Trích từ Dân Chúa

Mẹ TàPao

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy

VietCatholic News (05/05/2005)

Ngày 13 tháng 05 năm 2005, Đức Giám Mục giáo phận Phan Thiết sẽ cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường dâng kính Đức Mẹ Tàpao.

Khi gọi tên Mẹ Tàpao, người viết không có dụng ý xác nhận việc Đức Mẹ có thực hiện các việc lạ tại Tàpao, một ngọn núi thuộc xã Đồng Kho, Tánh Linh, Bình Thuận hay không, vì đó là quyền hạn của Đấng Bản Quyền là Giám Mục Giáo Phận. Tiếng “Mẹ” thân thương mà tín hữu Việt Nam thường gọi Đức Maria được gắn liền với nhiều danh hiệu diễn tả nhân đức và đặc ân của Mẹ như: Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh, Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành.. .

Tapao07-014.jpg

Đặc biệt, những địa danh linh thiêng, nơi Đức Mẹ hiện ra hay làm phép lạ, cũng gắn liền với tiếng Mẹ: Mẹ Fatima (Bồ Đào Nha), Mẹ Lỗ Đức (Pháp), Mẹ Lavang (Việt Nam).. . Tại Vũng Tàu cũng có tượng Đức Mẹ rất trang trọng trên núi, bên cạnh có ngôi thánh đường, nơi hành hương của nhiều người, và người ta khi đến đó thì gọi là đến với Đức Mẹ Bãi Dâu.Do đó, đến với Mẹ Tàpao, là đến cầu nguyện cùng Đức Mẹ trên một ngọn núi có bức tượng được đặt và làm phép bởi Đức Cha Marcello Piquet Lợi, giám mục Nha Trang, vào ngày 08.12.1959. Mẹ đứng nơi triền non nhìn xuống dòng sông và cánh đồng Đồng Kho.

Từ hơn 5 năm qua, không những các tín hữu Công Giáo mà cả người không Công Giáo tại Việt Nam đã nghe nói, và đi hành hương đến Mẹ Tàpao. Cả người nước ngoài cũng có. Mẹ Tàpao không chỉ được biết đến trong giáo phận Phan Thiết, giáo phận út Việt Nam mà còn nơi nhiều giáo phận bạn, và ngay cả nước ngoài. Chính Đức Cha Phaolô, Giám Mục Phan Thiết khi qua Rôma cũng được hỏi về Đức Mẹ Tàpao thế nào.

Khi còn là Phó tế năm 1999, 40 năm sau khi đặt tượng Mẹ Tàpao, năm mà bắt đầu có người nói rằng đã thấy hiện tượng lạ về Đức Mẹ và đến kính viếng tượng Mẹ tại Tàpao, tôi đã cùng vài giáo lý viên đến Mẹ Tàpao. Nhưng lần đó chỉ có ít người.

Thế rồi, số người hành hương về với Mẹ Tàpao ngày càng đông, có khi lên đến 10 ngàn người, bất chấp những khó khăn, trở ngại, vất vả. Họ đến vào trước ngày 13 mỗi tháng, cao điểm là ngày 13 của hai tháng kính Đức Mẹ là tháng Mười và tháng Năm. Họ đến cầu nguyện, lần hạt trên núi dưới chân tượng, hoặc chầu Chúa trong nhà thờ Tánh Linh. Đáp ứng nhu cầu đạo đức của các tín hữu, hai Đức Giám Mục giáo phận là Đức Cha Niacolas và Đức Cha Phaolô đã thay nhau dâng lễ tại đây vào các ngày 13 mỗi tháng, có khá đông các cha đến giúp giải tội và đồng tế.

Là một linh mục bệnh hoạn, phải nghỉ “hưu non” hơn 15 tháng tại Tòa Giám Mục Phan Thiết ở tuổi 30, ngày 09.04.2003, tôi về nhận xứ Bình An vì “liều” trong vâng phục, lại nhận nhiệm vụ xây dựng lại ngôi thánh đường mà lễ đặt viên đá đã cử hành cách 10 năm, nhưng chưa xây dựng. Bí thế, tôi đã nghĩ đến Mẹ Tàpao. Vì chính Đức Mẹ đã bảo thánh nữ Bernadette xây dựng một ngôi nhà thờ kính Đức Mẹ tại Lỗ Đức, thánh nữ đã trình lại cha xứ của mình, ngài hỏi: con có tiền không ? Thánh nữ trả lời: không! Cha xứ nói: cha cũng không có.. . Thế mà nơi vùng đất hoang ấy nay đã có một Vương Cung Thánh Đường nguy nga tráng lệ, điểm hội tụ của bao người khắp thế giới hành hương, cầu nguyện.

Với niềm hy vọng ấy, tôi đến với Mẹ Tàpao, nhận được sự giúp đỡ của một số khách hành hương. Nhờ ơn Mẹ, những nhà hảo tâm vẫn âm thầm hỗ trợ. Đáp lại, tôi cố gắng hành hương mục vụ vào ngày 13 mỗi tháng để giải tội và dâng lễ tại nhà thờ Tánh Linh.

Ngôi nhà thờ tôi đang xây dựng tuy còn dang dỡ, nhưng như thế này đã phải tại ơn Chúa và Đức Mẹ Tàpao rồi. “Lạy Chúa, xin xây nhà cho chúng con và canh giữ thành trì” (x. Tv 127). Xin Mẹ tiếp tục dùng con cái Mẹ nâng đỡ chúng con để khánh thành nhà thờ Bình An kịp mừng Mẹ Vô Nhiễm 08.12.2005, kỷ niệm 46 năm Mẹ Tàpao.

Không ít người đã nói với tôi về việc họ thấy có hiện tượng lạ tại Tàpao. Tôi chưa đồng tình, hay phủ quyết. Phép lạ phải được điều tra, kiểm chứng lâu dài bởi giáo quyền. Nhưng với tôi, cũng có điềm lạ:

  1. Cái lạ là bức tượng Mẹ cũ nơi vùng núi hoang hiểm trở chỉ có người đi hái củi và lấy măng mới nhìn thấy, nằm trong quên lãng 40 năm qua, tự nhiên là nơi qui tụ của hàng ngàn người đến kính viếng, cầu nguyện và xin ơn. Tháng nào cũng có và liên tục hơn 5 năm qua.
  2. Ngày nay con người có khuynh hướng “mất cảm thức về tội”, không thấy cần, và không đến với bí tích Hòa Giải. Thế mà tại nhà thờ Tánh Linh, vào các dịp hành hương ấy, các linh mục giải tội không kịp. Đây cũng là dấu hiệu khả quan khác thường của ơn Sám Hối nhờ Mẹ.
  3. Rồi vùng đất Đồng Kho sẽ có ngôi nhà thờ mới khá rộng, cách xa tượng Mẹ Tàpao khoảng 500 m, để những ai hành hương Mẹ Tàpao, sau khi viếng tượng Mẹ trên núi, có thể dự lễ, xưng tội, chầu Thánh Thể mà không phải đi quá xa như hiện nay. Đây cũng lạ chứ! ?

Tuy có những người lợi dụng, tự cho mình là được mạc khải riêng của Mẹ để làm những hành động gây rối, xúc phạm đến các vị Chủ Chăn, làm khổ giáo hội địa phương. Những nơi Đức Mẹ hiện ra, Giáo Hội địa phương cũng đã chịu đau khổ cách này hay cách khác; và các thánh được nhìn thấy Đức Mẹ, cũng như những người được ơn làm các việc lạ, không bao giờ khoe khoang, mà khiêm tốn ẩn mình hết sức, đặc biệt rất phục tùng Đấng Bản Quyền. Đó cũng là một tiêu chuẩn để ta thẩm định một ai đó tự cho mình là “được mạc khải tư”.

Nhân tháng Hoa kính Đức Mẹ và ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường dâng Mẹ Tàpao, chúng ta hướng về Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo Phận Phan Thiết chúng ta trong tinh thần Công Đồng Vatican II: “Giáo Hội cũng khuyến khích mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và những việc đạo đức nhằm suy tôn ngài và đã được quyền giáo huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ.. . hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm, cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng.. . Các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chống qua và vô bổ, cũng không hệ tại mọi sự dễ tin phù phiếm, nhưng phải phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta, lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta”. (Hiến Chế Giáo Hội-số 67)

Bình An, 05.05.2005

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy

URL: http://danchuausa.net/tapao/me-tapao/