Trích từ Dân Chúa

Tư duy của Thiên Chúa và tư duy của phàm nhân

Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên/A
(Is 55,6-9; Mt 20,1-16a)

Có lẽ đa số chúng ta không đồng ý với ông chủ vườn nho được đề cập tới trong dụ ngôn hôm nay. Dĩ nhiên, nếu dựa theo bài tường trình thì ông chủ vườn nho đã hành động đúng với hợp đồng. Ðàng khác ông cũng có toàn quyền sử dụng tài sản của mình theo ý muốn. Tuy nhiên cách hành xử của ông làm cho chúng ta có cảm giác không được công bằng, bởi vì dựa theo khuynh hướng so đo tự nhiên của con người, thì nó có vẻ kiêu kỳ và thiếu quan tâm đến người khác. Ðúng vậy, giữa loài người chúng ta luôn có sự ganh đua và so đo: Ai được nhiều, ai được ít! Ai phải làm việc nhiều hơn, ai được làm việc ít hơn! Anh chị em trong gia đình cãi cọ nhau, ai trong họ đã làm lợi nhiều cho gia đình và ai làm được ít hơn! Cả đến những cặp vợ chồng cũng không luôn nhất trí với nhau trong việc phân chia gánh nặng gia đình sao cho đồng đều! Trong nghề nghiệp người ta tìm cách trút gánh nặng lên người khác, để phần rách nhiệm của mình được bớt căng thẳng nặng nhọc hơn.

Tình trạng đó ở trong lãnh vực cá nhân nhỏ bé thế nào, thì ở lãnh vực xã hội to lớn cũng như vậy. Những đoàn thể xã hội chê trách ganh tị lẫn nhau, là người này người nọ hành động quá ít cho nhiệm vụ chung; giới thợ thuyền chỉ trích giới chủ nhân và ngược lại; về chính trị: đảng này kê tội và đả kích đảng khác. Do đó, điều quan trọng ở đây là ai làm gì có liên quan đến con người, ai giữ trách nhiệm nào trong xã hội, thì đòi hỏi phải có sự trưởng thành tâm lý, biết tự chủ và nhất là biết dẹp bỏ tính ganh tị và hờn dỗi nhỏ nhoi tự nhiên.

Còn trong Giáo Hội: tình hình như thế nào?

Không có gì khác lắm. Trong mỗi cộng đoàn giáo xứ luôn có những người rất hoạt động và dấn thân giúp đỡ bất cứ lúc nào, khi có ai nhờ tới, và rồi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có những người đó mà thôi.

Vậy, còn những người khác ở đâu?

Kinh nghiệm cuộc sống cụ thể cho chúng ta thấy rằng, dù ở bất cứ xã hội hay thời đại nào, con người ta vẫn rất khác nhau: Người thì hăng hái bắt tay hành động, còn kẻ khác lại chỉ biết nói, chỉ biết đưa đủ thứ lý thuyết suông, chứ không muốn động tay động chân. Có nhiều vị Linh mục, nhiều bậc nam nữ Tu sĩ và nhiều giáo dân năng động và dấn thân hơn những người khác, và bên cạnh đó cũng có những người ít dấn thân hơn. Trong khi nhiều kẻ luôn mong đợi công việc của họ được mọi người biết đến và được ngưỡng mộ, được ca tụng, lại có người chỉ âm thầm hy vọng vào phần thưởng trọng đại hơn "ở đời sau". Trong Giáo Hội tiên khởi, tình trạng cũng đã xảy ra cách tương tự: Người hy sinh cho cộng đoàn nhiều, kẻ lại hy sinh ít. Từ đó phát sinh ra những ý kiến bất đồng, những giận hờn và tranh giành giai cấp thứ vị giữa các môn đệ. Những người hăng hái và có công hơn thì muốn mình phải nằm trong thành phần lãnh đạo. Vì thế, các môn đệ đã đưa vấn đề trình cả cho Ðức Giêsu hầu mong một sự giải quyết ổn thỏa nào đó: Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Trong thâm tâm chắc chắn các môn đệ đã dự đoán là những ai đã đi theo Thầy trước những người khác, thì đương nhiên có quyền được ưu tiên hơn. Trong một tình trạng như thế, dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay là một sự sửa sai lối tư duy chủ quan và nhắc nhủ chúng ta phải suy nghĩ.

Câu trả lời của Tin Mừng là: Ai có được Nước Trời là có được tất cả! Nước Trời không thể bị chia năm xẻ bảy ra từng mảnh, từng phần được, hầu kẻ này lãnh được nhiều, người khác nhận được ít.

Chúng ta thử tìm hiểu câu chuyện dụ ngôn của bài Tin Mừng. Vị chủ nhà hay chủ vườn nho là Thiên Chúa. Quan tiền là Nước Trời. Thiên Chúa hứa ban cho tất cả những ai được Người gọi vào làm vườn nho cho Người, mỗi người một quan tiền, là Nước Trời. Ðó là tất cả điều Thiên Chúa có thể hứa ban. Ai có được quan tiền, tức Nước Trời, thì có được tất cả. Người đó không thể và không cần nhận được gì hơn nữa. Và Nước Trời có nghĩa là sự kết hợp thân thiết với Thiên Chúa, là sống tâm giao với Cha trên trời. Người ta có được sự liên kết và tâm giao với Thiên Chúa hay không, chứ không có vấn đề: Có nhiều hay có ít. Ai có được sự liên kết nghĩa thiết với Thiên Chúa, người đó sẽ được hạnh phúc và đồng thời cũng mong muốn cho người khác đạt tới được sự liên kết đó với Thiên Chúa! Hạnh phúc Nước Trời và các ơn thánh Thiên Chúa ban không thể đưa ra so đo hoặc mặc cả theo tiêu chuẩn nhiều ít như của cải vật chất đời này được!

Do đó, nếu ai trong Giáo Hội mà nghĩ rằng, nhiều hay ít, mình cũng sẽ được phẩm định, được đánh giá cao, được kể công, v.v…, người đó chưa hiểu được Nước Trời là gì cả, chưa chiếm hữu được Nước Trời. Rất có thể người đó đã dấn thân nhiều, đã có công trạng hơn những người khác, nhưng người đó hành động chỉ vì ham muốn danh vọng, vì muốn được kể công hay vì một lý do trần tục nào đó, chứ không phải vì Nước Trời. Trái lại, nếu ai một khi đã hiểu được Nước Trời là gì, thì không còn thắc mắc ai làm nhiều ai làm ít, ai được hưởng nhiều ai được hưởng ít. Người đó chỉ lo thi hành thánh ý Thiên Chúa, với hết khả năng của mình mà thôi. Người đó không còn cần phải so sánh, ai làm tròn thánh ý Thiên Chúa tốt hơn, ai làm ít hơn và ai được thưởng công nhiều hơn, ai được thưởng ít hơn. Nước Trời là kho báu được giấu trong ruộng và vì kho báu đó người ta đem đổi hết mọi sự khác; Nước Trời là viên ngọc quý mà người ta sẵn sàng bán hết mọi sự để mua viên ngọc đó.

Câu trả lời của ông chủ vườn nho luôn có giá trị như một lời nhắc nhủ hay một lời kêu mời dành cho mỗi người trong chúng ta. Vì thế, có lẽ chúng ta cần phải hiểu lời kêu mời đó đúng đắn hơn. Nó có nghĩa là: Các ngươi hãy sám hối ăn năn, Nước Trời đã đến gần! Tuy nhiên, sám hối ăn năn không chỉ có nghĩa là từ nay các ngươi phải suy tư khác đi, các ngươi không được phép suy nghĩ cách trần thế nữa; không phải thế, chúng ta suy nghĩ cách trần thế, vì chúng ta vẫn là những con người trần thế, những con người bằng xương bằng thịt. Nhưng trước hết, sám hối ăn năn có nghĩa là: Các ngươi hãy quay trở về cùng Thiên Chúa, hãy hướng lòng trí về cùng Người. Hướng lòng trí về cùng Thiên Chúa có nghĩa là học biết Thiên Chúa, là tôn thờ Người và sống liên kết với Người. Bấy giờ quan điểm sống của chúng ta sẽ tự thay đổi. Vì ai sống kết hiệp với Thiên Chúa, người đó sẽ có được chuẩn độ mới.

Chúng ta tất cả là những người đang chờ đợi được Thiên Chúa kêu gọi vào làm vườn nho cho Người. Còn tiền lương, Người hứa trả cho một quan tiền, một cuộc sống kết hiệp với Người. Nhưng theo chuẩn độ nhân loại thì chúng ta từ khi được sinh ra và nhờ phép rửa tội, đã thực sự được mời gọi vào vườn nho của Thiên Chúa rồi. Vâng, ý nghĩa dụ ngôn về những người thợ trong vườn nho Thiên Chúa, đòi hỏi chúng ta phải có một sự đổi mới tư duy hoàn toàn. Nó đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận tư tưởng của Thiên Chúa và phải đem tư tưởng của chúng ta thuần phục tư tưởng của Người. Bởi vậy, lời tiên tri I-sai-a là một lời nhắc nhủ khẩn thiết đối với chúng ta: “Hãy tìm kiếm Ðức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người khi Người còn ở kề bên” (Is 55,6).

Và ai tìm gặp được Ðức Chúa, người đó tìm gặp được cuộc sống. Cuối cùng Thiên Chúa đã dùng miệng vị tiên tri để nhắc bảo chúng ta cần phải ý thức rằng: “Tư tưởng của Ta thì không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi thì không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Is 55, 8-9).

“Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết thi hành thánh ý Chúa!”

Lm Nguyễn Hữu Thy

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/tu-duy-cua-thien-chua-va-tu-duy-cua-pham-nhan/