Trích từ Dân Chúa

Hãy đem các trẻ em đến với Chúa Kitô thông qua việc Chầu Thánh Thể

Anthony Lê

Lược trích bài phỏng vấn với Cha Antoine Thomas, người đã khởi xướng một chương trình dành cho các trẻ em.

Nhờ vào sáng kiến và lòng sùng kính nhiệt thành của một linh mục người Pháp đối với Phép Thánh Thể, mà giờ đây đã có tới hàng trăm trẻ em tham dự những buổi Chầu Mình Thánh Chúa, và các em cũng đã cảm nghiệm được sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô qua Phép Thánh Thể. Cha Antoine Thomas, 46 tuổi, là một linh mục thuộc Dòng Thánh Gioan, đã làm việc trong ban mục vụ giới trẻ trong hơn 15 năm qua và hơn 10 năm trước đây, Ngài cũng đã hướng dẫn các giờ suy niệm thánh cho các trẻ em. Giờ đây, Ngài khởi xướng một chương trình gọi là “Những Trẻ Em của Niềm Hy Vọng” để giúp những người khác biết cách hướng dẫn các em siêng năng tham dự các buổi Chầu Thánh Thể. Ngài đến từ Paris và đã chia sẽ với hãng tin Zenit về việc làm thế nào để giúp các em biết dành nhiều thời gian bổ ích cho việc Chầu Mình Thánh Chúa tại các trường học cũng như tại các giáo xứ của các em, và những người lớn cần phải biết cách làm thế nào để khuyến khích các em có được thói quen này, đặc biệt là trong Năm Thánh Thể này.

Hỏi (H): Thưa Cha, tại sao việc hướng dẫn các em say mê vào những giờ Chầu Thánh Thể là một điều quan trọng?

Cha Thomas (T): Thưa, Chúa Giêsu đã từng nói rằng, “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta,” do đó tôi nghĩ là chúng ta phải nên biết vâng lời Thiên Chúa về điểm này, và mang Ngài đến cho các em.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị, trong năm 1996, cũng đã từng nói rằng: “Cha thúc giục các linh mục, dòng cũng như triều, và tất cả mọi giáo dân hãy liên lũy và nổ lực hết sức mình để dạy cho các thế hệ trẻ biết về ý nghĩa và giá trị của việc Chầu và sùng kính Phép Thánh Thể. Làm sao mà các trẻ em có thể biết được về Thiên Chúa nếu như các em không được chúng ta giới thiệu cho các em về mầu nhiệm của việc Thiên Chúa hiện diện trong Phép Thánh Thể? Bằng cách học thuộc nằm lòng những lời kinh khẩn cầu, các em sẽ có cơ hội gần gũi với Thiên Chúa hơn, vì chưng Ngài chính là người bạn đồng hành của các em trong đời sống tâm linh cũng như qua sự phát triển của thể lý con người... Tất cả đời sống nội tâm của các em phải cần có sự thinh lặng và gắn bó mật thiết với Chúa Kitô để các em có thể phát triển lớn mạnh hơn. Dần dà qua sự gần gũi, và gắn bó với Thiên Chúa, các em sẽ trở nên tích cực hơn và biết siêng năng đi dự lễ hơn; đối với những bé trai, được gần bàn thờ cũng chính là một cơ hội đặc biệt để cho các em biết lắng nghe lời gọi mời của Thiên Chúa một cách triệt để và rõ ràng hơn qua thừa tác vụ linh mục.”

Và mãi cho đến ngày hôm nay, Đức Thánh Cha vẫn còn cứ nhấn mạnh đến điểm quan trọng này.

Những gì chúng ta học biết được khi chúng ta còn là những đứa trẻ sẽ cứ mãi tồn tại trong chính chúng ta và sẽ giúp chúng ta được gần gũi hơn với Chúa Giêsu. Trước khi các em được Rước Lễ lần đầu, việc Chầu Thánh Thể là cách tốt nhất để giúp các em biết đón nhận Chúa Giêsu vào trong trái tim của các em thông qua một đời sống đức tin biết hiệp thông với Thiên Chúa.

Và sau đó, nó sẽ giúp làm gia tăng lên trong các em một mong muốn luôn biết đón nhận Mình Thánh Chúa một cách thường xuyên hơn. Hy vọng rằng, rồi đây, qua suốt những năm tháng trưởng thành đó, cũng những trẻ em này sẽ tìm gặp được một người bạn tốt nhất của các em chính là Chúa Giêsu, và cũng qua Ngài, các em tìm được sức mạnh và lòng nhiệt thành, để các em cũng có thể biết lắng nghe liên lũy lời gọi mời của Ngài và biết theo đuổi một đời sống về ơn gọi.

(H): Thưa Cha, đâu là những ích lợi mà Cha có thể nhận thấy được qua việc các em dành thời gian với Chúa Kitô trong Phép Thánh Thể?

(T): Thưa, các trẻ em hết sức là phấn khởi, vui mừng khi biết rằng mình thuộc vào một nhóm cầu nguyện nào đó. Các em rất thích được ở dưới chân Chúa Giêsu, nằm nghĩ dưới lòng thương xót nhân từ của một Thiên Chúa, vốn không còn dấu mình nữa nơi tủ đựng Phép Thánh Thể nữa. Các trẻ em cảm nhận được sự bình yên của thân xác cũng như của lòng trí các em nơi Ngài. Các em luôn có được một thao thức cháy bỏng để cầu nguyện, biết chú tâm vào Thánh Lễ hơn, và có được một đức tin kiên vững trước sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu qua Bí Tích Cực Thánh.

(H): Thưa Cha, làm sao mà Cha có thể giúp các trẻ em hiểu và biết tham dự một cách sốt mến qua những giờ Chầu Thánh Thể? Làm sao mà Cha có thể giúp cho các em biết tập trung và không hề bị chia trí trong vòng một tiếng đồng hồ như vậy?

(T): Thưa, không có ai trong chúng ta có thể hiểu được một cách trọn vẹn vào bí tích huyền nhiệm này. Những gì mà chúng ta có thể làm là luôn nhắc nhớ cho các em biết được rằng Chúa Giêsu luôn luôn lúc nào cũng yêu mến hết tất cả các em.

Vào một đêm trước khi Ngài băng hà cách đây 2,000 năm, vì quá yêu và vì mong rằng chúng ta sẽ không quên Ngài, do đó, Ngài đã chọn cách này, qua chính Phép Thánh Thể, để Ngài luôn mãi ở gần với chúng ta theo một cách thức rõ ràng và hữu hình hơn. Ngài đã chọn cách này không phải vì nhu cầu cần thiết, mà là vì một tình yêu thương vô bờ bến và tình yêu rất lòng lành, và nhân từ dành cho chúng ta.

Các em được nhắc nhớ về những từ ngữ thánh hiến mà Chúa Giêsu đã trao quyền lại cho tất cả các linh mục. Một khi các em nhận thức được rằng các em đang dành thời gian cho Chúa Giêsu, thì các em rất là sốt sắng và muốn đến tham dự mỗi tuần; vì chưng, đó chính là thời gian mà các em được gần gũi với Ngài.

Các bậc làm cha, làm mẹ luôn luôn là những người đầu tiên lo lắng về các con em của họ sẽ trở nên chán nản, thế nhưng, sau một giờ Chầu Thánh Thể cùng với các em, họ đã thật sự ngạc nhiên là thời gian đã trôi qua quá nhanh. Một em trai 6 tuổi sau một giờ Chầu Thánh Thể đã đưa ra lời nài nĩ rằng, “Mẹ ơi! chúng ta có thể nán lại một chút xíu nữa được không? Con vẫn chưa nói chuyện hết được với Thiên Chúa.”

Hay một lời nhận xét khác là, “Con đã có được một buổi trò chuyện hay nhất với Chúa Giêsu!”

Chẳng hề chán nản hay cô đọng chút nào cả, những đứa trẻ này đã bắt đầu cảm thấy được tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho các em. Các em đã hiểu ra được rằng các em là những người rất quan trọng đối với Thiên Chúa, và lời nguyện cầu của các em đã được Thiên Chúa lắng nghe và đáp trả.

Một ví dụ khác về sức mạnh của lời cầu nguyện của một đứa trẻ chính là: Có một cậu bé trai 9 tuổi, hằng tuần cậu vẫn đến để cầu nguyện cho người chị ruột của cậu, vì chị ấy đã cưới một người chồng không phải là Công Giáo. Cậu luôn hỏi Mẹ của cậu rất nhiều lần rằng liệu người chị ruột của cậu đã quay trỏ về lại với Giáo Hội Công Giáo hay chưa. Sau sáu tháng dài, chị cậu gọi điện thoại về nhà và nói rằng: “Con đã thật sự tin rằng Mình Thánh chính là Chúa Giêsu thật sự, và chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới có được điều này.” Và chị của cậu bé đã quay trở về để lãnh nhận lại các bí tích và cử hành lễ cưới theo nghi thức của Giáo Hội. Rồi thì cậu bé tiếp tục cầu nguyện cho người anh rể tương lai của cậu được trở thành người Công Giáo. 14 tháng sau, gia đình của cậu nhận được một cú điện thoại khác, lần này là vào dịp Giáng Sinh. Thử đoán xem ai đã bắt đầu học Lớp Giáo Lý Dự Tòng và đã trở thành một tín hữu Công Giáo vào mùa Phục Sinh vừa qua? Tất cả chỉ vì đức tin của một đứa trẻ và sức mạnh của lời cầu nguyện.

Để giữ cho các em luôn biết tập trung sốt sắng, chúng tôi đã triển khai một hình thức rất đơn giản là hướng dẫn các em qua lời cầu nguyện, qua việc đọc Sách Thánh, qua việc thinh lặng và qua các bài hát.

Đó đúng thật sự là cách sống của người tu hành. Chúng tôi đang cố dạy cho các em biết sống theo tinh thần của buổi chầu qua suốt những chuổi ngày trong đời sống của các em giống như là Mẹ Maria đã từng làm như vậy. Thì phương cách này chỉ là một sự hổ trợ mà thôi, còn Chúa Thánh Thần mới thật sự là người hướng dẫn cho các em.

(H): Thưa Cha, những phản hồi nào mà Cha đã nhận được qua sáng kiến này? Có bao nhiêu giáo xứ, trường học và trẻ em đang tham dự vào sáng kiến này?

(T): Thưa, Cô Sandy Rongish và tôi đã bắt đầu cùng làm việc với nhau vào tháng 2 năm 2000. Cùng với sự giúp đỡ của những người khác, chúng tôi gom tụ lại và viết ra một tuyển tập nhằm giúp cho những ai biết khởi sự chương trình này trong từng giáo xứ riêng của mình. Chúng tôi hy vọng nó dễ hiểu và dễ dàng đem ra áp dụng.

Bây giờ, chương trình của chúng tôi được gọi là “Những Trẻ Em của Niềm Hy Vọng,” đang được áp dụng và lan truyền rộng rãi. Tại giáo phận Wichita ở tiểu bang Kansas, giờ đây đã có 6 nhóm gặp gỡ hằng tuần và rất nhiều trường học Công Giáo giờ đây đã có giờ Chầu Thánh Thể hằng tuần hoặc hằng tháng.

Chúng tôi cũng lắng nghe những lời tương tự tại khắp các giáo xứ trên khắp Hoa Kỳ cũng như tại những nước khác nữa. Với số lượng của các tài liệu mà chúng tôi đã gởi ra, chúng tôi chỉ có thể đoán được rằng giờ đây đã có hơn hàng trăm nhóm đang áp dụng chương trình này.

Những phản hồi từ các nhóm đó quả là cực kỳ khích lệ và đáng ngạc nhiên. Nó vượt khỏi tầm mong đợi mà tôi đã có trong 10 năm qua khi tôi mới thật sự bắt đầu hướng dẫn các trẻ em ở Pháp Quốc, theo yêu cầu từ các bà mẹ của các em. Tôi không dự trù ra điều này, mà đó là do Thiên Chúa mong muốn được nó xảy ra.

Lúc này đây, Ngài đang dùng Cô Sandy và chính tôi, như là những khí cụ nhỏ bé, tầm thường, ít ỏi, để giáo dục cả một thế hệ trẻ là chính các em, để không chỉ tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, mà để còn yêu kính và tôn sùng Ngài với tâm tình cảm tạ, ân tri!

(H): Thưa Cha, các cha mẹ, các giáo xứ và các trường học có thể làm được điều gì để khuyến khích các trẻ em năng dự các buổi Chầu Thánh Thể?

(T): Thưa, các cha mẹ, trước tiên và trên hết, phải mang các em đến trước Chúa Giêsu và cùng dự các buổi Chầu Thánh Thể với các em một cách thường xuyên hơn. Hãy dành thời gian ra, trước hoặc sau giờ học, để đến viếng Mình Thánh Chúa. Đi dự thánh lể sớm hơn để kính viếng Chúa nơi bàn thánh trong vài phút. Ở lại sau thánh lễ, để cùng nhau cầu nguyện và cảm tạ Chúa.

Nhiều trường học giờ đây đã bắt đầu các giờ Chầu Thánh Thể vì biết rằng Năm Thánh Thể được bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 năm này cho đến ngày 31 tháng 10 năm 2005. Đối với các trường học, chúng tôi đề nghị một hình thức giản đơn và ngắn gọn hơn, và nó đã có hiệu lực bằng cách mang từng nhóm trẻ em vào Chầu Thánh Thể cứ 30 phút mỗi ngày trong suốt cả ngày, cho đến khi các em đã luân phiên nhau.

Đối với các giáo xứ, chúng tôi đề nghị cần phải có giờ Chầu Thánh Thể kéo dài khoảng 1 tiếng hằng tuần cho các trẻ em từ 5 tuổi cho đến 12 tuổi. Những trẻ em nhỏ tuổi hơn cũng được đón chào miễn làm sao là các em có thể ngồi yên và cha mẹ của các em vẫn còn giám sát các em.

Có 3 điều khác mà chúng tôi đề nghị để khuyến khích các em đó là:

  1. Trước tiên, hãy cùng đọc và chia sẽ với các em về Lá Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị gởi cho chính các em. Qua đó, Ngài sẽ chia những nghĩ suy của Ngài về tầm quan trọng của những lời nguyện cầu của các em cho toàn thể thế giới.
  2. Kế đến là kể về câu chuyện của Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cho các em. Khi Thiên Thần lần đầu xuất hiện với ba đứa trẻ mục đồng, Ngài đã tự mình phủ phục và nói rằng, “Hỡi Thiên Chúa của con, con tin tưởng vào Ngài, con thờ kính Ngài, con hy vọng ở nơi Ngài và con yêu mến Ngài. Con khẩn cầu Ngài cho những ai còn chai đá chưa tin vào Ngài, hay không hề biết thờ kính Ngài, hoặc không hề biết hy vọng và yêu mến Ngài.” Thiên Thần đã khuyên bảo ba trẻ nhỏ là hãy cầu nguyện như vậy bởi vì trái tim của Chúa Giêsu và Đức Mẹ luôn mãi lắng nghe lời cầu nguyện của chính các em. Điều này sẽ giúp cho các em nhận thức được lời cầu nguyện của các em có tính quan trọng như thế nào.
  3. Và sau cùng là hãy chia sẽ cùng với các em về ngày thứ sáu của Ngày Cầu Nguyện Đặc Biệt (Divine Mercy Novena):

Vì vào chính ngày này, Thiên Chúa đã nói với Nữ Thánh Faustina rằng: “Ngày hôm nay, con hãy mang đến cho Ta những tâm hồn ngoan ngoãn và khiêm tốn, và những tâm hồn của các trẻ thơ, để các em được đắm chìm trong sự nhân từ của Ta. Những tâm hồn này luôn lúc nào cũng gần gũi với trái tim Ta. Chúng cung cấp cho Ta sức mạnh khi Ta bị gai nhọn đâm thấu. Ta xem chúng như là những vị thiên thần của trái đất, những người luôn cầu kính đêm ngày nơi các bàn thờ của Ta. Ta sẽ tuôn đổ trên chúng tất cả mọi nguồn ơn huệ dồi dào, phong phú. Ta yêu mến và gởi trao những tâm hồn khiêm hạ với sự tín thác của Ta.”

Thì những từ ngữ như vậy cho chúng ta thấy được rằng chỉ có các em ngày hôm nay mới có thể làm trọn được điều đó, vì lẽ, các em chính là những vị thiên thần bé nhỏ luôn canh giữ, và cầu nguyện ngày đêm nơi bàn thờ của Thiên Chúa. Hãy cảm tạ Chúa Giêsu Kitô bây giờ và mãi mãi!./.

URL: http://danchuausa.net/tai-lieu-thanh-the/hay-dem-cac-tre-em-den-voi-chua-kito-thong-qua-viec-chau-thanh-the/