Trích từ Dân Chúa

Thư của Thánh Phaolô gửi tìn hữu Côlôxê

Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

1. Nội dung bức thư

Thư gửi tín hữu Cô-lô-xê chỉ có 4 chương, nhưng bao hàm những ý tưởng thần học rộng lớn. Truyền thống vẫn liệt kê thư này vào số các thư được viết trong thời kỳ thánh Phao-lô bị giam giữ.

Theo thói thường, thư bắt đầu bằng một công thức phụng vụ (1,1-20) là chào hỏi, tạ ơn vì công cuộc rao giảng Tin Mừng phát triển (1,3-8), cầu xin cho tín hữu (1,9-12), và ca tụng Đức Ki-tô là thủ lãnh vũ hoàn (1,13-20). Chính bài ca này làm cho bức thư nổi bật hẳn lên. Trong chương 1, từ câu 21 đến 23, tác giả chất vấn độc giả và từ đó gợi lên sứ vụ tông đồ, mà mục đích là thực hiện điều bài ca tụng nói trên đề cao, tức là đưa lời Chúa và các nỗi quẫn bách và sự đau khổ của Đức Ki-tô đến chỗ viên mãn, để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi mọi dân tộc (1,24-2,5).

Đoạn 2,6-3,4 là lời kêu gọi cảnh giác. Đây là lý do khiến thánh Phao-lô viết thư này: ngài muốn báo cho giáo đoàn biết mối nguy hiểm đang đe dọa họ, vì có những kẻ mạo danh thầy dạy, đến Cô-lô-xê rao truyền những lý thuyết và lề thói sai lạc. Trong cuộc tranh luận này, thấy nổi lên một bài ca tụng Đức Ki-tô đã toàn thắng các sức mạnh đối nghịch. Chiến thắng ấy, các tín hữu cũng được tham dự, nhờ phép rửa (2,6-15) làm cho họ được tự do đối với mọi hình thức biến họ trở thành nô lệ (2,16-3,4).

Sau đó, thánh Phao-lô khuyên bảo chung (3,5-4,6), dựa vào phép Rửa mà dạy rằng các tín hữu đã rũ bỏ con người cũ, được mặc lấy con người mới mà sự sống tinh tuyền đang thể hiện trong cộng đoàn, qua tác phong cũng như phụng vụ cộng đoàn đó đang cử hành (3,5-7).

Rồi ngài căn dặn cách thức xử trí với mọi người theo các công thức cổ truyền nói về đời sống gia đình và xã hội. Đó là đời sống trong Chúa và vì thế đời sống ấy có một ý nghĩa mới (3,18-4,1). Bức thư kết thúc bằng lời kêu mời tỉnh thức và cầu nguyện (4,2-4), căn dặn cách thức xử trí với người bên ngoài, gửi lời thăm rất nhiều người và nhắn tin để chào từ biệt.

2. Cuộc khủng hoảng ở Cô-lô-xê

2,1 Những điều bức thư cho biết

Bấy giờ thánh Phao-lô đang bị tù. Ngài gửi thư này cho tín hữu Cô-lô-xê. Ngài chưa tới đây bao giờ. Cô-lô-xê cách Ê-phê-xô 200 cây số về phía đông. Khi thánh Phao-lô rao giảng Tin Mừng ở Ê-phê-xô, môn đệ của ngài là Epaphras (Ê-pa-phơ-rát) gốc ở Cô-lô-xê đã thành lập được một giáo đoàn tại đây, cũng như tại Hierapolis (Hi-ê-ra-pô-lít) và Lao-đi-kê-a là hai thị trấn gần đó.

Lao-đi-kê-a là một trong bẩy giáo đoàn Tiểu Á có tên trong sách Khải huyền. Đó là giáo đoàn được thánh Phao-lô viết cho bức thư đề là “gửi tín hữu Ê-phê-xô”. Theo thư Cô-lô-xê thì đang khi bị giam, thánh Phao-lô đã được môn đệ Ê-pa-phơ-rát đến thăm và cho biết về tình hình nguy hiểm ở Cô-lô-xê. Thánh Phao-lô phái ông Ti-khi-cô đến, có lẽ mang theo cả bức thư này (4,7-8; x Ep 6,21) cùng với anh Ô-nê-si-mô (4,9). Hai người làm đại diện đến thăm và săn sóc giáo đoàn đang gặp khó khăn.

2,2 Một cuộc tranh luận gay go về thần học và đạo lý

Thánh Phao-lô đã từng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khác hẳn với những chuyện đã xảy ra tại Co-rin-tô và Ga-lát, ở đây vấn đề cá nhân không phải là chính yếu. Mặc dầu đã có nhiều cuộc nghiên cứu, nhưng người ta vẫn chưa biết rõ về các ý tưởng đang được loan truyền ở Cô-lô-xê thời bấy giờ. Thư Cô-lô-xê thường chỉ có những lời ám chỉ về những ý tưởng đó thôi. Nhiều từ ngữ chuyên môn lại càng làm cho các ý tưởng đó thêm tối nghĩa. Không biết đó là chủ trương của phe chống đối hay là dụng ý của thánh Phao-lô (2,18-21.23). Khuynh hướng chung của phe chống đối là muốn qua mặt Tin Mừng. Họ suy nghĩ về các thiên thần, về các kiểu cách hãm mình và tin tưởng vào việc thực thi một số hành vi theo luật định. Họ nghĩ rằng như vậy là làm cho đức tin nên hoàn hảo hơn, tín hữu được hiểu biết cao hơn về các mầu nhiệm và đời sống đạo phù hợp hơn với các khát vọng của mình. Có một cái gì đó giống như lập trường của phe Do thái đã bị thánh Phao-lô đả phá ở Ga-lát, nhưng ở đây cái gì đó có vẻ như đã hơi thay đổi và pha nhiều mầu sắc bí truyền, mở đường cho những khuynh hướng sẽ trở thành thuyết Ngộ đạo sau này. Từ ngữ ở đây cũng có vẻ mới, giống như mấy tác phẩm cuối của bộ Tân Ước và ngoài Tân Ước.

3. Các đặc tính trong thư Cô-lô-xê

Sánh với các thư khác của thánh Phao-lô, thư gửi tín hữu Cô-lô-xê có những nét đặc sắc sau đây:

3,1 Thay đổi từ ngữ

Có những từ ngữ trước đây đã được dùng nhưng bây giờ được mặc cho một nội dung mới như đầu, thân thể mầu nhiệm, kế hoạch, viên mãn, khôn ngoan, phong phú, hiểu biết v.v... Để chỉ các tín hữu, thánh Phao-lô hay dùng chữ “các thánh”.

3,2 Thay đổi lối hành văn

Tác giả ưa dùng nhiều chữ đồng nghĩa, nhiều túc từ, nhiều công thức phụng vụ (1,3.9-20), đôi khi có những chữ tối nghĩa.

3,3 Thay đổi tư tưởng

Những thay đổi này, nhiều khi rất khó nhận ra. Có những thay đổi được nhấn mạnh như Đức Ki-tô phục sinh vinh hiển. Biến cố này có một chiều kích rộng lớn bao trùm cả vũ trụ. Đức Ki-tô là đầu vũ trụ, là đầu Hội thánh, thống trị các quyền lực trên trời dưới đất..

Quan niệm về Hội thánh cũng thay đổi. Ý tưởng về thân thể trong 2 Cr 12 diễn tả sự khác biệt phong phú trong cộng đoàn duy nhất, bây giờ cũng mang thêm ý nghĩa rộng lớn. Các phạm trù không gian được năng dùng hơn các phạm trù thời gian và cánh chung. Nước Trời ở trên ta như một thực tại, làm chủ ta (1,13; 3,1-4). Do đó, thần học về phép Rửa cũng thay đổi nhiều: người thụ tẩy đã chết và sống lại với Chúa Ki-tô. Thư Cô-lô-xê dùng các quan niệm về sự viên mãn, khôn ngoan và soi sáng để thay thế cho các quan niệm nặng tính luật pháp. Tin Mừng trở thành một mầu nhiệm. Tất cả những đặc tính trên đều thấy lặp lại trong thư Ê-phê-xô, vì hai thư này rất gần nhau về văn từ và ý tưởng.

4. Ai là tác giả thư Cô-lô-xê ?

Những điều sau đây có thể giải đáp được câu hỏi nêu trên:

4,1 Các tiêu chuẩn văn chương

Trước hết là các tiêu chuẩn văn chương và thần học, tùy như người ta gán cho chúng tầm quan trọng nào và nhấn mạnh đến những điểm giống cũng nhu khác nhau giữa thư này với các thư khác,.để coi đây là thư do chính thánh Phao-lô viết vào lúc cuối đời hay do một thư ký hoặc môn đệ nào, hay có thể chỉ là tác phẩm của các thế hệ sau, nhưng thuộc môn phái Phao-lô.

4,2 Tương quan giữa thư Cô-lô-xê với các thư khác

Lại có những dữ kịện cho phép xác định các tương quan giữa thư Cô-lô-xê với các thư khác. Cô-lô-xê, Phi-lê-môn và Ê-phê-xô là những thư có cùng một hoàn cảnh. Thánh Phao-lô ở trong tù (Plm 1,9 -10..13.23; Ep 3,1; 4,1; 6,20) cử ông Ty-khi-cô và anh Ô-nê-si-mô đi làm cùng một công việc (Plm 1,12; Ep 6,21-22). Cô-lô-xê lại có những liên lạc với Phi-líp-phê, (một thư khác thánh Phao-lô viết trong thời kỳ bị giam giữ). Tuy nhiên, các yếu tố trên không có tính quyết định, vì người ta có thể nghĩ thư này vay mượn ít nhiều ở thư kia.

4,3 Tính chất cơn khủng hoảng ở Cô-lô-xê

Sau cùng, chính tính chất cơn khủng hoảng ở Cô-lô-xê cũng không được rõ ràng. Khó mà biết được cơn khủng hoảng đó đã xảy ra vào thời kỳ nào. Tác giả ám chỉ các lý thuyết và lề thói sai lạc mà không xác định. Thời gian Ki-tô gíáo nhiễm phải những tư tưởng của thuyết Tiền Ngộ đạo không biết là bao lâu, nên không thể chắc thư này đã được viết vào lúc nào.

Dựa vào các dữ kiện trên, có người đã đề nghị ba giải pháp sau đây:

4,3,1 Ý kiến thông thường

Ý kiến thông thường nhất là coi các thư Cô-lô-xê, Phi-lê-môn, Ê-phê-xô và Phi-líp-phê đã được viết vào cuối thời hoạt động truyền giáo của thánh Phao-lô, khi ngai bị giam lần thứ nhất ở Rô-ma vào khoảng năm 61-63. Thư Cô-lô-xê phác họa lần đầu tiên tư tưởng thần học được khai triển trong thư Ê-phê-xô. Tư tưởng trong thư Ê-phê-xô cao sâu, nhằm bầy tỏ ý nghĩa phổ quát của thập giá và vinh quang của Đức Ki-tô, hầu mặc khải mọi khía cạnh của mầu nhiệm cứu độ trong Hội thánh. Do đó, người ta thấy lối văn và viễn tượng trong thư có khác trước. Giả thuyết cho rằng thư này đã được viết khi thánh Phao-lô bị giữ ở Kai-da-ri-a (năm 58-60) cũng nằm trong một bối cảnh lịch sử tương tự. Đàng khác, cuộc khủng hoảng ở Ga-lát cho thấy tư tuởng trong thư có thể đã biến chuyển khá sớm.

4,3,2 Thời kỳ soạn thư

Trong số những người chủ trương thánh Phao-lô là tác giả thư Cô-lô-xê, nhiều vị lại đặt việc soạn thư này cũng như hai thư Phi-líp-phê và Phi-lê-mon không phải vào giai đoạn cuối, nhưng vào giữa thời gian truyền giáo và trước tác. Theo những người này, thư Cô-lô-xê đã được viết với các thư khác khi thánh Phao-lô đang ở Ê-phê-xô (năm 54-57), nơi có lẽ ngài đã bị giam giữ ít lâu (x 1 Cr 15.32; 2 Cr 1,8-10). Có như thế mới giải thích được những sự liên lạc gần gũi thường xuyên giữa ngài với các giáo đoàn ở trong vùng này. Nhưng như vậy, xem ra lại không tôn trọng quãng thời gian phải có để suy nghĩ và sọan ra bức thư này, cũng như việc tách thư Cô-lô-xê ra khỏi thư Ê-phê-xô.

Kết luận

Độc giả có thể không đồng ý về niên hiệu và tác giả của bức thư, nhưng vẫn đồng ý là thư Cô-lô-xê diễn tả đúng tư tưởng mà thánh Phao-lô thường bày tỏ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, như các tín hữu được đầy tràn ơn phúc trong Đức Ki-tô. Người là sự công chính của chúng ta (Gl + Rm), là định mệnh, sự sống và sự chết của chúng ta. Hãy coi chừng, đừng dính dáng gì với luật Mô-sê nữa, vì như thế là trở về cảnh nô lệ thuở xưa. Cũng đừng thờ sức mạnh nào khác ngoài Đức Ki-tô. Ở đây, thánh Phao-lô ca ngợi sự tự do của người tín hữu; ngài nói về bí tích Rửa tội như biến cố quyết định giải gỡ người tín hữu ra khỏi mọi sự công chính và quyền lực nào khác, ngoài sự công chính và quyền lục của Đưc Ki-tô. Người đã chết và sống lại một lần cho chúng ta, để mãi mãi chúng ta đuợc kết hợp mật thiết với Người. Đời sống của chúng ta đã được liên kết với đời sống của Người, nên chúng ta được đón nhận sức sống của Người để đối phó với mọi hoàn cảnh.

Đó chính là niềm vui và sự phấn khởi mà thư Cô-lô-xê gửi đến cho chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn và bế tắc.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris, phần dẫn nhập thư Cô-lô-xê)

Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/thu-cua-thanh-phaolo-gui-tin-huu-coloxe/