Trích từ Dân Chúa

Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (3)

Vũ Văn An

III. Chúa Giêsu và Các Tư Tế (Mc 14:53-72)

Biết bao biến cố lớn lao xẩy đến trong xã hội làm chúng ta rúng động: anh em nhà Kennedy bị ám sát, người đầu tiên trên mặt trăng, phi thuyền Challenger nổ tung, chiến tranh vùng Vịnh… Chúng làm ta chú ý một tuần, hai tuần, ba tuần… rồi rơi vào dĩ vãng như những truyện xẩy ra tự bao giờ. Nhưng khi nhìn trở lui 2000 năm, tới cái tuần lễ đầy ắp biến cố về Chúa Giêsu trước khi Người chết trên thánh giá và sống lại, ta thấy đó là biến cố có tầm quan trọng đời đời. Nó tiếp tục tác động lên đời ta một cách mạnh mẽ, ngày lại ngày. Nếu ta tin chứng cớ của Thánh Kinh, thì ta biết rằng các biến cố của tuần lễ đó là tụ điểm của thời gian và không gian. Bởi thế ta cần học hỏi và thấu hiểu các biến cố này.

1. Vụ Xử Chúa Giêsu

1.1 Sau khi bị bắt tại vườn Diệtsimani và bị các môn đệ bỏ trốn, giờ đây Chúa Giêsu bị mang ra xử. Trước nhất bởi các lãnh tự tôn giáo của Israel. Sau bởi nhà cầm quyền dân sự La-Mã. Các lãnh tụ tôn giáo vốn tìm cách giết Người đã lâu. Nhưng Máccô không ghi lại việc Chúa bị đem tới Annas, bố vợ thầy cả thượng phẩm. Thay vào đó, Chúa bị đưa thẳng tới Caiphas. Xem Mc 14:53-54. Chúa ra trước thượng hội đồng. Phêrô theo xa xa và lẻn vào ngồi chung với lính canh.

1.2 Thượng hội đồng gồm thầy cả thượng phẩm, các thượng tế, luật sĩ và trưởng lão (72 nhân viên cộng với viên chức và cố vấn). Một đám khá đông. Chúa Giêsu đứng trước mặt họ. Còn Phêrô thì ngồi ở một góc, sưởi ấm. Một đêm xuân lạnh. Hai biến cố xẩy ra cạnh nhau. Máccô thích tương phản các biến cố, dĩ nhiên vì một lý do. Lý do này sẽ trở nên rõ hơn sau này. Phiên xử diễn qua 2 giai đoạn:

(1) Nhân Chứng Làm Chứng. Xem Mc 14:55-59. Khởi đầu, nhiều chứng trái ngược nhau, mãi sau mới có một chứng “nghe được”: tôi nghe hắn bảo sẽ phá hủy đền thờ và xây lại trong 3 ngày. Thực ra kết quả vụ án đã được quyết định từ lâu rồi. Cho nên vụ án này quả là một trò hề bất hợp pháp ngay từ đầu. Trước nhất vì tổ chức trong đêm trong khi luật lệ Do Thái buộc bất cứ vụ hình sự nào trước các tư tế phải được tổ chức lúc ban ngày. Thứ hai, họp tại nơi không đúng chỗ. Thượng hội đồng chỉ họp tại phòng dành riêng cho mục đích này, và chỉ họp ở đó mới thành sự (valid). Cuộc họp lần này lại họp tại dinh thầy cả thượng phẩm. Thứ ba, Thượng hội đồng không được tuyên án cùng ngày với ngày xử. Trường hợp này, bản án đạt tới ngay lập tức, nói đúng hơn đã có sẵn từ trước.

Lời chứng về việc phá đền thờ đúng sự thật chút đỉnh. Lúc khởi đầu sứ vụ, lúc đuổi bọn con buôn khỏi đền thờ, Chúa Giêsu có nói: cứ phá đền thờ này đi, ta sẽ xây lại trong 3 ngày (Ga 2:19). Nhưng Ga 2:22 thêm ngay: đền thờ Người nói đây chính là thân xác Người, đâu phải đền thờ bằng đá! Nhưng cái chút sự thực kia cũng chẳng có giá trị gì không những vì lý do vừa rồi mà còn vì có những chứng khác nói ngược lại như Máccô đã thêm: “Nhưng ngay ở điểm này, lời chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau”. Các tư tế lâm ngõ bí. Không tìm ra căn bản pháp lý để kết tội Chúa Giêsu.

(2) "Ông có phải là Đấng Kitô không?"

Caiphas phải lên tiếng, tìm cách buộc Người phải tự kết tội mình. Xem Mc 14:60-61. Sao ông không trả lời? Chúa vẫn im lặng. Isaia (53:7) từng tiên báo: “Người bị áp bức và hành khổ, nhưng Người không mở miệng; Người bị dẫn đi giết như chiên, và Người im lặng như cừu trước thợ xén lông, không hề mở miệng”. Caiphas vô cùng tức giận trước thái độ lặng im ấy, hắn lấy Danh Thiên Chúa buộc Người phải trả lời như phúc âm Mátthêu (26:63) ghi lại: Nhân Danh Thiên Chúa Hằng Sống, tôi truyền cho ông phải nói! Nói gì? Xem Mc 14:61-65. Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng đáng chúc tụng không? Đúng. Các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng Tối Cao và đến trong mây trời. Thầy cả thượng phẩm xé áo: phạm thượng, cần gì chứng với cớ nữa. Và bọn họ kết án tử cho Người.

Nhiều nhà phê bình Thánh kinh và một số học giả cấp tiến cứ khăng khăng cho rằng Chúa Giêsu không bao giờ tự cho mình là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Họ bảo rằng các môn đệ của Người đã gán cho Người tước hiệu ấy. Ta chỉ cần chỉ cho họ đoạn này. Nhiều đoạn khác, Người cũng đã xưng mình là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa, nhưng không đoạn nào rõ hơn đoạn này, vì Người bị chất vấn nhân danh Thiên Chúa. Không úp mở, Người xác nhận: đúng, tôi là đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Không một chút hàm hồ.

Phần còn lại nhắm vào chính thầy cả thượng phẩm: các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng Tối Cao mà đến trong mây trời! Nghĩa là không đến như cứu tinh mà như một quan án để phán xét những kẻ như Caiphas. Lúc ấy, mới rõ mười mươi ai phạm thượng!

2. Sự Ác Xổ Lồng

2.1 Và rồi chuyện thực sự lạ xẩy ra. Thánh Máccô cho hay ngay lúc bản án được tuyên, cái thắng tạm hãm sự thù hận của các tư tế bỗng như đứt hẳn, cơn giận của họ hoàn toàn xổ lồng như thác lũ, bất chấp luật lệ, không còn gì chặn được họ nữa. Họ trút cơn giận lên Chúa Giêsu: nào khạc nhổ, nào bịt mắt, nào đấm vào mặt… 750 năm trước, Isaia (50:6) từng nói: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt cho người ta phỉ nhổ.

2.2 Từ ngoài sân, Phêrô theo dõi và lắng nghe. Ông không bao giờ quên được cảnh tượng này. Trong thư thứ nhất của mình, Phêrô viết như sau: Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng Xét xử công bằng (I Pr 2:6). Kitô hữu có thể có được thái độ này lúc bị hạ nhục, hành khổ không, có biết phó thác cho Đấng xét xử công minh không?

3. Phêrô Chối Thầy

3.1 Phêrô anh hùng rơm và sau đó bỏ trốn như thế nào ta đã biết. Nhưng giờ đây ông trở lại, tính chuộc lỗi chắc. Kết quả ra sao xem Mc 14: 66-72. Tớ gái: anh thuộc phe với người Nagiarét kia? Đâu có! Tớ gái khác: anh này thuộc phe ông ta. Đâu có! Rồi một người khác: anh Galilê này chắc chắn thuộc phe ông ta. Tôi thề không phải. Ngay lúc ấy, gà gáy lần thứ hai. Phêrô nhớ lại, bèn ra ngoài khóc thảm thương. Anh hùng rơm đã mất hẳn.

3.2 Thánh Máccô cho ta một tương phản giữa việc Chúa Giêsu phản ứng khi bị buộc phải thề (nhân danh Chúa) và việc Phêrô bị áp lực phải thề. Chúa Giêsu xác nhận mình là Con Thiên Chúa. Phêrô chối mình không phải môn đệ Con Thiên Chúa. Tiếng gà gáy lần thứ hai khiến ông tỉnh ngộ trong đau dớn vật vã khóc than. Ở đây ta thấy nghệ thuật của Thánh Máccô: ngài luôn luôn sử dụng lối tương phản để làm nổi câu truyện, tăng hiệu quả của câu truyện nhất là lúc nói đến yêu và ghét.

3.3 Sự thù ghét của các lãnh tụ tôn giáo như đám mây nhầy nhụa sự ác. Đám mây ấy làm họ bỏ qua dễ dàng cả luật lệ lẫn truyền thống, công lý lẫn chính trực, để nhất định tận diệt Chúa Giêsu. Người vô tội, họ biết thế; nhưng họ vẫn không một chút lương tâm, không một chút do dự đem người vô tội này đến cái chết. Tâm hồn đen tối của họ đầy nọc độc ghen tương phát sinh ra khạc nhổ, tấn công vũ lực, chế nhạo khinh mạn. Họ là những kẻ độc ác, dữ tợn thuộc loại du đãng hè phố ngày nay. Phía kia là Phêrô, một người thực sự yêu Chúa, quyết tâm bảo vệ Chúa, nhưng chỉ vì thiếu đức tin nên đã không bền vững đến cùng. Ông đã dùng lời thề mà chối phắt Chúa.

4. Sự Thất Bại của Xác Thịt

4.1 Thánh Máccô đặt hai hoạt cảnh trên cạnh nhau để ta hiểu rõ hơn rằng chúng đều có một chủ đề chung này: bản chất lọc lừa của điều Thánh Kinh gọi là “xác thịt”. Dù các lãnh tụ tôn giáo kia bề ngoài là người của Chúa, mà thực tâm, họ là người của xác thịt, với các tham vọng xác thịt nhằm tiền tài, danh giá và quyền lực. Họ nghĩ như thế gian vốn nghĩ rằng: muốn gì thì dùng mọi thủ đoạn mà chiếm lấy, và sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai gây trở ngại. Khi Chúa Giêsu gây trở ngại, họ trả đũa bằng láo khoét, hành tỏi, chế nhạo, mạ lị, gây thương tổn và bạo lực. Xác thịt quả đang hoành hành.

4.2 Tuy nhiên, Thánh Máccô cũng muốn chứng tỏ rằng tình yêu của Phêrô cũng không hơn gì lòng thù hận của các tư tế và luật sĩ. Giống như lòng thù hận kia, tình yêu của Phêrô cũng phát sinh và tùy thuộc xác thịt, nghĩa là các tài nguyên phàm nhân. Gặp giờ nguy biến, tình yêu của một người bạn như thế quả chẳng ích lợi gì đối với Chúa Giêsu hơn lòng thù ghét và khinh miệt của thù địch. Tình yêu và lòng thủy chung không có nghĩa gì khi dựa vào cái nền móng lung lay của ý chí xác phàm.

4.3 Nhiều giáo hội Kitô giáo ngày nay vẫn dựa vào những khôn ngoan cũng như các phuơng pháp xác thịt, trần đời để thừa hành các thừa tác vụ của mình, tiến hành các công việc phúc âm hóa... Họ thuê các cố vấn, các chuyên viên y như các đại công ty bên ngoài, tạo ra các cơ cấu tổ chức vĩ đại và phẩm trật quản trị tân tiến với chủ chiến thuật và chiến lược tiếp thị và quảng cáo. Thay vì xây dựng hội thánh trên mô thức Thánh Kinh, họ dùng các mô thức phàm trần rồi dán vào đó vào đây một vài câu Thánh Kinh để “kitô hóa” cái tổ chức trần thế, xác thịt đó. Họ quả đã thay thế việc phục dịch Chúa và uy quyền của Chúa bằng những chiến dịch tranh đấu và gửi thư trực tiếp (direct-mail campagnes). Nhiều Kitô hữu cả hai phía, tân và thủ cựu, ráng thay đổi thế giới bằng chiến tranh ý thức hệ; trong khi Chúa bảo ta phải thay đổi nó bằng tình yêu.

4.4 Quyền lực xác thân không làm được gì. Chỉ khi nào sự yếu đuối xác thân dựa vào quyền lực và khôn ngoan của Thiên Chúa. Đây là bài học thật hay rút ra từ cái thất bại ê chề của Phêrô. Chính Phêrô cũng học được bài học đó, và bởi vậy ông đã khóc thật thảm thương. Thi sĩ Tôcáchlan Charles Mackay (1814-1889) có bài thơ hay về việc này:

Ồ, anh rơi nước mắt,
Cám ơn anh đã chạy dài.
Dù anh rỉ rả trong đêm,
Anh sẽ rạng rỡ dưới ánh mặt trời.
Cầu vồng nào rực rỡ
Nếu mưa từ chối rơi;
Mắt nào không thể khóc
Là mắt buồn hơn tất cả.

Phêrô quả đã thất bại. Nhưng thất bại của ông không phải là kết thúc. Ông đã học được bài học mà thánh Phaolô tóm gọn trong thư Philiphê (Pl 3:3): (chúng ta là) những người thờ phượng bằng Thánh Thần Thiên Chúa, tìm vinh quang trong Chúa Giêsu Kitô, và không đặt tin tưởng nơi xác phàm”

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/hoi-cuoi-trong-phuc-am-macco-3/