Trích từ Dân Chúa

Dẫn nhập vào các Thư Mục Vụ của Thánh Phaolô

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Trong các thư của thánh Phao-lô, có hai thư gửi cho môn đệ Ti-mô-thê và Ti-tô là một khối duy nhất cả về văn chương lẫn giáo lý. Ngoài thư Phi-lê-môn, đó là các thư gửi cho những người được nhắc tên rõ rệt. Từ đầu thế kỷ XVIII, Béc-đô và An-tôn đã gọi những thư này là những thư mục vụ, và kiểu nói đó còn thịnh hành cho đến ngày nay. Qua những thư ấy, thánh Phao-lô gửi một số chỉ thị cần thiết đến các vị mục tử trong Hội thánh.

1. Những người nhận thư

1.1 Ti-mô-thê

Chúng ta có những chỉ dẫn trực tiếp về môn đệ Ti-mô-thê nhờ thánh Lu-ca trong sách Công vụ Tông đồ và nhờ chính thánh Phao-lô. Phao-lô gặp Ti-mô-thê lần đầu tiên tại Litra (Lít-tra), trong vùng Ly-ca-ô-ni-a. Litra là một thị trấn được hoàng đế Au-gút-tô thiết lập vào khoảng năm 6.trước công nguyên. Ti-mô-thêu thuộc hàng quí tộc trong thành. Thân phụ ông là người Hy lạp. Người ta đoán trước kia ông là dân ngoại, vì đã không đươc cắt bì ngày thứ tám theo luật Do thái. Nhưng thân mẫu ông, bà Êu-ni-kê là người Do thái theo Ki-tô giáo (Cv 16,1) và bà nội của ông, bà Lô-i cũng là người ngay thẳng có đức tin (2Tm 1,5). Cả hai bà dạy ông Kinh thánh ngay từ thời ông còn niên thiếu (2Tm 3,15).

Ti-mô-thê còn trẻ khi ông bắt đầu làm việc với thánh Phao-lô. Khoảng 15 năm sau, thánh Phao-lô vẫn còn viết cho ông: “Đừng ai dám khinh anh còn trẻ” (1Tm 4,12; 5,1; 2Tm 2, 22). Bề ngoài Ti-mô-thêu có vẻ nhút nhát và dè dặt (x 1Cr 16,10; 2Tm 1,8). Sức khỏe của ông lại không khả quan, nhiều khi ông hay đau. Vì vậy, có lần thánh Phao-lô phải khuyên ông: “Từ nay anh đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn” (1Tm 5,23). Để tránh gặp khó khăn với người Do thái, thánh Phao-lô đã làm phép cắt bì cho ông (Cv 16,3). Người ta không rõ ông được hàng niên trưởng đặt tay cho vào lúc nào (1Tm 4,14; 2Tm 1,6).

Họat động tông đồ của ông chịu ành hưởng sâu đậm của thánh Phao-lô. Ngài âu yếm gọi ông là “người anh em của chúng tôi, người cộng sự viên của Thiên Chúa trong công cuộc rao giảng Tin Mừng” (1Tx 3,2). Phao-lô hay đưa Ti-mô-thê đi theo trên các chặng đường truyền giáo (x Cv 17,14-15; 18,15; 20,4; 2 Cr 1,19). Ông ở bên thánh Phao-lô khi ngài viết các thư gửi giáo đoàn Thê-xa-lo-ni-ca (1Tx 1,1; 2Tx 1,1), Co-rin-tô (2 Cr1,1), Rô-ma (Rm 16,21), Phi-líp-phê (Pl 1,1) Cô-lô-xê (Cl 1,1) và Phi-lê-môn (Plm 1,1).

Thánh Phao-lô cử ông đi làm một công tác đặc biệt ở Ma-kê-đo-ni-a (Cv 19,22) cách riêng đến với tín hữu ở đó đang thao thức về ngày Chúa quang lâm, để củng cố đức tin cho họ và khuyên họ vững lòng (1Tx 3,26). Ngài cũng sai ông đi Co-rin-tô để nhắc cho mọi người nhớ cách thức phải xử sự trong Đức Ki-tô, như ngài đã dạy ở khắp nơi và trong mọi giáo đoàn ( 1Cr 4,17). Tất cả các lời chứng rải rác trong các sách Tân Ước khiến người ta phải quả quyết rằng đã có một sự cộng tác rất chặt chẽ giữa thánh Phao-lô và ông Ti-mô-thê trong công việc truyền giáo.

Tấm lòng ưu ái thánh Phao-lô dành cho ông Ti-mô-thê trước sau vẫn không thay đổi. Về cuối đời, lúc thấy tên đao phủ như đã đứng ngoài cửa nhà tù, ngài còn muốn nhìn thấy một lần chót (2 Tm 4,9.21) con người mà ngài gọi là “người con thật của tôi trong đức tin” (1 Tm 1,2).

1. 2 Ti-tô

Có rất ít tài liệu về môn đệ Ti-tô, bởi vì trong Công vụ các Tông đồ, thánh Lu-ca không bao giờ nhắc đến tên ông. Ông sinh trong một gia đình Hy lạp thuộc dân ngoại (Gl 2,3). Chắc ông theo đạo là nhờ thánh Phao-lô (x Tt 1,4). Thánh Phao-lô đưa ông lên Công đồng Giê-ru-sa-lem. Ngài không bảo ông phải cắt bì như trường hợp ông Ti-mô-thê. Trong vụ Co-rin-tô, hành động của ông có giá trị quyết định. Ông lật hẳn thế cờ có lợi cho thánh Phao-lô (x 2 Cr 7,7) và được tín hữu Co-rin-tô quí mến. Thánh Phao-lô đã làm chứng về ông; “Chúng tôi được an ủi không những vì anh Ti-tô đến, mà vì anh ấy đã được anh em an ủi. Anh ấy đã cho chúng tôi biết là anh em nóng lòng mong đợi, buồn phiền, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đối với tôi, khiến tôi càng vui mừng hơn

nữa... Đó là điều an ủi chúng tôi. Ngoài niềm an ủi đó, chúng tôi còn đuợc đấy tràn một niềm vui lớn hơn nữa, khi thấy anh Ti-tô vui mừng vì tất cả anh em đã làm cho tâm trí anh ấy được thư thái. Nếu trước mặt anh ấy, tôi đã có đôi chút tự hào về anh em thì tôi cũng không hổ thẹn. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi đã nói thật với anh em thế nào, thì thái độ tự hào của chúng tôi trước mặt anh Ti-tô cũng thật như vậy. Lòng anh ấy càng tha thiết quí mến anh em, khi nhớ lại anh em đã vâng lời, đã kính sợ và run rẩy đón tiếp anh. Tôi vui mừng vì trrong mọi sự, tôi có thể tin cậy anh em. (2Cr 7, 7. 13-15)

Thánh Phao-lô quí chuộng tài ba và lòng bác ái của ông Ti-tô nên đã trao cho ông sứ mệnh hoàn tất công việc tổ chức các giáo đoàn ở Creta (Cơ-rê-ta) (Tt 1,5). Theo Tm 4,10, có lẽ ông ở Rô-ma với thánh Phao-lô một thời gian, khi ngài bị giam giữ lần thứ hai, rồi sau đó ông đã đi Đa-ma-ti-a.

2. Thời gian biên soạn

2,1 Thư 2 Tm

Có lẽ đây là thư mục vụ cuối cùng vì trong đó thánh Phao-lô viết: “Tôi đã chạy tới cuối đường” Vì thế phải coi thư này như được viết vào cuối đời ngài. Có thể xác định thời kỳ thánh Phao-lô chịu tử vì đạo không, để nói thư này được viết vào lúc nào. Có hai giả thuyết được đặt ra:

Giả thuyết 1 công nhận thánh Phao-lô đã viết các thư mục vụ, và vì thế có thể nghĩ rằng ngài đã bị tù hai lần. Theo giả thuyết này thì ngài đã bị bắt trong thời hoàng đế Nê-rô cấm đạo (khoảng 64-68) và có lẽ đã chết vào năm 67. Như vậy, thư 2 Tm cũng được viết vào năm này.

Giả thuyết 2 không công nhận thánh Phao-lô là tác giả đích thật các thư mục vụ. Các thư này đã đuợc viết mãi về sau, vào khoảng cuối thế kỷ I hay đầu thế kỷ II. Nếu chỉ phân tích bản văn thì không thể biết giả thuyết nào đúng hơn giả thuyết nào.

Thật vậy, thư 2 Tm đuợc coi như viết ở Rô-ma (1,17) trong lúc thánh Phao-lô bị tù, bị xiềng xích như một tên gian phi (2,9) nên ngài coi lần bị bắt này là một sự xỉ nhtục. Hai lần ngài xin ông Ti-mô-thê đừng hổ ngươi vì ngài và hãy noi gương anh O-nê-si-pho-rô. Anh này đã không xấu hổ vì thấy thầy mình phải mang xiềng xích và đã tìm đủ cách để gặp thầy ở Rô-ma. Đàng khác, thánh Phao-lô cũng không ảo tưởng về bản án tòa sắp tuyên bố. Ngài biết mình sắp phải lìa biệt cõi đời và đến lúc phải dâng mạng sống mình làm lễ tế. Ngài cảm thấy cô đơn. Chỉ một mình Lu-ca ở lại với ngài nên ngài xin Ti-mô-thê đến trước mùa đông năm ấy.

Thánh Phao-lô đã bị giam một lần ở Rô-ma như nói trong Cv 28,30 vào khoảng năm 61-63. Hoàn cảnh lúc đó khác hẳn với những điều được nói đến trong thư 2 gửi Ti-mô-thê. Khi đó ngài ở trong một nhà trọ và được tự do tiếp khách nên phải giả thiết có một lần bị giam khác nữa mà sách Công vụ Tông đồ không nói đến. Ngài bị bắt lần thứ hai khi viết thư 2 gửi Ti-mô-thê. Lại còn một sự việc khác nữa chứng tỏ điều này, đó là ngài xin ông Ti-mô-thê gửi cho ngài cái áo khoác để ở nhà ông Các-pô tại Troie (Tro-a) cũng như sách vở và mấy tấm da thuộc. Lần trú ngụ nói đây ở Tro-a không giống với lần nói ở Cv 20,5 nên phải kết luận lần này là lần sau.

2,2 Thư 1 Tm và thư Tt

Hai thư này dùng ngữ vựng và nói về những đề tài y như trong 2 Tm. Vì thế, có lẽ cả ba thư đều được viết trong cùng một thời kỳ. Không có dữ kiện nào cho phép xác định rõ hơn. Người ta chỉ có thể nói rằng hai thư này không được viết trước và trong cuộc hành trình truyền giáo III, bởi vì trong suốt cuộc hành trình này, lúc nào ông Timô-thê cũng ở bên cạnh thánh Phao-lô.

Theo 1 Tm 1,3 thánh Phao-lô lên đường đi Ma-kê-đô-ni-a và để ông Ti-mô-thêu ở lại Ê-phê-xô để điều khiển giáo đoàn. Không có lý do để nghĩ rằng ông Ti-mô-thê ở lại đây trong cuộc hành trình truyền giáo III, bởi vì trong suốt cuộc hành trình này như đã nói trên, lúc nào ông Ti-mô-thê cũng có mặt bên cạnh thánh Phao-lô. Đàng khác đã có những lý thuyết sai lạc len lỏi vào đây, như thánh Phao-lô đã báo hiệu trước trong lời từ giã các vị trưởng lão (Cv 20,29) và điều đó chứng tỏ giáo đoàn Ê-phê-xô đã được thành lập từ trước lâu rồi. Vì thế, người ta lại phải lựa chọn, hoặc là phủ nhận các dữ kiện lịch sử của thư này, hoặc là giả thiết sau lần đầu bị giam ở Rô-ma và được thả vào khoảng năm 63, thánh Phao-lô lại tiếp tục họat

động tông đồ và viết thư này vào khoảng sau năm 63 và trước khi sọan thư 2 Tm.

Đối với thư gửi ông Ti-tô, cũng phải giả thiết như vậy. Theo Tt 1,5, thánh Phao-lô đã để ông Ti-tô ở lại Creta (Cơ-rê-ta) để hoàn thành công việc thiết lập giáo đoàn tại đó. Ngài viết cho ông Ti-tô đang lúc đi đường và bảo ông đến gặp ngài ở Ni-cô-pô-li và qua mùa đông tại đó. Nếu các dữ kiện đó đúng thì phải đặt giai đoạn họat động tông đồ này vào những năm sau khi thánh Phao-lô được thả, tức là khoảng năm 63-67.

3. Nội dung:

3,1 giáo thuyết của thánh Phao-lô trong các thư mục vụ

Không ai nghi ngờ gì về tính duy nhất của các thư mục vụ. Nhưng tương quan thần học giữa các thư này với giáo thuyết Phao-lô trong các thư khác thì lại là vấn đề khác. Khi so sánh giữa hai bên thì thấy có những điểm tương đồng và dị biệt, khiến cho người ta, tùy nghiêng về bên nào mà có những ý kiến trái ngược hẳn nhau.

3,2 Những điểm tương đồng

Có thể nói được rằng ngoài các thư của thánh Phao-lô ra, chẳng đâu có giáo thuyết Phao-lô rõ ràng như trong các thư mục vụ. Ở đây người ta có thể gặp thấy nhiều chủ đề của giáo thuyết Phao-lô như lòng thương xót của Thiên Chúa đã tỏ hiện nơi Đức Ki-tô, Đấng đã đến đến cứu chuộc nhân loại (1 Tm 1,12-17; 1,16; 2 Tm 3,15), con người được cứu nhờ ân sủng (Tt 3,7) và đức tin (1 Tm 1,16; 2 Tm 3,15), phép Thánh tẩy gắn liền với ơn cứu độ (Tt 3,15) và việc cứu chuộc loài người đã diễn ra đúng như kế hoạch đời đời của Thiên Chúa Cha. Thêm vào đó có thể kể các lời khuyên người nô lệ và các lời khuyên về thái độ phải có đối với chính quyền (1 Tm 2,1; Tt 3,1). Thánh Phao-lô còn nhấn mạnh đến các đau khổ ngài phải chịu để giáo đoàn

được nhờ (2 Tm 2, 10). Ngài nhắc lại các tâm tình của ngài đối với ông Ti-mô-thê cũng như thái độ ai cũng phải có đối với những người lầm lạc.(2 Tm 2,15). Các điểm tương đồng đó đã quá đủ để ít ra bó buộc người ta phải công nhận các thư mục vụ phát xuất từ một môi trường Phao-lô.

3,2 Những điểm dị biệt

Tuy nhiên, các điểm dị biệt giữa thần học trong các thư mục vụ và giáo thuyết Phao-lô trong các thư khác cũng rõ ràng không kém. Trong các thư mục vụ có những lời quả quyết về ơn cứu độ, nhưng lại được diễn tả bằng môt thứ ngữ vựng khác. Đức tin thay vì được hiểu như sợi dây liên lạc nối kết Ki-tô hữu với Đức Ki-tô thì lại được coi như lòng gắn bó trung kiên với một giáo lý lành mạnh (1 Tm 4,1; 6,21; 1 Tm 1,10; 2 Tm 4,3), hoặc với truyền thống đã được trao lại cho những người như ông Ti-mô-thê ( 1 Tm 6,20; x 2 Tm 2,2). Các thư mục vụ cũng nhấn mạnh đến việc phải làm những điều phước thiện ( 2 Tm 2,10). Nhưng về luân lý thì không thấy đòi hỏi gắt gao nhu trong các thư lớn. Địa vị chủ yếu của đức tin bây giờ được nhường lại

cho lòng đạo đức. Kiểu nói này được dùng đi dùng lại nhiều lần trong các thư mục vụ (1 Tm, 2,2; 3,16; 4,7-8; 2 Tm 3,5; Tt 1,1), còn trong các thư khác thì không thấy bao giờ. Đức ái cũng trở thành một nhân đức như các nhân đức khác, chứ không phải là nhân đức đứng đầu mọi nhân đức như vẫn thường được nói trước đây (1 Tm 4,12). Chúa Thánh Thần chỉ được nhắc tới sơ qua. Sau cùng, không còn thây nói đền nỗi mong chờ ngày cánh chung mà chỉ thấy nói đến phải sống đạo đức trong thời hiện tại (Tt 2,11-14). Tất cả những điều nói trên chứng tỏ Hội thánh đã bước sang một giai đọan mới, không còn cần phải đặt nền tảng đức tin nữa, nhưng phải củng cố và tổ chức thế nào để đối phó với các bè rối đang nổi lên đe dọa.

3,4 Tổ chức Hội thánh

Khi hầu hết cácTông đồ không còn nữa thì tự nhiên phải nghĩ đến người thay thế. Đó là các giám quản và kỳ mục. Hai chức này là tiền thân của chức giám mục và linh mục hiện nay. Về điểm này, các thư mục vụ phản ánh khá rõ tình trạng ở cuối thế kỷ I. Chưa có vấn đề tổ chức hàng giám mục và linh mục như hiện nay, bởi vì nhiệm vụ của giám quản và kỳ mục cũng tương tự như nhau. Cả hai chức vị này đều phải trung thành truyền đạt lại giáo lý đã nhận được. Thêm vào đó, còn phải nêu gương đời sống thánh thiện (1 Tm 3,1-7; Tt 1, 5-9), củng cố đức tin của tín hữu, đối phó với các thày dạy giả hiệu. Các phó tế cũng phải sống gương mẫu (1 Tm 3,8-13) và được trao phó cho việc giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo. Điều đáng

lưu ý là các thừa tác vụ như các ngôn sứ thì bị xếp vào hàng thứ yếu. Có lẽ vì muốn tránh những lộn xộn như đã xẩy ra ở Co-rin-tô. Nói chung, các thừa tác vụ chưa được phân chia rõ rệt, còn đang trong giai đọan thành hình, mãi về sau mới được xác định.

3,5 Các bè rối hay các phe lạc giáo

Các thư mục vụ luôn luôn nói đến một số các phe lạc giáo và khuyên tín hữu phải có thái độ cương quyết trung thành với giáo lý tinh tuyền. Nhưng các lạc giáo lại chỉ được mô tả một cách đại khái chung chung vậy. Các thầy dạy giả hiệu đang hoạt động trong giáo đoàn, dường như chịu ảnh hưởng của phe Do thái nhiều hơn cả. Hầu hết họ là người Do thái (Tt 1,10), muốn đóng vai luật sĩ (1 Tm 1,7), khơi lên những cuộc tranh luận về luật pháp ( Tt 3,9), nại vào các thần thoại Do thái, các chuyện truyền kỳ và các gia phả (1 Tm 1,4). Tuy nhiên, trong các tư tưởng của họ cũng thấy chớm nở khuynh hướng nhị nguyên của thuyết Ngộ đạo. Họ cấm không cho kết hôn và buộc phải kiêng một số thức ăn ( 1 Tm 4,3). Các lạc thuyết lại kèm theo một số buông thả

về luân lý. Các thư mục vụ nhiều lần kê ra những những thói xấu nói trong 1 Tm 1,9-10; 2 Tm 3,2-3; Tt 3,3. Phe Khắc kỷ cũng có những bảng kê khai như vậy. Có lẽ các thư mục vụ đã chấp nhận các bảng kê khai này qua trung gian những người Do thái thường tiếp xúc với triết học khắc kỷ.

3,6 Vinh tụng ca trong các thư mục vụ

Người ta sẽ không nhận định đúng tầm quan trọng của các thư mục vụ, nếu chỉ bàn luận xem các chức giám quản và niên trưởng trong các thư này có nhiệm vụ nào hay tìm hiểu các lạc giáo được nói đến trong các thư đó. Vì vậy còn cần phải nghe dư âm ca tụng của Hội thánh thời sơ khai nữa. Lời ca tụng này hiện ra rõ nhất trong các vinh tụng ca thời xưa còn ghi lại ( 1 Tm 1,17; 3,16; 6,15-16) cũng như trong nhiều thư, các câu tung hô địa vị cao cả và công trình vĩ đại của Đức Ki-tô.

4. Tác giả các thư mục vụ.

Các Hội thánh mang danh Đức Ki-tô đều công nhận các thư mục vụ thuộc kinh điển Tân Ước, nghĩa là các cộng đoàn Ki-tô hữu được Thánh Thần hướng dẫn, công nhận các thư này là Lời Chúa. Nhưng vấn đề ai là tác giả của những thư đó thì chưa thống nhất. Có phải thánh Phao-lô là tác giả của những thư đó không ? Có điều làm cho người ta nghi ngại là niên biểu của những thư đó, vì niên biểu có liên hệ với tác giả. Thế mà lại có nhiều lý do để phân vân.

Trước hết là những lý do của khoa phê bình ngoại tại. Nhiều người cho rằng những lý do đó mạnh đủ để quả quyết thánh Phao-lô lá tác giả của những thư đó. Thánh Cơ-lê-men-tê thành Rô-ma, thánh I-nha-xi-ô thánh An-ti-ô-khi-a có thể đã đọc và trích dẫn các thư mục vụ. Như thế có nghĩa là các giáo đoàn Rô-ma, Miếc-na và An-ti-ô-khi-a đã công nhận các thư đó là Kinh thánh. Thư qui Mu-ra-to-ri làm vào năm 180 kể các thư ấy vào số các thư của thánh Phao-lô. Thánh Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a trích các thư mục vụ hơn 40 lần. Thánh I-rê-nê cũng trích dẫn và bảo đó là thư của thánh Phao-lô. Tất cả những điều ấy có nghĩa là vào hậu bán thế kỷ II nhiều vị có thế giá trong Hội thánh công nhận các thư mục vụ là lời Chúa và là tác phẩm của thánh Phao-lô.

Bây giờ xét về mặt phê bình văn bản. Trước hết là vấn đề ngữ vựng không thuần nhất. Trên tổng số 902 từ dùng trong các thư mục vụ, có đến 305 không được dùng trong các thư khác của thánh Phao-lô và 175 từ không được dùng trong Tân Ước. Như thế là nhiều, bởi vì tính ra thì cứ 155 từ trong thư mục vụ đã có một từ lạ, đang khi cứ 533 trong 1 Cr và cứ 366 từ trong 2 Cr mới thấy như thế. Vậy phải kết luận thế nào ?

Trước hết không nên quan trọng hóa lối tính này. Trong số các từ lạ kia, có nhiều từ chẳng có ý nghĩa nào đặc biệt, thí dụ những từ phải dùng vì hoàn cảnh như từ báo tử (1 Tm 5,23), bà ngoại (2 Tm 1,5), giấy da thuộc (2, Tm 4,13). Ngoài ra, vì tác giả đang ở Rô-ma, nên ta có thể hiểu tại sao trong các thư mục vụ có những kiểu nói mượn của la ngữ như sống một đời (1 Tm 2,2), hoặc tên gian phi (2 Tm 2, 9). Sau cùng, một số những từ lạ là những từ trong bản Cựu Ước được dịch sang tiếng Hy lạp. Vì thế, người nào đã quen bản dịch này, thì tự nhiên cũng dùng những từ ấy khi viết. Chỉ còn phần giải thích vì sao có những từ lạ ý nghĩa hơn. Vấn đề bàn trong các thư này khá đặc biệt, đó là làm thế nào hướng dẫn, điều khiển được Hội

thánh. Trước đây, chưa bao giờ thánh Phao-lô đề cập đến vấn đề này một cách rộng rãi. Hoàn cảnh mới buộc phải dùng từ mới. Người ta đếm được 50 từ nói về các lạc giáo, 29 từ nói về tư cách các thừa tác viên, 61 từ nói về phận sự và nhân đức Ti-mô-thê và Ti-tô phải có, 90 từ nói về việc tổ chức Hội thánh. Rồi chính thánh Phao-lô kể từ khi viết những bức thư lớn cũng vậy. Tự nhiên một bộ óc tư tưởng mạnh mẽ như thánh Phao-lô không thể luôn cứng nhắc được. Nó phải tiến bộ và đương nhiên phải ảnh hưởng đến việc dùng từ ngữ. Điều này đâu có liên hệ riêng đến các thư mục vụ mà thôi. Đối với nhiều thư khác cũng vậy. Người ta đã thấy điều đó khi phải chứng minh thư 1 Tx và thư Cl cũng là do thánh Phaolô viết như đã viết thư 1 Cr.

Đàng khác, thánh Phao-lô bấy giờ đã già, lời văn tự nhiên phải chậm rãi, tẻ nhạt hơn và dễ có giọng giảng giải. Vì thế có ít là 30 động từ ở mệnh lệnh cách trong 2 Tm. Ngài không còn nhớ những tiếng kêu than trong 2 Cr nữa và cũng đã quên những giọng điệu trong thư Gl. Bây giờ ngài là một Phao-lô chững chạc với giọng dịu dàng và dễ dãi. Vì muốn sáng sủa và gẫy gọn nên ngài dùng một lối văn điêu luyện và thích dùng các từ mới. Tự nhiên một văn sĩ về già thường hay biến đổi như thế. Những tác giả ỡ những thời kỳ rất khác nhau như Platon (Pơ-la-tông) và Shakespeare (Sây-kơ-pia) cũng đã đi theo một đường lối như thế, càng về già càng thích dùng từ mới.

Sau cùng phải để ý đến vai trò quan trọng của thư ký. Nhà chú giải Jeremias (Giê-rê-mi-át) rất chú trọng đến điều này. Trong một nhà tù chật chội bẩn thỉu thiếu ánh sáng, thiếu phương tiện để viết lách theo kỹ thuật thời đó, phải nhiều ngày mới viết được một thư như 2 Tm, nên phần đóng góp của thư ký thật là đáng kể. Có những đọan chắc chắn thánh Phao-lô đã đọc cho người ấy viết (như 2 Tm 4, 6-18), nhưng cũng có những đoạn dài khác mà người ấy phải tự thảo ra, dựa vào các lời giảng huấn và các cuộc đàm đạo với ngài. Rồi cũng chính người ấy tự động đem những đoạn vinh tụng ca phụng vụ thời ấy vào trong thư như ở 1 Tm 1, 17; 3, 16; 6, 15-16 và 2 Tm 2, 11-13)

Người ta có thể thông qua mau lẹ những điểm khác có liên hệ đến tác giả, thí dụ như trên đã nói, giữa giáo lý của các thư mục vụ và giáo thuyết của thánh Phao-lô nói chung có nhiều điểm khác biệt đáng kể. Có thể căn cứ vào đó mà phủ nhận tư cách tác giả của thánh Phao-lô trong các thư này không ?

Có người muốn phủ nhận thánh Phao-lô là tác giả của những thư này, căn cứ vào việc các thư chống thuyết Ngộ đạo (một tà thuyết sau này mới thành hình). Nhưng các tà thuyết mà những thư này nói tới, có nhiều nét giống như chủ thuyết của phe Do thái và không rõ rệt giống như thuyết Ngộ đạo ở thế kỷ II. Các phong trào đó rất có thể đã hoạt động ngay trong thời thánh Phao-lô.

Còn về việc tổ chức Hội thánh, các thư này mô tả rõ ràng hơn các thư trước. Nhưng rất có thể đó là những chỉ thị thánh Phao-lô đã muốn để lại trước khi từ biệt cõi đời này. Vì thế cũng không thể dựa vào đó mà phủ nhận ngài là tác giả của các thư mục vụ.

Một điểm khó khăn nữa là làm sao dung hòa được bối cảnh lịch sử của các thư mục vụ với các dữ kiện của sách Công vụ Tông đồ. Người ta đưa ra giả thuyết thánh Phao-lô bị tù hai lần ở Rô-ma để đem các dữ kiện lịch sử của các thư mục vụ lồng vào đời sống của ngài. Nhưng điều ấy không có nghĩa là đã xảy ra như vậy, bởi vì khi sách Công vụ chấm dứt với câu chuyện thánh Phao-lô bị tù ở Rô-ma thì không tất nhiên có ý bảo thế là xong đời Phao-lô ! Bởi vậy, lập luận này khá tế nhị. Theo nguyên tắc, phải sẵn sàng công nhận các dữ kiện của thư mục vụ, vì khi không đủ lý do chính đáng thì không được hồ nghi những điều người khác viết.

Kết luận

Vậy, phải kết luận thế nào ? Phe phủ nhận cũng như phe khẳng định thánh Phao-lô là tác giả đều có những lý chứng đáng kể. Có người lại nghĩ nên theo giải pháp trung dung là công nhận thánh Phao-lô chỉ là tác giả một phần thôi. Có thể nghĩ rằng một người nào đó rất ngưỡng mộ ngài, thấy Hội thánh ở thời mình có những nhu cầu cấp bách nên đã viết ra những thư này, như di chúc tinh thần của ngài để lại. Còn các chi tíết khác (như chiếc áo khoác và tấm da thuộc để quên ở Trô-a) thì do những thư thật của thánh nhân đã được người đó lồng vào trong các thư mục vụ

Dù sao thì các thư.mục vụ cũng đã cung cấp cho hậu thế những điều bổ ích liên quan đến công trình gây dựng Hội thánh lúc ban đầu. Nhờ vậy, người ta biết được công lao của các vị có trách nhiệm thời bấy giờ, với bao khó khăn chồng chất của thời khai sáng, đồng thời hiểu được mối bận tâm phải lo chọn những người như thế nào đó mới giao cho công việc thành lập và điều khiển giáo đoàn được. Tựu trung, có thể nói được rằng các thư mục vụ là những mô hình mẫu cho công việc huấn luyện và đào tạo các người đứng ra lãnh đạo cộng đoàn ở mọi thời và mọi nơ..

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris tg 2285-2293)

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/dan-nhap-vao-cac-thu-muc-vu-cua-thanh-phaolo/