Trích từ Dân Chúa

Thư thứ nhất của thánh Phêrô Tông đồ

Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

Thư này ít được các nhà thần học lưu tâm, vì sánh với toàn bộ Tân Ước, nó chẳng khai triển sâu xa giáo lý nào, cũng chẳng đem lại giáo huấn nào đặc sắc. Chỉ có một đoạn nói về chức tư tế và một đoạn khác nhắc đến việc Chúa Ki-tô xuống ngục tổ tông (2,3) là đáng kể. Ngoài hai đoạn đó ra, tư tưởng trong thư cũng giống như giáo lý trong các sách Tin Mừng nhất lãm, Công vụ Tông đồ và các huấn dụ đạo đức của thánh Phao-lô.

Nhưng phải chăng chính sự trùng hợp giữa thư này, và những bản văn Tân Ước khác lại có thể nói cho chúng ta biêt về giáo huấn thời các Tông đồ, và về điều cốt yếu trong đời sống Ki-tô hữu. Nhiều nhà chú giải ngày nay đồng ý như thế, nên thư này từ nhiều năm qua lại được hâm mộ và nghiên cứu.

1. Người nhận thư

Trong thư không có nhiều chỉ dẫn cho biết người nhận thư là ai. Thư đề gửi các tín hữu trong năm tỉnh thuộc Tiểu Á trong đế quốc Rô-ma mà tác giả gọi là những người được chọn, hiện là khách tha phương (2,1) Ban đầu, kiểu nói tha phương ngụ ý chỉ những người Do thái sống ở nước ngoài, khíến thoạt nhìn người ta tưởng viết cho các tín hữu gốc Do thái. Nhưng kiểu nói này được dùng để chỉ các tín hữu sống rải rác ở khắp nơi (2,11) mà đa số gốc gác là dân ngoại. Quả vậy, những ám chỉ về lối sống trước đây của họ hợp với dân ngoại hơn là Do thái (1,24-18; 4,3). Tuy nhiên, họ củng đã là những người hiểu biết Kinh thánh khá, vì trong thư có rất nhìều chỗ nói đến Cụu Ước.

Các cộng đoàn đón nhận thư này đa số đã được thiết lập khi thánh Phao-lô truyền đạo. Có thể chính thánh Phao-lô đã thiết lập, nếu không thì cũng là những ai đã cộng tác với ngài. Phát xuất từ một vài trung tâm chính, những người đó đã đi rao giảng ở các miền Tiểu Á như ông Ê-pha-ta chẳng hạn. Ông này đã đến Cô-lô-xê để rao giảng Tin Mừng (Cl 1,7).

Việc tổ chức phẩm trật ở đây chưa được hoàn bị như trong các thư mục vụ của thánh Phao-lô. Như vậy, thư này nói đến Hội thánh thời sơ khai, qua các niên trưởng (5,1-4) và gián tiếp đề cập đến các phó tế. Còn vị trí của các phần tử trong các đoàn thể này, nói chung rất là khiêm tốn.

2. Tác giả, thời gian và nơi viết thư này

Tác giả là thánh Phê-rô Tông đồ (1,1), niên trưởng và người chứng kiến các đau khổ của Đức Ki-tô (5,1). Thánh Phê-rô đã viết thư này nhờ ông Xin-va-nô (5,2). Truyền thống xác nhận thư này là của thánh Phê-rô, một trong những văn thư muộn nhất của Tân Ước, như ngài nói trong thư thứ hai (2 P 3,1). Sau đó, thánh I-rê-nê, giáo phụ Te-tu-li-a-nô và thánh Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a cũng nói như vậy.

Tuy thế, có một số nhà chuyên môn đặt nghi vấn không chắc thánh Phê-rô có phải là tác giả của thư này hay không, dựa vào những lý do sau đây:

2.1 Thư được viết bằng một thứ văn Hy-lạp khá, đến nỗi khó có thể nói đó là tác phẩm của thánh Phê-rô, một ngư phủ ở Ga-li-lê. Khó khăn này cũng không thể được giải quyết, khi bảo rằng thư đã được viết bằng tiếng A-ram, rồi một ai đó như Xin-va-nô đã đem dịch ra tiếng Hy-lạp (5,12). Nếu như thế thì tại sao mọi trích dẫn Cựu Ước đều lấy thẳng từ bản dịch Hy-lạp. Do dấy, lập luận trên không hoàn toàn đứng vững vì một đàng sử liệu cho thấy vào thời Đức Ki-tô, tiếng Hy-lạp rất thông dụng ở Pa-lét-tin, nên rất có thể thánh Phê-rô cũng biết tiếng đó. Đàng khác, thánh nhân cũng có thể nhờ ông Xin-va-nô giúp thảo ra bức thư này nên văn chương mới khá như vậy.

2.2 Ngoài ra người ta còn nại đến những chỗ giống nhau về tư tưởng trong thư này với thần học của thánh Phao-lô, như dùng hình ảnh tảng đá bị loại bỏ trong Cựu Ước (1 P 2,4-8 với Rm 9,32-33), như khuyên tín hữu vâng phục quyền bính (1 P 2,13-17 và Rm 13,1-7) như dùng công thức “trong Đức Ki-tô”. Nhưng nếu dựa vào một đoạn như Gl 2,11-14 thì khó mà nói Phê-rô đã chịu ảnh hưởng của Phao-lô.

Thực ra, những chỗ giống nhau trong thư này với các thư của thánh Phao-lô cũng dễ giải thích, vì thời các Tông dồ có một nền giáo lý chung mà cả Phê-rô lẫn Phao-lô đều sử dụng. Riêng về biến cố ở An-ti-ô-khi-a được tường thuật trong Gl 2,11-14, có thể nói rằng đó không phải là một sự xung khắc về chủ trương thần học, mà chỉ là một sự bất đồng ý kiến về cung cách xử sự trong một sự việc cụ thể mà thôi.

2.3, Người ta lại vấn nạn rằng tác giả thư này xem ra không biết trực tiếp về cuộc đời tại thế của Đức Ki-tô, như được trình bày trong các sách Tin Mừng. Tác giả chỉ nói chung chung về những đau khổ và cuộc Thương khó của Đức Giê-su và hoàn toàn không nói gì đến những điểm chính yếu trong giáo huấn của Người, như Nước Trời hay Con Người. Chẳng lẽ một người rất gần gũi Đức Giê-su như thánh Phê-rô lại không có thể diễn tả một cách khác hay sao ? Chẳng lẽ Phê-rô lại không nói đến những kinh nghiệm sống bên Thầy của mình cách đích xác hơn sao ?

Người ta có thể trả lời rằng có nhiều chỗ trong thư phảng phất những lời lẽ của Đức Giê-su như 1 Pr 1,8=Ga 20,29; 1 Pr 2,2=Mc 10,15; 1 Pr 2,12; Mt 5,16; 1 Pr, 2,23=Mt 5,39; 1Pr 3.9=Lc 6,28; 1 Pr 3,14=5,10; 1 Pr 5,3=Ga 13,15-17; 1Pr 1,4.13=Lc 12,33.35.41. Gần đây, người ta lại nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của đề tài người tôi tớ đau khổ của Đức Chúa trong bức thư này. Đó là đề tài bắt nguồn từ sách I-sai-a (52,13-53,12) Và được Tin Mừng Lu-ca 22,37, các diễn từ của Phê-rô trong Cv 3,13.26 và 1 Pr 2,21-29 nói đền rõ ràng. Tất nhiên, không nên dành cho những câu so sánh này một tầm quan trọng quá đáng, vì ngay từ đầu trong Hội thánh đã sớm có những bản sưu tập Lời Chúa. Nhưng những điều vừa nói ít nhất cũng chứng tỏ rằng vấn nạn thứ ba này không đứng vững.

2.4 Vấn nạn thứ bốn là bức thư này như muốn ám chỉ những cuộc bách hại công khai và toàn diện (4,12; 5,9). Thế mà những cuộc bách hại như thế không thể xảy ra trước thời hoàng đế Do-mi-xi-a-nô ((8i-96), tức là sau khi thánh Phê-rô đã qua đời. Nhưng ý kiến này cũng có thể phi bác được. Trước hết, bức thư này phản chiếu một tình trạng tâm lý khác hẳn với sách Khải huyền, trong đó cho thấy rõ chính quyền đang bắt đạo. Trong thư này không có như vậy. Tác giả vẫn còn khuyên tín hữu kính trọng quyền bính như trong thư Rô-ma 2,13-17 và 13,1-7, đặc biệt còn nói đến vai trò tích cực của chính quyền (2,14). Thêm vào đó, theo cha Spicq, còn có sự kiện là bức thư này không dùng các từ chuyên môn về bách hại, cũng chẳng nói đến tòa án, xét xử hay tố cáo mà chỉ dùng toàn những từ thần học như cám dỗ, thử thách hoặc đau khổ oan uổng vì sự công chính. Có lẽ tác giả chỉ muốn nhắc đến những sự làm khó dễ mà ngay từ đầu các tín hữu đã phải chịu, do những người ngoài đạo hay Do thái gây nên, thành ra có thể coi thư này đã được viết khi thánh Phê-rô còn sống.

Tóm lại, dù có các nghi vấn nêu trên, vẫn có thể công nhận thánh Phê-rô là tác giả thư này, có lẽ với sự trợ giúp của ông Xin-va-nô, người mà sách Công vụ Tông đồ gọi là Xi-lát (Cv 15,22.40; 18,5). Còn thời gian viết thư có thể là năm 64, lúc vua Nê-rô bắt đạo, tức là ít lâu trước khi thánh Phê-rô qua đời. Thư này đã được viết ở Rô-ma.

3. Thể văn và mục đích của thư

Đây là một bức thư bố cục khá duy nhất. Tư tưởng trong thư lấy từ giáo lý thông thường của Hội thánh thời sơ khai. Câu kết 5,12 xác định rõ mục đích của thư là muốn khích lệ tín hữu củng cố đức tin, giữ vững lòng nhiệt thành, không để cho chí can đảm suy sụp vì những gian truân thử thách. Để đạt mục đích này, tác giả đã dùng giáo lý họ đã được nghe khi mới vào đạo và chịu phép Rửa.

4. Nội dung bức thư

Không thể đưa ra một dàn bài chặt chẽ về bức thư, vì thư rất đặc biệt ở chỗ luôn luôn pha trộn các tư tưởng thần học vào các lời khuyến dụ đạo đức, để củng cố và biện minh cho những khuyến dụ này. Nói chung, các lời khuyến dụ thường đi trước các lời biên minh cho thần học, khác hẳn với thánh Phao-lô, trong các thư, bao giờ cũng trình bày giáo thuyết trước rồi mới khuyến dụ sau. Dù vậy, cũng có thể trình bày nội dung đại khái như sau:

4.1 Gửi lời chào

4.2 Tạ ơn, tiếp theo là suy niệm về chương trình cứu chuộc đã được mặc khải

4.3 Khuyên tín hữu gốc lương dân đoạn tuyệt hẳn với lối sống cũ (1,13-2,10) và khuyên mọi người sống thánh thiện vì chính niềm hy vọng mà Đức Ki-tô đã đem lại (1,13-21). Sau đó, nhắn nhủ đôi điều về đời sống cộng đoàn (1,22-2,3). Sở dĩ Thiên Chúa đã tuyển chọn tín hữu để làm thành đền thờ thiêng liêng có Đức Ki-tô làm nền tảng, là để họ tuyên bố các kỳ công của Đấng đã kêu gọi họ từ nơi tối tăm đi vào vùng ánh sáng (2,4-10)

4,4 Lời khuyên 2: 2,11-3,12

Trình bày tổng quát về thái độ phải có giữa lương dân (2,11-12). Bổn phận của tín hữu tùy hoàn cảnh của mỗi người: bổn phận đối với chính quyền, bổn phận đối với chủ nhân, bổn phận theo nghĩa vợ chồng (2,13-3,7). Kêu gọi tình bác ái huynh đệ (3,8-12).

4.5 Lời khuyên 3: 3,13-4,11

Khuyên cứ tin tưởng dù thế gian ghét bỏ (3,13-17). Niềm tin tưởng đó căn cứ vào việc Đức Ki-tô đã toàn thắng (3,18,22). Trong thực tế, noi gương Đức Ki-tô là phải dứt khoát vời tội lỗi (4,1-6). Phải tỉnh thức (4,7-11)

4.6 Lời khuyễn 4: 4,12-13 được đưa ra vì cuộc bách hại đã gần.

4.7 Lời khuyên 5: 5,7-11 nhắc lại nhiệm vụ của những người lãnh đạo cộng đoàn (5,1-4), khuyên ăn ở khiêm nhường và sống tỉnh thức (5,5-11)

4.8 Kết thư: 5,12-14

5. Đời sống Ki-tô hữu theo thư này

Giá trị đặc biệt của thư này thường ít người nhận thấy. Chỉ khi nào biết được hoàn cảnh đã xui khiến tác giả viết ra thư, bấy giờ người ta mới thấy rõ giá trị. Tác giả viết thư này muốn khuyên cộng đoàn nhận thư đang gặp khó khăn tư bề hãy giữ vững đức tin dựa vào niềm hy vọng họ đã được nghe loan báo. Tác giả khuyên tín hữu nhìn vào Đức Ki-tô để nhận ra sức mạnh của sự sống mới nơi Người (1,3-2,2)

5.1 Gắn bó chặt chẽ với Đức Ki-tô

Tác giả xác tín rằng độc giả của mình đã được Thiên Chúa tuyển chọn trong Đức Ki-tô Giê-su và từ đó họ đã trở nên thành phần của Người (1,2-3; 2.9). Tuy nhiên, tác giả còn muốn làm cho độc giả gắn bó chặt chẽ hơn nữa với sự nghiệp của Thầy chí thánh. Vì thế, ông nhắn nhủ họ nhớ lại hy tế của Đức Ki-tô (1,2; 1,19) và các đau khổ của Người (2,21-24), để họ noi gương bắt chước. Ông còn nhấn mạnh hơn nữa đến chiến thắng của Người, chiến thắng lan rộng khắp nơi trong vũ trụ (3,18-22). Vì thế, tín hữu phải luôn sống liên kết với Đấng đã trở thành nền tảng kiên cố của tất cả cộng đoàn (2,4-8).

5.2 Niềm hy vọng sống động

Ngay từ đầu thư (1,3.13-21), đề tài về niềm hy vọng đã chiếm một chỗ quan trọng. Tác giả xét đên đề tài này theo ba khía cạnh: nguồn gốc, đối tượng và hậu quả.

Xét về nguồn gốc, đây không phải là sản phẩm của óc tưởng tượng hay nỗ lực của loài nguời, nhưng là ơn Thiên Chúa ban không qua biến cố Phục sinh của Đức Ki-tô (1,3).

Xét về đối tượng, niềm hy vọng đưa tín hữu hướng tới Nước Trời trong tương lai, tức gia tài bất diệt đã được bảo đảm cho họ, hướng tới giai đoạn mà đức tin sẽ trở thành phúc diện kiến nhan Chúa, lúc Dân Chúa chiếm được trọn vẹn và vĩnh viễn ơn cứu độ trong Đức Giê-su Ki-tô (1,4.7.13).

Còn hậu quả của niềm hy vọng này trong đởi sống hiện tại thì người tín hũu không được lẫn lộn với thái độ hãm mình và hy sinh tiêu cực; trái lại, đó phải là động lực mang lại một thái độ mới hẳn (3,15-16).

5.3 Chứng nhân trong đời sống hàng ngày

Bức thư nhấn mạnh đến sứ mệnh của Dân Chúa trong trần gian: Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân để phụng sự Người và để làm cho mọi nơi trên mặt đất nhận biết công trình của Người. Vì thế, trong thư này, khi tác giả nói rằng các tín hữu được tuyển chọn thì đồng thời cũng nói đến chức tư tế của họ ((2,5-9; x Rm 12,1). Trước hết, họ phải thi hành sứ vụ trong Hội thánh (1,22; 2,1-5; 3,8-12; 4,7-11; 5,1-7). Các kỳ mục có trách nhiệm đặc biệt phải duy trì việc thực thi bác ái trong cộng đoàn (5,1-4). Nhưng cũng còn những trách nhiệm khác liên quan đến các vấn đề chính trị, xã hội và gia đình trong đời sống con người (2,11-3,7). Các chỉ thị đưa ra ở đây cũng giống như các luật đạo đức có thế thấy trong văn chương thời đó hay trong Do thái giáo. Nhưng các chỉ thị đó có một hướng đi và một nội dung mới hẳn vì dựa vào Chúa (2,13) và chú ý đến từng người, kể cả những ai tầm thường nhất, lại chỉ cho thấy đường lối phải theo là hy vọng, tin tưởng ở tình yêu của Thiên Chúa và nhờ việc cải hóa nội tâm mà nhận ra nghĩa vụ phải thi hành những cải cách xã hội.

Tưởng cũng nên nhắc lại là thư này không có “ác ý” đối với lương dân, trái lại còn nhắc nhở trách nhiệm của Dân Chúa đối với họ. Trong mọi hoàn cảnh, kể cả những hoàn cảnh nặng nề vất vả nhất, tín hữu vẫn phải ăn ở thế nào để nêu gương sáng cho họ (2,11-12; 3,12-17).

Kết luận

Với tín hữu ở mọi thời, thư I của thánh Phê-rô nhắc nhở cho ai nấy nhớ đến nhiệm vụ của mình, qua niềm hy vọng sống động họ đã nhận được nơi Đức Giê-su Ki-tô. Họ phải trung thành với Chúa hiển vinh và phải tích cực hoạt động để phụng thờ Người và phục vụ tha nhân.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 trg. 2965-2971)

Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/thu-thu-nhat-cua-thanh-phero-tong-do/