Trích từ Dân Chúa

Thiên Chúa ở cùng chúng tôi

Lm Nguyễn Hữu Thy

(Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi 2010)

Giới răn đầu tiên trong Thập Giới Điều của Thiên Chúa đã được ghi rõ rằng: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, ra khỏi nhà nô lệ. Ngoài Ta ra, ngươi không được có thần nào khác nữa. Ngươi không được tạc tượng hay vẽ hình về Thiên Chúa và không được tượng trưng Người bằng bất cứ vật gì dù ở trên trời cao cũng như ở dưới đất thấp, hay ở trong nước phía dưới mặt đất để mà thờ!” (Xh 20,1-4).

Ở đây người ta thử hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại cấm con người không được tạc tượng hay vẽ hình ảnh để tượng trưng cho Người? Đâu là lý do?

Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng hình ảnh của một người nào đó, thì bao giờ cũng ấn định, phân biệt và giới hạn chính người ấy. Trong khi đó, người ta lại không thể ấn định, phân biệt hay giới hạn Thiên Chúa lại theo cách thức tư duy hẹp hòi và theo sự tưởng tượng thiển cận của mình được. Bởi vì Thiên Chúa muôn trùng cao cả, cao cả hơn tư duy của chúng ta, cao cả hơn sự tưởng tượng của chúng ta và cao cả hơn những hình ảnh tượng trưng do chúng ta làm ra.

Vì thế chúng ta cần phải ý thức rằng không một hình ảnh nào có thể trình bày chính xác về Thiên Chúa được, cũng như không một ý niệm nào có thể cắt nghĩa đầy đủ về Thiên Chúa được. Thiên Chúa là Đấng vô biên, là chân thiện mỹ tuyệt đối, bản thể của Người hoàn toàn vượt trên trí năng và trên mọi phạm trù suy tư của con người.

Nhưng ngày Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay lại đề cập đến điều đó. Và khi nói rằng Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất trong cùng một bản thể, thì chính tên gọi “Thiên Chúa Ba Ngôi” đã minh nhiên nói lên rằng Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Dĩ nhiên, những ý niệm này cũng chỉ tương tự phần nào như những mảnh nhỏ tý xíu của một tấm gương bể phản chiếu lại ánh sáng vô tận của mặt trời; nghĩa là chúng chỉ có thể trình bày cho chúng ta một ý niệm nào đó về mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa mà thôi.

Vậy làm thế nào để hiểu được những ý niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi?

Trước hết, khi chúng ta nói rằng: Thiên Chúa là Cha, thì đó là một kiểu nói theo phép ẩn dụ, kiểu nói bóng bảy hay là một hình ảnh tiêu biểu. Còn sự tuyên tín của Giáo Hội thì diễn tả thực tại đã được đề cập tới ở trên như sau: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Người là Đấng Tạo Hóa của mọi vật đang hiện hữu, nghĩa là Đấng đã dựng nên trời đất và toàn thể vũ trụ. Thiên Chúa là nguyên ủy của tất cả những gì đang hiện hữu, là nguyên ủy của mọi quyền lực và sức mạnh trong vũ trụ. Và qua đó, Người quả thực là Cha của chúng ta và của mọi thọ tạo.

Tiếp đến, chúng ta nói rằng: Thiên Chúa là Con, vì trong con người Đức Giêsu Na-da-rét, chúng ta đã thực sự tiếp cận và gặp gỡ được chính hình ảnh trung thực của Thiên Chúa một cách đặc biệt. Người hoàn toàn đã đến từ trời cao (x. Ga 3,13), và điều đó cũng muốn nói rằng Người được sinh ra bởi Mẹ đồng trinh. Người đã trải qua trọn vẹn mọi giai đoạn và mọi tình huống của cuộc sống con người, và điều đó cũng muốn nói rằng Người đã chịu đau khổ và sau cùng cũng đã phải chết. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không hề bị cầm hãm trong vòng hư nát và tội lụy của kiếp phàm nhân. Người đã phục sinh khải hoàn. Người vẫn sống và sống một cuộc sống bất tử của Thiên Chúa.

Đàng khác, Đức Giêsu đã sống trên trái đất này như là hình ảnh của Thiên Chúa và như là chính Thiên Chúa, bởi vì mặc dù Người đã sống hoàn toàn như một phàm nhân bình thường, nhưng Người lại mang trong mình Thiên tính; nói cách khác, Đức Giêsu là Thiên Chúa thật (x. Ga 14,8-11). Điều đó cũng muốn nói rằng, qua Đức Giêsu Na-da-rét, nhân loại đã khám phá ra được chân lý này là: Thiên Chúa quả thực là một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, một Thiên Chúa đã và đang cho chúng ta.

Sau cùng, một kiểu phát biểu thứ ba: Thiên Chúa là Thánh Thần. Vâng, qua chính Đức Giêsu, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta cảm nhận được rằng:

Tất cả đều là do chính tác động của Thánh Thần Thiên Chúa. Vì chính Thánh Thần Thiên Chúa đã từng tác động trên nước trong thuở ban đầu khi khởi sự công trình tạo dựng vũ trụ và mọi sự còn trong tình trạng hỗn mang (x.St 1,1), thì cũng Thánh Thần đó luôn tác động trong thế giới nhân loại. Đúng thế, Thánh Thần sẽ tỏ mình ra ở đâu có:

Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa là một Thiên Chúa ở với chúng ta và cho chúng ta. Và đó là điều chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng phó thác, vì nó là sự thật.

Hơn nữa, Thiên Chúa chẳng những là một Đấng Tạo Hóa toàn năng nhưng còn là một Người Cha nhân từ của chúng ta. Qua Đức Giêsu Na-da-rét, Thiên Chúa đã đến với phàm nhân chúng ta và đã cư ngụ giữa chúng ta. Người tác động cách thiêng liêng vô hình ở tất cả những nơi nào trong Giáo Hội khi sự thánh thiện trở nên hiện thực, nghĩa là ở tất cả bất cứ nơi nào có sự cảm thông tha thứ và sự hòa giải chân thành giữa con người với nhau, cũng như ở bất cứ nơi nào con người biết hy vọng mong đợi cuộc sống vĩnh cửu.

Như vậy, Ngày Lễ hôm nay muốn nêu rõ trọng tâm ý nghĩa danh xưng “Thiên Chúa” và làm thành một danh xưng đầy hy vọng cho cả nhân loại. Vâng, ở đâu chúng ta khởi sự hay kết thúc bất cứ hành động thiện hảo nào nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì ở đó chúng ta luôn có được niềm hy vọng chân chính và vững chắc. Dĩ nhiên, chúng ta không thể nói về điều đó một cách rõ ràng và thực tiễn, như về những chuyện cụ thể của cuộc sống thể xác. Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm bất khả tri đối với sự hiểu biết của trí năng con người. Nhưng đó là một mầu nhiệm cho chúng ta và cho phần cứu rỗi chúng ta; nói cách khác, điều đó muốn bày tỏ những ý niệm: Cha, Con Và Thánh Thần. Trong Bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được tẩy rửa khỏi mọi tội lỗi trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta không chỉ được sinh ra để rồi lại chết như những sinh vật khác trong vũ trụ này, nhưng chúng ta hiện hữu với sự xác tín chắc chắn rằng Thiên Chúa vô biên - Đấng mà trí năng nhân loại của chúng ta chỉ có thể hiểu được ba mảnh vụn ý niệm nhỏ bé như ba mảnh gương bể tí xíu phản chiếu được một chút nhỏ ánh sáng mặt trời vô biên – luôn tác động trong cuộc sống chúng ta; nói cách khác, Thiên Chúa là nguyên ủy, động lực và lý do của cuộc sống chúng ta.

Vâng, Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng duy nhất của cuộc sống chúng ta. Đó là chân lý đã được công bố trong Bí tích Rửa Tội của chúng ta, đó là: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

Lm Nguyễn Hữu Thy

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/thien-chua-o-cung-chung-toi/