Trích từ Dân Chúa

Tiến trình hòa giải và tha thứ

Lm Jude Siciliano, OP

Cn 23 Tn (Mt 18, 15-20)

Vấn đề sửa lỗi là hoạt động tối quan trọng trong các cộng đoàn. Chúng ta thường nói nhân vô thập toàn ! Vậy tại sao không biết lợi dụng cơ hội để sửa chữa những cái “vô”, ngõ hầu cộng đoàn được thăng tiến ? Tích luỹ cái “vô” là điều không hợp lý. Thực tế, nếu không có sửa chữa thì chẳng cộng đoàn nào có khả năng tiến bộ. Phúc âm Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói về tiến trình “sửa lỗi” để xây dựng Giáo hội. Từ chương 14, sau khi kêu gọi các tông đồ Chúa Giêsu giáo huấn các ông. Toàn bộ chương 18, sự dạy dỗ của Chúa tâp trung và nhấn mạnh đến việc sửa chữa sai lỗi trong cộng đoàn, ngày nay gọi là Hội thánh.

Vào thời điểm thánh Matthêo viết Tin Mừng. Hội thánh đã độc lập khỏi đạo Do Thái, không còn phụ thuộc vào lễ nghi phụng vụ, lề luật của đạo đó nữa. Giáo hội mới cần những chỉ dẫn để sống với nhau. Chương 18 phản ánh nhu cầu đó. Thánh nhân đưa ra những điểm quan trọng để hướng dẫn tín hữu. Trước hết là đức tin vào Chúa Giêsu. Giáo huấn của Ngài là những điểm nền tảng của cộng đoàn mới mẻ này. Họ phải sống chứng nhân để biểu lộ căn tính của Chúa Giêsu cho tha nhân và thế giới. Bởi lẽ khi còn sống Ngài đã mặc khải Thiên Chúa thương xót và tha thứ, thì đời sống cộng đoàn cũng hành xử tương tự. Nếu họ muốn chứng tỏ cho đồng bào Chúa đã sống lại và đang sống giữa họ, thì phải đưa ra bằng chứng cho lòng tin ấy, đó là sửa chữa và tha thứ cho nhau. Tuần tới Phêrô hỏi Chúa phải tha thứ bao nhiêu lần. Chúa trả lời là vô hạn định, tức đừng hận thù, ghen ghét, đúng hơn đừng bao giờ để bụng loại trừ ai.

Ngày nay khi có ai xúc phạm đến chúng ta, phản ứng lại chúng ta nói : “Thế giới này rộng lớn, việc gì tôi phải quan tâm đến hắn” và chúng ta đi đường lối riêng của mình. Nhưng vào thời thánh Matthêo không như vậy được. Hội thánh chỉ là nhóm nhỏ bé chung quanh toàn người khác lý tưởng, giáo lý hay đơn giản là dân ngoại. Người ta dễ dàng nhận ra các môn đệ của Chúa do lối sống, niềm tin, phụng vụ của họ, phong cách họ đối xử với nhau cũng khác. Họ nổi bật là tín hữu của một tôn giáo mới, chưa đựơc phổ thông. Chúng ta có thể so sánh với gia đình di dân trong một ngôi làng nhỏ bé. Một xích mích nhỏ trong gia đình ấy cũng rất dễ nhận ra. Những chia rẽ, cãi cọ trong Hội thánh tiên khởi chẳng dấu được ai. Người trong cộng đoàn cũng như người ngoài cộng đoàn nhanh chóng biết được. Các phần tử gây rắc rối chẳng thể nào ương ngạch đi theo đường lối riêng mãi mãi. Toàn thể cộng đoàn sớm muộn rồi cũng biết, họ phải chịu đựng hậu quả, có khi khốc liệt. Nhưng cộng đoàn phải rất không khéo trong vấn đề sửa lỗi và khi đã đựơc giải quyết, mọi người đều hưởng lợi ích. Người ngoại cuộc sẽ bị thu hút vào cộng đoàn và thường khi họ xin gia nhập vì nếp sống tốt đẹp của mỗi thành viên. Ngày nay trong những xã hội rộng lớn, việc giải quyết các bất đồng rất khó thực hiện, các sai lỗi thường bị bỏ qua hoặc quên lãng. Nếu có can đảm sửa chữa thì việc gây to truyện rất lớn và nguy hiểm. Dầu sao vết thương vẫn là vết thương dẫu xem thấy hay không. Cho nên việc sửa lỗi vẫn là căn bản, kẻo tính đoàn kết và đời sống tín hữu bị ảnh hưởng bởi những phần tử bất hảo.

Lời chỉ bảo của Chúa Giêsu hôm nay khá công phu. Nó bao gồm tiến trình đặc biệt về hòa giải và tha thứ:

- Trước hết, chỉ có hai người liên hệ: kẻ phạm lỗi và người có trách nhiệm sửa lỗi: “Nếu người anh em của ngươi lỗi phạm thì trong khi sửa lỗi cho nó. Một mình ngươi với nó mà thôi.” Nghĩa là có sự trao đổi giữa hai nhân vật, người bị xúc phạm và kẻ có lỗi. Như vậy giữ được tính chất bí mật của tội lỗi. Nhưng không có nghĩa công thức và hướng giải quyết không được tuân theo. Hy vọng là bên có lỗi nhận ra sai trái một cách hợp lý và các thành viên khác đựơc khuyên bảo đối xử tử tế với họ. Tuy nhiên, thực tế đa phần không được tốt đep như vậy.

- Phải cần đến bước thứ hai. Bước này có nhiều người và chúng ta có thể liên tưởng tới câu kinh thánh phía dưới : “Thày bảo thật anh em, ở đâu có hai ba người tụ họp lại nhân danh Thày, thì Thầy ở đấy, giữa họ.” Thường chúng ta áp dụng câu này cho việc cầu nguyện. Đúng thế. Nhưng tôi lại thích áp dụng nó cho việc sửa dạy hay là hòa giải giữa cộng đồng. Thực vậy, khi hai hoặc ba người họp lại để giải quyết việc tranh cãi, hay nói rộng hơn, cả cộng đoàn họp lại, thì chắc chắn Chúa Giêsu hiện diện để làm việc với họ. Đây là điều làm cho nội dung dạy dỗ của Chúa Giêsu trở nên thực tiễn, bằng không thiên hạ sẽ chê nó là không tưởng, nghĩa là chỉ trong lý thuyết, không áp dụng cụ thể được. Nói cách khác, hàm hồ tưởng tượng.

Vậy chúng ta sẽ tìm thấy Chúa hiện diện nơi đâu cụ thể nhất ? Cứ như câu truyện hôm nay thì Ngài ở giữa cộng đồng, làm việc với các thành viên để xây dựng điều tốt và loại trừ sai trái. Cho nên công lý và thứ tha là đặc tính cốt yếu của Giáo hội tiên khởi, cũng như ngày nay. Chúng ta nên bảo vệ chúng trong đời sống riêng tư, cũng như cộng đoàn, đừng để chúng vắng mặt. Công lý và tha thứ vắng mặt, tức khắc cộng đồng trở nên thối nát, giả hình. Chúa Giêsu không còn hiện diện nữa. Xưa nay đã từng xảy ra tình trạng này, nhưng người ta cố tình giấu diếm hoặc không công nhận. Nếu cộng đoàn sở hữu đầy đủ những đức tính ấy, thánh Phaolô gọi là mặc lấy ánh sáng, thì thế gian nhanh chóng nhận ra Giáo hội là duy nhất tốt đẹp. Có thể họ còn thấy Chúa Giêsu có mặt, sống động giữa chúng ta, bởi Ngài thực hiện những điều chúng ta không thể làm được, nếu không có Ngài. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta suy nghĩ về những chia rẽ thường xảy ra tại Giáo hội địa phương hoặc toàn cầu hay giữa các Giáo hội với nhau vì hiểu lầm, tranh chấp, xúc phạm từ nhiều thế kỷ, chúng ta nên mời Chúa Giêsu đến ngự giữa, ngõ hầu Ngài hòa giải những bất đồng đó, để danh Thiên Chúa được tỏa sáng. Nếu mọi người ý thức được nội dung này và đem ra thực hành, thì quả thật, lời chỉ bảo của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục.

- Trường hợp thứ ba buồn thảm hơn. Đó là việc xúc phạm trở nên ương ngạnh, cố chấp, thì cần đến biện pháp cứng rắn: “Nếu nó không nghe họ, thì đi thưa Hội thánh. Nếu Hội thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” Ở đây, Chúa Giêsu ban quyền cho cộng đồng “tháo, cởi”. Quyền này bất đắc dĩ mới phải dùng tới. Nó đón nhận những người hối lỗi, đồng thời loại trừ những kẻ cứng cổ. Quả là một điều bất hạnh, nhưng cần thiết, để giáo dục cộng đoàn. Thực ra thì không phải Hội thánh loại trừ, mà chính đương sự tự rút lui để bảo thủ ý kiến của mình. Bởi lẽ họ cố chấp trong tội lỗi, họ tự kết án. Nếu họ không hàn gắn các đổ vỡ gây nên, thì việc cộng đoàn tuyên bố loại trừ là hiển nhiên, tức tuyên bố điều đã minh bạch tồn tại. Kẻ xúc phạm lúc này được coi là “dân ngoại hay người thu thuế (publicano)”, từ ngữ chung chung dân do thái dùng để ám chỉ những ai không thanh sạch và ở ngoài tôn giáo.

Tuy nhiên nếu ta nhớ lại Chúa Giêsu tiếp đón dân ngoại và người tội lỗi vào cộng đoàn của Ngài, ban cho ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì câu nói trên không rõ nghĩa. Đoạn phúc âm này và toàn bộ chương 18 cho chúng ta ý niệm: đối với thánh Matthêo tính đoàn kết và gắn bó với giáo huấn của Chúa Giêsu là quan trọng hơn cả. Các tín hữu không được sống riêng lẻ mà phải hợp nhất với nhau thành cộng đoàn, làm chứng và nâng đỡ nó. Nếu thành viên nào bị xúc phạm thì mọi người phải giúp sức để loại trừ sự dữ, trả lại danh dự và an bình cho người đó. Phải chăng đây là bác ái đích thật của Chúa Giêsu ? Thực tế người ta có khuynh hướng vào phe với kẻ mạnh, kẻ quyền thế để hà hiếp bất chấp sự thật và lẽ phải. Cho nên tinh thần của Tin mừng hôn nay là : Có đúng Chúa Giêsu chỉ nói đến các xúc phạm cá nhân và sửa chữa cục bộ thôi Thưa không phải chỉ có như vậy, mà còn gồm cả tính xã hội nữa: Chúng ta phải làm gì khi một quốc gia nhỏ bé hay sắc dân thiểu số bị hà hiếp ? Chúng ta hành xử ra sao khi các xóm nghèo bị xua đuổi, cướp bóc, chà đạp quyền lợi ? Chúng ta giữ thái độ nào khi trong giáo xứ có chia phe, kéo đảng ? Những kẻ quyền thế, những người thấp cổ bé miệng ? Còn rất nhiều vấn đề trong xã hội, trong cộng đoàn cần đưa ra ánh sáng để sửa chữa như, nữ quyền, trẻ em khổ sai, người già cả bị bỏ quên, buôn gian bán lận, công ty ma quái… Liệu các nhà giảng thuyết dám đề cập tới không?

Bài đọc một hôm nay, Chúa dùng miệng lưỡi tiên tri Ezechiel cảnh cáo chúng ta: “Phần ngươi, hỡi con người. Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác ấy phải chết vì tội của nó, nhưng ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.” Chúng ta thường coi nhẹ những lời kinh thánh, nuôi dưỡng tính mê, nết xấu, hậu quả là tinh thần đạo đức sa sút, dẫn đến băng hoại thiêng liêng. Nhiều vị bề trên từng phàn nàn : Tu viện thời nay chẳng khác nào nhà trọ miễn phí. Chúng ta có bổn phận vun xới và làm phát triển bác ái, nhưng không có nghĩa bằng mọi giá, mà bằng cái giá của con đường hẹp. Chính Chúa Giêsu phán trong đoạn cuối phúc âm tuần trước : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Nhiều tín hữu không hiểu trọn vẹn câu này, họ theo Chúa với nhiều mục tiêu khác nhau. Thí dụ các tông đồ trước khi Chúa sống lại, ông thì thích chỗ nhất, ông lại chọn ngồi hai bên tả hữu, ông mong Chúa khôi phục Israel huy hoàng. Thời nay còn tệ hơn, họ theo Chúa nhưng không muốn từ bỏ mình và loại trừ bất cứ thập giá nào ra khỏi cuộc sống: “Xin Chúa thương đừng để Thầy gặp phải truyện ấy.”

Câu nói của Phêrô còn vang vọng ở nhiều lời cầu nguyện của chúng ta. Cho nên nhiệm vụ sửa chữa lỗi lầm lúc nào cũng cần thiết trong Giáo hội, không phải chỉ cần trong quá khứ, mà hiện tại, tương lai cũng vẫn cần. Bởi nó là điều kiện thăng tiến thiêng liêng. Tuy nhiên phải làm điều này trong Thần Khí, sự thật và lẽ phải. Tha thứ để được Chúa thứ tha nhưng phải mang lại hoa trái. Chúa Giêsu đã nguyền rủa cây vả chết khô vì không mang lại hoa quả như Ngài mong muốn. Đây là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với những linh hồn bừa bãi, đòi hỏi thiên hạ “bác ái” với mình trong khi sống sa đoạ. Tiên tri Ezechiel cũng khai triển tư tưởng này trong phần hai của bài đọc. Vậy chúng ta phải sửa lỗi cho nhau trong tình bác ái, nhưng tôn trọng lẽ phải và sự thật. Yêu mến Chúa là tuân giữ các giới răn của Ngài chứ không phải sống phóng túng, rồi gọi đó là bác ái tông đồ. Một tác giả người Pháp đã viết : Đời tin kính nẩy nở trong bác ái và nuôi dưỡng trong hy vọng. Chúng ta chỉ có thể đạt tới nó bằng sống khắc khổ và nghiêm túc.

Trong thế giới đầy dẫy bạo lực và trả thù mà người ta gán cho là thời đại “triệt tiêu khoan dung” hoặc “ba cú đấm làm quị ngã” (ám chỉ ba máy bay phá tung tòa tháp đôi và lầu năm góc) thì câu truyện xảy ra ở Long Island làm chúng tôi hy vọng. Cậu Ryan Cushing, 19 tuổi ném một con ngỗng chết qua cửa xe hơi, trúng bà Victoria Ruvolo, 44 tuổi, bà bị nát mặt, phải vào bệnh viện giải phẫu. Sau nhiều ngày chữa chạy, bà bình phục. Toà án phạt cậu Cushing và bạn bè 25 năm tù giam. Cushing nhận tội, ra khỏi tòa và đi gặp nạn nhân của mình, bà Ruvolo. Cậu gục đầu vào lòng bà tỏ vẻ hối hận và xin lỗi. Bà ôm đầu cậu, vỗ vỗ vào lưng nói : “không sao, không sao, Ta muốn con từ nay sống thật tốt”. Theo lời yêu cầu của bà Ruvolo, Cushing chỉ phải chịu phạt 6 tháng tù giam và 5 năm thử thách. Công tố viên Spota giận dữ muốn phạt bị cáo nặng hơn. Ông nói nó không còn là con nít 8, 9 tuổi nữa, đây là tội vô tâm và tàn nhẫn, không phải là hành động ngu xuẩn suông.

Đúng vậy, nhưng lòng cảm thương của bà Ruvolo đã thuyết phục được công tố viên. Người ta bảo động lực của bà là tôn giáo. Người khác lại cho là tấm lòng rộng rãi của bà. Người khác nữa chủ trương tha thứ để chữa bệnh tâm lý. Phần tôi, khó mà mường tượng chữa bệnh bằng tòa án. Cho nên trường hợp này, bà Ruvolo đã cho một điều tốt đẹp hơn : Đó là giải tỏa hận thù và phục hồi hy vọng, với cử chỉ thanh tẩy, khi nước mắt chảy xuống bộ mặt tan nát của bà và của đứa con trai khốn nạn, ngu xuẩn mà đời sống hắn chỉ một mình bà vực dậy nổi. Liệu đây có phải là bài học sửa lỗi và tha thứ của mọi tín hữu, môn đệ Chúa Giêsu không ? Amen.

Lm Jude Siciliano, OP

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/tien-trinh-hoa-giai-va-tha-thu/