Trích từ Dân Chúa

“Này là Mẹ con” (Gioan 19, 27)

+GM Giuse Võ Đức Minh

Thánh Gioan là tác giả Phúc Âm duy nhất ghi lại sự hiện diện của Đức Maria, Thân mẫu của Chúa Giêsu ở bên thập giá của Người. Và khi nghiên cứu cặn kẽ toàn bộ tác phẩm của Gioan, chúng ta sẽ thấy một sự tương đồng khá nổi bật giữa câu chuyện tiệc cưới ở Cana (Ga 2,1-11) và câu chuyện dưới chân thập giá ở Gò Sọ (Ga 19,25-27).

Tại tiệc cưới ở Cana cũng như tại Gò Sọ, khi viết về Đức Maria, thánh Gioan cho ta thấy có ba yếu tố đặc biệt này:

ở Cana ở Gò Sọ
Tiệc cưới Cana, có Mẹ Đức Giêsu (Mater Jesu) đứng bên khổ giá Đức Giêsu ở đó có mẹ Ngài (Mater ejus)
Này bà (Mulier) này bà (Mulier)
Giờ của tôi (Hora mea) chưa đến! Từ giờ đó (hora)…

Như thế, câu chuyện Đức Maria hiện diện bên chân thập giá rất có thể có liên hệ mật thiết với câu chuyện Đức Maria hiện diện ở tiệc cưới Cana. Và theo cung cách trình thuật của Gioan, ta có thể xem: câu chuyện ở Cana là dấu chỉ; câu chuyện ở Gò Sọ là hiện thực điều mà dấu chỉ đã báo trước.

Ngoài ra, một chi tiết không kém quan trọng giúp ta xác định vai trò của đọan này trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, đó là ở Ga 19, 28, thánh Gioan viết:

“Sau đó, Đức Giêsu biết rằng mọi sự đã hoàn tất…” có nghĩa là: sau việc đó,

Như vậy, từ ngữ “sau đó” diễn tả mối tương quan mật thiết giữa một việc sắp xảy ra với một việc vừa xảy ra. Và việc sắp xảy ra lại là lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Đã hoàn tất”.

Từ đó, ta phải hiểu rằng lời trối của Đức Giêsu trong đoạn này chính là hành vi cuối cùng của Chúa, và là một hành vi có ý nghĩa trong công việc cứu thế của Người. Hành vi cuối cùng này đã thực hiện trong giờ của Người.

“Đứng bên khổ giá Đức Giêsu, có Mẹ Ngài và người chị em của mẹ Ngài, Maria (vợ) của Clôpa, và Maria người Magđala”.

Việc ghi thêm tên Chúa Giêsu sau chữ khổ giá có ý nhấn mạnh: đây là khổ giá của Chúa Giêsu! Điều này cho ta thấy không những Thân mẫu của Ngài và những phụ nữ kia đứng bên cạnh khổ giá (nghĩa về nơi chốn) mà còn kết hợp tham dự vào khổ giá của Ngài (nghĩa tinh thần).

Một vấn đề khác được các nhà chú giải quan tâm, là có mấy người đứng bên khổ giá của Chúa: ba hay bốn người nữ?

Một số tác giả và ngay cả bản dịch Vulgata thì cắt nghĩa là ba người: Mẹ Ngài, người chị em của Mẹ Ngài (có tên là) Maria (vợ của Clôpa) và Maria người Magđala.

Thế nhưng, hiện nay hầu như tất cả đều hiểu là có 4 người: Mẹ Ngài, người chị em của Mẹ Ngài, Maria (vợ) của Clôpa, Maria người Magđala, vì hai người sau được nêu đích danh và được xác định rõ ràng.

“Vậy Đức Giêsu thấy Mẹ Ngài,

và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh,

thì Ngài nói với Mẹ: “Hỡi bà, này là con bà!”

Đoạn lại nói với môn đồ: “Này là Mẹ con!”

Căn cứ trên cấu trúc của đoạn này, ta có thể phân tích như sau:

1/ Cả hai lời trối được đặt song song với nhau. Nếu chỉ là lời trối có tính chất ký thác, giao phó Mẹ lại cho người môn đệ chăm sóc (chữ hiếu), thì chỉ cần nói với môn đệ là đủ: “Này là Mẹ con!” Nhưng ở đây lại có thêm lời trối cho Thân mẫu của Ngài, thì chắc hẳn không phải là lời ký thác, nhưng phải mang một ý nghĩa nào nữa.

2/ Trong lời trối này, Đức Giêsu đã nói với Thân mẫu Ngài trước, điều đó cho thấy chủ ý của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mạng quan trọng mà Thân mẫu Ngài sẽ phải đảm nhận, khác với sứ mạng của người môn đệ.

3/ Hướng về Thân mẫu Ngài, Đức Giêsu đã nêu lên một danh hiệu: “Hỡi bà!”, “Thưa bà” (gynai, Mulier). Và đây là một danh hiệu rất quan trọng (cf Kn 3,20.23 : Eva (gynê).

4/ Thánh Gioan viết: Mẹ Ngài đứng bên khổ giá Đức Giêsu; còn người môn đệ lại đứng bên cạnh Thân mẫu của Ngài. Như thế, Đức Maria có mối tương quan trực tiếp với khổ giá Đức Giêsu, còn người môn đệ thì có tương quan với Đức Maria; Đức Maria đứng dưới bóng khổ giá, còn người môn đệ đứng dưới bóng Đức Maria!

5/ Mạch văn đoạn này của Gioan hoàn toàn là một sơ đồ văn chương diễn tả sự mạc khải:

– khởi đầu bằng động từ: thấy

– tiếp theo là động từ: nói

kèm theo theo công thức: Này là … Này là

– sau cùng là xác định cụ thể con người và sự mạng phải đảm nhận: Con của bà ! – Mẹ của con !

Đây là công thức mạc khải mà Thánh Kinh thường sử dụng: cf Is 49,18; 60,4 - Ba 4,36; 5,5 - Ez 1,4; 37,8 - Dn 2,31

Trong Phúc Âm thứ tư, chúng ta con gặp thấy những ví dụ tương tự:

– (trường hợp Gioan Tẩy Giả)

1,29: “Hôm sau, ông thấy Đức Giêsu đến với ông, thì ông nói:

Này là Chiên của Thiên Chúa, Đấng khử trừ tội của thế gian …

1,36: “Ông ngó về phía Đức Giêsu đang ngang qua, mà nói:

Này là Chiên của Thiên Chúa”

– (trường hợp của Chúa Giêsu)

1,47: “Đức Giêsu thấy Nathanael đến với Ngài,

thì Ngài nói về ông: Này đây đích thật một người Israel,

trong mình không có gian dối”

Phân tích các bản văn này cho thấy cả Gioan Tẩy Giả cũng như Chúa Giêsu đã mạc khải cho mọi người biết một điều từ trước đến nay vẫn chưa ai thấu hiểu được. Gioan thấy Đức Giêsu, thì mạc khải cho mọi người biết Ngài là Đấng Mêsia, tức là Chiên của Thiên Chúa. Đức Giêsu thấy Nathanael, thì mạc khải cho mọi người biết con người đích thật của ông.

Trở lại đoạn văn Ga 19,25-27 này, chúng ta có: Đức Giêsu từ trên khổ giá thấy Mẹ Ngài và môn đệ Ngài yêu dấu đứng bên cạnh, thì Ngài đã mạc khải cho mọi người biết sự mạng của mỗi người, sứ mạng mà từ trước đến nay chưa ai thấu hiểu được. Đức Giêsu mạc khải cho biết vai trò của Đức Maria kể từ lúc này là Mẹ đối với người môn đệ; và người môn đệ kể từ lúc này là con đối với Đức Maria.

Như thế, ta không nên giải thích lời trối của Đức Giêsu ở đây như là một cử chỉ hiếu thảo của một người con sắp lìa trần đối với mẹ ruột của mình!

6/ Công thức “Môn đệ Ngài yêu mến”. Căn cứ theo truyền thống, người môn đệ này chính là Gioan, tác giả Phúc Âm thứ tư.

Nhưng công thức này còn có thể cho ta hiểu thêm nội dung nào nữa không ?

Tác giả Phúc Âm thứ tư có khuynh hướng khi đề cập đến những con người mà không nêu đích danh, là nhằm trình bày ‘những mẫu người’, những con người tiêu biểu của từng giới, hoặc từng hạng người. Từ đó, Gioan không có ý nói người môn đệ Chúa yêu mến để nhằm chỉ một người nhất định, nhưng để chỉ bất cứ ai được hưởng tình yêu của Ngài, được trở nên đối tượng tình yêu của Ngài. Vì thế, người môn đệ này chính là mẫu của mọi người môn đệ của Chúa Giêsu. Từ nay, Chúa Giêsu giao phó người môn đệ cho Đức Maria chăm sóc và Đức Maria trở nên người mẹ mới của người môn đệ. Tình mẫu tử mới này sẽ là tình mẫu tử thiêng liêng dựa trên căn bản của lời trối của Chúa Giêsu trên thập giá. Vì thế, nền tảng của mối quan hệ mẫu tử mới giữa Đức Maria và người môn đệ Chúa yêu phải được xây dựng trên sự từ bỏ. Đức Giêsu sắp từ bỏ mạng sống mình để hoàn thành công việc cứu độ và lời trối này là hành vi cuối cùng của Đức Giêsu. Đức Maria cũng sắp từ bỏ người Con theo huyết nhục của mình, vì người Con này sắp tắt thở. Chữ “Hỡi bà” như kéo Đức Maria ra khỏi sự đau đớn theo nghĩa xác phàm, khác nào lưỡi gươm đâm vào trái tim huyết nhục của Người. Người được mời gọi phải thông phần với Đức Giêsu sắp từ bỏ mạng sống mình mà về cùng Cha, để từ nay Người không còn sống trong huyết nhục nữa. Rõ ràng, Đức Maria phải chết đi, phải từ bỏ tư cách là Mẹ theo nghĩa huyết nhục. Do đó, tình mẫu tử mới được thực hiện bằng sự từ bỏ, bằng việc chết đi cho con người cũ của mình.

Cũng thế, người môn đệ Chúa yêu đón nhận lời trối này cũng phải sống trong sự từ bỏ, mà việc từ bỏ cái tên cũ của mình có thể là một dấu chỉ. Gioan, con của bà Zêbêđê đã một lần từ bỏ người mẹ ruột của mình khi muốn làm một đệ của Chúa Giêsu. Do đó, tại đây, ở bên khổ giá của Chúa Giêsu, không lý gì là Chúa lại muốn Gioan có thêm một người mẹ theo nghĩa thông thường nữa, như thể kéo Gioan trở lại sống mối tương quan mẹ con như trước khi đi theo Chúa Giêsu! Vì thế, người môn đệ Chúa yêu, nhờ hành vi từ bỏ này, mà được trở nên con người mới, con người được tái sinh nhờ sự từ bỏ mạng sống mình của Chúa Giêsu, nhờ cái chết của Chúa Giêsu.

Những phân tích trên làm nổi bật tính chất hết sức thiêng liêng của lời trối. Đức Maria từ nay trở nên Mẹ và là Mẹ thiêng liêng của người môn đệ Chúa yêu, Mẹ của các thế hệ môn đệ của Chúa Giêsu; vì bất cứ ai tin và đi theo Chúa Giêsu, đều trở nên người môn đệ Chúa yêu. Và người môn đệ đó được diễm phúc gọi Đức Maria là Mẹ của mình.

Tóm lại, lời trối này của Chúa Giêsu có một ý nghĩa quan trọng trong công cuộc cứu thế của Ngài. Từ trên thập giá, từ cái chết của mình, Chúa Giêsu thiếp lập và trao ban sự sống mới mà Đức Maria được diễm phúc trở nên “bà”, trở nên Mẹ của tình mẫu tử mới, tình mẫu tử thiêng liêng. Tất cả môn đệ của Chúa Giêsu –tức là những ai tin và đi theo Chúa Giêsu– kể từ nay được đặt làm con của Đức Maria, con không theo nghĩa huyết nhục, nhưng là con thiêng liêng. Và đó chính là hành vi cao cả bộc lộ tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho người môn đệ: Ngài đã yêu thương họ và yêu thương cho đến cùng (Ga 13,1).

Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, nhờ lời trối này, đã trở nên Mẹ của các tín hữu; và người môn đệ Chúa yêu chính là khuôn mặt của người môn đệ lý tưởng, người tín hữu lý tưởng của mọi thế hệ Kitô hữu.

“Và từ giờ đó, môn đệ đã lãnh lấy bà về nhà mình”

Đứng trước thập giá của Chúa Giêsu, chứng kiến cái chết của Người và hiểu được Lời trối thiêng liêng đó, người môn đệ đã lãnh lấy Đức Maria, người Mẹ thiêng liêng của mình mà Chúa Giêsu vừa mạc khải cho biết, để Mẹ Maria trở nên thực sự là của mình, là Đấng không thể thiếu được trong đời sống của mình; bởi vì, trong đời sống mới, thiêng liêng, Người là Mẹ của những ai mang danh là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến.

+ GM Giuse Võ Đức Minh

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/nay-la-me-con-gioan-19-27/