Trích từ Dân Chúa

Tư Liệu Thánh Kinh (14): Lưu Đày

Vũ Văn An

Cảnh lưu đày của người Do Thái bắt đầu năm 597 trước CN khi quân Ba-by-lon bắt hằng ngàn người Do Thái đày qua Ba-by-lon. Mười năm sau, chúng hoàn toàn hủy diệt Giê-ru-sa-lem và vương quốc Giu-đa hết còn hiện hữu. Dân Do Thái lâm cảnh lưu đày trên xứ người.

Ít-ra-en: Họ đã được cảnh cáo từ lâu rằng cảnh lưu đày ấy sẽ xẩy tới. Ngay trước khi vào đất Ca-na-an, Mô-sê đã cho họ hay rằng nếu họ không chịu lắng nghe Chúa và giữ luật lệ của Ngài, họ sẽ mất lãnh thổ. Trong suốt 200 năm trước khi Giê-ru-sa-lem thất thủ, các tiên tri đã liên tiếp nhắc đi nhắc lại lời cảnh cáo ấy. Thế kỷ thứ tám trước CN, A-mốt và Hô-sê nói với vương quốc Ít-ra-en ở phía bắc rằng họ sẽ khốn khổ ra sao nếu họ không giữ lời hứa vâng lệnh Chúa. Họ làm ngơ lời cảnh cáo ấy, nên năm 721 trước CN, quân Át-sua chiếm Sa-ma-ri, thủ đô của họ. Dân bị phát lưu đày đi khắp các tỉnh trong đế quốc. Ngoại nhân đến định cư trên lãnh thổ của họ và lãnh thổ ấy trở thành một tỉnh của Át-sua. Mười chi tộc Ít-ra-en không bao giờ còn được nghe đến nữa. Đnl 8:19-20; 2V 17; Am 2-9; Hs 9.

Giu-đa: Ở phía nam, Giu-đa nữa cũng bị quân Át-sua đe dọa. Vua Át-sua Xan-khê-ríp chiếm nhiều thành của Giu-đa và vây hãm Giê-ru-sa-lem. Nhưng Vua Khít-ki-gia tin vào Chúa và vâng theo luật của Ngài. Ông lắng nghe sứ điệp của Chúa qua miệng tiên tri I-sai-a. Khi quân Át-sua kêu gọi ông đầu hàng, ông hướng lên Chúa kêu cầu giúp đỡ, và Chúa đã giúp ông khỏi thất trận. Tuy nhiên, dân Giu-đa chỉ học được có nửa bài học. Dần dà họ có ý tưởng coi Giê-ru-sa-lem, thành thánh Thiên Chúa, như không thể nào thất thủ được. Với thành và đền thánh, họ an toàn khỏi mọi địch thủ. Bất kể họ làm gì. Họ có biết đâu rằng họ được yên ổn là nhờ đã đóng thuế cho Át-sua, là người giao chiến với các kẻ thù khác. Tiếc thay đến cuối thế kỷ thứ bẩy trước CN, đế quốc ấy tan rã và nguy cơ xuất hiện từ phía quân Ba-by-lon. Thời Vua Giô-si-gia trị vì, tiên tri Giê-rê-mi-a bắt đầu lên tiếng cảnh cáo dân Giu-đa: Phải từ bỏ lối sống ích kỷ và tuân lệnh Chúa mới được yên ổn sống. Nhưng chẳng ai nghe ông.

Thế là năm 604 trước CN, quân Ba-by-lon chiếm Xy-ri và lãnh thổ phương nam. Vua Giơ-hô-gia-kim của Giu-đa là một trong các ông vua phải triều cống họ. Vua Ba-by-lon là Na-bu-cô-đô-nô-xo cũng bắt con tin đem về Ba-by-lon. Không lâu sau đó, Giơ-hô-gia-kim nghĩ rằng đứng về phe Ai Cập sẽ tốt hơn, do đó ông nổi lên chống lại Ba-by-lon. Ông mất mạng trước khi quân Ba-by-lon tới Giê-ru-sa-lem. Sau một cuộc vây hãm ngắn, tân vương, vốn là Giơ-hô–gia-khin, con trai ông, xin đầu hàng vào ngày 16 tháng 3 năm 597 trước CN. Na-bu-cô-đô-nô-xo lột sạch mọi châu báu của Giê-ru-sa-lem và bắt cả vua lẫn nhiều công dân hàng đầu dẫn về Ba-by-lon. Cuộc lưu đày chính thức bắt đầu. Is 36-37; Gr 7; Đn 1.

Giê-ru-sa-lem thất thủ: Na-bu-cô-đô-nô–xo để Xít-ki-gia-hu, chú của vua, ở lại làm vua chư hầu Giu-đa. Giê-rê-mi-a nói đi nói lại cho dân hay muốn yên, họ phải chấp nhận sự cai trị của Ba-by-lon. Nhưng các tiên tri giả cho rằng Ba-by-lon sắp xụp đổ và khích động Xít-ki-gia-hu nổi loạn. Quân Ba-by-lon nhanh chóng tiến đánh Giu-đa và vây hãm Giê-ru-sa-lem lần nữa. Các thành khác lần lượt thất thủ, chỉ còn lại Giê-ru-sa-lem. Nó tiếp tục cầm cự trong 18 tháng sau đó. Nhưng rồi lương thực cạn dần và dân ngấp ngoái. Quân đội của Na-bu-cô-đô-nô-xo vượt tường tràn vào thành đúng mùa Hè năm 587 trước CN. Xít-ki-gia-hu ban đêm ráng vượt thoát nhưng bị bắt. Quân Ba-by-lon cướp phá thành phố để lại một cảnh hoang tàn bình địa, kể cả đền thánh Thiên Chúa. Nhiều yếu nhân trong thành bị xử tử. Những người sống sót khác bị phát lưu qua Ba-by-lon nhập bọn với khách lưu đày đã có sẵn,

Vương quốc Giu-đa để lại rất ít vết tích. Những người định cư từ Ê-đom đã chiếm hết lãnh thổ phía nam Khép-ron và Bết-xua. Na-bu-cô-đô-nô-xo chỉ định tổng trấn Gơ-đan-gia-hu cai trị phần còn lại của xứ sở nhân danh Ba-by-lon. Sách Ai-Ca diễn tả lại tất cả những cảnh khiếp đảm này. Mọi thành đều tan hoang. Trừ số bị đầy qua Ba-by-lon, những người khác phần đông bị chết trận, hay chết đói hay chết bịnh vì bị vây hãm. Giờ đây chỉ còn lại một số rất ít oằn lưng trên luống cày mà kẻ xâm lăng đã tàn phá.

Gơ-đan-gia-hu đặt bản doanh của ông tại Mít-pa và ráng cai trị phần đất trao cho mình. Nhưng một số vẫn không chịu chấp nhận những nhà cai trị Ba-by-lon. Họ âm mưu chống lại và hạ sát Gơ-đan-gia-hu. Những người ủng hộ ông sợ quá phải chạy qua Ai Cập, đem theo tiên tri. Người Ba-by-lon còn phát lưu nhiều người khác nữa vào năm 582 trước CN, và sát nhập phần đất còn lại vào tỉnh Sa-ma-ri. Gr 27-28; Ac; 2V 25:22-26; Gr 40-43.

Cảnh lưu đày: Tại Ba-by-lon, người Do Thái sống tại các khu định cư riêng ở thủ đô cũng như các thị trấn khác. Họ được tự do xây dựng nhà cửa, kiếm sống và giữ các phong tục và tôn giáo của mình. Họ không được trở lại quê hương, nhưng không bị đối xử tệ. Vua Giơ-hô-gia-kim và hoàng gia được sống như ‘khách’ tại hoàng cung. Một số người Do Thái như Đa-ni-en chiếm được chức vụ cao trong guồng máy công quyền. Những thợ lành nghề của Do Thái được Na-bu-cô-đô-nô-xo sử dụng giống như các công nhân khác. Nhiều người thích sống tại Ba-by-lon đến độ khi có cơ hội được trở về tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhiều người không chịu về. Nhưng phần đông mong mỏi được trở lại Giu-đa và trong cảnh lưu đày, họ bám lấy tôn giáo cũng như cách sống riêng của họ.

Từ ngày Sa-lô-môn xây cất đến lúc này, đền thờ Giê-ru-sa-lem đã trở thành trung tâm của niềm tin và việc thờ phượng của toàn dân Do Thái. Lúc này, đền thờ ấy đã không còn. Nên không còn nơi nào để dâng của lễ. Do đó, họ bắt đầu nhấn mạnh đến những khía cạnh khác của tôn giáo mà họ có thể tuân giữ được. Giữ ngày Sa-bát vì thế trở thành rất quan trọng. Phép cắt bì cũng vậy nó trở thành dấu hiệu giao ước giữa Thiên Chúa với họ, và những khoản luật về sạch và không sạch. Họ cũng bắt đầu biết qúi trọng như họ chưa bao giờ qúi trọng đến thế những sách ghi chép lời của Chúa. Nhiều thầy cả như Ét-ra bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ các lề luật của Chúa (những người nghiên cứu này được gọi là luật sĩ). Nhiều sách làm thành bộ Cựu Ước đã có được hình dáng như ngày nay là nhờ thời kỳ lưu đày này.

Trở Về Cố Hương: Năm 539 trước CN, gần 50 năm sau ngày Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo của Ba-by-lon chiếm Giê-ru-sa-lem, Ky-rô, vua Ba-tư, đã đánh bại người Ba-by-lon. Đế quốc Ba-by-lon rơi vào tay người Ba-tư. Họ đặt quan tổng trấn Ba-tư (gọi là satrap) cai trị mỗi tỉnh thuộc tân đế quốc. Nhưng họ ban cho nhân dân các tỉnh này nhiều tiếng nói hơn trong các sinh hoạt riêng của họ. Họ được khích lệ duy trì các phong tục và tôn giáo của họ, và các dân bị lưu đày, kể cả dân Do Thái được trở về cố hương nếu muốn. Năm 538 trước CN, Ky-rô ban hành sắc lệnh nói rằng người Do Thái có thể ‘trở về Giê-ru-sa-lem và tái thiết Đền Thờ Thiên Chúa, Chúa của Ít-ra-en’. Họ được cấp tiền bạc và vật liệu cần thiết. Ky-rô trao trả họ vàng bạc cũng như các báu vật khác mà Na-bu-cô-đô-nô-xo đã lấy đi khỏi đền thờ. Đoàn lưu đày đầu tiên đã làm cuộc hành trình lâu ngày trở lại cố hương.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/tu-lieu-thanh-kinh-14-luu-day/