Trích từ Dân Chúa

Thánh vịnh 90 mở đầu Lễ Tro và Mùa Chay Cả: Đời người như cỏ úa

Lê Đình Thông

‘‘Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi tro từ đất nặn ra con người’’. (St, 2,7). Bụi tro vườn địa đàng còn được nhắc lại qua câu nói của Abraham: ‘‘Con là thân tro bụi’’ (St 18,27). Trong sách Giảng viên, bụi tro trở thành quy luật phổ quát: ‘‘Mọi sự chỉ là phù vân, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất’’ (Gv 3,20). Sau cùng, tro bụi là hiện thân của con người ‘‘Làm sao tro bụi lại dám kiêu căng’’ (Hc 10,9). Thánh Vịnh luôn nhắc nhở thân phận bụi tro của con người: ‘‘Người nhớ ta chỉ là cát bụi’’ (Tv 104,14) và ‘‘Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi’’(Tv 90,3). Đời người như cỏ úa (Tv 90,4).

Trong cổ văn Do thái, ‘‘apar’’ (bụi tro) vừa là đối cách (accusative), nhưng còn là đồng vị ngữ (apposition): bụi tro là chính con người. Thánh vịnh 90 là lời sám hối của nhân trần, khởi đi từ lễ tro, trải qua 40 ngày mùa chay cả. Nhân trần (人 塵): trần (塵): bụi, diễn tả trọn vẹn ý nghĩa trong Kinh Thánh. Chúng tôi chuyển thể Thánh vịnh 90 qua mấy vần thơ lục bát để giữ nguyên thể loại thi ca của Thánh vịnh. Bài thơ lục bát dựa vào bản tiếng Pháp của Marc Girard trong Les Psaumes redécouverts (Ed. Bellarmin, trang 500-501), dịch từ cổ ngữ Do Thái.

dnncu.jpg

Thánh Vịnh 90:

Chúa là nơi chốn tựa nương,
Ngàn muôn thế hệ bước đường thảnh thơi.
Chúa tôi hằng có đời đời,
Trước khi đồi núi đất trời tạo sinh.
Chúa ban kiếp sống hữu hình,
Cũng đành quay lại hành trình bụi tro.
Ngàn năm thoáng chốc vật vờ,
Như vầng nhật nguyệt giấc mơ một ngày.
Đêm khuya thao thức canh chầy,
Đời người cỏ dại đong đầy sót sa.
Cỏ lau số kiếp người ta,
Phù du sớm tối phôi pha hững hờ.
Bao năm lầm lỗi mập mờ,
Trước nhan Thánh Chúa thẩn thơ tội trần,
Cuộc đời như tiếng than van,
Tuổi đời bẩy chục phai tàn tháng năm.
Bát tuần chẳng đáng bao lăm,
Đường trần vinh nhục tối tăm tội đầu.
Cuộc đời én liệng qua mau,
Nắng mưa từng trải dãi dầu biển dâu.
Cuộc đời lầm lỡ đã lâu,
Chúa tôi bớt giận nhiệm mầu sáng soi.
Khôn ngoan tỉnh thức một đời,
Xin Ngài ngoảnh lại ơn Trời sắt son.
Chúa ơi trở lại cùng con,
Ơn lành sớm tối mỏi mòn cỏ may.
Cuộc đời ngậm đắng nuốt cay,
Vui ca tình Chúa phúc thay tháng ngày.
Chúng con tôi tớ đời này,
Công trình cứu chuộc ngất ngây cậy nhờ.
Cháu con hiệp ý tôn thờ,
Lòng nhân từ Chúa bến bờ biển khơi.
Xin Ngài cứu giúp người đời,
Việc làm nhân thế ơn trời thắm sâu.

Sách Job so sánh đời người với thoi đưa, là hơi thở não nuột:

Cuộc đời thấm thoắt thoi đưa,
Ngọn đèn vừa tắt sớm trưa miệt mài.
Đời người như tiếng thở dài,
Niềm vui chưa thấy hình hài nát tan. (G 8,6)

Tháng ngày như bước chân qua,
Như thuyền lướt sóng nhạt nhòa tẻo teo.
Tháng ngày chim phượng bay vèo,
Cánh chim mòn mỏi trông theo cuối trời. (G 9,25-26)

Chủ đề con người phải chết được nói trong các Thánh vịnh: 8,5; 9,21; 10,18; 78,39; 104,29. Chủ đề đời người ngắn ngủi được nói trong Thánh vịnh: 39,5; 103,14; 144,3-4. Cuối đường cái chết chực chờ được nói đến trong Thánh vịnh 49,8, 82,6-7; 109,23. Cả ba chủ đề được triển khai trong Thánh vịnh 90. Chính vì sự cộng hưởng này, một số tác giả cho rằng Thánh vịnh 90 là sự tổng hợp của hai bài thơ. Tuy nhiên, cả hai liên kết chặt chẽ tạo sự nhất quán.

Cổ tục Do Thái luôn gắn bó với tổ phụ Moïse. Vì vậy, Thánh vịnh 90 mang tên ‘‘Lời cầu nguyện của Moïse’’.

1) Hai câu 1-2: ca tụng Thiên Chúa hằng cửu. Tiếp theo, chủ đề nói lên cảm nghiệm của Cựu Ước về kiếp nhân sinh và cuộc đời ngắn ngủi. Thánh vịnh mở đầu bằng lời cậy trông vào lòng lân tuất của Thiên Chúa từ đời này đến đời khác, được các thế hệ nói tiếp nhau cầu nguyện. Theo Bruna Costacurta, thành ngữ Do Thái: umeolam ‘ad ‘ôlam, lập lại hai lần ‘‘olam’’ nói lên Thiên Chúa bất diệt. Thiên Chúa là đấng vô thủy vô chung (無 始 無 終). Thiên Chúa có trước khi tạo thành vũ trụ (cosmos):

Chúa tôi hằng có đời đời,
Trước khi đồi núi đất trời tạo sinh.

Núi (harîm), đất, trời vốn có từ muôn đời, trong khi đời người thoáng qua, chỉ là nhất thời:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương. (Bà Huyện Thanh Quan)

Sách Giảng viên cũng nói lên sự tương phản giữa trái đất và đời người:

Bao nhiêu thế hệ một thời,
Đất lành chim đậu muôn đời náu thân. (Gv 1,4)
Chúa là nơi chốn tựa nương,
Ngàn muôn thế hệ bước đường thảnh thơi.

‘‘Nơi chốn tựa nương’’: Marc Girard phân biệt giữa: ma‘ôz (pháo đài) và mã’ôn (nhà ở). Các tác giả đều coi: Chúa là nơi chốn tựa nương, Theo Costacurta, ma‘ôn (nhà ở) có liên hệ đến núi đá ở câu kế tiếp có nghĩa Chúa là nơi trú ẩn chắc chắn.

2) Câu 3-4:

Chúa ban kiếp sống hữu hình,
Cũng đành quay lại hành trình bụi tro.
Ngàn năm thoáng chốc vật vờ,
Như vầng nhật nguyệt giấc mơ một ngày.

Thánh vịnh 90 sử dụng một số kỹ thuật trong cổ thi Do Thái (poésie hébraïque), trong số có phép đối, được thể hiện qua các từ phản nghĩa (antonymes), tương tự như phép đối ngẫu (對 偶) trong cổ văn nước ta. Cũng đành quay lại hành trình bụi tro của câu 4 tương phản hoàn toàn với Chúa tôi hằng có đời đời. Cái chết nói lên thân phận mong manh của con người. Chúa bắt con người trở về tro bụi để nương náu trong Nhà Chúa ở chốn đời đời. Theo Costacurta, Thánh vịnh 90 sử dụng từ ngữ Do Thái: dakkã, có gốc dkk có nghĩa là nghiền nát. Từ ngữ này thể hiện ý nghĩa cái chết khiến con người trở về tro bụi hư vô trong lòng đất mẹ (terre-mère). Hình ảnh này hoàn toàn tương phản với Thiên Chúa trường tồn, ngàn năm cũng chỉ như một ngày.

3) Câu 5-6:

Đêm khuya thao thức canh chầy,
Đời người cỏ dại đong đầy sót sa.
Cỏ lau số kiếp người ta,
Phù du sớm tối phôi pha hững hờ.

Theo Robert Alter trong L’art de la poésie biblique, câu 5 được coi là một trong các câu tinh tế nhất trong Kinh thánh. Đối với Thiên Chúa, ngàn năm thoáng qua như một trống canh trong đêm dài vĩnh cửu. Đời người còn được so sánh với cơn mộng, có khi là mộng lành làm ta tiếc nuối mỗi khi hồi tưởng. Cuộc đời chỉ là giấc mộng: mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Nhiều khi không biết đâu là thực, đâu là mộng. Mộng đời tan biến trước cánh cửa bình minh. Sự mong manh còn được biểu hiện qua cỏ may. Ẩn dụ (métaphore) ‘‘cỏ may’’ nói lên cuộc sống ở Palestine: cỏ mọc thưa thớt trên mảnh dất khô cằn, chỉ cần một ngày nắng gắt cũng đủ làm cỏ úa. Theo Costacurta, hai thuật ngữ cổ văn Do Thái: babboqer (sớm), la’ereb (tối) nói lên kiếp sống phù du, sớm nở tối tàn.
Đời người như cỏ dại, đẹp như hoa đồng nội. Một năm có bốn mùa. Đời người có những lúc đẹp đẽ. Nhưng mộng đẹp nào rồi cũng tàn phai. Tiên tri Isaia phán rằng:

Đời người cỏ mọc xanh rì,
Vinh hoa phú quý khác gì cánh hoa. (Is 40,6)

4) Câu 7-10:

Bao năm lầm lỗi mập mờ,
Trước nhan Thánh Chúa thẩn thơ tội trần,
Cuộc đời như tiếng than van,
Tuổi đời bẩy chục phai tàn tháng năm.
Bát tuần chẳng đáng bao lăm,
Đường trần vinh nhục tối tăm tội đầu.
Cuộc đời én liệng qua mau,
Nắng mưa từng trải dãi dầu biển dâu.

Bao năm lầm lỗi mập mờ cắt nghĩa vì sao đời người lại quá ngắn ngủi. Thiên Chúa cho con người nhận biết tội lỗi để được thứ tha. Chính vì vậy, ‘‘cuộc đời như tiếng than van,’’. Cổ ngữ Do Thái hegeh gốc hgh có nghĩa là thở dài. ‘‘Murmure’’ (tiếng Pháp) hoặc ‘‘thở dài‘’ (tiếng Việt) đều là từ tượng thanh (onomatopée), nói lên phận người. Đời người là tiếng thở dài não nuột. Sau đó chỉ còn là sự yên lặng. Đời nhiều trải qua nhiều đắng cay, đau khổ, thoáng qua như cánh chim cuối trời, như bóng câu qua cửa sổ. Đổng từ wp trong cổ ngữ Do Thái nói đến chim bay: Đời người như một cánh chim, chợt đến rồi biến mất tận chân mây cuối trời. Tiếng thở dài khác nào tiếng chim trời vỗ cánh.

5) Câu 11-12:

Cuộc đời lầm lỡ đã lâu,
Chúa tôi bớt giận nhiệm mầu sáng soi.
Khôn ngoan tỉnh thức một đời,
Xin Ngài ngoảnh lại ơn Trời sắt son.

Câu 11 nói đến cơn giận Thiên đình để tiếp nối là lời cầu xin của nhân gian: khôn ngoan nhận ra tội lỗi và cái chết.

6) Câu 13-17:

Chúa ơi trở lại cùng con,
Ơn lành sớm tối mỏi mòn cỏ may.
Cuộc đời ngậm đắng nuốt cay,
Vui ca tình Chúa phúc thay tháng ngày.
Chúng con tôi tớ đời này,
Công trình cứu chuộc ngất ngây cậy nhờ.
Cháu con hiệp ý tôn thờ,
Lòng nhân từ Chúa bến bờ biển khơi.
Xin Ngài cứu giúp người đời,
Việc làm nhân thế ơn trời thắm sâu.

Thánh vịnh 90 là lời khẩn cầu của thế nhân muôn thuở (Chúng con tôi tớ đời này): Xin Ngài cứu giúp người đời, Việc làm nhân thế ơn trời thắm sâu. Đức khôn ngoan mời gọi con người cầu nguyện và cậy trong vào lòng nhân từ của Chúa. Chỉ có Chúa mới biến lệ sầu thành hoan lạc như kinh hòa bình của thánh Phanxicô. Con người như cỏ non buổi sớm tàn úa lúc xế chiều. Trải qua bao nỗi đắng cay khổ lụy tục lụy, con người mong mong đợi bình minh hồng ân cứu chuộc nơi Thiên Quốc.

Thánh vịnh 90 mang hình thức thủ vĩ ngâm (首 尾 吟) trong thi pháp Đường thi: câu đầu câu cuối giống nhau. Bốn câu đầu ca tụng Chúa là đấng hằng có đời đời là chốn tựa nương của phàm nhân:

Chúa là nơi chốn tựa nương,
Ngàn muôn thế hệ bước đường thảnh thơi.
Chúa tôi hằng có đời đời,
Trước khi đồi núi đất trời tạo sinh.
Mấy câu cuối trở lại ý nghĩa ban đầu:
Cháu con hiệp ý tôn thờ,
Lòng nhân từ Chúa bến bờ biển khơi.
Xin Ngài cứu giúp người đời,
Việc làm nhân thế ơn trời thắm sâu.

Kết luận:

Thánh vịnh 90: phận đời như cỏ úa mở đầu mùa chay. Trong ngôn ngữ Tây phương ‘‘Carême’’ (mùa chay) gốc tiếng la tinh quadragesima (dies): ngày thứ tư. Tiếng Pháp cổ viết là quaresme, biến thể thành la carême, tiếng Ý viết là quaresima, tiếng Tây Ban Nha: cuaresma. Ngày xưa viết là (sainte) quarantaine. Ta thường gọi là mùa chay cả. Cách viết của các ngôn ngữ tây phương đều có gốc Hy Lạp: τεσσαρακοστή (tessarakostè). Mùa chay bắt đầu từ ngày thứ 40 trước lễ Phục Sinh, khác với lễ Hiện Xuống cử hành ngày thứ 50 sau lễ Phục Sinh. Pentecôte (Lễ Hiện Xuống) gốc tiếng Hy Lạp πεντηκοστή [pentèkostè] có nghĩa là ngày thứ 50. Tiếng Hy Lạp hiện nay gọi mùa chay là σαρακοστή (sarakosti).
Thuở xưa, mùa chay bắt đầu từ chủ nhật 40 ngày trước thứ năm tuần thánh. Đúc Thánh Cha Grégoire le Grand định ngày bắt đầu mùa chay vào thứ tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ bẩy Tuần Thánh, 40 ngày ăn chay kiêng thịt, trừ các ngày chủ nhật. Thời kỳ 40 ngày là 40 ngày Chúa Giêsu sống trong sa mạc: Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, người không ăn gì cả và khi hết thời gian đó, thi Người thấy đói. (Lc 4,1-2)

dnncu2.jpg

Chúa Giêsu cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc

Phụng vụ Lễ Tro diễn tả ý nghĩa Thánh Vịnh 90 về sự thống hối và niềm mong đợi Chúa quay về. Ý nghĩa của Thánh vịnh 90 được thể hiện qua ca khúc Cát Bụi của Trịnh Công Sơn, xin chép lại thay cho lời kết luận.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày

Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay.

Paris, ngày 25 tháng 2 năm 2009

Lê Đình Thông

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/thanh-vinh-90-mo-dau-le-tro-va-mua-chay-ca-doi-nguoi-nhu-co-ua/