Trích từ Dân Chúa

Sức Mạnh Của Sự Sống

Lm Hồng Phúc

Kính thưa quý cộng đoàn,

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng về Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con…

Ở ngay công thức tuyên xưng đầu tiên, chúng ta đã tuyên xưng Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, Đấng ban sự sống. Chính vì vậy, khi lật giở những trang đầu tiên của Cựu Ước thì trong sách Sáng Thế đã mô tả, Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước… Một cách diễn tả Chúa Thánh Thần là sự sống và là Đấng ban sự sống. Sự sống được thể hiện khi Đức Chúa Trời thổi hơi vào lỗ mũi ban sự sống cho con người đầu tiên Adam, Eva. Một hình thức diễn tả rất đơn sơ nhưng rõ ràng, rằng: Hơi thở là sự sống. Hơn nữa còn là hơi thở của Thiên Chúa là chính sự sống của Thiên Chúa. Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng hiện xuống trên các thánh Tông đồ trong ngày lễ hôm nay.

Chúa Giêsu cũng trao ban Thánh Thần khi Người thổi hơi trên các Tông đồ và phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20,22-23). Chúng ta thấy sự sống được nâng lên… Không phải sự sống thể lý mà còn là sự sống tâm linh: Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại. Quyền lực ấy đến từ Thánh Thần, tội bị cầm lại là sự chết, tội được tha là sự sống. Vì vậy thánh Gioan nói với dân chúng rằng: “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần” (Mt 3,11).

Như vậy Thánh Thần là sự sống siêu nhiên, không chỉ là sự sống cho các tín hữu mà thôi mà còn tôn vinh sự sống của Thiên Chúa nữa.

Tại sao chúng ta nói như vậy, bởi lẽ, chúng ta bắt đầu từ sự sống nơi Chúa Thánh Thần. Tất cả chúng ta quan sát các hoạt động trong hệ mặt trời cho thấy là, muôn vật trên trái đất sáng lên là nhờ phản chiếu từ ánh sáng mặt trời, kể cả mặt trăng sáng lên, cũng là nhờ mặt trời bừng chiếu sáng. Vậy ánh sáng từ mặt trời do đâu? Các nhà khoa học phân tích rằng: Ánh sáng từ mặt trời là do chính năng lượng từ mặt trời tiêu hao, toả sáng ra. Vì thế, mặt trời trước đây năm tỉ năm là một mặt trời đỏ rực, còn bây giờ mặt trời của chúng ta được các nhà khoa học gọi là Chú lùn vàng. Bởi lẽ, năng lượng mặt trời tiêu hao và ngả sang màu vàng. Rồi thời gian sẽ trôi qua, từ mầu vàng, mặt trời sẽ ngả sang mầu trắng. Khi không còn năng lượng tiêu hao thì chu trình vật chất sẽ bị co lại. Mặt trời nguội lạnh, đồng thời bị tiêu tan. Quả vậy, nếu mặt trời không còn tiêu hao chính mình nó sẽ bị tự huỷ do chu trình vật chất co giãn theo nhiệt độ, khi không có năng lượng cho mình thì vật chất sẽ bị phá tan.

Từ những quan sát khoa học thực tế, chúng ta hiểu một chút về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật ra, đã là mầu nhiệm, chúng ta không thể hiểu hết được … nhưng từ thực tế chúng ta có thể hình dung được phần nào Thiên Chúa Ba Ngôi sống bằng năng lượng tình yêu toả sáng. Năng lượng tình yêu làm cho Thiên Chúa Ba Ngôi luôn sống động, Đó là chính Thánh Thần, Đấng Nhiệm xuất từ tình yêu Chúa Cha và Chúa Con. Ngày nào không còn năng lượng tình yêu thì mặt trời công chính kia cũng sẽ tắt. Vì thế, thánh Phaolo khuyên nhủ chúng ta rằng: “Anh em đừng dập tắt lửa Chúa Thánh Thần” (Ep 4,30 ). Mỗi người chúng ta sống được trong đời sống tâm linh cũng là nhờ hơi thở hay là gió của Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần - Đấng ban sự sống thì chúng ta hãy nghe lời Kinh Thánh nói:

“Ngài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay,
mà trở về cát bụi.
Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.”
(Tv 103, 29 - 30)

Quan trọng như vậy, cho nên Chúa Giêsu nói với các Tông đồ rằng: “Còn nhiều điều Thầy muốn nói với các con, nhưng bây giờ các con chưa thể hiểu được. Khi nào Thần Chân Lý, Đấng từ Cha Thầy mà đến, Ngài dạy các con biết tất cả về sự thật.” (Ga 14,26 ) Đó cũng là lý do tại sao ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lại là ngày khai sinh Giáo Hội, vì Chúa Kitô nói rằng: “Ngày ấy các con không phải hỏi Thầy về điều gì nữa” (Ga 16,23). Chính Đức Giêsu đã dạy cho các Tông đồ từ chân tơ kẽ tóc mà các ông còn hỏi nhiều điều mà chúng ta thấy rất là ấu trĩ: “Xin Thầy tỏ Cha cho chúng con, và như thế chúng con lấy làm mãn nguyện” (Ga 14,8 ) đến nỗi Chúa Giêsu phải nói rằng: “Con không tin là Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Sao con còn nói xin tỏ Cha cho chúng con?” (Ga 14,10).

Với các Tông đồ khác thì hỏi rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy thiết lập nước Israel chăng?” (Cv 1,6). Chúa Giêsu cũng phải nói là: “Đây không phải là việc để các con nói về quyền năng của Thiên Chúa…”. Giacôbê và Gioan, hai Tông đồ thân tín nhất mà còn xin Chúa cho ngồi bên tả, bên hữu Chúa ngay trước khi Chúa đi chịu khổ nạn. Các ông tỏ ra không hề hiểu biết gì vì sắp đến lúc hoàn tất mà các Tông đồ không hề hỏi gì về công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, Chúa Giêsu nói rằng: Phải đợi Thánh Thần Chân Lý đến, dạy các con biết tất cả sự thật và ngày đó các con không phải hỏi Thầy điều gì nữa.

Đó là ngày hôm nay, ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày khai sinh Giáo Hội trần gian. Tất cả các Tông đồ đều tràn đầy Chúa Thánh Thần.

  1. Chúa Thánh Thần hiện xuống lấy hình lưỡi lửa biểu hiệu của sự thánh hoá, thiêu đốt, có sức mạnh biến đổi lòng người trong phút chốc để được cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, trong ngọn lửa tình yêu thánh hoá.
  2. Biểu hiệu thứ hai, gió mạnh thổi vào nhà. Đó là sức mạnh của sự sống.
  3. Ngoài ra còn có thêm biểu hiệu nữa là các Tông đồ nói tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng tất cả mọi người đều nghe tiếng mẹ đẻ của họ mặc dù họ đến từ khắp các miền trên thế giới.

Và như vậy, Chúa Thánh Thần là sự sống, là sức mạnh và là sự hiệp nhất. Vì nhờ Thánh Thần mà ngay từ giây phút đầu tiên, những người nói các thứ tiếng khác nhau lại hiểu chung trong một ngôn ngữ mà các Tông đồ đang nói. Vì vậy, ngày hôm nay, Giáo Hội ở khắp trần gian vẫn còn tiếp tục nói những thứ tiếng khác nhau nhưng hiểu chung trong Chúa Thánh Thần. Ngài là nguyên uỷ của sự hiệp nhất, nguyên uỷ của sự thánh thiện và nguyên uỷ của sự sống.

Một lần nữa, chúng ta cùng Giáo Hội tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống để như Chúa Thánh Thần đã xuống tràn ngập tâm hồn của các Tông đồ ngày xưa thế nào thì ngày nay Ngài vẫn sống và xuống trong tâm hồn mỗi tín hữu trên toàn Giáo hội như vậy.

Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, mời gọi mọi người chúng ta mở rộng lòng, đón nhận Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ hiểu biết những tiếng lạ và chúng ta sẽ hiểu biết nhau trong ngôn ngữ của tình yêu thương, hiệp nhất. Chúng ta biết Giáo hội là Mẹ và hiểu về Thiên Chúa là Cha. Chúng ta sẽ luôn có Thánh Thần cùng hoạt động và làm cho cả thế giới này cùng chung một ngôn ngữ Tình Yêu. Biết rằng, dù phân chia ở khắp mọi nơi nhưng như thánh Phaolô diễn tả: “Có nhiều chi thể khác nhau nhưng trong cùng một cơ thể” (Ep 4,16). Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động, liên kết mọi thành phần trong Giáo Hội trao ban sự sống cho Giáo Hội và hướng Giáo Hội về sự thánh thiện như Thiên Chúa là Đấng Thánh.

Xin Chúa Thánh Thần ngự đến tràn ngập vũ trụ và canh tân bộ mặt trái đất cũng canh tân tâm hồn mỗi người chúng con. Giáo Hội luôn nhắc chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi cầu khẩn điều gì: “...Chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông đồ thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con.”

Trong tâm tình đó, chúng ta mạnh mẽ tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống cho chúng ta. Amen.

Lm Hồng Phúc

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/suc-manh-cua-su-song/