Trích từ Dân Chúa

Thánh Thể Là Nguyên Lý Và Là Dự Phóng Của Sứ Vụ

+GM Stêphanô Tri Bửu Thiên

1. Thánh Thể là động lực thúc đẩy việc truyền giáo:

1a. Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta ý thức lại bản chất của Giáo Hội là truyền giáo.

Truyền giáo trước tiên không phải là việc chiêu dụ tín đồ, rủ rê người ta vào đạo cho thật đông, rửa tội cho thật nhiều. Việc truyền giáo đích thực phải là giúp người ta hiểu biết về Phúc Âm, sống và đưa tinh thần Phúc Âm vào mọi lãnh vực của cuộc sống con người như tôn giáo, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, thể thao... Việc truyền giáo, do đó phải là sứ mạng của các Kitô hữu và của mỗi Kitô hữu. Nhu cầu cấp bách phải truyền giáo thúc đẩy mỗi Kitô hữu hăng hái lên đường, hăng hái tham gia vào sứ vụ truyền giáo, như hai môn đệ của Đức Giêsu trên đường Emmau: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy” (Lc 24,33). Đây chính là kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus. Sau khi nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh qua việc “Bẻ Bánh”. Lập tức họ đã chỗi dậy, vội vã đi về Giêrusalem, dù lúc ấy là đêm tối. Niềm vui lớn lao và bất ngờ là động lực quá mạnh khiến họ không thể chờ đợi đến sáng hôm sau mà phải lên đường ngay. Họ đi để loan báo điều họ đã thấy và đã nghe [1]. Thánh Phaolô đã cảm nhận được mối quan hệ chặt chẽ giữa Bàn Tiệc Thánh Thể và việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh: “Hiệp thông với Đức Kitô trong lễ tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Người, cũng đồng thời có nghĩa là kinh nghiệm về sự cần thiết phải trở thành những người được sai đi loan báo biến cố đã được hiện tại hóa trong nghi thức “Bẻ Bánh”. Thánh tông đồ Phaolô đã viết cho các Kitô hữu ở Corintô như sau: “Thật vậy, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, anh em công bố cái chết của Chúa cho đến ngày Người đến” (1Cr 11,26).

Với công đồng Vaticanô II, Giáo hội đã nhận thức được bản chất của mình là truyền giáo, và việc truyền giáo này chỉ đạt được kết quả tốt đẹp nếu được gắn liền với Thánh Thể: “Các hoạt động truyền giáo luôn gắn liền với Bí Tích Thánh Thể và quy hướng về đó” (PO 5).

Kinh nghiệm này cũng đã được nhiều người, và đặc biệt Đức Gioan Phaolô II cảm nghiệm một cách sâu sắc: “Việc gặp gỡ với Đức Kitô, một khi được khơi sâu thêm mãi nhờ hiệp thông với Thánh Thể, sẽ khơi dậy trong Giáo Hội và nơi mỗi Kitô hữu, sự cấp thiết phải làm chứng và phải loan báo Tin Mừng [2]. Qua đó, theo Đức Gioan Phaolô II, “Thánh Thể không chỉ đem lại sức mạnh nội tâm, nhưng còn đem đến một dự phóng”. Thánh Thể đã chuyển sức sống từ Đức Kitô sang cho các Kitô hữu, và nhờ chứng tá của các Kitô hữu, sức sống đó được lan tỏa trong xã hội và trong các nền văn hóa [3].

Mỗi Thánh Lễ đều được kết thúc bằng lời mời gọi dấn thân cho việc truyền giáo: ITE MISA EST. Nói cách khác, lời chào kết thúc của mỗi Thánh lễ là một lời nhắc nhở đến trách nhiệm đã được trao phó cho mỗi Kitô hữu: trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Chính trách nhiệm đó thúc đẩy các Kitô hữu dấn thân hơn nữa để làm cho Tin Mừng mỗi ngày một lan toả và làm cho xã hội được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo [4].Việc truyền giáo, hơn lúc nào hết là một nhu cầu hết sức bức thiết và cần thiết cho thế giới hôm nay. Đây là điều cấp thiết phải thực hiện, nhất là trong nền văn hóa bị tục hóa của chúng ta, một nền văn hóa in đậm nét sự lãng quên Thiên Chúa và cổ võ sự tự mãn trống rỗng của con người [5]. Thật vậy, nếu bình tĩnh mà xét, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, chúng ta đang sống trong một giai đoạn rất đặc biệt của lịch sử nhân loại: một thế giới cũ kỹ đang tàn tạ, đang qua đi, nhưng thế giới mới, một thế giới bình an và hoan lạc mà mọi người mong đợi vẫn chưa xuất hiện. Tội ác và vô số những hiện tượng tiêu cực như ma túy, buôn lậu, mại dâm, AIDS, SARS… cùng với một lối sống buông thả, không kềm chế khiến cho nhiều nền văn hóa và truyền thống tôn giáo tốt đẹp có nguy cơ bị sói mòn, bị mai một…Tình trạng tranh tối tranh sáng này khiến cho con người cảm thấy bất an, cảm thấy âu lo và sợ hãi. Hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần đến niềm tin và sức mạnh tâm linh [6]. Vậy thì, quả là hợp thời việc đem Tin Mừng vào trong cuộc sống thường ngày, trong bất cứ nơi nào con người sinh sống và làm việc, trong gia đình, trường học, xí nghiệp, trong mọi cảnh huống của cuộc sống. Điều đó là một bằng chứng hùng hồn nói lên rằng thực tại nhân loại không thể hiện hữu cũng như không thể tồn tại nếu không quy chiếu về Đấng Tạo Hóa. “Thụ tạo không có Đấng Sáng Tạo của mình sẽ tan thành mây khói” [7]. Việc quy chiếu này, không những không hề làm cho những thực tại trần thế mất đi tính độc lập hợp pháp của mình, nhưng còn làm cho những thực tại ấy có được nền tảng vững chắc, đồng thời cũng cho thấy rõ những giới hạn chính đáng của chúng [8]. Đức tin Kitô giáo khẳng định một cách mạnh mẽ rằng: Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo duy nhất. Tất cả vạn vật, tất cả những gì hiện hữu đều là thụ tạo của Người. Sự hiện hữu của các thụ tạo hoàn toàn do Lời Thiên Chúa, chứ không phải là một lưu xuất hay một mảnh vụn của Người. Nói cách khác, thụ tạo hoàn toàn khác biệt với Tạo Hóa và công cuộc sáng tạo được coi là một kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: Người sáng tạo con người theo chính hình ảnh của mình để con người được tham dự cuộc sống vĩnh cửu và được trao phó cho nhiệm vụ quản trị trái đất, không như là người chủ thật sự, nhưng như là đại diện của Người trên trần thế này [9].

1b. Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng cho những ai?

Cho tất cả mọi người (xem Mc 16,15). Những người đó là những người chưa tin, chưa biết đến Đức Giêsu và Giáo Hội của Người. Những người đó là những Kitô hữu với một niềm tin sa sút, tức là những người tuy đã lãnh nhận BTRT, nhưng sống bên ngòai mọi nếp sống Kitô giáo. Họ hiểu biết quá ít về đạo và sống đạo một cách lơ là. Cho những Kitô hữu trí thức đang bị hụt hẫng đức tin, đang hòai nghi về những chân lý đức tin mà họ chỉ có được khi còn bé và không có dịp đào sâu. Cho những người có đạo nhưng không giữ đạo. Lý do: chạy theo kinh tế, lợi nhuận, theo trào lưu xã hội, sống thường xuyên bên cạnh những người vô tín ngưỡng và thường xuyên chịu ảnh hưởng nếp sống vô tín ngưỡng.- Cho những người vô tín ngưỡng, là những người cho rằng thế giới tự nó có thể hiện hữu, có thể giải thích được mà không cần đến Thiên Chúa. Vì thế, đối với những người này, Thiên Chúa trở nên thừa thãi và chóan chỗ vô ích.. Từ đó, họ bỏ qua Thiên Chúa, không đếm xỉa gì gì đến Thiên Chúa và thậm chí còn thẳng thừng chối bỏ Thiên Chúa để chỉ nhìn nhận sự "tòan năng" của con người.

Có liên quan mật thiết đến sự vô tín này là một nền văn minh đang trở thành thời thượng: nền văn minh tiêu thụ, trong đó, thượng đế không ai khác hơn là những kẻ có tiền, nhiều tiền, lắm của. Họ chủ trương càng có nhiều tiền càng mua được nhiều lạc thú ở trần gian. Sự giàu sang, khóai lạc chính là giá trị tối thượng. Những người này không cần đến Chúa, cũng chẳng mấy quan tâm đến đạo đức, từ đó, nảy sinh cho thế giới này biết bao nhiêu những bất công, áp bức và vô số các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, việc hưởng thụ cuộc sống tiện nghi vật chất, chẳng những không mang lại cho con người một hạnh phúc thật sự như con người hằng mong mỏi, mà còn để lại nơi tâm hồn con người một nỗi trống vắng, một sự bất an, lo sợ... nó đang mở ngõ đón chờ, đang khát vọng một thứ bình an thật sự mà chỉ có Tin Mừng, chỉ có 8 Mối Phúc thật của Đức Giêsu mới có thể mang lại cho họ (xem Công Vụ Tông Đồ 18,9-10).

Việc loan báo Tin Mừng cũng hết sức cần thiết cho việc nâng đỡ đức tin của các Tín hữu. Sau khi đã lãnh nhận BTTT, các Kitô hữu cần được tiếp tục chăm sóc và bồi dưỡng đức tin. Đức tin ấy ngày nay đang phải đương đầu và đối phó với vô số những cám dỗ, những cạm bẫy, với xu hướng tục hóa ngày một lan rộng, với chủ nghĩa vô thần đấu tranh và vô thần thực dụng. Đức tin này hiện đang gặp thử thách lớn lao, đang bị đe dọa và đang bị bao vây, đánh phá. Do đó, nó có nguy cơ bị nghẹt thở hay bị kiệt sức mà chết, nếu nó không được nâng đỡ và nuôi dưỡng hằng ngày.

1c. Đâu là nội dung của việc loan báo Tin Mừng cách chung và đặc biệt trong năm Thánh Thể này?

Điều mà chúng ta cần phải nỗ lực dấn thân hơn nữa, trong Năm Thánh Thể này là loan báo và làm chứng cho con người hôm nay về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Chúng ta đừng sợ nói về Thiên Chúa và cứ hiên ngang nêu lên những dấu chỉ của đức tin. Thiên Chúa luôn hiện hữu. Ngài là Đấng Tạo Hóa. Ngài sáng tạo mọi sự: trời đất, vạn vật và mọi sự trên trời dưới đất. Người sáng tạo chúng do chính quyền năng của người, hoàn toàn không cần sự trợ lực của bất cứ trung gian nào và cũng chẳng sử dụng một chất liệu tiên hữu nào cả [10].

Quan niệm này của Kitô giáo về Thiên Chúa và tạo vật tuy có đi ngược với một số quan niệm truyền thống của Ai Cập, Babylone, Aán Độ… theo đó con người và vạn vật phát sinh từ hạt giống thần linh, hay từ bản thể của chính Đấng Tối Cao, của Brahman hay từ Một (Nhất, Nhất sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng….) nhưng không khác với những gì khoa học có thể chứng minh. Khoa học ngày nay, đa số chấp nhận rằng vũ trụ của chúng ta có khởi đầu. Chẳng có vật chất nào trường tồn vĩnh cửu qua mọi chuyển hóa. Cũng chẳng hề có một thứ chu kỳ tuần hoàn vĩnh cửu hay lặp đi lặp lại khôn cùng (theo quan niệm luân hồi). Các nhà khoa học ngày nay đang cố gắng tìm hiểu và tính tuổi thật của vũ trụ. Như vậy, sự kiện khởi đầu của vũ trụ là tất yếu, là có thật. Điều đó rõ ràng phù hợp với niềm tin Kitô giáo. Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng: “Một nền văn hóa Thánh Thể sẽ cổ vũ một nền văn hóa đối thoại, đồng thời mang đến cho nền văn hóa này sức mạnh và lương thực nuôi dưỡng” [11]. Xét trên bình diện quốc gia, việc công nhận hay cho phát triển một nền “Văn hóa Thánh Thể” chẳng những không gây phương hại chút nào đến sự độc lập chính đáng của Quốc gia và các Thể chế dân sự; cũng không cổ võ những thái độ bất bao dung (cuồng tín, loại trừ các tôn giáo khác), nhưng giúp mọi người hướng đến một nền văn hóa đối thoại thật sự và huynh đệ thật sự vì cùng chia sẻ Một Tấm Bánh !

2. Thánh Thể là con đường của hiệp thông và của tình liên đới

Cũng như Giáo Hội làm nên bí tích Thánh Thể, thì cũng vậy, bí tích Thánh Thể xây dựng Giáo Hội. Bí tích Thánh Thể luôn là nguồn mạch và là trung tâm của đời sống Giáo hội. Giáo Hội luôn sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với những anh chị em khác nhờ bí tích Thánh Thể

2a. Sự cần thiết của linh đạo hiệp thông.

"Sức mạnh của việc Phúc Âm hóa sẽ bớt đi nhiều nếu những người loan báo Tin Mừng lại chia rẽ nhau bằng đủ thứ gảy vỡ... Thật vậy, nếu Tin Mừng mà chúng ta công bố lại cho thấy bị sâu xé bởi những cãi cọ về giáo thuyết, những phân cực ý thức hệ hay những kết án lẫn nhau giữa các Kitô hữu, tùy theo những cách họ nhìn khác nhau về Đức Kitô và về Giáo Hội, kể cả cách nhìn khác nhau về xã hội và về các thể chế nhân loại, thì làm sao những người được chúng ta rao giảng lại khỏi bị dao động, lạc hướng nếu không nói là bị vấp phạm? Di chúc thiêng liêng của Chúa nói với chúng ta rằng sự hiệp nhất giữa các môn đồ của Người, không chỉ là bằng chứng chúng ta thuộc về Người, mà còn là bằng chứng Người do Chúa Cha sai đến, là trắc nghiệm về sự đáng tin của các Kitô hữu và của chính Đức Kitô. Là những sứ giả Tin Mừng, chúng ta cần hiến cho các tín hữu của Đức Kitô, không phải hình ảnh những con người chia lìa nhau vì tranh chấp không chút xây dựng, nhưng là hình ảnh những con người chín chắn trong đức tin, có khả năng gặp gỡ nhau bên trên những căng thẳng thực tế, nhờ việc cùng nhau tìm kiếm chân lý một cách chân thành và vô vị lợi" (LBTM số 43.).

"Biến Giáo Hội thành ngôi nhà và trường học của hiệp thông: đó là một thách đố lớn mà chúng ta phải giáp mặt trong thiên niên kỷ mới khởi đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa và đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của thế giới" (số 43).

2b. Nhưng linh đạo hiệp thông là gì?

Linh đạo hiệp thông là cách sống vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (xem Rm 8,29), có khả năng vừa sống hiệp thông với Thiên Chúa vừa sống hiệp thông với người khác:

* Linh đạo hiệp thông giúp ta có khả năng chiêm niệm trong lòng mầu nhiệm Thiên Chúa Chúa Ba Ngôi, Đấng đang ngự trong tâm hồn của mỗi người chúng ta, và từ đó, chúng ta cũng khám phá ra được sự hiện diện của Người đang chiếu tỏa trên khuôn mặt của mỗi anh chị em chung quanh chúng ta.

* Linh đạo hiệp thông giúp chúng ta chú ý đến anh chị em chúng ta và biết nhìn anh chị em chúng ta bằng cái nhìn của đức tin. Nhờ đó, chúng ta coi những anh chị em khác như là "những chi thể của tôi". Cảm nghiệm được điều đó, sẽ giúp chúng ta có khả năng chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, cảm nhận những ước muốn của họ và chú ý đến những nhu cầu của họ, trao tặng cho họ tình bạn sâu sắc và chân thực.

* Linh đạo hiệp thông còn là khả năng thấy điều tích cực nơi kẻ khác, đón nhận và khen ngợi điều tích cực đó như là một quà tặng xuất phát từ Thiên Chúa: không chỉ như là một quà tặng cho người anh em hay chị em đã trực tiếp nhận lãnh, mà còn như là "Một quà tặng cho tôi".

* Linh đạo hiệp thông còn là biết "dành chỗ" cho các anh chị em chúng ta, bằng cách "mang gánh nặng cho nhau" và chống lại những cám dỗ sống ích kỷ thường bao vây chúng ta và khơi dậy sự ganh đua, ham hố danh vọng, ngờ vực và ghen tương

2c. Hiệp thông với những ai?

1. Hiệp thông trong nội bộ Giáo Hội.

Cần phải giúp cho mọi người quan tâm đến việc giữ gìn sự hiệp nhất trong chính nội bộ Giáo Hội. Đó chính là điều mà Đức Giêsu luôn quan tâm nhắc nhở cho các môn đệ của Người. Không chỉ nhắc nhở, Người còn luôn cầu nguyện với Chúa Cha cho sự hiệp nhất đó (xem Ga 17,21). Thánh Thể chính là phương thế hữu hiệu và cần thiết trước tiên cho sự hiệp thông trong lòng Giáo Hội.

A. Hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, cùng với Ngài chia sẻ trách nhiệm, niềm vui và hy vọng, những khó khăn và âu lo của Giáo Hội toàn cầu.

B. Hiệp thông với các cơ quan giáo triều Rôma và Bộ ngoại giao của tòa Thánh, tạo nên sự hiểu biết và giúp đỡ tương tác giữa Tòa Thánh và các Giáo hội địa phương.

C. Hiệp thông giữa các Hội Đồng Giám Mục với nhau, nhằm hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau. Tinh thần hiệp thông của Giáo Hội đòi hỏi các Giáo Hội địa phương phải cởi mở, đón tiếp nhau, cộng tác với nhau, giúp đỡ lẫn cho nhau, để dầu trong sự khác biệt, họ luôn gìn giữ và tỏ bày mối ràng buộc hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ (thí dụ: Hội Đồng Giám mục Á Châu). Các Giáo Hội địa phương cần phân chia đều hơn các linh mục, sự liên đới tài chánh hữu hiệu hơn, những cuộc giao lưu văn hóa và thần học… tạo điều kiện và tăng thêm những dịp hiệp thông giữa các giáo phận với nhau. Những hiệp hội vùng, những cuộc họp Liên Hội Đồng Giám mục… rất cần thiết để giúp nuôi dưỡng sự hiệp nhất giữa các Giáo hội địa phương và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ, trao đổi và cộng tác, cùng giúp nhau giải quyết những vấn đề mục vụ [12].

D. Hiệp thông giữa các Giáo phận trong cùng một quốc gia, nhờ đó có sự hiểu biết, hỗ trợ và giúp đỡ nhau về vật chất cũng như tinh thần. E/. Hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa trong giáo phận để hiểu nhau và cùng nhau xây dựng một đời sống ổn định và tốt đẹp, giúp vượt qua những khó khăn, phức tạp do xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế. Trong các giáo phận cần quan tâm đến sự cộng tác của giáo dân, vai trò của giáo dân, giúp cho các giáo dân và những người nam, nữ sống đời thánh hiến, dấn thân nhiều hơn trong các kế hoạch mục vụ và các công tác tông đồ. Cho họ tham gia vào Hội Đồng Mục Vụ và các Hội Đoàn trong giáo xứ.

F. Hiệp thông đặc biệt với giới trẻ. Đặc biệt ở Việt Nam khi người công giáo chỉ là một thiểu số, những hình thức hôn nhân khác đạo sẽ là chuyện đương nhiên. Làm cách nào để giúp đỡ cho các bạn trẻ công giáo? Giới trẻ, phải là mối quan tâm đặc biệt của những người có trách nhiệm dẫn dắt các linh hồn. Giáo xứ, giáo phận phải cố gắng làm sao để tạo cho họ nhiều cơ hội hơn, giúp cho họ sống tình bạn và hiệp thông với Giáo Hội… như tổ chức hiệp hội tông đồ và câu lạc bộ giới trẻ. Tóm lại, các giám mục, linh mục, luôn cần phải cố gắng tìm ra những phương thế mới thích hợp và hữu hiệu để hướng dẫn các thành phần dân Chúa, đặc biệt cho giới trẻ. Làm thế nào để mỗi người, cách riêng người nghèo, sẽ cảm thấy mình thật sự là một thành phần của giáo xứ, của giáo phận và của toàn thể dân Chúa. Không để họ cảm thấy mình bị lạc lõng, vô tích sự và thụ động đến nhàm chán. Làm sao để không ai bị loại trừ, bị bỏ rơi, bị quên lãng.

Tóm lại, văn hóa Thánh Thể đòi hỏi và giúp cho Giáo Hội hướng đến sự hiệp thông, đoàn kết nội bộ, bởi lẽ, sự chia rẽ, tinh thần bè phái là một gương mù và là một phản chứng tai hại, gây trở ngại cho công cuộc truyền giáo. Nơi nào sự hiệp thông bị suy yếu, thì chứng tá của Giáo hội và công việc tông đồ chịu nhiều thiệt hại [13]

2. Hiệp thông, liên đới và chia sẻ những hy vọng và đau khổ với các Giáo hội đang gặp khó khăn.

Đối với những Giáo hội thầm lặng và đau khổ này, Giáo hội luôn ý thức và nhắc nhở cho con cái mình luôn sống đồng hành với họ trong lời cầu nguyện, chia sẻ những đau khổ và hy vọng mới tìm lại được của họ. Giúp đỡ họ về vật chất cũng như tinh thần. Về phương diện này, Đức Gioan Phaolô II, cách riêng đã nhắc nhở cho Hội Đồng các Giám Mục tại Á Châu, cần thiết lập một văn phòng để giúp đỡ cho các Giáo hội này [14]

3. Hiệp thông và liên đới với thế giới Tân thời.

Giáo Hội rất quan tâm đến việc Phúc Âm hóa cho con người thời nay, bời lẽ, sau hơn hai ngàn năm, một số lớn gia đình nhân loại còn chưa nhận biết Đức Kitô. Ngoài ra, đối với thế giới hôm nay, một thế giới đang có khuynh hướng đề cao quá đáng sự phát triển và sự thịnh vượng, mà không cần quy chiếu về Thiên Chúa, và khuynh hướng thu gọn chiều kích tôn giáo của con người vào lãnh vực riêng tư. Đó là điều khiến cho Giáo Hội phải lo âu, bởi lẽ, xã hội nào cách ly chân lý nền tảng về con người, nghĩa là chối bỏ mối liên hệ giữa con người đối với Đấng Tạo Hóa và chối bỏ Ơn Cứu Độ mà Đức Kitô mang đến trong Chúa Thánh Thần, thì xã hội đó chỉ có thể đi lạc càng ngày càng xa nguồn mạch đích thật của sự sống, của tình yêu và của hạnh phúc. Không ai phủ nhận rằng, thế giới chúng ta đang sống chất đầy những mâu thuẫn: bên cạnh những tăng trưởng kinh tế, văn hóa và kỹ thuật vượt bậc, lại đang có những người chết vì đói, bị kết án sống trong tình trạng mù chữ, thiếu sự chăm sóc thuốc men cơ bản nhất, không có được một nơi ở xứng với phẩm giá con người. Là những người Kitô hữu, những đồ đệ của Đức Kitô, chúng ta không được tỏ ra thờ ơ lãnh đạm trước:

  1. Sự thất vọng của biết bao nhiêu người vì cuộc sống vô nghĩa;
  2. Tình trạng nghiện ngập ma túy ngày càng gia tăng;
  3. Nỗi sợ hãi bị ruồng bỏ vì tuổi già hay vì bệnh tật;
  4. Tình trạng nhiều người phải sống vất vưỡng bên lề xã hội;
  5. Vì những phân biệt đối xử trong xã hội;
  6. Bị lạm dụng...

Có vô vàn vô số những nhu cầu của con người đang kêu cứu sự nhạy cảm của các Kitô hữu. Các Kitô hữu phải học biết cách thể hiện đời sống đức tin trong Đức Kitô, bằng cách nhận ra tiếng Chúa trong tiếng kêu cứu giúp đỡ, nổi lên từ thế giới nghèo đói này và thực thi truyền thống bác ái đã được Giáo Hội thực hiện từ hơn hai ngàn năm qua. "Bây giờ là thời gian cho sự sáng tạo mới trong đức ái, không những bằng cách bảo đảm cho sự giúp đỡ đạt được hiệu quả, nhưng cũng bằng cách sống gần, tiếp cận và tiếp xúc với những ai đang đau khổ, làm sao để hành vi giúp đỡ được cảm nhận không như là một sự bố thí làm mất thể diện, nhưng như một sự chia sẻ giữa anh chị em" (số 50).

Bên cạnh những vấn đề nghèo đói, công tác truyền giáo còn phải đối diện với những thách đố mới, có ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng sự hiệp thông: chẳng hạn

  1. khủng hỏang về môi trường sinh thái;
  2. Vấn đề hòa bình;
  3. Những vi phạm nhân quyền, coi thường những quyền cơ bản của nhiều người, nhất là của phụ nữ và trẻ em;
  4. Thiếu tôn trọng sự sống của mỗi con người, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.

Giáo Hội cảm thấy trách nhiệm phải hiệp thông với xã hội đó trong tinh thần đối thoại, cuộc đối thoại luôn được dựa trên tình liên đới và vô vị lợi, nhằm giúp cho con người hôm nay tìm kiếm chân lý trong tình yêu [15].

4. Hiệp thông và liên đới với những anh chị em cùng tin vào Đức Kitô. Ngày nay, hơn lúc nào hết, các Kitô hữu cần phải khôi phục lại sự hiệp thông giữa những người cùng có một niềm tin, cùng nhìn nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa của mình. Không chỉ là ước nguyện của các Kitô hữu nhưng là của chính Đức Kitô, Đấng đã cầu nguyện và không ngừng kêu gọi các môn đệ phải hợp nhất với nhau. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu luôn là một trở ngại lớn và càng làm cho công việc truyền giáo trở nên khó khăn hơn. Do đó, Giáo Hội công giáo tại Á Châu, đặc biệt cảm thấy bị thúc đẩy hợp nhất với các Kitô hữu khác, và điều đó đòi hỏi mỗi người phải có lòng bác ái, sự sáng suốt, lòng can đảm, nhẫn nại và niềm hy vọng [16].

5. Hiệp thông và liên đới với những tôn giáo khác: đối thoại liên tôn. Tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những kẻ theo các tôn giáo khác, là một bổn phận và một thách đố lớn lao của toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên, Giáo Hội lưu ý rằng, chỉ những người có đức tin Kitô giáo trưởng thành và xác tín, mới có tư cách dấn thân vào việc đối thoại liên tôn chân chính và hy vọng gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Những hoa quả đó chính là: sự hợp tác, sự hài hòa và làm phong phú cho nhau.

Hiểu như thế Thánh Thể không chỉ nhằm đến việc hiệp thông trong nội bộ Giáo Hội, nhưng còn giúp tạo ra sự hiệp thông và tình liên đới với mọi người, với toàn thể nhân loại. Mỗi Kitô hữu, khi tham dự Thánh lễ, nhờ Thánh Thể, cần phải học cho biết trở thành những người kiến tạo sự hiệp thông, hòa bình và tình liên đới trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Hình ảnh về một thế giới của chúng ta bị xé rách, một thế giới đã khai mạc Thiên Niên Kỷ mới với quang cảnh khủng bố và bi kịch chiến tranh, hơn bao giờ hết lại kêu mời các kitô hữu sống Thánh Thể như một trường học lớn về hòa bình, ở đó, những người nam và nữ, tùy theo mức độ khác nhau về trách nhiệm trong đời sống xã hội, văn hóa, chính trị, được đào tạo để trở thành những người kiến tạo sự đối thoại và hiệp thông [17].

3. Thánh Thể là con đường dẫn đến tinh thần đối thoại.

Đối thoại là một phương thế đang được cả thế giới cũng như Giáo Hội quan tâm cách đặc biệt, nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất đồng, tranh chấp....thay cho những phương thế như bạo lực, bạo động, chiến tranh...

Tại Á Châu và riêng tại Việt Nam, một đất nước đa văn hóa và đa tôn giáo, tinh thần đối thoại là một sách lược hết sức quan trọng và cần thiết để giúp chúng ta hiểu và sống chung hòa bình với những anh chị em có niềm tin khác với chúng ta. Đối thoại không chỉ là bổn phận mà còn là một thách đố không nhỏ đối với Kitô giáo.

3a. Đối thoại đại kết.

* Lý do: Tại Việt Nam, những người cùng tin Chúa Kitô chỉ là một thiểu số. Muốn loan báo Tin Mừng cho những anh chị em khác, đòi hỏi những người cùng chung nìem tin vào Đức Kitô phải sống hiệp nhất và hiệp thông với nhau. Có hiệp nhất thì những người khác mới tin vào những gì chúng ta rao giảng. Sự chia rẽ giữa các người tin Chúa Kitô quả là một gương xấu trầm trọng làm cản trở cho sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những anh chị em thuộc các tôn giáo khác.

* Những thái độ phải có: Để cho việc đối thoại đại kết đạt được kết quả tôt, cần phải:

* Tinh thần hợp tác và cộng tác với các anh chị em Kitô hữu khác, chẳng hạn như dịch thậut và phổ biến Thánh Kinh, các công tác từ thiện, trao đổi những tài liệu, nhạc, phương pháp học hỏi Thánh Kinh...Chẳng hạn Willim Barcley.

* Luôn trung thành với đức tin công giáo, nắm vững giáo lý, học hỏi và nghiên cứu Thánh Kinh để có thể dễ dàng gặp nhau khi đối thoại.

* Suy xét, phân định để thấy được những cái tốt, cái hay để ca ngợi, học hỏi...

* Thành thật muốn gạn đục khơi trong để đổi mới và cải thiện chính mình

* Cầu nguyện cho đại kết, học hỏi và đào tạo về đại kết; củng cố niềm tin cho giáo dân và giúp họ đọc và học hỏi, tìm hiểu Thánh Kinh.

2. Đối thoại Liên Tôn.

2a. Lý do: Việt Nam là một nước đa tôn giáo. Cần phải đối thoại để hiểu nhau hơn và cộng tác với nhau và học hỏi lẫn nhau, giúp nhau nên phong phú hơn. Nhằm giới thiệu cho họ biết về Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất mà Thiên Chúa đã sai đến trần gian.

2b. Điều kiện phải có:

* Không được từ bỏ các nguyên tắc (truyền thống đức tin và xác tín tôn giáo).

* Hòa hợp chứ không hòa đồng. Phải chứng tỏ cho nhau thấy mỗi bên muốn cho nhau được tiến bộ hơn về tôn giáo của mình, và xóa bỏ đi những thành kiến, bất khoan dung và hiểu lầm.

* Các Kitô hữu phải có một đức tin trưởng thành và chắc chắn, phải sống hạnh phúc trong cộng đòan đức tin của mình. Cần phải được củng cố niềm tin, được chuẩn bị đầy đủ và cần thiết để có thể đối thoại.

* Phải đối thoại trước tiên bằng cuộc sống và bằng tấm lòng. Một tấm lòng khiêm tốn, dịu dàng, không tự phụ cũng không trịch thượng trong khi gặp gỡ nhau.

2c. Những hình thức đối thoại liên tôn.

* Đối thoại bằng cuộc sống. Mỗi người cố gắng sống cởi mở và sống với nhau như những người láng giềng tốt, cùng nhau chia vui sẻ buồn, chia sẻ các vấn đề và những lo âu của con người.

* Đối thoại bằng cộng tác. Cộng tác với nhau để cùng lo phát triển con người tòan diện (va9n hóa, hội nhập văn hóa, thăng tiến con người và xã hội).

* Đối thoại bằng trao đổi thần học.

* Đối thoại bằng chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo (kinh nghiệm về cầu nguyệ, chiêm niệm, chay tịnh, về đức tin, về đường lối tìm kiếm Đấng Tối Cao...).

2d. Những trở ngại và khó khăn cho việc đối thoại:

* Chưa nắm vững đầy đủ đức tin của mình

* Chưa hiểu biết đầy đủ về niềm tin và các việc thực hành tôn giáo cùa các tôn giáo khác, nên đánh giá và giải thích sai lạc.

* Trình độ văn hóa khác nhau, dùng ngôn ngữ quá chuyên môn và đôi khi có ý nghĩa khác nhau, như trở lại đạo, rửa tội, ăn chay...

* Tính tự mãn, tự cao, tự đại, thiếu cởi mở, lo tự vệ, dễ gây sự...

* Trình bày và diễn tả các xác tín tôn giáo của mình theo tinh thần hiếu chiến, hiếu thắng, biện giáo, hộ giáo và có ý đồ muốn chiêu mộ tín đồ hơn là đối thoại.

Chúng ta đã làm được gì cho việc đối thoại liên tôn?

4. Thánh Thể thúc đẩy ta phục vụ những người nhỏ bé nhất.

Đối với các Kitô hữu, Thánh Thể còn là động lực thúc đẩy họ dấn thân một cách thực tiễn nhằm kiến tạo một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Thánh Thể chính là đỉnh cao của tình yêu, yêu đến hiến mình vì người mình yêu. Noi gương Chúa Giêsu, Thầy chí thánh, các Kitô hữu, khi tham dự Thánh Lễ, khi chầu Thánh Thể, cần phải ý thức đến tình yêu thương phục vụ mọi người anh em, tích cực đấu tranh chống lại mọi hình thức bất công, áp bức, bóc lột và ích kỷ, khiến cho nhiều người yếu thế, neo đơn phải chịu thiệt thòi và sống trong cảnh bần cùng, khốn khổ. Thiếu công bằng, thiếu bác ái, những hình thức bất công đã dẫn đến thảm họa đói kém đang hành hạ hàng trăm triệu con người. Thiếu tình liên đới yêu thương, không đủ thuốc men chữa trị khiến cho hàng triệu người hàng năm phải chết vì những cơn bệnh hiểm nghèo đang tàn phá những quốc gia trên đà phát triển. Thiếu tình liên đới, yêu thương, hàng triệu người, nhất là trong những nước nghèo phải thất học và thất nghiệp, khiến cho nhiều người đành phải rời bỏ mảnh đất quê hương, đến những vùng xa lạ để kiếm sống, họ là những miếng mồi ngon cho những lạm dụng, những tệ nạn, những bất công ngày một nhiều hơn, khiến cho xã hội con người ngày càng lâm vào tình cảnh sự dữ ngày một tràn lan.

Chúng ta tạm kết thúc phần trình bày này bằng sự mong ước thiết tha của Đức Thánh Cha "Ước gì Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng đồng hành với chúng ta trên đường đi và cho chúng ta khả năng nhận ra Người... trong lúc bẻ bánh, gặp được chúng ta đang tỉnh thức và sẵn sàng, hầu nhận ra dung nhan Người và chạy đến với anh chị em chúng ta để loan báo tin vui: Chúng tôi đã thấy Chúa !" (Ga 20,25). Tinh thần hiệp thông giúp chúng ta biết mở rộng lòng cho Chúa và cho mọi người. Đó chính là điều kiện đầu tiên, nhờ đó chúng ta có thể đến với mọi người để đối thoại với họ.


-----
1 X. MnD, 24.
2 Nt.
3 MnD 25.
4 X. MnD 24.
5 MnD 26.
6 X. Nguyễn thái Hợp, Chút này làm tin, Dấn Thân, Houston 2003, trg. 10.
7 Vaticanô II, Hiến chế mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, số 36.
8 X. MnD 26.
9 X. Nguyễn Thái Hợp, Chút này làm tin, Dấn Thân Houston, 2003, trg. 28-35.
10 Nt, trg. 37.
11 MnD 26.
12 X. Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á Châu, số 26.
13 X. Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á Châu, số 25 &26.
14 X. Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á Châu, số 28.
15 Nt số 29.
16 Nt số 30.
17 MnD số 27.

URL: http://danchuausa.net/tai-lieu-thanh-the/thanh-the-la-nguyen-ly-va-la-du-phong-cua-su-vu/