Trích từ Dân Chúa

Quyền bính Chúa luôn ở trên con

Lm Jude Siciliano, OP

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A

Isaia 45: 4-6; Tv: 96; Thê-sa-lô-ni-ca 1: 1-5b; Matthêu 22: 15-21

Anh chị em thân mến,

Nhân Ngày lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô 29 tháng 6 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô báo tin một năm thánh đặc biệt được cử hành để kính thánh Phaolô. Trong các họ đạo ở các giáo phận, có những lớp học hỏi và đồng thời báo chí cũng viết về thánh Phaolô theo lời đề nghị của Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi là những người giảng thuyết, lo về việc Phụng vụ và Thánh Kinh nên phải chú trọng đến năm thánh này. Thật ra, ít có những bài giảng đặc biệt về thánh Phaolô trong Phụng vụ. Sang năm, có lẽ chúng ta sẽ gặp những thử thách nhằm sửa chữa sự thiếu hụt này. Chúng ta có thể bắt đầu từ ngày Chúa nhật hôm nay khi chúng ta nghe đọc ba bài trích thư thứ nhất do chính tay thánh Phaolô viết gởi cho tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca. Và những bài trích đó kết thúc năm phụng vụ. Vậy hôm nay chúng ta chú ý đến bài đọc 2 và sẽ chú trọng nhiều hơn về thánh Phaolô trong năm phụng vụ tới.

Thư 1 Thê-sa-lô-ni-ca được thánh Phaolô viết khoảng năm 51-52. Thê-sa-lô-ni-ca là kinh đô đế quốc La Mã có độ 200 ngàn dân. Thành phố này tương đương với thành Constantinople về văn hóa và quan trọng hơn, nó như là cầu nối giữa đông và tây trong đế quốc La Mã. Thê-sa-lô-ni-ca buôn bán phồn thịnh, dân cư và khách du lịch đông làm thành phố có những nét đa dạng về văn hóa. Nhiều tôn giáo đã được tìm thấy ở nơi này. Thánh Phaolô đến giảng đạo ở đây trong chuyến đi giảng lần thứ hai khoảng năm 50. Nhóm dân Do Thái nhiệt tình hưởng ứng lời giảng của ngài. Nhưng sau đó có nhiều người ngoài cũng thích nghe thánh Phaolô giảng, thế rồi xung đột phát sinh giữa hai nhóm. Thánh Phaolô phải vội vàng rời xa thành phố đó. Nhưng thánh nhân vẫn không quên những Kitô Hữu ở thành phố này, nên một thời gian sau, ngài đã viết thư cho họ.

Bài đọc 2 hôm nay mở đầu bức thư của thánh Phaolô. Chúng ta sống xa hàng mấy chục thế kỷ sau các Giáo hội nhận thư đó. Nhưng thư này có vẻ như gởi đến cho chúng ta "anh em là những người được Thiên Chúa thương mến". Chúng ta cũng như họ, được Thiên Chúa "chọn" để nghe Tin mừng và có thêm quyền năng qua Chúa Thánh Thần. Với lời chúc mừng mở đầu, đầy ơn thánh như vậy làm chúng ta phấn khởi muốn đọc thêm

Thánh Phaolô tỏ lời cảm ơn các Kitô Hữu ở Thê-sa-lô-ni-ca vì những việc họ làm "vì lòng tin, những nỗi khó khăn họ gánh vác vì lòng mến, và những gì họ kiên nhẫn nhịn nhục vì trông đợi". Ba nhân đức ấy không tách rời ra mà thành một bộ ba: Đức tin dựa trên nền tảng của sự sống, sự chết và sự Phục sinh của Đức Kitô. Với sức mạnh của đức tin phát sinh ra đức mến, không những đối với những thành phần trong cộng đoàn mà cả đến với những người ngoài cộng đoàn nữa. Trong lúc đó, chúng ta hy vọng về tương lai, mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại.

Thánh Phaolô đã gặp chính Chúa Kitô sống lại, đó là một kinh nghiệm làm nền tảng cho lời rao giảng của ngài, và làm cho thánh nhân có cái nhìn đối với các Kitô Hữu một cách đặc biệt. Cũng như thánh Phaolô đã được ơn Thiên Chúa thương mến một cách nhưng không, thì chúng ta cũng đã được "Thiên Chúa thương mến" và đã "được chọn". Kinh nghiệm của thánh Phaolô cho chúng ta thấy, bài học nền tảng trong Thánh Kinh: Thiên Chúa chọn, rồi Ngài gọi, rồi Ngài sai đi rao giảng. Thánh Phaolô biết chắc rằng mình đã được ơn như vậy và giờ đây theo thư thánh nhân viết, ngài nhắc tín hữu thành Thê-sa-lô-ni-ca và cả chúng ta nữa là những người đã được Thiên Chúa chọn. Thánh Phaolô cũng biết là việc Thiên Chúa chọn không chỉ dành riêng cho bản thân ngài hay các tín hữu, nhưng tình thương mến của Thiên Chúa qua Đức Kitô, phải được loan báo cho toàn thế giới, để tất cả loài người được hưởng ân sủng Thiên Chúa ban qua Đức Kitô. Thánh Phaolô không hề đòi hỏi chức vị, quyền hành, hay được Thiên Chúa ưu đãi. Thay vào đó, những người được Thiên Chúa chọn là để phục vụ kẻ khác, phục vụ thế giới, và loan báo ơn cứu rỗi cho mọi dân tộc.

Trong lúc chúng ta là những cộng đoàn được tuyển chọn nhờ lòng tin, thì mỗi một người trong chúng ta cũng đồng thời nhận lãnh ơn đi rao giảng Tin Mừng. Đó có phải là một nghĩa vụ lớn lao đối với một người bình thường như chúng ta? Thánh Phaolô nhắc nhở mỗi người là Tin Mừng mà thánh nhân rao giảng không “chỉ là lời nói mà thôi", nó không quan trọng. Nhưng ngài cam đoan với tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca rằng "không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng của Chúa Thánh Thần, là một niềm xác tín sâu xa."

Những lời nói ấy hơi thừa, vì trong Tân Ước, quyền năng và ơn Chúa Thánh Thần luôn đi đôi với nhau. Nhưng thánh Phaolô muốn nhấn mạnh: Lời ngài rao giảng được dựa trên quyền năng và ơn Chúa Thánh Thần. Đối với chúng ta cũng thế, trong mọi việc chúng ta làm, người lớn tuổi hay người trẻ tuổi, có học thức cao hay thấp, ăn nói hoạt bát hay không, là người dạy giáo lý giỏi hay một tín hữu thường, chúng ta đều đã lãnh nhận tình thương yêu của Thiên Chúa, và qua những lời nói và việc làm hàng ngày của chúng ta, chúng ta đều được có quyền năng và ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp. Nếu chúng ta tin tưởng và sống đức tin của mình, thì chúng ta cũng được như thánh Phaolô nói "một niềm xác tín sâu xa", và lời minh chứng của chúng ta khó bị chối từ.

Trong phần tiếp theo, thánh Phaolô xác nhận là tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca đã lãnh nhận lời giảng của ngài "không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu." (1Tx.2:13)

Ở đây, chúng ta không những chỉ nghe rao giảng, lời dạy dỗ về giáo lý hay đạo đức. Nhưng hơn nữa, chúng ta nghe Lời hằng sống, Lời của Thiên Chúa, và Lời ấy đang hoạt động trong chúng ta, đang cho chúng ta sức mạnh mỗi khi đức tin chúng ta bị thữ thách từ bên trong hay bên ngoài. Như Stanley Morrow đã viết: “…Chính đức tin của các Tín hữu đã làm cho họ lãnh nhận lời rao giảng như là Lời của Thiên Chúa, và rốt cuộc các tín hữu đã chấp nhận Lời của Thiên Chúa vì Lời ấy đã hoạt động trong họ”. Thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng với quyền năng thật sự của lời giảng, và ngài cũng biết là quyền năng ấy không bởi người rao giảng mà bởi Thiên Chúa vì đó là Lời Thiên Chúa. (Trích trong sách Phaolô: các thư và thần học theo thánh Phaolô:Dẫn nhập vào các thư thánh Phaolô)

Thê-sa-lô-ni-ca là thành phố trong đế quốc La Mã. Lời rao giảng của Phaolô như một thông điệp mang tính cách mạng, bởi lẽ trong khi dân chúng đế quốc La Mã sống duới quyền chính trị, kinh tế, quân sự và xã hội của đế chế thì với lời rao giảng của ngài, những người Kitô Hữu chấp nhận một quyền hành khác đó là quyền hành của Chúa Thánh Thần qua đức tin của họ. Bởi thế, họ không lãnh nhận một quyền hành nào của loài người đặt trên quyền hành của Chúa Kitô, và chúng ta cũng vậy. Khi nào chúng ta bị thử thách phải chọn quyền hành trần gian này hay phải sống dưới quyền bính của Thiên Chúa thì chúng ta nên chọn sống dưới quyền của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã chọn chúng ta và đã cho chúng ta được kết hợp trong Chúa Thánh Thần. Và quyền ấy đã giúp chúng ta sống như “…là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được" (1Tx2:10)

Nhân dịp ngày bầu cử toàn quốc sắp đến, Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải chọn những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về quyền bính thế gian này. Tôi khuyên anh chị em nên đọc những bản tin trên báo chí. Trong lúc chúng ta chọn người lãnh đạo địa phương và người lãnh đạo toàn quốc chúng ta hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, mà thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hôm nay.

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/quyen-binh-chua-luon-o-tren-con/