Trích từ Dân Chúa

Hành hương Đức Mẹ TàPao giữa lòng mùa Chay

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mùa Chay với hành trình Bốn Mươi Ngày là “thì mạnh” của Năm Phụng Vụ, là “thời Thiên Chúa thi ân và là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2). Bước vào Mùa Chay, Giáo Hội nhấn mạnh đến những cách thế hy sinh hãm mình để qui hướng về Thiên Chúa, tôn vinh Người, đồng thời cũng qui hướng về tha nhân, để lưu tâm giúp đỡ, sống tình bác ái huynh đệ.

100313Tapao0.jpg
100313Tapao3.jpg
100313Tapao6.jpg

Mùa Chay là thời điểm mà Chúa Giêsu Kitô tuôn đổ muôn vàn ân sủng cho Giáo Hội qua mầu nhiệm Thánh Giá.Trong bầu khí của Năm Thánh 2010, Mùa Chay năm nay thúc đẩy mỗi tín hữu sống tinh thần hy sinh, sám hối và hòa giải cách chân thành và triệt để hơn, theo đúng tinh thần Tin Mừng.

Ngày 13.3.2010, giữa lòng Mùa Chay Thánh, hàng ngàn người đã hành hương về bên Mẹ TàPao. Con đường từ ngã ba căn cứ sáu vào Tánh linh đang thi công nên bụi bay mịt mù, xe lắc lư chông chênh. Từng đoàn xe vất vả nối tiếp nhau tiến về núi rừng TàPao.

Một con đường mới rộng 4m gần 200 bậc cấp lên tượng Mẹ đang cơ bản hoàn thành. Chỉ trong vòng 5 tuần lễ, với sự nổ lực của ban xây dựng và hàng ngàn công lao động của anh chị em Dân Tộc K’ Ho vùng Di Linh – Bảo Lộc, con đường lên rộng rãi, người hành hương thong thả vừa đi vừa lần chuỗi, từng bậc cấp lên cao đến tận chân Mẹ.

Đang mùa khô hạn nắng nóng, đất ruộng nứt nẻ, trên núi đồi vẫn bát ngát một màu xanh của núi rừng. Những vườn điều xanh um tỏa bóng mát lên tận thánh tượng Đức Mẹ. Giữa những vườn điều đang ra hoa kết trái xanh đỏ vàng đẹp mắt, tôi nhớ đến sự tích trái ”đào lộn hột”.

Một hôm trong một khu rừng rộng lớn, tổ chức một buổi lễ vui. Tham dự buổi lễ có đủ mọi loài súc vật lớn bé: từ con voi khổng lồ cho đến mọi loài rắn rết côn trùng. Sinh sống ở bên ngoài bìa rừng có một trái đào tò mò muốn được dự cuộc vui nên thầm ước mong: “Ước chi mình được thoát ra khỏi cái thế giới đen tối này để xem coi sự việc bên ngoài thế nào”. Cùng lúc đó, có nàng tiên đi qua cây đào, nàng cũng muốn đi đến dự buổi lễ vui trong rừng nhưng không có bạn.

Nàng tiên dừng lại bên cây đào, và hột đào từ trong trái đào tiến ra khẩn khoản nài xin: “Nàng tiên ơi, xin cho con ra khỏi trái đào này đi để con được xem thấy ngày vui hiếm có ở khu rừng vắng vẻ này”. Nàng tiên động lòng thương xót và rồi với quyền phép trong tay, nàng đụng vào trái đào và lập tức hột đào lộn ra ngoài. Lần đầu tiên được nhảy nhót nhìn thế giới bên ngoài, hột đào sung sướng kêu lên: “Ôi, thế giới này đẹp quá”.

Suốt buổi lễ hôm đó, hột đào sinh sống ngồi trên trái đào như một cái ngai vàng treo lủng lẳng trên cây bên cạnh nàng tiên xinh đẹp. Từ trên cao, hạt đào có thể nhìn xuống và nhìn ra suốt cả khu rừng nhộn nhịp trong ngày lễ hiếm có. Hột đào thích quá nên không ngớt van nài nàng tiên đừng để mình trở lại vào trong trái đào nữa. Sau buổi lễ, khu rừng trở lại yên tĩnh như trước. Gió lốc thổi mạnh, mưa rơi tầm tã, sấm chớp tứ bề làm hạt đào ướt đầm đìa và run sợ. Hột đào cảm thấy bất hạnh hơn bao giờ hết và thầm nghĩ: “Trước kia, khi còn ở trong lòng trái đào, mặc dầu tứ bề đen tối, nhưng ít ra còn được che mưa che nắng không phải run sợ. Bấy giờ hột đào quay sang nàng tiên khẩn khoản van lơn cho được trở lại trong lòng trái đào ấm cúng. Nhưng đã quá muộn, nàng tiên đã ra đi từ lúc nào. Và từ đó, trái đào mang tên là “Đào lộn hột”.

Ý nghĩa câu chuyện cổ tích của trái đào lộn hột trên đây rõ ràng và dễ hiểu. Thật vậy, chinh phục đầu tiên và lớn nhất của mỗi người chính là biết chấp nhận chính mình với tất cả những gì mình có: tài năng cũng như hạn hẹp thiếu sót. Như Đức Maria nhìn nhận mình chỉ là “tôi tá Chúa” là “Nữ tỳ hèn mọn”. Mỗi người khám phá ra ơn gọi riêng của mình và trở nên chính mình.

Nắng gay gắt, gió cuốn bụi mịt mù. Những công trình xây dựng lễ đài, đường lên núi vẫn đang dang dỡ. 8g sáng, mọi người tề tựu quanh lễ đài, làm việc kính Đức Mẹ và dâng những tâm tình khấn nguyện. Đến 8g30, đoàn rước tiến lên lễ đài. Ca đoàn Giáo xứ Chính Tâm hoà vang ca nhập lễ. Đức cha Giuse Vũ Duy Thống cùng đồng tế với Đức Cha Nicolas, Đức cha Phaolô và khoảng 30 linh mục.

Đức cha Giuse giảng lễ, suy niệm Tin mừng câu chuyện Truyền tin.

100313Tapao5.jpg

Trang Tin mừng hôm nay chính là ngắm thứ nhất mùa Vui: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, và lời kinh của mỗi người chúng ta dâng lên từ mầu nhiệm này là xin cho mình được sống khiêm nhường. Vì vậy giữa lòng Mùa Chay, hướng về Đức trinh nữ Maria, chúng ta suy ngắm lời xin vâng của Đức trinh nữ Maria có những chiều kích như thế nào.

Lời xin vâng gắn liền với nhân đức khiêm nhường của Mẹ đã trở thành hình mẫu cho đường đi của mỗi người tín hữu trong Mùa Chay.

1. Sự khiêm nhường trong sự vâng phục kính tôn.

100313Tapao4.jpg

Lời chào của Sứ Thần dành cho Đức Mẹ là một lời chào rất đặc biệt chưa hề có trong lịch sử cứu rỗi. Không phải bởi vì bầu khí thần hiện cho bằng vì chính nội dung lời chào. Đó là chữ “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc”. Một Sứ thần của Thiên Chúa uốn gối trước mặt một con người có một phẩm tước vô cùng cao quý. Đây là trường hợp duy nhất không có lần thứ hai. Vì vậy, trong tiếng Fiat của Mẹ đã làm ánh lên một tâm tình suy phục kính tôn.

Giống như bất cứ người thiếu nữ Sion nào, được hòa nhập trong dòng chảy của ơn cứu độ, được yêu mến và được nuôi nấng bằng dòng sữa chờ mong Đấng Cứu Thế, Trinh Nữ Maria luôn luôn khiêm tốn đi trong hướng đi chung của dân tộc, hướng đi chung của lịch sử cứu rỗi. Vì vậy, nghe lời chào rất đặc biệt này, Mẹ là người am hiểu về Thánh kinh, Mẹ cảm thấy bối rối, không thể an lòng được trước một lời chào trọng thể, trước một danh xưng rất cao quý như vậy.

Nhưng thưa cộng đoàn, cảm thấy lời chào kia vút cao là bởi vì Mẹ đã cảm nhận được chính sự lũng thấp của trái tim, của cuộc đời mình. Ở đây ta gọi là sự khiêm nhường, bởi vì càng khiêm nhường bao nhiêu lại càng được Chúa đổ tràn hồng ân vào bấy nhiêu. Nơi chúng ta đang dự lễ đây là triền đồi, vào tháng 5, 6, 7, những thửa ruộng dưới kia sẽ ngập nước. Tại sao trên triền đồi này không có nước mà dưới ruộng lại có nước? Thưa, bởi vì ruộng thì thấp, sườn đồi thì cao. Nước mưa cũng là hình ảnh của hồng ân Thiên Chúa. Những tâm hồn nào cao ngạo khó lòng mà giữ nước lại được. Những thửa ruộng dưới kia lũng thấp được đón nhận nước mưa đầy tràn. Đức trinh nữ Maria đã nên giống như những thửa ruộng để rồi ngài nhận được hồng ân Thiên Chúa đầy tràn. Lời xin vâng của Mẹ là lời xin vâng của một trái tim lâng lâng tâm tình suy phục, kính tôn Thiên Chúa là Đấng thi ân giáng phúc trên hết mọi thụ tạo của Ngài.

2. Sự khiêm nhường trong niềm cảm phục yêu mến.

100313Tapao1.jpg

Quang cảnh của câu chuyện Truyền tin diễn ra như là một cuộc mặc cả, như là một cuộc điều đình, cho dẫu khởi đầu bằng một lời chào tôn quý. Nhưng ở đó, một mặt Đức Maria bối rối chưa hiểu ất giáp ngọn nguồn và mặt khác Mẹ lại xin Thiên sứ tỏ bày cho Mẹ rõ hơn nữa về đường đi nước bước của việc truyền tin. Cả hai bên dường như vẫn đợi chờ nhau. Phía Sứ thần chỉ đợi chờ Đức Maria một sự ưng thuận. Đức Maria lại đợi chờ từ phía Sứ thần một lời giải thích mang tính thuyết phục. Cuộc điều đình ấy cho thấy, dẫu Thiên Chúa là Đấng cao vượt nhưng không áp đặt trên thụ tạo của Ngài. Đức Maria đã được tôn trọng đúng mức trong tư cách là một thụ tạo. Những câu hỏi đáp bên này bên kia diễn ra rất tự nhiên như trong đời sống nhân sinh của mình vậy. Phải là tôn trọng thụ tạo của mình lắm, Thiên Chúa mới chọn cho mình một giải pháp xem ra đường dài như vậy. Nếu như Ngài dùng quyền năng, muốn sự ưng thuận của Đức Maria một cách đơn giản thì cũng dễ thôi. Thế nhưng Ngài lại phải tổ chức một cuộc điều đình qua vị Sứ giả, qua những câu hỏi theo cung cách xã giao Do thái, qua những câu vừa tầm với sự hiểu biết của một thôn nữ. Đức Maria diễn tả niềm tôn kính với Thiên Chúa là Đấng đã chọn lựa mình bằng một niềm cảm phục yêu mến. Trái tim của Mẹ đã sẵn mở cho tình thương của Thiên Chúa. Giờ này nhận được lệnh của Ngài, Mẹ lại mở ra một cách rõ ràng hơn để lời xin vâng thưa lên, tức là vừa vâng trước lệnh và vừa phục trước tình thương của Thiên Chúa dành cho Mẹ.

3. Sự khiêm nhường trong sự vâng phục cậy trông

100313Tapao2.jpg

Không chỉ suy phục tôn kính trước Thiên Chúa toàn năng; không chỉ cảm phục yêu mến trước cung cách Ngài truyền lệnh mà còn là vâng phục cậy trông; bởi vì Mẹ đã gởi gắm cả cuộc đời, cả tâm trí, cả tính tình, cả phận số của mình cho Thiên Chúa. Ta gặp thấy qua chữ “người tôi tá” mà Đức Maria đã tự nhận cho mình: “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”.

Người ta dễ dàng vâng phục trước một lời quyền uy. Nhưng Đức trinh nữ Maria vâng lời Chúa qua trung gian của Sứ thần. Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường tuyệt vời. Mẹ nhận mình là một người tôi tá, cho dẫu trước đó đã được chào với một danh xưng vô tiền khoáng hậu “Đầy ơn phúc”. Rõ ràng, trong tiếng Fiat của Đức Maria, đã có một niềm trông cậy. Mẹ tin tưởng phó thác vận may, đời sống của mình cho Đấng đã tuyển chọn mình, để rồi sau này cho dẫu gắn liền cuộc sống của Mẹ với mầu nhiệm Nhập thể, Tử nạn, Phục sinh của Đức Kitô đi nữa, Mẹ cũng vẫn gắn liền với chữ vâng phục trong chữ khiêm tốn tự thuở nào.

Vâng, thưa quý ông bà anh chị em, tôi vừa chia sẻ đôi nét phác họa về sự khiêm nhường của Đức trinh nữ Maria như được gợi lên trong ngắm thứ nhất mùa vui, gắn liền với đức khiêm nhường mà ta cầu xin Mẹ ban cho mỗi người chúng ta khi lần hạt mân côi.

Giữa lòng Mùa Chay Thánh hôm nay, đức khiêm nhường vẫn là một nhân đức mỗi người chúng ta được Hội thánh kêu gọi và đồng thời cũng là nhân đức nền tảng từ đó mới có thể xây dựng lầu đài các nhân đức khác. Và khi nhân đức khiêm nhường đi liền với đức vâng phục hay thể hiện qua đức vâng phục giữa lòng Mùa Chay Thánh, chúng ta cũng gặp thấy những nét lung linh, mời gọi tâm hồn chúng ta thực hiện trong đời thánh đức của mình.

Mùa Chay là mùa sám hối. Mùa Chay là mùa canh tân. Mỗi người chúng ta đều thuộc nằm lòng. Mùa Chay là mùa đổi đời, trút bỏ đi những gì là cồng kềnh, những gì là cũ kỹ, những gì là tăm tối, những gì là tội lỗi để khoác vào đời sống của mình một tấm áo mới trong niềm tin yêu Chúa và cũng chính khởi đi từ đó Chúa cũng ban cho chúng ta những ơn lành hồn xác.

Lòng khiêm tốn, sự vâng phục của Đức trinh nữ Maria như là một lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy theo gương Mẹ mà họa lại trong đời sống của mình những nét tươi tắn của sự vâng phục, của sự khiêm tốn, để rồi chính chúng ta được dẫn vào con đường mới, làm mới lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa, làm mới lại mối tương quan của mình với chính bản thân của mình, trong Bí tích Hòa Giải, trong tòa giải tội, trong sự đổi đời, và cũng làm mới lại mối tương quan của chính chúng ta với tất cả những anh chị em chung quanh mình. Cách riêng những người gần gũi mình và cách cụ thể là đối với những người có những gì đang gây cho mình muộn phiền cách này cách khác, thiệt hại cho mình cách này cách khác. Vâng, đến với ai thì ta có thể đủng đỉnh được chứ đến với một sự đổi mới tâm hồn theo lời gọi của Mùa Chay, theo gương khiêm nhường vâng lời của Đức trinh nữ Maria thì mình không thể chần chừ được. Vì vậy hôm nay, xin nhờ lời chuyển cầu của Đức trinh nữ Maria và xin tiếng gọi của Mùa Chay tác động trên mỗi người chúng ta cho từng người của cộng đoàn hành hương này cũng biết thực thi những bước đi mới trong đời sống của mình. Ta cầu xin Chúa ban cho mình một trái tim tinh tuyền để nâng cao tâm tình kính mến và cũng để thực thi lòng khiêm tốn, vâng phục theo gương Đức trinh nữ Maria giữa lòng Mùa Chay một cách thiết thực.

Đến với thánh địa Tàpao này, tháng nào tôi cũng được lắng nghe những mẩu chuyện, những chuyện thực về những cuộc đời, và cách riêng hơn nữa về những hồng ân lãnh nhận được. Đó là hồng ân sám hối. Tất nhiên mỗi người đến đây đều trĩu nặng tâm hồn: một ước nguyện, một lời khấn xin. Trên đỉnh cao của lời khấn xin là xin cho chúng ta nên hoàn thiện, nên thánh đức trong Mùa Chay.

Lần này đến đây tôi đã nghe được chứng từ về việc thay đổi đời sống của những người đến cầu khấn với Đức trinh nữ Maria.

Có một bà ở tuổi 60, kể lại với tôi về việc bà đến đây với trái tim trĩu nặng, đến để khấn xin Đức Mẹ hoán cải gia đình mình, cách riêng ông xã của mình. Ông ấy vừa rượu chè vừa khô khan, cứ mỗi năm trung thu nhị kỳ. Vào mùa Vọng, mùa Chay cả gia đình phải động viên ông gãy lưỡi và thậm chí tháp tùng, theo như ngôn ngữ của bà là áp tải ông đến với nhà thờ và còn cử cậu con trai đầu lòng ngồi lại đó nữa thì may ra ông mới đủ can đảm để đến với tòa cáo giải. Nhưng sau vài lần đến khấn xin Đức trinh nữ Maria tại đây, ông xã của bà đã có những biến chuyển lạ lùng trong đời sống. Không còn phải giục giã nữa, mà chính ông lại lên tiếng giục giã con cái: hãy sống thảo hiền và hãy sống sốt mến với Thiên Chúa. Đặc biệt năm nay, chẳng phải ai động viên, ông đã là ngọn cờ đầu đến với bí tích Cáo Giải để rồi trở thành gương sáng cho cả gia đình. Bà ấy thì vui khỏi nói, con cái cũng vui quá chừng. Và theo như lời bà thì mấy người hàng xóm cũng tròn xoe mắt, hỏi tại sao vậy. Bà bảo không biết, để tháng này bà đến hỏi Đức Mẹ TàPao. Chắc quý ông bà anh chị em cũng hiểu, khấn xin ơn gì không biết nhưng xin ơn hoán cải cuộc đời theo đúng như lời Mẹ kêu gọi ở Fatima: “canh tân đời sống, cải thiện đời sống” thì ắt hẳn Mẹ sẽ ban cho không ngần ngại, miễn là mỗi người chúng ta chấp nhận đi theo ngài, theo cung cách của Mẹ là khiêm nhường và xin vâng.

Chúa luôn muốn gọi chúng ta, muốn đẩy chúng ta đến đỉnh cao thánh đức. Vấn đề còn lại là ta có sẵn sàng đón nhận lời mời gọi đó một cách tích cực trong đời của mình không.

Xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Tàpao cho mọi tâm hồn chúng ta trong Mùa Chay Thánh này cũng tìm được niềm bình an theo gương khiêm nhường vâng phục của Mẹ, và nhất là cho chúng ta biết chuẩn bị có được tâm hồn thánh đức để đón mừng mầu nhiệm Phục sinh sắp tới. Giờ này chúng ta có thể hiệp thông ý nguyện với nhau để xin Đức Mẹ thương thánh hóa đời sống chúng ta:

Chắp tay lạy Mẹ TàPao,
Mẹ về ngự giữa non cao đỉnh trời.
Xin thương giãi ánh rạng ngời,
Soi đường con bước, dõi đường con đi.
Cuối thánh lễ, ĐGM ban phép lành với ơn toàn xá.
Nhiều đoàn hành hương tiếp tục lên núi viếng thánh tượng Đức Mẹ TàPao.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

URL: http://danchuausa.net/tapao/hanh-huong-duc-me-tapao-giua-long-mua-chay/