Trích từ Dân Chúa

Lên Núi Với Mẹ

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy

Nguồn: chungnhanduckito.net

9 giờ 30 ngày 13.08.2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Phan Thiết cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng đường lên núi Tàpao giúp khách hành hương dễ dàng tiến bước lên núi kính viếng Mẹ Tàpao.

Đức Mẹ Tàpao


Từ đây, ngọn núi cao dốc đứng, nơi có bức tượng Đức Maria mà Đức Cha Marcello Piquet Lợi, Giám Mục Nha Trang, làm phép vào ngày 08.12.1959, sau 40 năm xa cách, âm thầm trong rừng rậm, rồi hơn 6 năm qua, trở thành điểm qui tụ của hàng ngàn người, không phân biệt tôn giáo, không giới hạn lãnh thổ… tề tựu về Hạt Đức Tánh-Phan Thiết vào những ngày 13 trong tháng, sẽ có một lối đi với những tam cấp bằng đá, giúp chúng ta dễ dàng vượt qua hơn 300 m đoạn đường trơn trợt để lên núi với Mẹ.

Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Thuận cho phép Toà Giám Mục Phan Thiết làm đường lên núi với Mẹ, là dấu hiệu tích cực về tôn giáo, và là cơ hội phát triển du lịch sinh thái nơi xã Đồng Kho-xã vừa thành lập giáo xứ mới của Huyện Tánh Linh, một hướng mở khả quan cho người dân vùng cao này.

Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ đã tạo cho chúng con có đường cùng lên núi với Mẹ để gần Chúa hơn !

Núi non là nơi linh thiêng, nơi gặp gỡ giữa con người và thế giới thần linh trong quan niệm dân gian và trong Kinh Thánh. Núi đồi cũng là nơi nương ẩn khi gặp thử thách, bách hại. Núi rừng còn là nơi thư giản, phục hồi sức khoẻ, giải toả những căng thẳng của cuộc sống.

Mỗi khi lên núi, chúng ta sống lại tâm trạng của tổ phụ Abram, lần đầu tiên gặp Chúa đã “sang miền núi, ở phía đông Bết-ên… tại đây ông dựng một bàn thờ kính Đức Chúa” (St 12, 8). Trên núi, chúng ta nhớ lại mẫu gương đức tin của Abraham-Cha của kẻ tin, một đức tin mạnh đến nỗi thực hiện ý Chúa đòi hỏi quá sức mình: "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho."(St 22, 2)

Khi lần theo những bậc tam cấp tiến lên núi, chúng ta hồi tưởng hình ảnh chiêm bao của Giacóp về “chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời”, và chúng ta cùng bước đi với các thiên thần của Chúa lên xuống (x St 27, 10-12), bước lên trong niềm tin tưởng “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn.” (Xh23, 20); bước đi trong an bình vì “thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” (Tv 91, 12). Tâm trạng được đồng hành với thiên thần hộ thủ, được Chúa bảo vệ chở che, không chỉ dừng lại trong khi hành hương mà thôi, nhưng sẽ kéo dài suốt cuộc hành trình tại thế của người tín hữu, cho đến ngày “được vào ngụ trong nhà Chúa, được ở trên núi thánh của Ngài” (Tv 15, 1).

Lên núi cầu nguyện, là lúc chúng ta bắt chước Môsê đáp lời Chúa gọi: “Hãy lên núi với Ta và ở lại đó” (Xh 24, 12) để lãnh nhận thánh ý Chúa. Cắm trại trên núi, là sống lại thời gian 40 đêm ngày mà Môsê lưu lại trên núi Sinai để nhận Giao Ước Thập Giới. (x. Xh 24, 12 –18); 40 ngày đêm chay tịnh trong hoang địa của Chúa Giêsu trước khi bắt đầu sứ vụ (x. Mt 4, 1-11); hay có thể tìm được một nơi “ở đây thì tốt biết mấy” để cắm lều bên Chúa, như thánh Phêrô xưa được Chúa đưa riêng lên núi Tabor, dịp Chúa hiển dung. (x. Mt 17, 1-8)

Sống một mình trên núi, chống chọi với những thử thách khắc nghiệt, những mối nguy hiểm từ thiên nhiên, chúng ta có thể liên tưởng đến cuộc chiến của một mình tiên tri Êlia với 450 tiên tri của thần Baan và Asêra, trên núi Cátmen, nơi Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Ngài vượt trên mọi thần lực, mà đáp lời khẩn cầu của Êlia. (x. 1V 18, 20-40)

Ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi đồi, chúng ta hướng về viễn tượng của ngôn sứ Isaia “Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA, đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi.” (Is 2, 2) một viễn tượng lớn mạnh của Nước Trời như “hạt cải…thành cây” (x. Lc 13, 19) và sự bền vững của “Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16, 18); và chúng ta rủ nhau cùng hành hương gia nhập và tiến vào Nước Chúa: “Rằng, đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.” (Is 2, 3)

Các tín hữu, những người tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô lên núi cao, để sứ vụ rao giảng bằng lời và bằng đời sống của mình được vang xa: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng: "Kìa Thiên Chúa các ngươi!" (Is 40, 9)

Cùng với đám đông qui tụ trên núi là lúc chúng ta quây quần bên Chúa Giêsu, nhớ lại và sống giây phút gần Chúa như các tông đồ: “Chúa Giêsu lên núi ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên…”, đồng thời nghe lại Hiến Chương Nước Trời, bài giảng trên Núi Bát Phúc (x. Mt 5, 1-12), và ra sức sống tinh thần nghèo khó, hiền lành, trong sạch, khao khát sự công chính… để được vào Nước Trời.

Khi một mình trên núi, chúng ta noi gương Chúa Giêsu “Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.” (Mt 14, 23) để tìm những giây phút “nghỉ ngơi một chút” (Mt 6, 31) bên Chúa, giúp “tâm hồn được bồi dưỡng” (Mt 11, 29); hay có cơ hội “cầu nguyện cùng Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo… sẽ trả công cho anh em.” (Mt 6, 6)

Còn rất nhiều đoạn Thánh Kinh liên quan đến núi, nhưng ta chỉ gặp thấy một câu nói đến việc Đức Maria lên núi: “Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa…” (Mt1, 39). Mẹ vội vàng lên miền sơn cước để giúp đỡ bà Isave, người nữ son sẻ cao niên đang mang thai. Trong hành trình thăm viếng này, Mẹ đã đưa gia đình ông Giacaria gặp Chúa Cứu Thế.

Tuy Tin Mừng chỉ minh nhiên kể Mẹ lên núi một lần, nhưng thực tế, như bao thiếu nữ Sion đạo đức khác, Mẹ đã nhiều lần hành hương lên Núi Sion, nơi có thành thánh Giêrusalem. Khi được Chúa đưa lên trời, Mẹ đã chọn những nơi núi rừng để hiện ra, và đó là lý do con cái Mẹ dựng tượng tôn kính Mẹ trên núi đồi, làm nơi hành hương.

Đến với Mẹ Lavang, chúng ta phải đến vùng xưa kia là rừng vắng. Đến kính viếng Mẹ Trà Kiệu, khách hành hương phải leo lên một ngọn đồi. Viếng Mẹ Bãi Dâu, các tín hữu leo lên sườn núi gần bờ biển Vũng Tàu. Giáo Phận Phan Thiết đã có một con đường giúp khách hành hương lên núi với Mẹ tại Hiệp Nghĩa-Hàm Thuận Nam, nay có thêm con đường mới giúp chúng ta lên núi với Mẹ tại Tàpao.

Mừng khởi công xây dựng Trung Tâm Mẹ Tàpao
Bình An, 03.08.2006

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy

URL: http://danchuausa.net/tapao/len-nui-voi-me/