Trích từ Dân Chúa

Tư Liệu Thánh Kinh (21): Lề Luật

Vũ Văn An

Sau khi thoát cảnh nô lệ bên Ai Cập, dân Do Thái được Thiên Chúa dẫn qua sa mạc để tới Xi-nai. Họ đóng trại tại chân núi, trong khi Thiên Chúa ban cho Mô-sê lề luật buộc dân phải vâng theo. Các lời hứa (hay thỏa hiệp giao ước) trước đây Thiên Chúa thực hiện với các cá nhân như Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, nay Người lặp lại với toàn dân. Họ sẽ là dân Thiên Chúa; Người sẽ là Thiên Chúa của họ. Người đã cứu thoát họ và Người chờ mong họ vâng theo lề luật của Người. Đây không phải chỉ là những luật lệ về thờ phượng hay điều hướng những dịp về tôn giáo. Chúng còn bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống. Và chúng được tóm tắt trong Mười Điều Răn. Mười Điều Răn chính Thiên Chúa nói. Và sau đây là chính lời Người:

“Ta là Chúa Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi Ai Cập, nơi các ngươi từng làm nô lệ. Các ngươi không được thờ phượng chúa nào khác ngoài Ta. Đừng làm cho mình các hình ảnh của vật nào trên trời, dưới đất hay trong nước dưới lòng đất. Đừng cúi đầu trước bất cứ ngẫu thần nào hay thờ phượng nó, vì Ta là Chúa Thiên Chúa các ngươi và ta không khoan nhượng bất cứ ai đòi ngang hàng với Ta. Ta sẽ trừng phạt kẻ ghét Ta, cả con cháu 3, 4 đời của nó. Nhưng Ta tỏ tình yêu cho hàng ngàn thế hệ những kẻ yêu mến Ta và vâng theo lề luật Ta”.

Đừng dùng tên Ta cho các mục đích xấu xa, vì Ta, Chúa Thiên Chúa các ngươi, Ta sẽ trừng phạt bất cứ ai lạm dụng tên Ta. Hãy giữ ngày Sa-bát và giữ cho nó thánh thiện.Các ngươi có 6 ngày để làm việc, nhưng ngày thứ bẩy là ngày nghỉ ngơi dành riêng dâng kính Ta. Vào ngày ấy, không được ai làm việc, kể cả các ngươi lẫn con cái, nô lệ và xúc vật của các ngươi, cả người ngoại quốc đang sống trong xứ sở các ngươi nữa. Trong 6 ngày, là Chúa, Ta đã làm nên đất, trời, biển và mọi thứ trong chúng, nhưng Ta đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy. Chính vì lẽ đó, Ta, Chúa các ngươi, chúc phúc cho ngày Sa-bát và làm nó nên thánh thiện.

Hãy kính trọng cha các ngươi và mẹ các ngươi, để ngươi được sống lâu trong lãnh thổ Ta sẽ ban cho các ngươi.

Đừng phạm tội sát nhân.

Đừng phạm tội ngoại tình.

Đừng ăn trộm.

Đừng tố cáo ai cách sai lạc.

Đừng ước muốn nhà người khác; đừng ước muốn vợ anh ta, nô lệ anh ta, trâu bò, lừa, và bất cứ điều gì khác thuộc sở hữu của anh ta.

Đó là sưu tập các lề luật tốt nhất của Ít-ra-en. Rõ ràng sưu tập này có một ý nghĩa đặc biệt: trong sách Xuất Hành, nó là bộ luật đầu tiên được ban cho trên Núi Xi-nai, còn trong Sách Đệ Nhị Luật, cuối Mười Điều Răn còn có lời này: ‘Chúa phán những lời này với toàn bộ cuộc tụ họp của các ngươi…và Người không thêm thắt gì nữa’ (Đnl 5:22), nghĩa là, không còn điều gì khác quan trọng bằng.

Mười Điều Răn được phán cho toàn thể dân tộc Ít-ra-en, chứ không riêng cho một nhóm đặc thù nào như các tư tế chẳng hạn, và cũng nói với từng người Do Thái như các cá nhân. Mặt khác, dù Mười Điều Răn này là duy nhất trong tư cách một sưu tập, mỗi một điều răn vẫn được nhắc lại tại những chỗ khác trong luật lệ Do Thái.

Mười Điều Răn trên được viết trên hai phiến đá. Điều ấy rất có thể có nghĩa chúng được chép thành hai bản. Lý do phải chép thành hai bản chỉ được hiểu gần đây mà thôi. Trong thế giới Thánh Kinh, khi thực hiện một giao ước, mỗi bên ký giao ước phải giữ một bản nội dung. Nếu giao ước ấy là giao ước giữa hai quốc gia, như giữa người Khết và người Ai Cập chẳng hạn, thì hai bản phải được giữ ở nơi thật xa nhau, thường là trong đền thờ thần của mỗi nước. Tuy nhiên, tại Ít-ra-en, vì là giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, nên cả hai bản Mười Điều Răn đều được giữ trong Hòm Bia Giao Ước. Đó là trung tâm của Ít-ra-en và cũng là nơi Thiên Chúa ngự. Bởi thế cả bản của Thiên Chúa lẫn bản của Ít-ra-en cùng được lưu trữ với nhau. Mười Điều Răn, do đó, là các điều khoản của giao ước Thiên Chúa đã ký với dân Người. Tại Xi-nai, đáp lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho họ, toàn dân Ít-ra-en đã chấp nhận các điều khoản ấy. Hình phạt cho việc không thi hành bất cứ điều khoản nào trên đây không được nhắc đến. Nhưng nếu ta so sánh các điều răn này với các điều răn tương tự, thì xem ra hình phạt phải là tử hình (hãy so sánh Xh 20:13 với Xh 21:12). Điều ấy không có nghĩa hình phạt trên luôn luôn được thi hành.

Các Bộ Luật khác: Dĩ nhiên, bất cứ xã hội nào cũng cần có nhiều luật lệ chi tiết nữa. Các luật căn bản cần được khai triển thêm. Nếu điều răn dạy rằng các ngươi không được làm việc vào ngày Sa-bát, thì ai là ‘các ngươi’ và ‘làm việc’ là thế nào? Ngay trong Xuất Hành 20:10, điều răn đơn giản trên đã được diễn tả cách chi tiết hơn rồi. Cần phải làm sáng tỏ điều này là ‘các ngươi’ đây không phải chỉ là các người cha trong gia đình Do Thái, mà còn là ‘con cái, tôi tớ, súc vật…và cả ngoại kiều sống trong xứ sở các ngươi nữa’ (Đnl 5:14). (Chúng ta cũng phải giả thiết và hy vọng rằng cả ‘vợ các ngươi’ nữa cũng phải được kể vào!). Sau này, các thầy rabbis Do Thái còn tốn nhiều thì giờ hơn nữa để định nghĩa cách chính xác thế nào là ‘làm việc’. Chúa Giê-su bị một số người chỉ trích chỉ vì Người và các môn đệ của Người đã chữa bệnh và hái lúa vào ngày Sa-bát (Lc 14:3-4; Mt 12:1-2). Vì điều ấy nghịch lại câu định nghĩa về việc làm của nhóm Biệt Phái. Mười Điều Răn là ‘luật giao ước’ của Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en. Thêm vào đó, các sách luật của Do Thái (từ Xuất Hành tới Đệ Nhị Luật) chứa đựng khá nhiều các trường hợp điển hình của luật (case-laws), một số tương tự như luật lệ các nước khác. Đó là ba bộ luật chính.

Bộ thứ nhất tiếp liền sau Mười Điều Răn, tìm thấy nơi Xh 21-23. Đôi khi người ta gọi bộ này là ‘Sách Giao Ước’. Nó chứa đựng các luật luân lý, dân sự và tôn giáo. Sau các giáo huấn về việc thờ phượng là các luật lệ về việc xử lý với các quyền lợi của nô lệ; tội ngộ sát và gây thương tích cho sự sống người ta; tội ăn cắp và gây thiệt hại đến tài sản; các nghĩa vụ xã hội và tôn giáo; công lý và nhân quyền. Sau cùng là các giáo huấn về ba ngày lễ lớn của tôn giáo: Lễ Bánh Không Men, Lễ Đầu Mùa và Lễ Gặt Hái. Các luật này cho thấy Thiên Chúa quan tâm đến việc cuộc đời như một toàn bộ phải công bình và sòng phẳng. Chúng cho thấy Thiên Chúa quan tâm bảo vệ quyền lợi của những kẻ yếu đuối nhất như nô lệ, người nghèo, quả phụ, cô nhi và ngoại kiều.

Sách Lê-vi các chương 17-26 chứa đựng bộ luật thứ hai, gọi là ‘luật thánh thiện’. Các luật này chủ yếu quan tâm đến việc dân phải Thờ Phượng Thiên Chúa ra sao, nghĩa là các nghi thức liên quan đến nhà tạm. Tuy nhiên, nó cũng bàn đến các tác phong hàng ngày. Điều chủ yếu trong giáo huấn này là lệnh truyền: ‘Hãy thánh thiện vì Ta, Chúa và là Thiên Chúa các ngươi, là Đấng Thánh’ (Lv 19:2). Ít-ra-en phải thánh thiện vì quốc gia này thuộc về Thiên Chúa.

Bộ luật chi tiết thứ ba được trình bày tại Đệ Nhị Luật 12-25. Nó bao gồm khá nhiều điều y hệt như trong Xuất Hành và Lê-vi, nhưng được trình bày dưới hình thức một bài diễn văn của Mô-sê nói với dân chúng trước khi họ vào Đất Hứa. Chúng bao gồm những lời khích lệ dân giữ Lề Luật và cảnh cáo về hậu quả của việc bất tuân Lề Luật ấy. Đệ Nhị Luật 17:14-20 chỉ là một phần của Lề Luật nói về nhiệm vụ của một vị vua. Mục đích các điều răn. Luật có mục đích hướng dẫn các mối liên hệ tốt với Chúa và tha nhân. Trong Luật, Thiên Chúa, Đấng tạo ra và cứu thoát dân, cho họ hay họ phải sống ra sao để mưu ích và phúc lợi cho chính họ. Từ Hi-bá-lai mà ta thường dịch là Luật (torah) thực sự có nghĩa là ‘hướng dẫn’ hay ‘chỉ giáo’. Các luật này không nhằm đưa ra một bảng liệt kê dài dòng những điều phải làm và những điều không được làm nhằm khiến cho cuộc sống trở thành một gánh nặng.

Lề Luật phản ảnh đặc tính của Thiên Chúa, tức sự thánh thiện, công chính và thiện hảo của Người. Nó diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Nó cung cấp cho dân những hướng dẫn thực tiễn họ cần để vâng theo lệnh truyền phải ‘nên thánh như Ta là đấng thánh’ của Người.

Ngày nay, Luật Cưụ Ước còn được áp dụng bao xa? Ki-tô hữu ngày nay có còn buộc tuân theo nó như Luật Thiên Chúa nữa không? Một mặt, ta có giáo huấn của Chúa Giê-su. Người không đến để hủy bỏ Lề Luật; trái lại Người đến để nó ‘nên trọn’ (nghĩa là làm nó đầy đủ ý nghĩa hơn). Người nói rằng cho đến lúc trời đất qua đi, điều khoản nhỏ nhất của Lề Luật cũng sẽ không qua đi. Ai không tuân theo điều răn ít quan trọng nhất cũng sẽ là người rót hết trong nước trời.

Mặt khác, thánh Phao-lô nói rằng Chúa Ki-tô ‘đã kết liễu Lề Luật’. Ngài coi Luật Cựu Ước chỉ là điều được ‘dẫn nhập’ vào một giai đoạn nào đó trong lịch sử và dự định chỉ có giá trị cho đến lúc Chúa Ki-tô xuất hiện.

Làm thế nào dung hòa hai thái độ ấy? Một số người cho rằng có thể giải quyết điều khó khăn trên bằng cách phân biệt giữa luật luân lý, là những luật ngày nay vẫn còn giá trị, và các luật thuộc nghi thức, nghi lễ và xã hội, là những luật chỉ áp dụng cho người Do Thái. Nhưng một đàng, người ta không thể phân biệt luật nào là luật nào như thế được và đàng khác, mặc dù thánh Phao-lô nhìn nhận rằng luật bao giờ cũng từ Thiên Chúa mà ra và đều ‘thánh thiện, công chính, và tốt lành’, nhưng lại quả quyết rằng cả các luật luân lý cũng đã bị công trình của Chúa Giê-su Ki-tô ‘triệt tiêu’ cả rồi. Bởi thế, ngài cho hay, Ki-tô hữu đã được ‘giải phóng’ khỏi Lề Luật và không còn bị nó thống trị nữa. Và trong đoạn văn này, thánh nhân nghĩ đến luật trong tính toàn bộ của nó chứ không phải chỉ là những luật luân lý. Do đó, đối với các Ki-tô hữu, Chúa Giê-su Ki-tô đã thay thế cho Lề Luật. Người không để Lề Luật qua một bên hay bác bỏ nó, nhưng đã thâu tóm nó. Khi thánh Phao-lô cho hay ngài sống dưới luật của Chúa Ki-tô, ngài không có ý nói ngài chấp nhận một bộ luật mới. Đúng hơn, ngài muốn nói ngài là người bước chân theo Chúa Giê-su và đầy rẫy thần trí Chúa. Nhờ liên kết với Chúa Giê-su, chia sẻ sự sống mới của Người và quyền lực của Chúa Thánh Thần, các Ki-tô hữu có thể theo gương Người mà vâng theo lề luật của Người. Lề luật của Chúa Ki-tô không phải là lề luật nô dịch hóa con người vì họ không có khả năng giữ nó. Nó là ‘bộ luật hoàn hảo sẽ giải thoát mọi người’. (Xem Đnl 6:5; Lv 19:18; Mt 5:17-20; Rm 10:4; 5:20; Gl 3:19; Rm 7:6,12; Cl 2:14; Gl 5:18; 1Cr 9:21; Gl 6:2; 5:1; Gc 1:25).

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/tu-lieu-thanh-kinh-21-le-luat/