Trích từ Dân Chúa

Tư liệu Thánh Kinh (12): Giáo Dục Thời Thánh Kinh

Vũ Văn An

Ngay từ thời Áp-ra-ham, nhiều dân tộc đã biết triển khai việc giáo dục. Tại Sumer, quê hương Áp-ra-ham, có những trường đào tạo các viên thư ký làm việc trong các đền thờ, cung điện và sinh hoạt thương mãi. Nền giáo dục này hoàn toàn nhiệm ý. Gia đình các học viên phải trả học phí, nên giáo dục thường là đặc quyền của nhà giầu. Nhưng con số các giảng khóa thì rất rộng. Sinh vật học, địa dư, toán, văn phạm và văn chương đều có đủ.

Những cuộc khai quật từng phát hiện nhiều tấm thẻ cho thấy các bài tập phải chép, trong khi những tấm khác cho thấy phần bài làm của học trò và phần sửa bài của thầy giáo. Trong điện Mari, hai lớp học với ghế dài và bàn học đã được tìm lại. Nhân viên nhà trường thường gồm một giáo sư (được gọi là môn phụ - school father; trong khi học sinh được gọi là môn tử - school sons), một phụ tá có nhiệm vụ chuẩn bị bài tập hằng ngày, nhiều thầy giáo dạy những đề tài chuyên biệt, và các nhân viên khác lo kỷ luật (trong đó có viên chức được gọi là ‘anh cả’ – big brother).

Tại Ai Cập cũng có một hệ thống như thế với những trường học gắn liền với các đền thờ. Sau những lớp khai tâm, học trò được chuyển tới các trường của chính phủ để học làm luận, khoa học cách trí và các nhiệm vụ văn phòng. Có những khóa huấn luyện thảo thư tín và nhiều ‘thư mẫu’ đã được tìm lại. Nếu muốn trở thành giáo sĩ, các học trò sẽ được học thần học và y khoa. Kỷ luật rất nghiêm: không uống rượu, không âm nhạc, không đàn bà.

Những hệ thống như trên chắc chắn ảnh hưởng tới người Ít-ra-en ở một vài thời điểm nào đó trong lịch sử của họ. Áp-ra-ham có thể là người được đi học ít nhiều. Giu-se có thể đã dựa vào các thư ký khi làm thủ tướng cho Pha-ra-ô. Và Mô-sê đã hấp thụ nền giáo dục của Ai Cập, nên quả Chúa đã chọn một người có học để dạy lề luật của Người cho dân Ít-ra-en. Nhưng giáo dục ở Ít-ra-en đã có một chiều hướng hết sức khác biệt.

Ý niệm căn bản tại Ít-ra-en và xuyên suốt bộ Thánh Kinh là mọi kiến thức đều từ Thiên Chúa mà đến. Người là thầy dạy trên hết mọi ông thầy. Mọi khôn ngoan và học vấn đều phải khởi đầu từ việc ‘kính sợ Chúa’. Mục đích của nó là để hiểu biết Đấng Hóa Công và các công trình của Người cách tốt hơn. Bởi thế, học vấn sẽ dẫn con người đến việc tán tụng Thiên Chúa (như trong Thánh Vịnh 8). Chỉ thỏa mãn tính tò mò của con người mà thôi không đủ. Nó cũng cần phải giúp con người biết dùng những tài năng Chúa ban cách trọn vẹn. Bởi thế, cần toán học sơ đẳng để đo đạc đất đai và tính toán mùa màng cũng như xây cất những công trình lớn. Nghiên cứu chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các vì sao giúp tạo ra lịch. Phần lớn những điều này được học qua kinh nghiệm hay học nghề. Đồng thời, việc giáo dục trẻ em giữ một vị thế rất quan trọng. Bổn phận cha mẹ là phải lo cho con được học hành. Nhưng nội dung việc học ấy hầu như hoàn toàn có tính tôn giáo. Chúng phải được dạy về lịch sử Thiên Chúa tương giao với Ít-ra-en. Chúng phải được dạy dỗ về luật Chúa. Người là thánh và Người buộc mọi người phải nên thánh. Nên con trẻ phải học cách ‘tuân giữ các nẻo đường của Chúa’. Người ta phải cho chúng những bài học về xử lý khôn ngoan. Sách Châm Ngôn đầy những câu cách ngôn về chủ đề ‘làm thế nào sống thuận hảo với người ta’ và được viết cho các ‘con trai’ thân yêu. Loại giáo huấn này Ít-ra-en có chung với các dân tộc chung quanh. Xh 20:4; Cn 1:7; 9:10; G 28:28; Đnl 4:9-10; 6:20-21; Xh 13:8-9; 12:26-27; Gs 4:21-22; Lv 19:2; St 18:19; Cn 1:8; 4:1.

Cách Phát Triển Giáo Dục: Giáo dục khởi đầu tại nhà. Áp-ra-ham được chỉ thị phải dạy dỗ các con. Điều quan trọng là chân lý trong mối tương giao của Chúa với dân Người phải được lưu truyền từ cha đến con, từ đời này qua đời nọ. Các bà mẹ cũng phải chia sẻ trong nhiệm vụ này khi con còn nhỏ dại.

Có nhiều ý kiến khác biệt về con số những người biết đọc biết viết trong thời Cựu Ước. Một vài người nghĩ rằng chỉ giai cấp quí tộc mới biết đọc biết viết mà thôi. Nhưng mặt khác, Giô-suê mong người ta phải viết phúc trình về đất Ca-na-an: Ghít-ôn muốn một thanh niên qua đường phải biết đọc; và thời Khít-ki-gia, có lẽ một công nhân đã viết trên tường đường hầm đào để đem nuớc vào Giê-ru-sa-lem (xem Xây Cất). Có đủ các thí dụ khác trong các bản văn cổ bằng tiếng Hi-bá-lai cho thấy kỹ năng đọc và viết khá phổ thông.

Người ta không biết các học đường dành cho trẻ em đã khởi sự từ khi nào. Nhưng chắc một điều là chúng chỉ được nhắc đến sau năm 75 trước CN, khi xứ này chịu ảnh hưởng Hy Lạp và một cố gắng đã được đưa ra để cưỡng bức nền giáo dục sơ đẳng. Tuy nhiên, trước đó rất có thể đã có những trường nhiệm ý rồi. Cậu bé Sa-mu-en được trao cho thầy cả chăm sóc và do đó chắc chắn đã được thầy dạy dỗ. Những chuyện như thế có thể đã thành tập tục. ‘Lịch Ghe-dê’ (Xem Nghề Nông) cũng có thể đã là bằng chứng cho thấy một hình thức giáo dục chính thức hơn. Chắc chắn một điều là các thanh thiếu niên vốn có cơ may trở thành đồ đệ của các tiên tri, và có thể của cả các thầy cả và các thầy Lê-vi nữa. I-sai-a từng dạy riêng cho một nhóm môn sinh và Ê-li-sa từng hết sức quan tâm đến phúc lợi của các môn sinh của mình cũng như của gia đình chúng. Nhưng những hình thức ấy không có nghĩa ‘giáo dục’ như bây giờ hay cả như trong hệ thống của Ai Cập và Ba-by-lon xưa. Vì nó nguyên tuyền chỉ là cái học về tôn giáo để phụng sự Chúa tốt hơn mà thôi.

Sau khi dân đi lưu đầy trở về, một giai cấp học giả Thánh Kinh chuyên biệt xuất hiện, dưới danh xưng ‘ký lục’ (Scribes). Hạn từ này trước đây được sử dụng để chỉ các viên thư ký, nhưng một số các thầy Lê-vi cũng là ký lục, và ngay trước thời lưu đầy, họ vốn được coi là những nhà thông hiểu luật Chúa. Theo truyền thống Do Thái, sau thời lưu đầy, các ký lục này được coi như tương đương với các tiên tri trước đây, và được xưng là ‘những cao nhân của đại hội đường’. Dần dần họ được gọi là ‘các luật sĩ’, ‘tiến sĩ luật’ và ‘thầy dạy’ (rabbis). Si-môn Công chính, Sham-mai, Hi-len và Ga-ma-li-en là những thầy dạy nổi hơn hết thuộc loại này. Họ giảng dạy luật thành văn của Chúa và áp dụng chúng vào cuộc sống thực tiễn lúc đó. Những giáo huấn này lâu ngày được tích góp thành những bộ qui luật lớn. Khởi đầu các qui luật này được dạy khẩu truyền, nhưng cuối cùng, khoảng năm 200 trước CN, đã được viết ra thành bộ Mishnah. Chúng được coi có thẩm quyền giống như bộ Cựu Ước vậy.

Trong những thế kỷ chót trước khi Chúa Ki-tô xuất hiện này, nhóm sau đó có tên là Biệt Phái hình như đã tổ chức ra một hệ thống trường học mới. Trẻ em khởi đầu đi học tại trường của hội đường tức ‘nhà của sách’. Sau đó được chuyển lên các ‘nhà học vấn’. Nhiều nhà loại này đặt dưới quyền điều khiển của những thầy thông luật nổi tiếng. Về phương pháp giáo dục, ta chỉ có thể phỏng đoán. Tiên tri I-sai-a cho ta một chút ánh sáng về phương diện này. Ngài viết rằng nhiều người nghĩ sứ điệp của ngài chỉ dành cho con nít: ‘ông ấy dạy chúng ta từng chữ, từng giòng, từng bài học’. Điều này có thể có nghĩa là dạy từ từ mỗi ngày một chút nhưng cũng có thể có nghĩa là dạy từng vần mẫu tự để học trò lặp đi lặp lại. Phần lớn các điều giảng dạy này được thực hiện bằng cách truyền miệng, và một vài phương cách được nghĩ ra giúp cho việc học thuộc lòng được dễ dàng hơn. Chính Chúa Giê-su đã sử dụng các chữ gây chú ý (catchword), cách lặp đi lặp lại và các dụ ngôn. Tv 78:3-6; Cn 31:1; 1:8; 6:20; Gs 18:4, 8-9; Tl 8:14; Is 8:16; Gr 8:8; Mc 7:6-9; Is 28:10; Cn 1:8; Mc 9:42-50; Mt 6: 2-18.

Giáo Dục Người Lớn: Trong Thánh Kinh, giáo dục không phải chỉ dành cho trẻ em. Áp-ra-ham được lệnh phải dạy bảo mọi người trong nhà. Mô-sê dạy toàn dân Ít-ra-en về luật Chúa, còn các thầy Lê-vi được truyền phải chuyển giao giáo huấn này. Các vị vua sai các thầy Lê-vi đi khắp nơi trong nước để giảng dạy, dù các tiên tri than phiền là công tác này được thực hiện rất tồi, mục đích chỉ là để làm tiền. Tập quán thường xuyên dạy dỗ dân này xem ra chỉ trở nên phổ biến sau thời lưu đầy.

Ét-ra là một thầy cả và là một luật sĩ ‘thông hết luật Chúa’. Ông ‘hiến cuộc đời nghiên cứu luật Chúa… và giảng dạy mọi luật lệ và qui định cho dân Ít-ra-en’. Nơ-khe-mi-a 8 miêu tả ông đứng trên bục gỗ chung quanh là toàn dân tụ lại để nghe ông. St 18:19; Lv 10:11; 2Sb 17:7-9; 35:3; Mk 3:11; Ml 2:7-8; Er 7:6,10.

Giáo Dục Hy Lạp: Đến thời Chúa Giê-su, nền giáo dục của Hy Lạp đã nổi tiếng khắp thế giới. Người ta nghĩ rằng cả thân xác, trí khôn và linh hồn đều cần được phát biểu ra, do đó chương trình học bao gồm thể thao, triết lý, thi ca, kịch nghệ, âm nhạc và hùng biện. Các trẻ nam giữa tuổi từ 7 đến 15 sẽ học tại các trường tiểu học. Sau đó lên trường ‘trung học’ (gymnasium, không có nghĩa chỉ tập thể dục). Công chúng được hoan nghênh tham dự các buổi tranh luận của học sinh. Đến thời Chúa Giê-su, tiêu chuẩn tại các Trung Học này đã xuống dốc, tuy nhiên các trường này vẫn tiêu biểu cho những gì đẹp nhất của văn hóa Hy Lạp. Chúng được thiết lập bất cứ chỗ nào có người Hy Lạp sinh sống và một trường như thế đã được lập tại Giê-ru-sa-lem năm 167 trước CN.

Phần lớn người Do Thái không chấp thuận quan điểm giáo dục của Hy Lạp.Các trung học cũng bị lên án vì các thể tháo gia Hy Lạp trần truồng thực tập và thi thố tài nghệ. Tuy nhiên, các ngoại kiều được chào đón và vì quê hương Tác-xô của thánh Phao-lô rất nổi tiếng về trường trung học của mình, nên người ta thắc mắc không hiểu thánh nhân có bao giờ đặt chân tới đó hay không. Chắc một điều ngài có nhắc đến các cuộc thi đấu Hy Lạp và trong các thư của ngài, ta thấy ngài rất thông hiểu nền văn hóa Hy Lạp. 1Cr9: 24-27.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/tu-lieu-thanh-kinh-12-giao-duc-thoi-thanh-kinh/