Trích từ Dân Chúa

Thiên Chúa Ba Ngôi: Sứ điệp của sự Hiệp Nhất

Lm Jos Đinh Công Phúc

Mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi đòi hỏi lòng cảm mến tin yêu hơn là sự hiểu biết. Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa mà chúng ta tin lại có Ba Ngôi. Có lẽ đã nhiều lần chúng ta được nghe câu chuyện về thánh Augustine, một trong những vĩ nhân của Giáo hội Công Giáo đã cố gắng đào sâu sự hiểu biết về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực sự thì ngài đã không cố gắng hiểu biết chính mầu nhiệm này của Thiên Chúa cho bằng đi tìm những sứ điệp của Thiên Chúa cho nhân loại qua mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Một trong những khám phá của ngài về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa (the Trinity as Divine Being-in-Love). Mầu nhiệm hiệp nhất này của Thiên Chúa nên được nhấn mạnh như là cốt lõi cũng như một sứ điệp mãnh liệt cho sự hiệp nhất của nhân loại, cách riêng cho chính chúng ta hôm nay.

Khi nói đến ba ngôi nhưng một Chúa, chúng ta liên tưởng ngay đến những mối liên hệ mật thiết của một công đoàn. Thiên Chúa không đơn độc, mặc dù chỉ có một Thiên Chúa. Ngài là một cộng đoàn – ba ngôi riêng biệt, nhưng một Chúa. Nói đến một cộng đoàn Ba Ngôi, chúng ta nghĩ ngay đến những mối liên hệ. Ba ngôi Thiên Chúa đồng bản tính, cùng uy quyền, hiệp nhất trong tình yêu (same nature, equality, unity in love). Đây là mẫu mực của một cộng đoàn hoàn hảo nhất, vì lẽ, sự hiệp nhất của Thiên Chúa được gắn kết bởi chính Ngài là tình yêu (1 Ga 4: 8); và sự bình đẳng tuyệt đối giữa Ba Ngôi – đến nỗi ba mà là một. Sự hiệp nhất này của Tình Yêu là khuôn mẫu cho bất cứ sự hiệp nhất nào của nhân loại, vì lẽ, chính vũ trụ và nhân loại là hoa trái của mầu nhiệm tình yêu là chính Thiên Chúa.

Chúng ta được sinh ra bởi hoa trái của tình yêu. Mỗi con người là hoa trái của chính tình yêu Thiên Chúa. Dĩ nhiên mỗi người cũng là hoa trái tình yêu của cha mẹ mình. Đây là giá trị cao cả nhất của sự sống và mạng sống của mỗi chúng ta. Hy vọng rằng không ai bị coi là kết quả của một sự lầm lỡ hoặc “vỡ kế hoạch.” Giả sử một ai đó trong chúng ta đây phát hiện ra rằng mình là kết quả của một sự lầm lỡ hoăc vỡ kế hoạch, bạn sẽ nghĩ gì? Nếu đó là một điều không thể chấp nhận được, bạn nghĩ gì về “nạn phá thai” trong xã hội của chúng ta hôm nay?

Cũng hy vọng rằng sẽ không ai còn bị đối xử thiếu công bằng, thiếu nhân bản, thiếu văn hóa. Quyền lợi và phẩm giá làm người được tôn trọng. Quyền công dân được đối xử đúng pháp luật. Đây là vấn nạn đang được đề cập rất nhiều trong xã hội của chúng ta hôm nay. Một xã hội được coi là văn minh, thì những quyền làm người phải được đặt lên hang đầu. Mầu nhiệm và hoa trái của Ba Ngôi kêu gọi chúng ta phải đứng thẳng và đứng vững trong lập trường của Kitô giáo về sự sống, mạng sống và quyền làm người của mỗi người. Sứ mạng đầu tiên của Kitô giáo phải là bảo vệ và dấn thân cho quyền làm người và phẩm giá của con người. Đây là cốt lõi của Tin mừng. Có lẽ pháp luật đã qui định khá rõ. Nhiệm vụ của chúng ta là đào sâu những lý do của Tin mừng để góp phần làm cho luật pháp được hoàn thiện hơn. Nhờ đó, quyền làm người và phẩm giá của con người được thực sự tôn trọng. Để thực hiện được điều này, không thể nói vu vơ, võ đoán. Cần có những những nghiên cứu và trình bày một cách nghiêm túc, rõ ràng, trong tinh thần cởi mở xây dựng. Những nghiên cứu không chỉ được đặt nền trên Tin mừng, nhưng còn phải liên hệ tới văn hóa, xã hội, hoàn cảnh sống hiện tại để có sức thuyết phục mạnh đủ, có thể cải hóa lương tâm và cách nhìn. Đây phải là công việc chung của tất cả chúng ta mà đòi hỏi là chính mầu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Khi nói đến ba ngôi mà một Chúa, chúng ta cũng được nhắc nhở về tình yêu cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi. Ngài yêu mỗi con người một cách riêng, ngay từ khi họ được tạo dựng, và thậm chí trước cả khi vũ trụ được tạo thành (Ga 17: 24). Chính vì thế, mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi đòi buộc chúng ta phải bước qua những rào cản đang chia rẽ nhân loại và thế giới, với nhiều thủ đoạn và tham vọng, kể cả việc nhân danh tôn giáo và Thiên Chúa. Thánh Augustine đã viết: “Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta như chỉ có duy nhất chính bạn hoặc tôi để yêu.” Lý do đơn giản, vì mỗi người là hoa trái của tình yêu là chính Ngài. Có thể có một số người nghĩ và sống một cách ích kỷ: rằng, một sinh linh nào đó là kết quả của một sự lầm lẫn hoặc tội lỗi; rằng giá trị của con người được đánh giá bởi học thức, chức vụ, cấp bậc, tiền bạc hoặc tài sản. Nhưng, Thiên Chúa không thể lầm. Ngài luôn muốn nói một điều gì đó cho nhân loại. Ngài yêu mỗi người và từng người với tất cả tình yêu của Ngài, đơn giản như chính họ là. Nếu chúng ta tin vào một người Cha đầy yêu thương như thế, có lẽ chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về anh em mình. Một điều chắc chắn rằng, Thiên Chúa không thiên vị ai; Ngai cũng không muốn ai bị loại trừ (Cv 10: 28, 34- 35). Mầu nhiệm Ba Ngôi một lần nữa nhở và khẳng định cho chúng ta điều này.

Mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi cần xét lại một số cách suy nghĩ.

Thứ nhất, nhân loại nói chung có một mối liên hệ mật thiết không chỉ với Thiên Chúa, nhưng với nhau và với vũ trụ này. Người trong bốn bể đều là anh em là thế! Những rạn nứt và chia rẽ trong xã hội và thế giới có lẽ đã quá đủ. Cái mà chúng ta cần ngày hôm nay là tình liên đới, sự tha thứ, hòa giải, và hiệp nhất. Những khác biệt của nhân loại phải được nhìn với những lăng kính tích cực hơn. Chúng là sự phong phú và giàu có của nhân loại, hơn là những lý do cho chia rẽ, bất đồng và chiến tranh. Ngoại trừ một số những sai lầm phản đạo đức, phản văn hóa, phản lại giá trị và phẩm giá của con người, cần phải sửa đổi, còn lại đa dạng và khác biệt là chính hoa trái của tình yêu. Chúng cần được trân trọng. Chúng cần được góp phần làm giàu thêm những kinh nghiệm, tri thức cũng như phẩm giá của chúng ta. Liên đới, tha thứ, hòa giải và hiệp nhất là cần thiết.

Thứ hai, hơn lúc nào hết, Giáo hội cần lên tiếng bảo vệ sự sống và mạng sống của con người. Bất kể họ là ai, họ đều có chung một nguồn gốc là chính Thiên Chúa. Dù con người có sống thế nào và ngay cả họ chối từ Thiên Chúa, Ngài cũng không từ bỏ ý định cứu độ họ. Họ vấn ở trong tình yêu của Ngài, và có một mối liên hệ mật thiết với Ngài và với chúng ta. Vì thế, đức tin kitô giáo đòi buộc chúng ta phải lên tiếng để bảo vệ sự sống và phẩm giá của mọi người, kể cả những ai chưa được sinh ra. Sứ mạng của Giáo hội là gì, nếu không phải là để cứu độ những người tội lỗi và lạc lối? Mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi đòi buộc Giáo hội phải lên tiếng và dấn thân.

Thứ ba, hiệp nhất là mầu nhiệm của Ba Ngôi và cũng chính là mầu nhiệm cũng như mục đích của Giáo hội. Để có sự hiệp nhất đòi hỏi phải có một sự cố gắng mãnh liệt và dấn thân thực sự. Nó đòi hỏi ngay cả phải hiến dâng chính mạng sống mình, không phải để chiều theo đòi hỏi của một định chế nào, mà là đòi hỏi của phẩm giá của con người. Nếu sự dấn thân và hiến dâng chỉ là để thỏa hiệp, hoặc là để đáp ứng những nhu cầu cơ cấu hoặc giá trị trần thế, sự hiệp nhất tạm bợ này sẽ không tồn tại. Thậm chí nó có thể phản nhân loại và đi ngược lai Tin mừng. Cốt lõi của sự hiệp nhất phải là tình yêu cho phẩm giá của con người. Việc nhập thể và sự sẵn sàng bị giết chết của Đức Giêsu, đơn giản, chỉ là để làm chứng là phục hồi lại nhân phẩm của con người. Phải chăng mầu nhiệm tình yêu và hiệp thông của Ba Ngôi cũng kêu gọi Giáo hội làm chứng, dấn thân cho phẩm giá con người và sự hiệp nhất thực sự với Thiên Chúa của nhân loại?

Lm Jos Đinh Công Phúc

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/thien-chua-ba-ngoi-su-diep-cua-su-hiep-nhat/