Trích từ Dân Chúa

Sự sợ hãi, một chiến lược

Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, Năm A
(Ga 14,1-12)

Sự kêu gọi của Ðức Giêsu: "Các con đừng xao xuyến sợ hãi!" xem ra – ít là vừa thoáng nghe qua – là một điều không đơn giản. Bởi vì, khi chúng ta đã sợ hãi thì thật là vô ích, nếu như có ai đó lại nói với chúng ta là cứ can đảm lên, cần gì phải sợ sệt. Ðúng vậy, có những điều người ta không thể ra lệnh được. Và nếu một ai đó vẫn làm như thế, sẽ bị thiên hạ coi là một kẻ chỉ muốn đưa ra những lời an ủi lệch lạc rẻ tiền, bởi vì anh ta không có được một giải đáp thực sự cho vấn đề. "Các con đừng xao xuyến sợ hãi!" Ðó là điều dễ nói, nhưng không dễ làm.

Sự lo lắng sợ hãi hầu như có mặt trong tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống con người: Người ta sợ mất người yêu, sợ đời bất hạnh, sợ cho tương lai, sợ bị mất danh dự, mất ảnh hưởng, hay sợ trước những thử thách trong tương lai, sợ bệnh tật. sợ già nua, v.v…và cuối cùng là sợ chết! Người ta có thể nói rằng sự lo lắng sợ hãi thuộc về đời sống con người, tương tự như mây trong bầu trời. Rất có thể bầu trời vào mùa xuân hay mùa hè sẽ có một vài ngày hoàn toàn trong xanh, không chút vợn mây, thế nhưng đa số về chiều lại xuất hiện đâu đó những làn mây mỏng, tựa hồ như chúng muốn thu lại những giọt nước mắt lo sợ rải rác khắp nơi trong suốt cả ngày. Ông Horst-Eberhard Ricchter, một nhà nghiên cứu về hiện tượng sợ hãi, đã nói: "Sự sợ hãi là một màu sắc của cuộc sống chúng ta ". Và cảm giác đó rất mạnh, đến nỗi chúng ta có thể dễ để cho nó tự bộc lộ ra. Trong tình trạng như thế, lời động viên của Ðức Giêsu là " trên trời đang có chỗ dành cho chúng ta ", khó lòng giúp được gì nhiều. Ðiều hiệu quả trước tiên do những lời của Ðức Giêsu mang lại là cảm giác nhẹ nhàng, và cũng rất có thể là một sự an ủi qua loa nào đó về cuộc sống bên kia thế giới. Thế nhưng, trong "những chỗ ở hiện tại", trong cuộc sống thực tế mà chúng ta đang sống, mọi bụi bặm của sự lo lắng sợ hãi vẫn còn bám đầy khắp mình.

"Thầy là đường, là sự thật và sự sống"

Và những câu hỏi của các môn đệ cũng đã nói lên nỗi lo lắng và sự bất ổn của họ: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu cả, thì làm sao chúng con biết được đường?" (Ga 14,5). Câu hỏi đầy khắc khoải của các môn đệ đã nói lên rằng họ còn cần tới nhiều hơn nữa, chứ không chỉ những lời nói an ủi mà thôi. Họ cần một ai đó có thể cho họ biết rõ được những chắc chắn rõ ràng. Còn sự thối thác hay kiểu nói tránh né vòng vo về sự sợ hãi không mang lại được gì cả; thái độ phủ nhận hay đè nén sự lo lắng sợ hãi chỉ làm cho con người đâm ra bệnh hoạn mà thôi.

Lời đề nghị mà Ðức Giêsu đã đưa ra để vượt lên những nỗi lo âu sợ hãi về một cuộc sống bất ổn, là một điều hoàn toàn bất ngờ. Không phải tử vi, tướng số, bói toán hay một thủ đoạn gian dối nào khác nằm trong chương mục đề nghị của Người, nhưng là chính Người tự nguyện hy sinh: Chính Người là đường; chính Người là mục đích. Người là lối đi dẫn tới Thiên Chúa, là chân lý và là sự sống. Ai đã nhìn thấy Người, thì thấy Chúa Cha, và thấy Chúa Cha "ngay từ bây giờ" (Ga 14,7b).

Nhưng ai biết lấy Thiên Chúa làm "chân lý" đời mình và ai biết xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng đức tin vào Thiên Chúa, thì mọi lo lắng sợ hãi không còn lung lạc hay gây được ảnh hưởng trên người đó nữa. Và mặc dù những băn khoăn sợ hãi không biến khỏi cuộc đời con người như những con yêu tinh đáng ghét, nhưng chúng cũng không còn chi phối được trọng tâm của cuộc sống nữa. Chúng trở nên những hiện tượng thứ yếu. Vâng, những cảm giác sợ hãi vẫn còn đó, nhưng chúng không còn đủ khả năng làm tê liệt hay làm xáo trộn được tâm tư con người nữa. Trái lại, sự bình tĩnh, sự an hòa và lòng tin tưởng có thể thay đổi cả cuộc sống con người, và theo lời Ðức Giêsu "ngay từ bây giờ!"

Giờ đây, lời đề nghị của Ðức Giêsu - phải vượt thắng sự sợ hãi - vẫn luôn luôn mang tầm ảnh hưởng có tính cách quyết định trên cuộc sống con người: Ai nhận biết Ðức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống, người đó sẽ làm chủ và vượt thắng được những lo lắng sợ hãi của mình. Và điều đó gần như một sự thật đương nhiên.

Nhưng lời đề nghị của Ðức Giêsu, Ðấng là đường và là mục đích, được gắn liền chặt chẽ với một đức tin mạnh mẽ vào Người. Ðây là điều kiện đã được thánh sử Gioan nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay: Trong mười hai câu mà Ðức Giêsu đã nói tới sáu lần chữ "tin"! Ai muốn nhận biết Chúa Cha trong Ðức Giêsu, ai muốn cảm nghiệm trong Ðức Giêsu đường và mục đích để thắng vượt được những hoàn cảnh làm hoang mang sợ hãi cuộc sống, người đó chỉ có thể hiện thực được qua con đường đức tin mà thôi. Dĩ nhiên một đức tin như thế luôn đòi hỏi một sự can đảm và sự mạo hiểm "dám làm!"

Và là con người, chúng ta thường chỉ muốn trong vấn đề đức tin mọi sự phải rõ ràng, những chỉ dẫn trong các việc làm phải dứt khoát. Tất cả mọi vấn đề phải được giải thích minh bạch trước khi chúng ta chấp nhận một lời đề nghị như thế. Nhưng đó không phải là con đường đức tin. Trái lại, để bước đi trên con đường đức tin, tôi phải có một tương quan mật thiết với Ðức Giêsu Kitô, cả khi sự tương quan đó đang trong giai đoạn trắc nghiệm buổi đầu hoặc khi đã bước đi trên con đường đó rồi, người ta phải có lòng tin thực sự. Ðược như thế, bấy giờ người ta mới cảm nghiệm được rằng nhờ đức tin, cuộc sống con người mới có thể làm giảm bớt được những lo âu sợ hãi, bởi vì những điều có tính cách đe dọa trong cuộc sống hằng ngày đã được ánh sáng của Thiên Chúa soi chiếu.

Thiếu lòng can trường mạnh dạn, không thể có đức tin được. Ðó là sự can đảm mà mỗi cuộc gặp gỡ con người đều cần tới. Nhà thần học Josef Heer đã viết: "Có những cuộc gặp gỡ qua loa ngoài mặt, người ta gặp nhau - một cách đầy ấn tượng hoặc không - và sau đó người ta lại quên nhau. Nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ thân thiện sâu xa, đã tạo nên tình cảm đồng chí, bạn bè hay tình yêu, và kéo dài trong một thời gian lâu hoặc đôi khi suốt cả đời. Trong mỗi cuộc gặp gỡ sâu xa như thế, các người trong cuộc luôn tìm gặp được ý nghĩa trong sự trao đổi quan điểm, những ước muốn, những động viên, những quyết định, và trong tất cả những gì mà những lời nói đơn sơ đã nói lên với tất cả lòng thành thật. Cũng tương tự như thế trong lãnh vực đức tin, trong sự tương quan cá nhân của mỗi người với Ðức Giêsu Kitô!"

Nói tóm lại, sự khẩn thiết mà Ðức Giêsu đề cập đến trong đức tin vào Người, cũng muốn nói lên rằng một đức tin như thế có thể là hành động thực sự của cuộc sống. Có lẽ người ta còn phải nói là một "công việc của đức tin". Nhưng Herman Hesse, thi sỹ người Thụy Sỹ (1877-1962), đã nói: "Người ta phải tìm gặp được giấc mơ của mình, bấy giờ con đường đi sẽ trở nên dễ dàng".

Tuy nhiên giấc mơ của chúng ta không phải là giấc mơ, nhưng là một thực tại. Và thực tại đó là chính đức tin vào Ðức Giêsu Kitô. Chỉ đức tin bền vững mới có thể chỉ cho chúng ta con đường sống một cách đúng đắn được, ngay bây giờ và sang cả bên kia cuộc sống này nữa.

Lm Nguyễn Hữu Thy

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/su-so-hai-mot-chien-luoc/