Trích từ Dân Chúa

Ưu Tiên Cho Lời Chúa

Pm. Cao Huy Hoàng

Tháng 11 hằng năm, trời đã vào thu tự hồi nào, và lòng người se lạnh vì thời tiết đổi thay thì ít, mà bồi hồi, bâng khuâng thì nhiều vì nhìn cảnh chiều đời mây tím phía trời tây, phía nghĩa trang buồn, khu phố cuối cùng của những người đã ra đi biền biệt. Tháng 11, tháng tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn. Và qua việc đạo đức của Đức Tin và Chữ Hiếu ấy, người tín hữu có cơ hội nhìn lại và nhìn tới thân phận người của mình.

Cũng vậy, vào mùa Chay, người tín hữu bỗng nghe trong lòng một tiếng gọi thiêng liêng vô hình: “Hãy trở về, hãy trở về với Thiên Chúa”. Và với việc khai mạc mùa Chay bằng Lễ Tro, thì ý thức về thân phận tro bụi của con người nếu lâu nay có ngủ quên trong lòng cũng phải thức dậy mà khẩn xin lòng thương xót Chúa.

Không chỉ năm nay, mà đã mấy năm rồi. Không chỉ có ngày 2-11 mà là suốt một tháng thu chí, tôi đã thấy xuất hiện một hiện tượng lạ ở nhiều nơi trong nước: “nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh được phong Thánh”. Nói như thế có hàm hồ quá không? Hãy hỏi những người “phong thánh” cho ông thì biết.

Trước tiên, phải công minh mà nói nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có nhiều suy tư thật thâm trầm và chính xác về cuộc đời con người. Những suy tư ấy có vẻ như được rút ra từ những giờ suy niệm thật sốt sắng- còn có thể từ những trang Lời Chúa, những trang Kinh Thánh. Những suy tư ấy để lại cho đời một dấu ấn rất riêng về Trịnh Công Sơn, đến nỗi có người nói: “Trinh Công Sơn là một nhà triết gia hơn là một nhạc sĩ”

Tôi cũng nhận thấy điều nầy, qua những dòng ca trầm tư mà cuốn hút con người rồi lắng đọng trong lòng người sâu thẳm đến nỗi có người xem như là “chân lý”.

- “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…..”

-“Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi…”

-“Con chim ở trọ cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn”

- “Em đi qua chuyến đò, ối a biết đâu nguồn cội”

-“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”

-“Người chết nối linh thiêng vào đời…”

-“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”

Vâng còn nhiều nữa, và có thể nói hầu hết các ca khúc của “nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh” đều chất chứa những suy tư tuyệt vời về cuộc nhân sinh.

Không phủ nhận những suy tư tuyệt vời ấy, của một nhạc sĩ tài hoa ấy, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là những điều đáng tiếc:

1. Người nhạc sĩ ấy đã trăn trở về cuộc đời, đã gửi lại cho đời những suy tư, những vấn nạn mà chính ông cũng chưa tìm ra được giải đáp. Ông tự cuộn mình vào trong một mớ vấn nạn của cõi đời thường, mà những vấn nạn ấy lại là những vấn nạn muôn đời của bao nhiêu bậc tiền bối trước kiếp nhân sinh. Những vấn nạn ấy nhờ cái tài hoa nghệ thuật của ông đẩy cao lên vị trí của một trong những loại văn học dễ thu hút lòng người. Tôi thì nghĩ rằng: Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn chưa tìm được lối giải thoát cho chính mình , ông chưa tìm được “con đường, sự thật, sự sống” và “sự sống vĩnh cửu”, ông chưa tìm được Tin Mừng, chưa tìm được Chúa Giêsu. Mỗi khi hát lên một ca khúc của ông, và đặt lòng mình vào trong đó, chắc chắn sẽ thấy một điều xảy ra là người hát dừng lại ở cái cảm thức buồn chán về cuộc đời nhiều hơn là phát sinh một niềm hy vọng- nếu chúng ta không dùng đó làm tiền đề để tiến sang một suy tư thần học về cuộc đời theo cách nhìn Kitô Giáo. Đúng là “Tin buồn từ ngày Mẹ cho mang nặng kiếp người” nghe có vẻ như “Mẹ con đã thai con trong tội” nhưng không phù hợp với Tin Mừng vì Tin Mừng không chấp nhận để con người dừng lại trong tình trạng tội lỗi, mà đòi hỏi thăng tiến thoát vòng tội lỗi bằng cách “sám hối và tin vào Đức Giêsu”. Đáng tiếc cho “người nhạc sĩ tài hoa” chưa vượt lên tới Tin Mừng để siêu độ.

2. Một số người, kể cả người công giáo, yêu thích nhạc sĩ tài hoa nầy, đã trân trọng lấy ra những câu ca triết lý về cuộc đời làm kim chỉ nam hoặc làm ý lực sống cho đời mình. Có người luôn gắn liền với những suy tư Trịnh công Sơn đến nỗi đi đâu, ở đâu, và lúc nào cũng có thể sống và trình bầy một cách sống bằng những tư tưởng ấy như là một chân lý. Nét hào hoa, sức cuốn hút của một tư tưởng trần thế gần gủi với những dấu hỏi của cuộc đời đã nhập hồn tín hữu và chi phối mọi ý nghĩ, làm cho Lời của Thiên Chúa không còn chổ chen vào…không những đã làm cho niềm tin của họ dừng lại ở một trạm dừng lơ lững , mà còn có nguy cơ phát tán một kiểu sống theo cái nhìn bi quan tiêu cực, vô định hướng được cải cách dưới hình thức nghệ thuật âm nhạc.

3. Điều đáng tiếc hơn cả, là có một số người có trách nhiệm giáo dục đức tin công giáo cho cộng đoàn dân Chúa, cũng lại rơi vào cõi si mê “nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh” này, đến nỗi đã trích dẫn, rồi phân tích giảng giải từng câu từng từ và cuối cùng là rút ra một kết luận cho cộng đoàn dân Chúa học và sống. Họ quên rằng người tín hữu rất cần được nghe giảng dạy Lời của Thiên Chúa, nhất là Lời của Đức Giêsu. Người tín hữu hôm nay có đủ khả năng nghe và nhận thức mình đang nghe lời Chúa hay nghe lời người phàm. Ca từ và những dòng tư tưởng của “Nhạc sĩ tài hoa họ trịnh” luôn dừng lại ở mức “tư tưởng của người phàm”, “lời của người phàm”. Ông ta không phải là vị thánh, nhưng ông dùng những suy tư của các bậc thánh hiền trước ông và nhờ cái nghệ thuật âm nhạc chuyển tải những tư tưởng của thánh hiền đến con người một cách dễ đón nhận và rung cảm nhất. Vì thế, việc đưa cả tư tưởng của một người phàm vào trong bài giảng hay lời giáo huấn, vừa là cho thấy sự lệch lạc của chính người thuyết giảng, vừa mất hiệu quả giáo dục đức tin cho cộng đoàn. Vô tình, một cách nào đó, người ta đã phong thánh cho một “văn nghệ sĩ” và lấy tư tưởng của ông ra mà học hỏi như một “linh đạo”. Điều cần phải lưu ý hơn nữa là, không thể quên rằng: Satan có thể nói Lời của Thiên Chúa- không những biết nói, biết hát , mà còn nói đẹp, hát hay- nhưng nó không sống theo Lời của Thiên Chúa.

Một em bé 13 tuổi, sau khi dự một thánh lễ ở nghĩa trang, ra về nói với Mẹ: “ Mẹ ơi, hôm nay Cha giảng về ông Trịnh công Sơn”. Nó chỉ hiểu được như thế. Cha giảng lễ đã trích dẫn quá nhiều câu ca trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn, , phân tích quá nhiều, ca tụng nhạc sĩ tài hoa quá nhiều, làm cho phần lời Chúa bị cắt xén đi, và cũng không dùng Lời Chúa để đưa cả ông Trịnh công Sơn và Cộng đoàn về đến đích điểm mà ông nhạc sĩ ấy còn lơ lững.

Trên đây, nhân tháng 11, mới đề cập đến một nhạc sĩ họ Trịnh, chưa nói tới việc còn có thể có những tư tưởng loài người khác được trích dẫn để “soi sáng cho Lời Chúa” thay vì đưa Lời Chúa ra trước để học hỏi và các suy tư theo lời Chúa, các chứng từ sống Lời Chúa được đưa ra sau để minh họa.

Thiết nghĩ, nên nghiên cứu kỷ chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa XII 2008: “LINEAMENTA- LỜI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH” để thấy được cái ưu tư to lớn của Giáo Hội về việc giáo dục Đức Tin cho cộng đoàn dân Chúa qua Lời của Thiên Chúa, Lời của Đức Giêsu. Và những người có trách nhiệm giáo dục đức tin Kitô giáo, phải là người đi đầu trong việc chọn cho mình cái đúng nhất, cái ưu tuyển nhất, chính là Lời Chúa để giảng dạy.

Cao Huy Hoàng

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/uu-tien-cho-loi-chua/