Trích từ Dân Chúa

Thiên Chúa, Nguồn cậy trông của chúng ta

Lm Jude Siciliano, OP

Lễ Các Đẳng Linh Hồn (A)
Khôn ngoan 3:1-9; Tv: 23; Rôma 5:5-11; Gioan 6:37-40

Anh chị em thân mến,

Cách đây vài năm khi cha mẹ tôi mất, tôi đã nhờ những lời Thánh Kinh trong ngày lễ hôm nay để an ủi tôi được phần nào.

Sách Khôn Ngoan không nói rõ các linh hồn người quá cố hiện giờ đang ở đâu. Nhưng, những lời đó là những lời an ủi gây niềm hy vọng cho chúng ta: "Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa". Đây là những lời giúp tôi hy vọng khi cha mẹ tôi mất. Tôi có nói với bạn bè là tôi không biết cha me tôi đang ở đâu và đang làm gì, tôi chỉ tin là cha me tôi đang ở trong tay Thiên Chúa nhân từ. Những người trong gia đình và bạn bè tôi có thể hình dung được mẹ tôi đang nấu mì trong ngày Chúa nhật với dì tôi, và cha tôi đang chơi bài với người em rể.

Những cảnh tượng đó thật an ủi cho gia đình tôi. Nhưng tôi chỉ nghĩ đến bàn tay nhân từ của Thiên Chúa đã tạo dựng cha mẹ tôi, và đã gìn giữ cha me tôi trong đức tin qua những ngày khó khăn, đau yếu, và bây giờ thì ôm ấp cha mẹ tôi vào lòng Ngài. Cũng như sách Khôn Ngoan nói "Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa".

Sách Khôn Ngoan nói đến những linh hồn đặc biệt: "Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc". Thường, người ta hay xuôi tay chịu những khó khăn đời này. Nhưng sách Khôn Ngoan nhìn vào những khó khăn đó như của lễ dâng trên bàn thờ Chúa. Vì khi chúng ta chịu phép rửa là chúng ta lãnh nhận chức tư tế, hiến dâng những việc làm cùng những khó khăn trong đời sống cho Chúa. Và chúng ta có được hy vọng theo sách Khôn Ngoan dạy "Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn". (Kn 3:9). Bây giờ, chúng ta đang nghe lại những lời mà xưa kia lúc cha mẹ tôi mất tôi đã nghe: "họ đã ở trong tay Thiên Chúa nhân từ". Đó chính là sự trông cậy vững vàng của chúng ta vào Thiên Chúa – Vì ngài biết rõ mọi sự.

Và đây cũng là ý chính lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc hôm nay - Trông Cậy. Sự Trông cậy dựa vào tình yêu Thiên Chúa đã thể hiện qua sự đau khổ của Chúa Giêsu vì chúng ta. Mà chúng ta không xứng đáng được hưởng tình yêu này, vì chúng ta đang là những tội nhân. "Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta" (Rm.5:8). Chúng ta không còn sợ sự chết, như nhiều người trong chúng ta thường sợ, nếu chúng ta tin rằng sau khi chết, chúng ta sẽ ở trong vòng tay nhân từ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tội lỗi không thể ngăn cản được sự bày tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta qua Chúa Giêsu, và không thể nào làm chúng ta xa cách Thiên Chúa ở đời này và cả đời sau. Vì Thiên Chúa luôn cho chúng ta có cơ hội để hòa giải với Người "Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người" (Rm.5:10)

Trong đời này và đời sau, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa qua niềm tin vào sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Khi chúng ta do dự trong niềm tin này, ắt chúng ta sẽ phải đương đầu với sự chết và sự đau đớn lâu dài của người thân thương, hoặc khi chúng ta nghĩ đến cái chết của chúng ta thì Chúa Thánh Thần vẫn liên tục đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhằm giúp chúng ta luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa. Ngay cả tội lỗi và sự chết, cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. Như thế, không phải chỉ đến lúc chết chúng ta mới được ở trong vòng tay nhân từ của Thiên Chúa, mà nhờ Chúa Giêsu chúng ta đã được ở trong vòng tay của Người, và Người sẽ uốn nắn chúng ta trở thành người con luôn trông cậy vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói gọn là: "Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm.5:5)

Phúc âm hôm nay cũng tiếp tục ý tưởng này là chúng ta chắc chắn ở trong vòng tay Thiên Chúa nhân từ trong đời này và đời sau. Mỗi lần nghĩ đến sự đối đãi của Thiên Chúa đối với những vấp phạm, thì tôi hình dung lại thời thơ ấu. Với những hình ảnh một Thiên Chúa giận dữ, phán xét chi li, và sẵn sàng phạt người tội lỗi, trừ khi Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa can thiệp và làm Thiên Chúa dừng tay lại. Trước đây, trong đám tang, những hình ảnh ấy của Thiên Chúa được hiện rõ: Linh mục mặc áo đen, các bài hát buồn tẻ, nhất là bài nói về ngày phán xét, một bài hát xưa nói về sự phán xét giận dữ của Thiên Chúa đối với người qua đời. Với lời nhạc buồn đã tăng thêm phần lo sợ. Và chúng ta không biết ai là người xét xử linh hồn chúng ta lúc lâm chung, Đức Chúa Cha hay Chúa Giêsu, Đấng phán xét nhân từ.

Những lúc ấy đáng lẽ chúng ta nên đọc Thánh Kinh nhiều hơn, như đoạn Phúc âm thánh Gioan hôm nay. Thánh Gioan cho chúng ta biết, Thiên Chúa không phải là Đấng có hai tính: Một là quan tòa giận dữ phán xét loài người, và hai là Chúa Kitô tha thứ và thương yêu. Hơn nữa, thánh Gioan lại thêm: Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đến gần với chúng ta. Sách Khôn Ngoan an ủi chúng ta rằng người quá cố "đã được an nghỉ trong tay Thiên Chúa". Câu Phúc âm ấy vang dội trong hôm nay. Chúa Giêsu là bằng chứng cụ thể của cánh tay nhân từ đầy ắp yêu thương của Thiên Chúa. Vòng tay đó ôm ấp người công chính trong đời này và cả đến đời sau của chúng ta.

Thánh Gioan viết: Chúa Giêsu đã đến để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu ngay từ bây giờ, vì qua Chúa Giêsu, chúng ta đã được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, nên sự sống của Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta. Sự kết hợp này bắt đầu ngày hôm nay và không bị đứt đoạn bởi sự chết, vì chính Chúa Kitô đã nói Ngài sẽ cho chúng ta sống lại "vào ngày sau hết". Vậy chúng ta có vui lòng nhận đời sống mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta bây giờ, và có chấp nhận Thiên Chúa mến yêu trong đời sống chúng ta không?

Chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa chính sự sống của Ngài vào lòng chúng ta. Và mỗi khi chúng ta họp nhau ngày Chúa nhật, chúng ta lại được nhắc nhớ đến hồng ân Thiên Chúa đã ban thêm sức mạnh cho chúng ta. Nhờ nghe Thánh Kinh đã làm cho Thiên Chúa đang hoạt động một cách sáng tạo trong chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta đón nhận là lương thực nuôi dưỡng sự cậy trông của chúng ta vào vòng tay nhân từ của Thiên Chúa bây giờ cho đến đời sau mãi mãi bên chúng ta.

Chúa Giêsu đã cam đoan với chúng ta hôm nay: "…ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài" (Ga.6:37). Chúa Giêsu nói rõ ràng ý định của Ngài là đặt một mối liên hệ dài lâu với chúng ta, vì đó cũng là "Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai".  (Ga. 6:39)

Trong lễ hôm nay và những ngày kế tiếp, cộng đoàn người Mễ Tây Cơ mừng ngày tảo mộ của họ là lễ Cầu cho người qua đời. Gia đình đi thăm nghĩa trang nơi những người thân đã được chôn cất, và họ đem những món ăn mà những người quá cố trước kia thích. Nơi phần mộ các thân nhân, mọi người tụ lại cùng ăn uống với nhau cả người lớn và trẻ em, và nói với nhau những câu chuyện về người quá cố. Đó là hành vi biểu lộ tình yêu thương của gia đình đối với người đã qua đời. Họ cũng tin là linh hồn của người quá cố vẫn còn sống với họ.

Chúng ta không cần phải là người Mễ Tây Cơ để mừng sự sống của những người quá cố trong gia đình và bạn hữu của chúng ta. Vì khi chúng ta họp nhau nơi bàn tiệc Thánh là chúng ta cũng mừng như vậy. Chúng ta cùng nghe lời Thánh Kinh, và những chuyện chung trong gia đình. Rồi chúng ta cùng ăn "của ăn" đã nuôi dưỡng người thân thương của chúng ta là bánh và rượu là món ăn đã nâng đỡ họ khi họ còn sống và lúc họ đã qua đời. Món ăn ấy cho chúng ta trông cậy là ngày sau sẽ cùng hưởng với Chúa Phục sinh.

Đây là lúc chúng ta nên đi thăm mộ và kể chuyện những người quá cố cho con cháu nghe. Chúng ta nên nhắc đến đời sống đức tin của các bậc tiền nhân, và nhờ các vị ấy mà đức tin được chuyển đến chúng ta. Về nhà, chúng ta có thể mở tập hình ảnh của gia đình cho con trẻ xem. Đến lúc đọc kinh tối chúng ta nên nhắc đến những người đã khuất.

Lúc này là mùa thu, cảnh vật có vẽ tàn úa với chúng ta. Nhưng chúng ta hy vọng chắc chắn là cảnh vật sẽ trở nên xanh tươi. Chúng ta có sự trông cậy vững vàng vì Chúa Giêsu đã hứa là Ngài cho chúng ta sự sống vĩnh cữu và với Ngài tất cả chúng ta sẽ được sống lại " vào ngày sau hết"

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/thien-chua-nguon-cay-trong-cua-chung-ta/