Trích từ Dân Chúa

Hy Lễ Lòng Thương Xót

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Hy lễ là hiến vật được làm cho trở thành thiêng liêng cao quý, dâng lên thần linh và chỉ có thần linh mới nhận lãnh hy tế của con người dâng lên. Hy tế do đó bày tỏ sự quy phục về thần linh, tỏ bày sám hối, tạ tội và yêu mến của con người hướng về thần linh đó.

Hy lễ dâng lên Thiên chúa là Đấng cao cả nhất thì không thể do tay con người tội lỗi dâng lên được mà do chính Con Người vô tì tích mới có thể dâng lên xứng đáng. Trong Thánh Lễ, chúng ta có vị Thượng Tế cao cả vô tì tích là Chúa Giêsu Kitô. Ngay trong chính Người Con trở thành hiến lễ, hy tế đã trở thành Của Lễ đền tội cho nhân loại, trở thành Hy Tế tạ ơn đẹp lòng Cha mọi đàng và cũng là Hy Tế muôn đời dâng hiến Cha. Chúa Kitô là hy lễ của lòng Chúa xót thương.

Hy Lễ lòng thương xót:

Hiến tế là một hành động làm cho lễ vật trở thành thiêng liêng thuộc về Thiên Chúa, là một hành vi dâng hiến không thuộc về sở hữu trần thế nữa mà thuộc về Thiên Chúa. Hy lễ hiến tế, vì thế không phải của lễ nào cũng dâng được đối với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Tội lỗi càng lớn giá chuộc càng cao, Thánh Lễ là hy lễ đền tội trong Chúa Giêsu, “Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Chúa Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” (Dt 7, 26). Thánh lễ dâng trong Chúa Giêsu đã được máu Ngài đổ ra trên Thập Giá thanh tẩy mọi hậu quả tội lỗi, tội lỗi bị phá hủy, con người được tha tội.

Hy Lễ đền tội mang tâm trạng con người, khao khát trở về giao hòa với Thiên Chúa, ước ao dâng gì đó thân thiết nơi con người để được xá tội, mà của lễ con người dâng, dù là chính mình cũng không đủ vẹn toàn để dâng lên Chúa Cha, tất cả cần nhờ đến vị Thượng Tế thánh thiện là Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, chẳng ai có thể dâng gì lên Chúa Cha mà mong xá tội cho mình được, chỉ có thể tháp nhập những của lễ dâng đời mình trong Chúa Giêsu, để trong lễ tế của Chúa Giêsu trở thành hy lễ của lòng thương xót.

Lòng thương xót Chúa và việc đón nhận của người tội nhân.

Chúng ta nhớ đến lời của tên trộm lành cùng bị treo lên thập giá trong ngày Chúa Giêsu chịu nạn: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! " Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! " (Lc 23, 40 – 43). Của lễ đền tội chỉ xứng hợp khi con người nhận lãnh trách nhiệm về mình, con người nhận lãnh hậu quả do tội lỗi gây ra dù không do mình nhưng do có tính liên đới, để được xin dâng chính bản thân mình như của lễ đền tội: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10, 7 - 9)

Trong hành vi chối bỏ những gì thuộc về mình liên hệ với trần thế vì lòng yêu mến Thiên Chúa, hay với một tâm tình thụ tạo hướng trọn vẹn về Thiên Chúa, là biểu hiện của hiến tế. Trong Cựu Ước hành vi hiến tế là cử chỉ bày tỏ quy thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn; trong đời sống tử đạo, ý nghĩa sống trong Thiên Chúa hiến dâng đời mình làm của lễ; trong đời sống tội nhân, của lễ là những lỗi phạm để xin lòng thương xót của Chúa.

Lòng thương xót của Chúa đón nhận của lễ dâng.

Kết thúc của bài Magnificat, Mẹ Maria cầu khẩn đến lòng thương xót của Chúa trong phận đời bé mọn của mình: “như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1, 55). Lòng thương xót của Thiên Chúa là biểu lộ nơi con người mọn hèn sống phó dâng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa thương xót tội nhân, con người dù thánh đi mấy chăng nữa cũng là nhờ lòng thương xót Chúa mà không phải sa vào tội mất linh hồn. Cả tội nhân và thánh nhân đều cần nhờ đến lòng thương xót Chúa. Thánh Phaolô kinh nghiệm điều này: “Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!” (Ep 2, 3 – 5).

Lòng thương xót của Thiên Chúa là tâm điểm của đời sống đức ái. Như dụ ngôn người cha nhân hậu, con người cũng hãy tha thứ cho nhau, như con chiên bị mất hay như đồng bạc bị đánh mất được Thiên Chúa tìm về, con người cũng đi tìm nhau để đưa về cùng Thiên Chúa (xem ba dụ ngôn về lòng thương xót Lc 5). Căn nguyên của đời sống đức ái được xây dựng trong lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô”. (Ep 4, 31- 32)

Hy lễ của lòng thương xót là của lễ đời mình được Thiên Chúa đón nhận, thực hành với lòng thương xót của Chúa là thi hành theo ý muốn của Thiên Chúa và sống đức ái của lòng thương xót của Thiên Chúa là theo lòng thương xót Chúa đã yêu thương chính mình thế nào thì cũng hãy yêu thương anh chị em mình như vậy.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/hy-le-long-thuong-xot/