Trích từ Dân Chúa

Tư Liệu Thánh Kinh (19): Hy Lạp

Vũ Văn An

Người Hy Lạp: Cho đến tận thời cận đại, khởi thủy của Hy Lạp vẫn là điều khó hiểu. The Illiad và The Odyssey, hai thi phẩm bất hủ được kể là do một thi sĩ mù người Hy lạp tên Homer sáng tác, cho thấy rất có thể có những lối sống còn cổ xưa hơn. Ngày nay, những khám phá hiện đại đang dựng được một hình ảnh đầy ngạc nhiên về nền văn minh khởi thủy ấy. Lâu trước đó, người Mi-nô-an ở Cơ-rêt-ta từng xây được những dinh thự lộng lẫy và buôn bán với Ai Cập rồi. Nhưng đế quốc của họ xụp đổ bất thình lình vì cả động đất lẫn xâm lăng. Các nhà cai trị cuối cùng nói tiếng Hy Lạp: các tấm bảng có các chữ Hy Lạp xưa nhất đã được tìm thấy trong các cung điện của họ.

Cuốn The Illiad kể lại một phần câu truyện cuộc chiến 10 năm lúc người Hy Lạp tấn công thành Troy. Ngày nay, ta biết chắc quả có một thành Troy thực sự, và nền văn minh cổ xưa của người Hy Lạp đặt trung tâm tại Mi-khê-nê trên đất liền phía nam Hy Lạp. Homer làm sống lại các ký ức về điều thực sự đã xẩy ra lâu năm trước.

Lịch Sử Ban Sơ: Người nói tiếng Hy Lạp du nhập vào Hy Lạp từ phương bắc. Hy Lạp xưa nay vốn là một nước nghèo, nhiều đất đá. Hồi ấy, người ta sống trong những thị trấn nhỏ cách biệt bởi núi non hiểm trở. Sau thời I kỳ huy hoàng của Mi-khê-nê, mảnh đất này chưa bao giờ được thống nhất. Thị trấn này tấn công thị trấn khác. Nên du hành bằng đường biển dễ dàng hơn bằng đường bộ. Rất ít đất đai mầu mỡ để nuôi sống dân, nên người Hy Lạp đã trở thành những thủy thủ đầy mạo hiểm. Những luồng gió Hạ đều đặn và những nơi trú ẩn rải rác khắp các hòn đảo giúp họ vượt qua eo biền Aegian tới tận A-xi-a (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Họ mang về thực phẩm, và lập nên nhiều thành thị dọc bờ Địa Trung Hải, nhất là ở vùng Tiểu Á. Thời Thánh Kinh, người Hy Lạp sống trên một vùng rộng lớn hơn là phần đất ngày nay ta gọi là Hy Lạp.

Thời ‘hoàng kim’: Thế kỷ thứ 5 trước CN, nổi tiếng nhất trong các thành thị của Hy Lạp chính là A-thê-na. Người dân A-thê-na đóng vai trò hàng đầu trong việc đánh bại hai cuộc tấn công vĩ đại của người Ba Tư vào các năm 490 và 480 trước CN. Họ trở nên giầu có và quyền thế, và xây được những đền thờ huy hoàng, trong đó có đền Pác-thê-nôn, mà ngày nay vẫn còn sừng sững. A-thê-na cũng trở thành quê hương của nhiều lãnh tụ, tư tưởng gia, văn gia và thi sĩ vĩ đại. Các tên như Pericles, Socrates, Plato, Sophocles, EUaipides và nhiều người khác nữa vẫn còn nổi tiếng đến tận ngày nay. Những tên tuổi này gây ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới.

A-thê-na là điển hình hoàn hảo của lối sống Hy Lạp. Nó là một ‘dân chủ chế’ (democracy). Từ ngữ ấy chính là một từ ngữ Hy Lạp để chỉ một ý niệm Hy Lạp vĩ đại. Đối với người A-thê-na, nó có nghĩa là mỗi công dân phải đóng một vai trò trong công việc của thị xã. ‘Chính trị’ là việc của thị xã (tiếng Hy Lạp là polis). Người Hy Lạp là sắc dân có năng khiếu, khéo léo và hoạt động, mau mắn biện luận, có lòng qúy chuộng tự do và cảm nhận cái đẹp trong nghệ thuật và văn chương. Dù hết sức chia rẽ, họ vẫn rất tự hào làm người Hy Lạp. Họ nghĩ họ khác với mọi chủng tộc khác, những chủng tộc họ gọi là ‘mọi rợ’. Cứ mỗi bốn năm, mọi thị xã lại gặp nhau tại Olympia, thuộc miền nam Hy Lạp, để dự Các Trò Thi Đua Olympic (Thế Vận Hội sau này). Trong thời gian thi đấu ấy, họ ngưng mọi cuộc chiến.

A-lê-xan-đê: Hy Lạp bị những cuộc chiến tranh địa phương trên chia rẽ và làm ra suy yếu. Nhưng sau năm 336, A-lê-xan-đê Đại Đế, Vua Ma-kê-đô-ni-a (phía bắc), chinh phục được cả nước. Dân của A-lê-xan-đê vốn là Hy Lạp, nhưng đến lúc ấy chưa bao giờ quan trọng cả. A-lê-xan-đê chứng tỏ mình là một chiến binh sáng chói. Ông lật nhào đế quốc Ba Tư và xâm chiếm xa về phía đông đến tận Ấn Độ. Nhưng ông không phải chỉ là kẻ xâm chiếm. Ông còn nhằm truyền bá ngôn ngữ và văn minh Hy Lạp tới những vùng này nữa.

Các hoài bão của A-lê-xan-đê không bao giờ được thực hiện trọn vẹn vì ông chết rất trẻ. Sau đó, các tướng lãnh của ông đã tranh nhau chia chác đế quốc của ông. Ngay từ đầu nó đã bị phân chia rồi. Pơ-tô-lê-mai chiếm Ai Cập và lập nên một dòng vua Hy Lạp tại đó. Xê-lêu-cút cố thủ Phía Đông và dòng dõi Xê-lêu-kít của mình, biến An-ti-ô-ki-a, Xi-ri, thành thủ đô của dòng tộc ấy. Họ tranh đấu với dòng Pơ-tô-lê-mai để chiếm Pa-lét-tin. Một trong các vị vua của họ là An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê (175-163 trước CN) trở thành kẻ thù cay đắng của người Do Thái. Tại Tiểu Á, Ma-kê-đô-ni-a và Hy Lạp, tình thế hết sức lộn xộn vì nạn vua chúa đánh nhau dành quyền lực.

Ảnh Hưởng của Hy Lạp: Đỉnh cao nền văn minh Hy Lạp là thời kỳ trước A-lê-xan-đê. Thời kỳ sau đó được gọi là thời đại hy hoá (Hellenistic age, do chữ Hellen nghĩa là Hy Lạp). Thời này, tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ quốc tế cho cả vùng đông Địa Trung Hải và cả bên kia nữa. Nó là ngôn ngữ của thương mại, giáo dục và trước tác, đối với cả những người vẫn nói ngôn ngữ riêng của họ. Ngay cả người Do Thái cũng chịu ảnh hưởng của thứ ngôn ngữ này. Thực vậy, trong thế kỷ thứ 2 trước CN, Cựu Ước đã được dịch sang tiếng Hy Lạp tại A-l ê-xan-ri-a, cho người Do Thái nói tiếng Hy Lạp tại đó.

Bản dịch này, tên là Bản Bẩy Mươi, là bản Cựu Ước được các Ki-tô hữu ban đầu biết đến.

Khi quyền lực của người La Mã gia tăng, họ bắt đầu can dự vào công việc của Hy Lạp. Năm 141 trước CN, họ tàn phá Cô-rin-tô là thành đã chống cự họ. Với việc ấy, nền tự do chính trị của người Hy Lạp chấm dứt. Nhưng người La Mã chiến thắng lại đi tiếp thu lối suy nghĩ của người Hy Lạp. Tiếng Hy Lạp được lập làm ngôn ngữ chính thức của nửa phần Đế Quốc La Mã ở phương Đông. Nên quả là tự nhiên khi Tân Ước được trước tác bằng tiếng Hy Lạp.

Tân Ước: Tân Ước thường hay nhắc đến người Hy Lạp. Đôi khi từ ấy chỉ chung những người không phải là Do Thái (Dân Ngoại), những người nói tiếng Hy Lạp trong Đế Quốc La Mã. Rất ít truyện kể của Tân Ước xẩy ra trên đất Hy Lạp. Ấy thế nhưng Thánh Phao-lô, một người Do Thái hết sức bảo thủ, lại đã trước tác bằng tiếng Hy Lạp và rất hiểu biết đường lối suy nghĩ của Hy Lạp. Thí dụ, ngài biết người Hy Lạp quan tâm đến thể thao, nên đã hình dung đời sống Ki-tô giáo như một cuộc chạy đua và đánh bốc (1Cr 9:24-27). Phần lớn sự nghiệp của ngài được thực hiện tại các thành phố kiểu Hy Lạp, nhất là ờ Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ), mà vào thời đó, bao gồm nhiều thị trấn Hy Lạp lớn và giầu có nhất như Ê-phê-sô chẳng hạn. Các thành phố này vẫn duy trì các đặc quyền của họ và có được những sinh hoạt công cộng rất sầm uất. Họ có những buổi tụ tập, chợ búa, hội họp, bầu cử, tranh biện, thể thao và kịch nghệ. Họ có nghiệp đoàn, cả đình công và biểu tình nữa. Nhưng quyền lực thực sự nằm trong tay hoàng đế La Mã. Ki-tô hữu gặp người Hy Lạp: Cuộc gặp gỡ cổ điển của Ki-tô hữu với người Hy Lạp đã xẩy ra ở chính A-thê-na. Lúc ấy A-thê-na vẫn là một thị trấn đại học, dù lúc này chỉ còn sống bằng vinh quang ngày cũ. Thánh Phao-lô thấy thành phố đầy những hình ảnh tôn giáo. Ngài bắt đầu tranh biện với những người ngài gặp tại công trường, và được mời tới Tòa A-rê-ô-pa-gô để trình bầy các ý tưởng mới mẻ của mình. Thánh Phao-lô nói bằng những ngôn từ họ có thể hiểu được. Ngài trích dẫn các thi sĩ của họ. Ngài bàn tới các luận chứng của phái Khắc Kỷ và phái Khoái Lạc, hai phái hàng đầu trong các nhà tư tưởng của họ. Nhưng ngài hết sức nghiêm túc và có nhiều điều khác hơn thế để nói. Vì dù các học giả của họ hết sức khôn khéo, nhưng họ lại không biết gì về Thiên Chúa. Vì thế ngài mạnh dạn nói với họ rằng Thiên Chúa không ‘sống trong các đền thờ do bàn tay con người làm nên’ (Cv 17:24), như những ngôi đền đep đẽ tọa lạc chung quanh họ. Thiên Chúa kêu gọi mọi người thay đổi lối sống. Ngài sẽ phán xử mọi người qua Chúa Giê-su, Đấng Ngài đã cho sống lại từ cõi chết.

Phần lớn người dân A-thê-na không sẵn sàng tiếp nhận những giáo huấn trên. Thánh Phao-lô cho hay: người Hy Lạp đi tìm ‘khôn ngoan’, trong khi sứ điệp của Ngài bị họ coi là điên khùng (1Cr 1:22-23). Các nhà tư tưởng của họ có một quan điểm hoàn toàn khác về sự sống đời sau. Họ tự cao và không chịu mở tâm trí trước bằng chứng của một thách thức đầy khó chịu đối với lối suy nghĩ của họ.

Tôn Giáo Hy Lạp và La Mã: Đế Quốc La Mã trải dài trên một vùng rất rộng và bao gồm người của nhiều tín ngưỡng khác nhau. Những người sống ở miền đông Đế Quốc là những người được Ki-tô hữu gặp gỡ đầu tiên. Họ thường chịu ảnh hưởng bởi các ý niệm đông phương từng được truyền lại cho họ trước khi nền văn minh Hy Lạp tràn tới.

Sắc dân Minoan ở đảo Cơ-rê-ta và các sắc dân cổ nhất của Hy Lạp thờ nữ thần mắn đẻ. Giống thần Ba-an trong huyền thoại Ca-na-an, người ta tin vị thần chồng nàng cũng đã chết đi và sống lại, giống như các mùa trong năm. Chi tiết loại tôn giáo này thay đổi tùy nơi, nhưng vẫn có những ý niệm căn bản chung cho khắp vùng đông Địa Trung Hải. Chúng rất mạnh nơi các vùng nông thôn, nơi sinh kế người ta tùy thuộc nhiều vào mùa màng và súc vật.

Các thần Hy Lạp và La Mã: Những người Hy Lạp đầu tiên mang theo họ một nhóm các thần mới, mà đứng đầu là thần Dớt (Zeus). Vị thần này cai trị các thần khác đang ngụ tại Olympus, núi cao nhất của Hy Lạp. Người Hy Lạp vốn là người của luận lý, nên đã xây dựng ra cả một lịch sử gia đình các thần và đưa vào hệ thống đó mọi tín ngưỡng cổ xưa và mọi câu truyện địa phương. Nhờ thế hình ảnh các thần này quả là sống động. Họ cư xử giống hệt con người ta: cũng ghen tương, trả đũa hoặc vô luân như thế, nhưng dĩ nhiên nhiều quyền năng hơn con người nhiều. Tôn giáo La Mã hoàn toàn khác. Nhưng khi chinh phục được người Hy Lạp, người La Mã tiếp nhận hết mọi vị thần của họ và gọi những vị thần này bằng tên La Mã của mình. Bởi thế Zeus trở thành Jupiter của La Mã. Thần Hera, vợ ông, thành Juno của La Mã và anh trai Poseidon, thần biển, của ông ta thành Neptune của La Mã. Trong số các thần khác, ta thấy Ares (Mars), thần chiến tranh; Hermes (Mercury), sứ giả các thần; Hades hay Pluto (Dis), tử thần; Hephaestus (Vulcan), thần thủ công khập khiễng; và Apollo, thần khôn ngoan. Nổi danh nhất trong các nữ thần là Artemis (Diana), nữ thần săn bắn và là em sinh đôi với thần Apollo; Athena (Minerva), quan thầy của nghệ thuật và chiến tranh; Aphrodite (Venus), nữ thần tình yêu; và Demeter (Ceres), nữ thần gặt hái. Những tên này được tưởng nhớ rất lâu sau khi người ta đã hết tin vào các vị thần này. Một số tên đó hiện được dùng để gọi tên các hành tinh. Các Lễ Hội: Tôn giáo Hy Lạp đặt căn bản ở thị xã. Có những ngày lễ trong đó mọi người đều tham dự, và các biến cố xã hội đặt căn bản trên tôn giáo. Các cuộc Thi Đấu Olympic đầu tiên được tổ chức như một biến cố tôn giáo để tôn kính thần Zeus. Các vở kịch tại hí trường ở A-thê-na, cả bi lẫn hài kịch, được trình diễn vào ngày lễ kính thần Dionysus. Và mọi công trình nghệ thuật của Hy Lạp đều có ý nghĩa tôn giáo.

Ấy thế nhưng, tôn giáo này không làm người dân thỏa mãn. Nó không đưa ra được giải đáp nào cho các vấn đề xấu tốt, sống chết. Đời không có chi chắc chắn. Những vị thần kia không có khả năng cứu được các thị xã của họ khỏi tai ương bất ngờ. Người ta đi tìm mục đích ở đời. Tại sao họ phải sống một cuộc sống tốt nếu các thần không đem công bình đến cho họ?

Các Triết Gia: Nhiều người ưa suy tư tìm về với triết học. Plato viết xuống các cuộc thảo luận của thầy mình là Socrates về các vấn đề liên quan đến công lý và sự sống đời sau, và do đó đã xây dựng được cả một hệ thống suy tưởng tốt đẹp. Sau đó, phe Khắc Kỷ khuyên người ta phải sống hòa hợp với lý trí. Còn phe Epicure tin rằng thế giới hiện hữu tình cờ nhờ sự kết hợp của các nguyên tử. Họ nghĩ con người nên sống bình yên không sợ sệt. Nhiều người khác đưa ra các bài học luân lý rút từ các câu truyện về thần thánh. Tuy nhiên rất nhiều người chán chường. Họ đi thờ lạy Tyche (‘thần May Rủi’) và hy vọng rằng vận may cuộc đời sẽ đứng về phía họ. Hay hướng về thiên văn học hoặc ma thuật.

Các Tôn Giáo Mới: Nhiều người khác hy vọng vào các tôn giáo mới, thường phát xuất từ Phương Đông là các tôn giáo hứa hẹn sự ‘cứu rỗi’ bản thân cho người thờ phượng. Ý niệm này là một ý niệm rất quan trọng, nhưng có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo người: có thể là được cứu thoát khỏi điều dữ hay sự chết, cứu thoát khỏi rắc rối hay nguy hiểm, mà cũng có nghĩa là may mắn thành công ở đời. Đó là ngôn từ thời thượng hồi ấy, giống như ngày nay, người ta nói tới ‘an toàn’ vậy. Một ông vua chiến thắng cũng có thể được nhân dân chào mừng là vị ‘cứu tinh’, ông có thể mang lại cho họ điều họ cần. Chẳng bao lâu sau, các thần dân chất phác của ông rất có thể sẽ tôn ông lên bậc thần để thờ phượng.

Người La Mã: Người ta biết rất ít về tôn giáo ban sơ của La Mã, nhưng tôn giáo này chắc chắn rất khác với tôn giáo của người Hy Lạp. Người La Mã ban sơ cảm nhận có một quyền lực thần linh (numen) hiện hữu trong thiên nhiên và họ muốn chế ngự quyền lực ấy để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Bởi thế mà lãnh vực sống nào cũng có một vị thần: thần trong nhà, thần ngoài cửa, thần ngoài đồng, v.v… Với chúng ta, những vị thần này xem ra chỉ có một thứ hiện sinh hết sức mơ hồ. Chỉ một số nhỏ các thần chính thức của quốc gia như Jupiter mới được hình dung rõ rệt như những ngôi vị. Nhưng rồi ảnh hưởng của Hy Lạp tràn tới, nhờ thế, các thần xưa của La Mã được thích ứng vào hệ thống mới. Các niềm tin của La Mã hòa nhập với các ý niệm Hy Lạp một cách sâu sắc đến nỗi khó còn có thể phân biệt được điều gì thuần túy là La Mã nữa.

Tôn giáo và người bình dân: Luôn luôn có những điều chung đối với cả người Hy Lạp lẫn người La Mã. Cả hai đều thờ khá nhiều thần, nhưng tôn giáo có rất ít hiệu quả đối với lối sống của người thờ phượng. Cả niềm tin lẫn tác phong đều chẳng có chi thực sự quan trọng. Người ta có thể tin gì tùy thích miễn là họ làm đầy đủ bổn phận của một công dân tốt và trung thành với quốc gia. Người ta không nhấn mạnh bao nhiêu đến việc tìm tòi chân lý, cũng như không hề có một phẩm trật tư tế mạnh mẽ. Các thần thì ‘viễn chi’ (xa cách). Con người phải tỏ lòng tôn kính các vị, nhưng các vị chớ hề chịu quan tâm tới con người. Thời Julius Caesar (thế kỷ 1 trước CN), người La Mã có học thường ít kính trọng các thần. Họ sử dụng hình thức tôn giáo cho các mục đích riêng tư của họ khi thấy hình thức tôn giáo ấy đem lại lợi thế cho bản thân hay lợi điểm chính trị nào đó. Còn khi phải suy nghĩ cách nghiêm chỉnh về cuộc đời, cũng giống như người Hy Lạp, họ đều quay về với triết học hay các tôn giáo mới.

Hoàng Đế: Au-gút-tô (27 trước CN – 14 CN) cố gắng hồi sinh tôn giáo La Mã để có được một hình thức sáng chói hơn. Tước hiệu ‘Au-gút-tô’ (uy nghi) do chính ông chọn vốn hàm một ý nghĩa tôn kính về phương diện tôn giáo rồi. Ông muốn dùng tôn giáo để thắt chặt lòng trung thành của dân vào chính quyền của ông. Ở Phương Đông, ông được tôn thờ như một vị thần ngay lúc sinh thời, vì đã có công đem lại hòa bình và thịnh trị cho một vùng từng bị chiến tranh tàn phá. Một đền thờ lớn dâng kính La Mã và Au-gút-tô đã được xây tại Pergamum (gần duyên hải miền tây Thổ Nhĩ Kỳ).

Các Bí Nhiệm: Những người muốn có một niềm tin có tính bản thân hơn thì đi tới các tôn giáo ‘bí nhiệm’. Ở đây, tín hữu được dẫn khởi từng bước đi vào sự hiểu biết bí nhiệm bên trong của đức tin. Các bí nhiệm tại Eleusis thuộc Hy Lạp đã được nhiều người biết đến từ những buổi ban đầu. Nhưng qua đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, nhiều tín ngưỡng mới từ ngoại quốc đã trở thành phổ quát trong thế giới La Hy. Nữ thần Isis của Ai Cập có rất nhiều thầy cả và một lễ nghi rất long trọng và người ta nghĩ bà có đáp ứng các lời cầu xin với bà. Thần Mithras của Ba Tư là thần chiến binh. Người ta được thăng thưởng từ cấp này lên cấp khác khi phục vụ ông trong trận chiến chống điều ác. Có thời, đạo thờ Mithras này đã là một trong các địch thủ nguy hại nhất của Ki-tô giáo.

La Mã và Ki-tô hữu: La Mã thường cho phép các niềm tin khác nhau như trên đây được tự do triển nở. Nhưng các nhóm tỏ ra không trung thành với nhà nước thì thường bị ngăn cấm. Do Thái giáo được đặc biệt cho phép, và thoạt đầu cả Ki-tô giáo nữa vì xem ra đây cũng chỉ là một hình thức của Do Thái giáo mà thôi. Nhưng rồi với thời gian, người La Mã bắt đầu sử dụng việc thờ lạy hoàng đế để thử lòng trung thành của người ta. Hoàng Đế Domitian (81-96 CN) buộc mọi người phải thờ lạy ông như ‘chúa và là thiên chúa’. Do đó, thế đứng của Ki-tô hữu bỗng chốc thay đổi và họ sẵn sàng chịu đau thương vì đức tin của mình. Đó chính là hoàn cảnh để sách Khải Huyền được viết ra. Các trình thuật của Tân Ước về các tôn giáo khác phần lớn được soạn thảo ở Phương Đông (nhất là ở vùng nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Ở Lýt-ra, Thánh Phao-lô và Ba-na-ba bị tưởng lầm là Hermes và Zeus (Cv 14:12-13). Ở Ê-phê-sô, đền thờ Artemis là một trong ‘bẩy kỳ quan của thế giới’ (Cv 19). Nữ thần này quả là một nữ thần mắn đẻ Đông Phương phù hợp thực sự với cái tên Hy Lạp của mình. Thánh Phao-lô đáp ứng lại tất cả các ý niệm trên tại Lýt-ra và A-thê-na, rằng Thiên Chúa sáng tạo, cấp dưỡng, yêu thương và phán xử mọi người.

Ngộ Đạo Thuyết (agnosticism). Phần lớn các tôn giáo này dễ dàng trở thành cố định. Và vào khoảng thời Tân Ước, tự nhiên xuất hiện một luồng tư duy lạ gọi là ngộ đạo thuyết. Người ngộ đạo tin rằng ‘tinh thần’ tốt còn vật chất thì xấu. Ngộ đạo thuyết đi vào cả Ki-tô giáo và các luồng tư duy khác. Nhưng vì nó đặt nhiều hữu thể khác giữa Thiên Chúa và con người, nên nó bác bỏ vị trí đặc biệt của Chúa Giê-su. Giống như các tôn giáo bí nhiệm khác, ngộ đạo thuyết nại tới những người từng cho là mình đã đạt được những hiểu biết nội tâm đặc biệt (gnosis) vốn tốt hơn niềm ‘cậy trông’ được người Ki-tô hữu đề cập tới. Thánh Phao-lô chống đối thứ suy tư này tại Cô-lô-xê. Qua thế kỷ thứ hai, nó trở thành một vấn đề nghiêm trọng cho toàn thể giáo hội.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/tu-lieu-thanh-kinh-19-hy-lap/