Trích từ Dân Chúa

Thiên Chúa Ba Ngôi - Thiên Chúa của tương quan

Lm Jude Siciliano, OP

Lễ Chúa Ba Ngôi - C
Cn 8: 22-31; Rm 5: 1-5; Ga 16: 12-15

Thoạt đầu học thuyết về Chúa Ba Ngôi ra đời là để chống lại các lạc thuyết trong thế kỷ thứ IV và V. Ngày nay, nhìn bề ngoài có vẻ như chúng ta cũng đang cử hành một tín điều đức tin. Nhưng chúng ta không đến nhà thờ để cử hành những tín điều đức tin. Hôm nay chúng ta đến đây là để cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và ngẫm xem Ba Ngôi đã ảnh hưởng và vẫn mãi ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta thế nào. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Thánh Hoá – chúng ta vẫn gọi là Cha, Con và Thánh Thần. Và mỗi người chúng ta được mời gọi bước vào mầu nhiệm này của Thiên Chúa trong việc tôn thờ và cầu nguyện của chúng ta.

Thiên Chúa siêu vượt mọi khả năng nhận biết của con người. Dẫu vậy, trước khi chúng ta có thể vươn lên tới Ngài, Thiên Chúa đã quyết định cứu chuộc thế giới rồi. Thiên Chúa đã đi bước trước, trao tặng chúng ta ân sủng trong Đức Giêsu Kitô và qua Thánh Thần trợ giúp chúng ta bước vào tương quan với Ngài.

Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã bước vào lịch sử nhân loại; Ngài đã cùng đồng hành chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và nên một với chúng ta trong mọi sự, trừ tội lỗi. Nơi Đức Giêsu có trọn vẹn sự sung mãn bản tính Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chia sẻ cái chết của chúng ta và mặc khải cho chúng ta về sự chiến thắng của Thiên Chúa đối với tội và sự chết – Quyền năng của Thiên Chúa chữa lành những gì tan vỡ và hiệp nhất những gì bị phân rẽ. Đức Giêsu đã quay về với Đấng Ngài gọi là “Cha”, nhưng vẫn không để chúng ta mồ côi; Ngài trao cho chúng ta sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trong Thánh Thần tình yêu và sự sống. Chính qua Thánh Thần chúng ta nhận ra sự hiện diện sinh động của Đức Kitô Phục Sinh. Trong Thánh Thần, chúng ta có được sự sống mới mà Đức Giêsu đã hứa và hiện thực hoá bằng đời sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Niềm khao khát và lòng mong muốn lôi kéo chúng ta đến thờ lạy hôm nay đã được chính Thiên Chúa cấy vào trong lòng chúng ta, Ngài là Đấng những mong chúng ta ngày càng lớn lên trong sự nhận thức và tình yêu của Ngài. Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa của tương quan.

Không gì, thậm chí ngay cả Thiên Chúa, có thể tồn tại một mình và tách biệt. Tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa gợi cho chúng ta biết rằng chúng ta chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa qua tương quan của chúng ta – không chỉ trong tương quan Thiên Chúa với chúng ta, mà trong tương quan với toàn thể thế giới thụ tạo. Thiên Chúa Ba Ngôi chính là nguồn mạch và là nền tảng cho toàn bộ tương quan ngôi vị của chúng ta. Một cách hiểu việc chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài là chúng ta cũng được tạo ra trong tương – tương quan với Thiên Chúa, với nhau và với thế giới thụ tạo chúng ta đang sống.

Trong bài đọc một, Đức Khôn Ngoan được nhân hoá là tác phẩm đầu tay của Thiên Chúa, là người tham dự vào việc tạo dựng muôn loài. Hãy chú ý đến khía cạnh vui đùa của Đức Khôn Ngoan, không chỉ gợi nên hình ảnh một vị Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng mà còn gợi nên hình ảnh một vị Thiên Chúa đang vui cười với những thành quả của công trình do tay Người tạo dựng. “Ngày ngày”, Đức Khôn Ngoan vui thích với những gì Thiên Chúa làm nên, đặc biệt với “loài người”.

Sự dấn thân của Thiên Chúa với tạo vật đã không chấm dứt sau hành vi tạo dựng thuở ban đầu, mà vẫn tiếp diễn theo dòng lịch sử. Đặc biệt, chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước dòng lịch sử của việc làm thế nào mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, lại liên tục hiện diện với loài người Ngài đã dựng nên: giải thoát họ, tập hợp họ làm thành một dân tộc; và sau đó củng cố, khuyến khích, thử thách, quở trách rồi lại tha thứ cho họ.

Việc để ý đến bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp chúng ta đào sâu nhận thức về Một Chúa Ba Ngôi của chúng ta. Sách Châm Ngôn nhắc chúng ta về năng lực sáng tạo “thực hành” của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa “định vị bầu trời phía trên…cố định nền cho trái đất…đặt ranh giới cho biển cả…” Ngày nay, nếu chúng ta muốn đáp trả Đấng Tạo Dựng, như được gợi hứng từ bài đọc một, chúng ta phải cầu xin cho có được một đôi mắt rộng mở để có thể thấy công trình sáng tạo khéo léo của Thiên Chúa nơi vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Vì tạo vật sẽ giúp ta mở lòng trước mầu nhiệm Thiên Chúa chung quanh ta, chúng ta đáp trả những thúc giục trong Thánh Kinh bằng việc tôn trọng và quan tâm đến môi trường sống của chúng ta. Trong Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi này, một thái độ đáp trả thích hợp đối với Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng là tôn trọng và quan tâm tới các tác phẩm tự nhiên do Ngài tạo nên.

Đức Giêsu đã hứa gửi “Thánh Thần Chân Lý” đến với chúng ta. Thánh Thân Chân Lý sẽ giúp chúng ta gạt bỏ những điều giả trá và những vị thần giả tạo thế giới này tôn thờ: thần quyền lực và thống trị, thần ưu tiên và loại trừ, thần tiền tài và phồn thịnh, thần khoa học kỹ nghệ…

Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta và qua lời nói cũng như hành động của Người, công bố sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa cho thế giới này. Chúng ta học theo đời sống của Giêsu, lắng nghe lời Người, để cho hành động và thái độ của Người dẫn dắt, chia sẻ cái chết của Người và rồi cảm nghiệm sự sống mới trong sự phục sinh của Người. Qua Người chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta ngay lúc này đây và Ngài sẽ còn ở với chúng ta luôn mãi tới thời cùng tận.

Thánh Thần là sự sống thần linh của Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người chúng ta, giúp chúng ta chia sẻ tình yêu mật thiết giữa Cha và Con. Quà tặng tình yêu đó của Thánh Thần giúp ta thoát khỏi nô lệ cho những luật lệ và khuôn phép tôn giáo, ngõ hầu có thể đáp trả sự sống Thiên Chúa nơi chúng ta bằng một thực hành đức tin sáng tạo, tự do và tự nguyện, thực hành bằng việc biết yêu bản thân, yêu tha nhân và yêu thế giới thụ tạo quanh ta.

Vì thế, khi chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta không chỉ cử hành một tương quan riêng tư giữa các Ngôi vị Thiên Chúa. Chúng ta không phải là những khán giả chỉ biết nhìn vào một mầu nhiệm siêu việt nào đó trên trời mà mình tuyên xưng, mà không thực sự nhận ra mối liên hệ hàng ngày của nó với đời sống chúng ta. Nếu bỏ đi học thuyết về Chúa Ba Ngôi, liệu điều đó có tạo ra khác biệt gì trong việc thực hành đức tin, việc giáo dục tôn giáo, các bài giảng…? Dĩ nhiên là có! Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ là mầu nhiệm chúng ta hướng đến mỗi ngày Chủ nhật, khi chúng ta tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính. Ngược lại, mầu nhiệm này tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa liên hệ thế nào với chúng ta và chúng ta liên hệ thế nào với Thiên Chúa, với bản thân và với thế giới xung quanh.

Lm Jude Siciliano, OP
Anh Em Học Viện Đaminh chuyển ngữ

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/thien-chua-ba-ngoi-thien-chua-cua-tuong-quan/