Trích từ Dân Chúa

Vì Sao Bạn Mời Gọi Người Yêu Theo Đạo?

Lm JB Vũ Xuân Hạnh

Ở Giáo Xứ nơi tôi đang sống, tiến trình đô thị hóa quá nhanh. Chỉ trong vòng trên dưới mười năm nay mà người ta không còn nhìn thấy bất cứ một cánh đồng nào. Mọi nơi, mọi chỗ trên quê hương tôi, bây giờ chỉ là khu công nghiệp, sân gôn, nhà máy, chợ búa, quán xá, nhà hàng, vũ trường, nhà trọ, bụi, khói... Điều đó cũng có nghĩa là người ta đã giết chết sự thơ mộng của quê hương tôi để đổi lấy đồng tiền, đổi lấy các phương tiện làm giàu cho một số ít người thuộc tầng lớp cao, còn người nghèo lại càng bị rốc sạch. Người nghèo vốn đã nghèo, lại càng nghèo nàn hơn về vật chất, sức khỏe, kiến thức... Họ sống trong những căn nhà trọ chật hẹp, ổ chuột, phải làm việc tăng ca liên tục từ sáng sớm đến tối mịt, phải ăn uống kham khổ, tích cóp từng đồng bạc lẻ... thật đáng thương tâm.

Tình trạng đô thị hóa ngày càng mạnh như thế, lôi kéo nhiều người trẻ từ khắp mọi miền đất nước về tìm việc làm, kiếm kế sinh nhai. Bởi thu hút quá nhiều cư dân xa lạ, vì thế, gây ra không ít bất ổn cho đời sống công cộng, đời sống tôn giáo.

Bí Tích Hôn Nhân cũng là một trong những vấn đề nan giải vốn đã có nhiều nố khó giải quyết, bây giờ càng tăng lên với tốc độ nhanh. Nhất là tình trạng sống trước hôn nhân bừa bãi, ngừa thai nhân tạo, nạo phá thai, hôn nhân khác Đạo... đang ngày càng là những vấn đề nổi cộm. Trong nhiều bài viết trước, tôi đã đề cập đến vấn đề nạo phá thai. Hôm nay, tôi sẽ chú ý đến vấn đề hôn nhân khác đạo.

1. Tự do cá nhân

Thiên Chúa, dù là Chúa Tể trời đất, Đấng tạo thành mọi sự, luôn luôn quan phòng yêu thương và gìn giữ mọi sự, vẫn không bao giờ áp đặt quyền thờ phượng một mình Người trên mọi thụ tạo. Đúng hơn, Người tỏ cho ta thấy tình yêu của Người, để mời gọi ta tôn thờ Người. Thiên Chúa hoàn toàn trao cho ta tự do để ta đón nhận hay không đón nhận Người. Chính Chúa Giê-su đã cho ta thấy quyền tự do lựa chọn này trong lời căn dặn trước khi sai bảy mươi hai môn đệ lên đường truyền giáo: “...Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì mà người ta dọn cho anh em... Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cảbụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông” (Mt 10,1–12).

Chính vì thế, người yêu của bạn có theo Đạo hay không là chuyện của họ. Còn nhiệm vụ của bạn là bảo vệ Đức Tin đến cùng và chân thành giới thiệu Đức Tin ấy như là gia sản quý giá trên nền tảng của Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.

2. Gia sản quý giá:

Không ai muốn tặng người mình yêu của xấu. Đức Tin là gia sản lớn, là tài nguyên quý giá không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu ngoài Thiên Chúa. Hiểu được tầm quan trọng của Đức Tin không thể có bất cứ điều gì sánh ví, ta kêu mời mọi người, trong đó có người ta yêu, người mà ta sẽ hiến trọn đời mình để sống với, nhận lãnh kho tàng Đức Tin nhằm cùng ta chiếm lĩnh hạnh phúc.

Nhưng đó không chỉ là hạnh phúc đời thường. Kho tàng vô giá của Đức Tin cho ta biết, hạnh phúc mà ta chiếm lĩnh là hạnh phúc trường cửu, thứ hạnh phúc chỉ có nơi lòng Thiên Chúa, làm cho ta được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa.

Gia sản mà Đức Tin mang lại quá lớn lao, vì thế, vô phúc cho người dám đánh đổi cả kho tàng lớn như thế để chỉ nhận lấy cái tạm bợ. Người chối bỏ Đức Tin mà mình đang có, sẽ là người khờ dại không ai bằng. Càng khờ dại và đáng khinh thường hơn, khi ta dám từ bỏ Đức Tin để chạy theo cái mà ta gọi là “tình yêu”, nhưng thực chất, chỉ là một thứ tình yêu tạm bợ của những con người dành cho nhau; có khi chỉ là sự nông nổi của đôi lứa, thậm chí chỉ là giả trá, là nhằm chiếm đoạt thân xác của nhau.

Bởi đó, một mặt, gia sản quý giá của Đức Tin đòi ta phải trung thành suốt cả đời, mặt khác, ta có trách nhiệm phải mời gọi anh chị em của mình nhận lãnh. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp: bản thân ta và người được ta mời gọi đều có tất cả tự do. Nghĩa là ta có thể giữ Đức Tin, mà nhiều khi rất đau đớn vì phải hy sinh một tình cảm nào đó. Ta cũng có thể chọn sự khờ dại: bỏ Đức Tin để có bằng được thứ tình cảm nào đó ở đời. Cũng vậy, người mà ta mời gọi cũng có quyền chọn lựa: theo hay không theo Đức Tin như chính bản thân ta.

Tuy nhiên, bỏ Đức Tin để quyến luyến vợ hay chồng, để xây dựng gia đình với người ngoài Công Giáo, nếu có hạnh phúc thì không nói làm chi. Nhưng sự đời chẳng ai có thể học được chữ ngờ. Chẳng may, vài năm, ngay cả vài chục năm sau khi sống chung, hạnh phúc rạn vỡ, thì thật là ê chề, đau đớn và tủi nhục: Bởi vừa mất cả gia đình, mất cả người bạn trăm năm, đời sống tôn giáo cũng tan mất. Có người sau khi mất hết, lại trở về với Đức Tin, trường hợp này, Thiên Chúa vẫn chỉ đứng hàng thứ hai sau vợ hay chồng của mình. Nếu còn vợ hay chồng, có khi Chúa sẽ còn ở xa lắm !

Đàng khác, người có Đức Tin, có luật Thiên Chúa và luật Hội Thánh giám hộ, vẫn có thể phản bội khế ước hôn nhân, huống hồ người chẳng có Đức Tin. Đành rằng, có rất nhiều người ngoại giáo rất tốt. Tốt hơn cả người Công Giáo là đàng khác. Nhưng ai dám chắc kẻ đi bên cạnh mình là người tốt trăm phần trăm. Trao thân gởi xác cho ai là chơi trò cút bắt với người đó.

Trong trò chơi tình yêu đôi lứa và tình yêu vợ chồng, đuổi bắt cách trọn vẹn người mình yêu không dễ chút nào. Ai dám chắc mình đã nắm chắc người mìnhyêu trong tay? Vì thế, sự phản bội vẫn là điều có thể xảy ra. Thực tế, đối với nhiều cặp vợ chồng, sự phản bội đã từng xảy ra thật. Trong trường hợp này,nếu là người Ki-tô giáo, chí ít là luật đạo còn có thể xen vào lương tâm của người phản bội để mà cắn rứt. Nếu đó không phải là người Ki-tô giáo thì sao? Liệu luật dân sự về hôn nhân gia đình có đủ mạnh để giáo dục lương tâm?

Chọn lựa nào cũng có cái giá phải trả. Tin nơi tình yêu của Chúa, để tôn thờ Người, Ơn Cứu Độ Chúa ban cho nhân loại, đương nhiên thuộc về chúng ta: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16, 16a). Và: “Khá lắm ! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25, 21). Còn chọn lựa đi ngoài Thiên Chúa, tách mình khỏi ảnh hưởng của Thiên Chúa trên cuộc đời ta, điều tất yếu sẽ là: “Ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 16b). Và: “...Trong ngày ấy, thành Sô-đô-ma còn được xử khoan dung hơn thành đó” (Mt 10)

3. Thiên Chúa là Đấng mọi người phải tôn thờ

Chân lý Chúa là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra không có thần nào khác, phải phụng thờ một mình Thiên Chúa, là chân lý ngàn đời, được nhắc đi nhắc lại suốt dòng Lịch Sử Cứu Độ. Đặc biệt, khi ban lề luật cho dân, Chúa đã ban chân lý này làm lề luật đứng hàng đầu mà dân phải sống: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Đnl 5, 7; Xh 20, 2 – 5). Hội Thánh không ngừng đọc lại chân lý này trong kinh Mười Điều Răn: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.

Đến thời Tân Ước, Chúa Giê-su tiếp tục nhắc lại mệnh lệnh tôn thờ một mình Chúa mà Cưụ Ước đã từng đặt trách nhiệm nặng cho những ai đi ngoài chân lý này: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4, 8; xem Đnl 6, 13). Chúa Giê-su đòi ta phải “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực” (Lc 10,27; xem Đnl 6,4–6).

Nhờ mạc khải của Thiên Chúa, ta biết, chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ. Ta không bao giờ được phép đặt bất cứ thụ tạo nào ngang hàng với Thiên Chúa. Bởi không bao giờ có bất cứ cái gì ngoài Thiên Chúa là thần. Người là vị thần duy nhất phải được ta tôn thờ cả “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,23). Lý do lớn buộc mọi người không trừ ai, phải tôn thờ Thiên Chúa là vì: “Người là Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo và cứu chuộc, là Chúa và Thầy của mọi loài, là tình yêu vô biên và giàu lòng thương xót”.

Như vậy, tự bản chất, lẽ ra con người phải là con người thuộc về Thiên Chúa, đương nhiên phải thần phục Người. Nhưng nhiều anh chị em xung quanh ta, với những lý do khác nhau, đã xa rời, hoặc chưa từng nhận biết Thiên Chúa. Vì thế, ta có mời gọi bạn bè, người yêu, thân quyến... theo Đạo, thì cũng chỉ là giúp họ tìm lại lợi ích lớn lao và quan trọng nhất của đời người, họ không thể tìm được bất cứ nơi đâu. Đó cũng chỉ là tìm cách đưa họ về lại với nguồn gốc đích thực của mình, về lại với Đấng đang tha thiết tìm kiếm và chờ đợi họ, chờ đợi mỗi một con người.

Hình ảnh người cha chờ đợi trong mòn mỏi, để đến một ngày, vui mừng đón nhận lại người con lưu lạc trở về trong dụ ngôn Người Cha nhân từ (Lc 15,11–32) và hình ảnh người chủ đi tìm con chiên lạc, “và sau khi tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: ‘Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc” (Lc 15, 5–6), nói lên tất cả tình yêu thương không tài nào diễn tả nổi của Đấng là Thiên Chúa đã trót cất công đi tìm, và tìm đến cùng thụ tạo mang chính hình ảnh của mình.

Vì lẽ, Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ, là Đấng tha thiết ngỏ lời và không ngừng tìm kiếm từng người trong cõi đời như thế, Người trở thành quà tặng tuyệt đối cao cả là chính bản thân Người cho trần gian. Bởi đó, khi mời gọi anh chị em của mình nhìn nhận, tôn thờ Thiên Chúa, cũng chính là lúc ta trao tặng món quà vô giá cho người ta thương mến.

4. Mệnh lệnh truyền giáo

Ngay trong thời công khai, cùng lúc với việc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã từng dạy phải loan truyền giáo huấn của Chúa: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà mà rao giảng” (Mt 10,26). Chúa cũng huấn luyện và nhiều lần sai các môn đệ của Người ra đi truyền giáo (Mt 10,1–16; Lc 10,1–16) như là bằng chứng của trách nhiệm thuộc về những người sau khi đã lãnh nhận giáo huấn của Chúa.

Bởi truyền giáo là tâm huyết của Chúa Giê-su, là mệnh lệnh quan trọng mà Người nhận lãnh nơi Chúa Cha, là lý do lớn nhất, nhờ đó nhân loại nhận biết Thiên Chúa và được cứu độ, Chúa Giê-su đã luôn luôn đặt trách nhiệm giảng dạy conngười lên hàng đầu. Bởi nhờ lãnh nhận giáo huấn của Người, nhân loại được cứu độ, vì thế công tác truyền giáo của Chúa Giê-su nhắm tới ơn cứu độ,cũng là lý do hàng đầu để Người nhập thể làm người.

Nếu trong đời thường, lời căn dặn cuối cùng của ai trước khi đi xa, sẽ là lời quan trọng nhất, lời đáng nhớ nhất cho tất cả những người thân còn lại. Bởi thao thức truyền giáo của Chúa Giê-su lớn đến vô cùng như thế, nên nó trở thành mệnh lệnh cuối cùng dành cho từng người Ki-tô hữu, không miễn trừ ai.

Ngay sau khi sống lại, trước khi rời thế gian về cùng Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã không để lại điều gì khác hơn lời di chúc: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15–16).

Vì là mệnh lệnh cuối cùng, lời dạy hãy truyền giáo như là tóm kết tất cả mọi giáo huấn của Chúa Giê-su. Đúng hơn, mọi giáo huấn của cả cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su, giờ đây cô đọng lại trong di chúc truyền giáo này. Nó trở thành lời quan trọng nhất, lời sống còn của Hội Thánh, lời quý giá không thể có gì thay thế của từng Ki-tô hữu. Di chúc truyền giáo mang ý nghĩa lớn lao đến vậy, vì thế, Hội Thánh của Chúa Ki-tô không ngừng nhắc đi nhắc lại di chúc này, và luôn luôn lao mình hiến thân cho sứ vụ truyền giáo. Bằng chứng là chính bản thân các tông đồ và lớp lớp môn đệ Chúa Ki-tô, qua mọi thế hệ đã bỏ mình, ngã xuống để hạt giống Tin Mừng lớn lên.

Thánh Phao-lô đã từng khẳng định tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo ấy: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16b).

Một khi biết rằng, truyền giáo là trách nhiệm nặng nề của Ki-tô hữu, thì dù có sóng gió thế nào, thánh nhân sẽ chẳng bao giờ nề hà: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho các thánh của Thiên Chúa” (Cl 1,24–26).

Công Đồng Vatican II, khi mở đầu Sắc Lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo của Hội Thánh, đã dứt khoát khẳng định: “Được Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên Bí Tích Cứu Độ phổ quát, Hội Thánh, vì những đòi hỏi căn bản của Công Giáo tính và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, nhất quyết loan báo Phúc Âm cho hết mọi người. thực vậy, chính các Tông Đồ, nền tảng Hội Thánh, đã theo chân Chúa Ki-tô, rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn. Do đó, những người kế vị các Tông Đồ có nhiệm vụ tiếp tục công việc này, để ‘Lời Chúa được lan tràn và sáng tỏ’ (2 Tx 3,1), nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian (AG, số 1).

Như vậy, Hội Thánh của Chúa Ki-tô đã không ngừng, và vẫn tiếp tục cưu mang lời di chúc cao cả của Thầy mình là Hãy Truyền Giáo, đến lượt chúng ta, mỗi Ki-tô hữu, con cái của Hội Thánh, môn đệ của Chúa Ki-tô, lại tiếp tục nối dài cánh tay của Chúa Ki-tô, làm nghĩa vụ loan báo Nước Thiên Chúa cho anh chị em của mình. Bởi đó, công tác truyền giáo là lý do mạnh, lý do hàng đầu, lý do quan trọng trên mọi lý do, để bạn bè mời gọi bạn bè, anh chị em mời gọi anh chị em, cha mẹ mời gọi con cái, vợ chồng, họ hàng, lối xóm... mời gọi nhau nên Tông Đồ của Thiên Chúa, làm cho Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa trị đến. Nhờ đó, mọi người nhận lãnh ơn cứu độ của Chúa Ki-tô.

Đặc biệt, những người yêu nhau. Họ sẽ là người yêu mời gọi người yêu của mình tìm về chân lý Đức Tin mà họ đang cất giữ, đang ấp ủ trong tim. Họ chia sẻ Đức Tin cho nhau để một khi nên một cùng nhau trong nghĩa vợ chồng, cả hai cùng bước đi trong ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa, Đấng mà nhờ Người, họ được chúc phúc để nên nghĩa vợ chồng, có nhau trong cùng một mái ấm.

Nếu đôi vợ chồng cùng thông chia cho nhau cả đời sống vật chất, thể chất, tinh thần, và đời sống Đức Tin mạnh như thế, thì ngay sự hiệp nhất lớn lao ấy, đã là ơn Chúa ban và gìn giữ họ.

Với sự gắn bó đến cùng trong nghĩa vợ tình chồng, cộng với ơn Chúa lớn đến thế, thử hỏi có còn trở lực nào có thể chia cắt gia đình của đôi bạn. Vì thế, cùng tâm đầu ý hợp với nhau suốt cả cuộc đời trong cùng một Đức Tin duy nhất vào Chúa Ki-tô, đời sống của họ chẳng những không hề mất mát bất cứ điều gì, ngược lại thật dồi dào, thật phong phú.

5. Ý kiến của người viết

Trước hết, phải nói ngay rằng, lập gia đình với người ngoài Công Giáo vẫn có những thuận lợi riêng của nó, nhất là về mặt truyền giáo. Nhưng trong phần này, chúng ta tạm bỏ qua những thuận lợi. Đứng trên quan điểm của một Linh Mục đang coi xứ, trong công tác mục vụ của mình, không ít lần phải giải quyết những vấn nạn, trong đó đa phần là vấn nạn về hôn nhân – gia đình, vì thế, tôi muốn trình bày một chút trăn trở của mình về một khía cạnh thường gặp phải: Hôn nhân khác Đạo.

Có lẽ vấn đề tông giáo, đặc biệt là hôn nhân khác đạo, là vấn đề khó khăn không chỉ đối với các bạn trẻ, các bậc phụ huynh, và những ai có liên quan, nhưng còn là vấn đề lớn mà các mục tử nhiều khi lúng túng, không biết phải giải quyết thế nào cho tốt đẹp nhất, có hậu nhất. Không phải tất cả những người ngoài Công Giáo lấy người Công Giáo đều sẵn sàng chấp nhận gia nhập đạo, để cùng sống một lý tưởng của Đức Tin Công Giáo. Nếu theo lập trường của Hội Thánh, không giải quyết cho hôn nhân khác Đạo, chính người Linh Mục cảm thấy đau buồn cho anh chị em Giáo Dân của mình vì phải sống “rối”.

Lúc này việc chuẩn khác đạo được đặt ra, nhưng vẫn không là cách giải quyết tối ưu. Bởi phép chuẩn là nút dây thắt gút, buộc người Công Giáo phải chung thủy một vợ, một chồng suốt đời, trong khi luật này lại không có hiệu lực trên người ngoài Công Giáo. Cho phép chuẩn hôn nhân khác đạo, sẽ giải quyết được vấn đề hiệp thông trong Hội Thánh đối với người Công Giáo, nhưng lại gây thiệt thòi cho chính họ nếu đời sống vợ chồng bị rạn nứt. Hơn nữa, lời hứa của bên Công Giáo “quyết bảo vệ Đức Tin khỏi mọi nguy hiểm và xúc phạm” trước khi được chuẩn, không dễ gì có thể giữ một cách trọn vẹn. Bởi người ngoài Công Giáo phải sống gần ta. Lúc nào họ vui cùng ta thì không sao, nhưng khi họ buồn vì ta, họ có thể xúc phạm Đức Tin của ta bất cứ lúc nào, ta không dễ gì kịp ngăn cản hành vi hay lời nói của họ xúc phạm Đức Tin của ta.

Ngay cả khi bên không Công Giáo chấp nhận gia nhập đạo đi nữa, thì đó cũng chưa phải là cách an toàn nhất để bảo vệ Đức Tin Công Giáo. Bởi bên cạnh nhiều người có lòng tin chân thành, cũng sẽ có rất nhiều người theo đạo chỉ để được thành hôn với người mình yêu mà thôi.

Hiện nay, có nhiều Linh Mục “thông cảm” với người Công Giáo lấy người ngoài Công Giáo bằng cách cho họ một năm xưng tội, rước lễ một lần cách kín đáo. Làm như vậy, Linh Mục đứng về phía người lập gia đình, nhưng chính Linh Mục lại càng mất bình an, vì đi ngược giáo huấn của Hội Thánh. Rồi ai sẽ chịu trách nhiệm về cuộc hôn nhân khi chính người Linh Mục dám vượt qua lề luật Hội Thánh? Trong trường hợp, Linh Mục vượt qua luật Hội Thánh, nếu hôn nhân của hai người phối ngẫu không có vấn đề gì thì thôi, nhưng nếu "cơm không lành, canh không ngọt", thì người Linh Mục càng mất bình an, càng giày vò lương tâm, vì cho dù không minh nhiên, nhưng cách mặc nhiên, Linh Mục đã cho phép họ lấy nhau qua nghĩa cử “thông cảm” của mình.

Thông thường, số đôi hôn phối không cùng tôn giáo, tỷ lệ hạnh phúc còn thấp (nhất là đối với người vợ là người Công Giáo. Nói như thế, chúng ta không loại trừ nhiều trường hợp hôn nhân khác đạo vẫn có hạnh phúc, trong khi một số hôn nhân cùng Đức Tin Công Giáo lại mất hạnh phúc), trừ trường hợp người Công Giáo sống tình trạng mà dư luận cách chung gọi là “bỏ đạo”, để đẹp lòng chồng hay vợ của mình.

Nhưng ngay cả khi người ta “bỏ đạo”, theo chồng, hay vợ mình, thì sâu thẳm trong lương tâm, người bị coi là “bỏ đạo” vẫn mất bình an, vẫn bị nỗi buồn và sự tủi thân gặm nhấm suốt đời. Một người sống trong gia đình, bên cạnh chồng hoặc vợ con của mình mà suốt đời mang mặc cảm tội lỗi, suốt đời bị lương tâm cấu xé, làm sao mang lại hạnh phúc lớn nhất có thể cho gia đình, cho chồng, cho vợ, cho con cháu mình?

Còn trường hợp Linh Mục dứt khoát không cho họ lấy nhau, hoặc họ đã lấy nhau, Linh Mục thực hiện đúng theo luật Hội Thánh đối với người “rối”, chắc chắn đôi hôn phối sẽ bất mãn với Hội Thánh, người bên ngoài Công Giáo càng không có cái nhìn đúng về Linh Mục nói riêng, Hội Thánh nói chung. Vân vân và vân vân...

Vô số những góc cạnh đặt ra đối với hôn nhân khác đạo và đối với chính các mục tử. Vì thế, đây là vấn đề không những không đơn giản, mà còn nan giải của thời nay, khi mà giới trẻ thoát ly gia đình quá sớm, va chạm với thế giới bên ngoài quá nhiều, tiếp cận quá dễ dàng mọi hình thức hoặc mọi phương tiện thông tin và hưởng thụ...

Và hình như lấy chồng, lấy vợ ngoại đạo là trào lưu mới? Có khi một đôi bạn sống cạnh nhà nhau, cùng là Công Giáo, thương nhau tưởng chừng không thể xa nhau được, đùng một cái, anh thanh niên bỏ đi lấy một cô vợ ngoại giáo tận đâu đâu đem về, chính cô người yêu cũ của anh thanh niên còn "ngẩn tò te", không hiểu nổi tại sao "anh ta chê mình".

Cách nay chưa lâu, tôi nhận được từ người chịu trách nhiệm của một website lá thư của một bạn trẻ xin giúp ý kiến cho trường hợp của bản thân về vấn đề hôn nhân với người khác đạo. Chính lá thư này gợi hứng cho tôi nội dung của bài viết này. Tuy nhiên, với một bài viết đơn sơ thế này, chưa phải là câu trả lời hoàn hảo. Một mặt, với nội dung bài viết thế, có người đồng ý, và cùng chia sẻ; nhưng chắc chắn cũng sẽ có người không thể chia sẻ với quan điểm của tôi. Nhưng tôi tin rằng, nó vẫn có lợi cách này, cách khác cho người cần đến nó. Nghĩ như thế mà tôi đã viết.

Mặt khác, liên quan đến hôn nhân khác đạo còn có nhiều điều khác đặt ra như: Theo Đạo là theo ai? Hội Thánh nói gì về việc chuẩn khác Đạo? Có nên ban phép chuẩn khác đạo cách quá dễ dàng, nhanh chóng? Chuẩn khác đạo sẽ xảy ra mặt lợi, mặt hại nào? Theo Đạo có phải là bỏ cha mẹ như nhiều người thường nghĩ?... tất cả những lý do trên, khiến tôi không muốn đưa ra câu trả lời dứt khoát, mang tính áp đặt: được phép hay không được phép thành hôn với người ngoài Công Giáo. Chỉ xin ghi chép một vài gợi ý từ suy nghĩ của bản thân, để người trong cuộc tự do tìm câu trả lời cho mình: Có nên lấy người ngoài Công Giáo hay không...

Lm JB. Vũ Xuân Hạnh

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/vi-sao-ban-moi-goi-nguoi-yeu-theo-dao/