Trích từ Dân Chúa

Chú ý: hiện tượng “Đức Mẹ nhập xác và mạc khải”

Lữ Khách

Lần đầu tiên tôi đi hành hương đến Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tàpao, một nơi xa xôi hẻo lánh, thuộc xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Tôi đã chứng kiến một sự việc rất kỳ quặc. Vì là lần đầu tiên và ngỡ ngàng, nên tôi để ý diễn tiến của những người đi hành hương tại Trung Tâm này, theo thiển ý của tôi, là rất kỹ. Đó là sự việc diễn ra tại Linh Đài Đức Mẹ Tàpao vào khoảng 5 giờ chiều 29/11/2007.

1. Diễn tiến sự kiện.

Tôi đi lên Linh đài Đức Mẹ cùng lúc gặp một đoàn khách hành hương (khoảng 200 người) chuẩn bị đọc kinh cầu nguyện kính Đức Mẹ. Khi sắp đọc kinh, chị trưởng đoàn đốt nến. Khi ấy, có một anh thanh niên trong ban trật tự Linh đài nói “xin cô vui lòng không đốt thêm nến, xin tắt giùm con”. Chị ta nói: “tôi muốn đốt nến để dâng kính Mẹ làm sao cấm tôi được; mấy anh đốt nhang mới gây khói ngột ngạt chứ tôi đốt nến, nến của tôi không khói, không chảy sao lại không được”. Anh thanh niên trả lời: “tụi con đang giữ trật tự ở đây, thì tụi con hướng dẫn cô không đốt thêm, vì Ban Trật Tự đã đốt sẵn một cặp nến và chỉ đốt 3 cây nhang tượng trưng. Cô đốt được, những người khác bắt chước đốt tràn lan ra, Ban Trật tự không kiểm soát được”, rồi anh ta tắt nến của chị. Chi ta giật cặp nến lại rồi đốt lên và nói “tôi muốn đốt thì tôi đốt, ai dám cấm tôi”. Anh thanh niên (tỏ vẻ bực mình), chạy đi một lát rồi cầm cái loa xách tay rồi đọc: “Ban Trật Tự Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tàpao xin lưu ý quý khách hành hương:

Tôi thầm nghĩ người thanh niên ấy bực mình lắm vì anh vừa thông báo những điều này cách đó mới chỉ vài phút.

Sau khi thông báo lần thứ hai, anh ta lại chạy vào tắt mấy cặp nến. Chị ta quát lên “bảo vệ cái gì mà không cho người ta đốt nến, mấy người đốt nhang mới gây khói ngột ngạt, chứ đốt nến này không có khói không chảy mà không cho hả”. Người thanh niên chịu thua, đi ra khỏi chỗ chân tượng Đức Mẹ (chỗ lư hương). Đoàn của chị bắt đầu giờ kinh. Tôi thấy họ đọc kinh sốt sắng.

Sau giờ kinh của họ, khoảng 6 giờ kém, tôi thấy những người trong đoàn chuyền tay nhau những cặp nến đang cháy; hơ hai tay lên ngọn nến rồi vuốt đầu, vuốt mặt như để chữa lành điều gì đó. Cũng lúc đó, người thanh niên gọi chị trưởng đoàn ra gặp riêng, vô tình đứng gần chỗ tôi đang đứng. Chị ấy nói: “có chuyện gì không?”. Người thanh niên nói: “Con là thầy giúp ở đây. Con được Đức Cha sai đến giúp, giữ trật tự ở đây. Con có bổn phận vâng phục Đức Cha để hướng dẫn cô cũng như khách hành hương làm theo nội quy của Trung Tâm này, nội quy được Đức Cha đưa ra nhờ vào sự đóng góp ý kiến của rất nhiều khách hành hương. Nên con hướng dẫn cô không đốt nến là bổn phận của con, vâng phục Đức Cha mà làm…”.

Chị cắt ngang: “tôi hiểu ý thầy nói rồi (bắt đầu gằn giọng từ nhỏ đến lớn). Thầy biết rằng là tôi đến đây từ khi thầy còn bé tí kìa (đưa tay ra trước ngang lưng quần), chứ không phải mới đây đâu; thầy đừng lên tiếng dạy đời tôi”. Chị đang nói, khách lại xem; chị nói: “cứ lại mà nghe không có gì đâu”. Rồi chị tiếp lời: “chúng tôi vẫn đi theo đoàn, vẫn giữ trật tự đàng hoàng, không làm gì mất trật tự, không làm điều gì sai trái. Còn việc đốt nến là để bày tỏ lòng kính mến Đức Mẹ của chúng tôi. Tôi đã nói là nến tôi đốt không chảy, không gây mất vệ sinh. Thầy đừng đưa Đức Cha ra hù tôi. Tôi không sợ ai hết: Đức Cha tôi cũng không sợ, nhà nước tôi cũng không sợ… (chị nói một mạch không ngơi với giọng như cãi nhau, và không cho “ông thầy” xen lời vào được”.

Ông thầy (tỏ vẻ điềm tĩnh) chờ chị nói xong, nói được vài lời rồi lại bị cắt ngang: “con không phải là đưa Đức Cha ra hù dọa cô, nhưng đây là lệnh Đức Cha, con phải vâng phục và hướng dẫn cô, để lần sau…”.

Chị cắt ngang rồi nói một mạch cũng những ý như đã nói, và không cho “ông thầy” nói một lời nào. Sau cùng, chị chặt 2 tay trước mặt như là dứt điểm cuộc nói chuyện rồi bỏ đi. Chị vừa bỏ đi thì ông thầy rất căm phẫn nói lớn: “xin quý khách lưu ý, bà này luôn chống Đức Cha và các cha”.

Chị quay lại, chỉ thẳng mặt ông thầy và gào lên: “thầy vu khống tôi, thầy vu khống tôi”.

Ông thầy như vẻ sợ hãi: “xin lỗi cô”. Chị gào lên: “tôi không cần xin lỗi”, rồi bỏ đi. Thấy vậy, nhiều người trong đoàn của chỉ tuôn đến bên ông thầy. Có người nói ‘thầy đừng nói vậy’, có người nói như vẻ hăm dọa ‘thầy coi chừng lời nói của thầy’. Có người nói ‘thầy đừng nói vậy tội nghiệp tụi tôi, thầy chưa hiểu hết bà ấy đâu, bà ấy chữa được bệnh cho nhiều người lắm đó’.

Lúc đó, chị quay lại gào lên: “đúng đó, tôi chống Đức Cha Nghi nè, Đức Cha Hoan nè, cha Hảo, cha Chiến, cha Tốt…” (rồi lảy lảy bỏ đi). Ông thầy liên tục xuống giọng (có lẽ do sợ đám đông): “con xin lỗi cô, xin lỗi quý khách, vì con nói theo suy luận của con ‘đó là lệnh của Đức Cha mà không thi hành tức là chống Đức Cha”. Thầy nói xin lỗi nhiều lần, và xua tay ra hiệu cho đám đông giải tán. Sau cùng đám đông cũng đã giải tán.

2. Tham khảo thông tin

Sau khi chứng kiến cuộc “đối thoại không lành mạnh ấy”, tôi thấy có một vài thắc mắc và đến gặp ông thầy nói chuyện riêng một số vấn đề.

Sao không cho người ta đốt nên, nhang theo ước nguyện của người ta? Thầy nói: “vì trước đó người ta đốt tràn lan ra, ai cũng đốt, sáp nến chảy lan tràn trước bệ chân Đức Mẹ mất về sinh; lại còn tạo dịp cho những ‘con buôn’ tranh giành sáp nến. Còn nhang người ta đốt nhiều gây khói mịt mù trong khuôn viên nhỏ bé như vậy. Kết hợp nhiều ý kiến từ khách hành hương, Đức Cha đã ra lệnh đốt 2 cây nến và 3 cây nhang tượng trưng (theo nội quy điều 6 gắn ở trên tường ngay ở cổng vào là việc đốt nến dâng hoa phải theo sự hướng dẫn của Ban Trật Tự).

Sao thầy lại nói bà ấy ‘luôn’ chống Đức Cha, các cha? Theo như em mới được biết, vì em mới lên đây giúp vài tuần: bà trưởng đoàn này là bà Hường, còn gọi là Hường Thảo, ở Vũng Tàu. Em nghe những người ở đây nói bà ấy đã từng tổ chức một đoàn đông như thế đến đây, rồi bà làm những điều sai tín lý mà Đức Cha và các cha không tán thành. Do đó, bà chống Đức Cha và các cha đã phụ trách Tàpao trước đó. Lúc nói chuyện với bà, bà đã làm cho em bực mình vì đã nói sai và còn khinh em nữa; em đã không kiềm được bực tức và đã nói thẳng thừng như vậy.

Thầy biết vậy sao lại xin lỗi bà và khách xung quanh? Vì lúc đó, Ban Trật Tự không có ai, chỉ có 2 thầy mà mỗi người lại đứng mỗi đầu và trời đã tối, nên phòng thân em đã ‘xuống nước’, tức là xin lỗi, nhưng vẫn giữ ý kiến là bà ấy không thực hiện lệnh của Đức Cha qua nội quy nghĩa là chống Đức cha.

Sáng hôm sau, tôi lên núi một lần nữa để đi về. Tôi gặp lại thầy, và thầy giới thiệu cho tôi một người địa phương, đang làm Ban Trật Tự giúp mấy thầy, nói rõ cho tôi về người phụ nữ ây. Ông ta kể rằng từ trước tới giờ bà Hường ấy đã lên kính viếng Đức Mẹ nhiều lần. Thời gian đầu bà và nhóm của bà cũng sốt sắng kính Đức Mẹ. Bà đem gạo, mì tôm, lương thực cho những người ở gần xung quanh khu vực núi Đức Mẹ mỗi lần bà đi Núi Tàpao. Những người được bà giúp luôn coi bà là người tốt. Không biết có phải là bà lấy lòng người địa phương hay không. Nhưng một thời gian không lâu sau đó, bà đã đổi khác. Bà dẫn đoàn của bà đi lên Linh Đài, đọc kinh cầu nguyện. Xong, nhiều lần bà té xỉu, giật giật như thể ‘lên đồng’, rồi nói Đức Mẹ nhập vào mình; rồi đặt tay chữa bệnh và tha hồ mà phán. Các cha không tin bà được Đức Mẹ nhập thì bà chửi. Có lần Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi (khi còn là Giám mục chính Tòa Phan Thiết) đến nhà thờ Tánh Linh (cứ đến ngày 13 hàng tháng, Đức Cha đến dâng lễ cho khách hành hương tại Nhà thờ Tánh Linh). Bà nói rằng “Đức Mẹ” (chính là bà, người được Đức Mẹ nhập) buồn Đức Cha Nicolas và Đức Cha đến Tánh Linh mà không lên thăm Mẹ.

Ông ấy nói tiếp: “nghe nói là bà này có một tổ chức kinh doanh để thu hút nhiều người theo bà. Bà có nhiều tay đàn em trung thành với bà để hỗ trợ. Bà đã sắp xếp những người bệnh giả rồi đến khi bà giật như thể Đức Mẹ nhập vào mình thì đặt tay chữa bệnh và người bệnh khỏi ngay. Khi bà giật thì có đàn em cầm Micro đến để “phát” những lời bà “phán”. Bà đã từng chống các cha phụ trách Trung Tâm Đức Mẹ Tàpao này, từ khi mới phát hiện tượng Mẹ. Thực tế, chúng tôi (gia trưởng xứ Đồng Kho) đã từng “đụng độ” với những “hiệp sĩ” bà thuê đi theo để bảo vệ cho những việc làm sai trái của bà. Nhưng bà vẫn chứng nào tật nấy”.

3. Suy tư

Qua sự việc tôi chứng kiến và một số tham khảo về người phụ nữ kỳ lạ này, tôi bức xúc viết bài này với một số suy nghĩ như sau:

- Nếu những gì tôi nghe được và kể ở phần tham khảo thông tin ở trên không đúng, thì tôi ước mong những người đi hành hương tại các Trung Tâm hành hương, cụ thể ở Tàpao mà tôi đã chứng kiến, nên tuân theo nội quy mà Đức Giám mục bản quyền đã quy định.

- Nếu những gì tôi nghe được và kể ở trên có phần đúng thì tôi có một số ước mong:

  1. những người đi theo bà Hường này phải cảnh giác những việc làm của bà.
  2. ước mong chính quyền Việt Nam xem xét và có biện pháp với nhóm “tà đạo” này.
  3. mạo muội ước mong các Đấng Bề Trên có liên quan xem xét và ngăn chặn để không tổn hại đến những “con chiên non của Chúa”. Theo suy nghĩ của tôi dựa trên những gì đã chứng kiến, bà ta coi khinh ông thầy khi nói ‘tôi đến đây từ khi thầy còn bé tí’ thì có thể những ai không theo bà cũng bị ‘coi khinh’ như vậy.

Lữ Khách

URL: http://danchuausa.net/tapao/chu-y-hien-tuong-duc-me-nhap-xac-va-mac-khai/