Trích từ Dân Chúa

Thư thứ 2 của Thánh Phê-rô Tông đồ

Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

1. Thể văn và thần học

Sau lời chào như thường lệ (1,1-2), tác giả nhắc lại đặc tính của ơn gọi Ki-tô hữu (1,3-11). Được thông hiệp bản tính Thiên Chúa (1,4), Ki-tô hữu phải nên thánh. Và muốn vậy, phải trung thành giữ lời các ngôn sứ và Tông đồ truyền dạy (1, 12-21). Quả thế, giáo lý Ki-tô giáo không dựa vào chuyện ngụ ngôn mà dựa vào lời chứng của các Tông đồ và ngôn sứ đã được Thần khí linh hứng (1,21). Rồi tác giả lên tiếng mạnh mẽ kết án các luật sĩ giả. Họ không thế nào trốn thoát được hình phạt. Sau đó, tác giả trở về với đế tài ở chương 1 và bàn về vấn đề vì sao Chúa lâu trở lại (3,3-13). Người là Đấng kiên nhẫn và ngày của người rồi đây sẽ tới (3,3). Bức thư kết thúc bằng lời kêu gọi đế phòng.

Thư này không có tính thứ tín bao nhiêu. Thư giống loại văn di chúc nhiều hơn. Đó là loại văn thông dụng trong truyền thống Do thái giáo thời bấy giờ. Tác giả mượn lời một nhân vật có thế giá dặn dò trước khi chết, để trình bày một số điểm giáo lý cho cộng đoàn. Tuy vậy, thư này cũng mang nhiều điều xác định mới mẻ về việc giải thích Kinh thánh, về ơn linh hứng cũng như về việc hình thành thư qui. Lời tiên tri trong Cựu Ước và lời giàng dạy của các Tông đồ mang một giá trị ngang nhau và là nền tảng vững vàng cho đức tin. Chẳng chỗ nào trong Tân Ươc thấy xác quyết rõ rệt như ở đây về tính linh hứng của Kinh thánh: “Nhất là anh em phải biết điều này là không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong sách thánh. Thật vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.” ((1,20-21).

Rồi lần đầu tiên người ta được nghe nói về một bản sưu tập các thư Phao-lô (3,15-16). Dù sưu tập đó không gồm đủ các thư của thánh Phao-lô, nhưng cũng đươc coi như một phần của bộ Kinh thánh. Sau cùng, bức thư này có điểm hay là cho biết tại sao Chúa Ki-tô chậm đến lần thứ hai. Có người nói: “Đâu rồi lời Người hứa sẽ quang lâm. Vì từ ngày các bậc cha ông an nghỉ, mọi sự vẫn y nguyên như khi trời đất mới được tạo thành.” (3,4). Tác giả cực lực lên án những người thiếu lòng tin như thế, và cố gắng đưa ra một giải đáp về đại hồng thủy thời trước như một hình ảnh về ngày chung thẩm (3,1). Tác giả dùng hình ảnh và quan niệm của thời đại để mô tả ngày đó. Thế giới cũ sẽ bị thiêu hủy để nhường chỗ cho trời mới đất mới, nơi đức công chính ngự trị (3,10-15). Đối với Chúa, quan niệm về thời gian không có nghĩa gì cả, vì đối với Người một ngày cũng như ngàn năm và ngàn năm cũng như một ngày (3,8). Điều mà ta cho rằng Người chậm đến chẳng qua cũng là do Người yêu thương vì nhẫn nhục. Người muốn cho ai nấy có thời giờ để thay đổi đời sống. Vì thế, ngay từ bây giờ mỗi người hãy sống thánh thiện. Với giáo lý về cánh chung này, tác giả nhắc nhở cho ta một chiều kích quan trọng trong đời sống Ki-tô giáo.

2. Tác giả chỉ trích và viết thư này cho ai ?

Tác giả tố cáo phường vô đạo đã len lỏi vào trong Hội thánh (2,1) Họ là ai ? Họ là những người theo đạo nhưng đã bỏ đạo và hiện nay có thể làm hư hỏng cộng đoàn bằng cách tuyên truyền một thứ tự do giả dối (2,19). Họ sai lạc cả về thần học lẫn luân lý. Thật vậy, họ chối bỏ Chúa, Đấng đã cứu chuộc họ, vì họ coi khinh các thiên thần (2,10-11) và sống một cuộc đời phóng túng không biết chán (3,14).

Người ta nghĩ rằng đó là những người theo thuyết Ngộ đạo. Hạng người này tự phụ, cho mình có tầm hiểu biết hơn người và được hoàn toàn tự do. Họ chủ trương coi nhẹ thân xác và sống bê tha.

Thư này gửi cho những người hiểu biết Kinh thánh và các truyền thống khải huyền của Do thái. Nhiều lần tác giả ám chỉ những truyền thống này nhưng không trưng dẫn rõ rệt, như khi nói đến cac thần phạm tội, lụt đại hồng thủy, dân thành Sô-đô-ma và Gơ-mo-ra.

Trong 2,1-3,3 có những điểm tương đồng rõ rệt với thư Giu-đa và cả hai có những quan niệm rất giống nhau, nhiều khi còn dùng những từ ngữ như nhau và cùng theo đuổi một dòng tư tưởng nữa. Cả hai đều chống những luật sĩ giả hiệu.

Nếu cả hai thư đã không bắt nguồn từ một bản văn đã có trước thì phải công nhận thư 2 Pr tùy thuộc thư Giu-đa. Người ta có thể nhận thấy sự tùy thuộc này ở nhiều đoạn. Các đoạn song hành trong 2 Pr làm cho thư Giu-đa thêm sáng tỏ. Tuy vậy, vẫn có những điểm khác nhau như thư 2 Pr giải thích tại sao Chúa chậm trở lại trần gian, còn thư Giu-đa thì không đặt vấn đề này.

3. Tác giả là ai và viết thư này khi nào ?

Tác giả tự xưng là Si-mon Phê-rô (1,1) và nhắc lại biến cố hiển dung. Nhưng chính việc xưng danh này lại gây thắc mắc, tuy trong 1 Pr 3,1 người ta đã biết rõ tác giả là ai.:Thắc mắc ở chỗ có quá nhiều khác biệt về văn từ giữa hai thư, vì có đến 599 chữ khác nhau trong khi chỉ có 100 chữ giống nhau. Rồi hai thư lại đặt vấn đề khác nhau về cánh chung. Sự khác biệt ấy chứng tỏ phải có một thời gian cách quãng khá dài giữa hai thư. Như vậy, xem ra tác giả thuộc thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên. Thư này có sau thư Giu-đa. Thế mà người ta vẫn cho rằng thư được viết trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ I.

Sau hết, điểm chỉ thời gian quan trọng nhất là thư này nói rằng đã có một thư qui Kinh thánh. Đã có một sưu tập các thư của thánh Phao-lô, cho dù không đầy đủ, nhưng đã được liệt kê vào số sách thánh như các sách của các Tông đồ và các ngôn sứ khác (3,15-16). Tuy nhiên, không nên lưu lại quá muộn việc soạn thảo một bức thư đầy truyền thống Do thái giáo như vậy. Vì thế, có thể đế nghị là thư đã được viết vào khoảng năm 125. Nhưng như vậy cũng đã là quá muộn để có thể bảo đó là tác phẩm trực tiếp của thánh Phê-rô.

Vậy thư có phải là của môn phái Phê-rô không ? Có thể môn phái này đã theo tư tưởng của thầy mình mà viết ra, làm như một di chúc tinh thần để khuyến khích người ta trung thành giữ vững đức tin. Về điểm này, tưởng cũng nên nhắc lại một truyền thống đã được sử gia Êu-xê-bi-ô ghi chép là thánh Mác-cô, người có thời cộng tác với thánh Phê-rô (x 1 Pr 5,19) cũng đã đến rao giảng Tin Mừng ở A-lê-xan-ri-a, thành phố đầu tiên công nhận thư thứ hai này là của thánh Phê-rô.

4. Thư được đưa vào thư qui

Cũng như sách Khải huyền, đây là thư gặp nhiều khó khăn nhất mới được nhận vào thư qui. Chính nhờ Hội thánh A-lê-xan-ri-a mà thư này dần dần được đưa vào các Hội thánh khác. Trong bản thư qui Muratori (trước năm 200), không có thư này. Thư được nhắc đến lần đầu tiên trong tác phẩm của giáo phụ O-ri-giên (185-254), nhưng chỉ nói là đang trong vòng bàn cãi. Sử gia Êu-xê-bi-o (+340) cũng liệt thư vào số chưa được quyết định, Chỉ mãi đến thế kỷ V, thư mới được đa số các Hội thánh công nhận. Riêng ở Xi-ri phải đợi đến mãi thế kỷ VI. Tuy nhiên, vào khoảng năm 200 đã thấy thư này trong một bản dịch Tân Ước bằng tiếng Ai cập và khoảng thế kỷ III, thư xuất hiện trong một bản chỉ thảo số 72.

Kết luận

Cuối cùng thì thư thứ hai này cũng được công nhận và đưa vào thư qui, sau nhiều cuộc tranh luận và bàn cãi. Và như vậy, thư có giá trị linh hứng để giáo dục đức tin và hướng dẫn đạo lý cho các tìn hữu.

(Viết dựa theo TOB ấn bản 1994 trang 2983-2985)

Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/thu-thu-2-cua-thanh-phero-tong-do/