Trích từ Dân Chúa

Nhân đại hội Thánh Thể Thế Giới lần 49: Thánh Thể và sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô

Lm Giuse Trần Trung Liêm, OP

EucharisticCongresss08-Logo.jpg

Đại Hội Thánh Thể Thế giới lần thứ 49 từ ngày 15.6.2008 đến 22.6.2008 Québec, Canada
Đề tài học hỏi cho người Việt Nam: Thánh Thể và Sự Hiện Diện Thực Sự Của Chúa Kitô

Khi nói đến Bí tích Thánh thể, điều không thể không đề cập đến chính là “sự hiện diện thực sự” của Chúa Kitô (the real presence of Christ). Theo lịch sử thần học bí tích, “sự hiện diện thực sự” của Chúa Kitô được dùng để chỉ về sự hiện diện Thánh Thể, lần đầu tiên có tính cách loại trừ các cách thế hiện diện khác, bắt đầu từ Scotus[1]. Và điều này thật là không may cho chúng ta!

Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrisanctum Concilium của công đồng Vaticanô II (Dec. 4, 1963) số # 7 nói: Chúa Kitô vẫn luôn luôn hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, nhất là trong những cử hành phụng vụ: trong Thánh Lễ đặc biệt là dưới hình bánh và rượu, trong Thừa tác viên, trong các bí tích, trong Lời Chúa công bố trong phụng vụ, và khi Giáo Hội cầu nguyện hay ca tụng (Matt 18:20).

A. HIỆN DIỆN THỰC SỰ DƯỚI NHIỀU CÁCH THỨC

Số 1373 trong Sách Giáo Lý GH Công Giáo khi giới thiệu về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, đã diễn tả như sau: “Chúa Giêsu Kitô, Đấng thực sự đã chết, đã sống lại từ cõi chết, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và thực sự đang bầu cử cho chúng ta, Người hiện diện trong Giáo hội dưới nhiều cách thức.” Sau đó, sách Giáo lý liệt kê những hình thức hiện diện “thực sự” của Ngài: trong Lời Chúa, trong cộng đoàn phụng tự (Matt 18:20), trong người nghèo, người bệnh, người tù tội (Mat 25:31-36), trong các bí tích, trong Thánh Lễ, trong thừa tác viên chủ sự, và cách đặc biệt trong Thánh Thể qua hình bánh và rượu.

Tông Huấn sau cùng của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Thánh thể có tựa đề Ecclesia de Eucharistia (April 17, 2003), Giáo Hội từ Thánh Thể. Ngài mở đầu Tông huấn như sau: Giáo Hội kín múc được sự sống của mình từ Thánh Thể; tiếp đó, đức cố Giáo Hoàng trích dẫn câu cuối cùng của tin mừng Matthêu 28:20, lời Chúa Giêsu hứa ở lại với Giáo Hội cho đến khi hoàn tất của thời gian, để nói lên sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Giáo Hội.[2]

Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể được gọi là “thực” - tuy không cho rằng những hình thức hiện diện khác là không “thực”, nhưng bởi vì đây là sự hiện diện mang ý nghĩa đầy đủ nhất: có nghĩa là, đây là một sự hiện diện nền tảng mà qua đó Đức Kitô, Đấng vừa là Chúa vừa là người phàm, làm cho chính mình hiện diện cách hoàn toàn và cách trọn vẹn (wholly and entirely).[3]

Như vậy, điều Chúa Giêsu hứa trước khi Ngài về trời là sẽ ở lại với chúng ta luôn mãi được thực hiện dưới nhiều hình thức, và Thánh Thể là một hình thức đặc biệt của sự hiện diện thực sự mà ngài đã hứa. Nói cách khác, Thánh Thể học nằm trong Giáo Hội học.

Vì thế, khi nói về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta không thể tách rời bí tích này ra khỏi Giáo Hội; bởi lẽ sự hiện diện trong Thánh Thể, tuy là một hình thức Chúa Giêsu hiện diện hết sức đặc biệt, nhưng là một trong những cách thức Ngài hiện diện thực sự trong Giáo Hội.[4] Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện thực sự trong Giáo Hội bằng nhiều cách, nhưng bốn cách thức sau đây có liên quan trực tiếp hơn với những gì chúng ta cử hành hằng ngày:

1. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong cộng đoàn phụng tự:

Giáo lý: “Vậy nơi đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh ta, ta sẽ ở giữa họ” (Matt 18:20).

Thực hành: Linh mục chủ sự phải có thái độ tôn kính sự hiện diện thực sự này của Chúa Kitô trong cộng đoàn đang qui tụ để dâng Thánh lễ - hay bất cứ một nghi lễ nào, một cử hành bí tích nào.

2. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Lời Chúa:

Giáo lý: Đức Giêsu là Ngôi Lời. Gioan 1:14: “Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta.”

Gioan 15:7: “Nếu anh em ở lại trong ta và Lời của ta ở lại trong anh em thì bất cứ điều gì anh em xin, anh em sẽ nhận được.” Gioan 17:17: “Lời Ngài là chân lý.” Thánh Jerome cho rằng: “Kẻ không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô!” Thánh Ambrose thì nói: “Tín hữu phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng chính Thịt của Ngài.”

Thực hành: Cách đọc Kinh Thánh có thể có hai: Giải thích và thích giải. Giải thích là giải sao cho người viết thích, tức là theo ý tác giả, theo ý Chúa, tức là để Lời Chúa thay đổi và thách đố mình. Thích giải là giải theo sở thích của mình, là sử dụng Lời Chúa theo nhu cầu của mình; tức là trở thành quan toà xét sử bản văn, đặt vào trong bản văn điều mà tác giả không muốn nhắm tới; như vậy, chính người đã thay đổi Lời Chúa (read into the text). Đương nhiên cách đúng đắn để đọc Lời Chúa là cách thứ nhất: Giải Tích; hãy có lòng yêu mến và tôn trọng Lời Chúa, để Lời Chúa soi sáng lối sống của mình, thách đố mình và thay đổi mình[5]

3. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Thừa tác viên:

Giáo lý: Vì là “Đức Kitô Khác”, nên khi cử hành bí tích, linh mục hành động in persona Christi. Như vậy, sự hiện diện của Chúa Kitô trong linh mục chủ sự là quá rõ ràng, và đôi khi điều này lại được nhấn mạnh quá mức đến độ xem thường sự hiện diện của Chúa Kitô trong những hình thức khác. Trong Thư gởi các linh mục Thứ Năm Tuần Thánh 2005, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II dựa vào lời truyền phép mà suy niệm về Thiên chức linh mục. Đối với ngài, linh mục là:

Một cuộc đời tràn ngập tri ân (a life of profound gratitude): Khi Chúa Giêsu Kitô bẻ bánh, Ngài “Tạ ơn”.

Một cuộc đời được trao đi (a life that is 'given'): “Nhận mà ăn, nhận mà uống”: sống thực và sống trọn lời này chính là trao ban cả con người linh mục.

Một cuộc đời được cứu để cứu đời (a life that is saved in order to save): “Này là mình ta thí ban cho anh em”, khi lập lại những lời này thay thế Chúa Kitô, linh mục trở thành những người tiên phong của mầu nhiệm cứu độ. Nếu linh mục không thực sự cảm thấy mình được cứu thì làm sao có thể trở thành người tiên phong có sức thuyết phục người khác?

Một cuộc đời ghi nhớ (a life that 'remembers'): “Hãy làm điều này để tưởng nhớ”. Cuộc đời người linh mục là lời nhắc nhở sự hy tế của Chúa Kitô. Hãy sống và hy sinh như Chúa.

Một cuộc đời được thánh hiến (a consecrated life): Mỗi khi cử hành và công bố “Mầu nhiệm đức tin” là mỗi lần linh mục bày tỏ sự lạ lùng luôn mới mẻ với phép lạ ngoại thường diễn ra trên bàn tay của mình. Sự biến đổi bản thể này thực sự là “một eminently sacred reality!”

Một cuộc đời tập trung vào Chúa Kitô (a life centred on Christ): Một Kitô thứ hai phải là một người lấy Chúa Kitô làm mẫu, làm trung tâm, là khuôn thước, làm chính mình.

Một cuộc đời Thánh Thể qua trường học của Mẹ Maria (a 'Eucharistic' life at the school of Mary). Một linh mục hội đủ những điều trên và sống đúng với những điều Đức Cố Giáo Hoàng nhắn nhủ thì chắc chắn phụng vụ linh mục ấy cử hành sẽ thực sự đúng là “Thần vụ”.

4. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình Bánh và Rượu sau lời truyền phép.

Đây là điều chúng ta sẽ dừng lại lâu hơn vì là cốt lõi của bí tích đặc biệt này.

Cách thế hiện diện của Chúa Kitô trong hình bánh và rượu là duy nhất (unique). Sự hiện diện này nâng Bí Tích Thánh Thể lên trên tất cả các bí tích khác như là sự “hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và cùng đích mà mọi bí tích khác hướng đến” (ST III, 73, 3 c). Trong Thánh Thể, toàn vẹn Chúa Kitô được chứa đựng cách đúng nghĩa, cách thực sự, và cách căn bản (căn cơ và theo bản chất).[6]

B. HIỆN DIỆN TRONG THÁNH THỂ:

Đề cập đến việc trình bày tín điều cho thời nay, Edward Schillebeeckx, nói: “Đơn thuần lập lại một tín điều từng chữ cho người thời nay có lẽ sẽ áp đặt một gánh nặng không cần thiết và không lý giải được trên niềm tin Kitô giáo của chúng ta. Nếu cứ miễn cưỡng làm như thế, thì ý niệm “mầu nhiệm” sẽ bị người ta xem giống như deus ex machina.[7]

Vào thế kỷ 13, lối cắt nghĩa sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể theo kiểu “giác cảm” (sensualistic interpretation: khi rước lễ, tôi nhai chính thân thể của Chúa Giêsu) đã làm cho những thần học gia thời ấy lên tiếng phản đối, trong các thần học gia này, phải kể đến thánh Albertô, Bonaventure, và nhất là thánh Tôma Aquinô.

Tin Lành cho rằng sự hiện diện của Chúa Kitô trong cộng đoàn phụng tự là vượt lên trên bí tích họ cử hành và không có bí tích nào cao cả hơn bí tích nào, tất cả đều bằng nhau vì cùng thông chuyển ân sủng của Chúa. Vì sự hiện diện của Chúa trong cộng đoàn là thật nên với quyền năng của Ngài, ngài có thể transignify (biến đổi ý nghĩa) hay transfinalize (biến đổi mục đích) bánh và rượu thành chính Ngài; và sự biến đổi này chỉ tồn tại bao lâu cộng đoàn phụng tự còn quy tụ - nếu không lãnh chịu thì sự biến đổi cũng không còn.[8]

I. Công Đồng Triđentinô và Transubstantiatio:

Công đồng Triđentinô định tín ngày 11 tháng 10 năm 1551 như sau:[9]

“Ai chối rằng bí tích Thánh Thể cực thánh không đích xác, thực sự và chắc chắn (vere, realiter et substantialiter) chứa đựng mình, máu cùng với linh hồn và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô tức là toàn vẹn Chúa Kitô, mà cho rằng chúng (bánh và rượu) chỉ như dấu hiệu (sign) hoặc biểu tượng (figure), hoặc do hữu hiệu, thì kẻ đó sẽ bị vạ tuyệt thông.”[10]

“Ai cho rằng trong bí tích Thánh Thể cực thánh, bản thể bánh và rượu vẫn còn tồn tại cùng với mình và máu Chúa Giêsu Kitô và chối bỏ sự biến đổi kỳ diệu và đặc biệt của toàn bộ bản thể bánh thành mình thánh và toàn bộ bản thể rượu thành máu thánh, trong khi hình bánh và rượu vẫn còn nguyên, sự biến đổi và Giáo Hội Công Giáo gọi cách rất thích hợp (very suitably) là transubstantiatio, thì kẻ đó sẽ bị vạ tuyệt thông?[11]

Theo đó, có 3 mức độ khác nhau trong giáo huấn của Tridentinô:

1. Trọng tâm của định tín là: trong bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu hiện diện cách đặc biệt và khác với sự hiện diện trong các bí tích khác hay các cách hiện diện khác, sự hiện diện này sâu xa và thực sự đến độ Chúa Giêsu có thể nói: “Đây là Mình Ta, Đây là Máu Ta.” Sự hiện diện này là vere, realiter et substantialiter, chứ không phải chỉ như dấu chỉ hay do sự hữu hiệu; và cũng không phải chỉ hiện diện khi hiệp thông (chịu lễ: communion) mà còn là trước khi hiệp thông (sau truyền phép: after consecration) và sau khi hiệp thông (trong Nhà Tạm).

2. Có sự biến đổi đặc biệt từ bản thể bánh và rượu thành bản thể Mình và Máu Chúa.

3. Sự biến đổi này được gọi cách thích đáng là Transubstantiatio, Biến Đổi Bản Thể.

Những điều Giáo Hội Công Giáo hiểu và dạy về Thánh Thể có thể được tóm tắt trong 6 điều này:

1. Sự biến đổi bí tích của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô là hoàn toàn siêu nhiên và chỉ được thực hiện do quyền năng vô cùng của Chúa mà thôi (ST III, Q. 75, a 4)

2. Sự biến đổi này được hiểu bởi đức tin mà thôi (ST III, Q. 75, a 1)

3. Điều cảm nhận được lại dựa vào sự tồn tại của hình bánh và rượu (ST III, Q. 75, a 5)

4. Có hai cách lãnh nhận Thánh Thể: thiêng liêng (spiritually) cũng có nghĩa là hoàn hảo (perfectly) và cách bí tích (sacramentally) cũng có nghĩa là bất toàn (imperfectly), còn cách ngẫu nhiên (accidentally) có nghĩa là mặc dù Thánh Thể vẫn là Bí Tích, đối với người ăn cách accidentally, thực tại Thánh Thể được trừu lại (mất Chúa) [ST III, Q. 80, a 1: perfect là khi người lãnh nhận với mục đích để tham dự vào hiệu quả của bí tích].

5. Không phải ai cũng lãnh nhận Thánh Thể cách hoàn hảo

6. Có người lãnh nhận Thánh Thể cách thiêng liêng - không có mặt - và hoàn hảo (not physically eat it). Theo thế, hệ luận đương nhiên là:[12]

“Thân Thể Chúa Kitô” không hoàn toàn đồng nghĩa với cộng đoàn tín hữu đang tụ họp trong Thánh lễ bởi vì không phải tất cả đều lãnh nhận Thánh Thể cách hoàn hảo.

“Thân Thể Chúa Kitô” cũng không đồng nghĩa với một nhóm nhỏ hơn, những người được đặc ân lãnh nhận Thánh Thể cách hoàn hảo bởi lẽ có những người không có mặt nhưng lòng muốn của họ giúp họ lãnh nhận Thánh Thể cách thiêng liêng và hoàn hảo.[13]

Do đó, ý hướng của cộng đoàn phụng tự (trong thánh Lễ) không đủ để làm nền tảng cho sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Kitô; thế nên “Transignification” hoặc “transfinalization” không giải thích trọn vẹn sự hiện diện đặc biệt của Chúa Kitô trong Thánh Thể.

II. Transubstantiatio và một vài nỗ lực giải tích:

Công đồng Tridentinô đã dùng danh từ “Transubstantiatio” để chỉ về thực tại này, nhưng “transubstantiation” không phải là định nghĩa về Thánh Thể, càng không phải là thực tại Thánh Thể, mà nó chỉ là một danh xưng, một tên gọi “thích hợp nhất” (aptissime, most aptly) diễn tả sự biến đổi rất đặc biệt làm cho bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô sau lời truyền phép.[14]

1. Cách Giải Thích theo truyền thống Kinh viện:

Nếu Chúa Kitô thực sự hiện diện, khi chúng ta nhìn vào tấm bánh đã truyền phép, chúng ta thấy gì? Đây là câu hỏi được các thần học gia chú ý và tìm cách giải thích. Lối giải thích của Thánh Thomas đại diện cho truyền thống Kinh viện, chúng ta đã biết rồi (ST III, q. 73-83), xin đọc “Thánh Tôma Aquinô & Bí Tích Thánh Thể” của Anh Giuse Đinh Văn Nghị, O.P. trong báo Chân Lý, tập 12, số 2, năm 2005, trang 2-7.

2. Cách giải thích cận đại:[15]

Với con mắt trần (người không tin), mắt đức tin (tín hữu), mắt vinh quang (các thánh), họ thấy gì? Cần phân biệt giữa: sự vật, sự nhìn, sự thấy, sự hiểu và sự tin… Bản thể của sự vật là đối tượng của trí hiểu chứ không phải của giác quan. Vì thế, câu hỏi không phải là “Cái gì đây” nhưng “sự thật gì đây”, “chân lý gì đây”[16]. Vì Tridentinô không giải thích Transubstantiatio là gì nên định nghĩa của danh từ này có vẻ như được bỏ ngỏ. Lợi dụng sự bỏ ngỏ này, nhiều thần học gia Công Giáo hiện nay đã không dùng Siêu hình học của Aristốt hoặc thánh Thomas để giải thích, họ vẫn giữ lại từ ngữ Transubstantiatio, vẫn hoàn toàn theo giáo huấn của Tridentinô nhưng hiểu và giải thích sự biến đổi Thánh thể này hoàn toàn khác.

Phần lớn các thần học gia hiện đại giải thích theo triết lý hiện sinh và nhất là Hiện Tượng luận. Với họ, hiện diện là hiện diện cho người khác, cho một hiện diện khác (presence to, being for). Hiện hữu tức là có đó mà không nói lên tương quan của nó với những hữu thể khác. Một hòn đảo chưa được ai biết đến và cho đến tận thế cũng không được khám phá ra, nó có hiện hữu không? Thưa có. Nhưng nó không hiện diện vì nó không có một sự hiện diện khác với nó để đối chiếu, nó không được nhận diện.[17]

Bản chất của sự vật trong tận căn của nó (deepest level of being) là dấu hiệu và dấu chỉ cho những thực tại thiêng liêng và của Chúa. Tương quan cá vị và thiêng liêng thì thực hơn là những tương quan vật lý và chất thể. Tự bản chất của một hữu thể là mang một ý nghĩa nào đó cho người nào đó và ý nghĩa nguyên thủy của hữu thể nằm ở trong thực tại của chính hữu thể. Một chất liệu hóa học có thể là một thực phẩm, nhưng cũng có thể làm nguyên (nhiên) liệu. Tương quan thay đổi, bản chất của sự vật cũng thay đổi.[18]

Có những tương quan do con người xác định và điều này xẩy ra là do năng quyền họ có (được trao cho hay được công nhận). Một chiếc lá phong đỏ được thêu trên một nền vải trắng và đỏ, chỉ là một bức tranh thêu, nhưng nếu chính phủ Canada quyết định nâng nó lên thành biểu tượng của quốc gia, thành quốc kỳ, thì nó đã mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Cụ thể mà nói, không thấy có gì khác biệt hay thay đổi, nhưng bản chất của miếng vải thêu này đã hoàn toàn đổi, sự hiện hữu của nó mang một mối tương quan đặc biệt đối với người dân Canada. Trên thực tế, ý nghĩa mới của miếng vải có được do sự thay đổi này thực hơn và sâu xa hơn là sự thay đổi vật lý hay thể lý.

Chúng ta hãy tìm hiểu về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh thể, bắt đầu từ chất liệu trở đi:[19]

1. Lúa và nho được bàn tay con người trồng tỉa, chăm bón và sau đó phải qua những tiến trình tự nhiên và kỹ thuật mới trở nên bánh và rượu. Bánh và rượu là sản phẩm của công lao và kỹ năng của con người, và mục đích của chúng là để nuôi sống con người. Chính con người cho chúng mục đích này vì thực ra họ có thể chọn loại thực phẩm khác. Vậy bánh và rượu được con người dùng làm thực phẩm để duy trì mạng sống của họ.

2. Khi nuôi dưỡng đời sống thể lý của con người, bánh và rượu mang một ý nghĩa và biểu tượng cao hơn. Bánh trở thành biểu tượng cho sự sống (symbol of life), rượu trở thành biểu tượng cho niềm vui của cuộc sống (symbol of joy of life). Từ thực phẩm, chúng trở thành biểu tượng cho sự sống và niềm vui của cuộc sống.

3. Khi bánh và rượu được chia sẻ chung trong một nhóm người (gia đình, cộng đoàn), chúng trở nên sự biểu hiện của tình huynh đệ, sự thân mật giữa các cá vị, hay sự kết thúc đầy hoan lạc của một ưng thuận (contract, agreement), một dịp diễn tả AGAPÊ. Từ niềm vui riêng đến chung vui và biểu hiện tình huynh đệ.

4. Cũng là tác động ăn, nhưng nơi con vật thì khác mà nơi con người lại hoàn toàn khác mặc dù sự tiêu hoá sinh học có thể giống nhau. Như thế, bánh có thể trở nên khác mà không thay đổi về sinh-thể-lý (biologically or physically). Sự thay đổi diễn ra là do “inter-personal relationship”, mối tương quan cá vị giữa hai thực thể: thực phẩm và người hưởng thụ nó. Sự thay đổi về ý nghĩa của mối tương quan này là tận căn, là cốt lõi (radical) hơn cả sự thay đổi thể lý đơn thuần (purely physical). Sự thay đổi này có thể được gọi là substantial change, sự thay đổi bản thể. Do đó, câu hỏi: “Bánh sau truyền phép có phải là bánh thông thường không (ordinary bread)” là một câu hỏi vô nghĩa vì rõ ràng bánh bây giờ đã là “Thánh Thể” rồi. Thay đổi bản thể thì sâu xa và tận căn hơn là thay đổi thể chất.

5. Môi trường phát sinh “Thánh Thể”: 1Cor 11:23: “Tôi xin truyền lại cho anh em điều chính tôi đã nhận được từ Chúa, trong đêm bị trao nộp” Như thế, Thánh Thể và Thánh Giá có sự liên quan mật thiết; mầu nhiệm Thánh Thể không thể hiểu được bên ngoài mầu nhiệm Thập Giá. Biết trước sự khổ hình, sự chết và Phục Sinh đang chờ đón mình, Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Tại sao? Bởi vì Thánh Thể là quà tặng chính Chúa Kitô cho Giáo hội. Thánh Thể là Hy tế, là quà tặng của Chúa Kitô để Giáo Hội luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài.

6. Bữa tiệc: Khi bánh và rượu được dùng trong phụng vụ Thánh thể thì ý nghĩa của chúng đã đổi và chúng đã trở thành chất liệu cho một bữa tiệc. Chất liệu của bí tích Thánh Thể không phải chỉ là bánh và rượu, nhưng là bánh và rượu được dùng trong bữa tiệc thánh thể.[20] Bí tích không chỉ cần sự vật (chất liệu), nhưng còn cần mô thức (hành động, lời truyền…). Schillebeeckx cho rằng chất liệu của bí tích Thánh thể bao gồm: thực phẩm, bữa tiệc và cộng đoàn tín hữu tại bàn tiệc. Những yếu tố này là human matter của Thánh Thể. Bữa tiệc Đức Giêsu cử hành với các môn đệ là bữa tiệc Vượt Qua, là bữa tiệc tưởng nhớ biến cố quan trọng trong quá khứ. Bánh là biểu tượng của sự sống; khi Đức Giêsu nói: “Này là mình ta, hiến tặng vì anh em” thì lời này cũng đồng nghĩa với “Này là sự sống của ta hiến tặng cho anh em.” Do đó, chịu lễ là lãnh nhận chính sự sống của Chúa Kitô, và như thế là chính sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống của Chúa chính là ratio sacramenti (lý do hiện hữu) của bí tích Thánh Thể.

7. Thánh Thể là quà tặng: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình thầy, hiến tế vì anh em” (1Cor 11:24). Qùa tặng này không phải là tấm bánh mà là chính Chúa Giêsu Kitô. Quà tặng chính bản thân Chúa Kitô này không trực tiếp nhắm đến (hay trao vào) bánh và rượu, nhưng là nhắm đến các tín hữu (bánh và rượu là vật thể, không có khả năng để lãnh nhận sự hiện diện hữu vị). Do đó, sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể chính yếu dành cho (hướng đến) các tín hữu nhờ và trong tặng phẩm bánh và rượu (không phải bánh và rượu xuông, nhưng là bánh và rượu như là một tặng phẩm).

Qua và trong bánh + rượu, Chúa Kitô hiện diện cho Giáo Hội và Thánh Thể đem Giáo Hội đến hiện diện với Chúa Kitô, vì thế Thánh Thể được gọi là nguồn và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu. Vì qua hình bánh và rượu, Chúa Kitô trao tặng Giáo Hội quà tặng tuyệt vời đó là chính người tặng, là chính Ngài.[21]

Kết Luận:

Xin được dùng điều cha cựu Bề Trên Tổng Quyền Timothy Radcliffe viết về người giảng thuyết trong chia sẻ tại San Francisco ngày 15 tháng 04 năm 2000 để thay lời kết cho bài chia sẻ này[22]

“Để là người giảng thuyết, cần phải kết hợp hai đức tích có vẻ mâu thuẫn nhau: sự quả quyết và lòng khiêm nhường. Chúng ta cần sự quả quyết của thánh Phaolô, người đã viết: ‚Nếu miệng anh tuyên xưng rằng đức Giêsu là Chúa và nếu trong lòng anh tin rằng Thiên Chúa đã cho Người phục sinh từ trong kẻ chết, thì anh sẽ được cứu độ.? Khẳng định này thật minh bạch. Không có sự qủa quyết, chúng ta không thể rao giảng. Chúng ta phải dám can đảm công bố niềm tin của mình. Nhưng chúng ta cũng cần có lòng khiêm nhường của những người ý thức mình biết rất ít. Như thánh Tôma Aquinô từng nói, về Thiên Chúa chúng ta chẳng biết tí gì. Chúng ta là những kẻ ăn mày chân lý, hạnh phúc vì được một chút soi sáng từ những người chúng ta gặp trên đường. Theo giải thích của thánh Grêgôriô Nyssê, chúng ta đi từ sự khởi đầu đến sự khởi đầu, đến sự khởi đầu. Chúng ta phải học cho biết khiêm nhường trước lòng tin của kẻ khác. Có thể họ còn nhiều sai lầm, nhưng cũng có cái gì đó cho ta học hỏi. Thánh Tôma luôn là cảm hứng cho chúng ta, những anh em Đaminh, bởi vì thánh nhân đã thể hiện sự quân bình trọn hảo giữa sự quả quyết và lòng khiêm nhường. Người đã viết được bộ Tổng Luận Thần học và cũng chính người bảo rằng tất cả những gì người đã viết chỉ là rơm rác. Mầu nhiệm lật nhào mọi kiêu hãnh.

Thánh Thể là “Mầu Nhiệm Đức Tin,” mầu nhiệm này lật nhào mọi lý giải của con người. Bánh và rượu sau khi được truyền phép đã là Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiện diện thật sự và cao cả này của Chúa Kitô trong Giáo hội đòi hỏi sự đáp trả là chính sự hiện diện của chúng ta. Đây là một sự hiện diện hũu vị và sự hiện diện này đòi chúng ta nhận diện không những bằng cách “hãy đến mà xem” (Gioan 1:39), nhưng trên hết “Hãy đến mà thờ lạy” (Matt 2:2).

Giuse Trần Trung Liêm, OP

-------------

[1] Thần học gia dòng Phanxicô sống 1265-1308. Xem E. Schillebeeckx, The Eucharist, trang 43.

[2] Judith Marie Kubicki, “Recognizing the Presence of Christ in the Liturgical Assembly”, Theological Studies 65 (Dec. 2004).

[3] ĐGH Phaolô VI, Mysterium Fidei, 03 tháng09, 1965, #39; Ecclesia de Eucharistia # 15 §1; Tridentinô.

[4] Đức Giêsu lịch sử là Emmanuel (Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta), Đức Giêsu Phục Sinh là Đức Chúa (Yaweh) “Ở-Cùng-Chúng-Ta” mọi ngày cho đến khi hoàn tất thời gian. [Chúa Giêsu Kitô Phục sinh được tuyên xưng là Thiên Chúa (Elohim) và Đức Chúa (Yaweh) như trong Gioan 20:28].

[5] Al Gore và George W. Bush tranh cử, Al Gore đến nói chuyện trước cử tọa Kitô hữu đã muốn chứng tỏ ông là người ngoan đạo khi trưng dẫn Kinh Thánh, ông nói đoạn KT ông yêu tích là Gioan 16:3 thay vì Gioan 3:16. Cô kia lấy chồng nhiều lần, lần này đặt bánh cưới và muốn dùng 1Gioan 4:18: “Trong tình yêu không có sợ hãi vì tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi” nhưng vì câu này quá dài, người làm bánh xin được chỉ viết số đoạn và câu mà thôi. Khi được phép, ông ta lại viết là Gioan 4:18 (“Bà đã có năm đời chồng, và người bà hiện có chẳng phải là chồng bà!”)

[6] Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo # 1374, giáo huấn của công đồng Tridentinô. Công đồng Tridentinô (1545 - 1563) được họp tại thành phố mang tên này từ tháng 9 năm 1547, đến 1549 vì ĐGH Phaolô III chết và do trận dịch, nên công đồng được dời đến Bologna; ĐGH Julius III [1550-1555] ra lệnh tái triệu tập công đồng và họp tại Tridentinô [phần về Thánh Thể được công bố năm 1551]; Marcellus II làm Giáo hoàng được đúng 22 ngày, Phaolô IV (1555-1559), rồi Pius IV (1559-1565) tiếp tục chủ trì công đồng. Mục đích chính của công đồng này là chống lại Luther và nhóm 'Thệ phản'; bản dự thảo năm 1547 lên án người hiểu Thánh thể như là dấu chỉ (sign or symbolic form như ông Zwingli, Oecolempadius, những người Sacramentarians), và người cho rằng cả hai bản thể đều còn nguyên mà chỉ có hypostatic union và buộc phải tin là có sự biến đổi về bản thể, đến bản bổ sung 1551 thì lên án thêm người cho sự hiện diện chỉ là dấu chỉ, tượng trưng (figure) hay 'by efficacity' (coi Schillebeeckx, The Eucharist, trang 30).

[7] Schillebeeckx, The Eucharist, trang 90.

[8] Có lần tôi được mời giảng trong một nghi lễ Chúa Nhật của người Tin Lành theo Luther, tôi thấy sau khi họ ăn bánh truyền phép không hết, họ cất trở lại trong bao bánh chưa được truyền phép, tôi củng đi dự nghi lễ của Evangelicals, họ để bánh và rượu (hoặc nước nho - grape juice) và cầu nguyện, ca hát, giảng xong họ lên ăn bánh và uống rượu mà chẳng có lời truyền phép chi cả. Laurence Hemming, “Transubstantiating Our Selves,” Heythrop Journal 44 (2003), trang 421.

[9] E. Schillebeeckx, The Eucharist, trang 37-38.

[10] “If anyone should deny that the most holy sacrament of the Eucharist truly, really and substantially contains the body and blood together with the soul and divinity of our Lord Jesus Christ and thus the whole Christ, but should say that they (body, blood, etc.) are only (present) as in a sign or figure or (only) by (their) efficacy, let him be excommunicated.”

[11] Should anyone maintain that, in the most holy sacrament of the Eucharist, the subatance of bread and wine remains (in existence) together with the body and blood of our Lord Jesus Christ and should deny this wonderful and unique changing of the whole substance of bread into the body and of the whole substance of wine into the blood, while the species of bread and wine nonetheless remain, which change the Catholic Church very suitably calls transubstantiation, let him be excommunicated.”

[12] Laurence Paul Hemming, “Transubstantiating Our Selves” trong Heythrop Journal 44 (2003), trang 425.

[13] Lumen gentium # 1 “Giáo hội, hiện diện trong Chúa Kitô như là một bí tích, tức là một dấu chỉ và dụng cụ, cho sự liên kết mật thiết của toàn thể và trọn vẹn nhân loại với Thiên Chúa.”

[14] Nên biết, công đồng không nói rằng đây là danh xưng duy nhất loại trừ mọi cách khác. Giáo Lý Công Giáo # 1375 “In hoc sacramento, Christus fit praesens per conversionem panis et vini in corpus et sanguinem Christi.”

[15] Thực ra, cách giải thích này không phải là điều gì mới lạ vì các thánh giáo phụ đã từng áp dụng nó. Xem bài của Anh Giuse Đinh văn Nghị, “Thánh Tôma Aquinô và Bí Tích Thánh Thể”, Chân Lý, Tập 12, số 2, 2005, trang 6.

[16] Các thần học gia về bí tích phân biệt: Res et sacramemtum: thực tại bí tích Thánh thể: sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh thể và Res scramenti: hiệu quả của bí tích: sự kết hợp của mọi tín hữu khi lãnh nhận Mình Thánh. ST III, Q. 73, a. 2, a. 3. Giữa hai thực tại này có một thực tại khác: res tantum - (do Charles Davis người Anh): object is not bread but Christ (Schillebeeckx, trg.115).

[17] Hiện diện là thiết lập một tương quan do đó không thể có một hiện diện tự nó. Hiện diện là mang một ý nghĩa nào đó đối với sự hiện diện của các hữu thể khác hay mang một nhiệm vụ nào đó, đóng một vai trò hỗ tương nào đó với những hữu thể chung quanh, hoặc đóng một vai trò nào đó do ngườI chủ của nó đặt cho.

[18] E. Schillebeeckx, The Eucharist, trang 112-113.

[19] E. Schillebeeckx, The Eucharist, trang 130-151.

[20] Một linh mục uống rượu ở ngoài quán và cố tình đọc lời truyền phép trên rượu, giám mục của địa phận phải ra mua hết rượu làm từ nho về.

[21] Xin coi biểu đồ Transubstantiation ở phần cuối để có cái nhìn tổng quát và đối chiếu giữa giải thích truyền thống mà tôi tạm gọi là “Giải thích tĩnh” và giải thích hiện đại mà tôi tạm gọi là “Giải thích động.” Nên nhớ, lối giải thích động hoàn toàn đồng ý với giáo huấn của Tridentinô và chỉ muốn giải thích danh từ Transubstantiation theo “sign” và “what it signifies”.

[22] “Consecrate Them In Truth, John 17:17? trong I Call You Friends, London: Continuum, 2001, trang 115. Xem “Xin Thánh Hóa Họ Trong Chân Lý” trong Để Niềm Vui Anh Em Nên Trọn, Học Viện Đaminh 2002, trang 86-87.

Lm Giuse Trần Trung Liêm, OP

URL: http://danchuausa.net/tai-lieu-thanh-the/nhan-dai-hoi-thanh-the-the-gioi-lan-49-thanh-the-va-su-hien-dien-thuc-su-cua-chua-kito/