Trích từ Dân Chúa

Hồi Cuối Trong Phúc Âm Máccô

Vũ Văn An

Hầu như ngày nay, ai cũng tin rằng Phúc Âm Máccô là phúc âm được viết ra đầu tiên, dựa vào những cảm nghiệm bản thân của vị tông đồ, dù phản bội, vẫn được Thầy cất nhắc vào địa vị lãnh đạo đoàn chiên lớn nhỏ của Người. Nó cũng là phúc âm có tính “đa văn hóa” nhất vì dù người không biết mảy may chi về truyền thừa Do Thái, vẫn lãnh hội được nó một cách dễ dàng. Có người còn cho rằng: nó cũng là phúc âm sinh động nhất, tượng hình nhất và đã nói tới phản ứng tâm lý, thì không thua gì các bậc thầy của tâm lý học chiều sâu ngày nay. Trong Tuần Thánh năm nay, ta thử cùng nhau đọc lại Phúc Âm của ngài.

I. Tình Yêu Phí Phạm(Mc 14:1-25)

Nhập Đề: Như một vị vua từ bỏ cả ngôi vị để san bằng mọi phân cách, cả về tâm lý, để có thể cưới người yêu quê mùa nghèo nàn như một người nhà quê chính hiệu, một thứ quá phạm (extravagance) của tình yêu, Chúa Giêsu cũng đã chứng tỏ cùng một tình yêu như thế đối với chúng ta. Và như ta đã thấy, còn hơn thế nữa, vì Người vốn không cùng một bình diện phàm trần như ta, nhưng đã làm mình thành người phàm như chúng ta để có thể thương yêu chúng ta. Đúng như thi hào Wordsworth của Anh đã viết về Người “rời bỏ ngôi cao, mặc xác phàm”, một thứ quá phạm, không ai hiểu nổi.

1. Yêu và Ghét: Tương Phản Sắc Nét

Học hỏi về phúc âm này, ta thấy Thánh Máccô nhiều lần đem một số biến cố đặt cạnh nhau khiến ta nhìn ra tính tương phản cũng như các nối kết về nhấn mạnh và chủ đề. Trong bài này, thánh nhân gom lại với nhau nhiều truyện tương phản nhau về yêu và ghét, bện chúng với nhau để tối đa hóa tác động của chúng trên tâm hồn ta. Đó là trình thuật về lòng thù ghét của các tư tế đối với Chúa Giêsu đan kết với trình thuật về tình yêu của người đàn bà Bêtani đối với Người. Rồi truyện Giuđa Iscariốt càng ngày càng trở thành phản bội bên cạnh truyện Chúa Giêsu yêu các môn đệ đến quên mình, kể cả chính Giuđa. Việc pha trộn các chủ đề tương phản này tạo ra một mạch truyện cảm động tác động đến trái tim và tinh thần ta rất sâu sắc.

1.1 Các lãnh tụ tôn giáo thù ghét. Xem Mc 14:1-2: Trước Vượt Qua 2 ngày, các lãnh tụ này họp bàn cách bắt giam và xử tử Chúa Giêsu. Họ chỉ còn sợ dân. Vượt Qua là dịp nguy hiểm, khách hành hương sẽ đổ về đông đảo, bất lợi cho họ. Họ phải hành động nhanh. Cái thứ vội vàng này quả là đặc điểm của lòng thù hận. Thù hận không biết đợi. Nó phải hành động ngay khi có cơ hội. Thù hận cũng lén lút, bí mật, trong bóng đêm, không ai thấy. Âm mưu của các lãnh tụ tôn giáo ở đây có đủ những nét ấy. Tại sao họ muốn giết Chúa Giêsu? Để bảo vệ quyền lực của họ. Chúa Giêsu vốn là một đe doạ đối với quyền lực ấy. Họ muốn tự trưng bày là người thánh thiện, thuộc về Chúa, nhưng Chúa Giêsu lột mặt nạ sự dối trá và giả hình của họ. Khi sự ác bị vạch mặt, nó luôn trả đũa.

1.2 Bêtani. Xem Mc 14: 3-9. Chúa dùng bữa tại nhà Simong Cùi và được một người đàn bà vô danh xức dầu thơm. Một nét tương phản. Truyện này xẩy ra 6 ngày trước Vượt Qua, được thánh Máccô lồng vào đây, một cách không theo thứ tự thời gian chút nào. Chỉ để làm nổi sự tương phản giữa yêu và ghét. Máccô không kể tên người đàn bà này, nhưng theo thánh Gioan (12:1-8), bà tên Maria, em của Mácta và chị của Lagiarô. Có ba chuyển động trong câu truyện này.

1.2.1 Hành động hy sinh đầy yêu thương: một bình dầu thơm đắt tiền. Thánh Gioan kể: đập bình ra, bà đổ cả lên đầu và lên chân Chúa Giêsu. Một hành động khiến mọi người hiện diện chú ý.

1.2.2 Đáp ứng bất mãn của người chứng kiến. Máccô cho hay một số người chứng kiến bất bình với hành động của Maria. Tại sao? Phí phạm. Thánh Gioan bảo người phản đối chính là Giuđa, vì anh ta vốn là tên ăn cắp. Hắn vốn là người trọng đồng tiền, hơn cả chính Thầy. Giuđa biết giá tiền mọi sự nhưng chẳng biết giá trị của sự gì.

1.2.3 Đáp ứng xác nhận của Chúa qua 5 điều:

(1) “Cứ để cô ấy làm…cô ấy đã làm cho tôi một việc tốt đẹp”. Cái tốt ấy nằm ở chỗ quá phạm (extravagance): đập cả bình dầu quí, hiếm, đắt tiền mà đổ hết lên đầu lên chân Chúa. Cam tùng (nard) là thứ hiếm trồng tại Phương Đông, phải nhập cảng, nên rất đắt. Theo Giuđa phải đến 300 quan tiền (denarii). Một quan thường là tiền công một ngày của lao công.

(2) Hành động đúng lúc: người nghèo có luôn, nhưng Chúa Giêsu đâu luôn có đó. Giúp người nghèo là điều tốt. Nhưng có những cơ hội chỉ có một trong đời, không nắm thì nó vuột đi mãi mãi. Maria đã nắm được cơ hội ấy. Chúa bảo: quả đúng lúc.

(3) Chúa Giêsu nói "Điều gì làm được cô đã làm". Cô chỉ làm một việc thôi, một việc cô có thể làm, nhưng cô đã làm cách hoàn hảo. Hãy dùng những gì mình có và làm những gì mình có thể. Không nuôi nổi thế giới, thì nuôi một người. Không giảng cho thế giới thì giảng cho những người xung quanh. Không ủi an được hết những người đơn côi trên thế giới, thì ủi an một hai.

(4) Chúa nói: “Cô đã lấy dầu thơm ướp thân thể tôi trước, để chuẩn bị ngày mai táng”.

Điểm đáng lưu ý là nhiều lần Chúa đã cho các môn đệ hay Người sắp sửa qua đời. Dường như không một ai trong các ông tin lời Người, Maria thì tin. Bà tin Người và bà khóc thương Người, cả trước khi Người qua đời. Chính điều đó thúc đẩy bà hành động.

(5) Hành vi của bà sẽ được tưởng nhớ mãi, bất cứ nơi nào Phúc âm được rao giảng. Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm suốt hơn 20 thế kỷ qua.

2. Một Việc Buôn Bán Lạnh Lùng và Đầy Tính Toán

2.1 Ngay sau đó, thánh Máccô thay đổi khung cảnh: từ tấm tình yêu quá phạm đến hành vi tồi tệ nhất trong toàn bộ lịch sử loài người: việc phản thầy của Giuđa. Xem Mc 14:10-11. Được hứa tiền từ các lãnh tụ tôn giáo, Giuđa tìm cơ hội trao nộp Người.

2.2 Nhiều người biện hộ cho Giuđa. Anh ta chỉ bị hướng dẫn sai: hy vọng Chúa Giêsu sẽ xây dựng một vương quốc trần gian, nhưng khi không thấy, thì tìm cách buộc Người phải hành động. Trao nộp là buộc Người phải hành động. Cùng lắm chỉ có thể nói anh ta có ý xấu. (Gần đây còn có Phúc Âm Giuđa ra đời vẽ ra hình ảnh còn tích cực hơn nữa về Giuđa: không có tội mà còn có công lớn trong chương trình cứu thế của Chúa Giêsu!)

2.3 Nhưng Thánh Kinh không cho phép một giải thích như vậy. Giuđa đến gặp các thượng tế một cách đầy ý thức, với ý định phản bội Chúa. Anh ta đưa ra sáng kiến. Không ai hướng dẫn sai anh ta hết. Đâu là động lực của Giuđa? Máccô cho hay đó là lòng tham. Các thượng tế hứa cho tiền và Giuđa chấp nhận. Anh ta vốn là người tính toán. Đời Chúa không bằng số tiền các thượng tế hứa cho. Việc phản thầy quả là một việc buôn bán không hơn không kém.

3. Bi Kịch Tại Thượng Lầu

3.1 Từ cảnh bội phản, ham tiền, thánh Máccô đưa ta trở lại chủ đề đẹp đẽ của yêu thương quá phạm tại Phòng Tiệc Vượt Qua. Xem Mc 14: 12-16: các tông đồ chuẩn bị tiệc. Giống như vụ sắp xếp con lừa để vào Giêrusalem, ở đây chắc chắn Chúa Giêsu cũng đã sắp xếp trước để có căn phòng trên lầu. Việc xếp đặt này có một chi tiết đáng lưu ý. Chúa bảo các tông đồ: “các anh đi vào thành, và sẽ có một người (đàn ông) mang vò nước đón gặp các anh”. Người đàn ông hồi đó mà mang vò nước cũng giống như người đàn ông thời nay mà mang ví đầm. Mang vò nước vốn là việc của đàn bà. Dấu chỉ ấy vì vậy rõ mồn một, không thể nào lầm được. Tại sao Chúa dùng dấu chỉ lạ lùng ấy? Mỗi biểu tượng Chúa dùng đều có một ý nghĩa. Trong một buổi lễ khác, ta lại thấy xuất hiện hình ảnh người đàn ông với vò nước. Truyện này kể trong Phúc âm Gioan (Ga 7:38-39): ai khát hãy đến với tôi.

3.2 Rồi Chúa Giêsu dẫn ta vào Phòng Trên Lầu. Xem Mc 14:17-21. Cả một thống khổ, sầu buồn trước viễn tượng phản bội. Một trong bọn con sẽ phản thầy. Thà nó đừng sinh ra! Nhiều người nghĩ đến bức tranh Tiệc Ly của Leonard da Vinci (nhất là ngày nay với tiểu thuyết của Dan Brown và phim cùng tên của Ron Howard). Nhưng Chúa và các môn đệ đâu có ngồi bàn, nhưng nằm trên đi-văng theo thói người La-Mã lúc ấy. Theo sắp xếp này, Gioan và Giuđa ngồi hai bên cạnh Chúa, cả hai cùng gần Chúa, cùng với tới một đĩa với Chúa. Chúa bảo một trong hai người này sẽ phản bội Người. Nhưng nghe thế, không môn đệ nào nói: “à, con biết ai phản bội rồi” Trái lại, người nào cũng nhìn vào chính mình, tự vấn phải chăng trong mình ẩn hiện đâu đó tư tưởng phản thầy chăng. Và các ông lên tiếng hỏi “phải con không”. Không, không phải cái thứ dự cảm, cái khuynh hướng phản bội lấp ló đâu đó trong mỗi người chúng ta. Mà là một phản bội có ý thức, có suy nghĩ lạnh lùng, có suy nghĩ tính toán trước.

3.3 Đến đây, phúc âm Gioan tiếp: Giuđa vừa nhận miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Chúa Giêsu bảo y: “anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13:27). Và thế là Giuđa rời Phòng Trên Lầu. Nhưng trước khi hắn rời phòng, Chúa bảo các môn đệ: “Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người”. Việc Người bị phản bội bởi chính người của mình đã được tiên báo từ lâu. Và do đó, việc phản bội của Giuđa là cố ý, tự ý. Thiên Chúa không thúc đẩy hắn phạm tội, chính hắn chọn làm việc đó. Bởi thế lời của Chúa thật nghiêm khắc: “thà nó đừng sinh ra”. Chưa có lời nào của Chúa nghiêm khắc bằng. Đáng cho ta suy nghĩ. Tuy nhiên để hiểu đúng câu này, tưởng nên đọc chú giải của nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ: Đức Giêsu không muốn nói đến tình trạng trầm luân đời đời của Giuđa. Câu này nói lên tâm tình ghê tởm của hành động phản bội mà thôi. (Xem Bốn Sách Tin Mừng, tr.192, chú thích m).

4. Bánh và Chén

4.1 Giờ đây, Máccô đưa ta đến cảnh cuối cùng của Phòng Trên Lầu, một cảnh mọi Kitô hữu cùng cử hành và tưởng niệm khắp mọi nơi trên thế giới suốt hơn hai mươi thế kỷ qua. Xem Mc 14:22-25. Hãy lãnh nhận mà ăn, này là mình Thầy… Hãy lãnh nhận mà uống, này là máu giao ước của Thầy…

4.2 Giao ước đây là giao ước nào? Giao ước là một hiệp ước chính thức. Chúa Giêsu muốn nói khi đổ máu mình ra, một giao ước mới xuất hiện giữa Thiên Chúa và loài người. Từ đây, ơn cứu độ sẽ đặt căn bản lễ hy sinh hoàn hảo của Chúa Giêsu. Giao uớc cũ bao hàm việc giữ các nghi thức và lễ tế làm biểu tượng cho tương lai; chúng tượng trưng cho một lễ tế sắp tới. Chẳng bao lâu và cho muôn đời sau, đức tin cứu rỗi phải trông vào lễ tế hoàn hảo của Chúa Giêsu như hành vi hoàn tất. 4.3

Sau cùng, Chúa cho các ông hay: thế là chấm dứt, Người sẽ không uống chén nào nữa cho đến khi uống chén mới trong Nước Thiên Chúa. Đến đây, ta mới hiểu tại sao Máccô xếp trình thuật này bên cạnh truyện Maria thành Bêtani. Chúa sẽ làm điều Maria đã làm một cách biểu tượng. Thay vì mở nút bình, bà đã đập bể bình, đổ hết dầu thơm lên đầu và chân Chúa. Người cũng sẽ “bị đập bể” ra cho các môn đệ và mọi người. Mùi dầu thơm của Maria tỏa khắp gian phòng. Máu Chúa Giêsu trên thánh giá xông mùi thơm ngát lên Thiên Chúa, kéo tha thứ xuống khắp trần gian. Mùi thơm ấy phải thấm vào đời ta và qua ta tỏa lan khắp trần đời.

Kết: Sự hy sinh của Chúa vì yêu ta cho thấy đó là một tình yêu quá phạm, hơn việc Maria đập bể bình dầu thơm vô tận. Người muốn nhắn nhủ: hãy làm mọi việc vì yêu.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/hoi-cuoi-trong-phuc-am-macco/