Trích từ Dân Chúa

Lễ Lòng Thương Xót Chúa

Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

Ga 20, 19-31

Lòng Thương Xót Chúa đã dùng một nữ tu khiêm hạ Dòng Đức Mẹ Nhân Lành người Ba Lan, chị Faustina, để mạc khải tình thương của Ngài cho nhân loại. Cũng một người con ưu tú của Ba Lan, ĐTC Gioan Phalô II, với Tông thư Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (Dives in Misericordia) đã dạy cho toàn thể Giáo Hội và thế giới hiểu lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Chính Ngài dạy mừng kính trọng thể Lễ Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật II Phục Sinh và ban ơn toàn xá, với các điều kiện thường lệ, ít ra đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý ĐTC, cho những ai quyết tâm từ bỏ tội lỗi và tham dự các việc đạo đức tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa trước sự hiện diện của Thánh Thể, đặc biệt ngày Chúa nhật hôm nay.

Sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa mạc khải qua thánh nữ Faustina giờ được phổ biến ngày càng rộng rãi, qua bức ảnh Trái Tim Chúa Giêsu toả ra hai nguồn ánh sáng trắng và đỏ, biểu tượng máu và nước đổ ra cho đến giọt cuối cùng vì yêu nhân loại. Tạ ơn Chúa, Giáo phận chúng ta cũng sắp khai trương Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa Liễu Đề, và những nhóm sốt sắng lần chuỗi lòng thương xót Chúa mỗi 3 giờ chiều, (và vào những lúc thuận tiện khác trong ngày nữa), cũng đang được gia tăng đó đây. Xin cho chúng ta ngày càng đi sâu vào và cảm nghiệm thấm thía lòng thương xót bao la, dịu dàng, cảm thông và tha thứ của Chúa, tín thác tuyệt đối vào tình yêu lớn nhất của Trái Tim Chúa Giêsu, đã tuôn đổ đến giọt máu và nước cuối cùng vì thương muốn cứu độ hết mọi người. Quả thế, người ta dùng biểu tượng trái tim để nói lên tình yêu: khi yêu nhau hạnh phúc thì vẽ hai trái tim đan kết cùng nhau, khi yêu nhau mà đau khổ vì trắc trở thì cho thêm mũi tên đâm xuyên cả hai trái tim đang bó chặt vào nhau, khi yêu mà không được yêu hay bị phản bội thì vẽ một trái tim đơn lẻ có mũi tên rớm máu đâm xuyên, v.v. và v.v. Qua bài Phúc Âm theo thánh Gioan (Ga 20,19-31) vừa công bố, hôm nay tôi xin chia sẻ về ba trái tim:

1. Trái tim của Chúa Giêsu

Sau cái chết khổ hình thập giá của Chúa Giêsu, các tông đồ rất lo sợ, nay nỗi hoang mang về việc Chúa đã sống lại càng làm họ lo sợ hơn nên chỉ họp nhau trong nhà, cửa đóng then cài thật chặt. Chúa Giêsu không bỏ mặc các tông đồ. Ngài đã thương đến với họ, dù cửa vẫn đóng kín, đứng giữa họ và ban bình an cho họ. Chúa Giêsu cho họ xem tay và cạnh sườn với các dấu đinh để họ biết thật là Chúa, không còn hoài nghi nữa. Rồi Ngài thổi hơi ban Chúa Thánh Thần và quyền tha tội để sai họ ra đi mang tình thương cứu độ của Chúa cho mọi người.

Ông Tôma vắng mặt hôm ấy. Anh em đã nói lại cho nhưng ông không tin, đòi kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay ông vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Tám ngày sau, Chúa Giêsu đã thương xót chiều lòng Tôma cứng tin, đến ban bình an và mời gọi ông hãy đưa tay ra chạm vào cạnh sườn Chúa để tiếp xúc với Trái Tim đầy lòng thương xót của Chúa, nhờ đó ông đã mạnh mẽ tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa của mình.

Cùng với Tôma, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa về sự phục sinh của Chúa, đang sống trong một thể trạng mới, không bị lệ thuộc vào thân xác, nên luôn gần gũi với chúng ta, như Ngài đã phán: “Thầy không bỏ các con mồ côi đâu… Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế.” Chúng ta hãy luôn nhìn kỷ vào trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu hằng tha thứ muôn vàn tội lỗi của chúng ta. Và hãy để Trái Tim Chúa chạm vào trái tim chúng ta, đánh động và biến đổi chúng ta.

2. Trái tim của chúng ta.

Chúng ta không chỉ muốn chạm vào trái tim của Chúa, mà còn muốn được Chúa chạm vào trái tim của chúng ta. Như người phong cùi đưa thịt da biến dạng của mình cho Chúa chạm vào chữa lành cho, chúng ta cũng đưa linh hồn biến dạng vì tội lỗi của chúng ta cho Chúa, xin Ngài chạm vào và chữa lành chúng ta, đặc biệt qua bí tích Giải Tội. Thánh nữ Faustina, vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa nói rằng tất cả những gì cần thiết là chúng ta phải mở rộng con tim chúng ta ra cho Chúa vào ngự trị, vì Ngài sẽ đến không như vị thẩm phán chí công, mà là vị cứu tinh đầy lòng thương xót. Ai từ chối đi qua cánh cửa Lòng Thương Xót, tất sẽ phải đi qua cánh cửa Công Lý.

Mẹ Maria, Đấng đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu Con Mẹ, được mô tả với trái tim bị bảy lưỡi đòng đâm thâu, cũng nhắc nhở chúng ta phải thay đổi đời sống, từ bỏ tội lỗi... Hãy tôn kính và cầu khẩn lòng Thương Xót Chúa và thực hành lòng thương xót với mọi người, vì Thiên Chúa không thương xót kẻ không biết xót thương người khác. Chúng ta hãy để ngón tay thánh thiện của Chúa chạm vào tất cả những gì trong chúng ta cần được ân sủng Chúa chạm tới, nhất là qua bí tích giải tội, giao hòa và tha thứ.

Chúa Giêsu không chỉ ban quyền “tháo gỡ hay cột buộc”, “tha giải hay cầm giữ” cho các tông đồ, các Giám mục và linh mục, mà còn trao ban và đòi hỏi mỗi người chúng ta nữa trong việc tha thứ và mang lại bằng an tâm hồn cho nhau và cho người khác. Thật là đáng sợ và nguy hiểm điều kiện mà chúng ta đặt ra cho Chúa trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha lỗi chúng con như chúng con tha thứ cho những ai lầm lỗi với chúng con”. Chúng ta đã tha thứ cho nhau và cho người xúc phạm đến chúng được bao nhiêu, mà chúng ta cả dám chỉ đòi xin Chúa tha thứ cho chúng ta cũng bằng bấy nhiêu thôi?! Chúng ta đong bằng đấu nào thì Chúa sẽ đong trả lại cho chúng ta bằng đấu ấy, vì Người sẽ xét xử ai nấy tùy theo việc họ đã làm. Lạy Chúa, xin cho chúng con cũng có lòng thương xót như Chúa đã thương xót chúng con.

3. Trái tim của những người sống xa Chúa.

Trái tim thương xót khao khát tình yêu của Chúa Giêsu thường chỉ gặp được sự vô ơn gây tổn thương và xúc phạm của các linh hồn. Chúa Giêsu đã tỏ rất thánh trái tim Chúa cho bà thánh Magarita Maria Alacôquê và giải thích nỗi đau khổ lớn nhất của Chúa là sự vô ơn bạc nghĩa của các linh hồn: “Đây là trái tim yêu thương loài người quá bội, mà loài người lại vô tình tệ bạc và còn khinh mạn dễ duôi. Phần con, con hãy an ủi trái tim Ta.”  

Qua sứ điệp từ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được cho biết nỗi đau ê chề nhất của Chúa là sự hờ hững nguội lạnh, tội lỗi xúc phạm và những bất trung của những tâm hồn thánh hiến, linh mục và tu sĩ chúng ta. Chúng ta hãy để Lòng Thương Xót Chúa chạm vào trái tim chúng ta, tha thứ, biến đổi và thánh hóa chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể đưa trái tim khao khát của Chúa đến với các linh hồn, và đem các linh hồn đến với Trái Tim nhân hậu của Chúa, nhờ lời cầu nguyện, những hy sinh và nỗ lực họat dộng tông đồ của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã làm gương cho chúng con về tình yêu và lòng thương xót của Chúa qua việc Chúa đã hiện ra với các tông đồ và sự quảng đại tế nhị của Chúa đối với Tôma, nhất là sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa gửi gắm cho chúng con nơi thánh nữ Faustina. Xin cho trái tim chúng con luôn tràn đầy lòng biết ơn và mật thiết với trái tim thương xót của Chúa. Chúng con xin cầu nguyện cho những người khô khan nguội lạnh cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa trong bí tích Thánh Thể và bí tích Giải tội. Xin Chúa đánh động lòng anh chị em chúng con, và đánh động lòng chúng con luôn chạy đến với lòng thương xót của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Chúa. Amen.

Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/le-long-thuong-xot-chua/