Trích từ Dân Chúa

Rằng: Tôi Chút Phận Đàn Bà!

Giuse Nguyễn Thế Bài

CHÚA NHẬT PHỤC SINH (Ga 20, 1–9)

Khi nghe một người như tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khẳng định rằng vụ Hitler và Đức quốc xã thảm sát dân Do Thái trong thời đệ nhị thế chiến là chuyện bịa đặt, thì ai cũng lắc đầu thương hại ông tổng thống ưa tuyên bố vung vít nầy. Mới đây cô diễn viên đoạt giải Oscar 2007 Marion Cotillard trong phim La vie en rose quả quyết vụ tấn công khủng bố ở New York thực chất chỉ là do Hoa Kỳ dàn dựng vì mục đích chính trị và kinh tế : Phá hủy để xây lại thì rẻ hơn! Cô không tin Hoa Kỳ đã đổ bộ lên mặt trăng năm 1969. Điều khẳng định nầy trùng với một đoạn viết của báo Tuổi Trẻ Cười ở một trong những số phát hành đầu tiên. Những cái đầu bất bình thường! Dĩ nhiên chỉ có những cái đầu bất bình thường khác mới tin vào lời nói của họ.

Đập vào mắt nội dung những tuyên bố, tuyên ngôn, nghị định thư của các hội nghị phụ nữ thế giới từ trước đến nay, từ Mehico City (1975, Mehico), đến Copenhague (1980, Đan- Mạch), Nairôbi (1985, Kenya), sang hội nghị tại Bắc Kinh (1995,Trung Quốc), và Maputo, Mozambique năm 2003, là : “bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ với việc cho phép nạo phá thai bằng y khoa trong trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân và khi nếu tiếp tục mang thai sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ thể chất và tinh thần của thai phụ hoặc của phôi thai”. Trái với những gì người ta mong đợi, là gìn giữ các giá trị Châu Phi như là hòa bình, tự do, phẩm giá, công bằng, thì nghị định thư Maputo trong hội nghị gần đây nhất, hủy hoại các giá trị Châu Phi nói chung và của nữ giới nói riêng, như là từ chối làm mẹ, bị coi là một hình thức nô lệ; quyền nạo phá thai như là xâm phạm quyền được sống của bé sơ sinh; chủ nghĩa khoái lạc và tự do tình dục.

Những gì phụ nữ đã cố công xây dựng, lại cũng chính họ đã phá đổ: họ xây được một, thì đã tự tay làm hư đổ hai ba và thậm chí là nhiều hơn, cả những gì mà người khác xây đắp tô bồi. Phẩm giá con người là một quyền trong các nhân quyền, nhưng để cho quyền ấy được tôn trọng đã không dễ dàng gì, mà muốn nó ngày càng được thăng hoa, lại càng khó khăn. Những người đấu tranh nữ quyền (feminist) chỉ quẩn quanh với những mục tiêu giải phóng nữ giới khỏi mọi ràng buộc, kể cả thiên chức làm mẹ, để có thể tung hê cuộc đời, sống theo ý thích, ăn mặc, nói năng, hành xử theo sở thích.

Cuối cùng là cuộc sống trở thành món đồ giải trí cho những đàn ông sa đoạ trụy lạc, vốn chỉ coi họ như những món hàng, những món đồ chơi có thể bỏ tiền ra mua dễ dàng bất cứ lúc nào. Những người nữ không biết rằng ở thời đại nào, dù “tam tòng” có thể không còn hợp nữa, thì “tứ đức”(công – dung –ngôn - hạnh ) vẫn làm nên phẩm giá và nét đẹp của phụ nữ. Theo phương pháp chiết tự trong chữ Nho, thì chưa “AN” ghép từ chữ “Nữ” và chữ ”Gia”: có người nữ trong nhà, thì có an vui, an bình, an hoà. Không đem lại được chữ “AN”, tệ hơn nữa chỉ đem đến “bất an” từ ích kỷ, hiếu thắng, đấu tranh bình quyền sai lầm trong cuộc sống và trong hôn nhân, gia đình, thì người nữ còn lại những gì?

Không phải vô tình hoặc vô cớ mà Chúa Giêsu “chọn mặt gửi vàng”, khi Người muốn chính một người phụ nữ, lại là người từng mang tiếng tăm bất hảo, là người đầu tiên nhận và mang tin vui Phục Sinh, nghiã là “bản tin” quan trọng nhất của Kitô-giáo. Đức Maria và những người nữ của Ngày Phục Sinh đã không chỉ trung thành với Chúa Giêsu, giúp đỡ Người hoàn thành nhiệm vụ nơi trần gian, mà còn được chọn làm những sứ giả đầu tiên cảm nhận niềm vui và loan Tin Vui ấy cho mọi người. Ngọn lửa Phục Sinh mà Hội Thánh được soi sáng và đem soi sáng cho toàn nhân loại, lại do chính những người vốn chẳng có địa vị hay tiếng nói gì trong xã hội Do Thái bấy giờ. Một người nữ - người nữ đầu tiên – đã vì nghe theo những lời đường mật, mà du nhập tội lỗi và sự chết vào thế gian. Tội lỗi ấy, sự chết ấy, đã được Người Nữ của lời hứa đầu tiên và của cả những người nữ Ngày Phục Sinh đem hết tâm tình, nỗ lực, lời cầu nguyện và lòng yêu mến ( Lc 8, 1 – 3) để xua tan và níu kéo tình thương và ơn cứu độ của Chúa đến cho con người.

Đức Maria đã không hề lên tiếng đòi quyền nầy, đòi ưu tiên nọ, không hô hào đấu tranh bình đẳng và nếu xét bề ngoài, quả là đã không có bình đẳng, khi mà tất cả những người nam có địa vị trong Giáo Hội, là giáo hoàng, giám mục hay linh muc, đều quỳ gối trước Người Nữ nầy - Đức Maria - để bày tỏ lòng tôn sùng, kính yêu và hiếu thảo. Lời ca tụng ngợi khen Mẹ bay cao, bay xa, phong phú, dạt dào, nồng ấm và thân thiết đến nỗi người ta phải nói : “De Maria nunquam satis! (Nói về Mẹ Maria thì không bao giờ là đủ!). Một câu khác về [những] người nữ thời Tin Vui do chính Chúa Giêsu xác nhận: “Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc của cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô” (Mc 14,9). Đã và sẽ có ai trong các ngưỡi nữ đấu tranh nảy lửa, không từ lời nói hoặc hành vi nào để tô vẽ cho những mục tiêu của họ, trừ việc sống cho ra sống, không mê đắm trong buông thả, sa đoạ, hưởng thụ ích kỷ, mà thực chất cuộc đấu tranh của họ chính là để bảo vệ những “mục tiêu” phi đạo đức và xấu xa nầy?

Thay vì đức khiêm nhường và vâng phục vô bờ của Mẹ Maria, có nhiều phụ nữ đòi được truyền chức linh mục và đã bất chấp lời cảnh cáo của Giáo Hội để chống đối Giáo Hội. Thay vì gương sống “tâm hồn nhỏ” của Thánh Tiến Sĩ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, thì không thiếu những người nữ tham vọng quyền lực, cổ vũ nạo phá thai, sống ích kỷ, xa hoa, bằng những đồng tiền bao gọi nhơ nhớp và miệt mài với cuộc sống sa đoạ trụy lạc của họ. Làm sao những người đấu tranh nữ quyền lại không thấy xấu hổ trước những gương sáng như Chiara Lubich, người phụ nữ vừa qua đời ngày 14.03 ở tuổi 88, mà nhiều đời giáo hoàng phải nghiêng mình nể trọng và nghe theo lời cố vấn?

Họ - những người nữ của Hội Thánh Công giáo - mới chính là những người biến đổi thế giới, đem “AN’ cho thế giới và cho mọi người, mọi tổ chức và mọi quốc gia. Thế kỷ 20 ít có vĩ nhân nào có thể sánh với Mẹ Têrêsa Calcutta. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Javier Pérez de Cuéllar từng vinh danh Mẹ : “Bà là Liên Hiệp Quốc. Bà là hòa bình thế giới.” Năm 1985, trong Đại Sảnh Đường , trước khoảng một ngàn cử tọa nổi tiếng, ông trịnh trọng tuyên bố về Mẹ : "Tôi xin giới thiệu với Quý Vị người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Giáo Hội không được phép quên vai trò người nữ trong Giáo Hội: Đời sống đạo trong gia đình Công giáo lên hay xuống, sốt sắng hay khô khan nguội lạnh, là ở người vợ, người mẹ trong gia đình. Một nhà đạo đức nhận xét rất chí lý: "Có những người chồng sẽ mất linh hồn, nếu không có một người vợ đạo đức, có những người con sẽ hư hỏng, nếu không có những bà mẹ thánh thiện." Ơn thiên triệu sẽ giảm sút trầm trọng, nếu không có những người nữ như mẹ của thánh Gioan Bosco.

Cậu Phaolô Bột vì bị đánh tàn nhẫn đã bỏ đạo, đạp ảnh. Về đến nhà, bà mẹ chờ sẵn ở cửa : "Mầy cút đi ngay. Từ nay tao không phải là mẹ mầy nữa! Tao đã cố giáo dục mầy nên người con Chúa. Hôm nay chỉ vì bị đánh đau một chốc lát mà mầy đã dám đạp ảnh bỏ Chúa. Mày cút đi ngay." Nói xong bà sập cửa lại, ngồi bên trong úp mặt khóc. Phaolô Bột đứng bên ngoài nghe tiếng mẹ khóc, đã nhận thấy tất cả trọng tội của mình. Cậu lên núi tìm Đức Cha Retord đang trốn trong rừng sâu, ở lại nơi Đức Cha ba ngày, xưng tội chịu lễ. Cậu về, lẽn cửa sau, vào nhà, quì tạ tội với mẹ, xin mẹ tha thứ cho: "Ngày mai con ra tòa xưng đạo để chuộc lỗi". Văn hào René Bazin có nói: "Có những bà mẹ có tâm hồn linh mục." . Xưa nay trong lịch sử Giáo Hội, có những bà mẹ mang trong mình một quả tim, một tâm hồn linh mục. Gia đình là trường tu đức, là chủng viện tiên khởi của mọi ơn gọi.

Lạy Chúa, chúng con ca tụng và cảm tạ Chúa vì đã ban cho thế gian người nữ, mà vinh dự và danh giá đã tột bực khi Người chọn một trong số họ làm Mẹ của Con Chúa và làm Đấng Đồng Công Chuộc Tội. Không phải là “bông hồng cài áo” ngày Vu Lan, mà từng ngày trong suốt cuộc đời, Giáo Hội lớn lên nhờ Mẹ, chúng con lớn lên trong ân sủng và trong đức tin nhờ mẹ, dù người mẹ chúng con còn sống hay đã qua đời.

Đây là một chân lý. Vua Julien, cháu của vua Constantinô, mà lịch sử quen gọi là Julien chối đạo (Julien Apostat, 316-363) đã làm hết sức mà không tiêu diệt được đạo Công Giáo. Một hôm, ông mời một triết gia vào vặn hỏi lý do và vấn kế cho tương lai. Trước câu hỏi: "Vì sao không tiêu diệt được đạo?" nhà hiền triết xin cho một tuần để suy nghĩ. Và câu trả lời là: "Lý do vua không thể tiêu diệt được đạo Công Giáo, vì đạo ấy có những bà mẹ sốt sắng và anh dũng.". Câu nói của triết gia đó vẫn còn thiếu: các phụ nữ Công giáo là những người NHẬN – LOAN TRUYỀN – và SỐNG Tin Vui Phục Sinh.

(Trích từ Tình Ca Cho Người Đưộc Yêu 94)

* Câu nói của nhân vật Hoạn Thư, trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.

Giuse Nguyễn Thế Bài

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/rang-toi-chut-phan-dan-ba/