Trích từ Dân Chúa

Một suy niệm về sống chết

Vũ Văn An

Tại các nước Bắc Bán Cầu, không tháng nào thích hợp để mừng Lễ Các Thánh và Lễ Các Đẳng cũng như tưởng niệm người quá cố nói chung cho bằng tháng Mười Một. Không những nó là tháng áp chót của một năm, một cái gì đó gần như nhắc nhở con người nhớ tới điểm tận cùng của sự sống, mà nó còn mang theo một bầu khí ẩm thấp, mưa phùn, ảm đạm, tiêu điều rất thích hợp với chủ đề sự chết.

Nói đến sự chết, Ernest Becker, trong cuốn The Denial of Death, một tác phẩm được giải Pulitzer, đã viết như sau: “…ý niệm chết, nỗi sợ đối với nó, vốn ám ảnh loài người hơn bất cứ điều gì khác; nó là động cơ chính cho hành động con người, một hành động chủ yếu nhằm mục đích tránh tính thảm hại (fatality) của sự chết, vượt thắng nó bằng cách bác bỏ cách nào đó rằng nó không phải là số phận sau cùng của con người”. Tác giả này, sau đó, đã cho rằng sự bác bỏ kia bàng bạc và tiêu cực đến độ hiện nay đã trở thành nguồn gốc tạo ra tâm thức hiện đại và đủ căn bệnh xã hội.

Luận điểm của Becker không hẳn không có lý. Chết khiến chúng ta lo sợ hóa ra không, mất hết bản thân mình và tất cả những gì vốn mang lại ý nghĩa cho sự sống. Lẽ dĩ nhiên, sợ điều gì còn tùy tôi nhìn tôi ra sao, coi tôi là cái gì. Nếu tôi là thân xác, tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bảo tồn nó. Phải chăng nỗi sợ này đang đứng đàng sau thứ văn hóa tôn thờ thân xác của thời đại ta? Nếu tôi là gia đình hay nòi giống, tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bảo tồn chúng. Trong thế kỷ vừa qua, ta đã được chứng kiến nhiều kinh hoàng do văn hóa tôn thờ gia đình, nòi giống hay quốc gia tạo ra. Thay vì chấp nhận các cách định nghĩa ấy về cái tôi, ta nên xem xét quan điểm của triết gia John Macmurray, người Tô Cách Lan. Ông bảo: muốn làm người phải nằm trong một liên hệ, đơn vị bản thân phải là Tôi và Anh.

Không có cái Anh nào đó, tôi không phải là một con người. Nói cách khác, Tôi cần Anh (và cả Anh, cả Anh… nữa) để trở nên chính tôi. Để hiểu được phần nào chân lý của phát biểu trên, bạn hãy nhớ lại chúng ta đã bám víu vào các mối liên hệ quan yếu ra sao ngay cả lúc chúng trở thành độc hại hay việc níu lấy chúng trở thành độc hại. Nếu phát biểu trên đúng, thì điều tôi sợ nhất lúc chết là mất hết mọi liên hệ, cũng là mất hết chính cái tôi. Như thế, sợ chết chẳng qua là sợ mất chính mình.

Tuy nhiên, làm người là phải chết. Nhưng có người lý giải rằng sự chết chỉ bước vào thế giới vì con người phạm tội mà thôi. Về vấn đề này, một số nhà thần học hiện nay cho rằng tội không hẳn đem sự chết vào thế gian, nó chỉ thay đổi cách người ta cảm nghiệm nó. Đó là quan điểm của Sebastian Moore, O.S.B., trong cuốn “Let This Mind Be in You”. Nói cách khác, vì tội lỗi, sự chết đã được cảm nghiệm như một đe dọa bị hóa ra không. Dưới quan điểm này, Thiên Chúa tạo ra các hữu thể nhân bản với một thực tại bao gồm sự chết. Do đó, chết không phải bị hóa ra không, mà là một thành toàn (consummation) cuối cùng của sự sống và cửa ngỏ đi vào sự sống sung mãn hơn. Như thế, chết không phải là mất hết mọi liên hệ, nhưng là cửa ngỏ đi vào các liên hệ sâu rộng hơn. Tội làm cho cảm nghiệm chết thành kinh hãi, chứ không phải chính sáng tạo.

Muốn chấp nhận quan điểm trên, ta cần nhìn vào cái chết của Chúa Giêsu. Dù là người không hề có tội, Chúa Giêsu vẫn không có bất cứ ảo tưởng hay lý giải (rationalization) nào. Người không có con cháu nào nối dõi khi giáp mặt với cái chết. Người có thể đã trực giác được số phận của Dân Người trước người La Mã, nên chắc chắn Người không hy vọng gì nòi giống Người sẽ chiến thắng. Người bị một trong những bạn bè thân thiết nhất phản bội, bị một người khác bác bỏ và bị mọi người còn lại bỏ rơi. Thân thể người bị lột hết phẩm giá; bị đóng đinh là cách chết nhục nhã nhất. Sứ mệnh của Người bị coi là thất bại; Người bị người Do Thái và La Mã nhạo báng và chế riễu. Cả Cha Người hình như cũng xa cách khi Người kêu lớn: “Lạy Chúa, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?”. Cả vũ trụ dường như nín thở. Liệu Người có tự ý chấp nhận, chấp nhận trong yêu thương và tin cậy, điều J.R.R. Tolkien gọi là “tận số của con người” (doom of men) hay không? Hay cuối cùng Người cũng sẽ thất vọng như ai? Phúc âm Luca hình như đã nắm bắt được cái nín thở ấy, khi tường thuật rằng: “Vào giờ thứ sáu, bóng tối bỗng bao trùm khắp lãnh thổ cho đến tận giờ thứ chín, vì mặt trời đã ngưng không chiếu sáng nữa. Màn trong Đền Thờ bỗng bị xé ra làm hai” (Lc 23:44-45). Nhưng ta thấy vũ trụ rõ ràng thở nhẹ phào khi Người kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (câu 46) và tắt thở.

Sebastian Moore cho đó là một khổ nạn tự chọn, không theo nghĩa: vì Chúa Giêsu không có tội nên Người không phải chết, mà đúng hơn theo nghĩa: Chúa Giêsu tin tưởng chấp nhận “ngày tận số của con người”. Người tin tưởng rằng Thiên Chúa là Bố (Abba) của Người (và là Bố của chúng ta) và dù sự chết cũng không thay đổi được điều ấy. Nếu Thiên Chúa đời đời là Bố của chúng ta, thì đời đời Chúa Giêsu và tất cả chúng ta vẫn sẽ là con cái của Thiên Chúa. Như thế, Chúa Giêsu là con người nhân bản một cách trọn vẹn nhất từng sống xưa nay vì Người đã tin tưởng và yêu thương chấp nhận thực tại trọn vẹn của hữu thể nhân bản, gồm cả việc chấp nhận sự thật này: chết là cách duy nhất để là nhân bản một cách trọn vẹn. Trong quan điểm của Macmurray, Chúa Giêsu tin tưởng rằng Người luôn luôn là một bản vị dù kinh qua sự chết và Người luôn luôn ở trong mối liên hệ. Thực ra, chỉ qua sự chết, Người mới là một bản vị hơn nữa, ở trong mối liên hệ hơn nữa, một liên hệ sâu sắc và mạnh mẽ hơn, không những với Bố mà còn với mọi anh chị em của Người từng đi trước Người và sẽ đến sau Người.

Có lẽ giờ đây ta có thể hiểu tốt hơn ý nghĩa sâu sắc của những lời sau đây trong Phúc Âm Gioan: “Đã đến giờ để Con Người được tôn vinh. Ta nói thật với qúy ông, ngoại trừ hạt lúa rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hột đơn độc. Nhưng nếu chết đi, nó sẽ sản sinh ra nhiều hạt khác. Ai yêu sự sống mình sẽ mất nó, nhưng ai ghét sự sống mình ở đời này sẽ giữ được nó cho đời sau vĩnh cửu. Ai phụng sự Ta phải theo chân Ta; và Ta ở đâu, đầy tớ Ta cũng sẽ ở đó. Cha Ta sẽ vinh danh những ai phụng sự Ta. Bây giờ tâm hồn Ta bất an, Ta phải nói gì đây? ‘Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ phút này?’ Không, chính vì lý do này mà con đến vói giờ phút này. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha!” (Ga 12:23-28). Cách duy nhất để Chúa Giêsu sống, nghĩa là trở nên một bản vị trọn vẹn hơn, được tôn vinh, là chết. Và quả Người đã làm thế theo nghĩa hiện thực nhất. Người quả đã chọn cái chết.

Đối với các môn đệ của Người, chịu đóng đinh là vỡ tan mọi hy vọng của họ. Ta có thể nghe thấy giọng bi thảm trong lời hai môn đệ gặp người khách lạ trên đường Emmau: “ấy thế mà chúng tôi đã hy vọng rằng Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24:21). Họ đã mất cái Anh từng mang ý nghĩa lại cho mọi cái Tôi. Người ra đi, họ còn là ai đây? Nhưng chính trong giây phút chán chường ấy, một điều gì đó đã xẩy ra khiến tâm hồn họ bừng cháy. Liệu có thế chăng? Bất cứ là thế nào, họ cũng không thể để người lạ mặt ấy rời khỏi tình đồng hành của họ và họ đã thuyết phục được người ấy ở lại và dùng bữa với họ. Họ cảm thấy tất cả những rung động cũ của sự sống, của ấm áp, thách đố và hy vọng, có thể thế không?, mà họ từng cảm nhận khi có Chúa Giêsu. “Khi ngồi vào bàn với họ, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và bắt đầu đưa cho họ. Mắt họ bỗng mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người khuất dạng khỏi họ” (Lc 24:30-31). Với cảm nghiệm ấy, họ lại có họ một lần nữa, như trước đây. Cái Anh từng làm họ ra khác đang sống và đang sống rất khỏe. Và tầm quan yếu sinh tử của những nhân chứng đầu hết này, đối với chúng ta, là họ chứng thực rằng họ đã cảm nhận cùng một Chúa Giêsu, Đấng họ đã cùng bước, cùng nói và cùng ăn với, cùng một Chúa Giêsu mà họ đã bỏ rơi và bác bỏ, cùng một Chúa Giêsu mà họ thấy đã chết một cách nhục nhã. Như thế, họ bảo đảm với ta rằng Chúa Giêsu mà ta cảm nghiệm trong lúc cầu nguyện, trong lúc đọc Phúc Âm, trong bí tích hòa giải, Thánh Thể, chính là Chúa Giêsu thành Nadarét, con Đức Maria.

Đó chính là trọng tâm của vấn đề trong tháng Mười Một này, bất kể nó ảm đạm, mưa phùn hay không. Tâm hồn ta đôi lúc quả có bừng cháy trong ta. Ta quả có cảm thấy sự hiện diện của Đấng mầu nhiệm mà ta gọi là Giêsu và ít nhất trong những khoảnh khắc ấy, với đức tin, đức cậy và đức mến, ta biết chết quả không có nọc độc. Trong những khoảnh khắc ấy, ta thấy Giáo Hội quả có lý khi cử hành Lễ Các Thánh vì ta biết không ai chết trong Chúa Kitô lại hóa ra không. Đúng hơn, ta biết “ta được vây quanh bởi hàng hà sa số các nhân chứng” (Dt 12:1) và ta còn có nhiều liên hệ hơn lòng mong ước nữa. Trong những khoảnh khắc ấy, ta cũng biết rằng Giáo Hội quả có lý khi cử hành Lễ Các Đẳng, vì ta có thể hy vọng rằng tất cả những người thân yêu của ta đều ở trong Chúa Kitô như Mẹ Maria và do đó trọn vẹn và hoàn toàn nằm trong mối liên hệ với ta và với mọi người khác.

Vì ta đã cảm nghiệm Chúa Cha, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria, các thánh và các đẳng linh hồn, nên ta có thể nói như thánh Phaolô rằng: “Như thế, ta nên nói gì để đáp lại điều ấy? Nếu Thiên Chúa ở với ta, ai có thể chống lại ta? Đấng đã không tiếc Con duy nhất của mình, nhưng đã ban Người Con ấy cho hết thẩy chúng ta, thì làm sao cùng với Người Con ấy, Người lại không rộng rãi ban cho ta mọi sự?... Vì tôi xác tín rằng cả sự chết lẫn sự sống, cả thiên thần lẫn ma qủy, cả hiện tại lẫn tương lai, cả bất cứ quyền lực nào, cả tầng cao lẫn vực thẳm, cả bất cứ điều gì khác trong sáng thế, không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vốn hiện hữu trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(Rm 8:31-39). Có lẽ trong những giờ phút như thế, ta còn có thể nói rằng sự chết không phải là tận số của con người, mà là ngày bừng nở của chúng ta. Vì chỉ có sự chết mới lấy mất khỏi ta các tấm che mắt từng không để ta nhìn rõ trọn vẹn thực tại của ta, nhìn rõ ta vốn hiệp thông với Cộng Đoàn vĩnh cửu gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm duy nhất mà ta gọi là Thiên Chúa.

Viết theo William A. Barry, S.J., The American Magazine, 28 tháng 11 năm 1987.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/mot-suy-niem-ve-song-chet/