Trích từ Dân Chúa

Ơn Linh Hứng Kinh Thánh (2)

Giuse Nguyễn Tất Trung, OP

Phần hai
BẢN CHẤT ƠN LINH HỨNG

Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh, còn con người là dụng cụ Thiên Chúa dùng. Nhưng hai yếu tố thiên linh và nhân loại ấy liên hệ với nhau như thế nào ? Nói khác đi, Thiên Chúa tác động nơi soạn giả thánh như thế nào ?

I. XÁC ĐỊNH MỘT SỐ KHÁI NIỆM

1. Linh hứng và măïc khải

Mạc khải (revelatio: mở bức màn che), theo công đồng Vaticanô I, là việc Thiên Chúa tỏ cho biết giáo lý đức tin (doctrina fidei, Dz 3011 ; 3020), tức là các chân lý đức tin. Còn theo Công đồng Vaticanô II, thì măïc khải là Thiên Chúa tỏ cho ta biết chính Người là Đấng Sáng Tạo và là Đấng Cứu Độ, qua những kỳ quan của thiên nhiên, nhất là qua các biến cố của lịch sử cứu độ và những lời giải thích các biến cố đó (của các ngôn sứ, các Tông Đồ, đặc biệt qua Chúa Kitô là sự viên mãn của mặc khải (x. Dei Verbum, số 2,4,6).

Linh hứng là ơn Chúa Thánh Thần tác động để soạn giả thánh chép Sách Thánh. Xét về phía soạn giả, những điều ông biết và viết ra có thể là do mặc khải mới (mặc khải siêu nhiên, cũng có thể là những măïc khải đã được tỏ bày qua người khác), và cũng có thể là do những kiến thức tự nhiên đã có sẵn. Xét về phía kết quả, cuốn sách viết ra bao giờ cũng là măïc khải cho chúng ta, vì nhờ đó chúng ta biết được Thiên Chúa và mầu nhiệm của Người. Linh hứng là ghi lại mặc khải với sự bảo đảm của Thiên Chúa.

Giữa mặc khải với linh hứng không có sự đối chọi nhau nhưng là hoạt động hài hòa. Khó nói măïc khải và linh hứng bên nào trước bên nào sau xét theo thứ tự thời gian. Thiên Chúa tỏ mình ra trong thiên nhiên, trong lịch sử, cho tâm trí con người và qua người trung gian. Người nâng con người trung gian lên, ban tràn đầy Thánh Thần để họ sống, cảm nghĩ và diễn tả bằng lời nói và chữ viết chân lý phát sinh từ sự gặp gỡ giữa người ấy với Thiên Chúa.

2. Linh hứng và đoàn sủng

Đoàn sủng (hay đặc sủng, kharisma) là ơn đặc biệt Chúa Thánh Thần ban cho một số người, nhất là những người có trách nhiệm trong cộng đoàn để phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn, để xây dựng cộng đoàn (x. 1 Cr 12,4-11.28-30 ; Rm 12,6-8 ; Ep 4,11).

Nguồn mạch và nguyên lý thống nhất mọi đoàn sủng là Chúa Thánh Thần. Nhưng cách biểu lộ thì đa dạng, mỗi người tùy theo đoàn sủng được ban cho mình mà phục vụ, ví được như mỗi chi thể theo cách thức của mình mà phục vụ lợi ích của toàn thân thể. Có những đoàn sủng như: làm tông đồ, thày dạy, làm ngôn sứ, làm người coi sóc giáo đoàn, biên soạn Sách Thánh (đoàn sủng linh hứng) cũng là một đặc sủng (vì viết sách để gieo đức tin và củng cố đức tin của cộng đoàn). Mỗi người có thể được một hay nhiều đoàn sủng, vd: tông đồ và linh hứng, ngôn sứ và linh hứng, hoặc chỉ ơn linh hứng mà thôi. Như vậy linh hứng cũng là một đoàn sủng Chúa Thánh Thần ban để phục vụ cộng đoàn Giáo Hội.

II. NHỮNG QUAN NIỆM THIẾU SÓT VỀ ƠN LINH HỨNG

1. Quá nhấn mạnh về phía soạn giả.

a. Chấp thuận sau khi viết (approbation subséquente)

Đây là chủ trương của L. Leys (1554-1624), một tu sĩ Dòng Tên người Hòa Lan. Ông cho rằng: ”Nếu có cuốn sách nào (có lẽ là trường hợp của 2 Mcb) được viết ra hoàn toàn do sức loài người, không có ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, nhưng sau đó Chúa Thánh Thần công nhận là không có chút gì sai lầm, thì sách đó trở thành sách thánh”. Tiếp đó, S. Bonfrère (1573-1642) cũng thuộc Dòng Tên, người Bỉ, chấp nhận lối giải thích trên và gọi đó là linh hứng tiếp sau (inspiration subséquente).

Sixto Senense, một người Israel đã tòng giáo, năm 1575 xác quyết rằng ơn linh hứng Kinh Thánh hệ tại việc Giáo Hội nhận sách này sách kia vào trong Thư qui. Đức cha D. Von Haneberg, Dòng Biển Đức († 1876) cũng theo chủ trương này.

b. Trợ giúp từ bên ngoài (assistance externe)

Đây là chủ trương nhằm dung hòa hai thái cực, một muốn qui tất cả về Thiên Chúa đến độ không chú ý đến trách nhiệm của con người, một nhấn mạnh đến công việc của con người đến độ làm phương hại vai trò của Thiên Chúa. Đây là chủ trương của S. Bonfrère, J. Jahn (1816): Thiên Chúa trợ giúp từ bên ngoài giúp cho soạn giả thánh khỏi sai lầm, người ta còn gọi đây là ơn linh hứng đồng phụ (inspiration concomitance), nghĩa là Thiên Chúa chỉ phụ lực với soạn giả thánh cách tiêu cực mà thôi.

Ngoài ra còn một số cách giải thích của những người ngoài Công giáo hơn kém tương tự những chủ trương trên đây, thí dụ cho rằng Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh với một lý do đơn giản là vì Người muốn như thế. W. Lotz (Tin Lành) quan niệm ơn linh hứng là một sự thúc đẩy tinh thần: Thiên Chúa lựa chọn con người mà Người muốn sử dụng để thực hiện chương trình của Người. Rồi Người chuẩn bị, thúc đẩy, truyền lệnh viết. Trong trường hợp này, Thiên Chúa chỉ đóng vai trò khởi xướng việc soạn thảo Sách Thánh. Có thể gọi đây là ơn linh hứng đi trước (inspiration antécédente).

Một số không ít tác giả thời mới giản lược ơn linh hứng Kinh Thánh vào thi hứng.

Công đồng Vaticanô I đã bác bỏ hai chủ trương chấp thuận sau khi viết và trợ giúp bên ngoài (EB 77 ; Dz 3006).

2. Quá nhấn mạnh về phía Thiên Chúa

a. Xưa kia một số Giáo phụ nói: Thiên Chúa sử dụng soạn giả thánh như nhạc sĩ sử dụng cây đàn. Nhưng ta đừng hiểu quá sát kiểu nói đó. Bởi vì chính các Giáo phụ cũng nhìn nhận rằng soạn giả vẫn còn tự do sử dụng khả năng của mình.

b. Một số ý kiến ví soạn giả thánh như một dụng cụ vô tri (cây bút, máy chữ) trong tay Thiên Chúa. Như thế soạn giả thánh hoàn toàn thụ động và có thể ví với một viên thư ký không hơn không kém.

c. Nếu hiểu kiểu nói: Thiên Chúa ”đọc chính tả” (dictée verbale) theo nghĩa soạn giả thánh hoàn toàn thụ động, chỉ nghe và sao chép lại cách trung thực, thì quả đã giảm thiểu vai trò của tác giả loài người. Nhưng nếu hiểu động từ dictare theo nghĩa của La tinh cổ xưa, tức là một ông lớn gợi ý, đôi khi gợi cả lời lẽ của một bài diễn văn cho người thư ký. Rồi người thư ký theo đó mà viết, thì phần nào có thể chấp nhận được. Ta sẽ đề cập đến vấn đề “linh hứng ngôn từ” (inspiration verbale) sau.

III. TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN CHÚA NƠI SOẠN GIẢ THÁNH

Bỏ qua những quan niệm thiếu sót về ơn linh hứng, ta thử nghĩ coi thế nào là quan niệm tương đối khả dĩ (vì dù sao linh hứng Kinh Thánh vẫn còn là cái gì huyền nhiệm) về ơn linh hứng. Thiên Chúa đã tác động trên soạn giả thánh tới mức nào, để soạn giả thánh viết ra tác phẩm mà cả Thiên Chúa lẫn con người cùng là tác giả. Một số văn kiện của Giáo Hội giúp hướng dẫn việc tìm hiểu.

1. Công đồng Vaticanô I

”Giáo hội coi những sách này là thánh và thuộc Thư qui (pro sacris et canonicis habet) không phải bởi vì những sách này, sau khi đã được soạn ra do một mình công phu của con người, đã được quyền bính của Giáo Hội công nhận. Cũng không phải chỉ vì những sách đó chứa đựng măïc khải không sai lầm. Nhưng bởi vì những sách đó đã được chép ra nhờ ơn Chúa Thánh Thần linh hứng, nên có Thiên Chúa là tác giả và đã được truyền lại cho Giáo Hội với tư cách đó” (EB 77 ; Dz 3006). Ở đây Công đồng bác bỏ hai chủ trương: chấp thuận sau khi viết và trợ giúp bên ngoài như đã nói ở trên.

2. Thông điệp Providentissimus Deus (18.11.1893)

Đức giáo hoàng Lêô XIII, trong thông điệp này, viết về tác động của Chúa Thánh Thần như sau: ”Bằng một sức mạnh siêu nhiên, Người (Thiên Chúa) đã khơi động và thúc đẩy các soạn giả viết. Trong khi các vị viết, Người giúp các vị suy tưởng đúng, muốn viết lại cách trung thành và diễn tả cách thích hợp bằng chân lý không sai lầm (apte infaillibiti veritate exprimerunt) tất cả những gì Người truyền cho các vị viết và chỉ những điều đó thôi. Nếu không có như thế thì Người không phải là tác giả của tất cả Kinh Thánh” (EB 125 ; Dz 3293). Đây là bản văn rất quan trọng, vẫn được coi là một định nghĩa ơn linh hứng, bởi vì đoạn văn mô tả tác động cụ thể của ơn linh hứng nơi soạn giả khi ông đang làm việc: Thánh Thần hoạt động cùng với soạn giả con người. Người có sáng kiến, nhưng soạn giả thánh không thụ động, trái lại vẫn làm việc và cộng tác bằng trí tuệ, ý muốn và khả năng hành động.

3. Thông điệp Divino afflante Spiritu (30.9.1943)

Đây là thông điệp của Đức giáo hoàng Piô XII, được coi là hiến chương mới của khoa nghiên cứu Kinh Thánh trong Giáo Hội công giáo, và đã có ảnh hưởng rất lớn. Về vấn đề linh hứng, thông điệp nhấn mạnh đến vai trò của soạn giả: “Khi chép Sách Thánh, soạn giả thánh là dụng cụ của Chúa Thánh Thần, một dụng cụ sống và có lý trí”, do đó, “khi được Thiên Chúa tác động, vẫn còn sử dụng những khả năng và sức lực của mình. Thế nên từ cuốn sách do công lao soạn giả làm ra, ai nấy có thể nhận thấy dễ dàng tính cách riêng và những nét đặc thù của mỗi soạn giả” (EB 556).

4. Công đồng Vaticanô II

Hiến chế Mặc Khải, Dei Verbum, sử dụng lại Vaticanô I và hai thông điệp vừa kể trên, đã viết: “Những điều Thiên Chúa măïc khải và Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều đã được ghi chép do ơn Chúa Thánh Thần soi sáng (Spiritu Sancto afflante). Giáo Hội, Mẹ Thánh chúng ta, do niềm tin bắt nguồn từ thời các thánh Tông Đồ, coi là Sách Thánh và thuộc Thư qui toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn, vì lý do là các sách đó đã được chép nhờ ơn Chúa Thánh Thần linh hứng (Spiritu Sancto inspirante) nên có Thiên Chúa là tác giả và đã được truyền lại cho Giáo Hội với tư cách đó.

Trong việc soạn các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người và dùng họ, mà họ vẫn sử dụng những khả năng và sức lực của mình, để nhờ chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra với tư cách là những tác giả thực sự, tất cả những gì Người muốn và chỉ viết những điều đó thôi” (số 11).

Trong đoạn văn trên, Công đồng nhấn mạnh: Thiên Chúa là tác giả và con người cũng là tác giả của Sách Thánh.

5. Một cố gắng giải đáp: thuyết về nguyên nhân tác thành dụng cụ (cause efficiente instrumentale)

Thiên Chúa và con người thực sự cùng là tác giả của Sách Thánh. Nhưng phải giải thích thế nào ? Có lẽ hình ảnh tốt nhất tượng trưng sự hợp tác đó là hình ảnh của dụng cụ: Người thợ và dụng cụ liên kết mật thiết với nhau để làm nên một công trình. Không thể thiếu bên nào nhưng người thợ vẫn là người thợ, dụng cụ vẫn là dụng cụ.

Thánh Tôma phân biệt hai loại nguyên nhân: nguyên nhân chính và nguyên nhân dụng cụ:

a. Nguyên nhân chính hoạt động do năng lực bản thể mình. vd: lửa đốt nhờ sức nóng. Nguyên nhân chính lại chia thành:

- Nguyên nhân đệ nhất: không những hoạt động do sức riêng, mà đang khi hoạt động lại không lệ thuộc vào bất cứ nguyên nhân nào khác. Duy Thiên Chúa là nguyên nhân theo nghĩa này và là nguồn mạch sự hữu của mọi vật.

- Nguyên nhân đệ nhị: hoạt động do sức riêng, nhưng đang khi hoạt động phải lệ thuộc vào nguyên nhân đệ nhất. Nguyên nhân này không tạo ra sự hữu của các vật mà chỉ tạo ra vật này vật kia.

b. Nguyên nhân dụng cụ:

- Đặc nét thứ nhất và phân biệt nguyên nhân dụng cụ với nguyên nhân chính là: không thể tự mình hoạt động nhưng cần được nguyên nhân chính lay động mới làm ra một kết quả phù hợp với hình thức và mục đích của nó ; vd: cái cưa với hình thức cưa, để cưa. Nhưng cũng cần nhớ là nguyên nhân chính và nguyên nhân dụng cụ dầu là hai nhưng hợp lại thành một nguyên lý hoạt động duy nhất.

- Dụng cụ tùy thuộc nguyên nhân chính, nhưng không phải cách thụ động hay như cơ hội để nguyên nhân chính hoạt động, trái lại tự bản chất nó đã có một tiềm năng sẵn sàng để hoạt động khi được thúc đẩy.

- Dụng cụ không những được lay động mà còn được nâng cao để phát sinh một hiệu quả theo năng lực tự nhiên của nó, có người gọi đây là tác động dụng cụ do nguyên nhân chính thông cho, vd: cái cưa làm nên cái bàn.

- Dụng cụ cũng ảnh hưởng đến nguyên nhân chính, vì nguyên nhân chính phải thích ứng với bản chất và đặc tính của dụng cụ.

- Hai nguyên nhân hợp tác với nhau mật thiết đến độ thiếu một bên thì không thể sinh ra hiệu quả được. Hiệu quả cách nào đó thuộc về nguyên nhân dụng cụ xét theo phạm vi hiện hữu.

Đây là một ví dụ giúp hiểu những mệnh đề trên: cái bút được chế tạo với hình thức thích hợp để viết. Bản thân nó không viết được những dòng chữ mà cần phải có người nào đó cầm và viết. Hơn nữa khả năng tự nhiên của nó chỉ có thể vạch được những đường nét mà thôi. Nhưng khi được một người nào đó sử dụng, thì nó được nâng cao vượt khả năng tự nhiên của cây viết. Vậy, không thể nói nét chữ là thuộc về cây viết, còn nội dung truyền đạt là của người viết. Thực tế, hai yếu tố ấy hòa lẫn với nhau (một từ phải biểu thị một nội dung) nên những ký hiệu có ý nghĩa cũng là hiệu quả của cái bút.

6. Áp dụng vào soạn giả thánh

Theo dòng truyền thống của Kitô giáo, thánh Tôma vẫn so sánh soạn giả thánh như một ”dụng cụ” trong tay Thiên Chúa. Nhưng đừng hiểu kiểu nói ấy theo nghĩa đen, mà phải hiểu theo cách loại suy và co dãn, bởi vì đây là trường hợp đặc biệt: soạn giả thánh là một con người, một dụng cụ có nhân vị chứ không như bất cứ một dụng cụ vật chất nào khác. Đức giáo hoàng Piô XII viết: soạn giả thánh là ”dụng cụ của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là hữu thể sống và có lý trí”. Vậy áp dụng những điều vừa nói trên về nguyên nhân dụng cụ vào trường hợp của soạn giả thánh, ta thấy:

- Vì hoạt động của dụng cụ xét như dụng cụ là một với tác động của nguyên nhân chính, nên Thiên Chúa là tác giả chính của Kinh Thánh.

- Nguyên nhân chính và nguyên nhân dụng cụ hợp thành một nguyên lý hoạt động duy nhất, lệ thuộc lẫn nhau, hiệu quả là của chung cả hai: một bên vì đã lay động, một bên vì được lay động. Đây không phải là hai nguyên nhân kế cận nhau để mỗi nguyên nhân sinh hậu quả riêng. Do đó Thiên Chúa và con người đều là tác giả của Kinh Thánh. Thiên Chúa là nguyên nhân chính, tác giả con người là nguyên nhân dụng cụ.

- Hiệu quả phát sinh do sự hợp tác của hai nguyên nhân trên thuộc về phạm vi hiện hữu của nguyên nhân chính ; vậy nên Kinh Thánh có tính siêu nhiên, khác với mọi sách khác.

- Nhưng cũng là sản phẩm của con người vì soạn giả thánh, dù được Thiên Chúa lay động như một dụng cụ thực sự, vẫn hành động theo thể thức riêng của con người: các khả năng tự nhiên không bị ngưng, không bị hủy. Soạn giả thánh phải vận dụng mọi khả năng như tác giả của bất cứ cuốn sách nào phải làm.

- Hoạt động của nguyên nhân chính mang vết tích của dụng cụ nên cũng phải chia sẻ những thiếu sót, bất toàn của dụng cụ. Vì đó mà có những nét đặc biệt, khéo léo, vụng về nơi mỗi soạn giả trong cách hành văn. Đó là điều người đọc nhận thấy dễ dàng.

- Là một nhân vị, nên soạn giả thánh là một dụng cụ thuộc một loại riêng (sui generis) chứ không như bất cứ dụng cụ nào khác. Đây là dụng cụ có lý trí và tự do. Thiên Chúa, nguyên nhân chính, lay động dụng cụ này theo bản tính của nó: lay động trí tuệ, ý thức và các quan năng thực hành.

Tóm lại, “Thiên Chúa có thể dùng ơn của Người để đánh động từ bên trong, để họ không sai lầm mà vẫn hoàn toàn duy trì được bản chất của họ là tự do” (ST I-II, q.109 a.6 ad 1um ; q.111 a.2 ad 2um).

Nơi soạn giả thánh, tất cả mọi tài năng của con người có thể dùng vào việc viết sách, sẽ trở thành dụng cụ Thiên Chúa dùng để viết Sách Thánh. Điều đó thực hiện nhờ đoàn sủng linh hứng. Nhưng:

- Có cần chuẩn bị kiến thức về tâm lý, văn hóa, tôn giáo ? Có những kiến thức thuộc phạm vi tự nhiên như lịch sử, phong tục, địa dư ; có những kiến thức thuộc lãnh vực tôn giáo do giáo dục hay do nghiên cứu và có thể do măïc khải siêu nhiên Thiên Chúa đã tỏ qua người khác. Tất cả đều thuộc về phần chuẩn bị cho soạn giả thánh trước khi đón nhận ơn linh hứng để viết sách.

- Có cần chuẩn bị về luân lý ? Nếu xét tuyệt đối và theo lý thuyết thì không cần soạn giả thánh phải có sự thánh thiện cao, vì ông là dụng cụ trong tay Thiên Chúa rồi. Vả lại linh hứng là một đoàn sủng, để phục vụ lợi ích của cộng đoàn chứ không phải thuần túy cho cá nhân người được đoàn sủng. Trong Kinh Thánh có trường hợp Balaam (Ds 22 - 24) tuyên sấm không phải là thánh, nhưng chỉ nhân danh Thiên Chúa. Thực tế thì các soạn giả thánh đều là những người có lòng tin sâu sắc, có tâm tình mộ đạo cao, nhiều vị là tông đồ, ngôn sứ, môn đệ...

- Có ý thức mình được linh hứng ? Soạn giả thánh có thể sử dụng măïc khải cách gián tiếp tức là những măïc khải Thiên Chúa tỏ qua người khác. Ơn linh hứng thuần túy không đòi buộc phải có măïc khải trực tiếp. Vì thế, soạn giả thánh có thể không ý thức mình được Thiên Chúa linh hứng, vd. tác giả 2 Mcb. Ông chỉ có ý tóm lược sách của Giason Kyrênê (2,23) ; Sách các Vua vẫn hay nhắc đến các nguồn tài liệu được tham khảo ; thánh Luca với sách Tin Mừng và sách Công vụ... Nhưng không vì thế mà các soạn giả thánh hoàn toàn không ý thức về các việc mình làm. Các vị biết mình viết sách là để phục vụ Thiên Chúa. Các ngài cảm thấy mình có bổn phận phải viết để đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội, cảm thấy đó là một cách phục vụ Giáo Hội (Is 30,8 ; x. 8,16-18 ; 34,16 ; 1 Cr 7,1 tt).

Sau nữa, vì là đoàn sủng để viết Sách Thánh, nên ơn linh hứng không tồn tại mãi mà chỉ hiện hữu khi soạn giả thánh viết sách mà thôi.

Dưới đây ta theo kiểu nói của thông điệp Providentissimus Deus để nói rõ hoạt động của ơn linh hứng trên soạn giả thánh.

A. Trong trí tuệ: Thiên Chúa soi sáng

Để trình bày chân lý như Thiên Chúa muốn, trước tiên cần phải có một quan niệm cho đúng. Ơn linh hứng sẽ giúp trí tuệ soạn giả thánh nhận thức đúng. Một trong những yếu tố góp phần tích cực để hiểu tác động của ơn linh hứng đối với trí tuệ của soạn giả thánh là cách phân biệt phán đoán trừu tượng và phán đoán thực hành cùng vai trò của nó.

1. Phán đoán trừu tượng là việc tác giả nhận biết chân lý cần phải thông tri cho người khác. Phán đoán trừu tượng đóng vai trò chủ yếu khi nói về ngôn sứ. Bởi vì Thiên Chúa trực tiếp chiếu giãi ánh sáng vào trí tuệ của vị ngôn sứ, giúp ông hiểu được măïc khải vượt quá tầm trí hiểu của con người. Còn đối với soạn giả thánh, vì kiến thức có thể tìm được cách tự nhiên hoặc qua những măïc khải Thiên Chúa đã tỏ ra cho các vị khác, nên không cần Thiên Chúa phải trực tiếp cung cấp cho, chỉ cần Người ban một ánh sáng siêu nhiên mới (thuộc ơn linh hứng) để nhận thức lại những điều đã thu lượm cách này cách khác.

2. Phán đoán thực hành là tìm những phương tiện để thông tri cho người khác chân lý mình đã nhận thức. Soạn giả thánh phải nỗ lực để sắp đặt những điều mình đã biết thành sách vở. Tất cả diễn tiến này: từ tư tưởng, từ ngữ đến văn loại... đều diễn ra dưới ánh sáng siêu nhiên của ơn linh hứng. Đây cũng là điểm khác với ngôn sứ: Thiên Chúa soi sáng cho ngôn sứ nội dung măïc khải, còn ngôn sứ tự mình tìm cách nói ra ; còn linh hứng thì ảnh hưởng đến cả phán đoán thực hành, Thiên Chúa soi cho soạn giả thánh biết phải viết ra thế nào.

Quan hệ hỗ tương giữa hai phán đoán trên có nhiều cấp độ. Có khi phán đoán trừu tượng đi trước, phán đoán thực hành đi sau. Đây là trường hợp ta chiêm ngưỡng một chân lý, sau đó thấy nên tỏ cho người khác biết. Có khi phán đoán thực hành lại đi trước, đây là trường hợp ta muốn gây một hiệu quả nào đó đối với công chúng, vì đó ta nghĩ nên soạn một diễn từ, viết một cuốn sách, làm một bài thơ... và lúc bấy giờ ta mới suy nghĩ về những tư tưởng sẽ được triển khai trong cuốn sách.

Trong trường hợp soạn giả thánh, phán đoán thực hành có một vai trò rất lớn. Chắc chắn soạn giả muốn dạy dỗ, soi sáng cho độc giả một chân lý nào đó, nhưng trước tiên ông tìm cách để làm cho họ cảm kích và xúc động. Ông muốn thuyết phục bằng cảm quan hơn là bằng sức mạnh của lý luận. Vì vậy có thể phán đoán thực hành sẽ điều khiển và chế giảm biểu lộ của phán đoán trừu tượng, có khi còn bỏ qua nữa. Đó là trường hợp ông cảm thấy cần phải khẳng định tới mức độ nào hoặc chỉ viết cái gì đó để trang trí, vui cười chứ không nhằm dạy một chân lý nào. Đó cũng là trường hợp khi soạn giả thánh trích dẫn người khác mà không suy nghĩ lại.

Ơn linh hứng tác động vào trí tuệ, trên cả hai phán đoán trừu tượng và phán đoán thực hành, giúp cho soạn giả nhận thức chân lý Thiên Chúa muốn thông ban và biết nên viết điều gì và viết cách nào. Ánh sáng linh hứng đó có tính cách nội tại, để lời viết ra thực sự là của con người, và cũng là Lời của Thiên Chúa nhờ ánh sáng đó, bởi vì nếu là ngoại tại thì việc làm của soạn giả thánh không còn tính cách tự do nữa mà là bị cưỡng bách.

B. Trong ý chí: Thiên Chúa thúc đẩy

Ơn Thiên Chúa thúc đẩy soạn giả thánh để chỉ muốn viết những gì Thiên Chúa muốn. Vấn đề là sự hài hòa giữa ý muốn của Thiên Chúa với ý muốn của con người như thế nào. Nếu soạn giả thánh là một dụng cụ có lý trí và tự do, thì Thiên Chúa cũng phải sử dụng dụng cụ đó theo bản tính của nó là có tự do. Vì đó ơn linh hứng phải tác động trên ý chí vì đây là quan năng làm cho con người hành động như con người tức là có tự do.

Ơn siêu nhiên đó không chỉ là một sức mạnh hoạt động ngoài ý chí như truyền lệnh, khuyến khích (ta hay gặp thấy trong Kinh Thánh), vì như vậy mới chỉ tạo được một ảnh hưởng luân lý thôi. Ơn linh hứng đó phải tác động trực tiếp trên ý chí của soạn giả thánh, cách thực sự, tác động trên cơ năng mà vẫn duy trì được tự do của soạn giả thánh và phải có tính cách siêu nhiên (ơn thánh) để lời soạn giả loài người viết ra là Lời Thiên Chúa.

Phân biệt tác động của ý muốn Thiên Chúa trên ý muốn của con người mà vẫn duy trì được tự do của con người là chuyện khó và dễ gây ra hiểu lầm. Ở đây nữa, ta lại thấy tính cách huyền nhiệm trong việc Thiên Chúa linh hứng cho soạn giả. Cuối cùng phải nhận rằng Thiên Chúa không muốn hủy bỏ tự do là điều quí giá Người đã ban cho loài người. Khi thúc đẩy soạn giả viết, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của soạn giả. “Ý muốn của Thiên Chúa rất hữu hiệu, nên không phải chỉ những điều Người muốn đều thể hiện mà ngay cả cách thể hiện thế nào cũng theo ý Người” (ST I, q.19 a.8 c ad 2 et 3).

C. Trong hành động: Thiên Chúa giúp đỡ

Ý chí không những quyết định những gì trí tuệ thấy cần phải viết, nhưng còn vận dụng mọi cơ năng để thực hiện quyết định đó nữa. Vậy ơn linh hứng cũng tác động trên cả những cơ năng thực hành nữa. Khi thực hiện ý định viết, Thiên Chúa sẽ nâng đỡ các khả năng hành động như trí tưởng tượng, trí nhớ, tâm tình, khiếu viết văn và cả những hoạt động thân thể nữa. Vì Sách Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa và của con người, nên cũng phải qui những tác động của con người về cho Người, nghĩa là Người ban ơn linh hứng siêu nhiên trợ giúp.

Có cần một ơn riêng, trực tiếp không ?

1. Một số cho rằng không cần, vì các cơ năng thừa hành trực tiếp lệ thuộc trí tuệ và ý chí nên ơn linh hứng đã ban cho hai cơ năng trên cũng ảnh hưởng đến cả các cơ năng thừa hành.

2. Một số khác cho rằng cần, vì thực hành có phạm vi khác với hoạt động của trí tuệ và ý chí. Dĩ nhiên không có nghĩa là làm cho văn chương hay hơn, nhưng để làm cho công việc trở thành của Thiên Chúa. Ý kiến này dựa vào lời của Đức giáo hoàng Bênêđictô XV: “Thiên Chúa ban cho soạn giả thánh một sự trợ giúp đặc biệt và liên tục cho tới khi hoàn tất tác phẩm” (EB 461) và lời Đức giáo hoàng Piô XII được trích dẫn trong Dei Verbum, số 11.

Dầu sao cũng phải nhận là Thiên Chúa can thiệp vào mọi giai đoạn trong công tác soạn thảo một cuốn Sách Thánh: giúp soạn giả thánh nhận thức đúng, muốn viết cách trung thành điều Thiên Chúa muốn và vận dụng mọi khả năng để hoàn tất tác phẩm. Việc soạn sách thánh gọi được là một hành vi ”thiên nhân” (action théandrique). Cha P. Benoit viết: “Kinh Thánh có thể giống bất cứ sách nào khác của con người, ta thấy điều đó khi học hỏi cách cụ thể. Đồng thời Kinh Thánh cũng là một cuốn sách của Thiên Chúa đúng nghĩa, khác với mọi sách khác. Thật vậy, chính Thiên Chúa là nguồn gốc trực tiếp của toàn bộ Sách Thánh. Con người cũng là tác giả Sách Thánh. Nhưng mỗi bên có thứ bậc của mình: Thiên Chúa là tác giả chính, con người là dụng cụ trung thành của Người” (Introduction à la Bible I, Robert - Feuillet, p. 24). Hoặc có thể áp dụng một định lý của thần học công giáo cho ơn linh hứng Kinh Thánh: “Ơn sủng không hủy bỏ, nhưng hoàn thiện tự nhiên” (Gratia non tollat, sed perficit naturam).

(Còn tiếp)

Giuse Nguyễn Tất Trung, OP

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/on-linh-hung-kinh-thanh-2/