một lần sám hối cộng đồng trong những ngày còn lại của Mùa Chay này.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con chịu đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.” Amen.

Chúa Nhật V MC 25/03/07

LÒNG NHÂN

“Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8,1-11)

Suy niệm: “Sáng ngày 5.2, cảnh sát Đức phát hiện một vụ thảm sát tại nhà hàng Lin Yue, miền Bắc Sittensen. Bảy người thiệt mạng, trong đó có hai người Việt, chỉ một em bé 6 tuổi sống sót. Động cơ giết người được cho là vì thủ phạm muốn trả thù ông chủ người Hoa.” Những bản tin thấm đẫm bạo lực, hận thù và máu me như thế ngày càng trở thành rất thường trên các tờ báo hằng ngày. Đúng là “người với người như lang sói.” Trong một thế giới như thế, người môn đệ Đức Ki-tô càng phải khẩn thiết trình bày chứng tá của lòng nhân, theo gương Thầy chí thánh của mình. “Tôi không kết án chị đâu!” Người phụ nữ ấy thay vì bị ném đá đến chết, đã được tha bổng với lời khuyến cáo hãy trở về và cải thiện đời sống.

Mời Bạn: Ai cũng cần được cảm thông và tha thứ, vì ai cũng có lúc phạm sai lầm. Vì thế, chúng ta cần sống và quảng bá lòng nhân hậu, thứ tha. Mỗi người biết nhân hậu hơn, thế giới này sẽ bớt căng thẳng hơn, sẽ hòa bình hơn và dễ sống hơn.

Chia sẻ: Tâm trạng của bạn khi được thứ tha? Khi chính bạn sẵn sàng tha thứ cho người khác?

Sống Lời Chúa: Không bao giờ đồng hóa tội lỗi với người phạm tội, chúng ta sẽ dễ bào chữa cho người khác hơn thay vì tố cáo họ, và cũng dễ tha thứ hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến không phải để xét xử nhưng là để đón nhận và giải phóng những người tội lỗi. Xin cho con biết nhìn lên Chúa trên thập giá và học lấy bài học nhân hậu tuyệt vời: Chúa đã xin Chúa Cha tha thứ cho chính những kẻ giết hại mình! – để con biết luôn lấy lòng nhân hậu mà đối xử với anh chị em con. Amen.

Thứ Hai 26/03/07 Lễ Truyền Tin

XIN VÂNG

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,26-38)

Suy niệm: Đoạn Tin Mừng ‘Truyền Tin’ này được sử dụng rất nhiều lần trong nhiều dịp khác nhau mỗi năm. Tuy nhiên dường như ta không thể kín múc cạn kiệt ý nghĩa quá phong phú của biến cố này và của lời “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a. Lời “Xin Vâng’ mà Đức Ma-ri-a thốt lên là một diễn tả lòng khát khao mong ước chứ không phải là một quyết định cuối cùng được đưa ra sau những phút do dự. “Xin Vâng” là tín thác chứ không nghi ngờ. “Xin Vâng” ở đây còn là một tâm tình cầu khẩn dâng lên Thiên Chúa nữa: “Xin Chúa hãy thực hiện nơi tôi điều sứ thần nói!” Chúa cũng vẫn muốn chúng ta cầu xin ngay cả những ơn Ngài sẽ ban cho chúng ta đấy thôi. Hiểu được ý Thiên Chúa, Đức Maria đã cầu khẩn: Xin cho LỜI của Thiên Chúa trở nên hiệân thực nơi tôi, nên “xác thịt bởi xác thịt tôi;” xin cho Lời Thiên Chúa không chỉ là lời phát ngôn để tai tôi được nghe, nhưng LỜI trở nên sự sống trong dạ tôi, cho mắt tôi được thấy hiển hiện, cho tay tôi được sờ thấy và ôm ấp vào lòng; xin đừng chỉ là lời bằng chữõ viết câm lặng do tay người đời, nhưng là LỜI được khắc ghi cách sống động bởi Chúa Thánh Thần.

Mời Bạn: Đón nhận Lời Chúa vào lòng, vào cuộc sống, hãy nhai nghiền, nuốt lấy để nếm cảm vị ngon của LỜI. Rồi như Đức Ma-ri-a, bạn đem LỜI đó trao tặng cho người khác, để nhân lên niềm vui ‘có Chúa ở cùng’.

Chia sẻ: Những gì thường cản trở không cho phép bạn thưa “Xin Vâng” với Chúa?

Sống Lời Chúa: Bắt đầu mỗi ngày, chúng ta hãy lặp lại lời “Xin Vâng” với Chúa. Rồi cuối ngày, ta nhìn lại cách mình sống tinh thần “Xin Vâng” ấy.

Cầu nguyện: Hát “Mẹ ơi, xin dạy con biết nói ‘Xin Vâng’ như Mẹ…”

Thứ Ba 27/03/07

CÓ CHÚA Ở CÙNG

Chúa Giêsu bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,21-30)

Suy niệm: Không có một cứu cánh cao thượng để hướng nhìn, người ta sẽ luẩn quẩn với những điều thiển cận – và cuối cùng là bế tắc, vong thân. Như vụ bán độ của các cầu thủ bóng đá ở Sea Games 23 năm trước giờ đây còn để lại hậu quả thật chua xót trong cuộc đời của những chàng trai vốn giàu tài năng nhưng lại nghèo lý tưởng. Giới lãnh đạo Do Thái đương thời với Đức Giê-su cũng đã bám giữ cái nhìn thiển cận một cách thật đáng tiếc. Vì sợ Đức Giê-su đá đổ nồi cơm của mình, sợ Người lật nhào chiếc ghế của mình, nên họ không nhận ra Người là Đấng Giải Phóng đích thực. Tệ hại nhất là họ đã loại trừ Người bằng cách đẩy Người tới cái chết thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã ‘dĩ độc trị độc’; trong tình yêu và quyền năng của Ngài, Thiên Chúa đã biến điều tệ hại nhất ấy thành điều tốt lành nhất: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu.” Như xưa ai nhìn lên rắn đồng thì được sống, ngày nay ai nhìn lên thập giá Đức Ki-tô sẽ nhận được ơn cứu độ trào tuôn. Từ đây, thập giá Đức Ki-tô sẽ là cứu cánh tuyệt đỉnh mời gọi mọi người hướng nhìn.

Mời Bạn: Tạm quên đi những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống để trầm lắng tâm hồn và chiêm ngắm mầu nhiệm Tình Yêu hiến tế của Đấng Chịu Đóng Đinh.

Chia sẻ: Bạn thường thấy gì và nghĩ gì khi nhìn Thánh Giá Chúa Kitô?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi gặp khó khăn, thử thách, chán chường, thất vọng trong cuộc đời, bạn nhìn lên Thánh Giá để tìm lại nghị lực và đốt nóng lại tình yêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết vì yêu con. Xin cho con biết sống qui hướng trọn vẹn về Chúa, và đời con chỉ thuộc về Chúa mà thôi. Amen.

Thứ Tư 28/03/07

NHÂN DANH THIÊN CHÚA?

“Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa.” (Ga 8,31-42)

Suy niệm: Người ta luôn có lý do tốt nhất ngay cả để làm điều tệ hại nhất. Ta thấy ma quỉ khi cám dỗ Đức Giê-su trong hoang địa đã viện dẫn toàn lời trong Sách Thánh, tức Lời của Chúa. Ta cũng thấy Đức Giê-su đề cập đến sự kiện nhiều người bỏ nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ viện lẽ rằng phần cấp dưỡng ấy họ đã dâng cho Thiên Chúa rồi (“co-ban”, x. Mc 7,11). Ông tư tế và ông Lê-vi tránh qua đường mà đi một cách yên ổn lương tâm, để mặc nạn nhân sống dở chết dở bên đường, cũng vì nghĩ rằng mình đang đi làm nghĩa vụ đối với Thiên Chúa (người bị dính máu thì trở thành ô uế và không thể vào Đền Thờ dâng lễ!) Và nhất là, ta không quên rằng người Do Thái đã nhân danh chính Thiên Chúa mà giết Đức Giê-su! Rồi đến lượt Giáo Hội cũng đã nhân danh Đức Giê-su mà lao vào cuộc Thập Tự Chinh và dựng lên những giàn hỏa thiêu…!!

Mời Bạn: Suy nghĩ về những thực tế ‘chết người’ nói trên, và bao trường hợp tương tự vẫn đang diễn ra hôm nay nơi thế giới và cả trong lòng Giáo Hội, để thấy rằng vấn đề ở đây là: Thiên Chúa nào và Đức Giê-su nào. Người ta đã nhân danh những ‘Thiên Chúa’ nào và những ‘Đức Giê-su’ nào để làm thế? Đó có phải là Thiên Chúa, là Đức Giê-su đích thực không?

Chia sẻ: Theo bạn, nếu Đức Giê-su của các sách Tin Mừng xuất hiện giữa chúng ta bằng xương bằng thịt hôm nay, Người sẽ rất ngạc nhiên về những gì mà Người thấy trong thế giới và trong Giáo Hội?

Sống Lời Chúa: Chúng ta đọc Tin Mừng với một cái nhìn tinh khôi, không tiền kiến, để khám phá Đức Giêsu thực và sứ mạng thực của Người, và qua Người ta khám phá vị Thiên Chúa thực.

Cầu nguyện: Hát: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con…”

Thứ Năm 29/03/07

THIÊN CHÚA HẰNG HỮU

“Trước khi có Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8, 51-59)

Suy niệm: Đây là đỉnh cao của chương 8 Tin mừng Gio-an: Đức Giê-su mạc khải thần tính của Ngài. Khẳng định “Tôi hằng hữu” vượt trổi mọi khẳng định khác như: “Tôi là Ánh sáng thế gian,” “Tôi là Nước/ Bánh hằng sống,” “Tôi là Mục tử tốt lành,” “Tôi là Vua”..., bởi vì khẳng định này chạm đến thần tính của Đức Giê-su. Người không hiện hữu trước Áp-ra-ham, vì Người thuộc một thế giới khác. Người hiện hữu viên mãn trước thời gian, hiện hữu tuyệt đối, tức hằng hữu. Và chỉ có Thiên Chúa mới hằng hữu. Khát vọng muôn thuở của con người là được trường tồn, nhưng họ bất lực (cf. câu truyện cám dỗ ông bà nguyên tổ ăn trái cấm). Thiên Chúa đã lấp đầy khát vọng của con người, khi sai Con Một đến làm người trong hữu hạn, để đưa con người đến vô hạn. Suzuki, một thiền sư Nhật Bản, đã làm ta ngạc nhiên khi suy tư của ông chạm đến chính cốt lõi của Kitô giáo như sau: “Chúa làm người, để người làm Chúa, như Chúa đã làm người” (x. Nguyệt san CGvDT số 101, tháng 5.2003, tr.5-17).

Mời Bạn: Là tín hữu, bạn được mời gọi đặt niềm tin vào Chúa, Đấng có thể cứu bạn khỏi “cái thân phải hư nát này” (cf. 1Cr 15,54-57) để ban cho bạn sự sống bất diệt. Càng gần đến Tuần Thánh, tuần kỷ niệm cuộc Tử Nạn-Phục Sinh của Chúa, bạn hãy thiết tha tin yêu, gắn bó với Chúa Giêsu hơn (1 Cr 15,22).

Sống Lời Chúa: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì có sự sống đời đời” (Ga 6,54). Bạn rước Thánh Thể Chúa với niềm tin tưởng vững vàng rằng đó là bảo chứng cho cuộc sống trường sinh.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Tin Kính các thánh Tông đồ, chú ý đặc biệt đến tín điều: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, Tôi tin hằng sống vậy. Amen”

Thứ Sáu 30/03/07

ĐỨC GIÊSU - CON THIÊN CHÚA

“Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà tự cho mình là Con Thiên Chúa.” (Ga 10,31-42)

Suy niệm: Người Do Thái ngày xưa đã lên án tử hình Đức Giê-su vì Người đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ gặp khó khăn trong việc nhận ra thần tính của con người Giê-su Na-da-rét mà họ ‘quá quen’ ấy. Còn chúng ta ngày nay tin tưởng và tôn thờ Đức Giê-su vì Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, như tác giả Tin Mừng thứ tư đã khẳng định (x. Ga 1,1-18). Dường như chúng ta gặp một khó khăn ngược lại: ta khó ý thức đầy đủ rằng Đức Giê-su Con Thiên Chúa ấy là một con người thật! Nơi Đức Giêsu có 100% thần tính và 100% nhân tính, mà cộng lại vẫn là 100% chứ không phải 200%! Tất cả sự trớ trêu nói trên là do bởi sự thật này: Thiên Chúa đã thật sự làm người nơi Đức Giêsu, vì tình yêu và vì ý chí cứu độ của Ngài. Chỉ những ai sống trong tình yêu và trong Thánh Thần mới hiểu và tin được điều nghịch lý này.

Mời Bạn: Tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi trao ban chính Con Một. Là người phàm, chúng ta không thể đến được với Thiên Chúa; thì đây, Ngài đến với chúng ta. Là người phàm, chúng ta không thể đi theo hay bắt chuớc Thiên Chúa; thì đây, ta chỉ cần đi theo và bắt chước con người Giê-su Na-da-rét như ta gặp thấy trong các Sách Tin Mừng.

Chia sẻ: Bạn chia sẻ niềm tin vào Đức Giê-su cho người khác như thế nào?

Sống Lời Chúa: Ta đọc Tin Mừng với cả tâm tình tha thiết muốn khám phá Đức Giê-su nhiều hơn, để sống với Người mật thiết hơn và hăng say loan báo về Người như là sự chia sẻ món quà quí nhất cho tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hiểu biết Chúa hơn để yêu mến Chúa hơn.

Thứ Bảy 31/03/07

ĐOÀN TỤ DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ

“Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, …để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” (Ga 11,45-56)

Suy niệm: Một ngày trước vụ hành quyết Saddam Hussein, Ramsey Clark (Ram-xây Cơ-lác), một trong những luật sư biện hộ cho cựu tổng thống Iraq, đã cảnh báo: “Hậu quả của vụ hành quyết này sẽ là những cuộc bạo động lớn hơn.” Quả nhiên từ ba tháng nay, hầu như ngày nào tin tức từ Iraq cũng tường thuật những vụ đánh bom gây tử vong cho hàng chục người. Cũng trong bối cảnh một án tử hình, Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn cuộc tử nạn của Đức Giê-su dưới một viễn tượng khác. Người chấp nhận một cái chết bất công để đền bù tội lỗi, để xoá bỏ hận thù ghen ghét, và nhất là để đoàn tụ muôn người dưới chân thập giá.

Mời Bạn: Những người đầu tiên đoàn tụ dưới chân thập giá Đức Ki-tô là ai? Đó là những người đã theo Người, đã sống với Người như người thân thiết nhất. Đó có thể là Si-mong, người đã cộng tác với Đức Giê-su vác thập giá cho đến nơi; đó có thể là người cùng chịu đóng đinh với Chúa, từ trên thập giá của chính mình lên tiếng biện hộ cho Chúa; đó có thể là những người như Ni-cô-đê-mô, có lẽ đang quanh quẩn đâu đó gần thập giá của Đức Giê-su với sự đồng cảm và chọn lựa đứng về phía những người nghèo, bị áp bức bất công. Mời bạn tiếp tục nhìn ngắm Đức Ki-tô chịu đóng đinh để khám phá và để chính bạn cũng gia nhập cộng đoàn những người đứng dưới chân thập giá.

Chia sẻ: Đâu là đặc điểm chung của những người đoàn tụ dưới chân thập giá Chúa Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Bằng lời nói hoặc việc làm, bạn thực hiện một hành động (hy sinh, chia sẻ, bênh vực cho lẽ phải…) để liên đới với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh.

Cầu nguyện: Suy niệm một trong 14 chặng đường Thánh Giá.

Chương trình một giờ kinh tối

  1. Tìm một giờ thích hợp cho cả gia đình họp nhau đọc kinh tối trước khi đi ngủ trong khoảng 15 phút.
  2. Người hướng dẫn nêu ý cầu nguyện cho giờ kinh (... giỗ chạp, bổn mạng, sinh nhật, kỷ niệm ngày thành hôn, khi có người đau, đi xa, thi cử ....)
  3. Khai mạc giờ kinh: Đọc hoặc hát kinh Chúa thánh Thần
  4. Thinh lặng xét mình trong giây lát (cha mẹ có điều gì nhắc nhở con cái, vợ chồng con cái xin lỗi nhau ...) rồi đọc kinh thú nhận.
  5. Đọc một đoạn Lời Chúa và bài suy niệm (khuyến khích dùng “5ph/ngày cho Lời Chúa”)
  6. Xướng một mầu nhiệm Mân Côi và đọc một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh rồi đọc: Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con... và kinh Lạy Nữ Vương.
  7. Đọc kinh Vực Sâu hoặc: Chúng con cậy vì danh Chúa ... để cầu cho người thân đã qua đời
  8. Hát kính Đức Mẹ hoặc Thánh Giuse (thứ 4)
  9. Kinh Trông Cậy và Bốn Câu Lạy.

Một Đan Sĩ

● Đọc tiếp: 5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 2/07

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-tu-duc/5-phut-moi-ngay-suy-niem-loi-chua-trong-thang-3-07/