Trích từ Dân Chúa

Như Lời Kinh Thánh

BTGH

1. Đọc cuốn sách được đọc nhiều nhất thế giới như thế nào.

Trước tiên là sách Sáng Thế Ký, rồi đến Phúc Âm Thánh Mác-cô, đoạn đến sách Tiên Tri Giona, rồi… Một cuốn hướng dẫn đọc Kinh Thánh, cho những ai mở đọc nó lần đầu và cũng có thể không phải là Kitô hữu. Trong một ấn bản hoàn toàn mới cho công chúng nhờ hai tờ báo lớn.
Sandro Magister

Trong ít hôm nữa, tờ nhật báo “la Repubblica” và tờ tuần báo “L’espresso” sẽ cho ra mắt công chúng nước Ý hàng trăm ngàn cuốn với giá hỗ trợ, Kinh Thánh Kitô giáo trọn bộ, trong bản dịch mới đã được HĐGM Ý duyệt, gồm nhiều chú thích và được minh hoạ bằng những kiệt tác nghệ thuật của mọi thời đại.

Sẽ có ba tập : tập thứ nhất sẽ gồm Ngũ Kinh và Sách Lịch Sử; tập thứ hai, các sách khôn ngoan và các tiên tri; tập thứ ba, bốn Phúc Âm, Công Vụ, các thư tín và sách Khải Huyền.

Sáng kiến nầy càng lạ lùng khi hai tờ “La Repubblica” và ‘L’espresso” nằm trong số những tờ báo thế tục ở Ý và thưởng chỉ trích Giáo Hội Công giáo và chính đức tin Kitô giáo.

Mặc dù vậy, hai tờ báo nầy đã trình ra cho công chúng ba tập sách này với việc giới thiệu Kinh Thánh như là “một cuốn sách phải có, phải đọc và phải sống” vơi, thêm vào đó, “thẩm quyền được bảo đảm” từ bản dịch chính thức của Giáo Hội.

Ba tập sách nầy được lời giời thiệu của ĐHY Bagnasco, TGM giáo phận Gênoa và là chủ tịch HĐGM Ý và Đức TGM Giuseppe Betori, TGM giáo phận Florence và điều phối viên của bản dịch mới nầy, một bản dịch tốn công sức làm việc của các chuyên gia hàng đầu trong gần 20 năm. Trên bìa sách có câu nỗi tiếng của Thánh Grêgôriô Cả : “Những lời của Thiên Chúa lớn lên với kẻ đọc chúng”.

Người ta sẽ tìm thấy dưới đây bài viết qua đó tờ “L’espresso” giới thiệu Kinh Thánh cho độc giả và chỉ rõ làm thế nào để đọc Kinh Thánh lần đầu. Không phải cứ quyền nầy nối tiếp cuốn kia, mà bắt đầu bằng sách Sáng Thế Ký, đoạn chuyển ngay sang Tân Ước với Phúc Âm Thánh Mac-cô; sau đó quay lại Cựu Ước với sách tiên tri Giona, rồi đến….Sách hướng dẫn đọc nầy tất nhiên có thể bàn luận, song nó phản ánh cách thức Giáo Hội đọc các Sách Thánh trong các buổi phụng vụ.

Ngay sau đó, trên cùng trang ấy, có bài thuyết trình của Đức Biển-Đức XVI đọc ở Thượng Hội Đồng Giám Mục về “Lời Chúa trong cuộc sống và trong sứ mệnh Giáo Hội”, sáng thứ ba ngày 14.10.2008. Trong dịp nầy, Đức giáo hoàng, ứng khẩu giải thích Người ước ao nhường bao các Sách Thánh được đọc, hầu cho người ta nềm cảm được ý nghĩa đích thực và tròn đầy của Kinh Thánh, ở một thời đại mà “người ta đề ra những lối giải thích chối bỏ sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa trong lịch sử”.

2. “Những Lời của Thiên Chúa lớn lên cùng với người đọc chúng”

(Bài viết của tờ “L’espresso”, số 18. 2009)

Marc Chagall đã nói rằng Kinh Thánh là căn bản [alphabet] những màu ở đó người ta đã kín múc tất cả nghê thuật phương Tây. Rất đúng. Qua dòng thế kỷ, sự thành công nghệ thuật của Sách Thánh to lớn đến mức ngày nay những người đã học hỏi lịch sử thánh bằng hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc đông hơn nhiều so với những người đọc thẳng bản văn. Kinh Thánh là cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Nhưng rất hiếm những kẻ đã đọc nó trọn vẹn đầy đủ. Paul Claudel, thi sĩ người Pháp trở lại Đạo, đã nói rằng “các tín hữu Công giáo kính trọng kinh Thánh đến mức họ đứng xa Kinh Thánh càng xa càng tốt”.

Một sai lầm không thể tha thứ. Bởi vì, nếu thật sự Raphael dạy rất nhiều điều, thì càng đúng hơn rằng các bức phù điêu các căn phòng Vatican của ông vẫn khó đọc đoán nếu như người ta không hiểu cái lõi Kinh Thánh làm nền tảng của chúng, nếu như người ta không nhìn thấy, chẳng hạn, rằng các triết gia “trường phái Athen” đang tên đường hướng về phụng vụ trên trời và dưới thế của “Tranh Luận Bí Tích Thánh Thể” được hoạ trên bức tường đối diện. Kinh Thánh là một “thủ bản lớn lao” của nền văn hoá phương Tây. Những nhà phê bình văn chương lớn từ nay nhất trí về điểm nầy. Erich Auerbach đã chỉ cho thấy, trong một chương sách đáng ghi nhớ của cuốn “mimesis”, rằng sách Sáng Thế Ký và các Phúc Âm, còn hơn cả cuốn Odyssee của Homere, là cái nôi sản sinh chủ nghĩa hiện thực văn chương hiện đại; “Đó là câu chuyện về Chúa Kitô, với sự pha lẫn táo bạo giữa thực tế thường ngày với bi kịch rất cao cả kỳ vĩ, bất chấp những quy tắc văn phong cổ xưa”.

Đã hẳn, ít có người đọc được Kinh Thánh trong nguyên văn, tiếng Do Thái cổ đối với Cựu Ước, tiếng hy Lạp đối với Tân Ước. Nhưng hiện nay có thêm một lý do để đọc Kinh Thánh : sau gần 20 năm làm việc về phần các nhà Kinh Thánh và các trí thức, HĐGM Ý đã cho ra bản dịch Kinh Thánh tốt nhất trong các bản dịch tiếng Ý từ xưa đến nay. Cuốn Kinh Thánh mới được dịch xong nầy, mà tờ báo “L’espresso” đưa ra cho các độc giả, cũng là Kinh Thánh được đọc trong thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Vì vậy nó cũng được làm để được công bố, hát, phối nhạc, minh hoạ, như là bộ Vulgata của Thánh Hiêrônimô, bản dịch củ Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh mà trong nhiều thế kỷ, đã chỉ làm một với nền nghệ thuật vĩ đại phương Tây và với cuộc sống cũng như ngôn ngữ thường ngày của vô số đàn ông và phụ nữ.

Nhưng hãy cẩn thận, Kinh Thánh Kitô giáo có thể trừng phạt kẻ nào liều mạng vào đó một cách mù quáng. Đó là một cuốn sách rất đặc biệt, hay đúng hơn một tập hợp những cuốn sách, tất cả là 73, được sản xuất trong một ngàn năm và phân phối ra hai bộ sưu tập lớn, Cựu Ước và Tân Ước, mà ta không nên tách rời ra, nếu không muốn chẳng hiểu được gì trong đó. Thánh Lễ dạy điều đó. Người ta không bao giờ đọc một trang Phúc Âm mà trước đó không đọc một trang Cựu Uớc loan báo nó “in figura” ( ). Sẽ không thể hiểu được Chúa Giêsu nếu không có các sách Tiên Tri. Nếu Người đã sống lại từ cỏi chết, như các Phúc Âm làm chứng điều đó và kinh “Tin Kính” tuyên xưng như thế, thì điều ấy xảy ra “NHƯ LỜI KINH THÁNH”. Máu và nước tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Gioan khi ấy đang đứng dưới chân thập giá, khiến ta không thể không nghĩ đến chương thứ hai của sách Sáng Thế Ký, nghĩ tới Adam đang an giấc mà từ cạnh sườn Ông, Thiên Chúa đã rút ra Eva, mẹ của những kẻ sống. Thập giá là cây sự sống mới của thên đàng, như là cây rực rỡ đã trổ hoa của bức phù điêu vương cung thánh đường Thánh Clêmentê ở Rôma. Đó là suối nguồn của Hội Thánh, là khởi điểm của cuộc tạo dựng mới.

Hãy bắt đầu đọc Cựu Ước bằng sách Sáng Thế Ký. Đừng ngạc nhiên vì có đến hai chứ không phải là một trình thuật cuộc tạo dựng cái nầy nối tiếp cái kia, rất khác biệt cả về văn phong lẫn về nội dung. Kinh Thánh không muốn nói thế giới đươc sinh ra NHƯ THẾ NÀO, mà là VÌ SAO. Và cũng nói VÌ SAO từ một thế giới được Thiên Chúa chúc phúc là “tốt đẹp”, lại có thể tuôn trào bằng ấy sự dữ, không phải do số mệnh, mà là do một sự chọn lựa tự do, làm đảo lộn cả con người lẫn thiên nhiên. Từ Cain tới Lamech, từ tháp Babel tới lụt đại hồng thuỷ, sự ác độc đã xâm chiếm trái đất. Nhưng có ông Noé người công chính trong con tàu được cứu thoát khỏi lũ lụt. Rồi lại có lời kêu gọi một người công chính khác : Ông Abraham. Và có một sự công chính vượt qua cả dân riêng, với ông Melchisedech bí ẩn, không cha, không mẹ, không gia phả”, như tác giả thư gửi tín hữu Do Thái sẽ viết trong Tân Ước. Rồi có một Thiên Chúa thăm viếng ông Abraham dưới hình thức ba vị khách vô danh, là Andrei Roublev hoạ lại vào thế kỷ 15, như là ảnh Ba ngôi. Và còn cả Thiên Chúa đánh nhau với Giacop trên bờ thác nước Yabboq. Thiên Chúa ư? Kinh Thánh không viết ra điều đó. Kinh Thánh làm cho cảm thấy.

Về điều đó thì Kinh Thánh rất hiện đại. Kinh Thánh không bao giờ nói hết mọi sự. Ngược lại, nó buộc người đọc phải đi vào bên trong cốt truyện và đưa ra quyết định. “Lời Chúa lớn lên cùng với kẻ đọc chúng”, đó là lời Đức giáo hoàng Grêgôriô Cả trong một bài giảng về tiên tri Êzechiel. Giống như thể Kinh Thánh đang ngủ, trước khi người đọc đến đánh thức. Cách Sách Thánh đã được viết ra như thế, đầy những điều bí ẩn, những chấm lững, những chỗ tối tăm khó hiểu, những chỗ nhảy quảng. Và các giáo sĩ Do Thái thì vẫn luôn chú giải Kinh Thánh như thế : “misdrash” [phương pháp chú giải của người Do Thái các bản văn Kinh Thánh, không chính xác mà có tính chất so sánh. BTGH] là một tích luỹ không bao giờ cạn những điều đọc đi đọc lại, những sự lên dây cót và giải thích lại, thực tế và ảo tưởng. Một bức hoạ của Chagall minh hoạ rõ rệt điều nầy. Cũng như thế đối với phụng vụ Kitô giáo, ở đó Lời Chúa không phải là một bài đọc kiểu từ chương, nhưng trở thành thực thể sống động trong các biểu tượng bí tích. Ngôi Lời Thiên Chúa hoá thành nhục thể

Trong lễ Hiển Linh theo nghi lễ Thánh Ambrôsiô mà người ta vẫn còn cử hành ở Milan, một ca tiếp liên vốn là một bài hát ca tụng tính sáng tạo trong cách tiếp cận với Kinh Thánh. Bài ca tiếp liên nói: “Hôm nay, Giáo Hội kết hợp với Vị Hôn Phu thượng giới, Đấng đã tắm rửa Giáo Hội sạch hết tội lỗi trong sông Giođanô. Các nhà đạo sĩ rảo nhanh chân đến dự tiệc cưới hoàng gia với các lễ vật, tiệc cưới mà các khách đồng bàn hân hoan vì nước hoá thành rượu.Alleluia”. Ít nhất ba lần nhắc đến Phúc Âm : Ba đạo sĩ viếng thăm Hài Nhi Giêsu với các lễ vật; phép rửa Chúa Giêsu ở sông Giođanô;phép lạ ở tiệc cưới Cana. Nhưng thứ tự thời gian bị đảo lộn và trình thuật đã bị tách ra rồi nhập lại. Tiệc cưới trở thành tiệc cưới của Chúa Giêsu và Giáo Hội; nước rửa tội thanh tẩy vị hôn thê; các đạo sĩ mang những lễ vật đến dự lễ và các khách mời hiệp thông bằng việc uống rượu lạ lùng do chính Chúa Giêsu làm, ở đây và bây giờ (hic et nunc)

Sau khi đọc xong sách Sáng Thế Ký, ta chuyển sang Tân Ước và khởi đầu với Thánh Mác-cô, sách xưa nhất, ngắn nhất và chói ngời nhất trong bốn Phúc Âm. Trình thuật Thánh Mác-cô hoàn toàn được tổ chức chung quanh “bí mật thiên sai”, một bí mật chỉ để lộ ra căn tính thật sự của Chúa Giêsu khỏi vùng nửa tối nửa sáng từng khoảng xen kẻ và chỉ để lộ ra ở cuối cùng, với câu của người đội trưởng La mã trước cây thập giá : “Quả thật người nầy là Con Thiên Chúa”. Yếu tố khác rất hiện đại của phúc âm Thánh Mác-cô : kết thúc cụt lủn, lơ lửng! Đó là một viên sĩ quan ngoại giáo đã nhận ra Chúa Giêsu trong đức tin; các môn đệ tất cả đã bỏ trốn và những phụ nữ nhìn thấy ngôi mộ trống mà không nói gì với ai, ‘bởi vì các bà sợ”. Đọc một cái kết như vậy, làm sao không giữ thế chứ? Làm sao cả chúng ta nữa không vào vai diễn chứ? Người ta tiếc nuối là nhạc “Cuộc Thương Khó theo Thánh Mac-cô” của Jean-Se1bastien Bach bị thất lạc, khi người ta biết được biết bao kiệt tác ông đã rút ra từ cuộc khổ nạn long trọng và đạo mạo hơn của [Phúc Âm] Thánh Mat-thêu và cuộc khổ nạn, bí ẩn hơn, của [Phúc Âm] Thánh Gioan.

Sau khi đọc Phúc Âm Thánh Mac-cô, hãy về lại Cưu Ước. Hãy đọc sách tiên tri Giona rất ngắn gọn, vị tiên tri được Chúa gửi đến để cho thành Ninive ngoại đạo ăn năn và được tha thứ, đã bị cá voi nuốt và nhả ra còn sống ngày thứ ba, một câu truyện nổi bật đầy hài hước tinh vi : các bạn sẽ hiểu được tại sao Chúa Giêsu đã được nhận diện qua “dấu chỉ Giona” và tại sao Michel Ange đã vẽ chính vị tiên tri nầy, thật to, bên trên tường bàn thờ Nhà Nguyện Sixtine, giữa hai bức Tạo Dựng và Phán Xét Chung, giữa khởi đầu và tận thế.

Sau đó đến sách Ông Gióp, thần học vĩ đại và thi ca cao vời. Đoạn đến Sách Nhã Ca, bài thơ tình tuyệt diệu. Sau đó lại mở lại Tân Ước, bộ đôi hình thành Phúc Âm [theo] Thánh Luca và sách Công Vụ, với những cuộc phiêu lưu của Thánh Phaolô bị đắm tàu ở Malta, cuối cùng đến Roma. Chúng ta sẽ không khi nào còn nói Kinh Thánh nhàm chán nữa.

3. “Để mở kho tàng kinh thánh ra cho thế giới ngày nay và cho hết thảy chúng ta”

Đức Biển-Đức XVI

Anh Em quý mến, trong khi làm việc với cuốn sách của tôi về Chúa Giêsu, tôi có dịp để nhìn toàn bộ lợi ích mà người ta có thể rút ra từ khoa chú giải hiện đại, đồng thời cũng lãnh hội được những vấn nạn và nguy cơ của nó.

Hiến Chế “Dei Verbum” số 12 cho những chỉ dẫn phương pháp luận để làm công việc chú giải một cách thích đáng. Tiên vàn Hiến Chế xác nhận sự cần thiết phải sử dụng phương pháp phê bình lịch sử, mà HC mô tả sơ qua những yếu tố chính. Sự cần thiết nầy là hậu quả của nguyên tắc Kit6o giáo được nói lên trong Thư thứ I của Thánh Gioan : “Ngôi Lời đã hoá thánh nhục thể” (Ga 1, 14). Sự kiện lịch sử nầy là một chiều kích cấu thành đức tin Kitô giáo. Lịch sử cứu độ không còn là một chuyện thần thoại nữa, mà là một câu chuyện thật và vì thế phải nghiên cứu nó theo những phương pháp tìm hiểu lịch sử nghiêm túc.

Nhưng câu chuyện nầy còn có một chiều kích khác nữa, chiều kích hành động của Thiên Chúa. Vì thế HC “Dei Verbum” nói về một cấp độ phương pháp luận thứ hai cần thiết để giải thích tốt những lời vừa là lời con người, vừa là lời Thiên Chúa. Công Đồng nói - muốn áp dụng trong đó một quy tắc cơ bản cho mọi cách giải thích văn bản văn chương - phải giải thích các Sách Thánh trong chính tinh thần chúng được viết ra và Công Đồng từ đó chỉ ra ba yếu tố phương pháp luận căn bản cho phép quan tâm đến chiều kích Thiên Chúa và Thánh Linh của Kinh Thánh, Do vậy phải:

1). Giải thích bản văn nầy mà trong tâm trí luôn hiện diện sự hiệp nhất của toàn bộ Kinh Thánh. Ngày nay người ta gọi đó lá khoa chú giải Kinh Thánh quy chuẩn, một cụm từ chưa dó thời Công đồng, nhưng Công Đồng cũng nói y hệt như thế.

2). Phải lưu ý cả về truyền thống sống động của toàn thể Giáo Hội

3). Phải tôn trọng sự giống nhau của đức tin

Chỉ khi nào hai mức độ phương pháp luận – phê bình lịch sử và thần học – được tôn trọng, thì người ta mới có thể nói tới một khoa chú giải thần học, một khoa chú giải thích hợp cho cuồn Sách nầy. Trong khi, ở mức độ thứ nhất, khoa chú giải hàn lâm hiện tại làm việc ở một trình độ rất cao và đang giúp đỡ chúng ta thật sự, thì người ta lại không nói được như vậy về mức độ kia. Người thường cảm thấy rằng mức độ thứ hai nầy, cái mà ba yếu tố thần học do HC “Dei Verbum” chỉ ra, lại gần như trống vắng, kéo theo những hậu qủa có thể nói là nghiêm trọng.

Hậu quả thứ nhất do sự trống vắng mức độ phương pháp luận thứ hai nầy, là việc Kinh Thánh không còn là một cuốn sách của quá khứ nữa : người ta có thể rút từ đó những kết luận đạo đức luân lý, học ở đó lịch sử, nhưng Cuốn Sách với tư cách như thế thì chỉ nói về quá khứ và khoa chú giả không còn thật sự là thần học nữa. Nó trở thành lịch sữ thuần túy, lịch sử của văn chương. Đó là hậu qủa thứ nhất : Thánh Kinh vẫn ở trong quá khứ và chỉ nói về quá khứ.

Còn có một hậu quả thứ hai, nghiêm trọng hơn : khi khoa giải thích văn bản Kinh Thánh về đức tin được HC “Dei Verbum” chỉ dẫn, biến mất, thì một loại giải thích văn bản Kinh Thánh khác tất yếu xuất hiện, một khoa giải thích bị tục hoá, duy thực chứng, mà chìa khoá nền tảng là sự xác tín rằng Thần Minh không xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Theo khoa giải th1ich nầy, khi nào có vẻ như có một yếu tố thần minh, thì phải giải thích từ đâu đến cảm tưởng nầy và phải quy tất cả về yếu tố nhân loại.

Từ đó ta có thể thấy rằng người ta đưa ra những cách giải thích phủ nhận tính chất lịch sự của các yếu tố linh thánh. Ngày nay, cái mà người ta gọi là “xu thế” của khoa chú giải ở Đức, phủ nhận chẳng hạn rằng Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể và khẳng định rằng thân thể Chúa Giêsu vẫn còn ở trong mộ [hãy nhớ lại câu chuyện về đoạn phim tài liệu mà đạo diễn Cameron – đạo diễn phim Titanic - cho là đã khai quật mộ táng cho thấy có cả di cốt của Chúa Giêsu, Đức Maria, Thánh Giuse, v..v…Những chuyện lố bịch dễ dàng bác lại, nhưng dù sao nó cũng phản ảnh ảnh hưởng một cách giải thích Kinh Thánh. BTGH]. Đó là kết quả của việc thiếu một khoa giải thích đức tin qua Kinh Thánh : một khoa giải thích triết học ngoại giáo bấy giờ sẽ khẳng định mình và chối bỏ khả năng Thiên Chúa đi vào và hiện diện đích thực bên trong lịch sử.

Hậu quả của việc thiếu trình độ phương pháp luận thứ hai là một hố sâu phương pah1p luận được đào ra giữa khoa chú giải Kinh Thánh khoa học và “Lectio Divina” (BTGH đã giới thiệu văn tắt về phương pháp đọc - và cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa được Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa 2008 cổ vũ. BTGH]. Chính từ đó thỉnh thoảng sinh ra một hình thức phức tạp, rắc rối, kể cả trong việc soạn bài giảng. Khi khoa chú giải Kinh Thánh kho6ngt phải từ thần học, Kinh Thánh không thể là linh hồn của thần học và ngược lại, khi thần học không còn chủ yếu là cách giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, thì thần học nầy không còn nền tảng nữa.

Do đó tuyệt đối cần thiết, vì sự sống và vì sứ mệnh của Giáo Hội, vì tương lai của đức tin, phải vượt qua tính hai mặt giữa khoa chú giải Kinh Thánh và Thần Học. Thần học Kinh Thánh và Thần học hệ thống là hai chiều kích của một thự thề duy nhất, mà chúng ta gọi là THẦN HỌC.

Do vậy tôi cho là nên làm nếu như một trong các tuyên bố [của Thượng Hội Đồng] nói về sự cần thiết phải để tâm, trong khoa chú giải Kinh Thánh, về hai trình độ phương pháp luận do HC “De Verbum số 12 chỉ ra, nơi đặt ra vấn đề cần thiết phát huy một khoa chú giải Kinh Thánh không chỉ về mặt lịch sử, mà còn cả về mặt thần học. Do đó phải mở rộng việc đào tạo những nhà chú giải Kinh Thánh tương lai, để thực sự mở ra những kho tàng Kinh Thánh cho thế giới ngày nay và cho hết thảy chúng ta.

Chiesa, số ngày 01.05.2009

Ngày 23.04, Đức Thánh Cha Biển-Đức đã gặp uỷ ban thần học giáo hoàng, họp nhau lại để soạn thảo một văn kiện về “Linh Ứng và Chân Lý trong Kinh Thánh”. Nhân dịp nầy, Đức Thánh Cha đã vạch ra những đường nét chỉ đạo để đọc Sách Thánh “trong ngữ cảnh truyển thống sống động của toàn Giáo Hội”. BTGH đã giới thiệu toàn văn bài nầy: “Phải Hiểu Kinh Thánh Trong Giáo Hội” ngày 23.06.2009.

BTGH

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/nhu-loi-kinh-thanh/