Trích từ Dân Chúa

Tư Liệu Thánh Kinh (20): Chúa Giêsu

Vũ Văn An

Chúa Giê-su

Tên Giê-su (Cựu Ước là ‘Joshua’) có nghĩa là đấng cứu vớt. Vào thời Hê-rô-đê làm vua Giu-đê và toàn bộ xứ sở bị người La Mã đô hộ, thiên thần Gáp-ri-en đã đến với Đức Ma-ri-a tại Na-da-rét. Thiên Chúa đã chọn Đức Mẹ làm mẹ Đấng Được Xức Dầu đã được hứa xưa nay. Hôn phu của Đức Ma-ri-a là Thánh Giu-se, trong một giấc mơ, được truyền phải đặt tên cho con trẻ sắp sinh là Giê-su ‘vì cậu bé sẽ cứu dân của mình khỏi tội lỗi’. Cuộc kiểm kê dân số khiến Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se phải tới Bê-lem nơi Chúa Giê-su sinh ra, trong thành Vua Đa-vít, vốn là tổ tông của Người. Vua Hê-rô-đê sợ trẻ Giê-su này sẽ trở thành vua cạnh tranh với mình, nên tìm cách giết chết đi, nhưng Thiên Chúa đã soi dẫn cha mẹ cậu đưa cậu qua Ai Cập. Sau khi Hê-rô-đê qua đời, các vị mới trở lại quê nhà tức thành Na-da-rét. Tại đây, Chúa Giê-su lớn lên và có lẽ theo nghề thợ mộc của thánh Giu-se.

Lúc 30 tuổi, Chúa Giê-su chịu phép rửa bởi tay Gio-an Tẩy Giả tại Sông Gio-đan. Người chọn 12 môn đệ làm bạn đồng hành gần gũi để cùng sống và làm việc.Trong ba năm, Chúa Giê-su dạy dỗ người ta và làm nhiều phép lạ, chữa lành đủ mọi chứng bệnh. Hàng đoàn hàng lũ người theo Người. Nhưng các nhà lãnh đạo Do Thái sợ sệt trước uy quyền của Người và nhất là việc Người công khai tuyên bố mình là Con Thiên Chúa. Họ muốn giết Người. Giu-đa, một trong mười hai môn đệ, nhận hối lộ và giúp các kẻ thù của Người bắt giam Người mà không cho dân chúng hay. Binh lính bắt giữ Chúa Giê-su tại Vườn Diệt-si-ma-ni, gần Giê-ru-sa-lem. Người bị xử và bị tòa án Do Thái kết án trước hừng đông. Thống đốc La Mã là Phi-la-tô có nhiệm vụ phải chuẩn y các án tử hình. Ông thấy Chúa Giê-su vô tội, nhưng sợ dân nổi loạn nên không dám thả tự do cho Người. Cho nên Chúa Giê-su đã phải đóng đinh. Người được chôn trong huyệt mộ của Giu-se A-ri-ma-thê, một người bí mật theo Người.

Hừng đông ngày thứ ba sau khi Chúa Giê-su qua đời, một nhóm phụ nữ thấy mồ Người trống trơn. Các thiên thần cho các bà hay Chúa Giê-su đã sống lại. Trong bốn mươi ngày sau đó, các môn đệ của Người và nhiều người khác đã trông thấy Người. Giờ đây, họ biết chắc Người là Con Thiên Chúa. Rồi từ Núi Cây Dầu, Chúa Giê-su đã về Trời. Trong khi các môn đệ còn nhìn lên trời, một thiên thần cho họ hay một ngày kia Chúa Giê-su sẽ trở lại. (xem Mt, Mc, Lc, Ga, Cv 1:1-11).

Lời dạy của Thánh Kinh về Chúa Giê-su có thể tóm tắt trong một số tước hiệu, đã được dùng để mô tả về Người.

Tôi Trung Thiên Chúa: Phúc âm Mát-thêu tặng Chúa Giê-su tước hiệu này, vốn lấy từ Sách tiên tri I-sai-a. Đặc điểm người tôi trung thấp hèn, dịu dàng của Thiên Chúa đã được thể hiện hoàn toàn nơi con người Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su nói rằng Người ‘đến để phục vụ và để hiến mạng sống mình mà cứu chuộc nhiều người’, quả Người đã thực hiện đầy đủ công việc của Người Tôi Trung Thiên Chúa, nghĩa là chịu đau khổ để mang lấy tội lỗi nhân loại, như I-sai-a đã miêu tả. (Xem Mt 12:15-21; Is 42:1-4; 52:13-53; 12 và các đoạn khác; Mc10:45).

Con Vua Đa-vít: Vị thiên thần báo tin Người sẽ sinh ra, đã nói với mẹ Chúa Giê-su rằng Thiên Chúa sẽ làm cho con trai Bà trở thành một vị vua ‘như Đa-vít tổ tiên cậu’. Về phương diện loài người, Chúa Giê-su quả là con cháu dòng dõi Đa-vít. Tước hiệu này cho thấy Chúa Giê-su quả đã làm trọn niềm hy vọng của dân tộc Do Thái. Đây là tước hiệu được dùng để mô tả Chúa Giê-su trong câu đầu phúc âm Mát-thêu, một phúc âm có nhiều đặc tính Do Thái hơn cả các phúc âm kia. Nó cũng chính là tước hiệu được người Do Thái dùng khi họ nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Được Xức Dầu. ‘Chúc tụng Con Vua Đa-vít! Thiên Chúa chúc phúc cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Ngợi khen Chúa!’. (Xem Lc 1:32; Ga 7:42; Mt 1:1; 21:9).

Con Người: Đây là tước hiệu Chúa Giê-su quen dùng hơn cả để chỉ về chính mình, và nó cho ta biết nhiều hơn cả về chính Người. Người mượn kiểu nói này từ Sách Đa-ni-en. Tiên tri này thị kiến thấy một vị ‘giống như người’ nhưng có uy quyền Thiên Chúa đến muôn đời. Đa-ni-en cho hay: ‘Nước Người sẽ không bao giờ cùng’. Thánh kinh dạy rõ ràng rằng Chúa Giê-su là người thực sự. Người đồng hóa mình hoàn toàn với nhân loại. Trong tư cách ‘con người’, Người đến để phục vụ người ta và hiến mạng sống mình mà cứu vớt họ. ‘Con người phải chịu đau khổ… Người sẽ chịu chết, nhưng ba ngày sau, Người sẽ sống lại’. Là con người, Chúa Giê-su sẽ đánh bại tội lỗi và sự chết và sẽ đến lần thứ hai ‘trong uy quyền và vinh quang cao cả’. (Xem Đn 7:13-14; Mc 10:45; 9:21-22; 21:25-28).

Con Thiên Chúa: Lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa tại Sông Gio-đan, một tiếng nói từ trời phán: ‘Con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con’. Rồi một lần khác, trên núi cao, khi Người tỏ lộ vinh quang của mình, tiếng từ trời lại phán: ‘Đây là Con Ta đã chọn, hãy nghe lời Người’. Phúc âm Gio-an giải thích ý nghĩa của câu này. Chúa Giê-su là ‘Con Một’ Thiên Chúa. Trọn cuộc sống và mục tiêu của Người là thực hiện công việc của Thiên Chúa. Người cho hay: ‘Cha Ta với Ta là một’. Người hiện hữu với Chúa Cha trước khi vũ trụ được dựng nên. Các vị là một đến muôn đời. Vì Chúa Giê-su có bản tính Thiên Chúa và không vương tội lỗi, nên Người có khả năng trả hết nợ cho tội lỗi của loài người muôn thuở. Và thế là từ nay, ta có ‘Đấng luôn bênh đỡ ta trước Chúa Cha nhân danh ta, đó là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính’. (Xem Mc 1:11; Lc 9:35; Ga 1:14; 10:30; 17; Rm 1:3-4; Dt 1; 1Ga 1-2:2).

Chúa: Trong các phúc âm, Chúa Giê-su thường được xưng là Chúa theo nghĩa ‘ông chủ’ bình thường. Nhưng sau khi Người sống lại, chữ này có một nghĩa mới hẳn. Thánh Tô-ma tuyên xưng “Lạy Chúa và là Thiên Chúa của con’ khi ông được tận mắt thấy Chúa Giê-su phục sinh. Đây là cách người Do Thái hay dùng để chỉ chính Thiên Chúa, và các Ki-tô hữu tiên khởi thường công khai tuyên xưng đức tin của họ bằng câu sau đây “Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa’. Trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, thánh Phao-lô trông mong đến ngày Chúa Giê-su tái lâm trong tư cách Chúa, lúc ‘mọi loài trên trời, dưới đất và cả hạ giới đều bái gối và hết thẩy tung hô rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, để vinh danh Thiên Chúa Cha’. (Xem Lc 5:8; Ga 20:28; 1Cr 12:3; Pl 2:6-11).

Giáo Huấn của Chúa Giê-su

Nhiều người ngày nay nghĩ rằng, trong căn bản, giáo huấn của Chúa Giê-su chính là Bài Giảng Trên Núi được tóm gọn trong ‘luật vàng’ này là ‘Hãy làm cho người khác điều các con muốn họ làm cho các con’ (Mt 7:12). Nhưng thực ra, trung tâm sứ điệp của Chúa Giê-su chính là việc Người công bố rằng ‘Nước Thiên Chúa’ đã đến rồi.

Nước Thiên Chúa có nghĩa là việc thống trị của Thiên Chúa đã xuất hiện trong lịch sử con người, sáng thế mới thay thế sáng thế cũ đã bị tội lỗi và tử thần làm hư thối. Đã từ rất lâu, dân Do Thái mong chờ ngày Thiên Chúa đến trong uy quyền để làm vua họ. Người sẽ giải phóng dân Người và phán xử muôn dân. Câu ‘không vua nào khác mà là chính Chúa’ vốn là khẩu hiệu của những người quá khích thuộc phái Nhiệt Thành, những người hy vọng sẽ dùng bạo lực xua đuổi được người La Mã ra khỏi xứ sở của mình. Nhưng nước được Chúa Giê-su công bố và mang đến với Người lại ‘không thuộc thế gian này’. Không thể dùng vũ lực thô bạo mà tạo ra nó được. Thực ra, Nước Thiên Chúa đã đến cùng với Chúa Ki-tô rồi, vì Người là Đấng đầu tiên hoàn toàn vâng phục ý muốn của Thiên Chúa. Bởi thế Người mới nói được cho người Biệt Phái biết rằng: ‘Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa các ông’. Nó hiện hữu trong lời nói và việc làm của Chúa Giê-su.

Tuy thế, cũng còn một nghĩa khác, theo đó Nước Thiên Chúa chưa đến. ‘Nước Cha trị đến’, đó là lời Chúa Giê-su dạy các môn đệ phải cầu xin trong Kinh Lạy Cha. Từ trước đến nay, Nước Thiên Chúa chỉ hoạt động có một phần. Nước ấy sẽ đến trong tương lai với ‘trọn vẹn quyền lực’. Nhưng việc xuất hiện trong tương lai của Nước ấy không hẳn là biến cố vui mừng đối với mọi người. Với những ai tin vào tin mừng của Nước Trời, sẽ có ‘cứu rỗi’, tức sự sống mới. Nhưng với nhiều người khác, Nước Chúa đến chỉ có nghĩa là phán xét.

Chúa Giê-su thường dùng các dụ ngôn để giải thích về Nước Thiên Chúa. Nước ấy đảo ngược mọi giá trị trần gian. Những người khiêm nhường, nghèo khó và khóc than sẽ là những người hạnh phúc. Nước Thiên Chúa là của họ. Người giầu có không thể mua vé vào đó được. Lần đầu tiên trong đời, họ mới thấy của cải của họ trở thành một trở ngại. Kẻ ăn mày được mời vào và họ nhận lời mời của Thiên Chúa, còn người đáng kính thì bị từ khước và bị khóa cửa. Các dụ ngôn của Chúa Giê-su cho thấy Thiên Chúa làm việc trong đời một cách âm thầm, gần như bí mật. Ấy thế nhưng ‘vương quốc’ cứ thế lớn lên và phát triển thêm mãi từ một khởi đầu thật bé nhỏ. Nó giống hạt mù-tạt bé xíu nhưng lại nở thành cây lớn, hay như chất men làm dậy cả một khối bột.

‘Người gieo hạt’ ra đi, làm mọi người mọi nơi biết sứ điệp Thiên Chúa. Phần lớn các ‘hạt’ bị phí phạm. Người ta đóng cửa tâm hồn đối với những điều nghe được. Hoặc nhiều sự việc khác ùa tới làm họ quên khuấy mất chúng. Nhưng một số người biết lắng nghe, và đời họ thay đổi. Hạt lúa đã đem lại mùa gặt. (Xem Ga 18:36; Lc 17:21; Mt 3:2; Mc 1:15; Mt 6:10; Mc 9:1; 14:25; Lc 13:23-30; 14:15-24; Mt 20:1-16; 19:23-24; 13:31-33; Mc 4:3-8).

Ăn năn và Tin: Chúa Giê-su phán “Nước Thiên Chúa đã gần. Hãy từ bỏ tội lỗi và tin vào Tin Mừng’. Người ta phải ‘ăn năn’ nghĩa là thay đổi tâm hồn, nếu muốn tiếp nhận sự thống trị của Thiên Chúa trong cuộc đời họ. Họ phải tin vào tin mừng được Chúa Giê-su mang đến.

Thiên Chúa ban sự sống mới cho bất cứ ai tin, tức những ai biết từ bỏ lối sống cũ để bước chân theo Người. Điều này đáng đổi lấy mọi sự người ta có. Tìm được nó giống như tìm được châu báu dấu ở ngoài đồng, khiến người ta bán mọi sự để mua được thửa đồng kia. Có nghĩa là phải từ bỏ mọi sự ta đang dính bén vì an toàn mà đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa. Cũng có nghĩa là phải ăn năn thống hối tội lỗi ta. Đó không phải là điều tự ta cố gắng mà đạt được. Thiên Chúa thực sự đã đến tìm kẻ tội lỗi. Trong các dụ ngôn con chiên lạc và người con phung phá, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến niềm vui được Thiên Chúa tìm lại. (Xem Mc 1:15; Mt 13:44-46; Lc 15:1-7, 11-32).

Giáo Huấn của Chúa Giê-su về chính Người: Chúa Giê-su biết rằng Người rất gần gũi với Thiên Chúa. Người khuyến khích các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha, nhưng Người là Con Thiên Chúa cách hết sức độc đáo. Phúc âm Gio-an đặc biệt trình bầy cho ta khía cạnh đó trong giáo huấn của Chúa Giê-su. Người còn nói: ‘Chúa Cha với Ta là một’. Bởi thế, tin Thiên Chúa cũng có nghĩa là tin Chúa Giê-su. Người gần gũi với Thiên Chúa đến nỗi người ta có thể cậy trông Người giống như cậy trông Thiên Chúa vậy. Tuy nhiên, Người không bao giờ nói điều gì khiến Người trổi vượt hơn Thiên Chúa. Người là ‘đường’ dẫn tới Thiên Chúa. Người không tự ý làm điều gì cả, nhưng chỉ làm điều Thiên Chúa hướng dẫn Người. Người là ‘bánh’ cho nhân loại mà Chúa Cha đã ban xuống từ trời.

Đường tới ‘sự sống đời đời’, tức chính sự sống của Thiên Chúa, một sự sống con người có thể chia sẻ được, là tin vào Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa. Mà tin vào Chúa Giê-su cũng là tin vào Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Người tới. Đức tin ấy đem con người từ cõi chết tới sự sống. (Xem Ga 10:30; 14:1; 14:6; 5:19-20, 30; 6:32-33; 3:16, 18, 36; 5:24).

Vui mừng: Một nét hân hoan có mặt suốt trong giáo huấn của Chúa Giê-su. Nước Thiên Chúa giải phóng con người và trả tự do để họ sống một cuộc sống trọn vẹn. Ngay khi các môn đệ ăn chay, Chúa Giê-su cũng bảo họ phải sống như đang có hội hè, phải bôi dầu thơm, chứ không được rầu rĩ như phần đông người ta thường làm. Đối với người Do Thái thời Chúa Giê-su, ăn ngay ở lành và giữ luật Thiên Chúa quả là một việc ảm đạm. Bởi thế, các lãnh tụ tôn giáo thời đó thường càu nhàu mỗi khi thấy Chúa Giê-su vui chơi ăn uống, và hết sức nổi giận khi Người được dân chúng vui mừng tung hô tại Giê-ru-sa-lem. Họ giống như người con cả trong dụ ngôn người con trai phung phá. Hãy nghe người cha nói với anh ta: ‘ta phải tiệc tùng và vui chơi ăn uống, vì em con đã chết nhưng nay đã sống lại; em con đã mất, nhưng nay đã được tìm lại’. Chính Thiên Chúa cũng hết sức vui mừng khi một người quay đầu trở lại với Người, khi ‘kẻ có tội ăn năn thống hối’. (Xem Ga 10:10; Mt 6:16-18; 11:19; 21:15; Lc 15:11-32).

Các Mối Phúc: Chúa Giê-su công bố các mối phúc cho người ‘khiêm nhường’, nghĩa là người nhận ra rằng về mặt tâm linh, họ rất ‘nghèo hèn’. Thực vậy, tất cả những người được Các Mối Phúc nhắc đến thẩy đều ‘nghèo hèn’ hoặc ‘khiêm nhường’ cách này cách khác. Họ là những người được Thiên Chúa công bố là hạnh phúc. Họ sẽ nhận được điều Thiên Chúa hứa hẹn. Nước Người thuộc về họ. Họ không có gì ở trên đời, nhưng họ có thể chờ mong mọi sự nơi Chúa.

Những người ‘đói khát công chính’, ‘ý muốn lớn nhất của họ là làm điều Thiên Chúa đòi hỏi’ đã lấy Thiên Chúa làm tâm điểm đời họ. Họ biết họ không thể sống mà không có Người. Kẻ ‘thương xót người’là kẻ biết cư xử với người khác giống như cách Chúa cư xử với họ vậy. Người hoạt động cho hòa bình không có quyền lực trần gian. Họ lệ thuộc vào tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu sẽ biến hai kẻ thù địch thành bạn bè. Kẻ bị bách hại là kẻ bị săn đuổi ra khỏi thế giới con người. ‘Nước’ Thiên Chúa thuộc về những người như trên. Họ là những người Thiên Chúa sẽ trọng thưởng. Chúa Giê-su khen ngợi họ. Và do đó, Các Mối Phúc đã đảo ngược ý niệm ‘hạnh phúc’ của trần gian. Chúng cũng thiết lập ra một tiêu chuẩn. Chúng biểu tượng cho một thách thức, một lệnh truyền mà Nước Thiên Chúa đã đặt để trên Dân Chúa. (Xem Mt 5:1-12; Lc 6:20-26).

Các Môn Đệ Chúa Giê-su: Làm ‘môn đệ’ hay học trò Chúa Giê-su là một đặc ân lớn lao. Khác với các bậc thầy khác, Chúa Giê-su không đặt gánh quá nặng lên các kẻ bước chân theo Người. Chúa phán: ‘Ách ta trao cho các con rất êm ái và gánh ta đặt lên các con rất nhẹ nhàng’. Tuy nhiên, Người cũng dạy ‘cửa sự sống thì hẹp và đường dẫn tới đó nhiều chông gai’. Các môn đệ của Người phải giống như Thầy mình, luôn đặt mình và quyền lợi mình sau chót. Ngay các liên hệ gia đình cũng không được làm trở ngại niềm vâng phục trọn vẹn đối với Người.

Chúa Giê-su cho các môn đệ hay họ sẽ chịu bách hại. Nhưng đừng xao xuyến. Thiên Chúa sẽ ban cho họ lời nói cần thiết khi bị xử án. Người kêu gọi họ sống cuộc sống phục vụ người khác, nhưng chính Người lại coi họ là bằng hữu. Họ chia sẻ tâm tư tình cảm của Người, cũng như các đau khổ của Người. Nhưng họ cũng chia sẻ cuộc sống, niềm vui và cả vinh quang trong tương lai của Người nữa. (Xem Mt 13:16-17; 11:30; 7:13-14; Mc 8:34; Lc 9:57-62; Mt 10:16-25; Ga 13:4-17; 14:17).

Thiên Chúa và việc thờ phượng: Chúa Giê-su nói đến Thiên Chúa như ‘Cha’ một cách mới mẻ và thân thiết hơn bất cứ ai trước Người. Người dạy một cách đặc biệt rằng Thiên Chúa là Cha riêng của Người. Nhưng Người cũng dạy các môn đệ cầu nguyện “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Người dạy họ đến với Thiên Chúa như những đứa con đến với Cha đầy yêu thương, tha thứ và khôn ngoan. Người ban cho họ ‘quyền trở nên con cái Thiên Chúa’.

Giáo huấn này rất mới và cách mạng đối với nhiều người. Bởi vì đối với nhiều người, ‘tôn giáo’ vốn là một hệ thống nặng nề gồm các luật lệ và nghi lễ. Chúa Giê-su cho thấy căn bản của tôn giáo là liên hệ yêu thương với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa, trong tư cách Cha, quan tâm đến mọi chi tiết của cuộc sống. Người chăm sóc ta. Điều ấy thay đổi thái độ người ta đối với việc cầu nguyện.

Điều Chúa Giê-su nói mang lại nhiều kết quả thay đổi lớn trong tương lai. Khi người đàn bà bên giếng hỏi người ta phải thờ phượng Thiên Chúa ở đâu, Chúa Giê-su trả lời rằng: ‘sẽ đến lúc người ta không còn thờ phượng Chúa Cha trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem nữa…nhờ quyền lực Thần Linh Thiên Chúa, họ sẽ thờ phượng Chúa Cha trong yếu tính của Người, dâng lên Người sự thờ phượng chính Người muốn’. Trong Sách Tông Đồ Công Vụ, ta thấy điều ấy đã bắt đầu xẩy ra, khi ‘tin mừng’ được rao giảng cho cả người Do Thái lẫn người không phải là Do Thái. Chính Chúa Giê-su thường hay lui tới hội đường địa phương và tham dự các ngày lễ tại Giê-ru-sa-lem. Người không lập ra một hệ thống nghi lễ mới nào. Người mong các kẻ theo chân noi gương Người trong việc hội họp nhau để học hỏi Thánh Kinh, cầu nguyện và ăn chay. Và Người truyền lệnh cho họ rửa tội các tín hữu mới và tưởng nhớ cái chết của Người vì họ bằng cách chia sẻ với nhau bánh và rượu, như Người đã từng làm với các môn đệ của Người trong bữa ăn cuối cùng. (Xem Mt 6:6-18, 31-32; 7:7-11; Ga 1:12-13; Mt 9:14-17; Ga 4:19-24; Mt 28:19; 1Cr 11:23-25).

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/tu-lieu-thanh-kinh-20-chua-giesu/