Trích từ Dân Chúa

Thầy là ai?

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Câu hỏi thường xuyên nhất khi muốn biết về một người, và cũng là câu hỏi bình thường nhất khi muốn biết người khác nghĩ về mình.

Có hai chiều kích, cá nhân và người khác.

Cá nhân.

Benjamin Franklin nói về ba điều cứng và khó nhất: Thép, kim cương và biết mình. Biết mình là ai, không chỉ là những câu nói xác định mà còn là hành vi biểu lộ mỗi ngày sống.

Biết mình là ai? Đó là bí quyết đầu tiên để thành công trong nhiều sự việc. Lý thuyết để biết mình là ai có nhiều, nhưng có một bí quyết không thể thiếu, cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, để lãnh hội Ý Chúa Cha muốn thực hiện trong cuộc đời của Ngài. Chúa Giêsu quả quyết: “lương thực của Thầy là thi hành ý chúa Cha” (Ga 4, 34).

Mỗi cuộc đời con người đều là một tinh hoa của trái đất, được Thiên Chúa trao tặng một phẩm vị quan trọng. Cả cuộc đời con người, học hành, hiểu biết và sống là một chuỗi dài liên tục triển khai tinh hoa phẩm vị của mình. Con người không thể tự chiêm ngắm mình để hiểu biết mình, vì mỗi người có một sứ mệnh đặc biệt được Thiên Chúa trao cho. Biết sứ mệnh của mình cần có một đòi hỏi cầu nguyện không ngừng để biết Ý muốn của Thiên Chúa nơi mình. Ý muốn ấy là đặc sắc của mỗi người được Thiên Chúa mời gọi điểm tô cho trần thế.

Không một ai là bị bỏ đi trước mặt Thiên Chúa. Douglas Malloch diễn tả trong một bài thơ: “Nếu như bạn không thể trở thành cây tùng trên đỉnh núi thì hãy làm một cây nhỏ trong khe núi, nhưng phải làm một cây nhỏ tốt nhất bên bờ suối. Nếu như bạn không thể trở thành một cây lớn thì hãy làm một lùm cây nhỏ; nếu như không thể trở thành một lùm cây nhỏ thì hãy làm một thảm cỏ nhỏ”.

Để biết mình luôn luôn là một điều chỉnh: Chúa Giêsu khuyên: “Hãy nên trọn hảo như Cha trên trời là Đấng trọn hảo” (Mt 5, 48). Điều chỉnh lại mình, đó là con đường hoàn thiện chính mình, để chính mình biết mình hơn và sống xứng đáng hơn. Biết mình có nhiều khiếm khuyết, biết mình cũng nhiều yếu đuối…đó là cái biết để sống khiêm nhường và thông cảm với người khác. Biết mình, sửa mình, con đường không ai đi thay thế cho.

Người khác.

Cuộc sống mỗi con người còn là cuộc sống với và sống cho. Chính vì thế, mỗi cuộc đời con người là đối tượng hiểu biết của người khác. Người khác nghĩ gì về mình, câu hỏi rất thường xuyên. Chúa Giêsu cũng thắc mắc như thế về mình.

Phản ánh của mỗi người bao hàm những tâm tư nghĩ về đối tượng được hỏi. Chúa Giêsu thấy qua con mắt người chung quanh:

Trong mỗi người chúng ta, người khác có thể đánh giá nhiều điều tốt đẹp về chúng ta, nhưng điều tốt đẹp nhất có thể ít ai biết đến, nhận ra, chúng ta là con Thiên Chúa. Chính vì là con Thiên Chúa nên nhiều lần, nhiều khi được thông phần vào những nỗi quẫn bách, chịu nhiều sỉ nhục và có khi bị giết chết và được sống lại cùng Thiên Chúa.

Hiểu biết về mình là con Thiên Chúa sẽ làm vơi đi những đau khổ của chính mỗi người, khi bị hiểu lầm, khi chịu nhiều thử thách... Để cùng chết với Chúa Kitô và được cùng sống lại với Ngài.

Thầy là ai? Và con là ai? Luôn là câu hỏi để đối chiếu giúp con nên giống Chúa hơn mỗi ngày. Xin giúp con “biết Chúa và biết con” (Augustine).

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/thay-la-ai/