Trích từ Dân Chúa

Tội ác và hình phạt - Tội ác và phúc ân

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Chúa Nhật XXIV Thường niên A – Lễ Suy tôn Thánh Giá

Anh em đừng quên lãng những việc Thiên Chúa đã làm. Những việc Thiên Chúa đã làm là những việc gì ? Phần Phụng vụ Lời Chúa ngày Lễ Suy tôn Thánh giá dần đưa chúng ta đến mầu nhiệm tình yêu khôn tả của Thiên Chúa. Đức Bênêdictô XVI trong Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” đã từng khẳng định: Tình yêu của Thiên Chúa như chống lại sự công minh của Người. (x. số 10).

Vất vả trong chuyến hành trình về đất hứa, trong sa mạc, dân Chúa đã mất kiên nhẫn, họ đã kêu trách Thiên Chúa và Môsê. Sách Dân số tường thuật rằng Thiên Chúa đã cho rắn độc cắn chết nhiều người. Phạm tội ác thì bị trừng phạt. Văn hào Nga, Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, khắc họa rõ nét tâm lý kẻ tội phạm qua sự kiện bị trừng phạt bởi lương tâm. Trong cuộc sống, người ta cũng dễ liên tưởng hoặc thích gán ghép theo tương quan nguyên nhân - hậu quả giữa các tai ương, hoạn nạn với tội lỗi của con người.

Sau tội ác là hình phạt: một lôgich của con người xét như một hữu thể có lý trí và tự do. Đã phạm tội ác là phải chịu trừng phạt. Cần phải có sự công bình để duy trì trật tự chung của xã hội bất kỳ lớn bé. Các hình thức kỷ luật, các biện pháp chế tài là điều tất yếu hiện hữu trong các bộ luật của các hình thái xã hội, các tập thể, các quốc gia lẫn tổ chức quốc tế. Công bằng giao hoán là một hình thức nền tảng căn bản để gìn giữ sự ổn định xã hội. Đã là người trưởng thành trong điều kiện bình thường, phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình.

Niềm tin vào các mối liên hệ nhân quả như ở hiền gặp lành, ác giả ác báo…vẫn bàng bạc trong lòng con người mọi thời, mọi nơi, cách này, cách khác. Lưới trời tuy thưa nhưng khó thoát. Niềm tin vào một ông Trời, vào một Đấng Tạo Hóa công minh vẫn luôn có đó nơi tâm thức con người. Tuy nhiên, sự thường, người ta lại thích thấy luật nhân quả được ứng ngay trong cuộc đời này. Một phần là để nghiệm rõ chân lý mình tin nhận, nhưng cũng có thể một phần nào đó muốn hả hê khi cái khao khát báo thù đang ẩn sâu đáy lòng của ta được thỏa mãn. Thế là cái ý không tốt của ta, nếu không muốn nói huỵch toẹc ra, đó là cái dã tâm của ta đã được hóa trang bằng sự công bình của Tạo Hóa.

Đường lối của Ta không phải là đường lối của ngươi…(x. Is 55,8-9). Thập giá là một sự điên rồ, một cớ vấp phạm không chỉ cho người Do Thái, cho người Hy Lạp xưa kia, mà còn cho rất nhiều người thuộc nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Vốn được từng nghe kể một truyền thuyết về Đức Phật Thích ca: Khi Ngài tham thiền dưới gốc cây bồ đề, một tên vô lại, do quỷ xúi giục đến phỉ nhổ Ngài với những lời lẽ đê tiện, hạ đẳng kèm theo cả những bãi nước bọt bẩn thỉu. Đúc Phật vẫn thản nhiên, hiền hòa khép mắt thiền định. Sau một hồi chửi rủa, không thấy Đức Phật tỏ thái độ, tên vô lại phải ngưng vì thấm mệt. Khi ấy Đức Phật từ tốn mở mắt nhìn anh ta và nói:

- Tôi xin phép hỏi anh một điều.
- Được thôi, tao đang sẵn sàng, mày muốn gì, cứ nói.
- Nếu ai muốn trao cho anh một cái gì đó mà anh không nhận thì cái đó ở đâu ?
- Thì ở nơi cái thằng muốn trao, chứ ở đâu nữa.
- Vậy những gì anh muốn trao cho tôi từ nãy đến giờ, xin phép anh, tôi không nhận.
Tên vô lại mặt đỏ bừng vì xấu hổ, bèn bỏ đi.

“Bấy giờ, Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân” (Ds 21,6). Theo nhãn quan Cựu Ước thì các tai ương hoạn nạn xảy ra thường là do Thiên Chúa sắp xếp để trừng phạt dân phản bội. Dưới ánh sáng của Tân Ước, đặc biệt của Tin Mừng, chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa không trực tiếp muốn điều dữ cho con người cho dù với hậu ý tốt lành nào đi nữa, nhưng thỉnh thoảng Người lại cho phép những sự dữ xảy ra để qua đó, cảnh tỉnh và uốn nắn con người lầm lạc. Và nhất là Người đã dùng chính sự dữ do tay con người gây ra để tuôn ban ân phúc. Điều này được tiên báo qua việc Chúa biểu Môsê tạc hình con rắn treo lên một cây cột để cứu chữa dân, khi dân bị rắn cắn.

Vào trần gian, Chúa Kitô đã hiện thực hóa hình ảnh tiên trưng là con rắn xưa bằng việc chịu treo trên thập giá. Trái Tim Người bị đâm thâu và mở toang ra, đôi tay Người giang rộng trên thập giá, là để đón nhận mọi sự gian ác của con người. Chúa đón nhận tất cả tội ác nhân loại để rồi tuôn ban dòng máu cứu độ, tuôn ban ân sủng thần thiêng, giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và thần dữ. Thập giá đã trở thành Thánh giá cứu độ. Tội ác của con người đã trở thành nguyên cớ để Thiên Chúa tỏ bày lòng lân tuất vô biên.

Anh em đừng lãng quên những việc Thiên Chúa đã làm. Khi Chúa Kitô bị treo lên cao, nhân loại sẽ nhận biết Người là Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu (x. Ga 8,28). Chân dung Đấng giàu lòng xót thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung đã tỏ hiện cách hoàn hảo nơi Đấng bị treo trên thập giá. Ngoại trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần là chủ ý khước từ tình yêu, thì không có gì, không có sự ác nào có thể thắng được tình Chúa yêu thương ta. Một chân lý ngàn đời chẳng hề đổi thay: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Thánh giá là dấu chỉ của tình yêu. Thánh giá củng cố niềm tin. Thánh giá khơi nguồn hy vọng. Và Thánh giá là phương thế đáp trả ân tình cách tuyệt hảo. Niềm vinh dự của ta là Thánh giá Chúa Kitô. Hãy làm cho trái đất này, vũ trụ này ngập tràn Thánh giá bằng tâm hồn, thân xác chúng ta, cuộc đời chúng ta, bằng chính con người chúng ta, những con người sống bởi tình yêu, sống nhờ tình yêu, sống vì tình yêu và sống cho tình yêu.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/toi-ac-va-hinh-phat-toi-ac-va-phuc-an/