Trích từ Dân Chúa
Vũ Văn An
(tiếp theo)
Như đã thưa trên đây, Phúc âm theo Thánh Mátthêu có hai phiên bản kể lại giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn, phiên bản đầu ngắn hơn, là lời phán (logion) ít nhiều độc lập bên trong Bài Giảng Trên Núi (5:31-32), phiên bản thứ hai dài hơn, là một trình thuật, giống như trong Máccô, kể lại cuộc đụng độ với một nhóm Biệt Phái (19:1-12).
Trong bối cảnh của nó, phiên bản Bải Giảng là lời phán thứ năm trong toàn bộ các lời phán của Chúa Giêsu. Giống như lời phán này, chúng đều ngắn ngủi, đầy đủ như những đơn vị độc lập của một bài dạy giáo lý, có ý hướng chuyển giao cốt lõi giáo huấn luân lý của Chúa Giêsu về những điểm riêng rẽ thuộc tác phong. Ta hẳn đã quen thuộc với bộ các lời phán này, như “các con là muối đất…” (5:13-16); “đừng nghĩ ta đến để phá hủy lề luật hay các tiên tri…” (5:17-20); “các ông đã nghe có lời phán với tổ tiên chúng ta rằng: ‘chớ giết người…’ Nhưng tôi cho các ông hay…” (5:21-26); “các ông đã nghe ‘chớ ngoại tình’, Nhưng tôi bảo cho các ông hay…” (5:27-30). Hai lời phán sau có hình thức phản đề “không những, mà còn…” được Chúa Giêsu đặt giữa truyền thống các thính giả của Ngài từng học biết và nền luân lý mới được Ngài truyền dạy cho.
Phiên bản ngắn trong Mátthêu về giáo huấn của Chúa Giêsu đối với ly dị và tái hôn cũng được phát biểu dưới hình thức vừa nói đó: "Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
Trích đoạn trên khá giống với trích đoạn của Luca đến nỗi người ta có lý mà tin là chúng cùng phát xuất từ một nguồn chung. Vì ở phần giống nhau, cả hai quá khác với Máccô, nên phần chắc là chúng đã không vay mượn từ nguồn phúc âm này. Mà là từ nguồn Q. Xét cả về nội dung lẫn văn phong, ta thấy cả hai trích đoạn trên đều là tư liệu của nguồn Q. Ấy thế nhưng, các điểm giống nhau có ý nghĩa chỉ là hai mà thôi: thứ nhất, cả hai đều dùng động từ apolúein để chỉ loại ly dị được Chúa Giêsu cho hay sẽ dẫn tới ngoại tình; thứ hai, cả hai đều có cùng một câu kết y như nhau: “và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
Còn các điểm khác nhau giữa hai trích đoạn trên khá rõ rệt, mặc dù chúng có cùng một ý định truyền dạy. Trong Luca, Chúa Giêsu không nhắc lại việc luật Môsen buộc người chồng rẫy vợ phải cấp cho nàng một ly thư. Nhắc như thế sẽ làm cử tọa Ngoại Giáo của ông bối rối vì họ vốn không quen thuộc với điểm lề luật và thực hành ấy. Trong khi theo Luca, Chúa Giêsu cho hay hậu quả việc chồng rẫy bỏ vợ là anh ta sẽ phạm tội ngoại tình nếu tái hôn, thì theo Mátthêu, Chúa Giêsu cho hay hậu quả ấy là khi rẫy bỏ vợ, người chồng sẽ khiến nàng trở thành kẻ ngoại tình (17). Do đó, nếu đọc kỹ cả hai phiên bản, ta thấy theo Luca, Chúa Giêsu không nói có gì sai nếu người chồng chỉ rẫy bỏ vợ, còn theo Mátthêu thì điều ấy đã là điều sai rồi. Sau cùng, theo Mátthêu, Chúa Giêsu có thòng câu ‘ngoại trừ’ sau đây: “ngoại trừ trường hợp pornéia”, còn theo Luca, không có câu thòng ấy.
Cuối cùng, cần ghi chú rằng hai trích đoạn trên mô tả Chúa Giêsu nói với các cử tọa đồng nhất, nếu không muốn nói là y hệt nhau. Trong Luca, cử tọa chính là các môn đệ của Chúa Giêsu cùng đi với Ngài trong hành trình từ Galilê lên Giêrusalem. Trong Mátthêu, cử tọa là các môn đệ cùng đi với Ngài lên sườn đồi Galilê và lắng nghe giáo huấn của Ngài. Ở cả hai trường hợp, việc nhận dạng cử tọa xem ra có vẻ giả tạo. Vì việc nhận dạng này chỉ có nghĩa trong vai trò làm đại biểu cho tất cả những ai cả Luca lẫn Mátthêu nghĩ là Chúa Giêsu có ý định nhắn gửi giáo huấn của Ngài về ly dị và tái hôn.
Cái sườn tổng quát trong phiên bản trình thuật của Mátthêu cũng tương tự như trong phiên bản Máccô. Sự giống nhau này rất có thể là hiệu quả việc Mátthêu vay mượn trình thuật của mình nơi Máccô. Bởi thế, trong Mátthêu cũng như trong Máccô, một nhóm Biệt Phái đã tới để thử thách Ngài; Ngài trả lời bằng cách thử thách lại họ. Họ nại Môsen ra để chống lại Ngài; Ngài chỉnh lại lối giải thích Môsen của họ và trở lui quá cả Môsen tới điều chính Thiên Chúa thiết dựng ngay từ thuở ban đầu. Ngài kết thúc cuộc tranh luận bằng câu tuyên bố nghiêm khắc của mình. Trong cuộc đàm thoại thứ hai với riêng các môn đệ, Ngài sẽ giải thích lời tuyên bố của mình cách chi tiết hơn.
Nhưng trong cái tương tự trên, có khá nhiều dị biệt có ý nghĩa. Chú tâm tới các độc giả của mình, và để thỏa mãn nhu cầu của các độc giả này cũng như để trả lời các câu hỏi của họ, Mátthêu cảm thấy rộng tay đối với chất liệu vay mượn của mình. Để bắt đầu, không giống như Máccô, ta thấy điểm người Biệt Phái muốn thử thách Chúa Giêsu không phải là tư cách thầy dạy chính hiệu hay lòng thủy chung như nhất với luật Môsen liên quan đến ly dị và tái hôn. Theo Mátthêu, họ tới để buộc Ngài, nếu có thể, phải đứng về phe này hay phe kia của cuộc tranh luận đang hiện hành lúc đó giữa các rabbis, và cả nơi quần chúng nữa, tuy ở mức độ ít gay cấn hơn. Rõ ràng họ hy vọng rằng dù chọn bất cứ phe nào, Chúa Giêsu cũng ra xa lạ và đánh mất nhóm người theo phe bên kia. Đó chính là cuộc tranh luận giữa đệ tử của hai bậc thầy lớn thuộc thế hệ trước Chúa Giêsu, Hillel và Shammai. Ta biết họ vốn không đồng ý và do đó tranh luận với nhau về nghĩa của một hạn từ chủ yếu trong Đệ Nhị Luật 24:1, tức đoạn văn trong Torah vốn được coi như nguồn và nguyên tắc cho luật lệ ly dị của Do Thái:
“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà”.
Trước nhất, Hillel và Shammai không đồng ý với nhau về hạn từ “điều gì chướng”, nó có ý nói đến điều gì (erwat dabar trong Torah; pornéia trong Hy Ngữ của bản dịch Bẩy Mươi và của các trích đoạn Nhất Lãm ta đang khảo sát). Họ cũng bất đồng về việc liên kết hay không liên kết sự không hài lòng có tính chủ quan của người chồng với cái erwat dabar có tính khách quan của người vợ. Vì sự không hài lòng của người chồng để ông có thể rẫy bỏ vợ kia có cần phải được biện minh bằng điều gì chướng nơi người vợ hay không? Hay chỉ cần ông không hài lòng là đủ để ông rẫy vợ, khỏi cần phải chứng minh “điều gì chướng” nơi người vợ?
Shammai giải thích hạn từ trên cách khá chặt chẽ và do đó, so với Hillel, ông tỏ ra bênh vực người vợ nhiều hơn. Việc không hài lòng của người chồng phải là do erwat dabar nơi người vợ, và hạn từ này chỉ có ý nói tới việc ngoại tình đã có chứng cớ nơi người vợ, hay một hành vi nào đó tương đương như thế. Hillel dễ dãi hơn và so với Shammai, dĩ nhiên thiệt cho người vợ hơn. Ông từng nhấn mạnh rằng sự không hài lòng nơi người chồng có thể tách biệt khỏi cái chướng khách quan nơi người vợ, và cái chướng kia có thể bao gồm rất nhiều loại hành vi khác nhau, từ ngoại tình cho tới việc nấu nướng dở.
Cách Mátthêu lên khuôn thước cho câu hỏi mở màn của người Biệt Phái (ở câu 3) đối với Chúa Giêsu cho thấy cái tính tấn kích trong cuộc thử thách của họ: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”. Cách phát biểu câu hỏi như thế có thể được gợi hứng từ việc trước đây họ vốn đã được người ta cho hay ở những điểm khác, Chúa Giêsu, mỗi khi thấy cần, đã rất lỏng lẻo đối với những lệnh truyền nghiêm khắc của lề luật. Nên giờ đây, họ muốn biến cái lỏng lẻo ấy thành điểm bất lợi đối với Ngài; họ muốn xem xem liệu Ngài có sẵn lòng chấp nhận hậu quả của việc công khai đứng về một trong hai phe của cuộc tranh luận khá phổ biến này hay không. Họ cũng đặt cơ sở cho câu họ hỏi Chúa Giêsu trên giả thiết mù quáng là câu trả lời của Ngài sẽ là một thách thức. Họ giả thiết rằng câu hỏi nóng bỏng về ly dị muốn hỏi đâu là các cơ sở được lề luật chấp nhận cho phép người chồn rẫy bỏ vợ. Ít nhất, Chúa Giêsu cũng sẽ cho họ thấy câu hỏi ấy thực ra được đặt trên những cơ sở khác hẳn: liệu các ông chồng có được phép rẫy bỏ vợ hay không?
Điểm khác biệt đáng lưu ý thứ hai giữa hai trình thuật là: theo Máccô, khi nghe câu hỏi mở màn của người Biệt Phái, Chúa Giêsu trả lời ngay tức khắc: “Thế ông Môsen đã truyền dạy các ông điều gì?”, sau đó mới kéo chú ý của họ tới điều Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ buổi ban đầu. Trái lại, theo Mátthêu, Chúa Giêsu trả lời câu hỏi họ mở màn bằng cách lập tức quay trở về với điều Thiên Chúa thiếp lập ở thuở ban đầu. Nghĩa là, theo Mátthêu, Chúa Giêsu muốn lái câu hỏi của họ ra khỏi Sách Đệ Nhị Luật, ra khỏi cả Hillel lẫn Shammai, và đặt nó trở lại ngay đầu Sách Sáng Thế nơi ý muốn nguyên khởi của Thiên Chúa về các ông chồng và các bà vợ đã được mạc khải:
“Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.
Mọi điều cái hiến pháp thần linh nguyên thủy này có ý nói về người chồng người vợ trong Máccô thế nào thì cũng có ý nói như thế ở đây: Thiên Chúa là Đấng Hóa Công đã tạo ra hai giới tính bổ túc cho nhau và do đó Ngài là Đấng Hóa Công đã tạo ra hôn nhân; thực vậy, chính việc dựng nên hai giới tính dị biệt này là để chúng kết hiệp với nhau nên một. Cho nên bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng diễn tiến dưới thẩm quyền của Thiên Chúa, chứ không phải thẩm quyền của con người. Đối với người đàn ông, hôn nhân của anh ta là mối liên hệ còn qúy giá hơn cả mối dây hiếu tử cột anh ta lại với mẹ với cha, một liên hệ có lẽ chả bao giờ anh dám nghĩ đến cắt bỏ. Nhờ hôn nhân, anh ta trở nên một con người với vợ trước mặt mọi người và trước mặt luật pháp, vậy thì làm thế nào anh ta có thể tơ tưởng tới việc rẫy bỏ chính con người của mình?
Một cách hợp luân lý và hợp luật pháp, điều mà tất cả những điểm trên dẫn tới đã được Chúa Giêsu gom lại thành một lệnh truyền nghiêm khắc của chính Ngài: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Không người nào được phép nghĩ rằng anh ta có thể tháo bỏ công trình của Thiên Chúa. Nói cho cùng, nếu ta phối hợp điều Mátthêu ghi về giáo huấn của Chúa Giêsu với điều có trong Máccô, ta thấy Chúa Giêsu gần như định nghĩa lại hôn nhân cho các thính giả của Ngài nghe. Đối với họ, hôn nhân là một liên hệ chủ yếu nhằm phục vụ hạnh phúc và thuận tiện cho người chồng, và có thể được thao túng vì lợi ích một chiều của anh ta. Chúa Giêsu bác bỏ điều ấy, thay vào đó, Ngài nhấn mạnh rằng nó là sự kết hiệp nên một do Thiên Chúa dự hoạch nhằm đem lại hạnh phúc cho cả người đàn ông lẫn người đàn bà.
Việc Mátthêu đảo ngược thứ tự so với trình thuật của Máccô vẫn tiếp tục. Bây giờ, sau khi Chúa Giêsu nại tới thẩm quyền cao hơn, và đã giải thích điều ấy cho họ, người Biệt Phái bèn phản công bằng cách trích dẫn Môsen (câu 7): “Họ thưa với Người: ‘Thế sao ông Môsen lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?’”. Trong phiên bản của Máccô, người Biệt Phái nói rằng Môsen cho cho phép họ rẫy vợ; ở đây, Mátthêu cho hay, để bênh đỡ cho tác phong của họ, họ nói họ chỉ vâng theo lệnh truyền của Môsen mà thôi, hàm ý đó là đức vâng lời đạo hạnh của họ. Rồi cũng như ở Máccô, ở đây Chúa Giêsu cũng chỉnh lại việc họ chọn động từ, nhưng khi làm thế, Ngài đã đảo ngược lại việc chọn các động từ ấy như đã được Máccô ghi lại: không, họ không bào chữa được bằng cách nại đến lệnh truyền của Môsen. Đúng hơn (câu 8) “Người bảo họ: ‘Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsen đã cho phép các ông rẫy vợ’”. Và Ngài nhắc để một lần nữa họ nhớ đến thẩm quyền cao hơn thẩm quyền Môsen: “chứ thuở ban đầu, không có thế đâu”.
Cuối cùng (trong câu 9), Chúa Giêsu đem giáo huấn của Ngài tới chủ đích chính xác nhất của nó. Dùng chính thẩm quyền của mình, Chúa Giêsu nói hụych toẹt: “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp pornéia, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.
Theo cách ghi chép của Mátthêu, với câu trên, Chúa Giêsu đã kết thúc cuộc đàm luận của Ngài với người Biệt Phái (18). Nhưng trong câu kết thúc này, có mệnh đề ngoại trừ mà việc tìm ra nghĩa chính xác của nó tỏ ra cực kỳ khó khăn suốt trong nhiều thế kỷ, kể từ lúc nó xuất hiện lần đầu trong truyền thống Phúc Âm. Tuy nhiên, vì mục đích xử lý có tính chiến thuật, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi sẽ không hỏi về ý nghĩa của mệnh đề này cho bằng về tính xác thực (authenticity) của nó. Cả Máccô lẫn Luca đều không có câu này, kể cả những hình thức ngụy trang của nó cũng không. Vậy có phải chính Chúa Giêsu đã nói ra câu ấy nhưng hai vị này và cả Thánh Phaolô nữa đã lược bỏ vì một lý do nào đó hay không? Hay quả Ngài không nói câu ấy, nhưng Mátthêu đã sáng nghĩ ra và thêm vào bài giảng huấn của Chúa Giêsu vì lý do riêng của mình? Các tìm tòi bác học hiện nay có khuynh hướng mạnh mẽ kết luận rằng chính Mátthêu là khởi nguyên của mệnh đề ấy (19). Như vậy, giả thiết rằng tìm tòi này chính xác, ta hẳn sẽ thắc mắc không hiểu động lực của Mátthêu là gì khi sáng nghĩ ra câu ấy để Chúa Giêsu nói ra.
Giải thích hợp lý nhất về động lực trên, mà chúng tôi hiện có được, đặt cơ sở trên cấu trúc tôn giáo và sắc tộc của cộng đoàn Kitô giáo mà Mátthêu đã soạn thảo phúc âm cho. Dựa trên chứng cớ khá hùng hồn có sẵn trong phúc âm này, ta thấy cộng đoàn trên hiểu biết khá nhiều về Thánh Kinh Do Thái, về phong tục xã hội và tôn giáo Do Thái, về các truyền thống của cha ông, về giáo huấn tư tế và luật lệ Do Thái. Các vấn đề, các câu hỏi và ưu tư của họ có tính Do Thái một cách khá đặc trưng. Nói tóm, đại đa số thành viên trong cộng đoàn này chắc chắn bao gồm những người tuy đã trở lại làm môn đệ đức Kitô nhưng vẫn là người theo Do Thái Giáo với đầy đủ những ý nghĩa như vừa trình bầy. Bởi thế, quan tâm của họ về ly dị và tái hôn hẳn nhiên có tính Do Thái, và một số các quan tâm này khác với các quan tâm của các cộng đoàn được Máccô, Luca và Phaolô viết cho. (Điều này trùng hợp với truyền thống vẫn cho rằng Phúc Âm Mátthêu đã được soạn thảo cho cộng đoàn phần lớn gồm các Kitô hữu gốc Do Thái sống tại Syria, có thể ngay tại Antioch).
Là Kitô hữu gốc Do Thái, cộng đoàn này hiển nhiên biết rõ và từng đem ra sống và hiện còn đang sống cái luật lệ ly dị của Sách Đệ Nhị Luật. Phần chắc là nơi đó sự bất đồng về nội dung của thuật ngữ erwat dabar trong Sách Đệ Nhị Luật kia vẫn còn rất sống động. Rất có thể cuộc tranh luận Hillel-Shammai cũng đã được cộng đoàn này thừa hưởng với ít nhiều cường độ mạnh mẽ hơn. Các thành viên cộng đoàn này có thể đã chất vấn soạn giả phúc âm Mátthêu, người từng nhớ được và từng chia sẻ giáo huấn của Chúa Giêsu, xem Chúa Giêsu đã nói gì, nếu có, về sự bất đồng trên. Dù Mátthêu thực sự không biết liệu Chúa Giêsu có nói gì không về chủ đề trên, ông vẫn có thể cảm thấy thong dong thêm vào phúc âm của mình điều ông nghĩ Chúa Giêsu rất có thể đã đề cập đến. Hay có lẽ ông đã học được ý kiến của một số người có thế giá về điều có thể Chúa Giêsu đã nói về vấn đề ấy. Nhưng dù thế nào, thì ông đã trình bầy ý kiến của mình như là chính lời Chúa phán vậy.
Mặt khác, dù thế nào, ý nghĩ của ông về lời phán của Chúa Giêsu rõ ràng cũng làm dịu đi điều được coi như lệnh truyền hết sức ngoại thường của Chúa Giêsu, “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Trong diễn trình lịch sử, việc làm dịu ấy không hẳn là lần đầu (Thánh Phaolô từng làm dịu như thế trước đó cả một thập niên, như ta sẽ thấy (19a)), mà nó cũng không phải là lần chót. Nhưng trong khi Thánh Phaolô biện minh việc làm dịu này bằng việc người phối ngẫu bất tín ra đi (theo luật Rôma, chính là việc ly dị về phần đời), thì trong Mátthêu, nó lại là việc người đàn bà bước vào hôn nhân với một bất năng lực nào đó về phương diện luật lệ hay luân lý, một “điều chướng” nào đó hay vì nàng mắc phải điều chướng ấy khi đã thành hôn.
(còn tiếp)
• Ly dị và tái hôn trong các Phúc Âm Nhất Lãm, phần (1), (2), (3), (4) & (5)
URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/ly-di-va-tai-hon-trong-cac-phuc-am-nhat-lam-3/