Trích từ Dân Chúa

Kinh Truyền tin lễ Chúa Ba Ngôi 2009

Bình Hòa

Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin mừng cho khắp muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Điều này cho thấy rằng đức tin vào Thiên Chúa Ba ngôi được gắn liền với việc gia nhập Kitô giáo: chúng ta mang dấu ấn Chúa Ba ngôi ngay từ khi lãnh bí tích rửa tội. Mầu nhiệm này cũng bao trùm các kinh nguyện và phụng vụ. Các kinh nguyện Kitô giáo đều được dâng lên Thiên Chúa là Cha, nhờ đức Giêsu Kitô trong sự hợp nhất của Thánh Thần. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được cử hành trong tất cả các lễ trọng.

Việc dành riêng một ngày lễ để kính mầu nhiệm này được nhen nhúm từ khoảng năm 800 bên Pháp, rồi lan rộng sang các giáo hội địa phương ben Tây Âu, và từ năm 1334 mới được cử hành trong toàn thể Giáo hội, dưới thời đức giáo hoàng Gioan XXII. Trong lịch phụng vụ trước công đồng Vatican II, mùa Phục sinh kéo dài cho đến hết tuần bát nhật sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống (lễ Ngũ tuần). Vì thế lễ Chúa Ba Ngôi ra như là một lời tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa vì đã ban cho nhân loại đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, chịu chết và sống lại, và đã ban Thánh Thần, đấng thánh hoá.

Bài huấn dụ của ĐTC trưa Chúa nhựt hôm qua muốn trình bày nội dung của mầu nhiệm Chúa Ba ngôi, đó là Tình yêu trao ban. Mọi thọ tạo đều mang dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi bởi vì tất cả chúng ta đều khát khao yêu thương và được yêu. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến,
Sau mùa Phục sinh, với tột đỉnh là lễ Ngũ Tuần, phụng vụ mửng ba lễ trọng kính Chúa: hôm nay lễ kính Chúa Ba Ngôi; thứ 5 sắp tới là lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, tuy rằng tại nhiều nơi sẽ được mừng vào chúa nhựt kế tiếp; và sau cùng, vào thứ 6 sau đó là lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Mỗi lễ trọng này làm nổi bật một viễn tượng của toàn bộ mầu nhiệm đức tin Kitô giáo, đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba ngôi, bí tích Thánh Thể và trung tâm của Đức Kitô là Thiên Chúa và là con người. Thực ra đó là những khía cạnh của một mầu nhiệm cứu độ duy nhất, và nói được là tóm lược tất cả hành trình mặc khải của Chúa Giêsu, từ lúc nhập thể cho đến lúc tử nạn và phục sinh, và sau cùng là lên trời và trao ban Thánh Linh.

Trong lễ trọng hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng Ba ngôi chí thánh như Chúa Giêsu đã tỏ bày cho chúng ta biết. Người đã mặc khải rằng Thiên Chúa là tình yêu, “không phải là trong sự duy nhất của một ngôi vị, nhưng là trong tam vị đồng bản thể” (Kinh Tiền tụng). Thiên Chúa là Đấng Tạo thành và Cha khoan nhân; là Thánh tử duy nhất, Đấng Cao minh hằng hữu đã nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta; là Thánh Linh chuyển động mọi sự, trong cuộc tạo dựng cũng như trong lịch sử, hướng đến cuộc kết tụ chung tất. Ba Ngôi vị là một Thiên Chúa duy nhất, bởi vì Chúa Cha là Tinh yêu, Chúa Con là Tình yêu, Thánh Linh là Tình yêu. Thiên Chúa tất cả là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi, tình yêu tinh ròng, tình yêu vô biên và vô tận. Thiên Chúa không sống trong cô độc cao vời, nhưng là suối nguồn không cạn của sự sống hằng ban phát và trao đổi liên tục.

Chúng ta có thể phần nào cảm được điều đó khi quan sát đại vũ trụ là địa cầu, các hành tinh, các tinh tú và dải ngân hà, hoặc khi quan sát tiểu vũ trụ: các tế bào, các nguyên tử, các hạt nhân. Trong tất cả mọi vật hiện hữu đều mang dấu của “danh thánh” Chúa Ba ngôi, bởi vì mọi hữu thể, ngay cả những hạt nhân li ti, đều sống trong tương quan, và làm hiển hiện Thiên Chúa của tương quan, hiển hiện Tình yêu tạo dựng. Tất cả mọi vật bắt nguồn từ tình yêu, hướng đến tình yêu, và chuyển động dưới sự thúc đẩy của tình yêu, dĩ nhiên là với những cấp độ khác biệt về nhận thức và tự do.

Vịnh gia đã thốt lên: “Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả điạ cầu” (Tv 8,2). Khi nói đến “danh” của Thiên Chúa, Kinh thánh hiểu về chính Thiên Chúa, nghĩa là căn cước của Ngài, căn cước được phản chiếu trên hết mọi thọ tạo, nơi mà mọi hữu thể, do chính sự hiện hữu của mình và do bản tính được dệt nên, đều quy hướng về một Nguyên lý siêu việt, và Sức Sống vĩnh cửu và vô biên tự ban mình, nói tắt, hướng về Tình Yêu.

Thánh Phaolô đã tuyên bố tại Nghị viện Athene: “Trong Ngài chúng ta sinh sống, chuyển động và hiện hữu” (Cv 17,28). Bằng chứng hùng hồn nhất của việc chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Chúa Ba Ngôi là duy chỉ có tình yêu mới làm chúng ta được hạnh phúc, bởi vì chúng ta sống trong tương quan, chúng ta sống để yêu và được yêu. Dùng một thuật ngữ sinh học để so sánh, có thể nói được là bản tính con người mang trong “gen” dấu vết sâu đậm của Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình yêu.

Đức trinh nữ Maria, trong đức tính khiêm tốn và thuần thục, đã trở nên nữ tì của Tình yêu Thiên Chúa: Người đã đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, đã thụ thai Chúa Con do quyền năng Thánh Linh. Nơi Người, Đấng Toàn năng đã xây cất một cung điện xứng hợp, và đã làm nên khuôn mẫu và hình ảnh của Hội thánh, là mầu nhiệm và ngôi nhà thông hiệp cho hết mọi người. Xin Mẹ Maria, là bức gương phản chiếu Ba Ngôi chí thánh, giúp cho chúng ta được tăng trưởng trong đức tìn vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Bình Hòa

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/kinh-truyen-tin-le-chua-ba-ngoi-2009/