Trích từ Dân Chúa

Vô Cảm

Giuse Nguyễn Thế Bài

Chúa Nhật VII Thường Niên. Mc 2, 1 – 12

VÔ CẢM! Một từ nghe rất quen và được lập lại nhiều lần trong thời gian qua, nhất là sau vụ những cán bộ viên chức bớt xén, xà xẻo tiền Nhà Nước trợ cấp cho người nghèo dịp Tết Kỷ Sữu, tuy vậy lại không dễ dàng có được một định nghĩa thoả đáng. Tự điển tiếng Việt cũng chỉ thấy ghi: “không có cảm xúc, không có tình cảm (trước những tình huống đáng ra phải có)”, và đưa hai ví dụ: cái nhìn vô cảm; vô cảm trước nỗi đau của người khác. Nhưng đáng sợ nhất ở “vô cảm”, ấy là người ta huyên thuyên nói về vô cảm, đưa ra những bài học, những lời khuyên cấp dưới, sinh viên học sinh, nhân dân kể cả…giáo dân, không sống vô cảm, không cầu nguyện một cách vô cảm: tiếc thay, cuộc sống, hành xử của rất nhiều người trong các nhà “mô phạm” nầy, cho thấy rõ họ hoàn toàn... vô cảm, đến mức họ không ý thức được cả điều mình nói! Hôm nay, chúng ta “mượn” lại anh bạn phong cùi trong đoạn Tin Mừng tuần qua (Mc 1,40 – 45), với anh bị bại liệt hôm nay (Mc 2, 1- 12) không chỉ để đối chiếu bệnh tật và tình trạng tâm thể lý của hai anh, mà còn mong muốn giúp nhau nhìn lại, suy tư và cố gắng vùng thoát ra được cái bẫy, cái mạng lưới “vô cảm” đáng sợ.

Nguyên nhân có thể khác, nhưng phong cùi và bại liệt có diễn tiến, với hậu quả tinh thần và thể lý nơi các bệnh nhân, lại chẳng khác nhau là bao: những bộ phận da thịt gân xương bị nhiễm bệnh nơi bệnh nhân phong cùi, những phần xương gân cơ bị ảnh hưởng do phong thấp hoặc tai nạn nặng nơi người nại liệt đều dẫn tới tình trạng mất dần mọi phản xạ, dẫn đến đời sống lệ thuộc vào sự giúp đỡ của kẻ khác, sống nhờ lòng quảng đại bác ái của kẻ khác, cảm nhận sống thừa, sống nên gánh nặng cho đời. Trong khi thân xác ngày càng đau đớn, bất lực, gầy mòn, thì tinh thần cũng ngày càng tệ hại. “Vô cảm” nơi thân xác của họ tỷ lệ thuận với “vô cảm” trong ánh mắt, cử chỉ của đống loại, của người thân, của những người may mắn, lành lặn. Vì thế họ không dám mơ ước được chữa lành thể xác, mà chỉ khát mong sự cảm thông chân thành nơi người khác. Họ như những vật thế thân (bouc émissaires) thay cho cả nhân loại “trả nợ đời”, thay cho những người khỏe mạnh hồng hào, dư ăn dư mặc để hứng chịu mọi bất hạnh, mang lấy đau khổ tật bệnh, mà theo lẽ công bằng thì phải chia đều cho mọi người gánh. Nhưng thay vì sự chia sẻ cảm thông, họ chỉ nhận đựơc những dè bỉu, khinh miệt, tránh né (người ta nói “né như né hủi!”). Không thiếu những kẻ còn “lấy sự khốn khó của người khác làm vui mừng”!

Phải chăng con người ra VÔ CẢM vì đã nghe quá nhiều điều xấu, điều dữ, hận thù, giết chóc, xảy ra dày đặc khắp nơi, ngày càng nguy hiểm táo tợn, dơ bẩn, phi nhân tình, mà rất nhiều tội ác trong đó được bao che, giảm nhẹ do những món tiền đút lót tham ô hậu hĩnh, khiến tờ giấy bị đâm toạc, khiến lòng người bị “trơ”, mất hết phản ứng trước xự dữ, sự xấu? Phải chăng nhìn thấy kẻ ác thành đạt và nhởn nhơ hưởng thụ, vinh thân phì gia, mà chúng ta ngờ vực công bằng, hồ nghi cả sự hiện hữu của Thiên Chúa? Phải chăng do đã nghe quá nhiều điều hay, điều tốt nhưng không hề được thấy người nói đem ra thực hành, lắm khi còn hành động ngược lại, khiến con người hồ nghi chân lý. Nghe qúa nhiều mà thấy thực hành quá ít, khiến trái tim con người hoá đá và trí hồn trở nên lạnh lùng, dững dưng trước mọi đau khổ của tha nhân?

Câu trả lời “không đúng” không khó đưa ra, song vấn nạn mang cả tính triết lý lẫn đức tin nầy vẫn luôn là cơn cám dỗ đối với thân phận người và nhất là với tín hữu Công giáo. Những yếu tố xã hội đó chỉ là cớ ta vin vào để biện hộ cho sự vô cảm, trấn an lương tâm và tự dối lòng. Quanh ta có biết bao người sống giữa những cảnh khổ đau thân xác và linh hồn tột cùng, nhưng vẫn không mất đi chút nào sự nhạy bén tâm hồn, trái lại còn cảm nhận được tận đáy lòng, tận từng vùng da thớ thịt nỗi đau của đồng loại, mọi hình thức đau khổ của nhân loại. Vì thế họ dấn thân, hiến trọn cuộc đời để xoa dịu những nỗi bất hạnh nầy, dù nhiều phen thấy như bất lực trước khối lượng và tính chất những đau khổ tràn lan, mà nỗ lực của họ chẳng thấm vào đâu, thì họ vẫn không thấy mình là những Don Quichotte chiến đấu vô ích với cối xay gió. Một Damianô, tông đồ người cùi; một bác sĩ Albert Schweitzer, một Mẹ Têrêxa Calcutta, một giám mục Cassaigne phục vụ và qua đời tại trại phong Di-Linh Việt-Nam, vì lây bệnh cùi, và còn biết bao nhiêu người hy sinh để chăm sóc những bệnh nhân HIV, phục vụ người khuyết tật, bảo vệ sự sống,…. Không phải tất cả là tu sĩ hoặc Kitô hữu! Thế nhưng ngay một người thánh thiện như Mẹ Têrêxa Calcutta, suốt đời tận tụy và hạ mình đến tận cùng, song trước vấn nạn đau khổ, trước quá nhiều sự dữ tồn tại sừng sững như những ngọn núi cao ngất che phủ hết bóng tình thương của Chúa, Mẹ đã…hoài nghi sự hiện hữu của Chúa. Đó là cơn cám dỗ suốt đời của Mẹ Têrêxa, và cũng sẽ là “cơn cám dỗ cuối cùng” của mỗi chúng ta. Chống trả cám dỗ tức là không để cho mình nên vô cảm với ơn Chúa, với bản thân, với tha nhân.

Trong các nguyên nhân gây “vô cảm”, đáng sợ nhất vẫn là từ sự thiếu ý thức, kém đạo đức, thiếu nhiệt tâm từ tập thể xã hội, được hiểu như là gia đình, gia tộc, đoàn thể, tổ chức, quốc gia. Về mặt tôn giáo tín ngưỡng, đó là những tổ chức, những giáo xứ, gíao phận và Giáo Hội địa phương. Tội ác là biểu hiện bằng hành động của vô cảm biến hoá theo năm tháng. Không ai sinh ra đã là sát nhân. Với Công giáo, sau khi nhận lãnh Bí Tích Thánnh Tẩy, con người nên tinh tuyền, hình ảnh của Thiên Chúa. Hư hao, thoái hoá, sai trái, tội lỗi, đều khởi từ vô cảm với bản thân và với tha nhân, ban đầu mặc nhiên chấp nhận sự hiện diện và tình trạng ngược với đức tin, giáo lý, Phúc Âm, dần dần coi đó là tất nhiên. Hai thẻ vàng thành một thẻ đỏ. Hai tội nhẹ lại không cấu thành một tội nặng. Muôn tội nhẹ theo Giáo lý, vẫn không thành một tội nặng, nhưng hai hay nhiều tội nhẹ phạm có chủ tâm mà không được nhận thức sai lầm và sửa đổi, sẽ làm con người trở nên vô cảm và không khó dẫn đến phạm tội trọng. Sau kính thờ Chúa, thì Giới răn yêu người là quan trọng nhất: vô cảm là chướng ngại vật, khiến con người không muốn và không thể sống tinh thần bác ái thật sự. Vô cảm làm cho ta không thể nối kết hai giới răn nầy nên một, điều mà Chúa Giêsu đòi buộc hết thảy các môn đệ Người.

Trong “Bài viết cho Năm Thánh 2010; phần III: Để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”, Ông Giêrônimô Nguyễn-Văn-Nội đã đưa ra môt nhận định sâu sát và đầy trách nhiệm: “Từ mấy trăm năm nay, cách sống đạo của người giáo dân Việt Nam vẫn không có gì thay đổi so với cách mà cha ông chúng ta đã được các vị thừa sai chỉ dậy lúc ban đầu: đọc kinh, lần hạt, xưng tội, rước lễ, làm việc bác ái. Tại Giáo hội Việt Nam chưa bao giờ có ai/đơn vị/tổ chức nào thực hiện một cuộc điều tra nghiên cứu xem những cách giữ đạo truyền thống ấy còn đủ sức giúp người giáo dân Việt Nam sống Đạo trong bối cảnh xã hội hiện nay hay không? Trong Giáo hội Việt Nam cũng chưa bao giờ tổ chức những cuộc tọa đàm, hội nghị nghiêm chỉnh để người giáo dân nói lên những khó khăn trở ngại trong đời sống đạo và chia sẻ những phương thế đã giúp họ vượt qua khó khăn cũng như những trông đợi mà họ đặt ở các vị lãnh đạo và ở các tổ chức Giáo hội (hội đoàn, giáo xứ, giáo phận, quốc gia)”. Có lẽ nên thêm một ý khác nữa, đó là cầu mong Giáo Hội Việt-Nam hãy thức dậy sau đêm dài chìm sâu giấc ngủ quá an lành, quá bình thản, quá xa rời không chỉ với xã hội vận hành và đổi thay đến chóng mặt, mà cả với bước tiến không ngừng của Giáo Hội Hoàn Vũ. Ta như người xa lạ ngay trong chính nhà mình. Nhiều,rất nhiều mùa đông đã qua, rất nhiều mùa xuân đã qua, nay mùa xuân mới đang đến: những con vật ngủ đông cũng phải thức dậy để sống, để bù năng lượng và trọng lượng mất đi trong thời kỳ đông miên. Đã đến lúc Giáo Hội Việt-Nam vùng dậy, đứng thẳng lên, nhìn vào thực tế, nhìn vào những yếu kém khiến khuyết, xua đi mây mờ vô cảm, để liên đới hiệp nhất trong lời nói và hành động. Vì chỉ như thế, mới có thể rủ đi lớp bụi thời gian đã quá dày đến mức làm tê liệt mọi phản ứng, mọi động tác nơi các tín hữu, không để ma qủy lộng hành, không để cho tà thuyết, tà đạo tung hoành như chỗ không người. Chúng ta hay nghe nhắc tới cụm từ “ diễn biến hoà bình” và hình ảnh khá thi vị : “không chết vì đạn chì, mà ngã gục vì đạn bọc đường”. Giáo Hội Việt-Nam sau những giấc ngủ dài, lại sớm cảm thấy cảnh “thái bình thịnh trị”: một loại “ngủ đông”.”diễn biến hoà bình” rất đáng sợ!

VÔ CẢM tột cùng là “tội phạm đến Chúa Thánh Thần”, tội mà Chúa nhân từ đến mấy cũng không thể tha thứ cho được, vì là tội con người không muốn tha cho chính mình, không muốn mình được tha. Cầu mong sự “vô cảm” phần lớn chỉ là bề ngoài, giống như một em bé thấy vui bên linh cửu cha mẹ, vì thấy đông người, nhiều hoa nến. Cuối cùng, vô cảm đáng sợ, vì nó đáng... yêu: cảm giác “an toàn”, không lo ai quấy rầy, không sợ ai gây xáo trộn hoặc đụng tới quyền lợi vật chất và tinh thần của mình, vì ai cũng tránh né ta và thế giới vô cảm tránh né nhau! Phá hoại hôn nhân và gia đình, xúi giục con người tôn thờ xác thịt, sống ích kỷ, hận thù bạo lực, chống lại Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm chủ sự sống bằng những tội ác kinh tởm như ngừa tránh thai, nạo phá thai, an tử, kết hợp đồng tính, dùng phôi người để thí nghiệm, nhân bản vô tính người, tạo nên phôi lai ngừơi và động vật: Tất cả những nỗ lực, những hành động, những chiến dịch hoả ngục, chống báng Chúa và Giáo Hội ấy, đều được Xatan dùng một chiến lược duy nhất: gây ra VÔ CẢM!

Giuse Nguyễn Thế Bài

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/vo-cam/