Trích từ Dân Chúa

Những đau khổ đời này không thể so sánh với vinh quang sắp tới

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tìm hiểu Thánh Thư Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm A (Rom 8:18-23)

Tuần trước chúng ta nghe Thánh Phaolô nói rằng đời sống Kitô hữu là một đời sống trong Chúa Thánh Thần và được Thiên Chúa tiền định cho hưởng vinh quang mai hậu. Muốn đạt được vinh quang ấy, chúng ta cần có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể soi sáng cho tôi để chúng ta biết điều gì đẹp lòng Chúa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban sức mạnh cho chúng ta để làm theo Lời Thiên Chúa.

Hôm nay Thánh Phaolô nói rằng “Những đau khổ đời này không thể so sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mặc khải cho chúng ta” (Rom 8:18). Chúa mặc khải cho chúng ta qua Lời của Ngài. Lời Ngài chính là mưa từ trời rơi xuống để làm cho hạt giống mọc lên. “Lời ấy sẽ không trở lại với Ngài mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ngài, và làm tròn sứ mạng Ngài uỷ thác” (Is 55:11). Lời ấy như hạt giống giao vào lòng đất. Mà lòng chúng ta như những thửa đất. Đất càng được vun xới và thấm nhuần nhiều nước mưa thì càng sinh hoa kết quả nhiều (Mt 12:1-9). Lòng chúng ta càng thấm nhuần Lời Chúa thì càng thêm hoa trái

18. Tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta.

Để hiểu rõ đoạn này chúng ta cần nhắc lại đoạn Thánh Thư tiếp theo ngay sau tuần trước, Thánh Phaolô viết rằng một khi chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì chúng ta là con cái Thiên Chúa. “Vậy nếu là con, thì cũng là người thừa kế, thừa kế của Thiên Chúa, và đồng thừa kế với Ðức Kitô; miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người, để chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rom 8:17-18). Vậy đối với Kitô hữu, đau khổ không phải là hình phạt mà là hồng ân, vì không những Thánh Thần ban cho chúng ta ơn tin vào Đức Kitô “mà còn được ơn chịu đau khổ với Người” (Phil 1:29).

Tại sao đau khổ lại là một hồng ân? Giống như mặt đất nếu không được cày bừa thì ra cằn cỗi và mọc lên gai góc, tâm hồn con người nếu không chịu đau khổ thì cũng ra hoang vu như đất thiếu cày bừa. Do đó ơn thánh không thấm nhuần được để lời Chúa sinh hoa kết quả.

Không những thế, đau khổ còn giúp chúng ta dễ cảm thông và giúp đỡ người khác. Càng chịu đau khổ nhiều vì yêu Chúa thì chúng ta càng được Chúa yên ủi nhiểu, vì Thiên Chúa “luôn an ủi chúng ta trong mọi cơn thử thách, để chúng ta có thể an ủi những người gặp phải bất cứ cơn gian nan khốn khó nào, bằng sự an ủi mà chính chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa. Vì như sự khổ đau của Ðức Kitô đổ tràn trên chúng ta thế nào, thì niềm an ủi của chúng ta cũng được tràn trề như vậy nhờ Ðức Kitô” (2 Cor 1:4-5).

Hơn nữa, Chúa Giêsu có thể cứu độ chúng ta mà không cần phải chịu đau khổ và chết tức tưởi trên Thánh Giá. Nhưng người muốn chịu đau khổ để làm gương cho chúng ta. Cho nên muốn theo Chúa đến vinh quang thì phải “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa” (Mt 16:24; Lc 14:27), bởi vì “những đau khổ ở đời này không hể sánh với vinh quang sắp tới được mặc khải cho chúng ta” (Rom 8:18).

19. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa.

Các tạo vật ở câu này không kể đến các thiên sứ và loài người mà chỉ nói đến thế giới vật chất. Thế giới này được trao cho loài người quản lý. Nhưng vì tội Ađam (ST 3:17) nên chúng cũng bị chúc dữ. Từ đó tình trạng của các tạo vật này cũng bị xáo trộn, bất thường và hư hại. Thánh Phaolô thấy rằng các tạo vật chia sẻ cùng một số phận với con người.

20. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Đấng đã bắt nó phải tùng phục

Công Đồng Vatican II viết, “Thánh Kinh dạy rằng con người được tạo dựng ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’, để có thể nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa, và được Ngài đặt trên mọi tạo vật dưới đất để họ có thể cai quản chúng, sử dụng chúng, trong khi tôn vinh Thiên Chúa” (Gaudium et Spes,12). Như thế số phận của tạo vật là ở trong tay con người. Dùng chúng vào việc tốt thì chúng thành ra tốt, vào việc xấu thì thành hư ảo. Thay vì sử dụng chúng để tôn vinh Thiên Chúai và giúp đỡ đồng loại, con người đã dùng chúng như phương tiện để phạm tội, làm cho chúng cũng xa lìa Thiên Chúa và chịu chung số phận với loài người.

21. với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.

Thánh Gioan Kim Khẩu nói “Trong câu này Thánh Phaolô có ý nói rằng các tạo vật trở nên hư nát…. Nhưng thiệt hại này không phải là không sửa chữa được. Bởi vì chúng sẽ được phục hồi vì các người. có nghĩa là ‘trong hy vọng’” (Bài giảng về Thư Rôma, 14). Mặc dầu trừng phạt loài người và chúc dữ cho tạo vật, Thiên Chúa đã hứa ơn cứu độ (ST 3:15). Nhân loại được cứu độ này sẽ được giao hòa với Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt trái đất qua việc làm của con cái Ngài. Đức Kitô đã đến để giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi, sự chết, xác thịt và Lề Luật. Người đem lại cho những ai tin vào Người sự tự do của con cái Thiên Chúa. Ơn cứu độ này bào gồm cả tạo vật. Đối với Thánh Phaolô, tạo vật không phải chỉ là những khách bàng quan ngồi đó chứng kiến sự chiến thắng vinh quang của con cái Thiên Chúa, mà cũng được dự phần vào cuộc khải hoàn này. Chính chúng sẽ trở thành những phương tiện cho chúng ta dùng mà vinh danh Thiên Chúa. Cho nên khi con người được giải phóng thì tạo vật cũng được giải phóng theo.

22. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con.

Thánh Phaolô so sánh việc tái sanh của tạo vật như là việc đau bụng của người phụ nữ lúc sinh con. Tạo vật đau khổ rên siết vì chúng bất lực, không làm được gì cả giống như một người phụ nữ rặn mãi mà vẫn chưa sinh được con. Chúng chỉ biết chờ đợi con người hoán cải. Mặc dù Chúa Giêsu đã đến để cứu độ trần gian, nhưng chỉ khi nào một người quay về với Người thì khi đó các tạo vật trong tay người ấy mới được sử dụng theo Thánh Ý Chúa.

23. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta.

Việc tái lập trật tự của vũ trụ là Ý của Thiên Chúa muốn đem toàn thế giới đến cùng đích của nó. Thực hiện việc này là công trình của Chúa Thánh Thần. Không phải chỉ có các tạo vật khác mà cả chúng ta là những người đã tin vào Đức Kitô cũng vẫn còn rên siết bao lâu chúng ta còn ở thế gian. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta những ơn của Ngài để chúng ta có thể trở thành muối thành men trong thế gian. Có nhiều người tin rằng một khi đã tin vào Đức Kitô là chúng ta chắc chắn được cứu độ. Theo đức tin Công Giáo thì chúng ta được công chính hóa nhờ đức tin, và vì thế chúng ta hy vọng được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nếu chúng ta bền vững đến cùng. Trong bài đọc tuần trước Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta, “nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em” (Rom 8:11) Vậy thân xác chúng ta sẽ bị hư nát vì tội Ađam, nhưng nếu chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần mà tiêu diệt được các hành động xấu xa của nó thì nó cũng sẽ được sống lại mai sau (X. Rom 8:13).

Trở lại bài Tin Mừng hôm nay. Hạt giống Lời Chúa chỉ có thể sinh hoa kết quả trên đất tốt màu mỡ. Mà đất muốn tốt thì phải được san bằng mọi nơi cao là tính kiêu ngạo để giữ được nước, phải được cầy bừa vỡ ra từng mảnh để nước có thể thấm nhuần nghĩa là phải quên mình, bỏ đi tính ich kỷ và bằng lòng chịu mọi đau khổ vì Chúa, phải được vun sới và nhổ cỏ nghĩa là phải luôn luôn hối cải. Có như thế thì chúng ta mới có thể hợp tác với ơn Chúa Thánh Thần làm trong việc thực thi Lời Chúa và canh tân bộ mặt trái đất.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/nhung-dau-kho-doi-nay-khong-the-so-sanh-voi-vinh-quang-sap-toi/