Trích từ Dân Chúa

Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Thê-xa-lo-ni-ca

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

1. Thành lập giáo đoàn

Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai vào năm 50, thánh Phao-lô đến Thê-xa-lo-ni-ca, thủ phủ xứ Ma-kê-đo-ni-a, Đây là thành phố lớn đầu tiên ở Âu châu ngài đặt chân tới. Thành phố này được thiết lập ngay từ thế kỹ IV trước công nguyên và mau chóng trở nên một thành phố quan trọng. Về địa thế, Thê-xa-lo-ni-ca nằm sâu trong vịnh Thê-mai-ót nên là một hải cảng vững chắc, lại nằm trên đường Ê-nha-xi-a nối biển Ê-dê (Égée) với biển A-ri-a-tích (Adriatique) nên lại là nơi qua lại tấp nập và là thị trường tiêu thụ của cả một vùng đồng bằng phì nhiêu ở bên trong nội địa. Dưới thời Ma-kê-do-ni-a thống trị cũng như dưới thời đế quốc Rô-ma, Thê-xa-lo-ni-ca đóng một vai trò chính trị quan trọng, đặc biệt trong cuộc nổi dậy năm 149 trước công nguyên nhằm rũ bỏ ách thống trị của người Rô-ma. Năm 42 trước công nguyên, Thê-xa-lo-ni-ca trở nên một thành phố được hưởng qui chế tự do dưới quyền cai trị của một tổng trấn. Thành phố cứ mỗi ngày một phát triển và bến tầu mỗi ngày một mở rộng thêm. Hồi thánh Phao-lô đến đây, Thê-xa-lo-ni-ca đã là một thành phố thương mại phồn thịnh có nhiều người nước ngoài và đống người Do thái.

Sách Công vụ Tông đồ cho biết thánh Phao-lô đã từ Phi-líp-phê tới đây, có các ông Si-la và Ti-tô di theo (Cv 17,1-10). Ngài lưu lại ở đây khá lâu và đã có thời gian hành nghề (1 Tx 2,9) và nhận đồ tiếp tế nhiều lần từ Phi-líp-phê gửi tới (Pl 4,16) cũng như đưa nhiều người Do thái, nhất là dân ngoại đến với Tin Mừng (1 Tx 1,9). Nhưng công việc rao giang của ngài bỗng nhiên bị gián đọan, vì sự chống đối của người Do thái, khiến ngài phải vội vã ra đi. Họ đã tạo ra một cuộc đại náo, phá rối không cho ngài giảng, vu khống cho ngài đã hoạt động chống lại các mệnh lệnh của triều đình và bắt một số tín hữu đưa ra tòa (Cv 17,5-9). Vì thế, ngài đã phải từ giã giáo đoàn vừa mới thành lập. Như vậy, làm sao ngài không lo lắng cho đàn chiên còn ở lại đang gặp bao sóng gió ? Cũng thật dễ hiểu tại sao trong thư, ngài đã nặng lời khi nói về người Do thái.

2. Thư 1 Thê-xa-lo-ni-ca

Điều đáng lưu ý là giọng điệu trong thư này rất khác với các thư khác. Thánh Phao-lô không phải băn khoăn về một điểm giáo lý nào. Ngài bày tỏ tâm tình tha thiết với giáo đoàn mới thành lập mà nay phải xa cách. Có lúc ngài đã băn khoăn nhưng rồi lại vui mừng vì nhận được tin tức của giáo đoàn. Thấy đức tin của họ ngày càng thêm vững mạnh, ngài hân hoan cảm tạ Chúa. Ngài không cần phải uốn nắn điều gì, vì mọi người đều đi theo đường lối ngài đã vạch ra.

Những tâm tình hỉ hoan sốt sắng ấy được diễn tả trong một lối văn đơn sơ trực tiếp. Thư này thật như một thông điệp đầy tình phụ tử của một người cha gủi cho các con. Nhờ thư này, người ta biết được Hội thánh thời sơ khai đã gặp phải bao nỗi cam go và các chiến thắng thật là phấn khởi. Thư cho thấy hào khí buổi ban đầu của hết mọi công cuộc vĩ đại.

Thật vậy, thư 1 Thê-xa-lo-ni-ca không những là thư đầu tiên của thánh Phao-lô mà còn là tác phẩm đầu tiên của toàn bộ Tân Ước. Ngài đã sọan thư này vào khoảng đầu năm 51 (20 năm sau khi Chúa Giê-su chịu chết), khi ngài vừa đến Co-rin-tô và đuợc môn đệ Ti-mô-thê cho biết các tin tức lạc quan về giáo đoàn Thê-xa-lo-ni-ca. Vẫn biết khi ấy đã có các truyền thống Tin Mừng rồi, nhưng các sách Tin Mừng như ngày nay vẫn chưa đuợc soạn ra. Nhiều tác phẩm Tân Ước khác ghi lại những truyền thống xa xưa, nhưng xét về bút tích thì thư 1 Thê-xa-lo-ni-ca là bản văn đầu tiên của Ki-tô giáo được lưu truyền.

3. Thư 2 Thê-xa-lo-ni-ca

Người ta cho rằng thánh Phao-lô đã gửi thư này ít lâu, sau khi đã gửi thư 1 Thê-xa-lo-ni-ca. Nhưng vẫn có người đặt câu hỏi có thật thánh Phao-lô là tác giả thư 2 Thê-xa-lo-ni-ca không ? Có hai nhận xét về thư thứ hai này. Nhận xét thứ nhất là có đến 10 chữ trong thư này chẳng bao giờ thấy xuất hiện trong các thư của thánh Phao-lô. Nhận xét thứ hai là một số chữ không có cùng một nghĩa như trong các thư khác. Ngoài ra, còn hai nhận xét nữa quan trọng hơn:

3,1 Văn chương trùng hợp

Thư thứ hai xem ra lấy lại nhiều từ ngữ và nhiều câu của thư thứ nhất, thí dụ:

1 Tx 1,2-3 = 2 Tx 1,3
1 Tx 2,12 = 2 Tx 1,5
1 Tx 3,15 = 2 Tx 1,7
1 Tx 3,11-13 = 2 Tx 2,16-17
1 Tx 2,9 = 2 Tx 3,8
1 Tx 5, 2-3 = 2 Tx 3, 16
1 Tx 5,28 = 2 Tx 3,17

Lý do giải thích hai thư giống nhau là vì cả hai thư chỉ viết cách nhau trong một khoảng thời gian ngắn. Như vậy, phải giả thiết rằng trong một thời gian ngắn, tình hình ở Thê-xa-lo-ni-ca đã biến đổi một cách đột ngột. Nhưng thư 1 Tx không cho phép phỏng đoán như thế. Do đó, thật khó mà hiểu được tại sao thánh Phao-lô đã có thể thay đổi cung giọng trong một khoảng thời gian chỉ có vài tuần lễ.

3,2 Giáo lý trong thư

Giáo lý trong thư về các biến cố sẽ xẩy ra trong thời cánh chung không thấy nhắc đến những tư tưởng trong thư 1 về ngày quang lâm bất thần của Đức Ki-tô. Lạ lùng hơn nữa là người ta sẽ đi từ một tình trạng xem ra như ổn định sang một tình trạng sụp đổ thì thư 2 lại mô tả các giai đọan lịch sử nối tiếp nhau cho đến khi Đức Ki-tô vinh hiển ngự đến.

Để trả lời cho những vấn nạn đó, người ta có thể nói rằng lối văn khải huyền vẫn thường pha trộn hai đề tài: biến cố sẽ xẩy ra cách bất ưng nhưng sẽ có các dấu hiệu báo trước. Khi có dịp, thánh Phao-lô cũng nói về thời cánh chung (1 Tx 4,13-5,3; 1 Cr 15, 20-24), nhưng không cho rằng trước đó người ta sẽ bỏ đạo và một Phản Ki-tô xụất hiện; còn thư 2 Tx thì rõ ràng là đã được soạn ra để trình bày diễn tiến khải huyền này (2 Tx 2,1-12). Nếu tác giả muốn nói cho rõ hơn hoặc đúng hơn một điều gì đã đuợc dạy trước đó, thì tại sao lại làm như chỉ nhắc lại một điều người ta đã được đọc và nghe về việc Chúa bất thần trở lại như kẻ trộm lúc ban đêm ?

Do đó, vấn đề vẫn có thể được đặt ra, nhưng có lẽ không quan trọng lắm, vì truyền thống không hề để ý tới. Chắc chắn thư 2 Tx `muốn đáp ứng một tình hình cụ thể của các giáo đoàn đang thao thức không hiểu tại sao Chúa không đến mau như người ta tưởng. Có lẽ một văn sĩ Ki-tô giáo nào đó hiểu biết giáo lý sâu xa của thánh Phao-lô thấy có bổn phận phải núp bóng ngài để sửa chữa một lối giải thích sai lạc và nguy hiểm về ngày Chúa quang lâm. Nếu vậy thì có thể giải thích được những khác biệt giữa hai thư về lời văn cũng như tư tưởng. Cách chấp văn như vậy đối với người xưa không có gì là lạ cả. Ngày nay, người ta có thể cho đó là giả mạo, thiếu thành thật, nhưng văn chương Do thái và Ki-tô giáo ngày xưa hay dùng kiểu cách như thế để xác định hoặc đào sâu một giáo lý cổ truyền nào đó. Nhưng dù sao thì thư 2 Tx cũng đã đóng một vai trò quan trọng lịch sử Hội thánh, tuy có nhiều ám chỉ khó hiểu theo lối văn mặc khải. Thư này khiến tín hữu không được có thái độ bàng quang, sống xa cuộc chiến phải đương đầu ở trần gian này, đồng thời nhắc bảo không đuợc tách lòng trông cậy ra khỏi thái độ cảnh giác.

4. Giáo lý về cánh chung

4.1 Trong thư 1 Tx

Mặc dù ba chương đầu toàn nhắc lại quá khứ và giọng thư rất khác với các thư khác, nhưng ở đây vẫn thấy có một giáo lý rất đặc biêt về cánh chung, tức là những biến cố trong thời sau hết. Giáo lý đó không phải chỉ nằm trong 4,13-5,3, bởi lẽ cả thư đều thấm đầy lòng tin về ngày Chúa Ki-tô quang lâm (x 1,10; 2, 19; 3, 13) và lấy việc này làm nền tảng cho thái độ ở đời của người Ki-tô hữu. Họ phải sống như người chờ đợi biến cố này. Cựu Ước đã nói tới ngày của ĐỨC CHÚA, tức ngày Người sẽ tỏ ra là vị Thẩm phán xét xử người lành cũng như kẻ dữ. Thánh Phao-lô đồng hóa ngày đó với ngày Đức Ki-tô quang lâm. Đức Ki-tô sẽ ngự đến trong vinh quang của một vị Con Thiên Chúa để cứu người trung tín và lên án kẻ bất nhân. Ngày đó, các tín hữu của Thiên Chúa phải vẹn toàn không có gì đáng chê trách.

Ngày đó lại gần đến. Thế hệ tín hữu đầu tiên kể cả thánh Phao-lô đều tin rằng Chúa sắp trở lại. Nhân một vấn nạn, ngài phải xác định thêm tư tưởng của mình. Tư tưởng đó là số phận những người chết trước khi Chúa đến sẽ ra sao ? Họ có bị thiệt thòi hơn những người đang còn sống trong ngày đó không ? Chắc là vấn nạn này đã được nêu lên khá sớm trong các giáo đoàn. Các tín hữu không biết ngày nào Chúa sẽ quang lâm, nên lo sợ phải chết trước ngày đó. Thánh Phao-lô trấn an họ (4,15-18). Lòng trông cậy của người tín hữu phải dựa vào biến cố Đức Ki-tô phục sinh và quyền năng của thiên Chúa đã cho Đức Ki-tô phục sinh. Người tín hữu chẳng bao giờ chết mãi. Chúa phục sinh sẽ không quên ai. Mọi người sẽ được tham dự vào ngày trọng đại kia và sự vinh quang đó. Bấy giờ các tín hữu đã chết sẽ sống lại trước rồi cùng các tín hữu đang sống đi đón Chúa để được ở cùng Người mãi mãi.

Thánh Phao-lô dạy như thế, dựa vào một lời của Chúa (x 4,15). Ngài dùng những hình ảnh của truyền thống khải huyền trong Do thái giáo. Tiếng Tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn sẽ phát lệnh của Chúa.. Điều đáng lưu ý là thánh Phao-lô bảo đừng có mất giờ ngồi tính toán, vì ngày đó sẽ đến bất ưng như kẻ trộm lúc ban đêm. Người ta cứ tưởng là bình an, nào ngờ chính lúc đó tai ương lại ập đến (5,2-3. Do đó, mối ưu tư duy nhất là phải luôn luôn sẵn sàng chờ Chúa đến, nên phải tỉnh thức không ngừng.

4,2 Trong thư 2 Tx

Trong thư thứ hai, mối ưu tư của thánh Phao-lô lại khác hẳn. Có một số tín hữu tưởng rằng Chúa Ki-tô đã gần đến, nên sống như Ngừoi đã đến rồi. Họ dựa vào một lời của thánh Phao-lô mà họ không hiểu rõ (2 Tx 2,1-2). Họ sống vô trật tự (3,6), không chịu khép mình vào kỷ luật đời sống hàng ngày và chẳng chịu làm gì nữa (3,10-12). Để giải quyết vấn đề đó, chương 2 đã phải tỉ mỉ nói đến các biến cố sẽ xảy ra trước ngày Chúa đến cho người ta đừng có ảo tưởng. Thật vậy, Chúa sẽ đến phạt kẻ bất tín và thưởng người hiếu trung (1,8-12). Nhưng Người chỉ đến sau khi có một số các đảo lộn sẽ xẩy ra, như truyền thống Do thái vẫn nói và như lời Chúa dạy trong Tin Mừng.(Mc 13). Đại khái, các biến cố sẽ xẩy ra như sau:

4,2,1 Thế giới phân đôi

Sa-tan đã họat động trong thế gian rồi. Bằng chứng là tín hữu đang bị bắt bớ. Thế giới sẽ phân làm hai hạng người: người tin và kẻ không tin. Số kẻ không tin mỗi ngày một tăng thêm. Đâu đâu cũng tràn ngập gian dối và bất công. Tệ hại nhất là những sự gạt gẫm; người ta sẽ lấy điều giả làm thật, cho bất công là công bình.

4,2,2 Nhiều người bỏ đạo

Rồi sẽ đến thời người ta bỏ đạo

Lúc ấy tên Vô đạo sẽ xuất hiện. Y là một tên Phản Ki-tô, hiện thân của mọi sự gian tà độc ác. Y làm những điều lạ lùng để lôi cuốn vào đường sai lạc những kẻ không có lòng yêu mến sự thật (2,10). Y dám tự phụ mình là Thượng đế và vào ngồi trong đền thờ. Lúc thánh Phao-lô viết thư này, tên Vô đạo kia chưa xuất hiện, vì có điều và có người còn đang cầm chân nó (3,6-7). Thánh Phao-lô muốn ám chỉ gì, hiện nay người ta không rõ, nhưng chắc chắn độc giả thời bây giờ đã phải hiểu. Dù sao, thời gian từ khi viết thư này cho tới khi tên Vô đạo kia xuất hiện, theo thánh Phao-lô, không biết còn bao lâu nữa.

4,2,3 Tên Phản Ki-tô bị tiêu diệt

Như vậy, ai sống như Chúa đã đến rồi là đã quên giáo lý của thánh Phao-lô (2,3); họ thật lầm lạc khi sống thoải mái như vậy, và chẳng hiểu gì về các cuộc giao tranh và rối loạn trong thời sau hết.

Trước khi Đức Ki-tô toàn thắng, cuộc chiến đấu sẽ cam go hơn nhiều; ai nấy phải tỉnh thức và sáng suốt hơn bao giờ hết. Vẫn biết Tin Mừng đã kêu gọi chúng ta tham dự vào vinh quang của Chúa (2,14), nhưng trước khi tới vinh quang, tín hữu phải chịu bắt bớ và khổ cực (1,4-5). Người ta chỉ có thể chịu được như thế, nếu biết tiến bước trong đức tin, đức cậy, đức mến và lòng kiên trì.

Do đó, sánh với thư 1 Tx, vấn đề Chúa đến đã đuợc tương đối hóa. Theo thư 2 Tx thì chính vì chúng ta đang sống ở đầu thời kỳ khải huyền, nên không được hấp tấp đảo lộn mọi trật tự trong cộng đoàn cũng như ngoài xã hội, lại phải tránh thái độ của những kẻ muốn sống như đã chiến thắng rôi, đang khi chưa có gì kết thúc. Nếu cần, phải đoạn tuyệt với bọn họ (3,14). Chính màn cuối cùng mới phân biệt thắng bại, nhưng chưa đến màn áp chót.

Kết luận

Như vậy, thư gửi tín hữu Thê-xa-lo-ni-ca đã nêu rõ vấn đề mà trải qua bao thời đại Ki-tô giáo đã không ngớt gặp phải, khi suy nghĩ về đức tin và đức cậy của mình. Hai thư Thê-xa-lo-ni-a thật là những tài liệu quan trọng về Hội thánh thời xưa và niềm trông đợi của Hội thánh thời ấy. Hai thư không khai triển các tín điều nhưng không phải vì vậy mà được coi nhẹ, bởi vì hai thư đã nói lên niềm tin chung của các tín hữu tiên khởi và kinh nghiệm bản thân của các nhà truyền giáo đầu tiên. Trong hai thư này, người ta đọc thấy nào là tình yêu của Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, nào là niềm tin vào Đức Ki-tô là Chúa, Đấng được tín hữu khát mong trở lại, nào là họat động phong phú của Chúa Thánh Thần trong lời rao giảng của các nhà tryền giáo và trong đời sống của các giáo đoàn. Mọi người tin chắc sẽ có phục sinh, ai nấy đều kiên trì trong cơn bách hại, tình yêu huynh đệ làm cho các tín hữu và các giáo đoàn liên đới với nhau... Người tín hữu có thể nào không năng đọc lại những bản văn phong phú này ? Làm sao họ không tìm thấy ở đó lời kêu gọi sống ngày nay niềm tin mãnh liệt như ngày xưa ?

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris, trang 2863-2869)

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/thu-thanh-phaolo-gui-tin-huu-thexalonica/